Con tắc kè màu lửa – Truyện ngắn của Ngô Xuân Tiếu

Thu vừa thiếp đi đã nghe tiếng tắc kè kêu về sáng: Tắc Kè.., tắc kè…è, gọi mặt trời. Một ngày mới ở vùng núi trung du chậm chạp hiện lên. Dãy núi phía Tây tím sẫm choàng lớp sương mỏng, như tấm khăn voan trắng phấp phới bay. Ở hướng Đông, mặt trời đỏ rực nhô lên sườn núi…

Thu vừa thiếp đi đã nghe tiếng tắc kè kêu về sáng: Tắc Kè.., tắc kè…è, gọi mặt trời. Một ngày mới ở vùng núi trung du chậm chạp hiện lên. Dãy núi phía Tây tím sẫm choàng lớp sương mỏng, như tấm khăn voan trắng phấp phới bay. Ở hướng Đông, mặt trời đỏ rực nhô lên sườn núi.

Trời mùa hạ cao xanh, mây trắng bồng bềnh trôi về phía chân trờì xa, nơi có dãy núi răng cưa xanh thẫm. Nắng vàng trên tán phượng hồng nghiêng bóng xuống ngôi nhà cô giáo Thu, xinh xắn trên bờ hồ. Mấy hôm nay nhiệt độ luôn ba mươi tám, ba chín độ giữa trưa lên đến bốn mươi độ trời nắng như đổ lửa. Tàu chuối, lá mùng trong vườn cháy nám, oi bức ngột ngạt. Đàn cá trong bể cảnh quên lượn lờ, chui rúc vào rong rêu hang động. Lạ thay, hoa phượng vẫn đỏ tươi. Hình như trời càng nắng hoa càng đẹp, nắng không hề hấn gì với loài hoa mầu lửa này.

Quá nửa đêm trời diụ mát hơn. Cô Thu cố chợp mắt mà không sao ngủ được bởi tiếng tắc kè từ hốc cây phượng vỹ vang lên: “ Tắc…kè, tắc kè…è.” Nhiều lúc cô giáo Thu nghĩ anh ấy “ sắp về”…  “sắp về” chia vui với vợ vừa được kết nạp vào hội nhà văn. Lúc này, cô Thu càng nhớ thương người bạn đời đã khuất, khi cậu con trai còn trong bụng mẹ, nay đã thành bác sĩ y khoa. Vợ nó vừa sinh cháu trai đầu lòng. Giá anh có mặt lúc này. Thu vừa mừng vừa tủi. Mấy chục năm lặng lẽ như cái bóng dạy học, nuôi con, vượt lên chính mình đâu chỉ vì miếng cơm manh áo một thời bao cấp khó khăn. Cái đau nhất là nỗi cô đơn con mất cha, vợ mất chồng. Mấy chục năm chưa tìm được mộ anh.

Mừng con trưởng thành. Ngẫm thân phận mình trước bao thử thách không dễ vượt qua. Khổ vì duyên gái một con “trông mòn con mắt” chăn đơn gối lẻ, với bao cạm bẫy ái tình, điều gì cũng có thể xảy ra. Ma lực đồng tiền đôi khi làm băng hoại giá trị tinh thần bao đời để lại. Muốn sống yên ổn trong hoàn cảnh góa bụa nuôi con đâu phải giản đơn trong thời buổi này. Bán nhà đi theo con? Không ổn. Vì có bán hết gia sản ở quê cũng không mua nổi đám đất ở thành phố. Đành chấp nhận thực tại,  rồi tính sau.

Soi gương,Thu biết mình xinh đẹp, như bông hoa khôi giữa rừng. Vừa mừng, vừa lo. Bởi làn da trắng hồng tôn khuôn mặt trái xoan thanh thóat, những đường cong, vòng eo uốn lượn rất quyến rũ. Đôi mắt huyền phảng phất nỗi buồn xa xôi mỗi khi giao tiếp với bạn khác giới, đôi mắt ấy nói nhiều điều nhạy cảm… Cũng có lúc, đôi mắt thẫn thờ như mất vật gì vô giá.

Bỗng tủi thân… rớm lệ, khi nhìn qua cửa sổ hàng xóm thấy vợ thắt cà vạt cho chồng, họ hôn nhau trước khi đến công sở. Cô không bỏ qua cảnh này vào mỗi sáng, như người nghiện xem phim tình sử. Một cảm xúc sung sướng, ganh tị lẫn xấu hổ, tủi thân… Nhiều lúc cô kiên quyết không nhìn sang cửa sổ hàng xóm nữa. Nhưng, chỉ vài hôm lại kéo rèm cửa nhà mình ngó sang cái tổ ấm bên kia, ngao ngán nghĩ đến tổ ấm của mình đã lạnh từ lâu. Đêm đêm nằm đếm tiếng tắc kè đợi sáng. Mưốn đuổi nó đi không được. Sáng tinh mơ đã nghe: Tắc kè…tắc kè…è, một hai giờ chiều nó kêu, chập tối nó gọi bạn tình da diết cho đến khi gặp nhau.

Đếm tiếng tắc kè chẵn, lẻ biết trời đang nắng trở mưa. Màu nhiệm như dự báo thời tiết. Những đêm Thu nằm nghe con cái kêu đực trong mùa sinh sản vang vọng một góc rừng, lại ngẫm thân phận mình mà khóc… Chúng nó sẽ tìm được nhau dù khuya khoắt, nhưng mình thì…

Cũng vài ba người khuyên: Tội gì phải giam hãm tuổi xuân. Có chú nọ, ông kia  quyền lưc, giàu sang… Nhưng con nhỏ bỏ cho ai? Nó là hạt máu duy nhất của anh Năm, và chi họ Hoàng sót lại sau chiến tranh. Cô biết sẽ không tránh khỏi những gã trai si tình như  “Bùi Kiệm” theo đuổi tát cạn bắt lấy. Lao vào “đèn” như con thiêu thân, gây cho Thu bao trận khóc cười…

Vừa thương thân phận mình và những gã mày râu sàm sỡ. Nhiều khi Thu định buông trôi vì những khát khao sôi sục. Nhắm mắt đưa chân cho nguôi cơn nhục dục. Nhưng đành bấm bụng nằm đếm tiếng tắc kè kêu trên hốc cây phượng vĩ ở đầu sân. Có hôm trời rét đậm, Thu vào nhà tắm mở vòi nước lạnh xối lên người dập tắt ngọn lửa tình. Trở vào phòng ngủ lại nghe: Tắc…kè, tắc…kè… è. Nó kêu như đong đếm thời gian buồn nẫu ruột, nhất là những đêm con ốm, một thân một mình bên ngọn đèn dầu hiu hắt… giữa núi rừng.

Lúc còn trẻ, con thơ níu chân. Khi con khôn lớn, đã lên bà. Mỗi lần lòng dạ rối bời Thu ôm con trai bé bỏng vào lòng, nói với con như nói với chính mình: Ôi, chiến tranh, biết bao cảnh như mẹ con mình. Chắc gì họ có được thằng cu xinh xắn như hài đồng của mẹ. Cô hôn tới tấp lên trán thằng bé, rồi khóc nức nở. Khóc,  mừng cây đời tươi tốt. Có thằng con quý hơn tiền tài, danh lợi! Không ghen với những cặp vợ chồng hạnh phúc, chỉ sợ vật báu của mình bị xúc phạm, đành chôn   vùi đôi má lúm đồng tiền, suốt mấy chục năm bấm bụng nuôi con, thờ chồng.

Thu vừa thiếp đi đã nghe tiếng tắc kè kêu về sáng: Tắc Kè.., tắc kè…è, gọi mặt trời. Một ngày mới ở vùng núi trung du chậm chạp hiện lên. Dãy núi phía Tây tím sẫm choàng lớp sương mỏng, như tấm khăn voan trắng phấp phới bay. Ở hướng Đông, mặt trời đỏ rực nhô lên sườn núi.

Chuẩn bị bữa cơm khách xong. Thu thay quần áo ngồi vào bàn trang điểm, tâm trạng nôn nao đón bạn văn. Đường xa thời tiết nắng nóng thế này, sao mình không mời bạn vào dịp khác? Liệu các anh, chị ấy có đến không? Vất vả cho bạn quá. “Ăn bát cháo chạy ba quãng đồng.”  Chẳng nhẽ nhận lời mời mà họ không tới. Thật khó xử cho các anh các chị…

Nhưng, sáng mai mình phải xuống thành phố chăm con dâu sinh nở rồi. Không còn dịp nào thích hợp hơn, thôi đành vậy. Các bạn đến chia sẻ, chúc mừng cây bút thơ sau nhiều năm vật lộn với số phận, mọi vui buồn dồn nén trong thơ. Thơ là lều thuốc giải tỏa tâm trạng của người vợ líệt sĩ. Thơ chắt ra từ trái tim nhạy cảm sự khao khát tình yêu đôi lứa, vật vã với đau khổ đời thường của cô giáo Thu. Thu ra nhập BLOG tiếng Việt. Nét, làm công dân “ xóm lá,” ra mắt bạn đọc tập thơ đầu tay: “Mùa Lá Rụng” được nhiều người biết đến. Vì thế, Thu được kết nạp vào hội nhà văn. Đó là lí do buổi liên hoan hôm nay giữa những người cầm bút. Nếu lúc này có anh Năm thì hạnh phúc biết bao.

Cưới nhau vào mùa thu – mùa lá rụng. Chung sống với nhau một tuần, anh vào chiến trường miền Nam. Từ hôm chia tay đến lúc hi sinh không một lá thư về. Đến nay chưa biết anh nằm lại ở đâu? Hai mẹ con nương tựa vào nhau suốt mấy chục năm. Khó khăn một thời tem phiếu chia nhau từng mét vải, lạng đường…May sao gia đình, đồng nghiệp đùm bọc, thằng con ngoan học giỏi, hiếu thảo. Vừa sinh cháu đích tôn. Thu, hoàn thành nghĩa vụ làm vợ, làm mẹ! Nếu ngày ấy gửi nó về cho ông bà ngoại, đi bước nữa thì đời mình sẽ ra sao? Thu mỉm cười xoa nhẹ lớp phấn hồng lên má, tô son môi, ngắm mình trong gương tự tin, chờ đón khách. Cô hình dung cuộc gặp bạn văn lần này sẽ đem đến cảm xúc mới trong lao động sáng tạo của nhà thơ chuyên nghiệp.

Nhà văn Vĩnh Hưng, đến từ lúc tám giờ, kèm một bó hoa loa kèn rất đẹp. Mọi người trêu Thu: Chắc Vĩnh Hưng đến từ chiều qua… (cười) Chín giờ rưỡi có: Nhà nhiếp ảnh Đức Vân, nhà thơ Tuấn Vĩnh, nhà văn Trịnh Hà, nhà thơ Thành Vinh, từ trong xe bước ra mỗi người một bó hoa tươi trong tay chúc mừng hạnh phúc Hồ Thu. Nhà thơ Hồ Thu cùng nhà văn Vĩnh Hưng, ra tận cửa xe đón bạn, ôm hôn nhau, tay bắt mặt mừng dưới vòm hoa phượng vĩ. Những cánh hoa phượng đỏ tươi bay trong gió rắc lên vai, lên tóc các nhà văn, nhà thơ một mầu đỏ. Và tiếng con tắc kè từ hốc cây phượng vĩ ở đầu nhà kêu: Tắc kè…tắc kè…è, như chào đón khách. Nhà văn Vĩnh Hưng, vui vẻ dịch: “ vui hề! vui hề!”, mọi người cùng cười vui vẻ.

Các văn nghệ sĩ tặng sách cho nhau, sau khi hỏi thăm sức khỏe bản thân và gia đình, tình hình trên đường đi nắng nôi… Nhà thơ Hồ Thu xúc động: Xin chân thành cảm ơn các bác, các anh, chị không quản xa xôi nắng nóng đến với em vào giờ này. Khóe mắt Hồ Thu giọt lệ ngập tràn hạnh phúc của người hiếm có sự chăm sóc tinh thần, mới trân trọng làm sao. Tất cả đều ánh lên nụ cười, ánh mắt  hạnh phúc của nhà thơ Hồ Thu, trong ánh mắt bạn bè…

Ngồi vào bàn ăn, các bạn văn chúc mừng Hồ Thu vừa được kết nạp hội nhà văn, và tập thơ “ Mùa Lá Rụng” được đông đảo bạn đọc yêu mến. Họ chạm cốc, đàm đạo văn thơ; kẻ xướng, người họa thật thi vị. Người ngoại đạo cũng cảm được sự thanh tao, sâu sắc đầy cảm xúc qua những bài thơ họ xướng họa cùng nhau.

Nhà văn Vĩnh Hưng đề nghị nhà thơ Hồ thu đọc bài thơ tâm đắc của mình trong tập thơ vừa xuất bản. Hồ Thu vui vẻ đọc bài thơ “Mùa Lá Rụng”- bài chọn làm tựa đề cho tập thơ. Giọng đọc của cô giáo dạy văn gợi cảm lạ lùng: “ Một thời bom đạn ngập đầu/ Vui buồn dồn nén lặn sâu trong lòng/ Nuôi con một thuở không chồng/ Nuốt bao cay đắng nát lòng ai hay/ Một đời rừng mấy đời cây/ Mấy mùa lá rụng rừng này lại xanh/ Ai đưa em đến với anh/ Cái đêm lá rụng ấy thành nỗi đau/ Hiến dâng tất cả cho nhau/ Thuyền tình đã đắm tìm đâu cây sào/ Gặp anh trong giấc chiêm bao/ Tâm linh mách bảo em vào Trường Sơn/ Rừng già gió giật từng cơn/ Bao công tìm kiếm khói hương nhạt nhòa…”

Đến đây, tác giả bài thơ vỡ òa nước mắt. Không thể đọc tiếp.

– Thưa các anh, chúng em cưới nhau vào mùa thu. Đêm tân hôn trời nổi gió, lá rụng xòa xạc… Giờ ngẫm thật buồn, mấy lần đi tìm hài cốt anh Năm không kết quả, em viết bài thơ này nói với anh và an ủi mình.

Nhà văn Trịnh Hà nhận xét:

– Bài thơ của người trong cuộc gợi cảm, chạm vào nỗi buồn của nhà thơ và bạn đọc. Chúng  tôi chạm cốc đồng cảm với bài thơ đầy nỗi niềm…

Vào giữa buổi tiệc, có tiếng: Tắc…kè,..tắc …kè…è… âm vang trong phòng, Hồ Thu, giải thích: Con tắc kè làm tổ trong hốc cây phượng vĩ vài năm nay. Nó thường kêu vào tảng sáng, buổi trưa, chập tối, đêm khuya, lúc thay đổi thời tiết. Nghe buồn rười rựơi, nhưng mãi rồi quen. Đôi khi không nghe nó kêu lại nhớ. Nhà này, chưa ai thấy nó bao giờ.

Ôi, nó đang trên trần nhà đây, nó đấy! Nhưng sao đỏ như máu vậy? Chúng tôi nhìn lên trần nhà, con tắc kè to bằng bắp tay đỏ như lửa, dài gần một mét đang bò trên tường, vừa đi vừa kêu: Tắc kè…,tắc… kè…è, Nhà thơ Tuấn Vĩnh nói vui: “Sắp về !” “Sắp về!”…(cười).

Nó trườn trên tường làm đứt dây néo, cái khung ảnh rơi xuống giường. Anh Đức Vân cầm tấm ảnh chụp nửa người chăm chú xem, ngờ ngợ người này có phải Hoàng Năm không? Đúng anh Năm rồi! Nhưng sao lại ở đây? Quê Năm ở xứ Nghệ kia mà? Thấy Đức Vân suy tư trước tấm ảnh chồng, Thu giải thích:

Anh ơi, tấm ảnh anh Hoàng Năm chồng em đấy! Khi em học Đại học sư phạm Vinh, trọ học nhà anh Năm. Yêu nhau rồi nên vợ chồng. Chiến tranh không chụp được ảnh cưới to đẹp như bây giờ. Thế anh biết nhà em ư?

– Tôi và anh Năm ở tiếu đoàn một, đại đội ba công binh – đơn vị anh hùng, giữ chốt ở đèo Phu La Nhích, cua chữ A, đường Trường Sơn.

– Ôi, may quá. Thế anh có biết nhà em hy sinh như thế nào không. Và mộ anh Năm ở đâu? Không khí trong bữa tiệc trầm xuống với bao hi vọng. Mọi người chăm chú nghe câu hỏi lâu nay không lời giải. Hôm nay được tỏ bày.

Nhà nhiếp ảnh Đức Vân chậm rãi kể:

– Hôm ấy địch dùng máy bay b.52 ném bom từ bảy giờ sáng đến năm giờ chiều xuống trọng điểm đơn vị chúng tôi. Cách mười lăm phút một đợt bom trút xuống đường. Đợt cuối cùng chúng dùng bom từ trường, bom hẹn giờ, không cho ta sửa đường. Hai đầu đường xe nối đuôi nhau chờ thời cơ vượt trọng điểm. Hoàng Năm chở xe sắt vụn đi trước dọn đường, Nguyễn Bảy lái máy ủi theo sau lấp hố bom. Còn khoảng năm mươi mét nữa hết đoạn đường bom, các xe có thể đè lên vệt máy ủi vượt trọng điểm. Bỗng, mặt đường rung lên hàng loạt bom liên tiếp nổ. Những cây nấm lửa khổng lồ đỏ như máu, cuộn xoáy trên không sáng rực bầu trời. Máy ủi lật xuống khe sâu. Chiếc gát 51 do Hoàng Năm lái bốc cháy dữ dội trên cao, những mảnh vỡ của nó tung lửa như sao băng. Hai đồng chí: Hoàng Năm, Nguyễn Bảy được truy tặng Huân chương chiến công hạng hai. Thi thể các anh hóa khí thiêng sông núi! Sống mãi trong tâm thức chúng ta – những người anh hùng trên đường Hồ Chí Minh, huyền thoại!

Thu bật khóc nức nở. Chúng tôi mắt kính ướt nhòe. Kịp chấn tĩnh lại, động viên nhà thơ Hồ Thu:

-Tôi bỗng nhớ câu nói của nhà văn Sencca: “Kẻ đáng ca ngợi là kẻ làm cái gì mà bổn phận bắt phải làm; chứ không phải làm cái gì mình có thể làm.”

Trong phiên trực chiến trên trọng điểm hôm đó, hai anh: Hoàng Năm và Nguyễn Bảy đã làm tròn bổn phận của anh bộ đội Cụ Hồ! Như những dấu son ghi vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, là điểm nhấn cho thơ ca chống Mỹ cứu nước thăng hoa!

Hồ Thu ơi, thơ là nghệ thuật ngôn từ tuyệt diệu hoàn mỹ, là tranh họa biết hoạt động, âm nhạc biết suy tư. Với khả năng và hoàn cảnh này, tôi nghĩ đây là thử thách và cũng là cơ hội để chúng ta sông tốt hơn, viết tốt hơn, xứng đảng với các anh hùng liệt sĩ!

Chiều buông xuống. Con tắc kè mầu lửa trên hốc cây phượng vĩ kêu tiễn khách: Tắc…kè…,tắc … kè…è. Chúng tôi lên xe tạm biệt nhà thơ Hồ Thu. Cây phượng vĩ đã lùi xa, tiếng con tắc kè mầu lửa còn vọng mãi trong tâm tưởng mọi người.

N.X.T

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder