Muốn có dân chủ trong nhà trường thì phải có dân chủ trong đời sống xã hội và ngược lại, muốn có dân chủ trong đời sống xã hội thì trước hết, phải có dân chủ trong nhà trường, phải không các bạn?..
Muốn có dân chủ trong nhà trường thì phải có dân chủ trong đời sống xã hội và ngược lại, muốn có dân chủ trong đời sống xã hội thì trước hết, phải có dân chủ trong nhà trường, phải không các bạn?
Có ba câu hỏi về vấn đề “nhạy cảm” đã được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thẳng thắn đề cập đến tại Hội nghị về thực hiện quy chế dân chủ trong cơ sở giáo dục đào tạo vào ngày 24/3 qua, đó là: Thứ nhất, mất dân chủ trong trường học có phải hiện tượng phổ biến không hay chỉ là cá biệt? Thứ hai, nếu như việc thực hiện dân chủ chưa tốt thì có phải do thiếu văn bản quy định không? Thứ ba, nếu văn bản quy định có đủ, thì nguyên nhân tình trạng vi phạm dân chủ trong trường học là do đâu?
Nói “nhạy cảm” không bởi nó bị “cấm đoán” mà bởi đây là vấn đề cấp thiết, song công bằng mà nói, con đường đến dân chủ không chỉ trong trường học mà ở tất cả các môi trường đều có vấn đề, dù đây là một trong ba mục tiêu chính trong công cuộc xây dựng một xã hội “công bằng, dân chủ, văn minh” mà Việt nam đang theo đuổi.
Trả lời câu hỏi của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa khẳng định các văn bản quy định về thực hiện dân chủ trong cơ sở giáo dục hiện nay là tương đối đầy đủ, việc mất dân chủ ở một số trường là có nhưng không nhiều.
Tuy nhiên, về quan điểm cá nhân, người viết bài này đồng tình 50/50 với Thứ trưởng Nghĩa. Tức là về văn bản, có thể nói chúng ta không thiếu. Song, việc mất dân chủ thì có lẽ không phải là “có nhưng không nhiều” như Thứ trưởng Nghĩa đánh giá.
Thậm chí, người viết bài này còn cho rằng không chỉ mất dân chủ mà còn có sự “khiếp nhược” mà gần đây nhất là qua vụ việc ở Trường Tiểu học Nam Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội).
Nhìn lại sự việc trên, không thể không đặt một số câu hỏi như tại sao việc xảy ra tai nạn tại trường là có thật nhưng lúc đầu, các giáo viên trong trường đều ký vào văn bản nói rằng không có? Rồi sau khi hiệu trưởng, hiệu phó bị cách chức thì tất cả lại đồng tình với hình thức kỉ luật này?
Ở đây có hai khả năng. Một là sự dối trá của các giáo viên trong nhà trường và hai là sự khiếp nhược, sợ bị trù úm nên buộc họ phải dối trá.
Còn có một sự thật mà dư luận lâu nay bức xúc, đó là tình trạng thiếu minh bạch, “chạy việc” trong ngành giáo dục.
Theo ông Bạch Ngọc Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định tại Hội nghị trên thì nguyên nhân chính khiến việc thực hiện quy chế dân chủ trong trường học không đầy đủ là do khâu tuyển dụng giáo viên hiện nay thiếu minh bạch. Ông Chiến bày tỏ nếu giáo viên được tuyển dụng thiếu minh bạch, một khi trở thành một hiệu trưởng, trải qua đầy đủ các mánh lới thì mất dân chủ là đương nhiên.
Trong khi đối với thày cô giáo trong trường mà còn không (hoặc ít) dân chủ thì làm sao có dân chủ dối với học sinh?
Có lẽ khó có thể nói khác, học sinh hiện nay đang là “những thượng đế bị áp đặt”. Áp đặt từ việc không được chọn trưởng, chọn lớp, chọn thầy, chọn cô cho đến chọn giáo trình và sách giáo khoa.
Ngay cả quan niệm nhất nhất phải vâng lời thầy cô mới là ngoan cũng cần phải xem lại bởi thứ nhất, không phải lúc nào thầy, cô cũng đúng. Thứ hai, việc áp đặt này sẽ triệt tiêu cá tính và tư duy phản biện, một điều rất cần có đối với mỗi cá nhân trong cuộc sống hiện đại.
Thứ ba, việc luôn coi “thầy cô là tấm gương sáng” đã áp đặt mục tiêu phấn đấu luôn lấy thầy cô là “đích đến”, cần vươn tới trong khi mỗi thế hệ có những chuẩn mực khác nhau và cả “cái đích” của thế hệ sau cũng cần cao hơn thế hệ trước như câu tục ngữ “Con hơn cha là nhà có phúc”.
Đó là chưa kể sự “áp đặt” phải luôn luôn là “tấm gương sáng” là một thách thức không nhỏ với thầy cô trong xã hội hiện nay.
Một điều nữa cũng rất cần lưu tâm, đó là dù trường học là nơi xuất phát, song muốn có dân chủ trong trường học thì cũng rất cần dân chủ trong nhiều mặt khác của đời sống xã hội bởi trường học không phải là “ốc đảo” riêng biệt, tách rời.
Do đó, muốn có dân chủ đối với thế hệ tương lai thì trước hết, phải có dân chủ từ các nhà quản lý giáo dục mà đầu tiên phải bắt đầu từ Bộ GD&ĐT để các em không bị áp đặt và tiếp đó là dân chủ ngay trong các thầy cô giáo nhà trường
Tóm lại, muốn có dân chủ trong nhà trường thì phải có dân chủ trong đời sống xã hội và ngược lại, muốn có dân chủ trong đời sống xã hội thì trước hết, phải có dân chủ trong nhà trường, phải không các bạn?
B. H. T
(nguồn: Bài viết của tác giả chia sẻ)