Không phải ngẫu nhiên Bùi Quang Lục lấy tên bài thơ “Vầng trăng không cô đơn” làm tên tập thơ đầu tay của mình.Mê thơ từ thời trai trẻ và 5 năm trở lại đây say làm thơ, Bùi Quang Lục ngày đêm trăn trở lựa vần chọn chữ để “dặt dìu điệu nhớ cung thương” và “Cứ đem gieo nỗi dại khờ vào trong / Tự mình chuốc cái long đong”(Tự tình xuân). Anh thấu hiểu sâu sắc nỗi nhọc nhằn của công việc làm thơ.
Bùi Quang Lục viết nhiều đề tài. Thuở ấu thơ của anh gắn liền với quê hương: xã Vinh Quang, huyện Vĩnh Bảo – Hải Phòng. Đồng đất quê hương trong thơ anh như những bức tranh đẹp, gần gũi và sống động. Vẫn con mương, đường làng, triền đê, ruộng lúa vậy thôi mà sao nên thơ và đáng yêu đến thế.Anh khắc họa hình ảnh người cha thương binh, người mẹ nông dân vất vả,người vợ tần tảo yêu chồng thương con, về những người đồng đội còn nằm lại chiến trường xưa, về những người dân quê chất phác và cả bóng cô thôn nữ tuổi thơ từng thầm mơ trộm nhớ.
Hình ảnh quê hương theo anh suốt hàng chục năm bươn trải vào Nam ra Bắc, khi trong lực lượng công an, lúc chuyển ngành sang làm dịch vụ cảng biển.Sống giữa nơi đô thị sầm uất, anh vẫn đau đáu hồi ức tuổi thơ nơi quê nhà. Những bài thơ chan chứa nỗi niền về quê cha đất mẹ đã nói hộ lòng anh. Tìm về cánh đồng chiêm, được “chuồn chuồn đưa lối tới miền ấu thơ”, được “về với ổ rạ rơm, lăn vào ký ức cuộn ôm lấy mình”, để rồi:
“Chiều ra ngắm giữa sân đình
Rêu phong thủ thỉ chuyện tình chuyện quê
Ra tìm chỗ ấy bờ đê
Cỏ tranh phủ kín lời thề năm nao”
Tác giả “nhâm nhi cái chất mặn mà hương quê” ấyđể viết lên những câu thơ ấn tượng:
“Chân trần đội bóng cây tre
Con trâu dẫn lối tôi về tìm tôi
Lời ru cong cả vành nôi
Hoàng hôn tím biếc khoảng trời miền quê.”
(Tìm về ký ức)
Thật cảm động trước hình ảnh người vợliệt sĩ vẫn ngóng chờ chồng mỗi khi mùa rươi về:
“Mắt mờ, nhớ buổi cơm xưa,
Chả RƯƠI em rán hương đưa ngát lòng.
Đắng cay, chua chát, mặn nồng,
Người đi ra trận, hương đồngmang theo.
Giờ em tóc bạc, chân xiêu,
Chiều nao vẫn ngóng trông theo bóng người”.
(Đợi mãi mùa rươi)
Người làm thơ xa nhà thường lấy vầng trăn làm bạn. Bùi Quang Lục cũng thế. Năm anh 23 tuổi, bài thơ lần đầu tiên được đăng báo ngành ở miền Đông Nam bộ cũng đã viết về trăng. Hình ảnh vầng trăng luôn tỏa sáng trong thơ anh, khi là bạn tâm giao, khi là người tình và có khi lại là chính tác giả. Mồ côi cha lúc chưa đầy 1 tuổi, lại mồ côi cả mẹ lúc 13 tuổi, Bùi Quang Lục phải chịu cảnh côi cút, vất vả bao năm. Anh em tảo tần nuôi nhau ăn học. Anh làm thơ để trò chuyện với trăng và tự an ủi bản thân mình. Vầng trăng không cô đơn bởi anh biết yêu thương, chia sẻ, biết làm nhòa mờ vơi bớt đi quãng đời cô lẻ của mình. Anh có thơ, có trăng và anh sẽ có người thân, bạn bè, có sự nghiệp, có cả cuộc đời. .Là người từng trải, anh đã đúc kếtcái lẽ thường ở đời:
Bây giờ vàng lẫn đồng thau
Cũng chung màu sắc có nhau trăng chiều.
(Trăng chiều)
Phải là một người đa cảm và tinh nhạy giữa đời thường, Bùi Quang Lục mới có thể thu hái được những ý thơ , những câu thơ rung lay tâm hồn bạn đọc, khi anh bồi hồi trước cảnh người qua kẻ lại đón đưa sang phà với “Nắm cơm thơm chất quê nhà / Hương vừng thơm muối mặn mà tay em”(Nhớ phà), háo hức cảnh gặp lại bạn cũ trường xưa, gặp lại “Cái thời một sớm hai trưa / Chân trần, dép cắp” nơi “Nắng vàng trải sợi ven đê / Cỏ may giăng kín lời thề thuở nao” rồi cùng bên nhau “Nâng ly uống để ngấm vào tuổi thơ” Tìm về tuổi thơ(). Chỉ một thoáng gợn sắc của mây bay đã làm người thơ xúc động, bởi vậy, anh ngắm ảnh một thiếu nữ đủ khiến lòng mình xao xuyến, ngước nhìn vầng trăng ngẫm tình người đa đoan, thấy chiếc gối ôm ngỡ được ghì siết cả đất trời, trông cảnh chiều thu mà thương thân trách phận.
Bùi Quang Lục làm nhiều bài thơ tình. Bằng thủ pháp tự sự, anh kể những câu chuyện tình với bao kỷ niệm êm đềm, với nhiều cung bậc cảm xúcmà chỉ tình yêu mới có. Nhớ trò chơi “phu kéo mo cau” thuở bé đã nảy nở mối tình tuổi trăng non cũng làm cho tác giả gợi lại những xót xa vô cớ:
“Thôi đành đào mộ chôn sâu.
Cuộc tình với chiếc mo cau một thời.
Mong rằng phương ấy người ơi .
Đừng bao giờ nhắc ,đến người phu cau.
Ngẫm rồi cũng thấy mà đau.
Hoa cau vẫn rụng nhìn nhau xót lòng…”
(Trò chơi thuở bé)
Nhìn cảnh “Tàu về những cặp lứa đôi / Tàu đi bao cặp họ ngồi bên nhau mà chàng thi sĩ Đất Cảng này đêm đêm ”nằm vò võ nát nhàu canh khuya” chạnh buồn về cuộc tình xưa cũ:
Trách mình hay trách ai kia
Chẳng còn hò hẹn, phân chia đôi đường
Con tàu chở ắp tình thương
Còn tôi chỉ đứng bên đường ngó trông
Biết tìm ai để cảm thông
Để tôi được ấm đêm đông một lần.
(Chuyến tàu buồn)
Bùi Quang Lục chủ yếu sáng tác thơ lục bát.Anh khéo vận dụng chất liệu ca dao, giúp cho những câu thơ lục bát của anh trở nên gần gũi, uyển chuyển và có sức cuốn hút: “Hỡi cô bán rượu đầu đình / Sao em cứ lấy hương tình ủ men” (Rượu tình), hoặc câu: “Trúc xinh, trúc mọc sân đình / Em xinh, em lén một mình trộm nghe” (Bởi bức tường rào). Những câu thơ của Bùi Quang Lục như được chưng cất từ nét mộc mạc thôn dã, sự chân tình của nhà nông và có cả hương vị dân ca đồng bằng Bắc Bộ. Chất hài hước được tác giả đưa vào thơ khá thành công. Chuyện hát ru vợ ngủ, chuyện nắng nóng cua ngoi mặt ruộng cũng thành thơ tình, rất dí dỏm , vui và tếu táo trên cách nói ngụ ngôn.
Bùi Quang Lục vẫn đau đáu một nỗi niềm gửi tình qua thơ, ngõ hàu đọng lại chút dư vị về tình đời, tình người mà anh nếm trải và nhắn nhủ cùng bạn đọc, nhưng điều đó với anh là cả một chặng đường thơ nối tiếp. Anh vẫn hiểu:
“Chẳng tìm lấy được hồn thơ,
Chỉ tìm thấy bóng duyên cơ lỡ làng
Bóc tờ lịch, thấy xuân sang,
Đã nghe tấu khúc mênh mang chuyển mùa”.
(Mong mỏi hồn thơ)
Tin rằng, thơ Bùi Quang Lục đang báo hiệu sự chuyển mùa. Một mùa xuân đang tràn về trên những tứ thơ mới của anh.
Hải Phòng, ngày 4-8-2020 H.K.