Vừa qua, chúng tôi đã dành thời gian thăm khu lưu niệm Nhóm Tự lực Văn đoàn tại huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Tự lực Văn đoàn là một nhóm nhà văn được thành lập năm 1933 ở Hà Nội: Nhất Linh (sinh 1905, mất 1963); Khái Hưng (sinh 1896, mất 1947); Hoàng Đạo (sinh 1906, mất 1948); Thạch Lam (sinh 1910, mất 1942); Tú Mỡ (sinh 1900, mất 1976); Thế Lữ (sinh 1907, mất 1989); Xuân Diệu (sinh 1917, mất 1985); Trần Tiêu (sinh 1900, mất 1954).
Cơ sở cho hoạt động của nhóm là các tờ tuần báo: Phong hóa (từ 1932-1936), Ngày nay (1936-1946); và nhà xuất bản Đời nay (1933-1945). Trong Tự Lực văn đoàn, có đến 3 thành viên là anh em ruột. Đó là Nhất Linh (bút danh của Nguyễn Tường Tam); Hoàng Đạo (bút danh của Nguyễn Tường Long) và Thạch Lam (bút danh của Nguyễn Tường Lân). Dòng họ Nguyễn Tường quê Quảng Nam, nhưng từ vài đời ra Bắc, ở Hà Nội và Hải Dương. Khoảng đầu những năm 1920, các anh em nhà Nguyễn Tường được mẹ đưa về quê ngoại ở phố huyện Cẩm Giàng, Hải Dương. Trại Cẩm Giàng của nhà Nguyễn Tường ở ngay cạnh ga xe lửa, gần đó là trường huyện Cẩm Giàng cũ, nay là một lò gạch, cảnh hoang phế hậu chiến. Thạch Lam sống thời niên thiếu ở vùng này, cảnh sống một phố huyện, một ga xép, một con sông Sen và vùng bên kia sông… thấm đậm trong nhiều truyện ngắn Thạch Lam. Trụ sở chính của Tự Lực văn đoàn đặt ở nhà số 80 phố Quán Thánh Hà Nội.
Xung quanh Tự Lực văn đoàn dần dần tập hợp lại một loạt văn nghệ sĩ, nhà hoạt động văn hóa. Đó là các nhà văn nhà thơ Trọng Lang, Đoàn Phú Tứ, Trần Tiêu, Thanh Tịnh, Huy Cận…; là các hoạ sĩ: Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân…, các kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện, Hoàng Như Tiếp. Hoạt động chủ yếu của Tự Lực văn đoàn là viết văn, làm báo, in sách. Nhóm còn mở rộng ra một số hoạt động xã hội như cứu tế, phát chẩn trong nạn lụt ở Lang Tài, Bắc Ninh, tổ chức chợ phiên Ánh Sáng, Dancing… ở đô thị. Nhóm đứng ra lập hội Ánh Sáng, sáng tác kiểu nhà Ánh Sáng cho nông thôn. Sau này, trong một bài hồi ký, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát đánh giá rất cao kiểu nhà Ánh Sáng của nhóm Luyện – Tiếp – Đức thời ấy. Như giới nghiên cứu sau này đã nhận xét, các hoạt động văn hóa và xã hội, báo chí và xuất bản của Tự Lực văn đoàn được những người chủ trì của nhóm hướng theo chủ trương cải cách xã hội, vận động hiện đại hóa đời sống xứ sở, tuyên truyền cho văn minh, cho đô thị hóa, Âu hóa. Nói cách khác, họ đấu tranh cho tiến bộ xã hội trong khuôn khổ các hoạt động hợp pháp dưới chế độ thực dân.
MT