Cuộc đời yêu như vợ của ta ơi – Khuất Bình Nguyên

Việt Phương yêu quý cuộc đời như yêu quý Phật. Như yêu quý bản thân ông. Như vợ ông. Như một lời hứa tất cả vì tình yêu cuộc sống. Ta đau lắm những nỗi đau sinh nở. Cuộc đời, thân như hơi thở ta ơi. Ta vui lắm những niềm vui cởi mở. Cuộc đời yêu như vợ của ta ơi.

70 năm về trước, đúng vào ngày 25 tháng 9 năm 1945, sau hai ngày giặc xâm lược nổ súng gây hấn ở Sài Gòn, có một chàng trai Hà Nội 17 tuổi theo tiếng gọi của Tổ quốc lên đường Nam tiến. Với khẩu súng trường trên vai. Mùa hạ này chàng trai năm xưa đã 87 tuổi. Vẫn tươi trẻ nụ cười. Trời run rẩy thế nào mà Đại hội nhà văn lần thứ 9 ở khách sạn La Thành, Hà Nội, ngày 9-7-2015, tôi lại ngồi sát ghế với ông. Cuộc gặp lần trước vào hồi tháng 9 – 1970. Khi đó ông vào nói chuyện thơ với sinh viên Văn khoa Tổng hợp Hà Nội tại hội trường tỉnh ủy Hà Tây. Trước mặt có một khu vườn mà cổng của nó nhìn ra cầu thị xã Hà Đông. Ông dong dỏng cao. Hào hoa phong nhã. Đặc biệt có nụ cười sáng mà duyên. Thấm thoát đã 45 năm rồi. Tôi hỏi nhỏ. Hình như ngày xưa ông cao hơn bây giờ. Ông nói. Hình như vậy. Trách làm sao được với thời gian. Ông là nhà thơ Việt Phương.

Tôi đã nhiều lần băn khoăn tự hỏi về sự mê hoặc và lôi kéo ghê ghớm của văn chương. Bao nhiều người sinh trưởng ở chốn lầu son gác tía. Không thiếu thứ gì để không nói là hạnh phúc và yên ấm mà vẫn không thể cưỡng lại nổi cái sự phải cầm lấy nghiên bút. Cũng như bao nhiêu kẻ lê la nơi bùn lầy nước đọng mái rạ lều tranh quên cả đói rét chùm chăn mà viết nên những vần thơ tươi sáng như nhành mai nở đến hai lần. Câu chuyện muôn đời muôn kiếp ấy là bởi vì văn chương gắn với số phận vinh quang và cay đắng của con người. Kể từ 1970, khi tập Cửa mở ra đời, sang thế kỷ 21, tức là gần 40 năm sau, liên tiếp Việt Phương sinh hạ thêm nhiều tập thơ. Cửa đã mở. 2008. Bơ vơ đông đảo. 2009. Cỏ dọc đường trần. 2010. Cát dưới chân người. 2011. Sống. 2012. Lan. 2013… Một dòng thơ lai láng chảy khi người làm ra nó đã ở tuổi 80 và sức khỏe không còn sung mãn nữa. Một tình yêu cuộc đời, tình yêu văn chương đáng trân trọng. Ông viết thơ như là trách nhiệm riêng có của mình. Thơ Việt Phương thuộc dòng thơ suy tưởng triết lý. Ở Việt Nam không phải không ít người thích làm thơ theo hướng này. Nhưng cũng ít người thành công. Thơ suy tưởng triết lý thường phát triển theo hướng xuất phát từ những luận đề. Để rồi từ đấy suy tưởng trên các vấn đề về triết lý nhân sinh như tồn tại và phát triển. Cái thiện và cái ác. Chiến tranh và hòa bình. Sự giả dối và lòng trung thực. Danh dự và tình yêu. Quá khứ và hiện tại. Sự hữu hình và siêu hình của không gian và thời gian v.v.. Không phải không có hiểm nguy khi đi trên con đường đó. Khi mà cảm xúc không đi cùng suy tưởng, khi mà lý lẽ thay cho hình tượng, khi mà trường rung cảm của nhà thơ vơi cạn cũng là lúc thơ khó hiểu và trở thành bài văn biện luận thông thường. Những bài thơ hay nhất của Việt Phương đã vượt qua được cái cửa ải chết người ấy.

Đời thơ Việt Phương, Cửa mở đóng vai trò đặc biệt. Như là mối tình đầu của ông. Vừa mới lạ. Vừa sung mãn. Những ý tưởng, những hình tượng thơ như bản hòa màu cho những âm thanh khác biệt xuất hiện ngay khi ông bước vào làng văn chương. Nét đặc sắc của Cửa mở, sau gần nửa thế kỷ nhìn lại, là những cảm hứng về thời đại và lẽ sống mà vào thời điểm đó ít có người cùng thời nêu vấn đề và lý giải bằng thơ thật thà mà ngay thẳng như ông. Cửa mở đi trước thời đại một bước. Hay có thể nói khi nó sinh ra thì chưa hẳn đã hợp thời. Nó chứa đựng vẻ đẹp của cái phi lý. Nó đặt cái phi lý giữa hiện thực đang tồn tại. Nó kêu gọi và cung cấp một cái nhìn khác về thế giới. Nó chăng dây giữa cái bất biến và cái khả biến. Việt Phương đã không ngần ngại phá tung những định kiến sai lầm chiều dọc lẫn chiều ngang. Không ngần ngại chỉ ra sự tội nghiệp một cách chân thành rất mực của ý nghĩ đã là đồng chí rồi thì không ai xấu nữa. Sự thơ ngây cho dù là tuyệt đẹp đã trở nên ngờ ngệch như thế nào về đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy sỹ. Về trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ. Về xe Tây Đức trôi trên đường nhựa phẳng lỳ … Việt Phương không hề choáng ngợp và mất phương hướng trước thực tế đó. Ông nhân danh và trên tầm nhìn của sống những phút giờ sự thật để mở cánh cửa nhìn ra thế giới đa diện và đa sắc bên ngoài. Chừng 20 năm sau, điều ông linh cảm bằng thơ là có thật. Chúng ta đã thực hiện cuộc mở cửa ngoạn mục như là một chính sách căn bản của đổi mới. Việt Nam muốn là bạn của tất cả các nước. Vào một buổi chiều giữa những năm 60, khi Hà Nội bắn tan 5 Con Ma và ở Lộc Ninh ta vừa diệt 500 tên xâm lược, bài thơ Tiếng hát niềm vui kể về sự kiện ấy lại dự báo rằng Ta hằng vui ngày Chủ tịch Liên bang Hoa Kỳ sẽ là … đồng chí, có thể vào một mùa hoa phượng vĩ đỏ trên cành. Phi lý hết sức. Không thể chấp nhận được. Bởi vì Ta đánh Mỹ vậy thì ta tồn tại kia mà. 50 năm sau, điều ấy đã thành sự thật. Mùa hoa phượng đỏ cành ở Hà Nội và Washington, nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng đã trang trọng nói ở NewYork cho cả thế giới biết rằng: Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton là người bạn lớn của nhân dân Việt Nam. Có phải đây chỉ là sự trùng hợp hay là một ví dụ sinh động cho chức năng dự báo của thi ca?

Việt Phương không ngại dùng thơ để lý giải nhiều vấn đề chính trị đương đại. Về Đảng. Về lãnh tụ. Về vận mệnh của đất nước với số phận của mỗi con người. Cửa mở không phải không còn câu thơ có sạn. Biên bản họp ngày 12 tháng 11 năm 1970 có ý kiến còn chê trách ông vô tình sa vào chủ nghĩa nhân đạo chung chung. Hình tượng hóa ngây thơ dễ cho bọn xấu moi móc. Nặng tình yêu hơn căm thù … Việt Phương cũng nhận thấy một số câu dễ gây hiểu lầm cho người đọc. Nhưng vượt lên tất cả; Những bài thơ hay. Muôn vàn tình thương yêu  trùm lên khắp quê hương. Đảng. Người như sự sống mãi sinh sôi … ghi dấu ấn Việt Phương trong làng thơ Việt Nam nửa sau thế kỷ 20.

Sau bao năm đồng chí với Người. Con gọi Người là đồng chí. Là khi con vĩnh biệt Người, Đồng chí, Bác Hồ ơi! Việt Phương thật có lý khi ông viết: Bác không bằng lòng gọi trận đánh chết nhiều người là “đánh đẹp”. Sau những năm hòa bình và có thể còn nhiều năm nữa, khi chúng ta đi qua những vùng đất là chiến trận ngày xưa, khi ta đến những miền quê xa xôi để chạm vào cuộc đời những người mẹ, người vợ, người em gái … càng thấy điều thi sỹ bày tỏ thật nhân bản và sâu sắc biết nhường nào. Cũng như hôm nay, đọc lại định nghĩa về Đảng, Việt Phương viết tháng 1-1970, ta suy ngẫm được nhiều điều để tĩnh tâm sau những dông bão của lịch sử: Đảng là tiếng gọi thầm rất vang khi sắp làm sai.

Một cảm hứng thơ thường gặp trong Cửa mở là triết lý về Nỗi đau. Tập thơ chưa đến 30 bài mà có đến 17 lần nói về Nỗi đau. Triết lý về nỗi đau của Việt Phương đặt trong quan hệ biện chứng với niềm vui. Niềm vui lớn nỗi đau cũng lớn. Nỗi đau không thể chuyển thành niềm vui được. Nhưng trong nỗi đau đã có niềm vui vì ta vui cả khi trong ta còn chứa chất niềm đau. Vì ta thấy được niềm vui sau chiến thắng nỗi đau. Cho nên sâu hơn niềm vui mà đượm nỗi đau là vậy. Nỗi đau của Việt Phương là nỗi đau sinh nở. Ông đã hình tượng hóa nỗi đau trong thơ. Ta thả nỗi đau vào đêm như con thuyền im lặng. Nỗi đau reo như một rừng thông. Nỗi đau ta cũng sáng búa liềm… Không đau nỗi đau của nhân tình thế thái thì văn chương phỏng có ích gì và chẳng làm rung động được ai. Goethe – thi sỹ thiên tài, đã hơn một lần nói về nỗi đau. Đã bao lâu rồi nhà của Goethe ở miền Nam nước Đức dường như còn lẩn khuất đâu đây trên dòng sông I’lm âm thầm chảy nỗi đau của thi nhân về bản hòa ước giữa người bán linh hồn cho quỷ được ghi trên chiếc lá nhỏ rơi lẫn vào vô vàn chiếc đang xào xạc trên cây và dưới cỏ.

Những tập thơ sau này của Việt Phương dù không còn xuân sắc như hồi 1970, nhưng Cửa đã mở. 2008. Bơ vơ đông đảo. 2009… vẫn âm thầm lời cảnh báo về sự vô cảm của con người, ẩn trong chiều sâu của những nỗi đau. Vẫn tấm lòng ấy. Vẫn như tiếng gọi Năm xưa buổi lên đường. Tâm hồn nhà thơ long lanh như một giọt người.

Nghiêng hẳn đời anh đi mà gạn

Một giọt người rất sáng, rất trong.

Ngày 25-9-1945, chàng tuổi trẻ Trần Quang Huy đang học tú tài tây phần 2, tự đổi tên mình thành Trần Quang Tử, với ý nghĩa quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Chàng đến ga Hàng Cỏ Hà Nội đầu quân Vệ Quốc đoàn Nam tiến. Đường hành quân ra trận bằng tàu hỏa. Đến các ga dọc đường Nam Định. Thanh Hóa. Nghệ an. Huế. Đà Nẵng. Quảng Ngãi … dừng lại từng ga để lấy thêm quân. Các chiến sỹ vệ quốc trên cùng đoàn tàu ra trận năm ấy tập họp từ mọi vùng của đất nước đi thẳng ra chiến trường. Tử được giao một khẩu súng trường dài ngoặc. Tôi hỏi súng có tên là gì và nước nào chế tạo. Được trả lời. Đó là một khẩu súng trường Nga. Không hiểu vì sao nó lại lưu lạc được đến đây. Súng có thể phóng thiết bị nổ đi xa 500 m để đánh xe cơ giới. Đoàn Vệ quốc quân vào đến Sài Gòn. Chiến đấu ở cầu Bình Lợi. Sau rút ra Thủ Đức. Rồi Hố Nai. Rồi Phan Thiết. Sau đó là Tây Nguyên. Đầu năm 1946. Tử được kết nạp vào Đảng. Thời gian thử thách chỉ có 3 tháng. Mặc dù nhẽ ra phải là một năm đối với thành phần tri thức tiểu tư sản theo quy định thời đó. Không bao lâu, Tử trở thành chính ủy Trung đoàn 95. Khi mới 18 tuổi. Tháng 1- 1947. Hội nghị thành lập Đoàn thanh niên cứu quốc được tổ chức tại Quảng Ngãi. Duyên trời đã để Tử gặp đồng chí Tô. Hai tú tài trường Bưởi gặp nhau ở mảnh đất miền Trung khói lửa. Tháng 2-1947 Trung ương gọi đồng chí Tô ra Việt Bắc. Tử được theo cùng. Trước khi lên đường đi bộ ra Bắc, các đồng chí khu 5 đặt tên mới cho Tử. Trần Việt Phương bắt đầu có từ đấy. Liên tục trong 53 năm liền kể từ 1947, Việt Phương được làm việc bên cạnh một trong những người lãnh đạo chủ chốt ở cơ quan đầu não của đất nước. Mọi người đều biết. Tôi hỏi. Có phải vì được tiếp cận với nhiều vấn đề thời cuộc, được mở mang tầm nhìn mà viết nên thơ mang tính chất dự báo hay không? Ông nói nhỏ như là một câu buông lửng ra tự nhiên, hơn là một câu trả lời: thân ở cung đình, lòng ở lều tranh. Tôi nghĩ không hẳn là như thế. Có lẽ nó xuất phát từ linh cảm của người thi sỹ hơn là từ hiểu biết của nhà chính trị. Việt Phương thường bày tỏ lòng tôn kính với triết học Phật. Cái triết lý rất gần với tư tưởng của triết học hiện đại. Tất cả không có gì. Không có gì là tất cả. Tưởng như hư vô mà nhân bản vô cùng. Một đôi lần, tôi đã theo con thuyền Giác ngộ của Lê Quý Đôn trong Kiến văn tiểu lục từ bờ bên này cuộc đời để vượt qua sang cõi Niết bàn. Nơi đạt được 4 chữ. Thường. Lạc. Ngã. Tịnh. Bốn chữ ấy đều quý cả. Nhưng quý nhiều hơn có lẽ là chữ Tịnh chăng? Nhưng cuộc đời đâu có dễ để Việt Phương chìm đắm trong cõi Niết bàn. Nó níu kéo ông lại. Và thi ca đã như một phép màu của Phật để ông trẻ lại ở tuổi 80. Tinh mơ này anh lại ra đi. Khi đường phố nhu mì và trong sạch. Một thoáng trời xanh như thóc mách.       Vầng trăng liềm cài lệch mái nhà em.

Những người cùng thế hệ với ông ra đi Nam tiến vào mùa thu năm ấy nhiều người đã mãi mãi không trở về. Họ giao trách nhiệm cho ông phải ngợi ca vẻ đẹp nhu mì của Hà Nội mà bao thế hệ đã đổ máu vì nó. Và họ giao cả cho ông, người đã lớn lên trong Hà Nội như cỏ dại vườn hoang nhận biết và chỉ ra một Hà Nội phong trần mà khờ dại giữa thời buổi làm ăn say chất men kinh doanh Âu Mỹ, heo may nhởn nhơ, bao vụ bán linh hồn cho quỷ của cái ác.

Sau Đại hội nhà văn lần thứ 9 mấy ngày, tôi đến thăm nhà thơ Việt Phương ở 71 Trần Quang Diệu. Hà Nội. Tôi hỏi bài thơ nào ông thích nhất. Ông trả lời Cuộc đời yêu như vợ của ta ơi. Một cuộc đời từng trải vào bôn ba như ông, có nhiều cơ hội để giàu có và thăng tiến lắm chứ. Nhưng không. Trước sau ông chỉ là người thư ký của thời cuộc mà thôi. Và một ngôi nhà giản dị. Phòng khách bài trí sơ sài. Tủ sách chạy xung quanh. Hai bên tả hữu có hai chiếc đồng hồ cũ. Một ở trên tường. Một nằm trong tủ. Không hiểu sao cả hai đều không chạy. Và đều chỉ 11h. Chủ nhân của nó muốn giữ chân thời gian lại hay chăng ?.

Không gian và thời gian vốn thật siêu hình. Thi ca như những hạt nhỏ trong chiếc đồng hồ cát cố gắng chạm vào cõi siêu hình ấy để tìm ra định lượng. Để con người trong những giới hạn của nó được yêu mến tận cùng vị ngọt đắng của mênh mông. Cái vẻ đẹp tưởng như là phi lý của thi ca là hạt sáng giới hạn trong chiếc đồng hồ cát ấy. Việt Phương yêu quý cuộc đời như yêu quý Phật. Như yêu quý bản thân ông. Như vợ ông. Như một lời hứa tất cả vì tình yêu cuộc sống. Ta đau lắm những nỗi đau sinh nở. Cuộc đời, thân như hơi thở ta ơi. Ta vui lắm những niềm vui cởi mở. Cuộc đời yêu như vợ của ta ơi.

 

Hà Nội 7- 2015

Nguồn: Văn học và Ngôn ngữ

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder