Vanhaiphong giới thiệu một truyện ngắn hay đăng trên TUỔI TRẺ CHỦ NHẬT
Khi mà sao chổi Hale-Bopp đi qua thì tôi đang nằm trên mái nhà. Ban đầu, tôi thấy nó rất mờ, rất nhạt. Tôi thấy nó như vừa chui ra khỏi một đám mây, trước là một cái đầu nhỏ, tiếp theo sau là một chùm sáng đục mà càng lúc càng mượt mà hơn, uyển chuyển như một cái đuôi chồn dựng ngược…
Vanhaiphong giới thiệu một truyện ngắn hay đăng trên TUỔI TRẺ CHỦ NHẬT
Khi mà sao chổi Hale-Bopp đi qua thì tôi đang nằm trên mái nhà. Ban đầu, tôi thấy nó rất mờ, rất nhạt. Tôi thấy nó như vừa chui ra khỏi một đám mây, trước là một cái đầu nhỏ, tiếp theo sau là một chùm sáng đục mà càng lúc càng mượt mà hơn, uyển chuyển như một cái đuôi chồn dựng ngược.
Tôi biết chắc chính là nó cho dù chỉ nhìn bằng mắt thường, bởi so với những chùm sao quen thuộc khác thì nó có một vẻ kỳ dị, như một thiếu nữ chưng diện bộ áo váy sáng rực kim tuyến đi dự hội đêm hè.
Tôi không biết nó xuất hiện đã bao lâu rồi trước đó. Lẽ ra tôi đã phải leo lên mái nhà sớm hơn, như mọi ngày, để đáp lưng trần xuống cái mái tôn quen thuộc ấy, nơi mà tôi chỉ buộc phải rời khỏi đó vào những đêm mưa. Nếu không, thì tôi đã được chiêm ngưỡng lâu hơn nữa cái cảnh tượng cực kỳ hiếm hoi chỉ diễn ra sau hàng bao nhiêu đời người. Nhưng tối hôm đó, tôi đã bất chợt chợp mắt, không chỉ vì mệt mà còn vì cái lạnh đầy quyến rũ tỏa ra từ những mái tôn nghiêng nghiêng hai mươi ba độ rưỡi ấy.
Chính xác là hai mươi ba độ rưỡi. Khi xây nhà, cha tôi đã không hề tuân theo bất kỳ một kiến trúc nào cả.
– Tao đã ở cái nhà này hai mươi năm nay. Tao biết cần phải xây như thế nào. – Ông nói.
Những bản vẽ của các kiến trúc sư kinh nghiệm lẫn những ý kiến đóng góp của đám sinh viên xây dựng đang tập tành đi vào thực tế đều bị gạt bỏ không thương xót. Không có gì lay chuyển được ông. Và cứ dựa trên tinh thần lãnh đạo đó mà ngôi nhà mọc lên từ từ, chậm rãi, bởi không ai muốn làm trước những mệnh lệnh tùy hứng và thường khi trái ngược với những nguyên tắc cơ bản của vị chủ nhà vừa uy quyền, vừa chủ quan ấy. Trưởng nhóm xây dựng là người hết sức cẩn thận và biết điều khi nhường hẳn quyền quyết định cho cha tôi ngay sau những xung khắc đầu tiên, và vào một đêm của tháng thứ sáu kể từ ngày ngôi nhà cũ bị đập nát để làm nguyên liệu cơ bản cho cái nền của ngôi nhà mới, thì cha tôi, lúc ấy hãy còn ngủ ngoài trời trống hoang hoác vì mùa khô năm nay quá sức nóng nực, không hề có một ngọn gió lẫn giọt mưa, đã bị đánh thức bởi người đội trưởng tận tình và cẩn thận.
– Ngày mai chúng tôi sẽ bắt đầu làm mái nhà. – Ông đội trưởng nói nhỏ.
Cha tôi gật gù:
– ừ, thì cứ làm.
Người đội trưởng có quá thừa kinh nghiệm trong những trường hợp này.
– Tôi hỏi xem ông muốn làm như thế nào. Làm mái nhà là một việc quan trọng, tất cả mọi người trên trái đất này đều phải sống dưới những mái nhà. Có tương lai hay không cũng tùy thuộc vào mái nhà.
– Đúng đấy – Cha tôi ngẫm nghĩ – Vậy thì, tôi muốn có một mái nhà mầu sáng, và nghiêng.
– Mái tôn mầu sáng, và nghiêng. Tất nhiên rồi. – Người đội trưởng vẫn nghiêm nghị.
– Nhưng nghiêng như thế nào. Bao nhiêu độ?
Cha tôi lộ vẻ hoang mang, nhưng vốn là người không bao giờ muốn để người khác thấy sự mất chủ động của mình, ông hỏi ngược lại.
– Trái đất này quay theo một trục nghiêng. Cái trục ấy nghiêng bao nhiêu độ?
Lần này đến lượt ông đội trưởng lúng túng, và phải mất hai giây cho một câu trả lời.
– Hình như hai mươi ba độ rưỡi.
– Vậy thì hãy làm cho tôi một cái mái nhà nghiêng hai mươi ba độ rưỡi. Thật chính xác, không được sai một ly. – Cha tôi ra lệnh, kết thúc vấn đề hệ trọng ấy bằng cách nghiêng lật người sang một bên, và như thường lệ giấc ngủ đến với ông nhanh ngay lập tức.
Cuối cùng thì mái nhà cũng đã làm xong, nó nghiêng nghiêng theo một góc nào đó mà bất kỳ ai khi nhìn ngắm cũng không thể không nhận thấy được sự hòa hợp dễ chịu của nó đối với mình.
– Mái nhà trông rất thoải mái – Mọi người nhận xét.
– Bởi vì nó nghiêng hai mươi ba độ rưỡi. – Cha tôi khẳng định.
Tuy nhiên, những ngày đầu tiên ở trong ngôi nhà mới luôn luôn có một cảm giác lạ thật khó chịu. Mùi vôi vữa, mùi sơn cửa, mùi của vecni đánh trên gỗ chưa kịp khô khiến không ai có thể ngồi lâu được nửa ngày.
– Đó là do nhà mới. – Cha tôi trấn an. – Chưa kịp có hơi người.
Vợ tôi đã sửa chữa thiếu sót ấy bằng những sai lầm. Trước tiên là vào dịp cuối năm, nàng đã hào phóng trích hẳn ra một phần tiền dành dụm còm cõi để mua những cái chậu hoa kiểng sặc sỡ, với tham vọng không hề che giấu.
– Qua năm, em sẽ trồng chúng thành một rừng hoa trong nhà.
Nhưng tham vọng ấy nhanh chóng lụi tàn chỉ mươi ngày sau. Nàng đã phải nhọc công đi hốt hết lá khô cành khô rơi rụng mỗi ngày, mà lòng vẫn hy vọng những cây ấy chẳng qua đang tiến hành một quá trình thay da đổi thịt, để cuối cùng có một phát hiện muộn màng là những cây kiểng ấy được người bán trồng đơn giản bằng cách cắm thẳng vào đất mà không hề có một cọng rễ nào khả dĩ có thể nuôi sống được chúng cho tới mùa ra hoa tới. Sau đó nàng tiếp tục thực hiện sai lầm kế tiếp là mua một chiếc lồng chim tuyệt đẹp có chạm trổ vài đường viền theo phong cách lăng tẩm của vua quan triều Nguyễn.
– Để cho vui cửa vui nhà khi gia đình ta chưa có trẻ con.
Chú chim nhỏ bé mà lanh lợi, cứ líu lo hót suốt những ngày mới về. Thế nhưng chàng chim ấy cũng chỉ mua vui được một vài hôm. Sau đó là một cảnh tượng ủ rũ, với lông cánh, lông đuôi xơ xác rơi xuống sàn. Và để tránh một kết cuộc bi thảm đang diễn ra từng ngày từng giờ trong ngôi nhà, vợ tôi đã vội vàng giúi cái lồng son với con chim tội nghiệp đang thoi thóp cho thằng bé đổ rác vào một buổi trưa.
– Nó sẽ biết cách chăm sóc con chim.
Vợ tôi nói, giũ sạch nỗi ăn năn với sinh vật bé bỏng ấy một cách nhẹ nhàng như vậy.
Nhưng sau những câu chuyện ấy thì mọi người cũng đã bắt đầu quen với ngôi nhà mới. Tất cả nhận ra rằng, cái hơi người cần có thường được nói đến, chính là kỷ niệm, không có gì gần gũi với người hơn là những kỷ niệm. Giờ thì mọi người đã có những kỷ niệm mới, đã có thể nhìn quanh mà nhớ được những sai lầm của vợ tôi đang diễn ra ở đâu. Này là ở bốn góc nhà, nơi từng đặt những chậu kiểng, này là hiên nhà, nơi từng trú ngụ của con chim tội nghiệp với chiếc lồng son. Chỉ có tôi là không quen được với nơi ở mới, không quen ở mà trên đầu bị che bởi một mái nhà, và chung quanh là những bức tường có cửa sổ trổ ra lưng những tường nhà hàng xóm. Tôi đã nhiễm phải thói quen sống ngoài trời trong suốt thời gian xây nhà, ấy là thói quen được ngắm những ngôi sao hằng đêm. Cái thói quen mới đã dễ dàng xóa đi hoàn toàn những thói quen và sở thích khác mà tôi đã tích lũy được trong suốt hàng mấy mươi năm sống trên cõi đời này. Và thế là hằng đêm, tôi leo lên mái nhà, tựa cái lưng trần vào mái tôn lành lạnh nghiêng hai mươi ba độ rưỡi, hai chân khép lại xuôi theo sóng tôn về dưới, hai tay khoanh trên ngực và mắt ngước nhìn lên bầu trời đen thăm thẳm đầy sao. Mỗi đêm tôi cứ nằm như thế hàng giờ liền, sung sướng vì chung quanh không có những bức tường, trên đầu mình chỉ một bầu trời, một bầu trời lớn mênh mông, và không hề bị chia sẻ. Có rất nhiều sao trong bầu trời đó, cứ mỗi ngày lại có một bố cục những sao khác nhau. Và cứ hàng tháng lại có trăng xuất hiện. Nói chung tôi không thích trăng, vì nó sẽ luôn luôn to quá, tròn quá, sáng quá. Trăng cứ như một thiếu nữ đến hoặc sẽ đến trước ta với khuôn mặt đầy son phấn, nhìn thẳng vào ta với cái nhìn lạnh lẽo và bỡn cợt, rồi nói: Tôi rất đẹp, đúng không? Mà ta thì không thể có một lời nào khác ngoài việc phải thừa nhận sự thật đó. Tôi không thích cái kiểu sỗ sàng ấy, tôi chỉ thích tìm những ngôi sao. Phải tìm. Có những lúc ngay nơi ấy không hề có một ngôi sao nào, nhưng trong chớp mắt lại có một đốm sáng xuất hiện bé tí như đầu kim, để rồi khi bạn chưa kịp kìm giữ lại thì chỉ một cái chớp mắt, nó biến mất khiến không thể biết được thực hư. Và cứ như thế, bạn có thể chơi cái trò này mãi, mà càng chơi càng bị hút vào, như một thứ đam mê không sao dứt ra được, để rồi mỗi buổi sáng bạn lại buộc phải mong chờ đến đêm tối để được ngắm, được chơi cái trò trốn tìm bất tận đó.
Vợ tôi rất không hài lòng với đam mê này của chồng. Đối với nàng, tất cả những lý do tôi đưa ra đều không thể biện minh được cho một hành động điên rồ như thế, dù đó là một lối thoát cho những công việc cụ thể mà đơn điệu, hay nhằm chống đỡ những rỗng tuếch mơ hồ cứ ngày lại ngày gặm mòn hết những ý chí muốn được suy nghĩ một cái gì đó thật riêng biệt cho mình. Nàng tuyên bố rằng không có gì tồi tệ cho bằng việc hàng đêm chồng cứ len lén leo lên mái nhà mà ngắm sao trời, bỏ mặc vợ ngồi tù túng ở dưới nhà trong tiếng choang choang của hết bình luận viên thể thao đến bình luận viên thời sự trên truyền hình. Nhưng nàng cũng chưa thể tìm ra được một lý do nào đủ mạnh để có thể kết liễu công cuộc leo trèo tìm tự do của tôi cho đến một ngày tháng Tư nóng bức, lúc ấy tôi đang ở trần, đặt bước đầu tiên lên nấc thang tre dẫn từ bếp lên mái nhà thì nàng thông báo.
– Trong tháng này sẽ có sao chổi Hale-Bopp đấy, độ cao từ mười đến hai mươi lăm độ Tây Tây Bắc.
Tôi sửng sốt. Tôi chưa hề ngờ đến điều này bao giờ. Tôi đứng cheo leo trên thang, hoang mang. Hale-Bopp. Tôi sẽ được trông thấy nó sao. Vợ tôi bình tĩnh tiếp.
– Và anh sẽ không bao giờ được leo lên mái nhà nữa sau khi ngắm được nó.
Đó là một thỏa thuận hợp lý. Bởi Hale-Bopp chỉ quay lại với trái đất sau mỗi hai ngàn bốn trăm năm. Tôi biết rõ như thế. Tôi còn biết rằng cho dù cái đuôi của nó dài đến hơn một triệu kilômét thì cũng không dễ gì mà bắt gặp được bằng mắt thường, nhất là trong tuần trăng sáng này.
– Anh phải lên mái nhà sớm hơn một chút vì nó chỉ xuất hiện khi trời vừa tối. – Vợ tôi nhắc nhở.
Vào giờ ấy, mái tôn hãy còn âm ấm nóng bởi giấc trưa dài mênh mang nắng. Phần da lưng của tôi dán vào mái tôn cứ rìn rịn mồ hôi. Khi tôi nằm dài, tôi có thể trông thấy hai mũi chân của mình chúc lại ở phía dưới kia. Tôi nằm nghiêng đầu qua hướng Tây Tây Bắc một chút, và chọn một cái tư thế nhẹ nhàng nhất với những khớp xương ở khuỷu tay, khuỷu chân sao cho có thể nằm lâu được mà không mỏi. Và trong những ngày chờ đợi khi nằm như thế, thỉnh thoảng tôi bắt gặp một làn khói nhè nhẹ đi lên từ mái nhà bên, một vài ngọn lá khô trượt xuống máng nước và một bãi cứt mèo còn mới tươi.
Lúc chưa có sao chổi xuất hiện thì tôi thường hay nghĩ. Tôi nghĩ là tôi sẽ làm gì vào năm ba mươi tuổi. Có lẽ cũng không có gì thay đổi nhiều. Rồi tôi nghĩ là tôi sẽ làm gì vào năm bốn mươi tuổi. Lúc ấy có lẽ tôi đã chậm đi nhưng chắc cũng vẫn đang đi làm thôi. Người ta nói tuổi ấy mới là tuổi chín muồi. Khi tôi chín muồi vào tuổi đó thì tôi sẽ có gì trong tay nhỉ? Tôi không rõ.
Nhưng nói thiệt tình là tôi không biết, bởi bây giờ tôi cũng đã có thể ngồi ở nhà mà biết chiến sự đang diễn ra ở đâu qua cái ti-vi, tôi đã có thể uống bia lúc nào cũng sẵn trong tủ lạnh. Tôi đâu cần kiếm thêm hai cái tủ lạnh hay hai cái ti-vi để trong nhà mà làm chi. Lúc ấy điều quan trọng nhất có thể có được là những đứa con. Có lẽ lúc ấy tôi sẽ lo cho những đứa con. Rồi tôi nghĩ là tôi sẽ làm gì vào năm năm mươi tuổi. Lúc ấy tôi không thể ôm mãi cái cặp mà đi đến người này người nọ chào hàng như bây giờ. Vả lại người ta cũng không cần một nhân viên già nua như thế cho dù là mẫn cán tuyệt đối đi nữa.
Nói chung, những khi nằm chờ sao chổi tôi thường nghĩ rất nhiều như vậy. Nhưng không phải lúc nào cũng nghĩ quá xa, đôi khi tôi nghĩ rất thực tế, chẳng hạn như tôi bây giờ là một gã rất to rất khỏe. Chẳng hạn như tôi không thích ở trong nhà, mà thích ở ngoài trời. Tôi thèm hít thở khí trời ghê lắm. Nói cái này hơi bậy, nhưng hồi còn nhỏ, lúc nào tôi cũng thích ở truồng. Tôi ở truồng mọi nơi nào có thể được, nhất là những khi chạy ngoài mưa. Những đêm hè không có mưa thì tôi thích tắm ngoài trời, tôi thích dội nước ào ào, nước lạnh ngắt kéo lên từ giếng. Tôi cũng thích ngủ dưới những tán cây, nhất là những đêm mà có gió luồn qua ngực, qua tóc. Tôi thích những điều đó ghê lắm.
Sau một tuần tôi canh giữ sự xuất hiện của Hale-Bopp trên mái nhà, cha tôi tuyên bố.
– Mày sẽ chẳng làm một cái gì cho ra hồn được.
Nhưng đây không phải là lần đầu tiên tôi nghe một câu như thế. Đối với cha tôi thì người ta sinh ra trên đời này không phải là để ăn, ngủ, kiếm tiền phục vụ chuyện ăn ngủ rồi chết. Theo ông thì làm một con người còn khó khăn hơn nhiều. Và không chỉ có mỗi một mình cha tôi có ý kiến như thế. Có lần tôi nghe người ta ca ngợi một nhà thơ trên truyền hình:
– Ông ấy không chỉ là một nhà thơ mà còn là một con người.
Là một con người. Tôi chắc chắn khi mà thốt ra một cấu trúc câu như thế thì con người đang được viết hoa, và nhấn mạnh rằng không phải ai cứ sống là đã đảm bảo thành một con người được. Phần tôi thì tôi rất tiếc, tôi mong được nói một trăm ngàn lần để xác nhận với một trăm ngàn người mà tôi có thể gặp rằng từng người, từng người một, tất cả đều là những con người. Có những người mà tôi rất ghét, nhưng tôi cũng sẽ nói với họ như thế, bởi tôi thấy làm con người tưởng cao ráo lắm, nhưng ê ẩm có thừa.
Người ta phân biệt nhau ra người tốt, người xấu, trong khi xấu hay tốt gì thì cũng đều do chính người nhào nặn nhau mà nên. Tôi biết cái sao chổi Hale-Bopp không phải lần đầu tiên đến trái đất này, nó đã từng du hành ngang qua đây hơn hai ngàn bốn trăm năm trước. Tôi không hình dung được hai ngàn bốn trăm năm trước có những ai là ai, có tên tuổi gì, có địa vị gì, có những vinh quang hay thống khổ gì. Tôi cũng không biết hai ngàn bốn trăm năm sau thì những ai là người sẽ là gì.
Tôi không biết những điều đó bởi tôi sẽ thành cát bụi chỉ chừng năm mươi năm nữa. Tôi muốn chia sẻ ý nghĩ mà cha tôi gọi là điên rồ ấy cho những ai tôi gặp được. Nếu mà tôi có thể bỏ công việc trong một thời gian dài mà không bị chết đói, thì tôi sẽ đi xa. Đi chỉ để làm một công việc hết sức đơn giản. Trước tiên tôi sẽ đến nhà thơ nọ và xin được nói lại: ông không chỉ là một con người mà còn là một nhà thơ. Tiếp đó là bất kỳ ai tôi gặp trên đường. Tôi sẽ xin phép xác nhận với từng người một.
– Anh không chỉ là một con người mà còn là thợ mộc.
Hay
– Chị không chỉ là một con người mà còn là một phụ nữ đẹp.
Và nếu có thời gian, tôi sẽ tán gẫu với họ rằng, khoảng cách từ trái đất đến mặt trăng là ba trăm ngàn kilômét. Từ quả đất đến mặt trời là một trăm năm mươi triệu kilômét. Từ nhà tôi đến nhà bạn là một trăm mét mà chúng ta gặp nhau mỗi năm chỉ có một lần. Và như thế thì chúng ta mới nhỏ bé làm sao. Quá nhỏ bé để có thể phân cấp hay so nhau một tiếng nói. Cho dù ta có đáng là người hay không đi nữa thì ngay cả khi tựa vào nhau rồi, chính quả đất cưu mang tất cả mọi người cũng nhỏ bé nốt. Đã có số liệu rõ ràng rồi đấy.
Cứ như thế mà tôi đã nằm suốt nhiều ngày liền trên mái nhà từ sáu giờ bốn mươi lăm chiều mỗi ngày, trong khi niềm tin của mọi người đặt vào cái sự kiện ấy dần dần lụi tàn.
– Nếu có trăng thì sẽ không nhìn thấy sao chổi. – Vợ tôi đã bắt đầu muốn chấm dứt những lý do chính đáng cho việc nằm trên mái nhà của tôi.
Tôi không biết là nếu không leo lên mái nhà nữa thì sẽ làm gì ở dưới mái nhà. Vợ tôi thì lúc nào cũng có việc để làm, những công việc vặt vãnh của một phụ nữ chuyên lo cho cái tổ ấm của mình. Hoặc ngay cả khi hết việc rồi, nàng vẫn có thể bận rộn la hét con mèo với nhiệt tình không đổi cũng như thể đang loay hoay bên cái chảo bốc khói nghi ngút. Tôi cũng có thể trông thấy cha tôi vun vén cho những bụi cây con con trước cửa, miệng phàn nàn về đám con nít hàng xóm ngày càng coi thường cái uy của ông mà cứ bẻ ngang mấy cành hoa. Tôi có thể hình dung ra mọi điều thật chính xác, trừ việc tôi sẽ làm gì trong khoảng thời gian đó. Suốt một ngày sống trong khói bụi, trong tiếng động cơ xe máy, trong tiếng nói cười của những đám đông, thì đêm về tôi chỉ muốn yên lặng. Mà yên lặng thì không nơi đâu yên lặng bằng bầu trời. Thật đấy.
Hôm nay trời cứ nắng như lửa. Dưới cái nắng ấy, tôi đã chạy hết mười chín vòng để giao khung tranh cho khách hàng. Người ta trả cho tôi mười lăm ngàn một vòng. Hôm nay tôi kiếm được hai trăm tám mươi lăm ngàn. Hiếm khi nào tôi kiếm được từng ấy tiền trong một ngày, nhưng tôi cũng không kịp vui sướng với điều ấy. Tôi mệt quá. Về đến nhà mới thấy mệt, bao nhiêu thứ trong đầu quánh lại như một trái ten-nis, cứ lăn và nhảy từ góc này sang góc kia, từ mang tai trái sang mang tai phải. Tất cả là tại nắng, nắng như lửa. Tôi mệt đến nỗi chỉ muốn nằm dài ra, và quả thật tôi đã nằm dài ra. Vợ tôi cởi áo cho tôi, chậm rãi lau người tôi bằng một cái khăn khô cứng vì suốt ngày phơi ngoài nắng, những sợi lông của khăn xát lên người rát bỏng. Tôi muốn nói với nàng là hình như nó đang làm trầy da, và nàng làm ơn đi nhúng nước cái khăn ấy, nhưng tôi cũng không phản ứng được, tôi không cử động được cả bàn tay.
Tôi thức dậy khi vợ tôi đang ngồi ở góc bàn. Nàng đang đếm tiền, đang xếp những tờ năm ngàn thành từng xấp một trăm ngàn và buộc mỗi xấp bằng một sợi thun mỏng. Rồi sau đó nàng lại gỡ dây buộc, nàng xếp thành từng xấp năm mươi ngàn và buộc mỗi hai xấp bằng một sợi thun mỏng. Rồi sau đó nàng lại gỡ dây buộc, nàng xếp thành từng xấp mười ngàn và buộc tất cả bằng một sợi thun khác lớn hơn. Nàng làm tất cả những công việc đó một cách chậm rãi, cái ngực lớn tì sát vào bàn. Nàng thong thả đếm, thong thả buộc, tóc nàng lõa xõa sau gáy, màu tóc không còn tươi như ngày trước. Ngày trước tóc nàng đen nhánh, giờ thì hoe hoe vàng. Tôi không biết vì sao tóc nàng lại nhạt đi. Có những điều mà tôi không bao giờ thiết tha tìm hiểu đến nơi đến chốn, bởi những việc ấy cũng chẳng có ích gì.
– Em cảm ơn anh – Nàng cúi xuống, thì thầm. – Hôm nay nhiều tiền quá – Hàm răng nhỏ của nàng cắn vào tai và cái lưỡi vòng quanh khiến tôi rùng mình.
– Anh ngủ lâu chưa – Nàng nhẹ nhàng.
– Chỉ mới một lát thôi.
Tôi thở ra.
– Mấy giờ rồi.
– Tám giờ.
Nàng nói. Tôi bất chợt nghe lạnh suốt lưng. Tôi ngồi phắt dậy, đầu óc quay cuồng như mụ hẳn đi, chỉ trừ duy nhất một điều còn lại, là nó. Sao Chổi. Chưa bao giờ tôi có một cảm giác lạ như thế này về nó, tim tôi đập dồn và hai bàn tay lạnh có mồ hôi nhè nhẹ tứa ra. Tôi tựa cái thang tre vào tường.
– Anh điên à. Anh không thể nào trông thấy nó vào giờ này đâu – Vợ tôi gào lên khi tôi đặt chân lên nấc thang đầu tiên – Đã trễ rồi, anh lên làm gì. Suốt cả tháng nay anh ở lỳ trên đó chưa đủ sao – Nàng càng lúc càng giận dữ. Nhưng tôi cắt ngang.
– Mặc kệ anh.
Chân tôi đã chạm lên mái nhà, tôi bò chầm chậm về chỗ của mình, chân tôi giẫm phải một cái gai bông giấy khô, nhói lên. Mặc. Tôi nằm xuống, người duỗi song song theo những sóng tôn, nghiêng một góc hai mươi ba độ rưỡi, đầu quay về hướng tây Tây Bắc. Lúc này trên bầu trời phía ấy chỉ là những đám mây bàng bạc trôi trên nền đen thẫm trông như những bụi cây. Tôi cố mở mắt lớn hơn, nhìn xoáy vào đó. Dường như chỉ có một vài chấm sáng quen thuộc đang nhấp nháy cùng nhau. Tôi không định vị được những chòm sao Andromède lẫn Persée hay Pégasse, nhưng tôi luôn có một cảm giác rất thật rằng, nó ở đó, như thể Persée ở gần Hale-Bopp chứ không phải ngược lại. Và cứ thế tôi nhìn, hơi lạnh ở mái tôn tỏa ra nhè nhẹ lan man trên da thịt, và tôi thấy mắt bắt đầu mỏi, mí mắt sụp xuống. Tôi không muốn mí mắt sụp xuống vào lúc này, nhưng không thể cưỡng lại được. Tôi xuôi hai tay bên hông, tôi ngủ.
Tôi nằm mơ thấy mình đi trên một miền đất sáng. Mỗi bước chân tôi đi giẫm lên một thứ đất sáng như bạc. ở đó không có nhà máy, không có nhà ở, không có thú vật, không có cây cối. Chỉ có một mầu duy nhất là mầu sáng y như mầu của giấy bạc mà tôi vẫn thường dùng làm thủ công ngày còn bé.
Lúc ấy mẹ tôi là cô giáo. Mẹ tôi dạy rất nhiều đứa nhỏ trong một cái lớp nhỏ, cuối phòng có một cái tủ nhỏ chứa đầy giấy làm thủ công. Có giấy trơn, giấy thô, giấy bóng. Mẹ cho tôi rất nhiều giấy bóng đủ màu, xanh, đỏ, tím, vàng nhưng tôi chỉ thích mỗi một màu, màu bạc. Tôi thích ngắm nhìn nắng loang lóang trên màu bạc đó óng ánh như vàng ròng, màu lá cây trên nền bạc đó lóng lánh như suối, và cả màu của khuôn mặt tôi ngoằn ngoèo, ngoằn ngoèo, đen và nâu.
Còn bây giờ, trong giấc mơ, tôi không soi gương mặt của mình mà đi những bước chân lên lớp đất bạc xốp mịn như bánh kem khô ấy, thấy mình không hề già đi mà vẫn như ngày trước, vẫn là một thằng bé đang loay hoay cắt dán những tờ giấy bạc trong cái lớp học nhỏ và oi nồng của buổi trưa miền Trung, thỉnh thoảng lại ngóng cổ nhìn ra ngoài sân nắng chát chúa mà mơ màng. Và tôi nhìn ra ngoài, đơn giản như thể mở cửa sổ mà nhìn ra, và thấy quả đất thân thuộc của mình đang chầm chậm xoay, xoay quanh mình chứ không theo một cái trục nghiêng có sẵn nào cả. Mọi người đứng ở đó ngước lên, họ nhìn thấy tôi và hét: Về mau, về mau!
Tôi mở mắt ra khi nghe tiếng cửa nhà bên khép lại. Khi cửa của mỗi nhà khép lại thì đó cũng là giờ khắc được xác định. Mỗi cánh cửa hàng đêm khi đóng lại cũng khép lại một ngày cho mỗi ngôi nhà. Có những cánh cửa khép sớm, có những cánh cửa khép trễ, nhưng tôi chưa bao giờ thấy có những cánh cửa nào không khép suốt đêm.
Thời gian như một dải băng giấy dài, được gấp lại, từng chút một, như những cánh cửa cứ lần lượt hàng đêm đóng lại, sớm mai mở ra, đều đặn mãi như thế với cùng một nhịp điệu, không đổi, chỉ có những người đóng cửa là thay đổi. Những người đóng cửa luôn là bậc trụ cột trong nhà, phải cẩn thận, phải trách nhiệm.
Khi họ chết đi sẽ có những thế hệ tiếp theo trưởng thành hơn kế tục công việc đó, đóng cửa và mở cửa. Chính lúc tôi lan man như thế thì rất chậm rãi và điềm tĩnh, Hale-Bopp lộ dần qua những áng mây, nhỏ nhắn và khiêm tốn, khiến tôi không thể hình dung ra được đó là một kẻ khổng lồ với cái đuôi dài hơn một triệu kilômét. Nhưng khi vừa mới thoát ra hẳn đám mây, thì càng lúc nó càng sáng hơn, lộng lẫy hơn so với những chòm sao xung quanh, nó đã thành một kẻ khác, âm thầm nhưng quyền lực, phi không gian, phi thời gian.
Hai tay bám vào máng xối, tôi cúi đầu xuống nhà, thét lên.
– Sao Chổi.
Cha tôi bực dọc.
– Sao Chổi cái con khỉ. Xuống mau.
Giọng ông khản đặc như mọi khi, nhưng so với những gì tôi nhìn thấy được thì không có một tí quyền uy nào nữa. Vẫn đầu chúc xuống nhà, tôi lặp lại.
– Sao Chổi.
Lần này thì mọi người bước ra ngoài, ngước nhìn theo hướng tay tôi chỉ, chăm chú. Tôi thấy Hale-Bopp càng lúc càng sáng hơn, lộng lẫy hơn. Mọi người đứng đó một lát, nhìn đăm đắm vào bầu trời và cha tôi nói.
– Thôi, vào. Chả thấy cái mẹ gì.
Vợ tôi dịu dàng.
– Thôi, xuống nào.
Tôi lạnh mình vì sự thờ ơ đó. Mọi người đều phải được thấy nó. Mọi người không biết rằng họ chỉ là một trong hàng bao nhiêu tỉ tỉ người đến rồi đi khỏi trái đất này trong hơn hai ngàn năm qua được diễm phúc chiêm ngưỡng nó sao. Tôi vội vàng về chỗ của mình, tôi hối hả nhìn theo nó. Tôi biết rằng nó đang chầm chậm trôi qua khoảng trời này, trước đôi mắt thán phục và tuyệt vọng của tôi. Cái sao chổi ấy nó biết như thế, thế mà nó vẫn trôi đi.
Và thế là nó đi mất thật rồi, mất dạng. Tôi cứ ngồi mà lục tìm nó hết trong đám mây này đến đám mây khác, nhưng vô ích. Trên bầu trời lúc này chỉ tuyền những đám mây. Chẳng mấy chốc trời sẽ sáng, những cánh cửa ở những ngôi nhà sẽ lần lượt mở ra, những người chủ nhà sẽ cất những then cài bên tường, tiện tay bóc một tờ lịch nhỏ, trong khi Hale-Bopp đi càng ngày càng xa, lặng lẽ một mình, âm thầm để rồi hai ngàn bốn trăm năm nữa tình cờ nó sẽ quay lại đây, ngang qua trái đất này như đi ngang qua hàng tỉ tỉ những hành tinh nhỏ bé và vô vị khác, mà không hề biết, không hề nhớ nơi ấy những ngàn năm trước đã từng có những ai, có những tên tuổi gì, có những chức vụ gì, có những mưu toan gì, hay đã từng có lưu truyền những câu chuyện kể nào không.
Trời sẽ sáng, và mọi chuyện sẽ như thế, nhưng bây giờ hãy còn tối, tôi cần phải ngủ. Tôi leo xuống thang, tôi chui vào nhà, rón rén nằm xuống, mắt ngước lên chạm phải cái trần nhà còn trắng sáng mầu vôi mới. Ngày mai tôi sẽ không được leo lên mái nhà nữa. ở dưới mái nhà tôi không biết làm gì cho hết ngày, nhưng dù sao tôi cũng đã nhìn thấy nó rồi, cái sao chổi ấy, nó đẹp thật đấy, và thiệt tình tôi chẳng biết còn phải đợi chờ điều gì hơn thế nữa.
P.T. H
(Nguồn Maxreading.com)