Tu từ học, một môn học tưởng đã biến mất từ thế kỷ 19, bỗng sống lại vào nửa sau thế kỷ 20 với nhiều sách, báo nghiên cứu cũng như các cuộc hội thảo và hầu hết những hoạt động này chỉ tập trung vào vấn đề ẩn dụ. Tại sao lại chỉ là ẩn dụ mà không lưu tâm tới các dụ pháp khác như hoán dụ, đề dụ, phúng dụ hay những dụ pháp phức tạp khác như anadiplosis[1] hay alloiosis[2]?…
Trả lời cho câu hỏi này, Jonathan Culler[3] cho rằng tu từ học có hai nghĩa:
– nghĩa thứ nhất: một thứ ngôn ngữ không thành thật và có tính khoa trương.
– nghĩa thứ hai: khảo sát những thủ pháp bóng bẩy, trong đó có ẩn dụ.
Chính nhờ gắn liền với nghĩa thứ hai này mà tu từ học có giá trị. Ngày nay, ẩn dụ không còn được xem là một dụ thái (figure) được xếp trong các dụ thái nhưng là một dụ thái về bóng bẩy tính (figurality). “Ẩn dụ là dụ thái tiêu biểu nhất nhờ đó nhà văn có thể phô bày tính sáng tạo và tính chân thực của mình.”[4], Culler khẳng định.
Như đã từng bàn qua nhiều lần trong các bài trước, ẩn dụ là một hình thức ví von. Hình thức này được sử dụng một cách rộng rãi từ người bán khai cho đến người văn minh, từ trẻ con cho đến người lớn. Chính vì thế mà “có nhiều ẩn dụ được sử dụng ở một góc đường phố hơn là trong các tác phẩm của Shakespeare” theo Chandler.[5] Cách nói có phần cường điệu của tác giả này chỉ để nhấn mạnh một điều, đó là ẩn dụ nằm ngay trong diễn ngôn, tức là trong sự sử dụng chữ: hè về, xuân sang, xe nối đuôi nhau, mối tình tan vỡ, yếu lòng, tìm danh vọng, nặng tình, mặt trời mọc, lên chức…
Trước hết, hãy nói về trẻ con. Ngay từ nhỏ, trẻ con Việt Nam được giáo dục về sự hiếu thảo đối với cha mẹ qua hai câu hò:
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Học nói là học ví: ví một âm thanh với một sự vật. Học chữ là một cách ví khác: ví một chữ với một âm thanh và tất nhiên, qua âm thanh là sự vật. Trong hai câu lục bát này, người ta ví chất lỏng uống hàng ngày với chữ “nước”, ví cái khoảng đất cao hơn mặt phẳng bình thường với chữ “núi”. Đẩy sự ví von đi xa hơn: ví công lao cha với “độ cao” của núi; ví tình mẹ với “lượng nước” của suối. Tóm lại, ví cái chưa biết với cái đã biết rồi, ví cái trừu tượng với cái cụ thể. Đó là phương cách duy nhất để thăm dò và hiểu biết sự vật cũng như các vấn đề nhân sinh. S.I. Hayakawa gọi những bước đi như thế là “thang trừu tượng” (ladder of abstraction)[6]
Thực tế là, trẻ con có thể hiểu được điều ví von là vì chúng đã mang sẵn khả năng đó rồi. Bất cứ bậc cha mẹ nào cũng có những kinh nghiệm rất thú vị về trẻ con: các cháu tự diễn tả những gì chúng cần, chúng muốn bằng cách dùng số vốn từ vựng rất giới hạn của mình để chỉ cái mà chúng chưa biết gọi tên cách nào. Chính vì thế mà theo James Geary[7], trẻ con có biệt tài chế ra những kenning đơn giản mà ông xem là những ẩn dụ đầu tiên do chúng sáng tạo ra. Kenning[8], tạm dịch là “mượn chữ”, xuất phát từ thi ca tiếng Norse Cổ (Old Norse)[9], là một lối nói quanh co ẩn dụ (metaphorical circumlocution) gồm có hai tiếng danh từ hay một cụm danh từ đi với nhau. Thay vì nói “a sword” (cây gươm) thì người ta nói “an icicle of blood” (một cột máu), thay vì “ship” (tàu thủy) thì “horse of the sea” (ngựa biển), thay vì “battle” thì “storm of swords” (bão gươm). Những cụm từ trong tiếng Anh về sau như houseplant (house-plant), headache (head-ache), brainstorm (brain-storm) có nguồn gốc từ cách nói này. Trong một cuộc nghiên cứu, một đứa bé diễn tả một “cục pin” (flashlight battery) là một “túi ngủ cuộn lại và sẵn sàng đi đến nhà một người bạn” (a sleeping bag all rolled up and ready to go over to a friend’s house); một “lược chải tóc” (hairbrush) là một công viên đầy cỏ (a park with grass); baldness (sói đầu) = một cái đầu đi chân không (a barefoot head).[10]
Trong dân gian, một trong những cách ví von phổ biến là sử dụng thành ngữ. Cũng là một hình thức kenning. Thành ngữ là một diễn đạt có tính cố định về mặt ngữ nghĩa, không thể thay thế và sửa đổi về mặt ngôn từ, được xem như một đơn vị và nghĩa của nó khác với nghĩa của mỗi một chữ cấu tạo nên.[11] Do đó mà thành ngữ có tính cách “độc đoán”. Nghĩa đen của nó không dính dáng gì đến nghĩa bóng, nên thường chỉ để sử dụng bên trong một cộng đồng, nơi mà các bên đối thoại phải có chung một quy chiếu văn hóa. Vì văn hóa thường mang tính địa phương nên hầu hết thành ngữ thường vô nghĩa nếu được sử dụng ngoài nền văn hóa đó. Thành ngữ gắn liền với và được xem như là thành phần của văn hóa. Nếu chỉ dựa vào chính thành ngữ, người nghe có thể hiểu sai ý nghĩa thực của nó, nếu người đó chưa hề biết thành ngữ này từ trước.
Hãy đọc qua một vài trích đoạn mẫu chuyện dưới đây:
Chị nọ phận hẩm duyên ôi, kết tóc xe tơ với một anh chàng mặt nạc đóm dày, xấu ma chê quỷ hờn (…) vô tâm vô tính, ruột để ngoài da, (..) lúng túng như thợ vụng mất kim, chỉ được cái sáng tai họ điếc tai cày là giỏi!
Chị vợ mỏng mày hay hạt, tháo vát đảm đang, hay lam hay làm, vớ phải chàng ngốc đành nước mắt ngắn nước mắt dài, đeo sầu nuốt tủi, ngậm bồ hòn làm ngọt cho qua ngày đoạn tháng. Nhiều lúc tức bầm gan tím ruột, cực chẳng đã, chị định một liều ba bảy cũng liều, lành làm gáo vỡ làm muôi, rồi anh đi đường anh, tôi đường tôi cho thoát nợ. Nhưng gái có chồng như gông đeo cổ, chim vào lồng biết thuở nào ra, nên đành ngậm đắng nuốt cay, (…) sao nỡ vạch áo cho người xem lưng, xấu chàng hổ ai?
(…)Một hôm ngày lành tháng tốt, (…) chị vợ dỗ ngon dỗ ngọt bảo chồng đi chợ mua bò, không quên dặn đi dặn lại: đến chợ phải tùy cơ ứng biến, xem mặt đặt tên, liệu cơm gắp mắm, (…) đồng tiền phải liền khúc ruột kẻo lại mất cả chì lẫn chài.
Được lời như cởi tấm lòng, ngốc ta mở cờ trong bụng, (…) vội khăn gói quả mướp lên đường, quyết phen này lập công chuộc tội. (…) Chợ giữa phiên, người đông như kiến, áo quần như nêm, biết bao của ngon vật lạ, thèm rỏ dãi mà đành nhắm mắt bước qua. Hai tay giữ bọc tiền khư khư như từ giữ oản, ngốc nuốt nước bọt bước đến bãi bán bò.
Sau một hồi bới lông tìm vết, cò kè bớt một thêm hai, nài lên ép xuống, cuối cùng ngốc cũng mua được sáu con bò. [12]
Mẩu truyện được dệt nên bởi một “rừng” thành ngữ. Bên cạnh những thành ngữ có tính cách so sánh tương đối cụ thể như lúng túng như thợ vụng mất kim, đông như kiến, khư khư như từ giữ oản, phần còn lại là những thành ngữ trong đó chữ một đàng, nghĩa một nẻo, không có cái gì dính líu đến cái gì: bầm gan tím ruột, xem mặt đặt tên, bới lông tìm vết, ngậm đắng nuốt cay… Ở đây, ta tìm thấy có một sự “lạc lõng” hoàn toàn giữa chữ và nghĩa hoặc giữa nghĩa của thành ngữ và nghĩa của câu. Thế nhưng trong mạch văn, chúng vẫn có nghĩa và có nghĩa một cách chính xác và thú vị. Người ta mượn chữ này để nói chữ khác, hay nói cho đúng là mượn ý này để nói một ý khác. Đó là những thành ngữ mà Mai Ngọc Chữ, Vũ Đức Nghiệu & Hoàng Trọng Phiến gọi là “thành ngữ miêu tả ẩn dụ” để phân biệt với “thành ngữ so sánh” trình bày ở trên.[13]
Về thành ngữ ẩn dụ, ta nhận thấy có những thành ngữ tự nó đã mang tính ẩn dụ: bầm gan tím ruột, ngày lành tháng tốt, dỗ ngon dỗ ngọt. Ngoài ra, những thành ngữ khác chỉ là những cụm từ bình thường xuất phát từ:
– những câu chuyện hay những nhân vật có thực hay hư cấu được ghi lại trong sách vở: kết tóc xe tơ, sợi xích thằng, tay sở khanh, mụ tú bà; hoặc
– kinh nghiệm nhân sinh: đầu đường xó chợ, đồng tiền liền khúc ruột, cò kè bớt một thêm hai, ngậm bồ hòn làm ngọt; hoặc
– sự kiện diễn ra trong môi trường tự nhiên: dậu đổ bìm leo, thất thế kiến tha bò (sa cơ ruồi đuổi ngựa), mèo mả gà đồng, gà què ăn quẩn cối xay, mèo mù vớ được cá rán; hoặc
– kinh nghiệm hoạt động: bứt dây động rừng, đứng mũi chịu sào, mất cả chì lẫn chài…
Các thành ngữ ẩn dụ nói chung, dù xuất phát từ đời sống hay từ sách vở, đều là những cụm từ bình thường, thậm chí vô nghĩa, nếu chỉ có thế. Chỉ khi nào người ta ví von chúng với một tình thế, một hoàn cảnh hay một trạng thái tâm lý nào đó, thì chúng mới mang tính ẩn dụ và trở thành sống động. Y như mầm sống đã ươn sẵn từ lâu trong chúng, chỉ đợi chờ cơ hội là vươn ra. Mèo mả gà đồng chẳng hạn. Thành ngữ này diễn tả sự kiện những con mèo sống trong nghĩa địa (mèo mả) và những con gà chạy rong kiếm ăn ngoài đồng ruộng (gà đồng), đó là những gia súc trở thành thú hoang. Khi Nguyễn Du viết: Ra tuồng mèo mả gà đồng/Ra tuồng lúng túng chẳng xong bề nào, thì “mèo mả gà đồng” lập tức có ý nghĩa, nhưng là một ý nghĩa khác, không dính dáng đến con mèo hay con gà. Nó ám chỉ cái mà nhân vật Hoạn Thư gọi là “phường” trốn chúa hay “quân” lộn chồng, tức là những kẻ không ra gì.
Chính vì thế, theo quan điểm của những nhà ngữ học nhận thức, để hiểu thành ngữ, cần phải khái quát hóa phân tích về thành ngữ: nhiều hay hầu hết những thành ngữ là sản phẩm của hệ thống ý niệm và không đơn giản chỉ là vấn đề ngôn ngữ. Kovecses nhận định: “Một thành ngữ không chỉ là một diễn đạt có một ý nghĩa mà ý nghĩa này đặc biệt tương quan với ý nghĩa của những phần cấu tạo nên nó bằng cách này hay cách khác, nhưng phát sinh ra từ kiến thức tổng quát của chúng ta về thế giới biểu hiện trong hệ thống ý niệm của chúng ta”. Dựa trên kiến thức này mà tạo nghĩa cho thành ngữ. Những thành ngữ nói về cơn giận như blow your stack (thổi ống khói), flip your lid (mở nắp vung), hit the ceiling (đụng trần nhà) được hiểu theo hình ảnh và kiến thức tổng quát (chẳng hạn như nguyên nhân, hành động, hậu quả…) vì những ẩn dụ ý niệm như MIND IS A CONTAINER (Tâm Thức Là Một Vật Chứa) hay ANGER IS A HOT FLUID IN A CONTAINER (Giận Là Một Chất Lỏng Nóng Trong Một Vật Chứa) đã có sẵn trong hệ thống ý niệm của người nói tiếng Anh.[14] Kovecses không cho rằng tất cả những diễn đạt ngữ học ẩn dụ dựa trên ẩn dụ ý niệm đều là thành ngữ, nhưng khẳng định con số những thành ngữ ẩn dụ (metaphorical idioms) do ẩn dụ ý niệm sản xuất ra là rất lớn. Do đó, nghĩa của thành ngữ được xem như là có lý do (motivated) chứ không phải là độc đoán. Nhưng Kovecses nhấn mạnh: tuy có lý do nhưng không hoàn toàn có thể suy đoán được (predictable). Khái niệm “có lý do” yếu hơn rất nhiều với khái niệm “suy đoán”.[15]
“Có lý do”, theo tôi, chỉ một phần nhỏ là có dính dáng đến những ý niệm có sẵn. Phần lớn lý do là lý do chung trong quá trình hình thành ẩn dụ trong diễn ngôn. Thành ngữ có sử tính. Thành ngữ, theo tôi, là sự cô đọng hay tóm tắt, thu gọn đến tối đa về mặt ngôn ngữ một sự kiện, một câu chuyện hay một kinh nghiệm khiến nó, qua thời gian, gần như ít hay không còn một liên hệ nào đến câu chuyện, sự kiện hay kinh nghiệm đó. Mục đích là biến các diễn giải phức tạp thành một ký hiệu ngữ học đơn giản để tiện sử dụng. Vì thế, trong lúc có một số thành ngữ còn chứa đựng đôi chút chi tiết để suy đoán ra ý nghĩa, dù là ý nghĩa sai chăng nữa, thì rất nhiều thành ngữ khác quả thật là hoàn toàn vô nghĩa, nếu không tìm ra gốc gác của nó. Thiên thung man nai chẳng hạn. Thiên, thung, man, nai[16] là bốn con thú có khả năng chạy vào bất cứ lối nào có thể chạy được miễn là thoát thân khi gặp người hay gặp các con thú ăn thịt khác. Ý chỉ cái gì vô trật tự, không rõ ràng, ví dụ: “Anh chàng đó nó ăn nói thiên thung man nai, chẳng ai hiểu gì”.
Trong tiếng Anh cũng thế, nhiều thành ngữ trong đó chữ và nghĩa hoàn toàn chẳng dính dáng gì đến nhau như kick the bucket (chết) hay rain cats and dogs . Truy nguyên ra, theo Wikipedia, kick the bucket có thể xuất phát từ một phương pháp hành hình tội nhân, hay một hình thức tự tử, diễn ra vào thời trung cổ: một sợi dây thòng lọng quấn quanh cổ tội nhân trong khi cho đứng trên một chiếc xô (bucket) lật ngược. Khi cái xô bị đá (kick) đi, tội nhân bị treo cổ chết.[17] Rain cats and dogs (mưa tầm tã) lại có một lai lịch khác. Đó là một cụm từ xuất phát từ một câu trong vở hài kịch The City Wit or The Woman Wears the Breeches (xuất bản năm 1653) của Richard Brome: “It shall raine… Dogs and Polecats”. Lần đầu tiên thành ngữ này được sử dụng là trong Jonathan Swift’s A Complete Collection of Polite and Ingenious Conversation (1738) của Jonathan Swift: “I know Sir John will go, though he was sure it would rain cats and dogs”. Tác giả ám chỉ đường phố đầy cả xác những con mèo và chó chết mấy năm trước đó có lẽ do mưa bão, ý chỉ tình trạng nhớp nhúa trên đường phố.[18]
Tính cách “độc đoán” của thành ngữ là do sự liên hệ tất yếu giữa thành ngữ đó và sự kiện như thế. Ý nghĩa và ý niệm thường đến sau sự kiện. Cả hai đều không phải là yếu tố tiên thiên. Điều này chứng minh cho một luận điểm của Ricoeur về ẩn dụ: sự gắn bó giữa diễn ngôn và hiện thực. Xin nhắc lại, diễn ngôn trong cách hiểu của Ricoeur không phải chỉ là chữ hay cụm chữ (ở đây là thành ngữ) mà là câu, là cách sử dụng thành ngữ hay chữ trong một ngữ cảnh nào đó. “Không có ẩn dụ trong tự điển, chỉ có ẩn dụ trong diễn ngôn”, theo Ricoeur.[19]
Về mặt ngôn ngữ và ý nghĩa của nó, ngoài ý niệm và sự kiện, sự lập đi lập lại là một yếu tố – và là yếu tố rất quan trọng – tạo ra thành ngữ. Chính sự lập đi lập lại trong cộng đồng bản ngữ qua thời gian, khiến cách nói đơn giản và đôi khi có vẻ vô nghĩa, lâu dần cũng trở thành có nghĩa dựa theo ngữ cảnh mà người ta thường sử dụng. Nói theo Eugene Gendlin, “Chữ dịch chuyển qua sự sử dụng.”[20] Nghĩa là trong cách dùng, bởi cách dùng – chứ không phải bằng định nghĩa – mà chữ thay đổi nghĩa, thêm nghĩa hay ổn định nghĩa. Đó là một sự dịch chuyển phi-luận lý (nonlogical move) không chỉ diễn ra trong quá khứ mà tiếp tục diễn ra bây giờ. Chữ mang theo chúng những ngữ cảnh sử dụng cũ (old use-contexts) vào ngữ cảnh mới. Sự sử dụng, dù mới hay cũ, theo Gendlin, không bị chi phối bởi ý niệm. Bởi vì chữ mang lại không chỉ ngữ cảnh sử dụng cũ mà đồng thời cũng mang theo ý niệm. Nếu chúng không làm như thế chúng không còn là chúng. Lý thuyết cũ về ẩn dụ cho rằng ngôn ngữ là có nguyên gốc và do đó, ẩn dụ là bất thường, khác thường vì nó nói về một điều khác hơn chính chúng. Thực ra, ngôn ngữ không có nguyên bản, chính bản thân nó là đã là ẩn dụ.[21]
*
Trước đây, sự lập đi lập lại, tức là sử dụng chữ, là qua truyền khẩu, thì từ lúc có chữ viết và sau này, chữ in, thì sự lập đi lập lại diễn ra qua sách vở và báo chí và càng ngày càng mở rộng qua nhiều hình thức khác nhau được gọi chung là truyền thông (the media). Sự phát triển của Internet khiến cho truyền thông được tiếp sức một cách mạnh mẽ và hữu hiệu. Tiếp cận với tất cả những biến cố diễn ra hàng ngày trong đời sống, truyền thông là một nơi sản sinh ra ẩn dụ, vừa ẩn dụ hình ảnh vừa ẩn dụ lời và do đó, tạo điều kiện để hình thành nên những chữ mới và thành ngữ mới. Các bản tin và các bài bình luận thường mô tả những biến cố hay sự kiện mới bằng cách sử dụng ẩn dụ để tăng cường sự hấp dẫn và tăng cường sức mạnh cho những lập luận nhắm tác động vào thính giả và độc giả. Nhiều tựa đề của bản tin đã là những phát ngôn ẩn dụ:
– Friendly gestures from Iran mark a rhetorical U-turn. (Những cử chỉ thân thiện từ Iran đánh dấu một bước ngoặt tu từ). Tựa đề bài báo đề cập đến thái độ thân thiện với Hoa Kỳ của tân tổng thống Iran Hassan Rouhani.
– Nền kinh tế Việt Nam đã bị các nhóm lợi ích bắt làm con tin với hơn 500.000 tỷ đồng nợ xấu.
– Bắc Triều Tiên vẫn cứng đầu trên hồ sơ nguyên tử.
– Lonely, young planet drifting in space without a star (Một hành tinh trẻ, cô đơn trôi dạt trong không gian chẳng có một ngôi sao nào (để xoay quanh). Tựa đề tóm lược bài báo mô tả một hành tinh 12 triệu tuổi (vừa mới được khám phá) với đặc điểm là không xoay quanh quỹ đạo của bất cứ một ngôi sao nào.
Có lẽ không mấy ai cảm thấy tính cách ẩn dụ trong những hàng tin trên, vì người ta có thể hiểu ngay (hoặc hiểu sau khi đọc xong bài viết), tuy nhiên không mấy ai nhận ra ngay rằng, chính cách dùng ẩn dụ (trong lúc không thay đổi nội dung của sự kiện) đã góp sức làm thay đổi cảm quan của chúng ta đối với sự kiện và do đó, góp phần thay đổi diện mạo của hiện thực. Nói Bắc Triều Tiên “cứng đầu” là ví nhà nước này với một đứa bé ương ngạnh, tạo ra một hình ảnh tiêu cực về chế độ Bắc Hàn. Nói Iran có “bước ngoặt tu từ” là nói Iran thay đổi hoàn toàn giọng điệu (và qua đó là chính sách) đối với Hoa Kỳ.
Chẳng thế mà, ẩn dụ được sử dụng nhiều trong kỹ thuật quảng cáo. Làm quảng cáo là sáng tác ẩn dụ để đánh vào cảm quan của người tiêu dùng. Những nhà thiết kế quảng cáo là những kẻ làm ẩn dụ chuyên nghiệp. Trong lúc “Buy one get one free” (có lúc Buy one get two/three free): ví món hàng với món quà (hàng = quà tặng), tạo ấn tượng về giá rẻ, thậm chí ấn tượng “được cho không” (free) thì “limit 6 per customer”, ví món hàng thường với hàng quý hiếm, tạo ấn tượng về giá trị của món hàng. Đây là những loại ẩn dụ phi ẩn dụ. Tính cách ẩn dụ được những nhà thiết kế khéo léo che dấu dưới một thứ ngôn ngữ bình thường, thậm chí quá bình thường. “Khách Hàng Là Thượng Đế”, một ẩn dụ được tạo ra nhằm đưa khách hàng lên thành …Thượng Đế, lại chứa đựng một ẩn dụ ngầm khác: “Khách Hàng Là Trẻ Con”! Khách hàng đúng là vừa toàn năng vừa ngây thơ vô tội vạ!
Chính trị cũng là một cách bán hàng: bán ý niệm. Những biến cố chính trị, tuy diễn ra trong hoàn cảnh cụ thể, những những ý niệm liên quan đến chúng lại thường trừu tượng và không thể trực tiếp cảm nhận được, nên người ta cần đến những diễn đạt ẩn dụ để cho chúng dễ dàng được quần chúng tiếp cận. Ở Hoa Kỳ, tư tưởng và diễn ngôn chính trị cũng như xã hội thường được hình thành bởi những ẩn dụ như: chính trị là chiến tranh, chính trị là kinh doanh, tranh cử tổng thống hay các chức vụ dân cử là cuộc chạy đua (senate race, presidential race). Trong các cuộc tranh cử, nhất là tranh cử tổng thống, các khẩu hiệu nghe khá cụ thể, nhưng thật ra, mang nhiều tính cách tu từ. Năm 2008, khi ra tranh cử tổng thống lần đầu, khẩu hiệu của Obama là “Yes, we can!” Có gì ẩn dụ gì ở một câu nói đơn giản (mà ai cũng nói được) như thế? Thực ra nguyên văn là: “Yes, we can change. We can heal this nation. Yes, we can seize our future.”[22] Một cách nói đầy ẩn dụ: chữa lành bệnh (quốc gia), nắm bắt (tương lai). Thu gọn toàn bộ phát ngôn đó thành cụm từ “Yes, we can” khiến cho nó trở nên mạnh mẽ, dứt khoát – nhất là được lập đi lập lại qua một ca khúc[23] – (tương tự như sự hình thành thành ngữ đề cập ở trên) là một trong những nhân tố giúp Obama, một người da đen, đánh bại nhiều chính trị gia sừng sỏ Hoa Kỳ để trở thành chủ nhân Tòa Bạch Ốc. Trong số những chính trị gia hàng đầu hiện nay ở Hoa Kỳ, có thể nói Obama là một người nắm rất vững kỹ thuật tu từ. Hầu hết nhưng bài diễn văn và phát biểu của ông đều chứa đựng khá nhiều cách nói ẩn dụ.[24].
Năm 2012, trong nỗ lực tìm cách đánh bại người tổng thống da đen đầu tiên của nước Mỹ sau bốn năm Obama cầm quyền vẫn chưa có dấu hiệu gì tốt đẹp hơn về kinh tế, ứng cử viên Cộng Hòa Newt Gingrich phê phán Obama bằng một ẩn dụ: Obama là “tổng thống của Food Stamps” (food stamp president), ví Obama như một người chẳng có một chính sách gì hữu hiệu ngoài việc sử dụng trợ cấp xã hội cho những người thất nghiệp. Và Gingrich hứa hẹn tương lai bằng một ẩn dụ khác: nước Mỹ cần một “tổng thống của ngân phiếu” (check president), nghĩa là một tổng thống tạo ra công ăn việc làm. Nói như Bronowski, “Tạo ra một ẩn dụ cũng là thực hiện một yêu sách chính trị”[25]. Trong trường hợp này, yêu sách chính trị của Gingrich là bầu một tổng thống lo tìm kiếm việc làm cho người dân thay vì chỉ biết trợ cấp và trợ cấp.
Về phương diện xã hội, một trong những vấn đề gây ra sự tranh cãi gay gắt – và nhiều lần dẫn đến bạo động giết người – là vấn đề phá thai cũng được ẩn dụ hóa. Thay vì lên án chuyện phá thai, những người chống phá thai (anti-abortion) ví họ là những người ủng hộ sự sống (pro-life). Cùng một ý nghĩa, nhưng trong lúc anti-abortion mang ý nghĩa sinh học thì pro-life gợi nên khía cạnh đạo đức. Pro-life bao hàm tính nhân bản, là bảo vệ sự sống, bảo vệ một cái quyền thiêng liêng của mọi con người. Những người ủng hộ phá thai không chịu thua. Họ ví họ là những người ủng hộ sự chọn lựa (pro-choice) của người phụ nữ: phá thai không phải là hành vi giết người mà chỉ là sự lựa chọn một giải pháp để làm cho đời sống tốt đẹp hơn. Do đó theo họ, pro-choice cũng bao hàm nghĩa pro-life, ở đây được hiểu là pro-women’s lives (ủng hộ sự sống của phụ nữ).[26] Thay vì cụ thể hóa một ý niệm trừu tượng (như một số ẩn dụ chính trị) thì ở đây, người ta lại trừu tượng hóa một điều cụ thể, tránh cho người nghe tiếp nhận hình ảnh trần trụi của một sự kiện sinh lý. “Ẩn dụ giống như nhật thực. Nó che giấu đối tượng nghiên cứu và đồng thời lại phô bày một số nét nổi bật và thú vị nhất khi được nhìn xuyên qua một kính viễn vọng tốt”, theo Allan Paivio.[27]
Nếu ở Hoa Kỳ, chính trị là kinh doanh, tranh cử là chạy đua, người ta tạo ẩn dụ là để thuyết phục, thì ở các nước Cộng Sản như Việt Nam hiện nay, chính trị là sự áp đặt và do đó, tranh cử là xếp đặt. Thay vì khách hàng là thượng đế thì ở đây Đảng là thượng đế. “Đảng” được dùng để chỉ một tập thể bao quát (Đảng = giai cấp = dân tộc), thực ra là một dụ ngữ, để chỉ một nhóm người rất nhỏ với quyền lực rất lớn: Bộ Chính Trị. Tất cả những khẩu hiệu đều là những chính sách được ẩn dụ hóa nhằm mục đích làm tê liệt khả năng nhận thức của quần chúng. Để tranh thủ sự ủng hộ của người nghèo: Vô sản toàn thế giới, đoàn kết lại. (Ví những người không có tài sản với một thế lực, trừu tượng hóa và qua đó, lý tưởng hóa một hiện thực xã hội: giai cấp vô sản) Để chống lại những thành phần không triệt để ủng hộ Cộng Sản: trí phú địa hào, đào tận gốc trốc tận rễ. (đào, trốc: ví chính sách đấu tố với hành vi lao động). Để xây dựng nhà nước chuyên chế: Yêu nước là yêu xã hội chủ nghĩa. (Ví đất nước với một chủ thuyết). Để bôi xấu hình ảnh của đối thủ, gọi đối thủ là “thằng”: “thằng Ních-Xơn, “thằng Giôn-Xơn”, “thằng” Diệm, “thằng” Thiệu. (Ví những nhà lãnh đạo quốc gia bằng “thằng” là một cách “hạ cấp hóa” đối thủ.) Gần đây, khi những ẩn dụ như trên không còn tác dụng, họ tạo ra một loại ẩn dụ khác, nhắm vào công an, một đối tượng mà hiện nay là công cụ đắc lực nhất bảo vệ chế độ: Còn Đảng Còn Mình. Ví Đảng là Mình. Một cách thân thiết hóa, gia đình hóa Đảng. Liệu không còn bất cứ chiêu bài nào để tranh thủ được sự ủng hộ của “nhân dân”, nhà nước Cộng Sản bây giờ chỉ cần biết sử dụng bạo lực. Đảng không còn là Đội Tiên Phong Của Giai Cấp mà Đảng Là Quyền Lợi, Đảng Là Mình. Giữ được Đảng là giữ được quyền lợi riêng của mình. Đảng Cộng Sản tự lột trần mình bằng một ẩn dụ sỗ sàng!
Đối với người Việt ở hải ngoại, cuộc sống lưu vong cũng tạo nên nhiều phát ngôn có tính ẩn dụ, trong xã hội cũng như trong văn chương và chính trị. Những phát ngôn này có khi là thuần Việt, có khi nửa Việt nửa Anh: ăn oeo-phe, tháng Tư Đen, đón gió trở cờ, đội nón cối…Trong giao tiếp hàng ngày, người Việt hay dùng cụm từ “đi cày”, chẳng hạn: “Về Việt Nam chơi cho đã, về lại Mỹ để tiếp tục đi cày”; hay “Anh ta cày hai ba job để có tiền gửi về Việt Nam”. “Đi cày” là một cách ví von, mô tả nỗ lực làm việc cật lực của những người Việt xa xứ để sống còn nơi xứ lạ quê người. Với ẩn dụ này, xem ra, “American Dream”- cũng là một ẩn dụ! – quả thật không đơn giản và dễ dàng như vẫn nghĩ! Tên “Little Saigon” (Sài Gòn Nhỏ) là một ví dụ khác. Đó chỉ là một cái tên do người Việt vận động đặt cho một khu dân dư có đông người Việt sinh sống ở quận Cam, tiểu bang California. Nghe tương tự như “China Town” của người Tàu. Thực ra, đối với người Việt, “Little Saigon” khác hẳn “China Town”. Cái tên mang một ý nghĩa lớn: thủ đô tỵ nạn.[28] Ví vùng đất mới định cư với thủ đô cũ của chế độ Việt Nam Cộng Hòa, nên Little Saigon được xem là một phiên bản của thủ đô Sài Gòn dịch chuyến ra hải ngoại và đồng nghĩa với chế độ VNCH, do đó, đồng nghĩa với chống Cộng. Chống lại cái tên này đồng nghĩa với thân Cộng, đi ngược lại nguyện vọng của cộng đồng tỵ nạn. Chính vì thế mà có cuộc tranh chấp dằng dai trong cộng đồng Việt Nam ở San Jose mấy năm trước đây trong việc đặt tên cho một khu thương mại. Vietnamese Business District ? Không. Saigon Business District? Cũng không, dù chúng có hai chữ Việt Nam hay hai chữ Sài Gòn. Phải là Little Saigon! Cuối cùng, những người ủng hộ Little Saigon đã thắng. Little Saigon không chỉ “stands for something” (thay thế cho một cái gì đó), mà chứa đựng tất cả công lao gầy dựng của những người lưu vong, bắt đầu từ số “không” kể từ khi bỏ nước ra đi. Tranh đấu cho cái tên Little Saigon là bảo vệ một căn cước: tỵ nạn Cộng Sản. Trong ý nghĩa đó, nhiều địa phương khác trên nước Mỹ (và cả ở nước khác như Úc) nơi có đông người Việt quần cư đều vận động để có những khu thương mại lấy tên là Little Saigon.
Little Saigon, vốn chỉ là một địa danh bình thường, trở thành một ẩn dụ chính trị.[29]
*
Trong lãnh vực biên khảo, nhất là biên khảo văn chương, ẩn dụ được sử dụng như một thủ pháp ngôn ngữ, nhằm đưa lý luận đi sâu hơn vào những lãnh vực trừu tượng và đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành văn phong.
Thuyết phục nhà văn nên cách tân, Nguyễn Hưng Quốc ví văn học như một cộng hòa – cộng hòa văn chương – nơi đó, chỉ tồn tại những người luôn luôn hướng tới sự đổi mới. “Theo tôi, trong thế giới văn chương, không có và không nên có chỗ đứng cho những kẻ an phận thủ thường. Người nào tự thấy mình kém thì nên tự rút lui ra khỏi lãnh thổ văn học. Đó không phải là thế giới của họ. Ở lại lâu chỉ làm quẩn chân người khác. Viết, thao tác viết, do đó, chỉ có ý nghĩa khi nó vươn tới những cái bất khả.”[30] Nhận xét về sự can thiệp thô bạo của nhà nước Cộng Sản vào văn học nghệ thuật, Nguyễn Hưng Quốc viết: “….phép mầu lớn nhất của đảng Cộng Sản trong lãnh vực văn học nghệ thuật là: họ chạm bàn tay lãnh đạo của họ vào đâu, ở đó liền bị biến ngay thành rác rưởi”[31] Ý thì đã rõ (và không có gì mới), nhưng cách nói ẩn dụ khiến cho câu văn tăng cường thêm nội lực.
Đinh Từ Bích Thúy ví von nước Mỹ qua hình ảnh của “cái hộp”:[32] “Cả nước Mỹ là những cái hộp lồng vào nhau, dựa rón rén bên cạnh nhau, hay chèn ép, chênh vênh ngất ngưởng bên trên những cái hộp khác, nhiều hộp bị chôn kín dưới đất và loang lổ đầy rêu như những ngôi mồ.” Trong cái hộp đó, những nhà văn di dân như cô thì ra sao? “Quật mồ để rồi bị dìm chôn vào một cái mồ tập thể khác là số phận của nhiều nhà văn Mỹ gốc di dân thế hệ tôi. Sự đa hóa không ngừng nghỉ của xã hội Mỹ tuy kích thích tâm trí nhưng cũng dễ làm chúng tôi bị tan loãng. Và cứ như thế chúng tôi cố ngóc đầu bơi ngược dòng.” Trong lúc đó, dưới con mắt của cô, “Trái lại, cộng đồng văn chương Việt, tuy ở thời đại toàn cầu hóa, vẫn duy trì không khí xuề xòa của một quán cà-phê nơi cả chủ và khách đều tự túc.” Một ví von đầy hình tượng, mới mẻ, nêu bật lên được sự khác biệt tinh tế giữa thế giới văn chương của hai thế hệ. Một bên thì cố bơi ngược dòng như một nỗ lực để khỏi bị tan loãng trong một xã hội luôn luôn biến động; một bên thì “sao cũng được” (xuề xòa), chẳng cần phải bơi (nói gì đến bơi ngược dòng!) vì đang ở trong một cái hồ, nơi nước có trôi, nhưng chỉ lững lờ trôi.
Bùi Vĩnh Phúc, một cây bút phê bình văn học khác, cũng có những ví von rất hình tượng khi đánh giá về tập hồi ký “Tháng ba gãy súng” của nhà văn Cao Xuân Huy:[33] “Những câu truyện như những lát cắt từ đời sống. Những mảnh sống còn tươi roi rói, những đường gân sớ thịt của chúng vẫn còn máy đập. (…) Những trang văn dựng lên, như một chiếc nạng, giúp con người bước qua những vết thương của cuộc chiến. Và, cũng từ những trang văn đó, tôi như ngửi được mùi thơm của một ngọn gió lành, làm se lại một vết thương đau đớn cũ.” Bùi Vĩnh Phúc biến những trang văn Cao Xuân Huy thành một vật thể, hơn thế nữa, một sinh thể với những chi tiết sống động, đầy ắp hiện thực.
Chỗ đứng, lãnh thổ, quẩn chân, vươn tới hay dựa rón rén, chôn kín, loang lổ, ngóc đầu bơi hay lát cắt, tươi roi rói, làm se lại…nghe như để mô tả những sự kiện diễn ra trong hiện thực, thực ra là những thủ pháp để người viết đi sâu vào những vấn đề hoàn toàn trừu tượng. Đi sâu vào và bộc lộ ra. Chúng làm cho những lập luận khô khan trở nên “sắc bén”, làm cho những vô thể thành hữu thể. Qua trung gian của ẩn dụ, người ta kết nối chúng với sự vật đời thường. Nói một cách khác, ẩn dụ ở đây là “sự vật hóa”, “sự kiện hóa” những ý niệm trừu tượng.
Trong lãnh vực sáng tác, trước hết, về truyện, người ta không cần phải “sự vật hóa” hay “sự kiện hóa” vì chúng đã ở đó rồi. Chức năng của văn là chức năng quy chiếu, do đó, ngôn ngữ trong văn là một thứ diễn ngôn được “quy chiếu hóa”, theo Jacobson.[34] Đó là thứ ngôn ngữ không hướng về chính nó, mà hướng ra bên ngoài. Trong khi diễn tả, ngôn ngữ tự xóa bỏ mình để hướng về hiện thực.
“Con kinh nhỏ nằm vắt qua một cánh đồng rộng. Và khi chúng tôi quyết định dừng lại, mùa hạn hung hãn dường như cũng gom hết nắng đổ xuống nơi này. Những cây lúa chết non trên đồng, thân đã khô cong như tàn nhang chưa rụng, nắm vào bàn tay là nát vụn. Cha tôi tháo cái khung tre chắn dưới sàn ghe, bầy vịt lúc nhúc chen ra, cuống quýt, nháo nhào quẫy ngụp xuống mặt nước váng phèn. Một lớp phèn mới, vàng sẫm quánh lại trên bộ lông của những con vịt đói, nhớp nháp bám trên vai Điền khi nó trầm mình bơi đi cặm cọc, giăng lưới rào bầy vịt lại. Tôi bưng cái cà ràng lên bờ, nhóm củi.
Rồi ngọn lửa hoi hót thở dưới nồi cơm đã lên tim, người đàn bà vẫn còn nằm trên ghe. Ngay cả ý định ngồi dậy cũng xao xác tan mau dưới những tiếng rên dài. Môi chị sưng vểu ra, xanh dờn. Và tay, và chân, và dưới cái áo mà tôi đã đắp cho là một cái áo khác đã bị xé tả tơi phơi những mảng thịt người ta cấu nhéo tím ngắt.” (Trích đoạn Cánh đồng bất tận/Nguyễn Ngọc Tư)[35]
Trong trích đoạn này, Nguyễn Ngọc Tư mô tả một hiện thực rất hiện thực chủ yếu bằng thủ pháp hoán dụ. Hoán dụ, như đã từng được đề cập trong một bài trước[36], là sử dụng tương quan giữa thành phần và toàn thể: thay cái này bằng cái khác do chúng có liên hệ nhau. Nói cách khác, là hướng dẫn sự chú ý tới một yếu tố chính xuyên qua một yếu tố phụ có liên quan tới nó. Nghĩa là, thay vì trình bày trực tiếp yếu tố chính, hoán dụ cung cấp, tạo điều kiện cho tinh thần tiếp cận với nó bằng yếu tố phụ. Thành thử, trong cấu trúc hoán dụ, chỉ có yếu tố phụ hiện diện, còn yếu tố chính vắng mặt, nhưng nhờ sự gần gũi nhau về không gian ý niệm, người ta sẽ dễ dàng tiếp cận với yếu tố chính. Nguyễn Ngọc Tư mô tả các chi tiết cụ thể kết nối với nhau như mùa hạn, con kinh nhỏ, cánh đồng, những cây lúa thân khô cong, lớp phèn, những con vịt đói…thay thế cho một toàn cảnh, đó là vùng đất nghèo đói, cằn cỗi, vắng bóng người. Một vùng đất chết. Trong khung cảnh đó, tác giả phác họa vài nét của ba nhân vật, người cha, đứa con trai và “tôi” ( đứa con gái ) đang hoạt động để làm nổi rõ một nhân vật thứ tư là người đàn bà vừa bị đánh hội đồng này được mô tả bằng các chi tiết sống: ý định ngồi dậy, môi sưng, tiếng rên dài, những mảng thịt. Tóm lại sử dụng các thành phần để dựng nên cái toàn thể.
Mặt khác, những chi tiết này được tô vẻ thêm bởi thủ pháp ẩn dụ. Các sự vật đã được “nhân hóa”, từ con kinh (nằm vắt), mùa hạn (hung hãn), cây lúa (chết non) cho đến bầy vịt (cuống quýt), ngọn lửa (hoi hót thở)…Nhân hóa (personification) là một thủ pháp ẩn dụ thường được sử dụng một cách phổ biến trong văn chương. “Nhân hóa cho phép chúng ta sử kiến thức về chính chúng ta để hiểu những khía cạnh khác của ngoại giới như thời gian, cái chết, những sức mạnh tự nhiên, những vật bất động, vân vân”, theo Kovecses.[37] Tóm lại, ẩn dụ chan hòa, pha trộn trong hoán dụ. Gossens Louis gọi sự pha trộn này là “ẩn-hoán dụ” (metaphtonomy) [38], một thứ ẩn dụ hình thành từ hoán dụ. Ẩn dụ đã làm cho những câu văn như có thêm hơi thở và góp phần làm đậm đà thêm những chi tiết mà tác giả ghi nhận được từ hiện thực. Sự kết hợp hoán dụ và ẩn dụ như thế tạo nên một thứ văn phong rất riêng của Nguyễn Ngọc Tư.
Tùy tác giả và tùy truyện, ẩn dụ có thể nằm chen lẫn trong văn như trong trích đoạn ở trên hay có thể cô đọng từ một nhân vật đặc thù hay từ toàn thể câu chuyện, tạo nên những ẩn dụ điển tích như trong truyện Kiều, hay ở một vài truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp chẳng hạn. Ngoài ra, cách viết cũng có thể chứa đựng một hình thức ẩn dụ.
“Diệp có vẻ khoẻ thật, dưới ánh đèn chụp bóng tròn, da mặt Diệp hồng hào hơn lúc nãy nhiều. Nàng đập tay lên vai tôi:
“Kìa anh, anh có thấy chiếc ghế bành da màu đỏ kia không. Ừa, ở chỗ đó đó, cá với anh mười ăn một, là thế nào cũng có một người ngồi ở đó.”
Tôi nói:
“Tôi chẳng hiểu trời trăng gì hết.”
Và tôi phá lên cười.
“Còn em, bộ anh tưởng em hiểu trăng sao gì hả?”
Nói xong, Diệp ngã đầu ra sau ghế, cười bằng tất cả cái dáng điệu kỳ cục của nàng. Người hầu bàn đến bên chúng tôi, nghiêng mình lễ phép:
“Ông bà gọi thêm món chi?”
“Không.” Diệp nói trong tiếng cười. “À, à mà có; làm ơn gọi cho tôi một chú bồi khác.”
Nhưng liền ngay khi đó tiếng cười của nàng chợt tắt sau câu nói và mắt Diệp mở lớn ngạc nhiên hướng về chiếc ghế bằng da màu đỏ. Một người đàn ông đã ngồi trong ấy tự bao giờ.
Thức ăn đã mang lên và tôi bắt đầu bữa cơm tối một mình.”
Đây là đoạn kết của truyện ngắn “Một người ngồi trong ghế bành” của Nguyễn Xuân Hoàng. Toàn truyện được xây dựng trên cùng một giọng văn dửng dưng sử dụng toàn hoán dụ, rất hiếm ẩn dụ. Tuy vậy, cách viết này của Nguyễn Xuân Hoàng lại chứa đựng một ý nghĩa bao quát: sự “trống rỗng”; hay dùng một chữ của chính Nguyễn Xuân Hoàng ở một truyện ngắn khác, “vô tích sự”; hay nói như Võ Phiến, “hững hờ”; hay nói như Nguyễn Hưng Quốc, “phù phiếm.” “Bằng một giọng văn cố tình tiết chế cảm xúc, ông biến sự phù phiếm từ một trạng thái sống thành một phong cách văn học, ở đó, tính chất phù phiếm bỗng dưng có sức nặng của sự khái quát (…) “biến phù phiếm trở thành một cái đẹp: cái đẹp của sự phù phiếm.”[39]
Khác với Nguyễn Xuân Hoàng, Tạ Xuân Hải tạo ẩn dụ bằng cách “bịa” ra một chuyện hoàn toàn không có trong thực tế:
“Miên đứng dậy và ngay trước mắt chúng, lột phăng bộ da của mình như cởi một bộ đồ lặn. Bộ da còn hơi non nên một số chỗ bị rách. Miên ném phịch bộ da đó lên bàn. Bọn chúng đưa tay sờ mó vào bộ da, nhăn mặt nghĩ ngợi. Một số đứa sờ vào tấm thân trần truồng nóng hổi của Miên. Chúng ấn ấn vào những mạnh máu, có đứa còn kéo căng những sợi gân của Miên rồi thả chúng đánh bạch một cái vào da thịt.” (Trích đoạn Lột/Tạ Xuân Hải).[40]
Với cách “bịa” này, tác giả “cụ thể hóa” một khái niệm trừu tượng: hiện tượng người bóc lột người dưới các chế độ thuộc địa, độc tài và toàn trị.
Nhưng không đâu mà ẩn dụ chan hòa như trong thơ.
Hãy đọc thử một câu đơn giản sau: Tôi bước đi (chỉ hành vi chuyển động của người). Đọc lên, viết ra, ai cũng có thể hiểu ngay, không cần nỗ lực. Hoặc một câu khác: Tôi không thấy phố thấy nhà (mô tả thị giác của một người). Và một câu khác nữa: thấy mưa sa (hiện tượng thời tiết thông thường). Nói “mưa sa” có hơi văn vẻ hơn “mưa rơi” hay “mưa đổ”, nhưng nghe vẫn bình thường. Nói chung, đó là cách diễn đạt bình thường các sự vật hay hiện tượng bên ngoài. Thế nhưng, khi ghép những câu đơn giản đó lại:
Tôi bước đi
không thấy phố
không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
trên mầu cờ đỏ
Tính cách diễn đạt biến mất. Những chuyển động như “bước đi”, “thấy”, “sa” và ngay cả nhân vật ‘tôi” biến nghĩa. Đọc tiếp:
Đất nước khó khăn này
sao không thấm được vào thơ?
Ngay lập tức, tất cả đều thay đổi. Những hình ảnh cụ thể, dễ hiểu bỗng nhiên không còn nữa. Thay vào đó là một cái gì rất mông lung, rất lạ hiện ra. Bước chân đi, cơn mưa rơi dường như biến mất khỏi trí tưởng. Hình ảnh trở thành biểu tượng. Hai câu cuối hòa trộn vào trong hai câu đầu tạo nên một cấu trúc ngôn ngữ thống nhất, bắn ra một ý nghĩa lớn về xã hội và con người. Thực ra, vào lúc đó, Trần Dần[41] – tác giả bài thơ – chẳng hề bước đi, cũng chẳng nhìn quanh, cũng chẳng có mưa nào rơi trên (màu) cờ đỏ. Ông chỉ mượn các chuyển động đó như một cái cớ: toàn bộ những diễn đạt có tính cách hoán dụ trở thành ẩn dụ. Một hình thức “ẩn dụ hóa”, khác hẳn với hình thức “ẩn-hoán dụ” như đã đề cập trong khi phân tích trích đoạn văn của Nguyễn Ngọc Tư trên kia. Hiện tượng này đưa ta một bước nhảy vọt từ thế giới bình thường đến thế giới hư cấu. Hậu quả là tạo ra một sự nhập nhòe. Giữa ảo và thực.
Tính cách nhập nhòe như thế hiện rõ hơn trong trích đoạn thơ dưới đây của Âu Thị Phục An:
Trăng huyền mơ tối trời tối đất
Một vòng viền sáng lóe thinh không
Tay chai sần lướt qua ngực áo
Em nhung mềm chạm nhẹ mênh mông
Ấy nửa đêm nằm nghiêng nguyệt thực
Soi núi đồi một mảnh thiên nga
Chân thon mềm bấu miền ký ức
Tay vô cùng vói động bao la
Cỏ hoang mơ dịu dàng xoa mộng
Người chập chờn vén áo phù du
(Trích đoạn “Nguyệt thực”)[42]
Gì vậy? Nguyệt thực hay ân ái? Những “tay chai sần”, “ngực áo”, “em nhung mềm”, “chân thon mềm” và những “chạm”, “bấu”, “vói”, “vén áo” chen lẫn với những “trăng huyền mơ”, “mênh mông”, “mảnh thiên nga”, “miền ký ức”, “bao la”, “phù du” tạo nên một khung cảnh nhập nhằng hư-thực. Hành vi ân ái hòa trộn trong khung cảnh của một cuộc giao hòa trời-đất.
Nguyễn Tấn Cứ nhìn thành phố Sài Gòn vào những ngày tháng Tư bằng những chi tiết đặc thù:
Chán quá
Hắn chạy tới Công Viên Tao Đàn
Ngoài trời cờ bay đỏ trời đỏ đất
Lão Trịnh Cung nghe hắn kể
Cười ngất ngưởng
Đúng là thằng . . . ngu
tao đi qua đường cũng đủ mệt
nói chi là . . . Vượt biên
(…)
Chán quá
Hắn lại xách xe chạy
Lần nầy thì hắn chỉ muốn Vượt biên
Qua phía bên kia
Đường.
Hắn muốn đi qua khỏi Tháng Tư.
Nóng . . .
Nghe như một phóng sự đường phố. Thực ra:
Sài gòn vẫn rập rờn . . . như một chứng tích
Như một bức tranh trừu tượng
Buồn và dữ dội
“những chiếc lá vàng rơi
và những người đàn ông ra đi từ thành phố đỏ”
Trừu tượng quá
Trừu tượng đến nao lòng
(Trích đoạn “Tháng Tư nóng…khủng bố”)[43]
Sài Gòn hiện tại nhưng đeo đẳng trong nó một quá khứ. Thậm chí, đầy quá khứ. Mà quá khứ cũng là Sài Gòn. Vào tháng Tư, Sài Gòn càng trở nên quá khứ. Đúng hơn, Sài Gòn vừa là nó lại vừa không phải nó. Dưới mắt nhà thơ, Sài Gòn và những gì liên hệ đến nó đều là dụ ngữ.
Sài Gòn ở đây cũng như con Tủ Nhơn trong thơ Ngu Yên:
Sáng nay
con Tủ Nhơn đà lẫn mình trên cây
im lặng như cành chết giữa mùa xuân hoa đỏ
người tỉa cây cắt những que khô
dọn nỗi chết làm tươi cõi sống.
Con Tủ Nhơn sống như chết bám lấy nhịp tim và hơi thở
theo trái đất xoay rất nhanh.
Giống Tủ Nhơn càng ngày càng ít
lâu lắm mới thấy một con
chúng chết vì bọ xít càng ngày càng nhiều.
Con Tủ Nhơn không hót, không gáy, không kêu
chỉ im lặng hòa nhập vào bao la im lặng
không búng, không nhảy, không bay
chỉ im lặng hòa nhập vào nhỏ nhoi im lặng.
(…) Người tỉa cây thấy con Tủ Nhơn
biết không phải cành khô
mở rộng kéo bén
cắt chút mây màu đà.
(trích đoạn “Ngày 23 tháng 5 năm 2013”)[44]
Con Tủ Nhơn? Thú thật, tôi chẳng hề biết con Tủ Nhơn là con vật gì. Mà cũng không cần tìm biết. Trong thơ, mọi hình ảnh, sự vật, ý tưởng, ý niệm đều bị nhập nhằng hóa. Kể cả những khoảng lặng. Những nhịp chỏi. Những điều nghịch lý. Và cả ngày, tháng, năm trong cái tựa đề.
Thơ, do đó, khác truyện. Trong lúc truyện – cũng là hư cấu – nhấn mạnh đến sự vật thì thơ “nhấn mạnh trên phía rõ ràng của ký hiệu, nhấn mạnh ngữ điệp của riêng nó và đào sâu sự tách biệt căn bản giữa ký hiệu và sự vật”, theo Jakobson. Thơ chuyển ngữ điệp về chính mình. Ngôn ngữ trong thơ, dùng lại một từ của Roland Barthes, chỉ được dùng để “tự xưng tụng mình” hơn là “xưng tụng” sự vật.[45] Một cách hư vô hóa thế giới. Nói về sự vật để hư vô hóa chúng.
Chúng ta đã đi lướt qua nhiều cách sử dụng ẩn dụ khác nhau, từ các diễn ngôn trong sinh hoạt giao tiếp hàng ngày, nơi mà các ẩn dụ đã biến thành từ vựng cho đến diễn ngôn trong các sinh hoạt đặc thù như kinh doanh, chính trị và rồi trong văn chương, từ biên khảo đến truyện ngắn và cuối cùng là thi ca, nơi mà ngôn ngữ hầu như được ẩn dụ hóa toàn diện. Có gì khác biệt giữa hai cực của ẩn dụ? Không. Ẩn dụ là ẩn dụ. Nó nằm trong diễn ngôn, cách này hoặc cách khác. Nó là một công cụ vạn năng làm cho ngôn ngữ, với một số lượng giới hạn, trở thành vô hạn.
Bằng ẩn dụ (và cùng với những dụ pháp khác), chữ du hành. Đó là một cuộc phiêu lưu, phiêu lưu chữ trong hành trình truy tìm bản lai diện mục của sự vật. Một tìm kiếm mải miết, vô cùng; lắm khi, vô ích. Và thú vị.
T.H. T
(nguồn: Tạp chí Da màu)