Nhân dịp kỷ niệm 250 năm sinh Đại thi hào Nguyễn Du (1765-2015), Giáo sư Phong Lê, Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam đã có bài viết quan trọng khắc hoạ rõ nét đóng góp của “Danh nhân văn hoá thế giới”…
Vanhaiphong.com trân trọng giới thiệu cũng bạn đọc.
Nhân dịp kỷ niệm 250 năm sinh Đại thi hào Nguyễn Du (1765-2015), Giáo sư Phong Lê, Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam đã có bài viết quan trọng khắc hoạ rõ nét đóng góp của “Danh nhân văn hoá thế giới”…
Vanhaiphong.com trân trọng giới thiệu cũng bạn đọc.
Giáo sư Phong Lê phát biểu tại Lễ kỷ niệm 250 năm sinh Nguyễn Du
do Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng và VPĐD Hội Kiều học Việt Nam tại Hải Phòng
tổ chức sáng 27/12/2015.
Nói Nguyễn Du, ở thời điểm hôm nay – kỷ niệm 250 năm sinh (1765 – 2015) là nói đến những kỷ lục mà trước ông và sau ông chưa ai sánh được. Một khối lượng trang viết về ông trên hàng trăm pho sách, hàng chục vạn trang, không lúc nào ngưng nghỉ, trong ngót hai trăm năm, và càng về sau càng dầy, càng nặng. Một số lượng người đọc không thể nào tính hết, vì đó là sự cuốn hút khắp mọi tầng lớp cư dân, bất kể địa vị xã hội, bất kể mọi thành phần sang hèn, kể từ một ông vua tự nhận là hay chữ đến mọi tầng lớp bình dân chưa hề biết chữ, trong đó không hiếm những người có thể thuộc lòng hàng nghìn câu thơ Kiều, hoặc có thể đọc được rất nhiều đoạn. Một sự đọc không theo các phương thức quen thuộc mà rất linh hoạt, biến hoá để mở rộng trường diện hứng thú cho sự thưởng thức, tuỳ thuộc vào những nhu cầu tinh thần khác nhau của nhiều lớp người. Đó là lẩy Kiều, vịnh Kiều, tập Kiều, xướng hoạ về Kiều cho các bậc trí thức, các tao nhân mặc khách; và bói Kiều cho mọi tầng lớp cư dân, bất kể sang hèn. Sức sống Truyện Kiều còn vượt ra ngoài sự đọc, để tràn sang nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác như sân khấu, ca nhạc, hội hoạ, với không ít những sự kiện dấu ấn như Hội quán Cà phê Kiều ở Vinh, Vườn Kiều ở Đồng Nai… Một tiềm năng gây nên những va chạm, đụng đọ sóng gió trong công luận theo hai chiều, hoặc nhiều chiều của khen và chê. Một bên là:
Mê gì mê đánh tổ tôm
Mê nngựa Hậu bổ mê Nôm Thuý Kiều
Và bên kia:
Đàn ông chớ kể Phan Trần
Đàn bà chớ kể Thuý Vân, Thuý Kiều
Và kéo dài cho tới thời hiện đại, với đỉnh cao gay gắt nhất là cuộc tranh luận giữa Phạm Quỳnh và Ngô Đức Kế, năm 1924.
Vân vân…
Những kỷ lục như trên là diễn ra xung quanh Truyện Kiều; và nói Truyện Kiều là nói Nguyễn Du, người sáng danh nhất không chỉ trong nền văn chương Việt trung đại mà là cả lịch sử văn chương Việt Nam.
Để tiếp tục câu chuyện kỷ lục ở Nguyễn Du. Chính ông là người đầu tiên của văn chương Việt được nhân loại tôn vinh là Danh nhân văn hoá thế giới vào năm 1965 – nhân kỷ niệm 200 năm sinh, do Hội đồng hoà bình thế giới trao tặng. Cũng chính ông, lần thứ hai được tổ chức UNESCO tôn vinh là Danh nhân văn hoá thế giới, vào năm 2015 – nhân 250 năm sinh, sau hai tác giả khác là Nguyễn Trãi, năm 1980, nhân 600 năm sinh, và Hồ Chí Minh, năm 1990, nhân 100 năm sinh. Vậy là hai lần Nguyễn Du đi ra đại lộ văn chương thế giới trong tư cách một tác giả văn chương Việt.
Đối với dân tộc Việt Nam, Nguyễn Du là một tác gia lớn, với một sự nghiệp viết không thực sự đồ sộ nhưng có giá trị kết tinh rất cao. Trước hết là ba tập thơ chữ Hán: Thanh Hiên thi tập (78 bài), Nam Trung tạp ngâm (34 bài), Bắc hành tạp lục (131 bài) in rất đậm bản sắc và bản lĩnh cá nhân một hồn thơ rất giàu tình thương đời, tình yêu nước và yêu dân. Cùng với thơ chữ Hán là thơ Nôm, với Văn tế thập loại chúng sinh, 184 câu song thất lục bát, dồn chứa một cảm thông cùng tận với tất cả những thân phận khổ đau, bất hạnh. Trước đó là hai tác phẩm ngắn ở tuổi hoa niên: Thác thời trai phường nón và Sinh tế Trường Lưu nhị nữ…
Nếu chỉ bấy nhiêu thôi, Nguyễn Du cũng đã đủ tư cách một tác giả tiêu biểu của văn chương Việt trung đại như nhiều tên tuổi khác trước và sau ông. Thế nhưng Nguyễn Du còn là tác giả của Truyện Kiều; và đây mới thực sự là sự kiện làm thay đổi tầm vóc, khiến cho Nguyễn Du trở thành một đỉnh cao đột xuất của văn chương Việt; và với tầm vóc đó, rấ dễ dàng và nhanh chóng, không chỉ công chúng Việt mà về sau là cả nhân loại nhận ra ngay một tương đồng giữa Nguyễn Du với nhiều danh nhân khác trên thế giới như Đantê (1265 – 1321) với Thần khúc của Ý, như Gớt (1749 – 1832) với Phuax của Đức, như Puskin (1799 – 1837) với Épghênhi Ônêghin, Truyện Kiều là một kết quả thăng hoa đột xuất của Nguyễn Du, khiến cho chỉ cần nói đến Truyện Kiều là đủ nói đến Nguyễn Du – người ta đã đem một giái trị tinh thần rất tươi mới và đặc trưng cho văn chương Việt, ngôn ngũ Việt, bản sắc Việt, hồn Việt…
Trên dưới 35 văn bản dịch Truyện Kiều của hơn 20 ngôn ngữ trên thế giới trong hơn một thế kỷ qua, và vẫn còn đang được tiếp tục – đó là đường biên rộng nhất cho sức lan toả của một tác phẩm.
Vậy là, với bấy nhiêu chứng cứ, đủ để nói về Đại thi hào Nguyễn Du và kiệt tác Truyện Kiều. Tên sách này: Truyện Kiều gần như hàm chứa đầy đủ và súc tích nhất nội dung của kiệt tác, nếu ta theo dõi một lịch sử thay đổi của tên sách, bắt đầu từ Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân, chuyển sang Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du, rồi sang Kim Vân Kiều tân truyện, theo san nhuận của Phạm Quý Thích, và cuối cùng là Truyện Kiều (hoặc Kiều – nói tắt). Cái tên mới này ra đời vào lúc nào, ở bản in nào tôi chưa được biết, nhưng theo tôi hiểu thì đó chưa hẳn đã là chủ đích của Nguyễn Du, nhưng lại phù hợp hơn cả với tâm thế tiếp nhận của người đọc dân tộc.
Bởi Truyện Kiều, trước hết và chủ yếu là truyện về (hoặc của) một nhân vật có tên Thuý Kiều. Qua cách kể, tả, dựng của Nguyễn Du thì đó là nhân vật có sứ mệnh gánh chịu nỗi đau cho một nửa nhân loại:
Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung
(Truyện Kiều)
Đau đớn thay phận đàn bà
Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu?
(Văn tế thập loại chúng sinh)
Khác với tất cả các nhân vật nữ trong tất cả các truyện Nôm khuyết danh hoặc có tên tác giả ra đời trong hai thế kỷ XVIII và XIX như Ngọc Hoa, Cúc Hoa, Dao Tiên, Ngọc Khanh, Trương Quỳnh Như… cho đến Kiều Nguyệt Nga, Kiều không có vướng víu gì với lễ giáo phong kiến để mà chống lại nó hoặc tìm cách dung hoà, thoả hiệp với nó. Kiều cũng không cần phải vất vả đi tìm tự do cho tình yêu, để đối mặt với những lực cản cho tình yêu. Bởi Kiều rất chủ động trong tình yêu, còn hơ cả “đối tác”. Trước và sau 15 năm chìm nổi, Kiều có đến ba mối tình, và mối tình nào cũng có dư vị. Không kể Kim Trọng, Từ Hải, ngay cả Thúc Sinh là anh trai con nhà buôn lấy vợ nhà quan, quen thói bốc giời và sợ vợ, thế mà vẫn được hưởng ở Kiều một nỗi nhớ tuyệt vời, đẹp như cổ tích:
Vầng trăng ai sẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường
Sau 15 năm ê chề trong thân phận ong qua bướm lại, buộc phải biết “vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề”, phải hiểu “nước vỏ lựu, máu mào gà”, vậy mà khi gặp lại Kim Trọng, Kiều vẫn tin tưởng còn một chữ “trinh” để dành cho người yêu đầu:
Chữ trinh còn một chút này
Chẳng cầm cho vững lại dày cho tan
Có một nàng Kiều nào trong đời, và tronh văn chương, từ cổ đến hiện đại đạt được một sự sống lung linh và đầy đặn đến thế! Sự sống của một nhân cách tự do, vượt lên nhân quần bằng cả sắc tài.
Thế nhưng Kiều lại phải gánh chịu một sự đầy đoạ trên khắp mặt sự sống nhân gian chồng chất oan khổ.
Và đây là sự vượt thoát của Nguyễn Du, để qua Kiều, sau Kiều mà tạo dựng cả một xã hội với rất nhiều gương mặt đại diện, kể từ thằng bán tơ, qua Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh, Bạc Hà, Bạc Hạnh, Khuyển ưng, Khuyển Phệ… cho đến Hồ Tôn Hiến.
Trước những áp lực đến từ thế giới đó, Kiều đã phải bao lần thay thân đổi phận:
Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần
Biết thân đến bước lạc loài
Nhị đào thà bẻ cho người tình chung
Thân lươn bao quản lấm đầu
Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa
Ma đưa lối quỷ đưa đường
Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi.
Không một nhân vật nào trong lịch sử văn chương Việt lại phải chịu một sự bủa vây dầy đặc những mắt lưới oan khiên đến thế.
Tôi muốn nói ở đây, với Truyện Kiều, và với nhân vật Thuý Kiều, Nguyễn Du đã tạo được một giao thoa giữa tư duy nghệ thuật cổ điển và hiện đại. Tức là một vượt thoát rấ ngoạn mục bộ đồng phục của văn chương cổ điển với mọi ước thúc, ràng buộc chật chội của nó, sang bộ cánh hiện đại khiến cho bất cứ người đọc nào trong chúng ta hôm nay cũng không thấy bỡ ngỡ hoặc xa lạ.
Nếu cần một câu thơ đúc kết được trọn vẹn thành tựu của sự vượt thoát đó ở Nguyễn Du, thì đó là:
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng
Chỉ 8 chữ maf gắn nối được phương thức tư duy của chủ nghĩa hiện thực với đích đến là chủ nghĩa nhân đạo.
Chủ nghĩa hiện thực, theo tôi nghĩ, đó là một thành tựu lớn của tư duy nghệ thuật nhân loại, ở cá phương Tây và phương Đông. Ở phương Tây, chủ nghĩa hiện thực đạt đỉnh cao sáng tạo vào cuối thế kỷ XIX, với các đại diện kiệt xuất như H.Bandăc (1799-1850), Xtăngđan (1783-1842), L.Tonxtôi (1828-1910), F.Dotstoiepxki (1821-1881)…; rồi chuyển sang Chủ nghĩa tự nhiên với E.Zola (1840-1902) và Chủ nghĩa hiện đại, rồi Hậu hiện đại… Do sự phát triển của phong trào vô sản nên có một nhánh phát triển khác, bắt đầu từ Công xã Paris (1870-1871), qua Cách mạng tháng Mười Nga – 1917 mà thành Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa với các đại diện M.Gorky (1868-1936), M.Solokhôp (1905-1984), L.Aragông (1897-1982)… Văn học Việt Nam đến với thời hiện đại dưới áp lực của chủ nghĩa thực dân và thông qua xã hội thuộc địa nên buộc phải bỏ qua rất nhiều chặng trên con đường đó, cho đến đầu thế kỷ XX; nhưng chủ nghĩa hiện thực về “những điều trông thấy” vẫn luôn là mục tiêu mà chỉ nhưng thiên tài như Nguyễn Du (và về sau là Cao Bá Quát) mới có thể vươn đến, một cách không tự giác, nhờ vào một chủ nghĩa nhân đạo quá rộng lớn và sâu sắc so với tất cả những người cùng thời. Ở kết quả này, ta sẽ thấy nhận xét của Tiên phong Mộng Liên Đường chủ nhân ngay từ năm 1820 – năm Nguyễn Du qua đời, là sâu sắc biết chừng nào: “nếu không phải có con mắt trông cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời, thì tài nào có cái bút lực ấy”.
Như vậy, nói Nguyễn Du, qua Truyện Kiều là nói một chủ nghĩa nhân văn sâu sắc và rộng lớn gắn với một tư duy nghệ thuật vượt tầm thời đại. Nhưng như vậy vẫn là chưa đủ để nói về đóng góp của Nguyễn Du và giá trị kiệt tác của Truyện Kiều. Truyện Kiều có sức sống vượt thời gian, bởi đó là sự kết nối và đưa lên đỉnh cao tuyệt vời vẻ đẹp và sức sống của tiếng Việt. Một tiếng Việt đến từ các truyền thuyết giữ nước và dựn nước của cha ông, nhờ đó mà lưu giữ được cho muôn đời sau truyện con Rồng cháu Tiên, Thánh Gióng, Sơn Tinh – Thuỷ Tinh, các vua Hùng, nó là biểu trưng và kết tinh cho sự chống chọi với âm mưu xâm lược và đồng hoá của phương Bắc trong hàng nghìn năm. Một tiếng Việt trong 254 bài của Quốc âm thi tập, có giá trị không thua Bình ngô đại cáo của cùng một danh nhân Nguyễn Trãi, thế kỷ XV. Một tiếng Việt rất bác học và rất dân gian, rấ cổ điển và rất hiện đại trong 3254 câu thơ Kiều, xứng danh là “thiên thu tuyệt diệu từ”, là một khúc “nam âm tuyệt xướng”, sau Quốc âm thi tập ngót 400 năm. 3254 câu với 22778 chữ gẫn như tất cả cứ mới mẻ, cứ nguyên vẹn, cứ tinh khôi như thế mà có ở khắp cửa miệng mọi người dân Việt suốt hơn 200 năm qua; mà in sâu vào bộ nhớ của bất cưa ai sinh ra trên dải đất mang hình chữ S này.
Hơn ai hết, Nguyễn Du là bậc thầy tuyệt vời nhất, là đại diện sáng giá nhất cho tất cả những ai chọn nghề viết văn, làm thơ, tức là chọn ngôn ngữ làm phương tiện cho nghề và nghiệp của mình. Thời 1930-1945, khi đất nước còn bị nô lệ, Hoài Thanh đã có một lý giải rất hay cho thành công của Thơ mới: “Họ (những nhà Thơ mới) đã dồn tình yêu quê hương trong tình yêu tiếng Việt”. Trước đó ngót 20 năm, có một câu nói gây tranh cãi gay gắt” Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn”. Sự thể quả khó tránh bởi nó được phát ngôn vào một thời điểm không thích hợp. Nhưng xét rộng ra, và nhìn vào hành trình dài của lịch sử, câu nó đó không phải không có một phần sự thật.
Hồ Tây, chiều 29/9, sáng 30/9/2015
P.L