Ông Sơn úp tay lên tay ông Linh :
– Tôi cả đời lênh đênh trên biển quen rồi. Anh cố xin bằng được con tàu ra kéo Hạnh Phúc về. Phải có một người… Chả nhẽ cả hai ngồi đây chờ chết….Xong xuôi công việc ông rẽ qua nhà tôi xem ông độc đinh của tôi thế naò. Khổ có mười thì tốt có một thì…Ông Sơn úp tay lên tay ông Linh:
– Tôi cả đời lênh đênh trên biển quen rồi. Anh cố xin bằng được con tàu ra kéo Hạnh Phúc về. Phải có một người… Chả nhẽ cả hai ngồi đây chờ chết….Xong xuôi công việc ông rẽ qua nhà tôi xem ông độc đinh của tôi thế naò. Khổ có mười thì tốt có một thì…
1.
Tầu này đúng là tàu ma vì nó trôi vô định trên biển không biết bao ngày. Vì mọi thứ trên tàu đã ngừng bặt. Trớ trêu sao. Tên nó là Hạnh Phúc- một trong những ước vọng muôn thủa của nhân loại. Thứ duy nhất còn hoạt động trong tàu là một con người. – Thuyền trưởng Sơn. Đến lúc này ông vẫn xứng đáng là một thuyền trưởng vì đang thực hiện nghiêm cẩn điều luật ngành hàng hải Quốc tế đề ra “Thuyền trưởng phải là người rời tàu cuối cùng trước khi con tàu chìm xuống biển ”.
Cách đây hơn một tuần tàu này còn thêm chính uỷ Linh. Hai ông bàn bạc với nhau khi dáng chiều đỏ rực phía tây. Trên mũi tầu có đôi hải âu đang khoá mỏ. Thuyền trưởng Sơn vừa câu được con mực ống cùng con cá nhám nhỏ. Chai Santori uống dở chính uỷ Linh tìm được khi lang thang dưới hầm tàu. Chắc của gã thuỷ thủ nào đó vào phiên trực quét dọn, cạo rỉ để quên. Thuyền trưởng Sơn gắp cho chính uỷ Linh miếng mực nướng trên chiếc chảo to của bếp tàu. Cạch chén rượu vào chén của chính uỷ, giọng khàn khàn vì bị cảm lạnh. Tối qua thuyền trưởng nằm ở buồng lái quên đóng cửa.
– Anh phải về. Về xin ý kiến cấp trên cho một chiếc tàu nhỏ nhẹ mang dầu ra, mấy tay thợ máy. Có hoa tiêu càng tốt…
-Liệu đổ dầu vào thì tàu chạy được không. Máy móc bỏ lâu như thế …Hơn nữa tôi e…
Thuyền trưởng Sơn è to một tiếng cho thông giọng :
– Nếu không, xin trên cho một con tàu kéo ra kéo nó về. Phá để bán sắt vụn chí ít một, hai triệu đô chứ ít đâu .
Chính uỷ Linh thở dài:
– Khi Tổng có ý mua con tàu này, con trai tôi đã xem niên biểu tàu thế giới. Nó bảo tàu này có tên Sapaép. Đến kì giải bản rồi. Giá rao bán khoảng hai triệu đô. Tôi đã thông báo tư liệu này ở Ban đối ngoại trên Tổng. Nhưng chẳng ai nghe.
Thêm một tiếng thở dài của chính uỷ Linh xen cùng tiếng con hải âu mái kêu choé lên :
– Vậy mà mua về mất gần hai mươi triệu đô. Người ta bảo thằng bé nhà tôi chả hiểu tra tài liệu nào, sai bét. Bản giám định tàu Sapaep mới mười hai tuổi. Nói lại mang tiếng khoe con. Nó làm luận văn thạc sĩ vận tải biển bằng tiếng Anh ở trường hàng hải Manmo, còn mấy bố ở nhà…
Thuyền trưởng Sơn cũng lây tiếng thở dài của ngưòi đối tửu:
– Nhìn hai con anh tôi thèm quá. Học hành đâu vào đấy. Tôi có độc thằng. Suốt ngày mê làm thuyền trưởng như ông, như bố nhưng chẳng chịu học hành gì. Lần trứơc về gặp nó chưa đầy nửa tiếng. Mẹ nó bảo ngượng vì trượt đại học. Đang muốn bố mẹ bỏ tiền ra du học. Ngữ nó ra nứơc ngoài thì…
Chính uỷ Linh ý nhị lảng chuyện khác.
– Để khẳng định là tàu tốt, Tổng mới cho chạy một chuyến vòng quanh thế giới chở gạo cho Cu Ba.
Thuyền trưởng Sơn bị hút chuyện :
– Biết tình trạng tàu bè thế mà ông vẫn nhận làm chính uỷ.
Chính uỷ Linh cười :
– Đa số tàu viễn dương giờ đã bỏ chức danh này. Tàu làm nhiệm vụ chính trị, lại đến Cu ba. Nên … Nhiệm vụ Đảng giao. Mình lại là bí thư chi bộ … Làm sao không chấp hành…Anh bảo tôi về …anh ở lại một mình…
Ông Sơn úp tay lên tay ông Linh :
– Tôi cả đời lênh đênh trên biển quen rồi. Anh cố xin bằng được con tàu ra kéo Hạnh Phúc về. Phải có một người… Chả nhẽ cả hai ngồi đây chờ chết….Xong xuôi công việc ông rẽ qua nhà tôi xem ông độc đinh của tôi thế naò. Khổ có mười thì tốt có một thì…
Chính uỷ Linh lặng lẽ đưa chén rượu ra chạm:
– Anh đừng lo quá… Lớn, nó sẽ biết.
2.
Chia tay nhau thế mà hơn hai ngày sau Chính uỷ Linh mới đi được. May, năm nay gió mùa đông bắc về sớm. Tàu Hạnh phúc mới rạt được vào vùng biển gần đất liền hơn. Lửng sáng hôm ấy có một con thuyền gỗ nứơc sơn xanh đã bạc và rạn chân chim. Tiếng máy trăm sức ngựa phành phạch đi sáp vào tàu Hạnh Phúc. Hai người trên tàu choàng dậy rất nhanh. Trên thuyền có năm bố con người đánh cá mặt mũi hiền lành, vừa đi đánh cá ngừ về. Sau khi buộc thuyền vào mũi tàu cả năm người lên tàu bằng chiếc thang giây thuyền trưởng Sơn thả xuống. Bữa cơm toàn có món mắt cá ngừ mà năm bố con gọi là đèn pha. Rượu Bầu Đá đã làm bẩy con người bồng bềnh ngất ngư trên biển. Chính uỷ Linh theo thuyền đánh cá về đất liền….
Chia tay, thuyền Sơn lên buồng lái bất động nhìn theo thuyền xanh bạc cho đến khi nó bị biến mất hoàn toàn trong ánh sáng chập chờn túa ra những vòng tròn lấp loá trên mặt nước.….
Đêm đó có trăng. Sắp cận rằm mà đã quá nửa đêm về sáng, trăng vẫn không thoát ra khỏi đám mây nặng nề, xám xịt bởi gió mùa dồn đến che phủ. Mặt boong tàu loang loáng những hình bóng khi đậm khi nhạt của đám mây trôi vùn vụt. Thuyền trưởng Sơn phủ chăn mỏng, ngả mình trên chiếc ghế bố ngay cửa phòng câu lạc bộ thuỷ thủ. Ông đếm thầm đến con số hơn hai vạn mà mắt vẫn trơ cứng. Đầu óc chộn rộn mọi ý nghĩ. Cơn thèm thuốc, tiếng sóng biển, tiếng gió, tiếng cọt kẹt của những khung cửa sổ bị gió xô đẩy khiến ông không thể chợp mắt. Ông ngồi dậy, quơ tay với gói thuốc lào người đánh cá đưa cho ông kèm theo bật lửa cũ đánh bằng đá lửa. Bố con người đánh cá thương người và hiểu kẻ bơ vơ trên biển. Họ bảo ông giữ lại cái lò, hơn chục cục than tổ ong. Cái nồi, cái soong.”À thằng Lai xuống cầm lên cho bác cái đèn bão, mấy chai dầu hôi..Sống dầu đèn. Nhớ mang cả hộp mì, chỗ cá ướp muối, ít dầu rán. Con nứơc này thì chỉ nửa ngày nữa mình về tới bờ. Thứ nào dùng được đưa hết cho bác”. Thuyền trưởng Sơn vừa rút tiền, năm bố con lắc đầu quầy quậy. ”Bác cứ lấy mà dùng, mấy thứ lẻ tẻ đáng giá gì đâu”. Thuyền trưởng Sơn phải nói mãi, ông bố mới cho thằng con thứ hai nhận chiếc điện thoại của ông”. Khuôn mặt nâu bóng của người đánh cá nở hết cỡ cười hị hị…
Thuyền trưởng Sơn, xoe núm thuốc, xé tờ giấy cuộn lại. Ngọn lửa loé lên. Rít nhẹ hơi đầu tiên, ông ôm ngực ho sặc sụa. Dứt cơn ho ông bật dậy. Có tiếng động mơ hồ vẳng lên đâu đây. Mắt ông nhíu lại. Khẽ lắc đầu tự cười thầm vì suy tưởng của mình. Ông nằm xuống. Vừa ngả người thì ông lại lập tức nhổm lên. Bây giờ không phải tiếng động mơ hồ nữa mà rõ ràng có tiếng chân bứơc. Lúc nhẹ nhàng như mèo, lúc cập rập, vội vã. Rồi tất cả lại chìm vào tiếng sóng biển lào xào. Hình như kẻ bứơc dừng lại đâu đó để nghe ngóng. Thuyền trưởng Sơn quài tay ra phía sau ghế rút khẩu súng ngắn. Tiếng động đột nhiên mất hẳn chỉ còn lại tiếng sóng biển táp vào mạn tàu cùng tiếng ó biển bay qua thả xuống mấy tiếng vu vơ. Ông vừa định đút súng vào thì tiếng lạt xạt của chân người dẫm phải tờ báo mà đứa con út ngưòi đánh cá đã ngồi tựa vào vách tường đọc chăm chú. Ý nghĩ của ông đang lng bang thì có ánh đèn pin nhỏ, cực sáng lia lên. Bóng người đen xịt hiện ra sừng sững ngay bậc thang đầu tiên. Thuyền trưởng Sơn nhào dậy chĩa súng vào kẻ lạ mặt. Trong ánh đèn bão chao đảo, ông nhận ra gã đàn ông không còn trẻ , khuôn mặt lộ sự bất cần, mệt mỏi, liều lĩnh. Có lẽ do bộ râu quai nón mới cạo chừng vài ngày mọc trở lại. Tay gã cũng lăm lăm khẩu súng.
– Anh là ai ?
Hình như gã nhếch mép cười :
– Thế ông là ai mà lại may mắn được ở cái chỗ an toàn thế này ?
Ông Sơn nghiêm mặt :
– Tôi là thuyền trưởng .
Gã đàn ông gật gật đầu. Môi hơi nhếch :
– Thuyền trưởng của một con tàu ma. Chà chà…Hay .
– Không nói bậy. Trả lời đi đã. Anh là ai mà lại lén lên tàu của tôi ?
Gã đàn ông nhét khẩu súng vào thắt lưng, mặt cố làm ra vẻ thản nhiên :
– Cất vũ khí đi. Không có súng nói chuyện dễ chịu hơn. Giờ tôi với ông có khác gì nhau.
Thuyền trưởng Sơn cũng cài khẩu súng vào cạp quần :
– Không thể cá mè một lứa.
– Ông đừng huếnh. Gã đàn ông nói ráo hoảnh. Cô bồ tôi thích đọc đủ thứ lăng nhăng. Nhờ thế nên tôi biết trên mặt biển giờ đầy tàu ma. Vì sao thì ông biết tỏng rồi. Tôi không quan tâm. Nhưng cái tin ấy gợi cho tôi một hướng. Tìm một con tàu ở tạm thời gian. Không ngờ tàu này lại có một ông thuyền trưởng đang bị cầm tù .
Thuyền trưởng Sơn quắc mắt:
– Không nói bậy.
Gã đàn ông cười khẽ :
– Con tàu khổng lồ thế này mà không điện, máy móc tịt. Kệ gió đưa đi. Thuyền trưởng mà khác gì thằng tù. Cũng đèn bão, than tổ ong. Mì ăn liền. Tôi cũng mang lên một hộp. Có cả dầu ăn, rau, đồ hộp. Góp gạo thổi cơm chung. Độ nửa tháng gì đây cô bồ của tôi lại tiếp tế.
– Anh quên là tàu sẽ không phải ở đây mãi sao. Gió mùa này…
Gã đàn ông chợt sực tỉnh , vỗ hai tay vào nhau:
– Chết cha. Tôi đúng là một con bò… Có cái điện thoại…Chà, lại vứt đi từ đời tám hoánh.
Thuyền trưởng Sơn nhìn sự chưng hửng của anh ta hỏi:
– Đang ở đất liền yên lành anh ra đây làm gì. Chắc định lên tầu để …
Gã đàn ông vung tay:
– Tôi không phải thằng ăn cắp. Con tàu chết tiệt này là chỗ ẩn nấp tốt nhất trần gian. Vì chẳng có thằng công an, thằng điều tra nào có thể mò ra được. Sẽ tha hồ yên giấc. Không như ở đất liền…Chiếc lá rơi cũng giật mình. Cứt thật ,
Thuyền trưởng Sơn nhíu mắt:
– Thế anh là kẻ trốn tù .
Gã đàn ông bĩu mồm :
– Ở đây chỉ có hai người, tôi không dấu. Tôi đang bị truy nã.
– Tội gì thế ?. Thuyền trưởng Sơn thờ ơ .
– Giết người. Tôi đã giết người.
Nghe giọng nói thản nhiên của gã đàn ông, thuyền trưởng Sơn đột nhiên thở dài lẩm bẩm một cách ngớ ngẩn “giết người ?. Không đùa chứ đấy ”..
3.
Bộ râu quai nón của gã đàn ông vểnh lên. Gã chằm chằm nhìn thuyền trưởng Sơn. Trong ánh đèn bão đu đưa, đôi mắt của gã loé lên như mắt sói đêm dõi theo mồi. Hai hàm răng gã nghiến trèo trẹo, phát ra những tiếng ken két của loài thú ăn thịt:
– Tôi đã giết người. Nhưng ông có biết tôi giết ai không ?
Thuyền trưởng Linh động đậy trên ghế:
– Làm sao mà tôi biết được .
Gã đàn ông ngửa mặt nhìn lên trần tàu :
– Tôi giết vợ và cả thằng nhân tình của nó.
Thuyền trưởng Sơn giật mình khẽ, vô tình đưa tay lên cạp quần
– Những hai người cơ à. Vợ chồng với nhau …
Trong cổ họng gã đàn ông phát ra tiếng lục cục giống như sợi xích neo khô dầu đang được tời kéo lên. Tay xua xua.
– Ông định rút súng chứ gì. Không cần …Vợ ông đã ngoại tình bao giờ chưa ? Mà mụ ta có ngoại tình ông cũng đếch biết được. Quanh năm lang bang trên biển thế này. Đàn bà khôn như mèo ấy. Thằng đàn ông nào nó cũng ngọt ngào, êm ái. Ông đi xa về đang mót món ấy hục vào thì làm sao biết vợ ông cũng vừa nồng nã yêu chiều một thằng khác. Đàn bà lại như mặt nứơc. Ăn nằm có để lại dấu tích trên người chúng đâu. Với nghề ông. Biết mười mươi vợ ngoại tình, điên lên cũng cóc có cách nào để về trả thù ..
Thuyền trưởng Sơn vặn vẹo trên ghế :
– Con người với nhau…Tin là ..chính
Gã đàn ông bất ngờ cáu giận :
– Thôi. Đừng đạo đức giả cầy nữa. Mẹ kiếp. Thằng sếp của tôi mê vợ tôi. Nó phân tôi đi công tác. Nó bảo cơ sở ấy đối xử chu đáo lắm. Ăn ngủ, phong bao cẩn thận. Tôi không tin, vì thời buổi này, sếp như chó, có chê cứt bao giờ. Nên mới đi hai ngày, tôi quay về. Bắt trúng tủ hắn đang quắp vợ tôi trên giừơng. Hắn van tôi như cha chết và hứa sẽ cho lên chức, lên lương. Tôi nhổ một bãi và thoi cho hắn một quả vào giữa mặt. Hắn quay lơ tôi hỏi con vợ “có yêu hắn không?”. Ả khóc rống lên bảo”không”.
– Tay sếp ấy chết chứ ? .
– Không ngờ, chỉ một đấm. Trời trừng phạt mà. Thằng cha ngã bật ra sau, đập gáy vào thành giường. Trúng chỗ phạm nên củ luôn.
– Thế còn vợ cậu. Sao lại ?
– Khốn nạn là ở chỗ ấy. Mẹ kiếp. Phát hiện thằng Sếp chết. Ả rống lên. Nghe khóc biết ngay là nó yêu thằng chó ấy. ”Vì em, vì em mà anh bị thế này”. Tôi lộn ruột, túm tóc nó hất ngược lên hỏi một câu chẳng liên quan gì .
Thuyền trưởng Sơn tò mò :
– Cậu hỏi câu gì ?
Gã cười ha hả:
– Tiên sư khỉ. Vì câu hỏi ấy tôi biết con vợ đã cắm vào đầu tôi hàng đống sừng từ lâu. Câu hỏi ấy đơn giản là ”con đâu?”
Thuyền trường Sơn nén tiếng thở dài:
– Đi xa về ai cũng hỏi thế cả.
– Ả thều thào bảo” các con đã sang bên bà ngoại chơi rồi?”. Tức là nó bố trí để chúng nó rộng cẳng hú hí với nhau .
Gã đàn ông gục đầu xuống hổn hển như vừa làm xong một việc cực kì khó nhọc, quá sức. Một lúc sau gã đột ngột ngẩng đầu lên :
– Không nói chuyện ấy nữa. Tởm lợm lắm. Giờ bàn chuyện khác vui hơn nhé.
– Chuyện gì ? Thuyền trưởng Sơn thở phào như vừa được giải thoát .
Gã đàn ông cúi đầu hồi lâu mới nói:
– Dù sao ông cũng là chủ. Tôi không phải hạng chó má. Tại chúng nó xô đẩy. Xin ông cho tôi ở đây khi nào .. Tầu ra đón ông ..Lúc đó… Còn bây giờ ..Cô bồ…Nhà cũng nghèo dớt mùng tơi. Thôi, tôi cứ nói luôn. Ông thuộc con tầu , ông thấy trên này có cái gì gọn nhẹ, đáng giá…
Thuyền trưởng Sơn nhếch mép:
– Hiểu rồi. Cũng nói luôn. Tôi cấm anh lấy bất cứ một thứ gì trên tàu.
Tay gã đàn ông xua xua:
– Đừng cố chấp thế. Tôi có đọc tin trên báo. Người ta đã lờ tịt những con tàu kiểu này rồi. Không có gì phải sợ. Nhờ cô ấy bán đi, lấy tiền mua cái gì cho tôi và ông. Cô ấy kiếm thêm một chút coi như trả công cho sự vất vả đi lại từ bờ ra.
– Tôi đã nói. Không là không. Anh nên nhớ chỉ vài hôm nữa sẽ có tầu ra kéo con tàu này vào.
– Tầu ra hãy hay. Ông dễ tin thật. Chắc vì thế nên ông mới liều mạng ở lại để trông con tàu này chứ gì
– Chứ sao.
– Ông gàn bỏ mẹ ra. Nhưng đấy rồi ông xem. Tôi đúng hay ông đúng nhé.
Thuyền trưởng Sơn gằn giọng:
– Không cần biết ai đúng ai sai. Tôi chỉ cấm anh không được đụng bất kì thứ gì trên tàu.
4.
Sau buổi nói chuyện đó hai kẻ trên tàu dường như không nói gì với nhau nữa. Ban ngày thì gã đàn ông bị truy nã lúc đi lang thang trên boong tàu. Mồm hút sáo cố làm ra vẻ thản nhiên. Nhưng đến chỗ nào gã cũng đứng thần ra một lúc ngắm nghía, rồi lấy tay lay lay. Có lúc gã lại mất hút khỏi tầm mắt của thuyền trưởng Sơn. Lúc đó thuyền trưởng Sơn căng tai ra cố nghe mọi thứ tiếng động. Đang mênh mông ngoài khơi, không bóng tàu, thuyền nào dù ở phía chân trời xa lắc chứ đừng nói quanh tàu. Rút lại, gã định xoáy món gì thì dứt khoát phải khuân lên mặt boong, từ đó mới đưa xuống bằng thang giây. “Có ma nào đâu”.Thuyền trưởng nhếch mép cười vì sự lo xa của mình. Buổi tối, ông vào buồng ngủ, khoá trái cửa lại. Cẩn thận hơn, ông còn kê một chiếc ghế tựa ngay sau cửa. Động dạng gì chiếc ghế sẽ đổ xuống báo hiệu. Cảnh giác vẫn hơn. Một kẻ đang bị truy nã có thể liều lĩnh… Đến bữa ông có ý xem gã đàn ông ở đâu. Hộp mì ăn liền gã mang lên chắc chưa hết. Gã bảo có cả rau thì phải. Nhưng từng nấy hôm, rau còn thì cũng thối hoặc úa vàng hết …Thuyền trưởng Sơn choàng tỉnh dậy. Ông nhìn đồng hồ trên tường treo liền ảnh bố ông đang đứng trên boong tầu không số. Con tàu bé nhỏ, thô sơ đó mà vào tận Vũng Rô… Pin đồng hồ không biết hết từ bao giờ. Ba kim dừng ở ba số khác nhau. Nhìn đồng hồ đeo tay. Đã bẩy giờ 13 phút. Đêm qua phần vì trằn trọc bởi những suy nghĩ lung tung, phần vì tiếng gió hình như to hơn ào ào, đập vào cửa kính phòng. Mãi hơn bốn giờ ông mới chợp mắt. Thuyền trưởng Sơn mở cửa định đi ra ngoài, thì ngay lập tức ông lùi trở lại. Ngoài trời quá lạnh. Gió đập vaò những vật trên tầu kêu xủng xoảng. Vừa khoác áo ấm bứơc ra. Ông giật mình khi thấy gã đàn ông đang đứng nép vào góc cửa. Thiếu một chút, thuyền trưởng Sơn rút súng ra vì không nhận ra gã. Có lẽ đến hơn nửa tháng, không nhìn thấy gã. Mặt gã quắt lại, nhô ra vì bộ râu lâu ngaỳ không cạo, mọc lởm chởm trùm lên. Đôi môi nhợt nhạt run run vì rét:
– Ông có cái áo ấm nào không ? Lạnh quá. Đêm qua tôi phải xuống hầm tầu quấn bạt ngủ.
Thuyền trưởng Sơn lặng lẽ vào phòng. Cẩn thận khép cửa. Mở tủ lôi ra cái bludông ông mua năm ngoài ở cảng Busan. Ông im lặng đưa áo cho gã. Kẻ bị truy nã vừa mặc áo vừa nói:
– Hình như tàu rạt vào đất liền gần hơn thì phải .
– Cũng có thể. Gió mùa thế này.
– Ông nhìn kìa.
Theo hướng tay gã chỉ, thiếu chút nữa, thưyền trưởng Sơn bật lên tiếng reo mừng rỡ. Một con tầu chỉ bằng hai phần ba con tàu Hạnh Phúc đang lao về phía tàu của ông. Thuyền trưởng Sơn đi nhanh vào phòng. Ông mở cửa tủ đựng quần áo, lôi bộ trang phục thưyền trưởng, lấy bàn chải chuốt qua vài lựơt rồi mặc vào. Ra mắc áo nhấc chiếc mũ kê pi trắng đội lên đầu. Lại kệ để giầy,xỏ chân vào đôi giầy da đen. Khi ông ra khỏi phòng, gã đàn ông sững người lại. Mắt mở to, mồm mấp máy:
– Trông ông oai quá. Nhưng sao ông lại mặc …
Mặt thuyền trưởng hớn hở:
– Anh không thấy con tầu đang đi về phía tàu này à. Chắc chắn là tầu ra đón, cũng có thể nó ra kéo.
Bộ râu trên mặt gã đàn ông như xạm lại :
– Đúng thế sao ?
– Sao lại không đúng .
Gã đàn ông đứng lặng một lúc. Rồi gã khẽ thì thào:
– Thế thì ..Tôi van ông .. Ông đừng nói là tôi ở đây .
– Tôi hiểu rồi. Nhưng tàu vào cảng thì sớm muộn thế nào ngưòi ta cũng biết.
Mặt gã đàn ông chảy dài:
– Vâng. Vâng. Tôi chỉ xin ông đừng nói tôi ở trên tầu. Tôi sẽ liệu để không ..bị bắt.
– Khó thoát lắm… Thuyền trưởng nhìn ra chiếc tầu đang chầm chậm như trôi đến phía tầu của ông.
– Ông không nói là tôi đội ơn ông rồi. Nếu họ kéo tầu vào. Tôi sẽ nấp ở đâu đó để họ không nhìn thấy. Tối đến hoặc lúc vắng ngưòi tôi sẽ tìm cách lên bờ.
Thuyền trưởng vừa đi vừa nói :
– Tạm thế đã. Coi như tôi không biết gì anh. Nếu chẳng may bị bắt, anh đừng để tôi liên luỵ là được.
Nói xong ông đi nhanh lên mũi tầu. Ông bám vào lan can. Khi chiếc tầu tiến sát đến gần tầu Hạnh phúc, thuyền trường Sơn thấy rõ cả đám ngưòi đứng lố nhố chỉ chỏ tầu ông. Ông đứng thẳng giơ tay chào. Bên chiếc tầu kia, tiếng huyên náo rộ lên, rồi con tầu rúc lên một hồi còi dài rồi tăng tốc vọt qua tàu ông. Thoáng sau chiếc tàu chỉ còn chấm đen nhỏ xíu giữa màu xám xịt của mặt biển và bầu trời vào ngày gió mùa. Tiếng gã đàn ông lào khào phía sau lưng:
– Cũng may không phải tầu ra đón ông.
5
Đợt gió mùa kì này kéo dài một cách lạ thường. Bầu trời xám xịt, nặng trĩu những đám mây vần vụ, khi thì lác đác mấy giọt mưa phùn. Khí trời ngột ngạt, ngột ngạt khiến cá chuồn tức nước nhẩy lên lướt lao xao trên mặt nước. Thuyền trưởng Sơn không biết vì ngượng với gã đàn ông bị truy nã, hay chán nản và tuyệt vọng. Ông nằm lỳ trong phòng. Cho đến một buổi sáng, ông giật mình khi nghe tiếng gõ cửa hối hả, cùng tiếng gọi giật giọng của gã đàn ông :
– Thuyền trưởng, thuyền trưởng. ..
Ông cố không trả lời. Nhưng cửa càng lay mạnh, cùng tiếng nói hối hả ngày một dồn dập :
– Ông mở cửa. Có người lên tàu tìm ông …
Liền sau đó là tiếng gọi như khóc :
– Bố, bố ơi ..
Thuyền trưởng Sơn giật thót mình, bật dậy. Nhảy hai bứơc ra đến cửa. Tay ông run bắn lên. Năm đầu ngón tay miết vào chiếc then trong cửa đến tê dại. Ông loay hoay mãi không đẩy nổi thanh sắt chuyển động. Miệng ông lảm nhảm:
– Đừng đẩy.. đừng đẩy..
Cuối cùng cánh cửa được mở ra. Trong quầng ánh sáng lờ mờ, khuôn mặt thằng Cao con ông dài ra vì mái tóc kiểu chào mào mới cắt méo xệch, đôi môi mấp máy không nên lời. Gã đàn ông gật gật đầu rồi lẳng lặng lùi lại. Thoáng sau gã đã mất dạng sau tháp cần trục bốc hàng.
Thuyền trưởng Sơn kéo con trai vào phòng. Ông cẩn thận đóng cửa, cài chốt trong. Thằng Cao cúi mình tháo sợi dây dù ra khỏi vai, đặt chiếc túi vải du lịch ông mua ở cảng Ô nô mi Chi căng phồng xuống giường. Nó rút ra hai hộp bia :
– Lâu lắm bố không được uống bia. Đúng chưa ?
Thuyền trưởng Sơn nhìn chăm chắm con trai :
– Được rồi. Làm thế nào con biết bố ở đây ?.
Đứa con hí húi lôi gói thịt hun khói ra khỏi túi, giọng đã bình tĩnh lại:
– Bố không nhớ chú Linh chính uỷ à.
– À, à. Bố nhớ rồi. Phải, bố có dặn chú đến nhà.
Thằng Cao dở gói thịt, bật nắp bia đưa cho bố, Nó cầm lên một lon. Nói vẻ hớn hở :
– Bố uống đi cho tỉnh đã. Bộ quần áo thuyền trưởng của bố oách thế. Nào chạm lon đi bố.
Thuyền trưởng Sơn chìa lon bia ra :
– Mẹ con ở nhà vẫn khoe chứ ?
Đứa con trai nhìn bố. Tự nhiên nó cắn cảu
– Không biết. Lâu lắm con có về nhà đâu.
– Sao laị thế ?
– Bố nhớ thằng cha Hiển không ?
– Ai chứ chú ấy thì quên sao được ..
– Phải rồi. Em kết nghĩa của bố mà lại…
– Có chuyện gì ? Tay thuyền trưởng bóp chặt lon bia.
Thằng Cao nghiến răng ken két :
– Không hiểu sao mẹ lại dính với thằng khốn nạn ấy …
– Mẹ con, với chú Hiển…Đừng nghe những lời xúc xiêm, bịa đặt. Làm…gì ..chuyện đó .
– Chính mắt con nhìn thấy. Con điên hết cả người vác luôn cái gậy đánh gôn bố mua ở Thái. Đập cho thằng chó ấy một trận. Vào nằm liệt trong bệnh viện rồi .
Thuyền trưởng Sơn thừ người ra, mặt cứng đơ. Quai hàm đu đưa trèo trẹo. Cơn bực của thằng Cao sôi sùng sục :
– Bà dở hơi lại công khai vào chăm sóc nó. Vợ nó từ quê lên, kéo theo cả thằng em. Hai chị em nó quại cho thâm tím mặt mày. Ngượng quá ở liệt trong nhà không dám đi đâu .
– Thế con Hà đâu ?
– Con đưa em về bà nội. Được hai hôm, nó cứ nằng nặc đòi về nhà.
– Em nó còn bé chưa biết gì .
– Học lớp bẩy, lớn tướng rồi…
Hai bố con im lặng. Thằng con tu bia ừng ực. Quệt tay ngang mồm chùi bọt bia ngấn quanh, nó lầu bầu :
– Con biết lên Tổng công ty lúc này rất ngượng nhưng đành phải lên.
– Lên để làm gì ?
– Để lấy lương của bố. Ở lớp con Hà đóng gì còn có tiền đưa cho nó.
– Khổ con bé .
– Con thương nó lắm. Nên thỉnh thỏang con cũng đảo qua nhà. Hai anh em nói với nhau. Kệ xác bà ấy…. Nhưng tại sao mọi ngưòi về hết. Đến chú Linh chính uỷ cũng.. thế mà bố..
Ông Sơn ngồi lặng một lúc, rồi nói khẽ:
– Bố là thuyền trưởng, không thể…Con tàu như thế này. Thế con gặp chú Linh lâu chưa.
– Cuối tuần trước. Chú ấy cho con biết chỗ tầu của bố, nhưng xa quá. May hôm qua con đọc trên mạng mới biết nhờ gió mùa nên con tàu này mới….
Thuyền Trưởng Sơn bỗng giật mình như ngồi phải vật nhọn:
– Con có mang điện thoại không ?
Thằng Cao nhìn bố rồi móc điện thoại ra đưa cho bố :
– Bố đừng có gọi cho mẹ làm gì
Ông Sơn cầm điện thoại lắc đầu quầy quậy:
– Không, không. May quá, sóng ở đây tốt lắm
Ông nôn nóng ấn số đưa lên tai nghe :
– Anh Linh hả. … Tôi vẫn thế … Cám ơn anh đã đến nhà. ..Vâng, gia đình tôi vẫn bình thường hả ?
Thằng Cao đập mạnh tay xuống bàn:
– Chú ấy lại nói dối rồi
Thuyền trưởng xua tay bảo con im lặng, nói tiếp:
– Anh gặp Tổng giám đốc, chủ tịch xin ý kiến về con tàu này chưa …Sao ..Sao. Họ bảo sao . ..Cứ để cho tàu trôi à…Sao..Họ sợ kéo về thì..cơ quan điều tra à…Sao thế… vứt tầu…thành tầu ma à…
Càng nói thuyền trưởng Sơn càng gào lên :
– Anh có nói là còn tôi trên tàu không…bảo tôi cứ liệu à…nếu về được cứ về à…Thật là… Đúng là..
Thuyền trưởng Sơn buông sõng cánh tay cầm điện thoại ngồi phịch xuống ghế . Hai hàm răng ông nghiến chặt vào nhau, mồm lẩm bẩm:
– Thành tầu ma…Tàu Hạnh Phúc…tàu ma sao…
N. H