Cô đầu – Truyện ngắn Bão Vũ


Ông Du gõ trống, những tiếng buồn bứt rứt…

– Đây là Xuyên tâm. Người có tâm trạng u uẩn nghe mấy khổ trống này sẽ thấy như thấu tâm can…

Ông Du gõ trống, những tiếng buồn bứt rứt, và giảng giải cho người bạn tri âm ngồi bên. Người bạn này hâm mộ tài trống của ông Du đã thỉnh thoảng lặn lội từ Nam Định ra nghe. Ông Du lim dim mắt như chú tâm vào tiết tấu, cường độ âm của tiếng trống, lại như bậc thượng thừa không để ý tới trò nhập môn bình thường ấy. Những tay sành ca trù bảo, gặp “Du trống chầu” thì đừng có khua dùi múa mép, chỉ nên ngả mũ cúi mình mà nghe.

– Đệ nghe người ta nói huynh là con nhà nòi, sinh ra trong tiếng đàn ca sênh phách. Phải thế không? Người bạn tri âm hỏi. Ông Du cười gượng không ra thừa nhận, cũng không chối, như nói: Chuyện gì cũng có thể có. Ông buông dùi trống. Tiếng trống như còn âm vang. Hồi ức từng khúc bật ra theo mỗi khổ trống đã lắng âm… Ả đào. Cô đầu. Phường hát Hạ Lý. Cô đào Thục…

– Sao lại gọi là “cô đầu”? – Người bạn tri âm hỏi. – Những kẻ chỉ thưởng thức hát cô đầu bằng thân xác đã tán: “Cô nàng ngồi hát để ta nằm gối đầu lên đùi nghe với chiếc bàn đèn dầu lạc mù mờ khói thơm. Là ca nữ đầu gối tay ấp của ta. Thế là cô đầu”. Ông Du cau mày: Đó chỉ là lũ tục phu triết tự bậy bạ. Cô đầu có nhiều loại. Người đứng đắn, thông hiểu sách sử bảo đấy là cách gọi trại đi của những cô gái làm nghề hát Ả Đào, là “cô đào” rồi thành “cô đầu”. Nhưng trước tiên, sao lại gọi là hát Ả Đào. Thời Lý Thái Tổ, có người con gái tên là Đào thị hát hay đàn giỏi đến quỷ thần cũng say mê, được vua hâm mộ ban thưởng hậu, mang danh là Đào Nương. Thời Lê Lợi chống quân Minh có ca nữ cũng họ Đào dùng tài hát múa dụ lừa giặc để giết, được dân lập miếu thờ, cả làng nghề ca kỹ của cô ta gọi là làng Ả Đào. Chỉ là truyền thuyết cùng với miệng thế gian hoặc tôn vinh tâng bốc thái quá, hoặc độc địa cay nghiệt vùi dập thậm tệ một người, một vùng đất; trường hợp này là với một nghề nghiệp.

Chuyện cô đào Thục là chuyện thực. Ông Du kể cho người bạn tri âm. Câu chuyện kể thuần túy, không văn vẻ. Từng câu ngắn, gợi, như mỗi khổ trống chầu.

…….

Những bức tường rêu ố. Ánh điện màu da cam như ánh nến… Tiếng đàn hát, tiếng trống… Thằng bé Du nằm trong ánh sáng ấy, chập chờn thức ngủ trong tiếng đàn hát trống phách ấy. Mẹ của Du là cô Thục. Trước, cô Thục là đào hát, bây giờ mất giọng làm đào trống, có lúc là đào đàn.

Thời cô Thục là đào hát của phường hát Hạ Lý, giới xướng ca gọi cô là “Thục dìm chết người”. Biệt danh ấy từ  ý một câu thơ cổ đã được đưa vào lời ca:… Cơn mưa khóa lối về xa… Mắt nàng sóng dập hồn ta đắm chìm… Thục không độc ác, chỉ là một đào nương rất tự tin, thích thú nhìn người ta luống cuống, mất hồn vì nhan sắc và giọng hát của mình. Nhưng rồi chính Thục lại khốn khổ vì anh ký Dương, một tay trống chầu ẩn danh. Chuyện theo một môtyp cũ, chập chờn nhòa lẫn cuốn tiểu thuyết ba xu với sự việc có thực ở đâu đó, một chuyện mơ hồ không có sự đảm bảo về tính xác thực, chỉ để nói cho vui.

Ngày tết, dịp lễ hội, các hào mục làng Hạ Liên thường thuê đám nhà trò trên tỉnh về hát cho quan khách và dân làng vui vẻ. Khắp làng phơi phới màu sắc, âm thanh từ mớ xống áo sặc sỡ và tiếng đàn ca sênh phách. Phường hát có đào Thục người thành Nam mới ra được hai năm nay. Lũ trai làng như ruồi bám quanh cô đào trẻ đẹp có giọng tốt nhất đám. Đào Thục phân phát nụ cười và cái nhìn lúng liếng ướt át cho tất cả. Từ các vị chức sắc cao niên bề trên, đến đám trai cùng đinh đều được hưởng ánh mắt nụ cười ấy. Dân làng rất hứng thú nhưng bảo nhau, đào Thục lẳng quá, trẻ mà đã rành nghề thế rồi hư hỏng mất. Họ không biết đến sự thăng thoát tâm hồn của một nghệ sĩ thực thụ. Thục hát và diễn cảm mối giao duyên giữa người với người. Mấy mụ vợ thì sôi lên vì “cái giống cô đầu con hát thập thành” ấy. Nhưng, khi đào Thục đưa cặp mắt ướt xa vời vượt qua đầu đám người nghe, cất tiếng hát lanh lảnh da diết về một cô em nào đó “chót sa chân lỡ bước xuống thuyền. Sông sâu, sào ngắn không dò được… Và cơn gió làm căng cánh buồm đưa con thuyền ra khơi xa”... thì các ả, các mụ rưng rưng, mếu máo. Có mụ ôm mặt rưng rức vì câu hát như là tình cảnh của mình. Tuy vậy các mụ vẫn ghét Thục, vẫn phải canh chừng các gã chồng. Đào Thục là mối đe dọa, như một tay bợm có thể dễ dàng dắt mất con trâu cơ nghiệp ngay trước mắt mình, giữa thanh thiên bạch nhật. Dân quê đâu biết về những mối phức cảm của con người trong những cuốn tiểu thuyết lãng mạn bày bán trên thành phố. Họ chỉ thấy đó là một cảm giác kỳ lạ, như là “bị ma làm”. Thục biết, nhưng mắt vẫn lúng liếng, cười. Cô vẫn Hát cho sấm động mưa sa… Hát cho gương vỡ làm ba lại lành… Hát cho duyên gặp được tình…

Khi cậu ký Dương, người Hạ Liên làm ở trên tỉnh về quê cưới vợ, nhà đám cũng mời phường hát có cô đào Thục. Chú rể Dương áo khăn xúng xính ngồi nghe hát chờ giờ đi rước dâu. Đào Thục, “Thục dìm chết người”, chợt nghĩ ra trò quái ác. Thử “dìm” chú rể nhà người ta vào đúng ngày cưới xem sao. Để cho vui.

Chú rể giành cầm trống chầu. Ký Dương là tay trống có hạng nhưng thường ẩn danh nên ít người biết. Lúc này, trước cô đào nhan sắc, Dương cao hứng trổ tài. Chỉ sau mấy khổ Trầm ngư, rồi Thượng mã, Phi nhạn của Dương, mấy tay kép nhà nghề trong phường hát im bặt há miệng nghe. Tiếng trống đã lôi cuốn tay kép đàn đến độ nhập đồng, những ngón tay như vô chủ biến ảo trên cần đàn. Còn đào Thục thì bị mất hồn. Giữa hai nhịp nghỉ lấy hơi, Thục sững sờ nhận ra trò đùa cợt ác nghiệt không phải của cô nữa, mà là của số mệnh.

Thục hát, tay gõ phách như trong cơn mê. Thục bỏ lối “hát khuôn” chuẩn mực thường nhật chuyển sang lối “hát hàng hoa” uyển chuyển bay bướm. Đám nhà trò sửng sốt. Tiếng hát đế cũng ngưng bặt. Họ nhận ra Thục không còn giữ lối hát cửa đình trang trọng mà là hát quán, phóng túng tùy hứng, nhưng lại không dâm tục. Những đào nương thực tài và toàn tâm mới trổ được cái phong cách ấy.

Gió ơi gió trăng ơi trăng… Còn chi mà vẫn tung tăng chốn này… Tiếng trống đổ Liên tâm, ký Dương hát đế: Cho hay là giống hữu tình… Đào Thục nức lên: Đố ai gỡ mối tơ mành cho cho xong…

Tất cả lặng đi. Chỉ còn giọng ca thổn thức của cô đào Thục và tiếng trống của cậu ký Dương nhập vào nhau thao túng cả không gian. Tiếng trống xứng là tiếng trống chầu của một tao nhân khi đĩnh đạc khoan hòa mà không rời rạc, khi dồn dập phấn khích mà không tùy tiện gắn bó với tiếng hát thành một hợp âm tuyệt kỹ tự nhiên như vốn thế, không thể khác. Ký Dương không nhớ gì đến chuyện cưới vợ của mình nữa. Chú rể Dương đã bị đào Thục dìm chết trong đôi mắt ướt của cô. Dù là một thày ký trẻ của hiệu thuốc Bắc trên tỉnh, hàng ngày quen thuộc các loại dược phẩm, nhưng anh chàng đã bị bỏ bùa.

Quá giờ hoàng đạo mấy khắc, ông bố của Dương mới giật mình xấn vào chiếu hát gạt cái trống ra, xốc nách chủ rể dậy. “Thằng này hỏng. Đến lúc này mà còn thế này. Chả trách lương thày ký cũng không đủ, phải về nhà lấy thêm…” Đám đón dâu kéo đi ầm ĩ. Chú rể trong tay vẫn còn cặp dùi trống, bị ông chú họ lôi xềnh xệch như bắt phu bắt lính. Mọi người reo hò nhìn theo cảnh tức cười ấy. Không ai kịp nhận thấy đào Thục mắt đẫm ướt ngơ ngẩn như mất hồn. Chính Thục cũng không biết trên má cô dàn dụa nước mắt từ lúc nào. Còn lại một mình, cô hát câu hát dở dang: Vừa gặp đã chia đôi từ đấy… Thu vẫn xanh mà hồ đã trắng gương … rồi dừng bặt. Tiếng phách gõ khô vang như tiếng gẫy vỡ.

Cô dâu người làng bên, là gái quê nhưng nhan sắc so với Thục cũng tám lạng, nửa cân. Thế mà đêm ấy, ký Dương mơ thấy trong tay mình là đào Thục.

Cưới xong, được ba ngày, để vợ ở nhà với đồng áng, Dương lại ra hiệu thuốc Bắc ngoài tỉnh. Cậu ký Dương tìm ngay đến phường hát có đào Thục. Từ đấy cặp tài tử giai nhân đồng thanh, đồng khí, không mấy khi thiếu nhau. Nếu Dương đã hỏng như ông bố nói, thì anh ta hỏng từ thời học trung học biết làm thơ chơi đàn nhạc chứ không chờ tới khi biết đi hát ả đào như bây giờ. Có điều kỳ lạ, Dương và Thục không làm chuyện xằng bậy, cho dù họ say đắm nhau. Họ chỉ hát với nhau. Ký Dương làm thơ cho đào Thục hát như lối phải lòng nhau của các tài tử giai nhân xưa, không phải trò chơi bời đàng điếm. Họ thương nhớ nhau, buồn bực mỗi khi cậu ký phải về với vợ. Rồi nghĩ rằng ai cũng biết họ chỉ là một cặp tri âm tri kỷ thuần khiết, cậu ký đưa Thục về quê chơi. Cả làng cười. Cái trò Âu hóa lố lăng lại xảy ra trong gia đình có vị khoa bảng. Ông nội Dương từng đỗ thi hương. Hai người mặc kệ.

Người nhà Dương không chịu được cảnh ấy. Phải cho cái giống cô đầu trơ tráo một trận. Nhưng Thục là người biết lễ phép, mỗi lần về chơi lại chào hỏi thưa gửi, quà bánh cho người trên kẻ dưới chu đáo. Mà, phường hát được cấp thẻ môn bài hẳn hoi, hành hung người ta là phạm pháp. Đánh đuổi Dương cũng không được. Cậu quý tử độc nhất bỏ nhà đi theo gái thì hỏng. Cuối cùng, ông bố của Dương đành chịu thua “ông trời con” nhà mình. Suy tính thấy chẳng mất gì, lại vui nhà. Ngày nghỉ, hai người dẫn theo cả chú kép đàn về cùng hát xướng. Cô em gái của Dương rất ngưỡng mộ Thục.“Em muốn hát như chị lắm. Dạy em nhá?” Trai gái làng kéo đến chật nhà, không còn giễu cợt nữa. Những bậc trưởng thượng trong làng lắc đầu. Nhưng chính những vị mô phạm ấy cũng lại đến nhà Dương nghe hát, bình luận tiếng đàn lời ca, để được đãi trà rượu, bánh trái. Vợ Dương khóc mếu ấm ức, rồi cũng yên. Thục chỉ là cái bóng mây bay ngang, Dương dại gì bỏ vợ con ruộng vườn đi theo cô đầu. Tom tom chát chát mãi cũng phải chán.

Không ai biết Thục buồn khổ. Cả Dương nữa, anh ta tự mãn vì thấy chuyện ổn thỏa, vừa có vợ vừa có một bạn tình tri âm. Có lúc Dương tính cưới Thục làm vợ hai, có con với nhau. Nhưng lại nghĩ, không thể làm phí một đời tài sắc, phải cảnh chồng chung. Cứ để Thục nguyên vẹn, cho đến khi có một người hào hoa, giàu có đến với Thục. Lúc ấy Dương sẽ chia tay để làm thơ khóc mối tình vỡ, như bài thơ về “người ấy” nổi tiếng thời đó. Người ấy sang sông đứng ngóng đò

Toàn quốc kháng chiến. Chiến sự lan đến làng quê Hạ Liên đúng lúc vợ Dương trở dạ đẻ. Cả nhà Dương phải đi tản cư gấp, để lại mỗi bà cô già trông nom.          Trên thành phố, Dương và những thanh niên trí thức công chức bừng tỉnh, thấy mình đang sống tầm thường, vô vị. Phải từ bỏ ca lâu tửu điếm, từ bỏ sàn nhảy, tiệm hút để thành tráng sĩ, hiệp khách, để: quăng thân vào gió bụi sa trường, da ngựa bọc thây, đền nợ nước… như trong sách sử và trên sân khấu. Dương gia nhập vệ quốc quân. Đang sắp cùng đồng đội lên chiến khu thì được tin vợ đẻ, anh chàng cuống lên. Khi đoàn quân đi qua phường hát Hạ Lý, Dương xin phép chỉ huy, rẽ vội vào con ngõ nhỏ. Thục cũng đang cùng đám đào kép hối hả sửa soạn tản cư. Dương nắm chặt tay người tình:

– Thục. Cả nhà đi tản cư rồi. Liên sắp đẻ, nằm lại một mình. Tôi phải lên chiến khu bây giờ. Em về quê giúp Liên. Em cầm lấy cái nhẫn này… – Rồi Dương chạy ra phố đuổi theo đoàn quân. Thục níu chặt lấy Dương. Họ chạy bên nhau, vừa thở vừa nói. – Có chuyện thế anh mới đến tìm em à? – Không có chuyện ấy thì qua đây tôi cũng phải vào với Thục. Nếu vắng người thì tôi đã… hôn. – Đồ quỷ sứ. Lúc này mà còn nói chuyện ấy. – Lúc nào tôi cũng nghĩ đến chuyện ấy. – Bao giờ thì anh về? – Chiến tranh. Chuyện nhà binh. Biết trước sao được.

Họ dừng lại, thở dốc, rồi bỗng dưng ôm chặt lấy nhau, mặc khẩu súng trên vai Dương vướng víu, mặc những người qua đường. Mà cũng chẳng ai để ý. Phố xá nhộn nhạo. Người tản cư ngược xuôi nhớn nhác, kêu gọi nhau, mắng mỏ quát tháo, gào khóc. Thục mếu máo:

– Anh cứ giữ cái nhẫn phòng thân. Em cũng có ít vốn lo cho chị ấy và cháu.

– Em sẽ vất vả lắm. Cứ cầm lấy một chút đỡ thêm.

– Thế thì anh đeo nhẫn của em, để nhớ đến nhau.- Thục tháo cái nhẫn mặt ngọc đeo vào ngón tay út của Dương. – Đến chỗ nào có hiệu kim hoàn, nhờ người ta nong ra cho vừa ngón nhẫn. Vừa gặp đã chia đôi từ đấy… Nhớ câu hát ấy chứ ?

– Nhớ. Đến chết vẫn nhớ. Thôi, Thục ơi… quay lại đi. Nếu anh không về, hãy coi Liên như chị ruột của em, đứa bé là con của em.

Thục đứng lặng nhìn theo Dương, rồi ngồi thụp xuống bên đường òa khóc. Chẳng ai để ý đến Thục. Ai cũng đang rối bời. Xung quanh vẫn nhốn nháo. Người ngược xuôi nhớn nhác, kêu gọi, quát tháo, gào khóc. Có một người đàn ông cúi xuống bên Thục. – Sao cô khóc, lạc người nhà à? – Thục khóc to hơn. – Hay là có người nhà ốm đau cần cấp cứu? Cứ nói, tôi giúp. – Đó là một bác sĩ sản khoa. Vị cứu tinh đã đến đúng lúc trợ giúp Thục làm tròn lời hứa với người yêu. Có thể sách vở nghề nghiệp đã dạy anh đốc-tờ phải đưa tay cho những số phận bất hạnh, có thể tự anh thấy không thể bỏ mặc một thiếu nữ xinh đẹp, khả ái gục đầu khóc bên đường ly loạn, nên ngay chiều hôm đó anh đốc-tờ lái xe ô-tô riêng đưa Thục về làng Hạ Liên để chăm sóc vợ Dương.

……..

– Còn đây là Đoạt châu… Huynh nghe, có tiếng ngựa hí quân reo trên sông Xich Bích đấy… – Ông Du chỉ dẫn cho người bạn tri âm, rồi gõ khổ trống. Và những hồi ức của thời loạn lạc từ cõi xa vang vọng về…

Ánh sáng vàng mờ của ngọn đèn dầu hỏa soi một khoảng trong ngôi nhà gỗ cổ, âm u. Liên, vợ Dương, nằm bất động trên giường, những ngón tay gầy nắm chặt cánh tay Thục. Cái nắm tay tin cậy ấy. “Tôi biết hai người phải không như lối giăng gió, nên chẳng thể dễ dàng bỏ nhau… Thôi thì, ta là chị em vậy.” Có lần vợ Dương nói với Thục như thế… – Lúc này Thục ghé sát tai nghe tiếng thì thào trong nước mắt của người đàn bà trắng bệch vì bị băng huyết. Cô Thục ơi, cứu lấy cháu bé… Nó là con của cô đấy… Khi ăn nằm với tôi, anh ấy vẫn nghĩ đến cô…

– Người mẹ khó qua nổi. Tôi sẽ cố giữ đứa trẻ. – Bác sĩ nói khẽ với Thục.

– Xin quan đốc-tờ làm phúc cứu cả mẹ lẫn con… Chúng cháu sẽ…

– Đừng gọi là quan đốc tờ. Tôi là bác sĩ chứ có phải quan chức đâu. Mà cô cũng đừng xưng cháu. Tôi mới hăm tám…

– Vâng… trăm sự nhờ bác sĩ…

Có tiếng súng rất gần. Mọi người nín thở. Chợt bật lên tiếng khóc của đứa trẻ. Một thằng cu. Thằng bé chỉ khóc vài tiếng rồi mở cặp mắt đen láy ngơ ngác nhìn. Người mẹ thiếp đi không kịp nhìn mặt con, và không bao giờ tỉnh lại nữa. Thục bế đứa bé sơ sinh đi theo anh bác sĩ. Trên xe, bác sĩ hỏi Thục: Cô cũng không phải là người họ hàng của đứa bé này? Thục áp đứa bé vào má mình: Thưa vâng… Nhưng từ giờ em sẽ là mẹ nó. Ra tỉnh, xin bác sĩ giúp làm giấy tờ luôn cho cháu. Em đặt tên cháu là Du. Bố cháu là Dương. Em theo nghề ca kỹ… Đàn hát du dương… Bác sĩ  đã hiểu ra. Anh ta thoáng buồn, lẩm bẩm một câu tiếng Pháp:

Như tiểu thuyết.

……

Thằng bé Du ngồi trong lòng Thục nghe câu chuyện của hai mẹ con. Nó hỏi: “Con đỏ hỏn như con chuột à? Mợ kể nữa đi…” Hồi ấy, người thành thị thường gọi bố mẹ là “cậu mợ”.

– Mợ bế con theo phường hát đi tản cư. An Lão, Vĩnh Bảo, sau dạt sang Thái Bình. Quỳnh Côi, Phủ Dực, Đống Năm… Phường hát tan tác dần. Mợ nuôi con bằng những thức kiếm được trên đường đi. Cháo, sữa. Có khi cho con bú nhờ người ta. Cánh tay mợ rời rã, nhưng vẫn ôm chặt con, sợ đánh rơi, như có người mẹ đã đánh rơi con khi chạy loạn.

Thục ôm thằng bé trong tay, túi quần áo khoác vai cùng đám người tản cư đứng trên bến sông chờ đò. Cái bến đò quê nội mà Thục đã qua đấy lần cuối để đi vào nghề cô đầu con hát. Chợt một cột nước lẫn bùn đất vọt bên bờ sông và tiếng nổ như sét đánh. Máy bay ném bom bến đò. Thục chỉ kịp ôm chặt thằng bé cúi mình che chở cho nó, rồi không biết gì nữa… Thục tỉnh dậy trong ngôi đình làng ven sông, đứa bé vẫn trong tay. Như định mệnh, anh bác sĩ và bà mẹ cũng tản cư đang trú trong ngôi đình ấy. Bác sĩ chữa chạy cho Thục, đưa cô đi theo, săn sóc. Khi yên ổn, họ trở lại thành phố. “Cho tôi được cưới Thục. Tôi sẽ coi cháu Du như con”. Thục ứa nước mắt. “Đến chết em cũng không quên ơn bác sĩ. Nhưng, còn bố cháu Du”. Thục trở về cái phường hát cũ đã tụ hội lại. Nhưng Thục không còn đủ sức cho những cuộc đàn ca thâu đêm, vì vết thương cũ ở bến đò. Thục không được hát nữa. Cô gõ sênh phách, chơi đàn đáy, làm đào đàn, làm cả những việc tạp dịch cho phường hát để nuôi con… Khi vắng vẻ, Thục khẽ hát ru thằng bé. Cô chỉ hát được những câu ngắn: Vừa gặp đã chia đôi từ đấy… Thu vẫn xanh ư…ư… mà hồ đã trắng gương… Tiếng hát vẫn thanh cao, mà đượm buồn.

…..

Ông Du gõ trống và giảng giải : Đây là Lạc nhạn… Người có mối tình hận nghe, sẽ khó cầm nước mắt vì cám cảnh ly biệt chia lìa…

– Thế còn ông thân sinh của huynh? – Người tri âm hỏi.

….

Ông bà nội của Du hồi cư về Hạ Liên, được mách bảo, tìm đến phường hát. Họ báo cho Thục biết Dương đã tử trận. Họ xin đứa cháu nội đích tôn về. “Cả nhà tôi đội ơn cô đã nuôi nấng cháu. Nhưng… nơi này sẽ làm hại đời thằng bé”. Đào Thục khóc xin bỏ phường hát để được nuôi thằng Du, dù chỉ một hai năm nữa cho thằng bé cứng cáp như ông nội Du cho phép. Anh bác sĩ vẫn đợi. Thục lấy người đàn ông tốt bụng ấy để có thể nuôi thằng Du. Họ qua lại Hạ Liên như người nhà của Dương. Thằng bé Du đi học, thường bị trêu chọc là con cô đầu. Thục có một đứa con gái với ông bác sĩ. Ngày hòa bình, gia đình bác sĩ di cư vào Nam. Lần này, Thục không có sự lựa chọn khác. Cô phải đi với chồng và đứa con gái nhỏ. Thục ôm chặt thằng bé Du đã như máu thịt của cô:

– Mợ phải đi với cậu và em bé. Tha lỗi cho mợ…

Nhưng chính tôi có lỗi với mẹ. – Ông Du nói với bạn. – Có lúc tôi đã hổ thẹn vì từng là con nuôi của một cô đầu. Có thể vì sự cay nghiệt độc địa của người đời. Có thể vì đám học trò xưa kia chế giễu, gây tổn thương cho tôi đến bây giờ.

– Bây giờ bà cụ ở đâu ? – Người tri âm hỏi.

– Sau chiến tranh, tôi đã nhiều lần dò hỏi nhưng không được tin tức gì . Có lẽ mẹ tôi đã gặp chuyện không may, hoặc đã cùng chồng con lưu lạc biệt xứ. Tôi hình dung mẹ Thục của tôi dù bây giờ đã là bà cụ, nhưng vẫn còn lại chút sắc nước hương trời. Tôi tin thời gian sẽ nương nhẹ với bà như một sự đền bù cho những đa đoan của nghiệp cầm ca. Trong những giấc mơ tôi thấy mẹ cúi nhìn tôi như ngày xưa, khi xong chầu hát, mẹ vào nhìn tôi đang chập chờn trong tiếng trống phách, vẫn đợi mẹ. Ngày ấy mẹ thường nhìn sâu vào mắt tôi với cái nhìn trong trẻo dịu dàng. Và cái cười ngày xưa của mẹ duyên lắm. Duyên, thông minh, cả chút khôi hài, như một thiếu phụ có học thức, giàu sang, con nhà quyền quý. Vậy mà một thời tôi đã nguyền rủa số mệnh bắt tôi có người mẹ là một “cô đầu”.

Hay chính mẹ đã bày đặt ra câu chuyện tôi chỉ là con nuôi của mẹ, để sau này tôi không phải hổ thẹn vì có người mẹ đẻ là cô đầu? Tôi muốn xin lỗi mẹ… Mợ ơi… Mợ về với con, để hát lại những câu hát của một cái nghiệp mà cuộc đời đã sinh ra như để dành cho những cặp tài tử giai nhân, những đôi tri âm tri kỷ…

Hát cho đến cạn dòng sông

Cho non phải lở cho lòng phải đau

Hát cho nét nguyệt thôi chau

Cho long lanh nước cho màu phải tươi…

 

6-12  Vũ Trang – Tháng giêng Bính Tuất

B.V

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder