Với bất kỳ cuộc thi nào thì chất lượng tác phẩm được đặt lên hàng đầu…
Hưởng ứng năm du lịch quốc gia đồng bằng Sông Hồng, theo đề xuất của CLB Thơ Cung Văn hóa LĐHN Việt Tiệp, được sự nhất trí của lãnh đạo Cung Văn hóa, cuộc thi Thơ Văn minh Sông Hồng được phát động trong năm 2013 và đã được sự hưởng ứng tham gia, cổ vũ nhiệt tình của đông đảo tác giả cùng bạn đọc. Việc tổ chức các cuộc thi là nét đẹp truyền thống của đơn vị trong nhiều năm nay, và lần này cũng đã thu được những thành công tốt đẹp. Không chỉ có những tác giả của địa phương tham gia, mà vượt qua sự mong đợi của Ban tổ chức, cuộc thi lần này cũng được rất nhiều tác giả ở các địa phương trong cả nước gửi bài tham dự, từ Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Tây Ninh, An Giang, Quy Nhơn, Bình Định, Quảng Nam, Quảng Bình, Nghệ An, đến các tỉnh thành phố như Lào Cai, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, thủ đô Hà Nội… Nhiều địa phương có số tác giả tham gia đông đảo như quận Đồ Sơn, huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng); Có tác giả gửi hàng chục bài như Lãng Bùi (Tức Bùi Hữu Phúc, Quảng Nam), Bùi Thu Hường (Thành phố Hải Dương), Đào Mạnh Long, TP Hà Nội), Nguyễn Đình Dương, Đinh Đình Bé (Thành phố Hải Phòng)… Đây là sự động viên rất lớn đối với việc phát động cuộc thi, và thay mặt cho Ban tổ chức, trước hết, chúng tôi xin chân thành cảm ơn các tác giả đã gửi bài dự thi cùng các quý vị đại biểu đã tới dự buổi lễ tổng kết cuộc thi Thơ Văn minh Sông Hồng hôm nay.
Khái niệm Văn minh Sông Hồng có một nội hàm khá rộng, cả về không gian lẫn nội dung cùng hình thức biểu đạt. Với bất kỳ cuộc thi nào, thì chất lượng tác phẩm được đặt lên hàng đầu, đồng thời, phải quan tâm đến tính mục đích, đến tiêu chí đặt ra ở thể lệ cuộc thi. Nếu là cuộc thi nói chung về thơ ca, chúng tôi nghĩ sẽ có thể còn thêm nhiều tác phẩm rất đáng chọn lựa ở giá trị sáng tạo theo đặc trưng loại hình nghệ thuật, những rung cảm lay động tâm hồn cùng sức thuyết phục từ những tìm tòi suy nghĩ mà tác giả dụng công trong sáng tác. Tuy nhiên, điều đó lại chưa sát với tiêu chí mà cuộc thi đề ra. Mặt khác, nếu chỉ bám sát vào đề tài, bộc lộ chủ đề một cách thực thà, đơn giản mà xao nhãng phần nghệ thuật thì lại là một hạn chế ở phía khác, bởi dẫu sao, sáng tác thơ ca, rộng ra là văn học nghệ thuật bất cứ thế nào vẫn phải coi trọng đến giá trị sáng tạo nghệ thuật. Vì thế, người viết như đi chông chênh giữa hai đầu cực đó, và chính tài năng của tác giả là ở chỗ này, đồng thời những bài thơ vào giải cũng là ở chỗ này. Đọc mấy trăm tác phẩm tham dự cuộc thi, bên trong và phía sau những tâm tư tình cảm, những hình tượng nghệ thuật, như thấy lại cả hình ảnh của non sông đất nước, con người trong suốt chiều dài lịch sử cùng hiện tại, nơi vùng châu thổ Sông Hồng với những địa danh, cảnh vật và cuộc sống xã hội qua năm tháng trong sản xuất, chiến đấu, những thách thức cam go cùng đời thường bình dị, những vùng đất “Địa linh nhân kiệt” rất đáng tự hào đã đi vào tâm thức bao thế hệ mà thơ ca nói chung, văn học nghệ thuật nói riêng đã từng phản ánh và sẽ còn tiếp tục phản ánh. Đó là thủ đô nghìn năm văn hiến với “Rưng rưng sưng khói phủ Tây Hồ”, “Hương sữa theo về đêm trở gió/ vỉa hè xao xác lá vàng khô” (Nhớ- Nguyến Ngọc Hưng, Quảng Ngãi); hay trong bài thơ “Hà Nội thu về” của tác giả Nguyên Hùng với “Một thời hương bưởi đọng trên tóc thề”; là Thành phố Hạ Long mà “Núi non quyện với hồn người/ Bóng mây dáng núi đứng ngồi cảnh tiên” (Hạ Long thơ – Huy Tập, TP Hồ Chí Minh); là miền đất Phú Thọ rừng cọ đồi chè mà “Đất quê nghèo câu ghẹo cũng thương nhau” (Làng quê tuổi thơ-Nguyến Thế Yên, Phú Thọ); là miền quan họ với bãi ngô, vườn dâu, dòng sông, cánh diều, lời ru, bếp lửa, tiếng khung cửi của một thời xa vắng (Yêu sông Đuống – Trúc Bình, Quy Nhơn), hay những nón thúng quai thao, áo tứ thân giã bạn (Khúc ca Sông Hồng – Võ Văn Hoa). Khơi nguồn là quê hương , mà quê hương thì bao giờ và ở đâu cũng gợi nhiều xúc động , với “Giấc mơ về tuổi thơ” (Lê Quang Trạng, An Giang), “Ru quê” (Nguyễn Vũ Hậu, Phú Thọ), “Qua trường cũ nhớ người xưa” (Nguyễn Văn Tài, Tây Ninh) với tuổi hoa niên đầy mơ mộng, là “Nhà máy công trường ngày đêm tấp nập” (Sông Hồng – Vũ Kim Liên, Phú Thọ). Đặc biệt, nhiều tác giả dành tình cảm thân thiện ưu ái đối với Thành phố Hải Phòng, với màu Hoa phượng đỏ như một biểu tượng tinh thần, là một thi liệu không mòn cạn trong nhiều tác phẩm bấy nay. Tác giả Đào Trọng (Hải Phòng) có những câu thơ giàu hình ảnh và mơ mộng: “Tôi về hạ đã cài then/ Em và phượng lạc vào miền chiêm bao” (Phượng nhớ), còn tác giả Nguyễn Sơn Thủy lại khái quát bằng câu thơ : “Hải Phòng phượng đỏ muôn nơi/ âm vang hào khí rạng ngời nước non” (Sông Hồng cuộn chảy)…
Tập trung và và quán xuyến nhiều tác phẩm, là hình tượng con sông Hồng êm đềm, hùng vĩ, thân thương gắn bó được định danh dưới các hình thức diễn ngôn khác nhau, là “Mẹ Sông Hồng” , “Huyền thoại Sông Hồng”, hay “Khúc ca Sông Hồng”, hoặc ẩn chìm trong các câu chữ, hình tượng cùng hình ảnh khác. Trong cả vườn thơ cũng đã nhiều hương sắc như thế, để chọn lựa ra tác phẩm nổi trội, là cả một sự cân nhắc kỹ càng và cẩn trọng. Chùm thơ hai bài “Lung linh vọng gác tiền tiêu” và “Tha thướt áo dài” của tác giả Lê Anh Phong ( Quảng Bình) đã giành được sự thống nhất tuyệt đối với những người chọn giải. Bài thơ “Lung linh vọng gác tiền tiêu” tập trung phản ánh cái gan góc kiên cường của hòn đảo Bạch Long Vĩ, nơi vọng gác tiền tiêu, “Qua bom đạn, qua bão bùng mưa nắng”, “Hiên ngang dáng đứng đảo tiền tiêu”, đồng thời cũng là nơi “Đang trỗi dậy phong trào mùa xây dựng”, “Manh nha một phố thị thân yêu”, và cũng thật thơ mộng khi “Hoàng hôn buông, tím sẫm biển chiều/ Đèn cao áp lung linh tỏa sáng”, “Hàng đèn chạy suốt ra cầu Cảng/ Tàu cá, tàu câu lấp lánh ánh sao xa”. Một nét đáng chú ý ở đây là cái nhìn thấu đáo của tác giả, không thiên lệch và sơ lược như đâu đó chỉ chú trọng về phía gan góc kiên cường của hòn đảo có tên “Đuôi rồng trắng” này, mà ở đây còn thấy cả cái thế phát triển đi lên, về xây dựng, sản xuất của một Bạch Long Vĩ hiện đại. Phải chăng, sự khác biệt, dù chỉ đôi chút, cũng đủ thể hiện cấp độ so sánh ở người cầm bút, là tầm nhận thức, là trí tuệ , hòa quyện cùng tình cảm chân thực, xúc động vốn dĩ luôn thường trực trong thơ. Nếu bài “Lung linh vọng gác tiền tiêu” thiên về cái rắn rỏi, mạnh mẽ, thì bài “Tha thướt áo dài” lại thiên về cái mềm mại, uyển chuyển, như một sự bổ sung tương tác cho nhau. Đã có nhiều bài thơ về đề tài này; Ở đây, tác giả thông qua chiếc áo dài trang phục truyền thống mà nêu lên cái hồn cốt của dân tộc với “Nét hoa văn Việt Nam hiền thảo/Neo đậu trong lòng bầu bạn muôn nơi”, “Tha thướt áo dài, dung dị thân thương/ Tha thướt áo dài/ Thánh thiện Việt Nam”. Bài thơ dùng thể thơ tự do, không gò bó, thanh thoát và nền nã, qua lối phô diễn chân mộc mà sinh động. Hai bài thơ “Huyền thoại Sông Hồng” của tác giả Lê Hoàng Thảo (Hải Phòng) và bài “Hải Phòng, thành phố tôi yêu” của tác giả Hoàng Cẩm Thạch (Nghệ An) cũng có những nét đáng chú ý. Ở bài thơ “Huyền thoại Sông Hồng”, thông qua huyền tích về Lạc Long Quân – Âu Cơ, qua giọng thơ trầm hùng mà không kém phần lãng mạn, cùng với “Tiếng gươm khua, súng thần công thét gầm ngựa hí”, là “Biên cương trắng rừng mơ gái trai hát gọi”, từ đó khơi gợi truyền thống lịch sử dựng nước, giữ nước của cha ông, chủ quyền của dân tộc, nói như tác giả, là “Giữa đất trời một lãnh địa nước Nam”. Ở bài thơ “Hải Phòng, thành phố tôi yêu”, trong phạm vi một tác phẩm, với nhiều chi tiết chọn lựa, sự rung cảm chân thành, đã gợi lên những nét đặc trưng của thành phố Cảng. Tác phẩm có những hình ảnh thật ấn tượng như “Cho mùa hoa cháy lửa mặt trời”, “Màu áo em hay màu phượng đỏ/ Nghiêng mặt hồ Tam Bạc đường hoa”, rồi “Đêm Cát Bà lung linh huyền thoại”… Những bài thơ như “Nhớ” (Nguyễn Ngọc Hưng – Quảng Ngãi), “Mẹ Sông Hồng” (Nguyễn Thị Loan, Hải Phòng), “Đêm Hải Phòng” (Nguyễn Vũ Hậu, Phú Thọ), cùng những bài như “ Phượng Nhớ” (Đào Trọng, Hải Phòng), “Sông Hồng” (Vũ Kim Liên, Phú Thọ), “Văn minh Sông Hồng” (Hà Thúc Quả, Hải Phòng), “Trở lại Bến Hàn” (Bùi Anh Đại, đều có những dấu ấn và đóng góp riêng.
Cuộc thi Thơ “Văn minh Sông Hồng” đến nay đã khép lại, và bao giờ cũng vậy, bên cạnh những kết quả, những thành công đáng vui mừng, cũng còn những hạn chế, những nỗi băn khoăn mong muốn. Nhiều bài thơ giàu chất liệu cuộc sống, song lối biểu đạt còn vụng về, kể lể dông dài, hoặc đơn giản. Có những bài thơ nhiều rung cảm, xúc động, đầy đủ ý tứ, hình tượng, tuy nhiên lại quá riêng tư, xa với yêu cầu mục đích đề ra. Ngoài ra, cũng còn vấn đề cần bàn thêm như cần mới mẻ hơn trong lối viết, ngôn ngữ cùng phương pháp tư duy, nhưng đấy lại là vấn đề khác, không là trọng tâm của cuộc thi này. Về phía Ban tổ chức và chọn giải, mặc dù đã tận tình, cố gắng, công tâm và cầu thị, song chắc hẳn chưa thể thỏa mãn, đáp ứng được hết những ý nguyện của mọi người. Chúng tôi mong được sự cảm thông sâu sắc cùng sự chia sẻ của tác giả cùng bạn đọc, và nếu được như vậy, thì chính Ban tổ chức và những người chọn giải cuộc thi cũng đã nhận được một phần thưởng lớn, một phần thưởng không thành văn, động viên, khích lệ trong suốt quá trình từ khi nhận bản thảo đến khi kết thúc cuộc thi này.
Hải Phòng ngày 10-12-2913
P.N