
“Bóng vỡ” – NXB Hội Nhà văn 2016, là tập thơ thứ tư của nhà thơ Công Nam. Sau khi ra mắt, tập thơ đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc.
VHP trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả Nguyễn Ngọc Anh về tập thơ này.
“Bóng vỡ” – NXB Hội Nhà văn 2016, là tập thơ thứ tư của nhà thơ Công Nam. Sau khi ra mắt, tập thơ đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc.
VHP trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả Nguyễn Ngọc Anh về tập thơ này.
Là một người hoạt động trong ngành đường biển, nhưng Công Nam lại gắn bó đời mình với “nàng thơ”. Thơ Công Nam câu chữ không màu mè, tẻ nhạt như phần lớn thơ ngày nay đang trình diễn. Ông là người hướng về thơ cách tân, ngôn ngữ thơ hiệu ứng đa chiều, hàm nỗi trở trăn, trải cảm, chiêm nghiệm.
“Bóng vỡ” là tập thơ thứ tư khi nhà thơ vào cái tuổi tóc đã chuyển màu (sau “Tiếng vọng đêm mưa” 2002, “Đêm mặt trời” 2004, “Động hưởng” 2008). “Bóng vỡ” tải những xung động về đời sống đương đại, về tâm tưởng, về triết lý nhân sinh, những ký ức buồn vui, hạnh phúc, và cả những mất mát, khổ đau của tác giả. Qua những con chữ nặng màu thế sự, những câu thơ như sóng lan truyền, có sức lay động, luôn hàm chứa sự tinh tế, tươi mới như chưa hề biết đến tuổi tác… Đọc tập thơ, người đọc có thể cảm nhận rõ những lo lắng, những bất an trong cuộc sống, về tình yêu và sự cứu rỗi con người nơi trần thế chật hẹp này.
“Thu đi, thu đến/ Thảng hoặc những cơn ngâu/ Thảng hoặc những buồn vui/ Đan xen bao ảo vọng/ Thứ mà ta không thể bày vẽ rộng dài lên mặt giấy làm chứng/ Nhưng/ Khi ánh chiều lụi/ Một mình chìm xuống đêm sâu/ Mới nghe tiếng lốp đốp bong bóng rền nổ… vỡ từng giấc mơ” (Bóng vỡ).
Mùa thu là mùa mang đến cho thi nhân cảm hứng sáng tác ra những vần thơ đượm tình trắc ẩn, đó là mùa của heo may về se sắt lá thu rơi, có đêm huyền ảo trên nền trăng sao, cũng có chiều thu đi trong dịu lạnh nắng vàng. “Chao ôi! Thu đã tới rồi sao?/ Thu trước vừa qua mới độ nào/ Mới độ nào đây hoa rạn vỡ/ Nắng hồng choàng ấp dãy bàng cao” (Chế Lan Viên). Nhưng ai cũng biết các thi nhân khi nói về mùa thu thường không quên để lại trong ý thơ tâm trạng của sự biệt ly, hiu quạnh, của kẻ lữ hành cô độc bâng khuâng, hay của sự xa vắng mà làm nên tình thu nghẹn ngào… Công Nam cũng không ngoại lệ khi nhà thơ sử dụng mùa thu để đong đếm thời gian chảy trôi của đời người: Đời người là những ký ức vui buồn trong cuộc sống, trong tình yêu, là những ham vọng của mỗi người nhưng mỗi khi đêm đến, lúc chúng ta đặt xuống những lo toan bận bịu, để mơ vọng được trở về với con người bản năng, đấy là lúc ta nhận ra thiếu vắng sự yêu thương, và chạnh lòng ngẫm ra mình cô độc:
“Vô chừng một khoảng/ không tiếng cười/ không giọng nói/ không ánh sáng/ và sợ mai kia sẽ/ không tôi/ không em/ rỗng…” (Rỗng vô chừng)
Hay “Dõi quá khứ/ Đời thếch thao trắng/ Bến đợi vắng người/ Đò biệt dòng quê/ Một bước lỡ/ Không em ngàn bước vỡ/ Rỗng đêm nay/ Hỏi ai mộng thay mình?” (Bước lỡ)
Trong thế giới hiện đại, ta nhận ra những con người bất ổn, u uất, trống rỗng. Cô độc vì không được sẻ chia, không được thấu hiểu. Có lẽ tác giả nhận thấy xã hội ngày càng phát triển, cuộc sống ngày càng nhanh hơn cũng là lúc sự yêu thương, sẻ chia giữa người với người lại càng ít đi. Với sự xoay vần của thời gian, của công nghiệp hóa, hiện đại hóa, con người nhiều khi quá bận rộn mà quên đi gia đình, bạn bè người thân. Họ chăm chỉ như những con ong thợ, mải miết đuổi theo tiếng gọi của đồng tiền mà không nhận ra cái cốt lõi làm nên hạnh phúc ấy là tình nhân ái. Chúng ta sống như những robot “không tiếng cười”, “không giọng nói” và khi thiếu đi sự quan tâm lẫn nhau, ta nhận thấy rằng ta cô đơn và trống rỗng. Trải qua những sóng gió của cuộc đời, sự tĩnh lặng và sâu sắc cùng những kinh nghiệm sống giúp nhà thơ cảm nhận rõ giá trị nhiều mặt của xã hội hiện đại thời nay.
Cảm xúc trống rỗng, thiếu vắng, cô đơn xen lẫn tâm trạng man mác buồn là cảm xúc chủ đạo trong “Bóng vỡ” của nhà thơ Công Nam. Để bộc lộ được đầy đủ những cảm xúc này mà tác giả của chúng ta đã sử dụng những chất liệu “buồn” quen thuộc trong thơ như “mùa thu”, “đêm sâu”, “giấc mơ”… và đặc biệt là “rỗng” và “vỡ” – 2 từ được lặp đi lặp lại rất nhiều trong tập thơ, chính là minh chứng cho sự dồn nén cảm xúc khiến trái tim của nhà thơ muốn bung vỡ. Khi đọc những vần thơ trong “Bước lỡ”, “Thu ấy ra đi mãi”, “Bóng vỡ”, “Rỗng vô chừng”… người đọc có thể cảm nhận nỗi cô đơn được nhà thơ khắc họa vào lúc cảm xúc dâng trào tự nhiên nhất, không gò ép, không công thức hóa và chính điều này tạo nên sự khác biệt trong thơ Công Nam
Bên cạnh những bài thơ lắng buồn, ta còn thấy xuất hiện trong “Bóng vỡ” những bài thơ mang âm hưởng tình yêu, những xao động suy tư về đời sống, về nhân tình thế thái như: “Đức tin và nỗi buồn” , “Khúc quanh co”, “Di chứng ảo”, “Thả rông ý nghĩ”, “Giấc mơ và cơn bão”, “Lễ tịch điền”… Không còn cảm giác lơ lửng nữa, mà ở đây người đọc thấy một Công Nam khác với sự điềm tĩnh, tinh tế và dung dị, trong “Đức tin và nỗi buồn”, ta có thể thấy: “Lúc lặng mình nhìn lại/ cỏ cây, nắng mưa/ vẫn thế/ tình vẫn êm đềm và bão giông/ chỉ có/ nỗi buồn và đức tin/ đã khác”. Có khi Công Nam trải tình sương nắng, chứng kiến sự thay da đổi thịt của quê hương lại “mơ” về những ký ức tuổi trẻ thời qua, những gì đã mất với “tóc em dài đôi mươi”, “lời thấp cao mẹ ru trong đục” và “trầm bổng khúc đò ơi” mỗi chiều: “Con đò buông mình trôi vô chừng/ Đôi bờ dự án đua nhau lấn chen/ Cốt sắt bê tông ngợp mắt/ mọc/ Bình yên chết theo từng nhát động thổ/…/ Này đò ơi! Có qua bến nhớ/ Chở giùm kẻ nợ sang bến chờ/ Dẫu có thể/ Hay là không thể/ Thì xin đừng cách mặt giấu lòng/ Giúp con sông muôn đời duyên nợ/ Hát khúc quanh co…” (Khúc quanh co). Nhưng cũng có lúc ta lại bắt gặp một Công Nam trẻ trung trong “Lễ tịch điền”: “Xúng xính trong bộ lễ phục mới sắm/ chờ em cất lời thu vía/ anh nhanh tay khởi luống Tịch Điền/ và chỉ mới thuần thục mươi mười lăm nhát khai thổ/ ai đó liền gieo ấn tín vào hố đợi/ thoáng chốc/ đất ấm đã lách tách hội mùa”. Người đọc cũng có thể đồng cảm chia sẻ cùng nhà thơ đối với những lao động Việt tại Li Bi trong “Giấc mơ và cơn bão”: “Gạn nhặt đói khổ/ lo sao đủ phí tự mua cho mình kiếp nô lệ/ Phập phồng túi ba gang/ lượn bay mộng đô – la/ sờ lần miền nắng cát/ nào ai tính đủ/ những trận bão vô định… nổi xung…”.
Qua tập “Bóng vỡ”, nhà thơ đã trả lời cho chúng ta câu hỏi “Cuộc sống này thiếu đi tình thương sẽ thế nào?”. Đây là một vấn đề không còn lạ trong văn học hay trong thơ ca nhưng với trách nhiệm của người cầm bút luôn muốn hướng mọi người đến với tính thiện, tính nhân văn, nhà thơ Công Nam đã mượn thơ ca để giúp mọi người trở về với yêu thương chân thành, hiểu được tình thương là một thứ tình cảm quan trọng không thể mất đi, không thể cân đo, đong đếm, mua bán được. Đó là sự đồng cảm, sẻ chia, quan tâm chăm sóc, chở che mà người này dành cho người khác. Nó là thứ tình cảm không biên giới, không phân biệt giàu nghèo, tuổi tác, màu da, giới tính. Tình thương được thể hiện dưới vô vàn hành động, là nhu cầu cấp thiết với con người như ăn ngủ; truyền cảm hứng, đem lại hạnh phúc cho mọi người. Tình thương là tất cả. Không có tình thương, con người sẽ trở nên nhỏ nhen ích kỉ, thế giới sẽ trở nên lạnh lẽo tàn nhẫn. Cuộc sống thiếu tình thương sẽ không còn ý nghĩa sống, nhân cách con người sẽ bị tha hóa. Gấp lại tập thơ “Bóng vỡ” tôi chợt nhớ đến câu nói của nhà văn Nga Mắcxim Goócki: “Nơi lạnh lẽo nhất thế giới không phải là Bắc cực mà là nơi thiếu đi tình thương”.
N.N.A