Thời bao cấp khó khăn vất vả là vậy – nhưng các nhà văn vẫn được ưu đãi như cấp nhà, tăng tiêu chuẩn thuốc lá, nhuận bút sách phải gấp 10, thậm chí 20 lần bây giờ. Thế nhưng, đó chỉ là quá khứ, bởi hiện nay những đãi ngộ dành cho tầng lớp trí thức đặc biệt này không có gì mới. Nhưng điều đáng buồn nhất là danh xưng nhà văn đã không còn giữ được vị trí như nó vốn có…
Thời bao cấp khó khăn vất vả là vậy – nhưng các nhà văn vẫn được ưu đãi như cấp nhà, tăng tiêu chuẩn thuốc lá, nhuận bút sách phải gấp 10, thậm chí 20 lần bây giờ. Thế nhưng, đó chỉ là quá khứ, bởi hiện nay những đãi ngộ dành cho tầng lớp trí thức đặc biệt này không có gì mới. Nhưng điều đáng buồn nhất là danh xưng nhà văn đã không còn giữ được vị trí như nó vốn có.
Nhà phê bình Ngô Thảo nhìn nhận: “Thời xưa, nhà văn được coi như những bậc thầy, không chỉ về tri thức, chữ nghĩa mà còn về đạo lý – “Văn dĩ tải đạo” mà. Rồi nhà văn là kỹ sư tâm hồn, là thư ký của thời đại… Uy tín văn chương làm nên danh giá cho người chọn nghề văn. Một xã hội giàu tính lý tưởng lại tạo nên nền tảng văn hóa để nghề văn và người làm văn được tôn trọng. Những năm đất nước hòa bình, con đường phát triển ngập ngừng trong nhiều lựa chọn. Lý tưởng nhân văn xưa đã trở nên mơ hồ mà hiện thực phía trước thì đầy bất trắc, bạn xưa thù cũ đang chuyển đổi vị trí, mỗi người tự tìm chỗ đứng, công việc để kiếm sống, lo lắng về kinh tế, về vật chất đang lấn át những không gian văn hóa cần thiết cho sự phát triển cân bằng của xã hội. Vị trí nhà văn và văn học đang trở nên gần gũi trong một xã hội dân chủ, mất đi nét thiêng liêng, thần bí từng có một thời. Mặt khác, một khi mặt bằng văn hóa xã hội đã được nâng cao, nhiều người thuộc nhiều nghề nghiệp, nhiều lứa tuổi có khả năng diễn đạt cảm xúc, suy nghĩ, sự từng trải của mình qua các hình thức văn chương nghệ thuật, trong đó có nhiều tác phẩm độc đáo, xuất sắc, thì sáng tác văn chương không còn là độc quyền của những ai được gọi là nhà văn nữa…”
DANH, LỘC KHÔNG PHẢI ĐỘNG CƠ CẦM BÚT
Thời bao cấp khó khăn vất vả là vậy – nhưng các nhà văn vẫn được ưu đãi như cấp nhà, tăng tiêu chuẩn thuốc lá, nhuận bút sách phải gấp 10, thậm chí 20 lần bây giờ. Thế nhưng, đó chỉ là quá khứ, bởi hiện nay những đãi ngộ dành cho tầng lớp trí thức đặc biệt này không có gì mới. Nhưng điều đáng buồn nhất là danh xưng nhà văn đã không còn giữ được vị trí như nó vốn có.
@ Xin ông cho biết đời sống nhà văn bây giờ có khác xưa?
Ngô Thảo: Trước đây và cả ngày nay, ở nước ta không có những người chỉ sống để viết văn, nói theo định nghĩa hành chính là không có nhà văn chuyên nghiệp. Hầu như tất cả đều là cán bộ, họ sống bằng ngạch bậc lương cán bộ và làm việc trong một cơ quan nào đó. Mỗi người có một cách riêng để viết ra tác phẩm, nhưng trước hết và thường xuyên họ phải hoàn thành tốt việc chuyên môn được phân công. Gần gũi nghề nghiệp nhất thì cũng phải làm biên tập viên ở một nhà xuất bản, một tờ báo hoặc tạp chí nào đó, nếu không thì cũng phải có một vị trí nào đó trong cơ quan văn phòng của Hội Nhà văn. Họ sống và nuôi vợ con bằng đồng lương hành chính đó. Cho nên, ai có tác phẩm được in, có nhuận bút là cuộc sống, mức sống được cải thiện rất đáng kể. Có điều này là đặc biệt: nhuận bút sách báo thời đó rất cao. Tôi còn nhớ bài nghiên cứu tôi viết cuối năm thứ 3 đại học đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Văn học được nhuận bút 36 đồng, đủ tiền ăn 3 tháng và lương sinh viên ra trường lúc đó khoảng 57 đồng. Tập sách đầu tay của tôi in năm 1978, nhuận bút 3.700 đồng, mua được hơn 7 cây vàng! Thế mới biết các nhà văn thời bao cấp đó sống ung dung thế nào. Nay thì cùng với toàn dân, hình như đời sống ai cũng được cải thiện. Chỉ có điều nhuận bút thì thấp xuống một cách thảm hại. Ai ra sách mà nhuận bút mua được sách biếu cũng là tốt lắm rồi.
@ Thời bao cấp các nhà văn được chăm lo để yên tâm mà viết, họ được cấp nhà, tăng tiêu chuẩn thuốc lá…, còn bây giờ thì khác, nhà văn cũng phải xoay vần để kiếm sống, lo cơm áo gạo tiền, vì thế mà sức sáng tạo cũng suy giảm, ông có thấy vậy không?
Ngô Thảo: Như tôi đã nói, tất cả những thứ mà bạn nhắc, đều được phân theo tiêu chuẩn. Còn ngày đó họ viết khỏe, viết nhiều, ngoài động lực chính là làm nhiệm vụ của một người cầm bút, có trách nhiêm, thì bản thân viết tác phẩm được in đã là một cách làm kinh tế chính đáng, trong sạch, hiệu quả và sang trọng. Còn nay, động lực tinh thần đang có vấn đề, cảm hứng sáng tác không phải ai cũng nuôi dưỡng được. Và gia đình nào mà có một vài nhà thơ, thậm chí cả nhà văn vài năm in một tập khoảng dưới nghìn bản, thì chủ nhà phải lo sốt vó, vì nhuận bút không đủ mua sách tặng, không kể phần lớn phải tự bỏ tiền nhà ra in để báo với mọi người về sự tồn tại của mình. Tôi in gần chục đầu sách lý luận, phê bình, xin được xấu hổ mà thú nhận rằng, tập nào cũng phải xin tiền vợ con để mua thêm sách biếu bạn bè, mặc dầu biết thừa là không mấy người đọc đến. Tất nhiên đây là nói số nhiều, thuộc thế hệ làng nhàng chúng tôi thôi. Vẫn có không ít nhà văn sống ung dung vì viết nhiều, viết hay và có số lượng in lớn.
@ Nghe nói, trước đây trại sáng tác được mở ra kéo dài cả năm, rồi những chuyến đi thực tế được tổ chức dăm, ba tháng… để các nhà văn chỉ việc lấy tư liệu và viết?
Ngô Thảo: Hầu hết các nhà văn quân đội, mà cả ngoài quân đội đều có mặt ở các chiến trường, hoặc ít ra cũng vài trọng điểm bị đánh phá ác liệt. Và nhờ thế, văn học nước ta đã có một thời sôi nổi, vì có nhiều tác phẩm thuộc các thể loại bám sát hiện thực cuộc sống. Các trại viết thời đó được tổ chức theo nhiều quy mô, thường là các mặt trận, các quân khu, sau một chiến dịch, sau mỗi đợt đại hội anh hùng – chiến sĩ thi đua của miền hay toàn quốc. “Đất nước đứng lên” của Nguyên Ngoc, “Người mẹ cầm súng” của Nguyễn Thi… là sản phẩm từ những trại viết như thế. Trại giải quyết được mấy khâu cơ bản: Người được triệu tập giải phóng khỏi công việc hành chính, có điều kiện ăn ở đàng hoàng, mà không phải gia đình nào cũng có. Ngày nay, hình như hình thức đó nên xem lại, sao cho thiết thực, hiệu quả, để tránh tình trạng biến nó thành một khoảng thời gian thư giãn cho một bộ phận chuyên trách tham gia hết trại này đến trại khác, mà tác phẩm thì… bỏ xó.
@ Trước đây, những nhà văn thuộc một đẳng cấp khác, được tôn trọng và quý mến. Bởi trong quan niệm của mọi người, để trở thành một nhà văn, trước hết phải là một người có tài năng xuất chúng… nhưng bây giờ đã khác, dường như chúng ta trở nên dễ dãi hơn với danh xưng nhà văn, thưa ông?
Ngô Thảo: Thời xưa, nhà văn được coi như những bậc thầy, không chỉ về tri thức, chữ nghĩa mà còn về đạo lý – “Văn dĩ tải đạo” mà. Rồi nhà văn là kỹ sư tâm hồn, là thư ký của thời đại… Uy tín văn chương làm nên danh giá cho người chọn nghề văn. Một xã hội giàu tính lý tưởng lại tạo nên nền tảng văn hóa để nghề văn và người làm văn được tôn trọng. Những năm đất nước hòa bình, con đường phát triển ngập ngừng trong nhiều lựa chọn. Lý tưởng nhân văn xưa đã trở nên mơ hồ mà hiện thực phía trước thì đầy bất trắc, bạn xưa thù cũ đang chuyển đổi vị trí, mỗi người tự tìm chỗ đứng, công việc để kiếm sống, lo lắng về kinh tế, về vật chất đang lấn át những không gian văn hóa cần thiết cho sự phát triển cân bằng của xã hội. Vị trí nhà văn và văn học đang trở nên gần gũi trong một xã hội dân chủ, mất đi nét thiêng liêng, thần bí từng có một thời. Mặt khác, một khi mặt bằng văn hóa xã hội đã được nâng cao, nhiều người thuộc nhiều nghề nghiệp, nhiều lứa tuổi có khả năng diễn đạt cảm xúc, suy nghĩ, sự từng trải của mình qua các hình thức văn chương nghệ thuật, trong đó có nhiều tác phẩm độc đáo, xuất sắc, thì sáng tác văn chương không còn là độc quyền của những ai được gọi là nhà văn nữa. Nếu chỉ căn cứ vào số lượng đầu sách để kết nạp thì không thể từ chối các nhà văn tài tử đó. Điều cần khẳng định là trong một xã hội dân chủ, thì không thể coi một nghề nào là sang hay hèn, mà chính nhân cách, phẩm chất, tài năng và kết quả công việc từng cá nhân mới làm nên giá trị từng người.
@ Theo đánh giá của ông, thì hiện nay có bao nhiêu nhà văn sống được bằng nghề viết thật sự?
Ngô Thảo: Không có thống kê, nên có lẽ ngay lãnh đạo Hội Nhà văn cũng khó trả lời câu hỏi này. Vả lại, cho đến nay, những người chỉ chuyên viết văn mà không làm gì khác cũng không có nhiều. Nguyễn Nhật Ánh, một kỷ lục gia về đầu sách và số lượng sách in cũng có một công việc làm để ăn lương, Nguyễn Ngọc Tư, Lê Minh Quốc, Di Li… đều vậy cả. Nhưng dường như sống bằng nghề thì rất khó, chỉ có một số ít nhà văn có khả năng này.
@ Có người cho rằng, sau hàng chục năm, những ưu đãi của Nhà nước đối với nhà văn vẫn không hơn so với thời trước?
Ngô Thảo: Mọi sự so sánh đều khập khiễng. Ngày xưa ưu ái nếu có chăng là để nhà văn có cái ăn, cái mặc, nơi ở mà viết, mà làm công tác chính trị xã hội. Những thứ đó chưa bao giờ là vấn đề của người viết. Thậm chí cả mấy triệu trợ cấp sáng tác, hay mời đi trại viết, không phải ai cũng mặn mà. Lòng tự trọng của nhà văn không cho phép họ bị ràng buộc trong sáng tạo chỉ vì một ít quyền lợi vật chất cò con. Danh tiếng, lợi lộc có khi cũng không phải là động cơ khi cầm bút. Và không nhiều người trong họ chọn văn chương làm cái nghề hay nghiệp suốt đời.
@ Ông có cho rằng, đã đến lúc chúng ta có nên có những “đặc cách” dành riêng cho những nhà văn tài năng hay không, thay vì một chế độ cào bằng như hiện nay?
Ngô Thảo: Nói thật ra là hiện nay Nhà nước chưa chính thức có một chế độ nào đặc biệt đối với nhà văn. Ngày xưa, một số hội viên Hội Nhà văn một năm có được nghỉ vài tháng để viết (cũng chỉ một số ít thôi). Vài năm gần đây, một số nhà văn cao tuổi, bệnh tật, khó khăn có được Nhà nước trợ cấp mỗi tháng khoảng 1 triệu. Còn thì trợ cấp sáng tác, đi trại viết, giải thưởng tác phẩm hàng năm thì các hội văn học nghệ thuật đều có.
Vấn đề lúc này nên đặt ra không phải là một vài đặc cách, mà phải có một chiến lược chung để phát hiện, bồi dưỡng (văn hóa, ngoại ngữ, chính trị, triết học, kỹ năng nghề nghiệp…) tạo môi trường, điều kiện để có một lực lượng sáng tạo văn học nghệ thuật trong đó có nhà văn, đủ sức, đủ lực, đủ tài năng, tâm huyết, tầm nhìn để xây dựng một nền văn hóa Việt Nam hiện đại, xứng tầm với vị trí đất nước ta trong thế kỷ mới. Không thể đào tạo ra một nhà văn, nhưng những người đã có năng khiếu văn chương vẫn rất cần được có điều kiện học tập, mở mang tầm nhìn, sự trải nghiệm để có vốn sáng tạo. Mà trong văn học nghệ thuật, không thể là tập họp của một đám đông, một dàn đồng ca, mà phải là của nhiều, rất nhiều những cá tính, cá nhân có bản sắc riêng khó lẫn. Một ngành kinh tế mạnh, có thể xây dựng trong năm mười năm. Nhưng để có một nền văn hóa cần thời gian dài lâu hơn nhiều. Chúng ta, xem ra đang nặng về xây dựng kinh tế và các ngành khác, mà không chú trọng xứng đáng về văn hóa. Hệ lụy về đạo đức xã hội thì ai cũng thấy rõ. Nhưng đó là một câu chuyện dài.
@ Xin trân trọng cảm ơn nhà văn!
T.H
(Nguồn Năng Lượng Mới)