Quyết tử chiến, hầu tướng Vương Lâm cản giặc mạnh
Sơ tán dân, công chúa Thiên Cực đốt trang viên…
Quyết tử chiến, hầu tướng Vương Lâm cản giặc mạnh
Sơ tán dân, công chúa Thiên Cực đốt trang viên
Đang nói Trần Quốc Tuấn xin nhà vua bỏ Thăng Long cho dân tạm lánh về Thiên Trường thì có người đứng ra phản đối. Các tướng nhìn xem hoá ra là Phú Lương hầu Vương Lâm. Trần Quốc Tuấn nói:
– Tấm lòng của Phú Lương hầu thật đáng quý nhưng nếu giặc vào sâu, việc đánh chúng sẽ dễ dàng hơn. Vì quân giặc hết lương thực, hết cỏ rơm. Ta chôn giấu thóc lúa, chúng chẳng biết đâu mà cướp bóc. Trời gần sang tiết Xuân sẽ có mây mưa, người ngựa của chúng không hợp thuỷ thổ tất sinh ra bệnh tật, quân số cũng ngày càng hao mòn lại không có viện binh, lòng quân hoang mang. Đó toàn là những điều đại kị trong phép dùng binh. Tôn tử nói gặp trường hợp như vậy cứ đánh không nghi ngại.
Thái tông nói:
– Tiết chế lý giải rất minh xác nhưng quân ta rút đi ngay, chỉ một sớm một chiều giặc Thát vào tới Thăng Long vậy làm sao đưa dân lánh đi cho kịp?
Lê Tần nói:
– Xin quan gia1 hãy chọn một tướng đảm lược có thể giữ chân giặc lại, việc ấy chắc xong.
Quốc Tuấn nói:
– Việc này quan gia cùng chư tướng không phải lo nữa. Thái sư và Thiên Cực công chúa phu nhân đã sắp đặt đâu vào đấy cả rồi. Vả lại ta có rút đi, giặc Thát cũng còn phải dồn quân, chưa thể mang toàn binh vào thành ngay được. Nếu có một tướng dám ở lại giữ chân chúng, đại quân ta rút đi càng nhàn.
Vương Lâm hăng hái bước ra nói:
– Sao lại không có tướng nào dám giữ chân giặc? Tôi tuy tài hèn cũng xin ở lại ngăn binh giặc để quan gia cùng chư tướng đem quân đi.
Quôc Tuấn thấy Vương Lâm nói vậy, bảo:
– Binh thư có nói tướng vì hờn giận mà ra quân thì thất lợi. Tôi e tướng quân có điều còn chưa hài lòng chăng?
Vương Lâm nói:
– Tôi không có hờn giận gì, chỉ muốn dốc lòng báo quốc. Tôi còn sống, quyết không để giặc Thát qua được bến sông này.
Thái tông nói:
– Vậy ta cử Phú Lương hầu ở lại ngăn giặc. Còn toàn quân cấp tốc đi ngay.
Quốc Tuấn cho bộ binh lên thuyền đi đường thuỷ do Lê Tần thống lĩnh bảo vệ nhà vua theo sông Cán Khê ra sông Nhị, quân kỵ theo đường bộ vượt sông Thiên Đức về Tế Giang do Trần Khuê Kình chỉ huy, hai đường hẹn ngày hôm sau sẽ hội quân trên sông Thiên Mạc, một mặt cho phi mã hoả tốc về Thăng Long đốc thúc việc đưa dân và hoàng tộc lánh đi, còn mình đi thuyền nhẹ về gặp thái sư Trần Thủ Độ ở Đông Bộ Đầu bàn kế phá giặc và chuyển toàn bộ căn cứ này đến Thiên Mạc.
*
Cốt Đãi Ngột Lang dẫn kị binh đuổi theo vua trần suốt ngày không kịp, đến sông Cà Lồ trời đã tối, cầu Phù Lỗ lại bị phá mất, nhìn sang bên kia thấy đèn đuốc sáng như sao sa, chăng suốt một tuyến dài bên bờ sông, liền cho quân dừng lại nghỉ qua đêm. Hoài Đô thấy vậy nói:
– Người Nam ít quân nên đốt nhiều đèn đuốc để nghi binh thôi. Sao thống tướng không cho đánh ngay đi?
Ngột Lang bảo:
– Phép tranh thắng không ngoài hai chữ thực hư. Quốc Tuấn còn trẻ tuổi nhưng là con mọt sách ranh mãnh lắm. Sáng nay nó đã dùng kế hư thực làm ta mắc bẫy, bây giờ lại đem kế thực thực để nhử ta đây. Vả lại quân ta đánh nhau từ sáng đến giờ người ngựa mỏi mệt cả. Binh thư có nói trời tối đường xa, thà để người mệt còn hơn ngựa mệt. Cứ nghỉ đi, đợi hậu quân dồn cả lên, ngày mai cùng tiến đánh.
Bên kia Vương Lâm đốc thúc quân lính canh phòng nghiêm mật, nửa đêm đi tuần qua các trại lính thấy có một chