Đạo Tình yêu – Truyện ngắn của Trần Ngọc Dương

“…Đạo nào cũng có các vị thần thánh của riêng mình. Nhưng trong tình yêu, thần thánh giống như con người trần tục, họ cũng chỉ là những kẻ dại khờ, trái tim non nớt luôn luôn  run rảy, loạn nhịp…”

 

“…Đạo nào cũng có các vị thần thánh của riêng mình. Nhưng trong tình yêu, thần thánh giống như con người trần tục, họ cũng chỉ là những kẻ dại khờ, trái tim non nớt luôn luôn  run rảy, loạn nhịp…”

Cả gia tộc ba tôi đi đạo Phật. Bên ngoại lại theo Thiên chúa giáo.

Hồi bé vào tuần rằm, tôi vẫn thường theo nội lên chùa. Khi ba má đi du học nước ngoài, tôi lại về quê ở với ngoại. Sáng chúa nhật tôi dậy sớm, đi lễ nhà thờ cùng mọi người, thuộc nhiều bài kinh như những con chiên ngoan đạo khác và đã từng hát chính trong ca đoàn của giáo xứ nơi ngoại ở. Tôi cũng biết gõ bõ đúng nhịp, tay lần tràng hạt, miệng niệm: Nam mô a di đà phật.

Lớn lên khi khai lí lịch, đến mục tôn giáo tôi băn khoăn không biết ghi thế nào. Tôi hỏi má. Má cười nói :

– Đi mà hỏi ba mày.

Tôi kéo áo ba, mắt ba vẫn dán vào tờ báo phán:

– Tuỳ.

Thấy tôi ngơ ngác, má thủ thỉ:

– Con cứ ghi vào đó: Không theo tôn giáo nào

Ba quay sang nhìn tôi tủm tỉm:

– Theo ba, con nên viết: Đạo tình yêu.

Tôi giật mình, tại sao ba lại biết hồi ở với ngoại, mình đã cùng bọn trẻ con lập ra cái giáo phái mang tên – Đạo tình yêu – Tôi cũng đã quên từ lâu chuyện này rồi. Mà ai đã mách với ba?

Ba nói  đùa, nhưng chẳng hiểu sao tôi lại ghi thật. Lúc xác minh lí lịch, thư ký uỷ ban phường cũng chẳng đọc kỹ. Họ chỉ yêu cầu đem sổ đóng góp nghĩa vụ theo danh mục yêu cầu của địa phương ra kiểm tra, nộp lệ phí theo qui định, rồi mang trình duyệt lãnh đạo ký và đóng dấu.

Má bảo:

– Ngày trước ông ngoại theo học chủng viện, đã lên tới chức thày năm. Trong một lần theo cha chánh xứ hành đạo, ông tham gia ca đoàn của địa phương với vai trò hát chính. Còn ngoại mày đẹp gái lắm!

Tôi chen ngang:

– Có bằng má không?

– Bằng thằng cha bay, chỉ được cái nịnh khéo.

Tôi khúc khích:

– Chắc kém con một tẹo, hơi bị xinh đây

– Cái con ranh này, tắt loa cho tao nhờ. Muốn nghe phải bỏ ngay cái kiểu bốp chốp ấy đi.

Tôi nũng nịu ôm má, hít hà:

– Thôi nữa mà.

Má tiếp tục thủ thỉ:

– Hai giọng chính của ca đoàn trong lễ hội ngày ấy mỗi khi vang lên, cả giáo đường lặng đi, các trái tim thổn thức. Giai điệu của con người, hay tiếng hát của các thiên thần? Người nghe như nuốt lấy từng lời của bài thánh ca. Các con chiên chăm chú hơn cả khi nghe lời răn dạy của cha chánh xứ. Tiếng hát của hai người quyện vào nhau chặt đến mức, sau đó cuộc đời họ gắn liền làm một khối. Ông từ bỏ tương lai của một linh mục, ngoại không nghe theo sự sắp đặt của các bậc song thân về làm dâu một nhà quyền quí trong vùng. Cả hai nhẫn nhục chịu đựng sự dè bỉu chê bôi của người đời. Họ dắt tay nhau, bỏ xứ đến lập nghiệp ở  một vùng quê xa lạ. Nơi đó cũng có tiếng chuông nhà thờ ngân nga và một ngôi chùa cổ kính rêu phong. Hai người rất chăm chỉ đi lễ nhà thờ, song chỉ chọn chỗ ngồi khuất và không ai nghe thấy họ hát thánh ca nữa.

– Rồi sao hở má?

– Thì một năm sau ngoại sinh ra má.

Tôi chọc:

– Và hai mươi bốn năm, chín tháng lẻ mấy ngày sau má sinh ra con khi chưa kịp xin phép ngoại.

Má vơ cái phất trần làm bằng lông gà, tôi vội vàng ù té chạy.

**

Ba tôi hoàn thành xong nghĩa vụ quân sự mới đi thi đại học. Tháng năm trong quân ngũ, ba không một lần về thăm nhà. Đơn vị lại làm nhiệm vụ ở một vùng heo hút không có dân, lúc rảnh rỗi ba chăm chú đọc lại số sách vở ôn thi mang theo. Ba nói, đấy là nguồn vui làm vơi đi nỗi nhớ quê, đồng thời động viên mình hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được phân công. Nhiều lúc ba reo lên, khi tìm thêm được cách giải cho một bài toán khó. Thấy ba ham học, mọi người trong đơn vị mỗi lần đi công tác về, hoặc trả phép đều có quà cho riêng ba bằng những bộ đề thi đại học.

Kỳ thi năm ấy, ba má chung trường, cùng khối, lại trùng tên. Hai người có số báo danh liền kề, ngồi cạnh nhau. Má nói, ngày ấy trông ba ngố, buồn cười lắm. Má tự nhủ, tay này chắc thi lại lần thứ ba. Khi nhận đề má rất vui vì thấy các câu hỏi không quá khó, song phải suy nghĩ làm bài thật cẩn thận mới mong đạt được điểm cao. Trong khi má bắt đầu bằng những phần dễ, một lúc sau liếc mắt sang vẫn thấy ba bình thản xoay tít chiếc bút bi. Đến khi giám khảo nhắc, các thí sinh trật tự, không được làm việc gì ảnh hưởng đến người khác. Ba mới cắm cúi viết thẳng vào bài thi, không làm ra nháp như mọi người. Má tự nhủ, chắc anh bạn ghi huyên thuyên chờ nguồn viện trợ đây. Mình phải cẩn thận. không y làm chẳng được, lại đòi cóp py thì chết. Mà việc gì phải lo, đề chẳn lẻ khác nhau, y không thể chép bài của mình được. Nhưng cũng phải đề phòng y quấy rầy, hỏi lung tung.

Được già nửa thời gian cả hai cùng đề nghị xin thêm giấy làm bài. Má loay hoay mãi mà chưa tìm được cách trả lời cho câu hỏi khó nhất. Nghe thấy tiếng  thở phào bên tai, má ngó sang thấy ba đang đóng nắp bút. Má vội ghi vào câu đang làm dở thêm dấu hỏi rất to, rồi đẩy tờ giấy nháp chếch lên trước, ấn cái nút đóng mở bút bi liên tiếp. Nghe tiếng tách, tách, tách ba liếc sang má thấy tờ nháp với ký hiệu cấp cứu. Ba ghi tóm tắt cách giải rất nhanh. Chỉ cần liếc qua sự gợi ý của ba, má thở phào nhẹ nhõm. Đơn giản vậy mà mình nghĩ mãi chẳng ra.

Đến ngày thông báo kết quả, má hơn ba nửa điểm. Nhưng cả hai đều đỗ với số điểm rất cao. Đời là thế, kẻ đi chép bài nhiều khi được điểm cao hơn người làm ra. Lúc nhập trường, cả hai lại học cùng lớp.

