Khi đọc lại “Câu hát ngày xa” (NXB Hội Nhà văn 2006), “Ủ ấm trái tim” (NXB Hội Nhà văn 2011), “Thức với những tập mờ” (NXB Hội Nhà văn 2014) của Nguyễn Đình Minh, tôi nhận ra đây là một vệt thơ nối dài, là một mảng đề tài rất đáng kể mà nhà thơ đã quan tâm và theo đuổi từ lâu, trở thành nỗi ám ảnh thường trực trong tâm thức, đôi khi trở thành tâm thế trong con người thi sĩ Nguyễn Đình Minh.
Đối với một người làm thơ, tâm thức trở thành tâm thế, là vô cùng quan trọng.
Trong “Sự nhất quán của một hồn thơ” viết về tập thơ “lặng lẽ đời cây” (NXB Văn học 2016), tôi đã viết: “Đi xa hơn trong mạch suy tưởng, trong mạch “đào sâu xoáy mạnh” (theo cách nói của Chế Lan Viên), độc giả còn bắt gặp những câu thơ mang giá trị cảnh tỉnh, cảnh báo, trong mối liên hệ giữa quá khứ và hiện tại, giữa được và mất thật xót xa, đau đớn của một nhà thơ vừa có tình yêu thương, vừa trách nhiệm trước thời cuộc vốn mang trong lòng nó sự trả giá và đe dọa tiềm ẩn.
Đó là Thời mở cửa, gió lành tràn về cùng nhiều cơn gió độc/ Siêu bão xô rung nền văn minh lúa nước nghìn năm trong “Hạt lúa”; Phố ăn hết những miếng thịt đất làng mặn mồ hôi muối trong “Mảnh quê ngày gió”; Thiếu hồn quê và không quá khứ/ Có phải vô tình ươm nấm độc ở tương lai trong “Ghi trong tour du lịch”; Đem hồn quê treo lên đoạn đầu đài trong “Nhớ mùa bão cũ”; Ăn thật nhanh/ Uống vội/ Đi như chạy, dù nắng dẫu mưa…/ Cổng nhà máy, mỗi sớm mai mở toang hoác miệng cá/ Chị bị hút qua như một con mồi trong “Người đàn bà thời công nghiệp”… Trong “Lặng lẽ đời cây”, thông qua những miếng, những mảng trong những bài thơ có ý, có tứ…người đọc bắt gặp một Nguyễn Đình Minh luôn thiên lương trong tâm tưởng. Anh rất sợ Thấy hồn mình như bị ai đánh tráo (Theo cánh chuồn kim), rất sợ Mang hình người mà không có trái tim (Bầy khỉ dưới mái chùa) và Lòng bỗng thèm nghe tiếng của con người (Bẽ bàng giữa một tầng cao)…Chính vì thế mà trong cái bi kịch của Dưới bụi mù bụi công nghiệp và tềnh ềnh sự thừa thãi, Nguyễn Đình Minh vẫn tiếp tục chặng hành trình từ “thong thả dưới trời” đến “những hạt vàng ta buông bỏ” như là cái căn bản, cái cốt yếu trong anh:
Tôi đốt đuốc tìm tôi
Trong những bức tường rêu ngậm ngùi dần hóa thạch
Các giá trị đang so găng trong cuộc chuyển vần
Lòng lo sợ ngày mai mình thành rô bốt
Giữa đêm chuyển mùa, gà eo óc cầm canh.
Khi đọc lại “Câu hát ngày xa” (NXB Hội Nhà văn 2006), “Ủ ấm trái tim” (NXB Hội Nhà văn 2011), “Thức với những tập mờ” (NXB Hội Nhà văn 2014) của Nguyễn Đình Minh, tôi nhận ra đây là một vệt thơ nối dài, là một mảng đề tài rất đáng kể mà nhà thơ đã quan tâm và theo đuổi từ lâu, trở thành nỗi ám ảnh thường trực trong tâm thức, đôi khi trở thành tâm thế trong con người thi sĩ Nguyễn Đình Minh.
Đối với một người làm thơ, tâm thức trở thành tâm thế, là vô cùng quan trọng.
Cách nay không lâu, khi nhà văn Quách Liêu có nói với tôi: Trong thơ chống Mỹ, cụ thể là trong cuộc thi thơ của Tuần báo Văn nghệ, giải nhất của Phạm Tiến Duật lớn vì nó ôm trùm lên tất cả, vì nó là tâm thế của thời đại.
Trong chùm thơ đoạt giải của thi sĩ Trường Sơn có Lửa đèn. Trong Lửa đèn có những câu ở phần kết đầy sức nặng:
Ngày mai. Ngày mai hoàn toàn chiến thắng…
Ta sẽ làm cây đèn kéo quân thật đẹp
Mang hình những người những cảnh hôm nay
Cho những cuộc hành quân nào còn trong bóng tối
Sẽ hiện muôn đời trên mặt ngọn đèn xoay.
Phải là người trong cuộc, Phạm Tiến Duật mới nghĩ được như thế, dự cảm được như thế và mới viết được như thế. Hai câu thơ cuối như là câu thơ đinh của tứ thơ: Cho những cuộc hành quân nào còn trong bóng tối/ Sẽ hiện muôn đời trên mặt ngọn đèn xoay. Bởi vì ngày ấy, con đường của chiến tranh, con đường của chiến thắng là trở về thành thị nói chung và thành phố nói riêng từ rừng. Bởi vì ngày ấy, những cuộc hành quân của quân đội ta, chủ yếu và hầu như diễn ra trong bóng đêm.
Tất nhiên, không chỉ có thế, trong Những vùng rừng không dân, ông còn có những câu, mỗi khi đọc lên, ai cũng cảm thấy giật mình:
Không thể không nói là không đói và không rét
Khi đất nước đưa lên rừng hàng vạn người con.
2. Trong Ủ ấm trái tim, Nguyễn Đình Minh còn cảnh báo, cảnh tỉnh: Khi chỉ nhắm mắt chạy theo vật chất, khi chỉ coi vật chất là mục đích, cái giá phải trả còn lớn lao hơn nhiều. Đến lúc ấy, các thế lực vật chất lấn át văn hóa, đè nén và cướp đoạt văn hóa, đến nỗi: Chàng khổng lồ vật chất/ một ngày/ nhận ra mình không tim/ Sự kỳ vĩ của khí quyển tinh thần/ bị đô la xâm thực/ Khái niệm con người là những cái xác/ Vật vã trong văn minh công nghiệp…(Hiểm họa); Đồ đạc nuốt sống từng tấc không gian (Vật chất); Cách làm việc giống như hành xác/ Hai mươi hai giờ đêm gặp mặt/ Em lả đi trong tất cả nát nhàu/ Gia đình buộc lòng li tán xa nhau (Thời kinh tế thị trường).
Trong Vật chất, Nguyễn Đình Minh còn khéo phân ra phần hồn, phần xác của trái tim để đặt ra một câu hỏi đau đớn đến tận cùng: Hồn của trái tim đi đâu/ Xác của trái tim/ Thoi thóp/ Giữa dòng văn minh vật chất phù hoa?
Bên cạnh cái cỗ máy khắc nghiệt ấy, đương nhiên là tồn tại một cuộc chiến mưu sinh mà Trăm sự đều từ con người (Nghĩ về cây) và hậu quả nhãn tiền của nó là Nỗi nhọc nhằn cơm áo/ Oằn lưng những lũy tre nghèo (Tiếng đất). Cho nên Chí Phèo thời bây giờ cũng khác xa Chí Phèo thời Nam Cao về sự ăn vạ lẫn sự đòi hỏi, tham vọng :
Những Chí Phèo làng Vũ Đại khi xưa
Trên tay bây giờ có thêm quả lựu đạn
Và cuộc chiến không chỉ là đòi rượu uống
(Cuộc chiến sinh tồn)
Rồi cách hành xử rất duy vật chất, mọi thứ đều quy ra vật chất, đong đếm bằng vật chất và sòng phẳng đến lạnh lùng:
Lòng hiếu kính mẹ cha và quê hương tiên tổ
Gói trong những chiếc phong bì
Đám ma có máy cát xét khóc cùng với tiếng khóc thuê
Đám cưới có chú rể sắm vai cô dâu cho mượn
Đẻ con cũng có người đẻ mướn…
(Thời kinh tế thị trường)
Chưa hết. Ta còn tìm được nhiều dẫn chứng đắt giá tương tự qua Thành phố ngày mở cửa (Ủ ấm trái tim); Ngơ ngác phố, Trong vũng hoàng hôn, Miền nghĩa địa của rừng xanh, Lá trường xuân (Thức với những tập mờ). Tác giả đã chỉ ra đích danh thủ phạm qua Miền nghĩa địa của rừng xanh:
Chiếc rìu vung lên không phải nguồn cơn
Mà nguồn cơn là lòng người khát thèm, ích kỷ
Đã hóa thành dạ dày nghĩa địa
Tiêu hóa chôn vùi hồn vía của rừng xanh.
3. Trong Chấm than, nhà thơ Thi Hoàng từng viết: Những bình minh i nốc những hoàng hôn ni nông/ Tiện nghi kê xếp đầy ruột gan bụng dạ đâu lo cho hồn vía, rồi ông buông một câu như thể thâu tóm: Và thế là văn minh coi khinh văn hóa…
Rõ ràng “văn minh coi thường văn hóa” đang trở thành vấn đề, hiện tượng mà lặp lại mãi sẽ trở thành bản chất trong đời sống hôm nay. Đây cũng là một mảng đề tài lớn của nhiều nhà thơ và được trở đi trở lại nhiều lần trong nhiều bài thơ mang tính phát hiện và giá trị nhân sinh rất đáng kể của nhà thơ Nguyễn Đình Minh qua nhiều tập thơ đã xuất bản.
Đó là khả năng phân thân trong thơ của Nguyễn Đình Minh. Đó là những câu thơ hữu ích. Đó cũng là đóng góp của Nguyễn Đình Minh trong làng thơ đương đại.
Tất nhiên trong thơ, Nguyễn Đình Minh không chỉ có thế. Anh còn nhiều mối quan tâm khác và thành công ở nhiều mảng đề tài khác.
Xin quý vị hãy đọc thêm chùm thơ mới của Nguyễn Đình Minh trong Tạp chí Nhà văn và tác phẩm để hiểu thêm Nguyễn Đình Minh qua ít dòng giới thiệu: “Một Nguyễn Đình Minh luôn hướng tới vô cùng, nhưng lại phát hiện ra cái hữu hạn trong cái vô hạn và bị kịch của nó. Trong thẳm sâu của lòng người, ông luôn chịu ơn mảnh đất sinh thành ra ông. Hãy đọc: Trời ngỡ mênh mông mà hóa ra chật chội/ Trên mặt đá hoang vu ngàn thuở bị lưu đày và Ta chín thành ta nhờ nhân hậu lòng làng…/ Đi hết đời người chẳng đi hết quê hương, thì rõ.”
Hà Nội, chiều 7 – 10 – 2018