Cuốn sổ để lại – Truyện ngắn của Ngọc Châu

“Có lẽ cũng là may khi nó rơi ngay vào “hố đen” và cũng được hút nhanh ra khỏi đó – Người thương gia Việt Nam  thầm nghĩ…

Không thể nào tìm thấy thằng cháu đi cùng mình sang đây, đến một giờ sáng thì người đàn ông nổi tiếng trong giới kinh doanh người Việt tại Nga cuối cùng đành ngồi phịch xuống sofa của phòng tiếp tân khách sạn Midland gần sân bay Sheremetevo, Matx-cơ-va, hai chiếc mobile vừa nạp “cạc” mới đều đã cạn tiền.

 

 

Từ chiều đến giờ ông gọi không biết bao nhiêu cuộc điện thoại cho bạn bè, thông báo tình hình và nhờ tìm kiếm, chỉ không gọi được cho chính thằng cháu vì chưa kịp đổi “sim” cho nó. Nghĩ đến chuyện nó đi chơi rồi bị lạc ông đã nhờ Đại Sứ quán giúp đỡ, gọi cho các cơ sở người Việt ở Mát, cả cho cảnh sát mấy khu vực mà chưa có kết quả gì.

Biết nói với bố mẹ nó thế nào đây? Hay nó lại đột nhiên quay về nước? Ý này khiến ông định gọi về Việt Nam nhưng chợt nghĩ rằng làm sao mà nó có thể về nhanh đến thế?!

Từ tối đến giờ ông đi ra đi vào, vòng quanh các phố, gọi taxi vào phòng chờ sân bay vài lần để sục tìm, nôn nóng như mèo mẹ mất con ở dưới sảnh khách sạn dù đã thuê một phòng trên tầng ba. Làm việc với Lễ tân lần nữa. Chị phụ nữ trực đêm nhiệt tình, hết sức quan tâm đến người thương gia Việt Nam đang cần sự giúp đỡ nhưng chỉ xác định rằng hôm qua có hai thanh niên Việt Nam ghé qua đây, gửi lại hai chiếc va li với túi xách tay (những thứ đó ông đã nhờ đem lên phòng 304), nói tí nữa sẽ thuê phòng nghỉ nhưng không quay lại, vì vậy nên khách sạn chưa kịp lưu căn cước. Chị ta cẩn thận lục tìm sổ đăng kí khách trong năm và khẳng định là hai thanh niên này chưa có ai từng nghỉ lần nào tại đây.

– Thế mà thằng tên là Thắng ấy nói là vẫn thuê phòng ở khách sạn! – Ông lên tầng ba, lẩm bẩm một mình, lúc này mới để ý đến cuốn sổ bìa cứng nằm trên cùng chiếc túi xách của thằng cháu kéo chưa hết khóa.  – Cuốn sổ của thằng Quang! –  Vội lật giở rồi ông đọc từ trang đầu vì thấy nội dung chẳng có bao nhiêu, quên cả chuyện đang định đi làm vệ sinh với kiếm chút gì ăn vì bụng đã đói cồn cào.

Có vẻ là cuốn nhật kí nhưng không ghi ngày tháng gì cả:

“Bố đưa cho cuốn sổ với cây bút, nói nhẹ nhàng “viết đi!”

– Viết gì hả bố?

– Viết những gì con nghĩ, những gì con làm. Trước đây hình như con cũng có cuốn nhật kí phải không?

– Trước đây? Vâng, hồi… hồi…

Đó là hồi mình mới bắt đầu học lớp  6, viết nhật kí theo khuyến khích của cô giáo Văn, bốn năm đứa cơ nhưng chỉ được chục trang rồi bỏ…

Cầm lấy cuốn sổ và cây bút bi “đẳng cấp” của bố vẫn dùng, tự dưng thấy sẵn sàng viết được ngay. Kì lạ!

Mọi thứ đã thay đổi, thay đổi đến không tưởng. Sẽ không ghi lại chút gì về nửa tháng vừa qua, dù đó là thời gian khủng khiếp nhất, đày đọa nhất mà một con người – không, đáng phải coi như một con chó – có thể trải qua mà không lọt xuống âm ti, địa ngục.

Hạnh phúc đã lọt qua kẽ tay

Giờ tao tự dưng lại thấy mày

Không tưởng – khó tin, mà lại thực

A ha! Rồi mi thấy, từ nay…

Viết ngay được bốn câu khá vần, Phải thế chứ! Trước kia còn có những bài thơ, không cần thuổng của ai câu nào mà cũng được bọn trong lớp tụng ca cơ mà. Bốn câu này mở đầu cho “cuốn nhật kí” sẽ không cần ngày tháng gì cả. Thích gì viết nấy, thích lúc nào viết lúc ấy, không thích viết thành chữ thì nghĩ trong đầu, tự nói chuyện với mình rồi cho qua luôn, thế thôi.

Không nhớ, không ghi, không kể lại những chuyện nên quên, cần quên, dứt khoát sẽ quên.

Đây là tiêu chí, là “sợi chỉ đỏ” như các cụ móm mém hay nói, phải dành trang đầu cuốn sổ cho cái tiêu chí này!

Nhưng không thể quên thời gian mới bước chân vào trường Đại học Bách Khoa. Trên cả tuyệt vời! Oai hơn cóc cụ vì đỗ một lúc bốn trường liền, toàn những trường mà bọn cùng lớp 12 thèm rỏ dãi, tiếc muốn chết khi thấy mình đỗ mà không vào. Rặt những nơi danh giá: Y này, Xây Dựng này, chẳng hiểu sao hồi đó lại kết Bách Khoa đến thế, ờ mà giá như không vào trường ấy có khi…

Thôi, thôi, thôi, đã bảo dứt khoát sẽ quên cơ mà. Quên, quên, quên!!!

Quên được thì lòng lâng lâng ngay. Ngày ấy được chúng ban cho nick-name “Haisonglap”. Không phải “hai” nghĩa là “lớn – anh cả” như kiểu gọi miệt vườn Nam Kì quốc, mà là vì chúng công nhận hai khoản đáng nể vào hàng “sư phụ”: kí họa hài hước khá nhanh và cục tác ra những dòng thơ hợp chủng Cóc cụ-Bút tre, “xuất khẩu thành chương… phềnh” chẳng kém gì Tào Phi, tay con thứ lão Tào A Man trong Tam quốc chí. Songlap là Sông Lấp, nơi chôn nhau cắt rốn, khỏi cần biện giải.

Thằng Tân, ấm sứt vòi nhà quan Hiệu Trưởng ban đầu ganh ghé lắm, nhưng sau mấy vụ đụng độ lại thấy hợp cạ, tự dưng thành nhóm “chim đầu đàn” được bọn còn lại sùng kính ra phết. Nhớ đến thế cho đời có vị khoái, kể cũng tiếc nhưng nhớ thêm nữa thì sẽ động chạm “sợi chỉ đỏ”. Quên thôi!

Từ ngày bố lên trường nộp đơn xin cho nghỉ học vài năm… chữa bệnh (cả cậu ấm sứt vòi cùng hai tên nữa của nhóm “chim đầu đàn… H5N1!” cũng xin nghỉ như vậy) đến nay vèo cái mà 3 năm trôi qua. “Ấm sứt vòi” với hai thằng kia không biết giờ ra sao, bọn cùng khóa  đã nhận công tác yên ổn hết rồi, thằng Hợi “lợn” hôm qua đến thăm mình công tác ở Sở Kế hoạch-Đầu tư, đã yên bề gia thất… trông ra vẻ bố chó bông, ông chó phốc lắm.

Không lăn tăn chi nữa với quá khứ. Cương quyết đoạn tuyệt là châm ngôn, cũng là việc dứt khoát phải làm, sẽ làm được.

Nghỉ mấy ngày rồi mình sẽ xin bố cho đi làm, việc gì cũng được. Miễn là tự nuôi được bản thân, không ăn bám bố mẹ, khi nào về trường học tiếp sẽ hay.

Bố ơi, mẹ ơi, con biết đã làm khổ bố mẹ nhiều lắm rồi, đến hết cuộc đời này dù có làm bao nhiêu việc tốt chăng nữa cũng không trả nổi công ơn của bố mẹ đâu…

Là lá la la – Đời là khúc ca – Tương lai vẫy gọi – Ta lại là ta…

Mấy câu này đáng ghi vào sổ dù rõ ràng xưa nay mình không thích sentiment “sến vô bờ bến, phơi lưng cào hến vẫn còn sến!”

*

*    *

Nóng lòng muốn được đi làm, muốn có việc gì để mọi người thấy rằng “từ nay sẽ khác, không phải thằng nhác, không hề phét lác”nhưng đã hơn một tuần chẳng thấy bố mẹ giao việc gì. Sáng nay bà Ôsin nói với mẹ “ông bà cho tôi nghỉ dăm ngày về thăm quê nhá, cậu Quang tranh làm hết mọi việc rồi. Bao giờ cậu ấy đi làm tôi sẽ lên ngay ông bà ạ…”

Sáng nay bố mẹ chợt cùng vào phòng bảo: “Chuẩn bị đi xa!”

– Đi xa! Đi đâu ạ? – Hỏi mà bụng không tin lại có chuyện như thế. Nhưng chắc thật rồi vì mắt mẹ rơm rớm, mặt bố thì nghiêm trọng hiếm thấy.

– Con sẽ sang Nga cùng chú Toàn, mọi việc bố mẹ đã thu xếp xong cả rồi –  bố nói.

– Bố mẹ không muốn xa con – mẹ bắt đầu khóc – Nhưng không sang bên ấy thì không khỏi được con ạ.

– Sang bên ấy thì không như ở nhà. Chú Toàn hứa sẽ không để cho con khổ hơn mọi người Việt mình bên đó, nhưng không như ở nhà, có hiểu không?

– Con hiểu ạ, con đã phá hủy bao nhiêu tài sản của bố mẹ. Nhưng từ giờ trở đi con sẽ không thế nữa. Bố mẹ hãy tin ở con, việc gì con cũng có thể làm được, khổ sở đến đâu con cũng có thể chịu được. Đã qua được nửa tháng dở sống dở chết vừa rồi thì không còn thứ gì đáng khổ, đáng sợ hơn được nữa… con sẽ không phụ lòng bố mẹ nữa đâu…

– Bố mẹ hiểu quyết tâm của con, mừng vì con nghĩ được như vậy nhưng để khỏi hoàn toàn thì còn nhiều khó khăn rất lớn tự con sẽ phải vượt qua…(người lớn bao giờ cũng có chuyện để lo lắng – mình nghĩ vậy)

– Tìm việc làm ở đây cũng được mà, con nghĩ thế… Đi xa sợ mẹ sẽ buồn…

– Không được đâu con ơi – mẹ gạt nước mắt – Bố mẹ đã tìm hiểu kĩ rồi, sau  giai đoạn cắt cơn thì bệnh nhân thấy mình như khỏi nghiện hoàn toàn, tin tưởng sẽ bỏ được ma túy, sẵn sàng làm mọi chuyện tốt lành cho bản thân và gia đình nhưng…

Bố đưa khăn cho mẹ chấm nước mắt đang chảy ra ràn rụa rồi nói thay:

– Thời kì lạc quan, tin tưởng ở bản thân này không dài hơn một tháng đâu con ạ. Tiếp theo sẽ đến những giai đoạn còn nguy hiểm gấp bội, con có hiểu không? Phải bằng mọi giá để duy trì NGHỊ LỰC – QUYẾT TÂM – TRÁNH XA CÁM DỖ – PHẢI THAY ĐỔI MÔI TRƯỜNG, BẠN BÈ… thì mới có hi vọng khỏi được hoàn toàn!

Câu này nên ghi lại. Không biết bố mẹ có quá lo lắng hay không, nhưng LUÔN PHẢI NHỚ!”

– Những chuyện này bố mẹ nó đã nói cho mình biết rồi, chỉ có nhóm “chim đầu đàn… H5N1!” – Người thương gia Việt kiều lẩm bẩm, định lật đến những dòng cuối nhưng rồi lại kiên nhẫn đọc tiếp:

Tranh thủ ghi ít dòng trên máy bay. Họ bảo phải mất 8 giờ bay mới từ Hà Nội đến sân bay Sheremetevo, Moscow. Đi cùng chú Toàn nhưng chú ấy bận kinh khủng, suốt dọc đường chỉ thấy trả lời công việc qua điện thoại, chẳng chuyện trò hay hỏi han được câu gì dài dài. Lên máy bay thì chắc là đã quá mệt nên ông chú ngủ gà gật ở hàng ghế sát trên.

Ngồi cạnh hai vợ chồng người Nga, mấy ghế xung quanh cũng đa số là dân “xin bà tí bơ!”  Không biết tiếng nên mồm thất nghiệp, mà dân Nga ít nói, khác với dân Tàu trong lần mình cùng bố mẹ đi du lịch Bắc Kinh hồi vừa tốt nghiệp phổ thông. Dân Tàu mà đi đâu tập thể thì nói cười ông ổng, vỗ tay đập chân, đồng ca ỏm tỏi…

Ông lật sang trang cuối thấy còn một dòng ở đầu trang:

Không ngờ lại gặp một tên H5N1ở đây…”

Thêm một dòng nghuệch ngoạc, chắc là viết rất vội ở giữa trang: “Cháu đi với thằng Thắng vòng xem vài phố quanh đây một lát chú ạ. Vì chưa có sim bên này nên…”

– H5N1 ? – Vậy ra cái thằng tên Thắng là bạn cũ của nó, cùng ở trường Đại học Bách khoa mấy năm trước đây? Cũng bị nghiện như thằng Quang?

Ông nhớ lại lúc rời khỏi máy bay. Bảo thằng cháu đứng chờ lấy hành lí trong khi ông vào toilet, rồi gọi và trả lời điện thoại, phải đến sáu cuộc nhỡ lúc tắt mobile trên máy bay. Quay ra thì đã thấy nó đang trò chuyện với một thằng người Việt cũng sàn tuổi cạnh băng chuyền trả hàng.

– Mày nói được tiếng Nga không? – Thằng kia hỏi.

– Không, mới học được mấy từ – Quang đáp rồi đi lại chỗ ông, thằng kia cũng đi theo. Thằng ấy chắc ở bên này đã lâu vì ông thấy nó dừng lại trao đổi bằng tiếng Nga vanh vách với một cặp vợ chồng người bản địa.

– Đây là chú Toàn, tao đi với chú ấy. Quang đang định giới thiệu tiếp thằng bạn với ông thì hành lí xuất hiện. Hai chú cháu lập bập lôi va li trên bánh xe, thằng kia cũng đã lấy xong hành lí nên rảo chân đến nhập cùng.

– Chú mày làm ăn ở bên này à? – Tiếng chúng hỏi nhau ở sau lưng ông.

– Ừ, nhưng không ở đây, chú ấy ở Volgagrad, còn phải bay nữa cơ.

– Bao giờ đi tiếp?

– Không rõ, chú đang định bay chuyến chiều nay hay sao ấy…

Lại thêm mấy cú điện thoại khiến ông phải trả lời, chẳng biết chúng còn trao đổi với nhau những gì. Có công việc ở “Mát” khiến ông thấy nên ở lại giải quyết buổi chiều nay cho xong rồi hãy đi Volgagrad. Ông ngần ngừ rồi bảo:

– Quang à, chú muốn nán lại giải quyết công việc ở đây ít giờ. Vậy hãy thuê một phòng khách sạn gần đây để cháu vào nghỉ, nếu xong sớm thì chiều nay bay tiếp…

– Chú đi có lâu không? Nếu chỉ một vài giờ thì cứ để cháu ngồi đây chờ chú. Ngắm cảnh sân bay này cũng đẹp chú ạ.

– Chú ơi, công ty cháu vẫn thuê phòng giá hạ ở khách sạn ngay gần đây – thằng bạn mới gặp của cháu ông nói xen – nếu chờ lâu thì để cháu đưa thằng Quang về nghỉ ở đấy chú ạ.  Chú cứ đi giải quyết công việc đi. Cháu tên là…  Thắng, đây là card Lễ tân khách sạn, cần thì chú gọi, chúng cháu sẽ ra ngay.

Chúng nó qua khách sạn gửi đồ rồi đi đâu nhỉ? Thằng kia nói tiếng Nga thông thạo thế chắc ở bên này lâu rồi, làm sao lạc được? Mọi khả năng có thể xảy ra với chúng lướt nhanh trong đầu rồi bỗng ông hoảng hốt:

– Không khéo chúng vào “xới “ nào rồi. Hai thằng nghiện gặp nhau mà!

*

*     *

Đó vẫn chưa là tình huống xấu nhất xảy ra với thằng bé mà ông đặt trách nhiệm phải coi như con đẻ.

Mọi truy tìm suốt một tuần theo hướng mới đều không thu được kết quả dù đã gọi thêm nhân viên của mình từ Volgagrat tới “Mát”. Năn nỉ trợ giúp ở các đồn Cảnh sát khu vực thì nhận được câu trả lời như nhau “không thể biết chính xác số lượng công dân Việt Nam định cư ở bất cứ đâu trên nước Nga, nói gì tới người mới sang! Vô khối người Việt các ông có đến đăng kí đâu mà chúng tôi biết!?

Ở Nga lâu rồi nên không ngạc nhiên với câu trả lời của họ, cũng không báo cho lực lượng cảnh sát đặc nhiệm OMON nữa. “OMON này khác gì bên mình – ông nghĩ – hùng hổ, mặt sắt đen xì, nhận hối lộ khá công khai  nhưng toàn làm công việc “bắt cóc bỏ đĩa” khi lập lại trật tự xã hội!” Đành phải gọi điện báo tin xấu về Việt Nam.

Vậy nhưng tin choáng váng nhất lại đến từ cơ quan OMON!

Sau cuộc gọi ông chợt liếc vào bản tin vừa xuất hiện trên mạng cho biết  “cảnh sát khu vực thị trấn D. ngoại ô Mat. đã phát hiện một xưởng may chui, trong đó có những công dân Việt Nam làm việc như nô lệ…”

– Ngu thật, sao không nghĩ tới hướng này!?

Ngay lập tức ông phóng đi tìm “xưởng đen” nói trên. Có nghe nói tới dạng xưởng này nhưng trăm công ngàn việc, cũng không mua bán hàng hóa gì trong lĩnh vực dệt may nên đây là lần đầu tiên phải tới mò tìm ở “hố đen”.

Hơn hai chục “tiểu hành tinh” vừa có may mắn thoát ra khỏi “hố đen vũ trụ” đang bị OMON quản thúc, trong đó có thằng Quang – tiều tụy, nửa điên nửa dại, vẻ như vừa bị đám OMON choảng cho vì đã phản kháng hay chống đối gì đó.

Trông thấy ông nó không hề mừng rỡ. Ông cũng thế, không vội tỏ thái độ gì mà chỉ kín đáo gặp riêng tay chỉ huy toán OMON để thương lượng về sức nặng cần thiết của chiếc phong bì. Vài phút sau thì được quyền đến dắt tay thằng cháu rời nhanh khỏi hiện trường, may mà nó lặng thinh lùi lũi đi theo…

Vừa vặn kịp chuyến máy bay đi Volgagrad, cũng vừa đủ thời gian gọi về Việt Nam thông báo cho bố mẹ thằng cháu trước khi phải tắt mobile theo qui định hành trình.


 

Thằng Quang không mở mồm, dáng vẻ thất thường như có vấn đề về thần kinh. Ông đang muốn đưa nó thoát nhanh khỏi “Mat” nên không hỏi han căn vặn gì cả. Máy bay cất cánh khoảng mười lăm phút mới mở túi xách lặng lẽ trao lại cuốn sổ còn đang ở trong túi của ông.

“Có lẽ cũng là may khi nó rơi ngay vào “hố đen” và cũng được hút nhanh ra khỏi đó – Người thương gia Việt Nam  thầm nghĩ – như vậy là cái thằng “H5N1” không rủ vào sới. Chắc nó đã soi kĩ và biết rằng thằng cùng nhóm  “H5N1” ngày xưa không có giá trị gì về tiền bạc ngoài bản thân ra nên lập tức bán “bạn” vào hố đen.”

Bao nhiều điều muốn hỏi mà ông không thể cất lời vì trước khi nhận đưa thằng cháu sang bên này ông đã tìm hiểu kĩ về các  giai đoạn và trạng thái tâm lí sau cai nghiện. Nó đang ở giai đoạn 2-“lạc quan tếu”, nhưng sau sự cố vừa rồi hẳn đã chuyển sang giai đoạn 3-“bế tắc”. Một giai đoạn hết sức nguy hiểm và yêu cầu người dõi theo phải cực kì tế nhị trong mọi hành xử nếu muốn khả năng “dứt” lấn át khả năng “tái’ của nó.

Sau bữa ăn nhẹ trên máy bay thằng Quang kiếm ra cây bút bi ở đâu đó và bắt đầu ghi chép (có thể nói là khá cần mẫn) vào cuốn sổ.

“Một lúc nào đó mình sẽ được đọc những suy nghĩ của nó, nhưng việc gì phải đến sẽ đến, không thể nôn nóng” – người thương gia nghĩ vậy nên ông doãi lưng chiếc ghế tựa, yên tâm ngủ một lát bù lại tuần lễ vất vả vừa rồi.

Hai chú cháu đã về tới Vongagrad an toàn. Sau đó hai ngày thì mẹ nó cũng sang đến nơi dù đã được cập nhật tin tức ngay lúc ông Toàn đưa được con bà thoát khỏi hố đen.

*

*     *

Lúc cả hai mẹ con Quang rời Vongagrad về Việt Nam thì ông Toàn đang bận việc ở thành phố khác xa tít tắp. Khi quay về anh thư kí trao cho ông lá thư cùng quyến sổ. Ông đọc lá thư:

“ Chú Toàn ạ, hai mươi bốn năm trước, khi rời bỏ MGU* tôi đã nghĩ rằng không bao giờ còn quay lại đất nước này. Lúc hệ thống Xã hội Chủ nghĩa bắt đầu tan rã bố tôi đang tại vị ở Bộ Ngoại giao nên quyết định gọi tôi về Việt Nam. “Đổ vỡ hết rồi, không còn những gì tốt đẹp của Liên Xô ngày xưa nữa đâu…” Cụ nói vậy nên tôi chỉ có việc làm theo, càng ngày tôi càng cho là cụ nói đúng nhưng đến giờ mới hiểu rằng có nhiều điều cần suy nghĩ lại …

Chú bận lắm, tôi biết. Ở đây gần một năm hai mẹ con tôi còn chẳng có thời gian trò chuyện với chú được nhiều, nói gì lúc chia tay nếu như chú có mặt ở Nông trang. Vậy nên cháu Quang đã hỏi mẹ rồi quyết định tặng lại chú cuốn nhật kí của cháu. Mỗi lúc rảnh xin chú đọc một ít để hiểu được tấm lòng của nó, của cả gia đình tôi đối với công ơn của chú và của đất nước Nga bao dung và đôn hậu…”

Lá thư không dài nhưng thật xúc động với bao nhiêu tình cảm ơn nghĩa giãi bày. “Mai hãy bắt tay vào giải quyết công việc, coi như mình chưa về đến nhà” – Ông thầm nhủ rồi tìm một chỗ yên tĩnh trong khu rừng nhỏ đọc tập ghi chép mang tên “NHẬT KÍ CỦA THẰNG NGHIỆN”.

Tiếp theo đoạn đã đọc lúc thấy cuốn sổ này ở trong túi xách ở khách sạn Midland là những dòng viết tháu, nguyệch ngoạc, chắc chắn là viết trên chuyến bay sau khi nó thoát khỏi “hố đen”:

“- Quân H5N1 khốn kiếp, đểu cáng và khốn nạn hơn ngày xưa nhiều, giờ mà ông gặp lại mày thì…

– Thật ngu hơn lợn nên mới chui vào rọ. Ngu thứ nhất là đáng ra phải quay về  khách sạn ngay khi nó rủ đi “cắn*” hoặc “ục*” tí ti, lại hùng hổ thuyết giáo rồi giãi bày sự tình. Ngu thứ hai là chui lên tắc-xi đi dạo vài vòng để lúc xe dừng thì đã thành nô lệ trong hố đen rồi…

– Mình là thằng táng tận lương tâm khi phá hoại bao nhiêu thứ của bố mẹ, toàn là những người tốt. Thế rồi suýt chết vì những thằng táng tận lương tâm hơn, cả Việt lẫn Nga! Cuộc đời thật chó má!

– Bố mẹ biết thế này chắc chẳng vứt mình sang đây…”

Những dòng viết cách quãng, lộn xộn, nhảy từ chuyện nọ sang chuyện kia rồi bỏ trống một thời gian khá dài theo những sự kiện mà thằng Quang ghi lại.

“ Giờ mới thấy rằng bố mẹ bắt đi theo chú Toàn là đúng. Mình học tiếng Nga nhanh đến mức chú ấy phải kinh ngạc, đã trò chuyện được với các “đầu đen” Tatdich, Uzơbech – những bác tây mà đặc sệt kiểu nhà quê Việt Nam. Chú Toàn bảo những người Trung Á này mới có tác phong nông nghiệp, không đòi nghỉ ngày thứ bảy, chủ nhật như dân Nga tông. Kể cũng khoái khi thấy người mình là chủ, người Tây lại phải làm thuê!

“Tuần qua tự dưng thấy oải, giả như ở bên nhà mà gặp một tên “lậm” thì chưa biết có cưỡng được không. May là quanh đây hàng trăm cây số không có “hàng”, cũng không có bọn H5N1”.

“Đang ở giai đoạn cai thứ ba, giai đoạn bế tắc – ông Toàn lẩm bẩm một mình – dạo đó mình và mẹ nó không dám để lơi một phút nào. Chị Liên phải đi cùng con ra vườn kính, cùng làm việc với tốp nhân công Uzơbech, tuy vất vả nhưng chị ấy bảo “nhờ thế mà tôi nhớ lại được tiếng Nga khá nhiều chú ạ. Khi nào cùng thằng Quang quay về chắc là tôi sẽ xin vào làm cho công ty Du lịch nào đó, đột ngột bỏ sang đây thế này chắc ở cơ quan người ta đã tìm người khác thay thế rồi. Khách Nga bên ta hồi này nhiều lắm…”.

Ông lại tiếp tục đọc:

“Vẻ như mẹ hiểu tâm trạng nên dẫn đến thăm một bà giáo Nga về hưu ở cách nông trại quãng hơn chục cây số (sao mẹ lại biết bà giáo này nhỉ, chú Toàn giới thiệu?) Thật sự kinh ngạc về mọi chuyện: Bà ấy đã từng dạy học ở Việt Nam, nói tiếng Việt giỏi đã đành nhưng tủ sách truyện mới đáng vào Ghinet vì có rất nhiều truyện Nga đã được dịch sang tiếng Việt từ những năm 50 của thế kỉ cổ lỗ vừa qua! “Bạn bè và học trò cũ biết tôi thích sưu tầm nên thường gửi tới biếu, phần nữa do con gái tôi cũng đang dạy học ở Việt Nam gom về cho mẹ” – bà giáo nói khi thấy có người tròn mắt nhìn tủ sách.”

“Nhờ mẹ và chú Toàn mà mình có truyện để đọc. Những tập “Sông Đông êm đềm”, Chiến tranh và hòa bình”, Bông hồng vàng… nhiều lắm, kể sao hết. Toàn là những chuyện cổ tích cho người nhớn, ở bên VN chắc chẳng bao giờ mó vào nhưng không biết làm gì, đi đâu thì đọc trong lúc nghỉ lại thấy hay hay.

“Đọc truyện mới thấy quí người Nga thêm mấy bậc, hóa ra ngày xưa ở đâu cũng tốt, cả bên Nga lẫn bên ta, sao bây giờ lại nhiều người xấu thế nhỉ? Đâu xa, ngay chính mình cũng là cái thằng vứt đi. Có thể nào bù lại được cho bố mẹ?”

“Chỉ có thể nói về chú Toàn bằng hai từ “tuyệt vời”. Cái gì cũng tuyệt vời: Ý tưởng kinh doanh nông trang độc đáo, đối nhân xử thế với tây với ta đều không chê vào đâu được, lợi nhuận thu về cũng gớm, chú ấy làm từ thiện nổi tiếng cơ mà…”

“Hôm nay tự dưng thấy nản, chẳng thiết làm việc. Không ra nhà kính trong lúc cần thu hoạch rau giao gấp theo hợp đồng. Chú Toàn không nói gì nhưng trong bụng chắc tức lắm. Thế là đi lang thang, muốn được ở đâu một mình. Mẹ lẳng lặng đi theo. Leo qua ba quả đồi mà mẹ không chịu dừng lại, cũng không một lời trách mắng. Khi mình ngồi xuống gốc thông rồi nằm ngửa nhìn trời mẹ cũng ngồi xuống nghỉ. Có chút ân hận trong lòng nhưng thật sự không muốn nói gì, làm gì…”

Giai đoạn thứ tư đây – ông Toàn lại lẩm bẩm – gọi là giai đoạn tự điều chỉnh.

Mình đã bỏ công nghiên cứu các giai đoạn tâm sinh lí cai nghiện nên hôm ấy mới giữ được bình tĩnh. Đúng là đang khi nước sôi lửa bỏng, nhan công thiếu hụt thì nó lại trở chứng…

“Lại ra nhà kính thu hoạch rau chất lên những chiếc xe chuyên dụng liên tục ghé đít vào đón hàng ở cửa, quần quật thêm hai ngày mới xong”

Có một đoạn bỏ trống gần một trang, khi viết tiếp thì chữ trở nên khá ngay ngắn, ghi thêm ngày tháng đàng hoàng:

“12-10  Mẹ bảo “Tháng sau xin với chú Toàn cho về Việt Nam, ở đây thế là đúng nửa năm rồi đấy” Đúng thật, sáu tháng 8 ngày rồi, không tính 15 ngày trước khi sang đây. Vậy là gần bẩy tháng rồi không “cắn”*, “ục”* gì cả. Khỏi thật rồi chăng? Mừng muốn nhảy cẫng lên! Cảm giác khỏe mạnh, thanh thoát cứ lâng lâng trong lòng…”

“20-10  Sang thăm và trả truyện cho bà giáo. Mẹ chào tạm biệt bà vì sắp về nước. Mình khiến bà ngạc nhiên và thích thú khi đưa ra bài thơ Nga đã dịch sang tiếng Việt (mất một tuần hì hục sắp chữ quên cả việc ghi chép, không kể ba lần nhờ mẹ và chú Toàn kiểm tra xem dịch thế đúng nghĩa chưa.) Đó là bài thơ của Iu-li-a Đrunhina, nữ thi sĩ mà bà giáo quý trọng lắm vì đã tham gia chiến tranh chống Phát  xít Đức ngày xưa:

Lúa mạch chín ngả trên đồng

Bước chân lính chiến đang cùng dẫm lên

Chúng tôi, đám nữ thanh niên

Cũng bước thế, chẳng ngại phiền nữ nhi.

Cháy, không chỉ nhà đằng kia

Tuổi xuân tôi lửa đốt đi phũ phàng

Con gái cũng đang lên đường

Như nam giới ra tiền phương diệt thù.

Bà giáo đọc rồi nước mắt bỗng ứa ra. Nước mắt mẹ cũng ứa ra khiến mình rưng rưng theo

“Nữ sĩ này đã tham gia chiến tranh bảo vệ tổ quốc, là thành viên của Xô viết Tối cao Liên Xô – bà giáo nói – Vậy nên khi Liên Xô tan vỡ bà đã tự tử vì quá thất vọng…”

“Ngày đó bên Việt Nam cũng thất vọng lắm, thưa bà. Tôi đang học ở Đại học Lômônôxôp thì bố tôi gọi về – mẹ góp lời – ông cụ bảo “Về đi con ạ, Liên Xô tan vỡ rồi, những gì tốt đẹp ngày xưa cũng tan vỡ hết rồi…Nhưng có lẽ không phải như vậy bà giáo ạ, sang đây lần này tôi đã thấy rõ…”

“Đúng thế mà – bà giáo tán đồng – Liên Xô tan vỡ, đảng Cộng Sản mất quyền lãnh đạo nhưng đất nước và dân tộc Nga với tâm hồn Slavơ giàu tính chiến đấu và đậm tình  yêu thương không bao giờ tan rã. Chúng tôi cũng đã lại là một đất nước vĩ đại như ngày xưa, và sẽ hơn thế nữa. Còn những cái xấu thì toàn thế giới này đâu chẳng có…- Bà đọc bài thơ dịch lần nữa rồi quay nhìn mình: – Em dịch được bài thơ hay như thế này là đã có được sự đổi khác trong tâm hồn. Là nhà giáo cô tin rằng…”

Ông Toàn chợt nhìn vào chiếc mobile để chế độ im lặng, thốt ra “Tám cuộc gọi nhỡ rồi, thôi đọc sau vậy. Nhưng có lẽ thế cũng đủ hiểu rồi. Những gì mà anh chị ấy, mình và chính thằng Quang mong mỏi đều đã đạt được cả rồi. ”

14-5-2013

(Giải tư cuộc thi viết kỉ niệm 70 năm chiến thắng Stalingrad của Hội VHNT Việt Nam tại Liên bang Nga)

N.C.

—————————-

* (Trường Đại học Tổng hợp Lômônôxôp ở Matxcơva)

* Cắn – ục: tiếng lóng của dân nghiện  gọi việc xài ma túy

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder