Pho tượng này là một trong nhiều món đồ cổ của cụ Phán Oánh để lại. Khi vượt biên từ Việt Nam sang Mỹ cha bà chỉ mang được một pho tượng này. Vì pho tượng trông rất xấu nên mới không bị kẻ gian dòm ngó, trấn lột, tịch thu. Rồi cha mất đột tử không kịp nói bí mật của pho tượng cho ai…
Pho tượng này là một trong nhiều món đồ cổ của cụ Phán Oánh để lại. Khi vượt biên từ Việt Nam sang Mỹ cha bà chỉ mang được một pho tượng này. Vì pho tượng trông rất xấu nên mới không bị kẻ gian dòm ngó, trấn lột, tịch thu. Rồi cha mất đột tử không kịp nói bí mật của pho tượng cho ai.
Nhà ông Tèo, ba đời nghèo đang ở ngôi nhà mái bờ-lô nay tự dưng đào móng, mua vật liệu xây nhà năm tầng. Cả làng Sỏi ai cũng thấy lạ. Nhiều lời đồn thổi, dò hỏi tiền bạc ở đâu ra nhiều thế. Ở cái làng heo hút nhỏ bé này, con chó sủa người ta cũng biết của nhà ai. Thế mà nhà ông Tèo nhiều tiền xây nhà không ai biết! Người đoán thế này, người đoán thế nọ. Cuối cùng họ có chung một ý là nguồn tiền có liên quan đến người đàn bà lạ đi chiếc Toyota về đỗ ở đầu làng Sỏi mấy tháng trước.
Bà xuống xe, đi ra cánh đồng Gầy cùng với người đàn ông thấp lùn, đeo kính trắng. Hai người đến bên cây đa cổ thụ Mười Ba Gốc. Người đàn bà mặc quần bò, đeo kính đen cầm chiếc máy ảnh đứng ngắm ngọn núi cao phía Tây có tảng đá chênh vênh như cánh diều đón gió. Chiếu theo đường chim bay, bà men theo bờ ruộng ra ngôi mộ cổ cách gốc đa chừng năm trăm mét. Đi vòng quanh khu mộ dò xét, chụp ảnh rồi ra hiệu cho người đàn ông đi cùng trở lại xe.
Bà tên là Vân người Việt quốc tịch Mỹ mới về làng Sỏi. Đi cùng bà là anh Vẻ người Hải Phòng được người bạn ở bên Mỹ giới thiệu. Anh là giáo viên. Mấy tháng trước bà gửi thư nhờ anh tìm hộ địa chỉ làng Sỏi và cây đa Mười Ba Gốc ngoài cánh đồng Gầy. Là giáo viên địa lý nên không mấy khó khăn anh đã tìm ra cây đa ngoài cánh đồng làng Sỏi sát dẫy núi Tràng Kênh. Nhận được tin bà vui mừng thu xếp về Việt Nam. Anh Vẻ đón bà Vân xuống sân bay Cát Bi, đưa về nghỉ ở khách sạn. Sáng hôm sau anh đến đón bà đưa về địa chỉ bà cần tìm.
*
Ngồi trên xe thấy anh Vẻ trầm tư, bà chợt đoán ra điều anh cần biết mà chưa được biết: “Trong thư tôi chưa nói rõ, hôm nay mới có dịp chia sẻ với anh: Ông nội tôi gốc Bắc di cư Nam năm 1954. Sau giải phóng, năm 1976 gia đình vượt biên sang Mỹ. Hiện tôi đang ở New york. Thực tình tôi muốn tìm ngôi mộ tổ nhưng không tin là tìm được nên không dám nói trong thư. Hôm nay nhìn thấy rồi, cảm ơn anh nhiều”. Anh Vẻ bớt đăm chiêu: “Em thấy chị ra đó đoán ngay là tìm mộ, mấy khi được giúp chị. Em thuộc địa lý vùng này nên dễ tìm”.
Quê nội bà Vân cách làng Sỏi chừng năm mươi cây số. Cụ Phán Oánh đi Nam để lại cái “gai” trong lý lịch gia đình. Nên anh em con cháu nhà Phán Oánh rất khó thăng quan tiến chức. Vì thế bà Vân và họ tộc xa dần nhau. Bây giờ có việc, bà không muốn về quê cũ nhờ người thân, sợ phiền phức rắc rối sau khi tìm được mộ. Bà kể: “Ở bên Mỹ thầy phong thủy bảo nhà tôi có ngôi mộ rất thiêng bị lãng quên, không ai hương khói. Nếu tìm được tạ lễ thì sẽ phát tài, phát lộc ăn nên làm ra. Thú thực, ở bên đó tôi đang gặp khó khăn nên thầy bảo tin như chết đuối vớ được phao. Khi anh báo tin có ngôi làng, cây đa đúng như thầy nói tôi mừng rơi nước mắt. Hôm nay chụp chữ trên bia mang về hỏi thầy nếu đúng thì lần sau tôi sẽ làm lễ nhận mộ. Lần này chưa biết thực hư, mồ cha không khóc lại khóc mấm mối thì vô duyên”. Anh Vẻ chép miệng: “Thời buổi âm thịnh dương suy đâu đâu cũng cúng lễ, bói toán nhờ âm phù. Chị tìm ngôi mộ này là của ai?”. Bà Vân nhỏ nhẹ: “Tôi nghe thầy bảo là cụ tổ tám chín đời gì đó. Nay mai anh tìm hiểu hộ hiện ngôi mộ ấy ai quản lý, tôi muốn nhận phải làm thế nào?”.
Về đến khách sạn Hướng Dương, trước lúc chia tay bà rút chiếc phong bì để sẵn một ngàn đô đưa cho anh Vẻ: “Anh nhiệt tình quá, đây là chút lòng thành gửi anh mua quà cho cháu”. Anh Vẻ lắc đầu không nhận nhưng bà Vân cứ ấn vào tay: “Anh không nhận lần sau tôi không dám nhờ anh nữa”. Anh Vẻ lưỡng lự: “Chị làm thế còn gì là tình nghĩa. Lần sau về cần gì cứ gọi em”. Hai người chia tay, bà Vân vâng dạ cho qua, trong đầu đang nhẩm đoán dưới mộ không biết chôn những gì?
Mấy lần thấy người đàn bà sang trọng xuất hiện, dân làng Sỏi đoán già đoán non: Người bảo bà tìm mua đất. Người bảo bà là nhà đầu tư sắp xây dựng nhà máy. Người đoán thế này, người đoán thế kia tựu chung đều mong làng quê thoát cảnh đói nghèo, lạc hậu.
Làng Sỏi ở vùng đất bán sơn địa: Phía Tây là núi cao, phía Đông là dòng sông uốn khúc. Làng Sỏi ở giữa cánh đồng Mầu – Mỡ – Béo – Gầy. Bốn cánh đồng tương ứng với bốn xóm: Đông – Tây – Nam – Bắc. Bốn cái tên truyền miệng như định mệnh trời ban năng xuất khác nhau trên bốn cánh đồng. Cùng thân phận những người trồng cấy trên đó cam chịu giàu, nghèo, đói, khổ.
Ở đầu làng Sỏi có một quán nước lèo tèo mấy chiếc bánh đa, nải chuối, vài ba gói kẹo lạc. Mấy cái chén men ngà bên chai rượu trắng bày trên chiếc chõng tre. Khách ngồi trên hai ống luồng ghép vào nhau thành ghế. Quán là nơi tụ tập những người rách việc lắm lời. Đến phì phèo điếu thuốc lá, rít hơi thuốc lào buôn chuyện trên trời dưới biển giết thời gian. Chuyện người đàn bà lạ xinh đẹp đi ô tô về làng đến tai trùm đạo chích. Hắn tụ tập nhóm đàn em nghe ngóng… Khác với mọi người, hắn phán: “Bà về tìm mộ!”.
Như vậy là ngôi mộ vô chủ trên cánh đồng Gầy lâu nay không ai để ý bây giờ thành mục tiêu tìm hiểu của tên trùm đạo chích. Hắn hay ra quán nước lân la. Anh Vẻ thường về làng Sỏi tìm hiểu. Lần nào cũng ghé thăm bà bán nước vui tính: “Anh về làng mua đất hay đầu tư nhà máy, cần gì em giúp?”. Người đàn bà góa chồng eo lưng tròn lẳn. Da ngăm đen. Áo cánh nâu. Búi tóc cao. Miệng nói miệng cười như móc ruột anh ra. Anh Vẻ thật thà: “Tôi có người chị về tìm mộ tổ”. Anh chưa dứt lời bà đã thao thao kể:
Cả cánh đồng Gầy có một ngôi mộ vô chủ bao nhiêu năm chả có ai thăm viếng. Chắc bà ấy về nhận ngôi mộ đó chứ gì? Ngày bé tẹo theo mẹ ra đồng tôi đã thấy ngôi mộ nằm trên gò cao cây cỏ um tùm sợ lắm. Mẹ tôi bảo trong đó có nhiều ma. Nhà ông Tèo ba đời bần cố nông, nghèo lắm anh ạ. Nhiều lần đổi ruộng ông ấy mơ được nhận thửa trên cánh đồng Mầu – Mỡ để đổi đời. Nhưng chả hiểu sao lá phiếu ông cầm vẫn là thửa ruộng trên cánh đồng Gầy. Lại thêm ngôi mộ vô chủ ở giữa mới xui chứ. Ở làng này người ta sợ ngôi mộ ấy lắm, chẳng ai dám lai vãng tới bao giờ. Lai lịch cái nhà ông Tèo thì cả làng này ai chả rõ. Thời Tây các cụ làm thuê trên cánh đồng Gầy. Thời ta sau cải cách, đời bố ông Tèo vẫn cày trên cánh đồng Gầy. Thời xóa bỏ hợp tác xã khoán ruộng, ông ấy vẫn phải nhận ruộng trên cánh đồng này. Đúng ba đời phải trồng cấy trên cánh đồng lúa lép, ngô ít hạt, lạc ít củ. Hộ ông Tèo sớm tối bốn lao động phơi nắng, phơi sương mà vẫn phải chui ra, chui vào căn nhà xếp gạch bờ-lô xi măng mấy năm không xây được.
Cái năm làng tổ chức bốc thăm chia ruộng. Chính tay ông Tèo nhón lá phiếu thì còn than gì nữa! Nhà ông ấy không trong diện ưu tiên, không có tiền, không có vai vế nên mấy đời cam chịu nhận những thửa ruộng không ai muốn nhận là phải. Hôm họp, tôi ngồi cạnh thấy ông ấy đau đáu nhìn cái hòm đựng phiếu. Thế rồi bốc thăm xong, thẫn thờ như người mất hồn. Ra sân ngửa mặt nhìn trời trăng sao vằng vặc than: “Trời không có mắt!”. Ai đó vỗ vai an ủi: “Trời có mắt nhưng người không có mắt”. Ông cãi: “Nhà tôi mấy đời ăn ở hiền lành vậy sao khổ thế?”. Người kia bảo: “Tôi biết trước nhà ông phải nhận thửa ruộng có cái mả mà”. Ông Tèo rối tinh rối mù, chẳng biết ra làm sao. Cứ như có “ma đưa lối, quỷ dẫn đường”…
Người đàn bà đi tìm mộ là cháu của cụ Phán Oánh người di cư vào Nam năm “năm tư”. Một chiều dọn dẹp, lau chùi đồ đạc trong nhà, bà Vân cầm pho tượng Ngư Tiều Canh Độc cao chừng hai mươi phân bằng sứ nhẹ lửa lên lau. Chợt có cảm giác lạ, pho tượng nặng trĩu suýt rơi xuống nền nhà. Bà xoay, ngắm mặt pho tượng vêu vao, xấu xí. Một lão nông khổ hạnh đeo cái giỏ bên hông. Tay cầm chiếc cần câu có lỗ xuyên vào bụng. Dưới đáy có dòng chữ Sỏi 16/5/1955. Bà gọi ông chồng người Pháp lại: “Anh xem hộ em pho tượng này?”. Người chồng mang pho tượng ra bàn ngồi ngắm. Linh tính nghề nghiên cứu sử cuốn hút ông suy đoán: “Em xem. Về nghệ thuật, không nghệ nhân nào lại làm cái lỗ ở bụng để cắm cần câu. Đây là cách tạo dáng cố ý cho người xem tò mò. Chữ Sỏi là cái tên có thể là tên người, có thể là tên địa danh. Còn con số 16/5/1955 rõ ràng là ngày tháng. Bà Vân thắc mắc: “Sao nó nặng thế anh?”. Ông chau mày. Đúng pho tượng nặng lạ thường. Ông lấy đèn pin soi qua cái lỗ. Pho tượng rỗng, không phải là một khối đặc. Lấy lúp soi dưới đáy ông thấy có đường lõm, lớp men lạ không đồng màu liền lắc mạnh, trong bụng tượng có sự chuyển động lạch xoạch. Đoán trong đó có vật gì? Ông lấy tô vít chọc vào chỗ men khác mầu. Một lỗ hổng, ông rút ra gói giấy bạc có thỏi vàng và một tấm sơ đồ. Ngôi mộ được vẽ chi tiết kích thước, hình dáng tiểu sành và những viên gạch xây xung quanh. Đặc biệt những viên gạch hình vuông được khoanh tròn bằng mực đỏ. Bên cạnh là cái lọ và bộ đỉnh hương.
Pho tượng này là một trong nhiều món đồ cổ của cụ Phán Oánh để lại. Khi vượt biên từ Việt Nam sang Mỹ cha bà chỉ mang được một pho tượng này. Vì pho tượng trông rất xấu nên mới không bị kẻ gian dòm ngó, trấn lột, tịch thu. Rồi cha mất đột tử không kịp nói bí mật của pho tượng cho ai.
***
Cụ Phán Oánh là nhà buôn tơ lụa giầu có nổi tiếng ở bến cảng Hải Phòng. Sau năm “năm tư” cụ phải di cư vào Nam. Vàng bạc không mang theo được nên đã tìm nơi cất giấu mỗi nơi một ít, mất chỗ này thì còn chỗ khác. Vài năm đất nước thống nhất về lấy cũng chưa muộn. Một quyết định sáng suốt, táo bạo của nhà buôn lắm mưu, nhiều kế. Theo cụ, cất giấu của ở nơi dễ mất nhất cũng là nơi an toàn nhất. Nghĩ thế, cụ quyết định chôn giấu ở ngoài cánh đồng. Nhưng cánh đồng đó phải có địa hình khó thay đổi dễ nhận biết. Sau một thời gian chu du, cụ tìm được cây đa cổ thụ Mười Ba Gốc ngoài cánh đồng làng Sỏi. Dưới gốc đa có cái miếu nhỏ, hai con chó đá ngồi canh hai bên. Phía Tây là dãy núi cao, phía Đông là dòng sông Cấm. Ở giữa là làng Sỏi lưa thưa hơn chục nóc nhà tranh vách đất. Một địa hình lý tưởng: Núi không thể rời, sông không thể chuyển. Cây đa Mười Ba Gốc mấy người ôm có cái miếu thiêng không ai dám chặt phá. Để che mắt thiên hạ, cụ mua cái gò bỏ hoang. Cây cỏ rậm rạp ở giữa cánh đồng và những thửa ruộng xung quanh rồi tung tin tìm được long mạch…
Để bảo đảm bí mật, đánh lạc hướng bọn “mộ tặc”, cụ chôn bộ đỉnh đồng và đôi lọ ở bên trên mộ. Còn vàng thì đúc thành thỏi cho vào trong viên gạch xếp ngoài cái tiểu đựng xương trâu bò. Công việc xây mộ được giao cho những người ở xa làm vào ban đêm. Mỗi người thợ chỉ được làm một công đoạn. Những người biết không được đến, những người đến không được biết. Trong quá trình xây những người trong làng không ai được phép đến gần. Sau khi xây xong mộ, cụ Phán Oánh làm lễ khao cả làng.
*
Về bên Mỹ, bà Vân đối chiếu tấm ảnh chụp bia trùng khớp với sơ đồ. Tâm trạng vừa mừng, vừa lo. Mừng tìm được kho báu. Lo không biết làm thế nào để lấy được của. Người một nơi, của một nẻo hở ra là mất, có khi còn mang vạ vào thân. Nghĩ vậy, bà gọi điện về cho anh Vẻ dò hỏi. Anh Vẻ bảo: Hiện ngôi mộ đó vô chủ nhiều năm, nằm trên thửa ruộng nhà ông Tèo. Bà về nói chuyện với xã và ông Tèo một tiếng là xong, đơn giản lắm. Việc tìm mồ mả bây giờ ở đâu cũng được tôn trọng tạo điều kiện xây cất to đẹp, không ai dám cản trở. Nghe tin bà phấn khởi bảo: “Thế thì anh lo giúp tôi ngay”.
Được sự chỉ đạo từ bên kia bán cầu, anh Vẻ tích cực đến gặp chính quyền xã, gặp ông Tèo. Mọi việc đều thuận lợi, anh tin nay mai bà Vân về anh sẽ giúp bà hoàn thành tâm nguyện! Nhưng anh không ngờ từ quán nước đầu làng tay trùm đạo chích theo sát anh từng bước chân, nghe rõ từng lời nói.
Mấy lần gặp nhau ở quán nước đầu làng, tay trùm đạo chích biết anh mà anh không biết hắn. Với bản chất lưu manh hắn mở bia, mời thuốc như người bạn thân rồi lựa lời thăm hỏi. Thầy giáo Vẻ vô tình kể tuốt tuồn tuột không thiếu một chi tiết nào. Anh còn cho hắn biết bà sắp về làm lễ nhận mộ. Từ đó hắn suy ra ngôi mộ vô chủ xưa nay là của người đàn bà Việt Kiều giầu có xinh đẹp chắc đưới đó phải có nhiều đồ quý hiếm.
*
Một sáng ra thăm ruộng, ông Tèo giật mình thấy ngôi mộ bị đào. Đất vứt tung tóe. Dưới hố là chiếc tiểu sành nằm trong cái quách màu xám. Hai cái cuốc, hai cái xẻng công binh cái đứng, cái nằm mỗi nơi một chiếc. Ông ngỡ ngàng nhìn quanh không thấy ai. Dạo một một vòng ông lẩm bẩm: “Đứa nào đào mộ? Chúng đào làm gì nhỉ?”. Với bản chất hiền lành thật thà cả đời không ra khỏi lũy tre làng làm sao ông biết được đứa nào đào với mục đích gì? Ông vò đầu, dứt tai đi đi, lại lại rồi cúi xuống nhặt cái xẻng định xúc đất lấp miệng hố. Một luồng gió lạnh lướt qua. Mái đầu bạc choáng váng. Hai tay xương xẩu chới với ôm khuôn mặt gầy xạm như lưỡi cày từ từ khụy xuống như cây chuối khô bị thối gốc.
Tin đồn ngôi vô chủ bị đào đêm qua lan nhanh khắp làng. Bà hàng nước báo tin cho anh Vẻ. Anh tức tốc về làng ra ngoài đồng kiểm tra thực hư. Đúng như lời bà nói, đêm qua mộ đã bị đào. Quán nước đông như cái chợ. Người bảo chúng lấy được một hộp dây chuyền vàng bạc, người bảo chúng không tìm thấy gì…
Không ai dám ra xem ngôi mộ bị đào. Họ đồn: Ngoài đó có nhiều linh hồn ma vô chủ, ai ra xem là ma theo về nhà. Sự thật là ông Tèo đã bị vật nằm bất tỉnh, trưa không thấy về ăn cơm. Bà vợ ra tìm mới biết dìu về. Rồi bọn đào mộ vất cuốc xẻng lại chạy thoát thân. May cái nhà ông Tèo không chết vì thỉnh thoảng có thắp hương đấy. Khổ thân ông ấy, tiền chả có xây nhà bây giờ lo xây mộ vô chủ. Không xây thì không yên tâm, việc đường âm chẳng biết thế nào mà lần…. Mỗi người một lời, bà hàng nước rót không kịp, người nọ phải uống chung chén với người kia.
*
Từ làng Sỏi về, anh Vẻ gọi điện ngay sang Mỹ cho bà Vân. Nghe xong tin dữ, chiếc điện thoạt rời khỏi tay rơi xuống nền nhà bật tung nắp. Bà Vân lặng người, nằm vật ra giường. Tỉnh dậy, bà đặt vé máy bay chuyến gần nhất về Việt Nam. Biết chuyện ông chồng bảo: “Để anh cùng đi giúp em?” Bà bảo: “Ngôi mộ đã bị đào trộm. Anh về cũng không giải quyết được gì? Để người lạ biết càng thêm phức tạp”.
Ba ngày sau, bà có mặt tại Hải Phòng. Anh Vẻ trình bày chi tiết mọi chuyện đã xảy ra. Nghe xong hai người về làng Sỏi ra cánh đồng, xem ngôi mộ còn nguyên trạng đất cát hất bừa bãi chưa ai dám động đến. Những viên gạch vuông dài lẫn với đất cát ẩm ướt nhom nhem bẩn thỉu. Chiếc tiểu sành trong quách mất nắp lộ những đoạn xương dài, ngắn đen xì rợn tóc gáy. Không còn gì! Đầu óc bà Vân không còn đủ minh mẫn để nhớ đến tấm sơ đồ có đánh dấu những viên gạch vuông. Mất hết rồi. Bà choáng váng ngồi khụy bên mồ. Anh Vẻ vội đỡ bà đứng dậy bảo: “Bây giờ sự thể đã như thế này. Chị nên nhờ ông Tèo lo xây lại ngôi mộ rồi hương khói chu đáo. Lỗi này cũng chẳng phải tại chị. Miễn là chị có tâm là các cụ vẫn phù hộ độ trì cho”. Nghe vậy bà Vân theo anh về nhà ông Tèo.
Thấy người đàn bà xinh đẹp da trắng, tóc ngắn mặt trái xoan, đeo túi lóng lánh qua vai bước vào nhà, ông Tèo lúng túng không biết mời bà ngồi ở chỗ nào. Nhìn ngôi nhà tồi tàn như túp lều của dân sơn cước bà rón rén ngồi xuống chiếc phản trải chiếu rách. Anh Vẻ vội giới thiệu: “Đây là chị Vân ở bên Mỹ về”. Bà Vân đỡ lời: “Nghe anh Vẻ kể về ông, tôi đã có kế hoạch về thưa chuyện”. Ông Tèo cắt ngang: “Chuyện cái mộ chứ gì?”. “Dạ! Đúng vậy, trên ruộng nhà ông có ngôi mộ tổ nhà em chưa kịp nhận thì đã bị bọn trộm đào. Không biết chúng tìm gì? Bây giờ trăm sự nhờ ông giúp xây lại cho các cụ mồ yên mả ấm”. Ông Tèo nhìn người đàn bà sang trọng thủng thẳng: “Sao bây giờ bà mới về tìm”. “Dạ em mới biết chắc anh Vẻ đã thưa chuyện với ông rồi”. “À. À có”. Ông Tèo nhớ ra. Bà Vân rút tập tiền đưa cho ông: “Em đặt tạm ít tiền này, ông xây lại cho các cụ thiếu thừa thế nào ông cứ gọi điện, em gửi tiếp. Địa chỉ của em đây”. Cầm tiền ông Tèo chép miệng: “Tôi cũng phải vạ với bà. Mộ trên ruộng nhà tôi. Bà không bảo tôi cũng phải xây lại không các cụ vật chết. Có ít gạch chưa xây nhà xếp kia, mất thêm mấy bao xi măng ít cát là xong”. Ông nói dễ như trở bàn tay vì con ông biết xây, ông phụ vữa không mất tiền công. Còn cái làng này chỉ giỏi đơm chuyện, ba đời nhà ông họ chưa giúp được gì.
Bà Vân được ông Tèo nhận lời vơi đi nỗi lo toan hối tiếc. Không biết do bà hay anh Vẻ đã để lộ chuyện gì? Mà bọn trộm biết được dưới đó có của đào hớt trên tay bà. Thất vọng, rời nhà ông Tèo về khách sạn, bà thu xếp đồ ra sân bay ngay.
*
Cất tiền vào đáy hòm quần áo, ông Tèo gọi ngay con trai đang làm thợ xây ở trên tỉnh về kể rõ đầu đuôi câu chuyện: “Bà ấy đưa tiền đây con đếm xem, chả giống tiền mình làm sao mà tiêu được?”. Người con cầm xấp đô la đếm. Mắt sáng tròn như hòn bi ve, tay run lập cập: “Ba ngàn đô bố ạ. Nếu đổi ra tiền Việt có rẻ cũng được sáu mươi triệu”. Ông Tèo lặng thinh quay mặt đi: “Người ta nhiều tiền thật!”. Con trai bảo: “Số tiền này của mình là thừa xây được ngôi nhà bố ạ”. Ông Tèo trợn mắt quát: “Mày không được làm thế!”. Con trai đưa tiền lại cho bố cất vào hòm: “Đấy là con nói nếu của nhà, chứ con có bảo mang tiền đó xây đâu. Bố hiểu lầm con rồi”. Hai bố con ngôi trên tấm phản sứt sẹo bàn tính đến khuya.
Ngày hôm sau anh con trai xin nghỉ, chuẩn bị mọi việc xây lại ngôi mộ cho bà Việt kiều. Cánh đồng Gầy mùa thu. Trời hay mưa lất phất. Đất ẩm ướt. Đường vận chuyển vật liệu vào mộ khó. Hai cha con ông Tèo liêu xiêu gánh gạch, đội cát từ gốc đa Mười Ba Gốc men theo bờ ruộng ra mộ xa gần nửa cây số. Mất hai ngày tập kết vật liệu. Sáng ngày thứ ba, cha con làm thịt con gà mái đang đẻ, nấu nồi xôi đỗ. Qua quán nước đầu làng mua cút rượu thành mâm lễ mang ra mộ. Con thắp hương chắp tay bố khấn: “Thưa các vị Thần linh Thổ địa, bố con tôi được sự ủy quyền của bà Vân xây lại ngôi Mộ Tổ của các cụ. Xin lậy Thần linh Thổ công, Long mạch. Xin lậy các cụ phù hộ độ trì cho bố con nhà Tèo xây ngôi mộ không gặp mưa bão nhanh chóng hoàn thành”.
Khấn xong, hai cha con xắn tay áo mang nước thơm xuống rửa xương cốt trong tiểu sành. Vừa cho tay vào tiểu anh con trai giật mình bảo bố: “Chúng lấy mất chiếc “hoa cái” rồi bố ạ”. Ông Tèo nhìn quanh chép miệng: “Chúng lấy làm gì nhỉ? Thôi con cứ rửa sạch xương đậy nắp lại là xong”. Những cái xương dài ngoẵng chẳng giống xương người được hai bố con rửa sạch xếp ngay ngắn trong tiểu rồi đậy nắp, ngắm nghía, kiểm tra chu đáo. Làm xong, con cầm cuốc, bố cầm xẻng xúc đất hất xuống hố. Vừa cuốc bổ được mấy nhát, cán cuốc nẩy tay tóe lửa. Nhìn xuống lưỡi cuốc mắt anh con trai hoa lên mầu ánh bạc dưới viên gạch vỡ. Thấy lạ liền cúi xuống nhặt gói giấy mở ra xem: “Vàng. Thỏi vàng. Bố ơi vàng”. Nghe tiếng gọi gắt ông Tèo quay lại: “Cái gì?”. “Vàng. Vàng bố ạ”. “Làm gì có?”. “Bố xem này”. Ông Tèo đón từ tay con một vật nặng trĩu màu vàng. Ông ngỡ ngàng vì cả đời chưa nhìn thấy thứ này bao giờ: “Có phải vàng thật không?”. “Con nghĩ là vàng bố ạ”. Có là vàng mới gói kỹ trong giấy bạc này. Sao họ lại giấu ở trong gạch?”. Ông Tèo cầm thỏi vàng dài to như hai ngón tay ngắm đi ngắm lại: “Vàng đây à?”. “Vàng đấy bố ạ”. Thật không?”. “Con bảo đảm đây là vàng. Đúng là vàng thật. Bố con mình xây được nhà rồi”. Ông Tèo quắc mắt: “Mày nói sao, lấy số vàng này để xây nhà mình ư… Nếu muốn có một ngôi nhà thì tao đã có từ bao nhiêu năm nay rồi, từ ngày chưa có mày kia…” Trong đầu ông Tèo, hình ảnh của những năm sau “cải cách ruộng đất” lại hiện lên rõ mồm một… Ngày ấy, ông được “đội cải cách” chia cho ngôi nhà ngói năm gian của một địa chủ trong làng. Ngôi nhà mà cụ kỵ nhà ông có sống lại cũng không thể mơ thấy được. Thấy ông thẫn thờ cả ngày. Lựa vào lúc đêm khuya, bố ông Tèo bảo: “Mày tính thế nào con? Con định không nhận bố ạ! Bố thấy thế cũng phải. Của cải do chính bàn tay mình làm ra mới quý, mới bền”… Sau đó ông bị dân làng Sỏi chê cười suốt mấy chục năm. Nhiều lúc thấy vợ con ông chui ra rúc vào căn lều bây giờ, có kẻ độc mồm mai mỉa: Cho đáng cái đời quân… dại hơn cả chó!
Ông Tèo lắc đầu: “Được bạc thì sang, được vàng thì lụi. Mày chớ có tham lam mà lụn bại đấy con ạ! Con hãy bình tĩnh để bố nghĩ”. “Bố nghĩ gì? Ông Tèo bảo: “Lúc nãy con cuốc vào viên nào? Dạ con cuốc vào viên gạch vuông. Đập thử viên gạch dài này xem có không?” Anh con trai lấy hai viên gạch dài đập vào nhau. Tiếng bốp gọn, hai viên gạch vỡ đôi làm bốn, bên trong đặc. Ông Tèo bê viên gạch vuông lại: “Con đập viên này”. Anh lấy nửa viên dài đập nhẹ vào viên gạch vuông vỡ bốn năm mảnh. Giấy bạc rách lộ thỏi vàng sáng chói. Hai cha con tìm bới thêm được tám viên gạch vuông hai mươi, dầy mười phân. Mỗi viên lấy ra hai thỏi vàng. Ông Tèo bảo con: “Được vàng thế này không phải là may”. Anh con bảo: “Bố đừng lo để con tính”. Ông Tèo bảo mày tính thế nào?” “Con nghĩ bố con mình cứ chôn ở dưới mộ là an toàn đã, không mang về nhà, không cho ai biết.
*
Chẳng biết ông Tèo đã nói gì với cậu con trai mà hôm sau con đưa bố lên tỉnh gọi điện cho bà Vân. Được tin, bà Vân tưởng ông Tèo đã xây xong gọi về nhận mộ, đưa thêm tiền. Miễn cưỡng bà mua vé về nước. Từ sân bay bà về thẳng làng Sỏi. Lúc đó vào khoảng giữa trưa, trời xám xịt, mưa nhẹ hạt. Bố con ông Tèo dẫn bà ra ngôi mộ đang xây cầm chừng, gạch cát xếp lung tung. Để che mắt thiên hạ mấy ngày qua cha con ông tung tin chờ bà Việt kiều về chọn mẫu mộ. Bà Vân đứng nhìn công việc bộn bề, nhìn bố con ông Tèo khó chịu: “Sao chưa xây xong đã gọi em về. Thế còn thiếu bao nhiêu?”. Ông Tèo đứng bên cạnh ngập ngừng ghé sát vào tai bà Vân nói nhỏ: “Số vàng bố con tôi vẫn để nguyên ở dưới này. Bà tính thế nào? Tôi lấy lên cho bà xem nhé?”. Bà Vân sửng sốt: “Còn thật à?”. Ông Tèo bảo: “Còn. Tôi bảo còn là còn”.
Không tin vào mắt mình, bà đón thỏi vằng nặng trĩu từ tay ông Tèo. Rồi… nhìn từ đầu đến chân người nông dân nghèo khó đang đứng trước mặt. Bao nhiêu câu hỏi dồn dập trong đầu làm bà Vân sây sẩm cả mặt mày. Nhưng có một câu hỏi khiến bà không có cách nào lý giải với chính mình là: Cha con ông Tèo cứ lẳng lặng cất giấu số vàng coi như bà không biết, coi như bọn “mộ tặc” đã cuỗm hết rồi thì có làm sao… Ấy vậy mà cha con người nông dân này lại gọi bà từ một chân trời xa tít mù khơi để bàn giao lại. Bao nhiêu năm lăn lộn xứ người để giành giật miếng cơm manh áo. Gian khó, nhọc nhằn theo năm tháng cứ dày lên cùng tuổi tác cũng là lúc những oán hờn trách cứ, thậm chí là căm thù mành đất đã sinh ra mình giờ đây không còn chỗ để tồn tại. Bà đã lầm, đã lầm lẫn trong một thời gian dài. Lần đầu tiên sau bao nhiêu lần đặt chân lên mảnh đất mà những người tha phương cầu thực như bà gọi đó là Tổ quốc giờ mới có những hình hài cụ thể. Số của cải mà bà Vân bao lâu nay rắp tâm tìm kiếm giờ đây không còn nhiều ý nghĩa. Phải chăng bà đã tìm lại được điều gì đó còn lớn hơn nhiều! Đất quê ấm áp dưới chân người đàn bà. Không khóc nhưng sao trên mặt bà Vân nhạt nhòa nước mắt. Song dứt khoát không phải là dòng nước mắt tủi hờn đã từng rơi trên những con đường cô đơn, lạnh lẽo và băng giá xứ người. Bà Vân không ngờ đã tìm lại cái đã mất lại giản dị như thế sau bao năm tháng nhọc nhằn!
*
Không còn cách nào tốt hơn, cha con ông Tèo nhìn cánh đồng Gầy buổi trưa vắng bóng không còn ai. Mới dám moi hai mươi thỏi vàng xếp vào trong xô, phủ lớp xi măng lên trên, xách ra xe. Trên đường về thành phố, bà Vân bảo lái xe tạt vào nhà nghỉ Liên Hoa trống vắng bên đường. Bà làm thủ tục thuê phòng. Hai cha con xách xô xi măng lên gác. Bà Vân khóa trái cửa, mời hai cha con ngồi vào ghế. Bà kể lại hành trình đi tìm mộ. Cha con ông Tèo kể chuyện đã xảy ra mấy ngày qua. Không ai có ý tham đoạt cả số vàng. Bàn đi tính lại bà Vân nhẹ nhàng bảo:
Số vàng này là của cụ Phán Oánh nhà tôi di cư vào Nam chôn gần cây đa Mười Ba Gốc trên cánh đồng Gầy. Có sơ đồ đây. Bà kéo túi lấy ra tờ giấy ố vàng… Đây là những viên gạch được đánh dấu. Hôm nọ về nhìn toang hoang quá tôi tưởng bọn trộm đã lấy hết cả rồi. May nhờ cái phúc của cha con ông tôi vẫn tìm được của. Thôi thế này: Của đồng chia ba, của nhà chia đôi. Đây là lộc trên thửa ruộng nhà ông, mỗi người hưởng một nửa. Cha con ông mười thỏi, tôi mười thỏi thế có được không?” Cha con ông Tèo nhìn nhau đùn đẩy, mãi sau ông Tèo mới cất lời: “Bố con tôi nghèo thật nhưng không mơ lấy số vàng này. Cháu nó bảo đợi bà về. Bà cho thế này nhiều quá. Tôi không dám nhận vì không phải của các cụ nhà tôi”. Bà Vân động viên: “Thôi. Ông và cháu nhận đi rồi tôi mang vào ngân hàng bán hộ, chuyển thành tiền gửi tiết kiệm cho cha con là an toàn nhất”. Anh con trai đồng tình: “Cô lo cho bố con nhà cháu chu đáo quá”. Bà Vân đứng dậy hé cửa quan sát rồi quay vào nhìn anh con trai: “Cháu mang xô vào nhà tắm rửa sạch các thỏi vàng đặt vào cái va ly này cho kín đáo. Ta ra ngân hàng”. “Dạ. Cháu làm ngay”.
– Ấy chết, còn ngôi mộ… !
– Cháu sẽ về xây lại ngay ạ.
– Không phải xây nữa cháu ạ, như thế có lẽ lại hay hơn…
Mấy năm sau, trên thửa ruộng nhà ông Tèo ở cánh đồng Gầy chỉ thấy ngàn ngạt một màu xanh mỡ màng xanh ngô lúa. Không còn ngôi mộ với những chuyện huyền bí ma mãnh…
P.X.H