Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia vừa chấm dứt, tuy nhiên dư luận đã “nóng” ngay từ buổi thi môn ngữ văn vừa xong; độ “nóng” ấy tập trung vào đề thi có vấn đề mà “điểm nóng” dư luận khen chê là câu hỏi phần đọc hiểu và bài Nghị luận xã hội có những sai sót và khó tới mức gây sốc cho thí sinh.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia vừa chấm dứt, tuy nhiên dư luận đã “nóng” ngay từ buổi thi môn ngữ văn vừa xong; độ “nóng” ấy tập trung vào đề thi có vấn đề mà “điểm nóng” dư luận khen chê là câu hỏi phần đọc hiểu và bài Nghị luận xã hội có những sai sót và khó tới mức gây sốc cho thí sinh.
Đề khó, các cây bút chuyên nghiệp cũng bó tay?
Theo đó, dư luận xã hội và nhiều bài viết trên báo chí cho rằng bài nghị luận xã hội (câu 1, phần Làm văn) là quá khó bởi nó không chỉ là câu hỏi ngoài chương trình phổ thông mà còn rất khó bởi giới hạn trình bày suy nghĩ chỉ có 200 chữ. Nhà thơ Nguyễn Chiến, một giáo viên và là nhân vật được phỏng vấn trong bài “Những góc nhìn trái chiều quanh đề thi văn THPT quốc gia 2018” – (Báo Thể thao và Văn hóa) nói: “Tất cả điều này mà gói trong một đoạn viết chừng 200 chữ là rất khó, không tin, các cây bút chuyên nghiệp thử làm bài mà xem”.
Phần nội dung thi “Đọc hiểu” cũng bị “phản pháo”; tại đây, người ra đề đã lấy đoạn trích từ bài thơ “Đánh thức tiềm lực” ra đời năm 1980, của nhà thơ Nguyễn Duy làm đoạn dẫn để từ đó xây dựng 4 câu hỏi cho phần “Đọc hiểu” và câu hỏi số 1 của phần làm văn”.
Nội dung phản đối đầu tiên cho rằng: câu số 2, phần đọc hiểu, có sự nhầm lẫn khi hỏi: “Trong đoạn trích, tác giả đã nhắc đến những yếu tố nào thuộc về tiềm lực tự nhiên của đất nước?” . Biện luận cho quan điểm của mình những người này cho rằng: đề thi yêu cầu kể ra các yếu tố tự nhiên của đất nước trong đoạn trích nhưng đoạn trích không hề có một yếu tố tự nhiên nào ngoài từ “phù sa”. Do vậy tác giả ra đề thi đã lẫn lộn giữa 2 khái niệm thành phần tự nhiên và yếu tố tự nhiên, dùng từ một cách thiếu chính xác.
Sáng ngày 27.6, ông Sái Công Hồng, Cục phó Quản lý chất lượng cho rằng: “Từ góc độ của người quản lý, nắm chắc nguyên tắc ra đề, tôi khẳng định nội dung đề không sai. Chúng tôi đã trao đổi, Tổ ra đề Văn khẳng định câu hỏi thứ 2 (tiềm lực tự nhiên) là hoàn toàn chính xác”.
Tuy Bộ Giáo dục trả lời công luận như vậy, nhưng sóng bình luận vẫn tiếp tục nổ ra theo những quan điểm phê phán mới. Theo đó ý phản đối tập trung vào yếu tố tính thời sự của bài thơ đã hết. Vậy, vấn đề được hiểu như thế nào?
Nên hiểu đây là đề thi với mục tiêu phân loại đối tượng
Về ý kiến “đoạn trích không hề có một yếu tố tự nhiên nào ngoài từ “phù sa””, cần hiểu rằng : đây là tác phẩm văn học và đề thi ngữ văn chứ không phải là đề thi hoặc bài nghiên cứu về khoa học địa lý; tác phẩm phản ánh bằng hình tượng, do đó không thể liệt kê hàng loạt và không thể viết như khoa học. Mặt khác trong từ điển Tiếng Việt định nghĩa “ Yếu tố là bộ phận cấu thành một sự vật, sự việc, hiện tượng” trong khi câu hỏi là xác định những yếu tố tiềm lực tự nhiên của đất nước thì đất đai, sông bể…(trong đoạn trích) lại không phải yếu tố tự nhiên của đất nước sao?
Trái với ý kiến phản đối về đề khó , ngoài chương trình… phần đồng ý kiến khác lại cho rằng: cấu trúc đề thi bám sát đề tham khảo Bộ GD-ĐT đã công bố. Phần đọc hiểu bảo đảm các yêu cầu nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Tại Hải Phòng, Thạc sỹ Nguyễn Văn Tuấn (THPT Quốc Tuấn) trao đổi: nội dung “đánh thức tiềm lực đất nước” gần như xuyên suốt yêu cầu của đề văn. Đây là vấn đề rất sâu sắc, mới mẻ, và ngay bản thân vấn đề đưa ra với các em học sinh đã có tính phân loại. Nói như vậy là để thấy không phải học sinh phải làm đầy đủ tất cả các yêu cầu như bài viết của một “nhà chính trị” mới được điểm câu thi đó, mà tùy thuộc khả năng, các em vẫn có những phần điểm dành cho mình. Đồng thời việc ra đề thi và viết đáp án, các tác giả luôn có quy tắc “tính vừa sức”, theo đó đáp án sẽ có sẵn nhiều thang bậc tính điểm cho từng trình độ. Cũng bình luận về điều này, thạc sỹ Trần Thị Ngoan (THPT Nguyễn Khuyến) khẳng định: Đây là bài thi cho học sinh phổ thông, nên các em có sức viết 200 chữ để trình bày vấn đề mình hiểu là đủ. Giả thiết viết thành một bài luận mới đích thực là gây khó cho học sinh. Vả lại, nếu học sinh giỏi, khi quy định cho 200 chữ mà viết được sâu sắc thì mới xứng tầm. Đây là thi mà!
Chúng tôi muốn nói thêm rằng: việc dạy văn ở trường phổ thông từ lâu đã thay đổi phương pháp, giáo viên và học sinh đã xác định đề thi Nghị luận xã hội luôn nằm ở ngoài chương trình vì vậy các nhà trường luôn chủ động cách dạy chứ không phải hướng cho học sinh học tủ các bài có sẵn ở chương trình. Nói chỉ tiết hơn là dạy mô hình kiểu bài với phương pháp thực hiện nó, bao gồm: giải thích, bình và luận một vấn đề ở đời sống, cấu trúc những thao tác ấy thành một đoạn văn… Học sinh đã có kỹ năng giải đề và chấp nhận bất cứ vấn đề gì mà đề văn nếu ra , còn mức độ sâu sắc hay bình thường tùy thuộc vào năng lực của mỗi học sinh mà thôi. Bên cạnh đó, nhà trường đã thực hiện việc dạy “tích hợp” từ nhiều môn học ví dụ: Văn – Sử – Địa – Công dân và cả một chương trình ngoài giờ lên lớp hàng tuần với các chủ đề văn hóa chính trị…tạo ra hệ kiến thức tổng hợp, nên học sinh có thể hiểu được ở các mức độ khác nhau. Cuối cùng, chúng ta cũng không quá lo lắng vì câu Nghị luận xã hội đó cũng chỉ có 2 điểm trong tổng số 10 điểm mà cả đề văn yêu cầu.
Việc kết luận tính thời sự của bài thơ đã hết “ Hãy để cho bài thơ ngủ yên” là một sai lầm. Nhớ rằng tác phẩm văn học xuất sắc có đời sống riêng của nó, Hào khí Đông A trong “Tỳ tướng hịch văn” của Trần Quốc Tuấn, lòng yêu nước ngất trời xanh của Nguyễn Trãi trong “Cáo bình Ngô”, quy luật thói đời trong thơ Trạng Trình, lòng nhân ái của Nguyễn Du với thân phận con người… đã bao giờ ngủ yên dù cách ta dằng dặc thời gian? Bản thân nhà thơ Nguyễn Duy đã trả lời ngay sau khi môn thi chấm dứt về việc này: “Trong đề chỉ là những câu mở đầu của bài thơ “Đánh thức tiềm lực” thôi. Tôi rất ngạc nhiên, tôi không nghĩ Bộ GDĐT lại đưa đề tài này vào chương trình thi của học sinh THPT. Nhưng tôi mừng vì cách ra đề làm cho học sinh tiếp cận với khuynh hướng mở. Đây là điều rất cần thiết trong thời điểm hiện tại.“. Xét trong góc độ triết học thu hẹp soi chiếu vào ý “đánh thức tiềm lực con người” cũng sẽ thấy thông điệp ấy chẳng thể ngủ yên. Những người phản biện hãy nhìn vào sự thật đất nước hôm nay và đặt câu hỏi tiềm lực con người và cả thiên nhiên nữa, chúng ta đã “đánh thức” được bao nhiêu? Và theo dòng chảy thời gian mọi sự vật biến đổi, nếu “tiềm thức” con người không liên tục được đánh thức thì sao có thể thích nghi, có thể sinh tồn và phát triển?