Tôi hỏi:

– Thế ai quan tâm đến đối tác trước.

Má liếc ba đang ngồi đọc báo:

– Ngày ấy, tao với ba mày kéo cưa lừa xẻ trong thư viện.

– Thế má đảm nhận nhiệm vụ kéo, hay đẩy.

– Ai mà biết được.

Tôi tưng tửng:

– Giá mà ngày ấy hai người dùng cưa điện, thì con đủ quyền công dân từ lâu lắm rồi. Có khi con cho má lên chức bà rồi cũng nên.

– Cái con ranh này. Mày giống ai mà ngoáy chọc lung tung vậy – Quay sang ba, má cười nói tiếp – Anh lấy cho em cuộn băng dính.

– Làm gì?

– Dán mồm nó lại.

Tôi khúc khích:

– Hôm nọ ba mua phải đồ rởm, băng dính khô nhựa không còn tác dụng nữa. Thôi mà, má kể tiếp đi. Ba cho con cái kẹo cao su, chốc nữa đảm bảo có keo dán chất lượng cao.

Má thầm thì:

– Ngày ấy sách ở thư viện trường tuy lắm chủng loại, nhưng nhiều cuốn chẳng đủ cho hai người mượn đồng thời. Ba, má thường xuyên đăng ký trùng nhau một cuốn sách tham khảo.

– Sao không photocopy?

– Dạo đó loại máy này chưa có!

– Thế ba có nhường má không?

Ba lên tiếng:

– Má con thường bắt ba đọc trước, rồi trình bày tóm tắt ra giấy.

– Thì ba mày có cách học: mắt nhìn, mồm nhẩm, tay viết – Quay sang ba, má phụng phịu – Người ta chỉ xin các tờ nháp thôi mà cũng kể công đến tận bây giờ.

Tôi tủm tỉm:

– Ô kìa! Hai người lạ nhỉ, định dỗi nhau trước mặt con bé hay sao? Thôi con về phòng riêng đây.

Tốt nghiệp với tấm bằng đỏ, cả hai người đều xuất sắc vượt qua kỳ thi của một trường Đại học nước ngoài, được nhận học bổng du học. Sau ở lại thêm một thời gian làm việc theo thoả thuận ban đầu, trở về nước họ mang theo một lỏi con là tôi.

Khi đặt chân trên mảnh đất quê hương, tôi đã gặp không ít sự phức tạp. Ngay từ lúc chào đời giấy khai sinh của tôi đã ghi quốc tịch nước sở tại. Luật pháp ở đó qui định: Bất kể người nào khi sinh ra trên lãnh thổ quốc gia, đều là công dân của đất nước. Sau này ba, má phải đến đại sứ quán Việt Nam làm thủ tục đăng ký kết hôn và xin quyền công dân cho tôi. Vậy là lúc chào đời, tôi đã là người có hai Quốc tịch.

Bước chân xuống sân bay, gia đình tôi được cả hai bên nội, ngoại chào đón ân cần. Song lại xảy ra sự tranh giành giữa đôi bên thông gia trong lần đầu gặp mặt. Ai cũng muốn đón gia đình tôi về nhà mình trước. Ví rằng không có tôi thì mọi việc rất ổn thoả. Má sẽ đi xe của ngoại, ba kéo va li về với ông nội, rồi tìm cách lỉnh đến với nhau sau. Mọi sự rắc rối, khó xử đều xuất phát tại tôi. Mặc dù tôi đã có công rất lớn trong việc, phong chức cho tất cả mọi người trong gia tộc hai họ.

Cuối cùng mọi người chấp nhận phương án: Tất cả về nhà ngoại chơi ít ngày, sau đó sẽ kéo hết sang quê nội của tôi.

Chẳng ai phản đối được một sự đã rồi. Cả họ tranh nhau chơi với tôi, con nhóc tì mới chỉ biết làm đôi trò lí lắc. Hình như ngay từ dạo  đó tôi đã biết rõ tầm quan trọng của bản thân, nên hay nhõng nhẽo ra yêu sách. Người ta bảo: Vuốt mặt nể mũi. Nhưng đối với tôi câu ấy không có giá trị. Tôi thường tóm chặt lấy vật nhô ra cao nhất trên khuôn mặt của bất kỳ người nào, mỗi khi được họ bế hoặc công kênh trên vai.

Lúc cả ba, má ra nước ngoài du học lần hai, tôi về sống với ngoại. Dân cư ở đây có gốc gác từ nhiều vùng quê khác nhau, tụ hợp lại làm ăn sinh sống, lập nên khu thị tứ này. Dấu vết của người Pháp còn sót lại gồm một nhà thờ được xây bằng đá từ cuối thế kỷ 19 và những đồi thông xanh biếc. Song điều làm tôi thích thú lại là ngôi chùa cổ thấp thoáng trên sườn núi, trong những dải mây bay.

Người dân ở đây rất dễ thân thiện, sống hoà đồng, tôn trọng lẫn nhau. Cách nói năng của họ nhỏ nhẹ. Hình như người ta ngại to tiếng sẽ làm lũ chim hoảng sợ bay đi mất. Không biết từ bao giờ, các buổi hành lễ trong nhà thờ cũng như việc tổ chức hội hè ở chùa không bao giờ dùng đến thiết bị âm thanh hỗ trợ. Trường hợp các cặp vợ chồng cọc cạch giáo, lương như ba má tôi ở đây khá phổ biến. Chẳng có gì ràng buộc họ cả.

Ba, má rất an tâm khi gửi tôi về sống với ngoại. Họ không phải lo lắng trong việc chăm sóc nuôi dạy tôi. Mặc dù ở đây không phải khu trung tâm dân cư, văn hoá xã hội lại chẳng đầy đủ. Các lớp học còn đơn sơ, giáo viên chưa đủ độ chuẩn, danh sách người đạt giải qua các kỳ thi học sinh giỏi còn bỏ trống. Song việc học hành của tôi đã có ông ngoại đảm nhận. Chẳng biết kiến thức của thày năm tương đương với trình độ học vấn nào của nước ta. Song ông tôi không chịu bó tay trước một bài toán khó, đoạn văn nào. Ông giảng giải rất dễ hiểu. Ngoài ra tôi còn được ông dạy thêm Pháp ngữ và tiếng La tinh. Tủ sách của ông thì thôi rồi, chẳng thiếu một thứ gì. Từ các tập sách dày cộp, bìa cứng bọc da, tên được phun nhũ vàng lấp lánh, cho  đến quyển mỏng dính như vở tập viết lớp một. Sách nhiều, nhưng ông chỉ cho tôi đụng đến các tập truyện cổ tích. Ngoại nói: Đây là tài sản ông quí nhất, gom góp cả đời mới có đươc. Linh mục nào về đây hành lễ cũng tranh thủ đến đàm đạo, tra cứu sách vở với ông.

**

Tôi hoà đồng rất nhanh, thường cùng lũ trẻ trong khu thị tứ bày ra đủ kiểu nô đùa. Nhiều khi chơi chán, mệt, cả bọn nằm ngổn ngang trên sườn đồi, lắng nghe tiếng thông reo rồi ngủ khì lúc nào chẳng biết. Có một trò chơi làm chúng tôi  say mê nhất: Bắt chước người lớn tổ chức đám cưới. Là kẻ đầu têu, tôi nêu ra qui định: Cấm không cho các bậc phụ huynh biết. Đứa nào để lộ sẽ cạch sít. Việc tảy chay một đứa trẻ ở đây, còn đáng sợ hơn các con chiên ngoan đạo trong vùng giáo xứ toàn tòng bị rút phép thông công. Lũ bạn lần lượt được vào vai cô dâu, chú rể. Đầu tiên tôi hơi buồn vì chẳng có đứa nào chịu đóng cặp đôi với mình. Bọn chúng cũng sợ phạm thượng hay sao ấy, không đứa nào chịu làm người chủ lễ. Đun đảy mãi, bao giờ tôi cũng phải đứng ra đảm nhận nhiệm vụ này. Tổ chức hôn lễ cho các con chiên tôi đóng giả làm cha. Còn đám cưới bên lương tôi làm chủ lễ

Trong đám cưới giả, tôi nghiêm nghị phán như thật. Nào là: Kiếp trước hai người có duyên tiền định. Thượng đế không cấm các con yêu nhau. Chúa chỉ tác thành cho những người đến với nhau tự nguyện. Con có đồng ý …

Một lần tôi bắt chước linh mục, đưa ra ý kiến ngô nghê của riêng mình: Nào là, chúa sẽ cho hai người những đứa con đẹp như thiên thần. Những đứa trẻ giống như chúa…

Tôi đang say sưa phán, phải vội dừng lại vì có đứa cãi:

– Mày chỉ giỏi bốc phét!

– Tao nói khoác cái gì?

– Trong nhà thờ tao chỉ thấy tranh vẽ đức Chúa: da trắng, mắt xanh, mũi lõ, tóc quăn. Còn bọn mình da vàng, mũi tẹt, mắt đen. Làm sao có con giống chúa được. Mày tổ chức đám cười ứ giống.

Có đứa bênh tôi:

– Thì giả phải khác thật.

Lũ trẻ nhao nhao:

– Chẳng giống đám cưới bên lương.

– Cũng không như lễ cưới trong nhà thờ.

Tôi gân cổ:

– Tao chẳng là linh mục. Mà chúng mày cũng không phải con chiên, làm sao giống như thật được.

Có đứa dè dặt đưa ý kiến:

– Lễ cưới trong nhà thờ hay hơn.

Tôi cáu:

– Bố đi lương. Mẹ mang tên của thánh. Còn mày theo ai, để tao làm giống như thật.

Lũ trẻ đua nhau:

– Tao cũng vậy.

– Thì mẹ tao phải học thuộc nhiều bài kinh, ông nội mới cho cưới.

Tôi đưa mắt nhìn lũ bạn:

– Cái gì làm giả mà giống hệt như thật, ông ngoại tao bảo đấy là bôi bác, dối trá – Tôi ngần ngừ – Hay bọn mình bỏ không chơi trò này nữa.

– Vậy thì buồn lắm.

– Không được!

– Ngày mai đến phiên tao làm cô dâu!

Nhìn vẻ mặt tiu nghỉu của chúng nó, tôi nói:

– Bọn mình có thể làm giống như trong chuyện kiếm hiệp, lập đạo phái mới, rồi đề ra giáo lý mà chơi.

Lũ bạn hồ hởi tán thành:

– Được đấy!

– Chúng mình chẳng cần bắt chước bên nào hết.

– Còn tên của nó.

Tôi cao giọng, vung hai tay, ngân nga một đoạn văn đã nghe lỏm được ở đâu đó:

– Tất cả rồi sẽ qua đi, chỉ còn tình yêu ở lại. Nay ta trịnh trọng tuyên bố: Đạo tình yêu chính thức khai sinh!

– Sao lại là Đạo tình yêu?

Tôi quay sang đứa vừa hỏi:

– Ngoại tao bảo: Đạo nào cũng có các vị thần thánh của riêng mình. Nhưng trong tình yêu, thần thánh giống như con người trần tục, họ cũng chỉ là những kẻ dại khờ, trái tim non nớt luôn luôn  run rảy, loạn nhịp.

Lũ bạn đồng thanh:

– Vậy chúng mình sẽ gọi là Đạo tình yêu.

Và bọn trẻ giơ tay biểu quyết, bầu tôi làm giáo chủ, của cái đạo mới được sáng lập ra.

 

T.N.D

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder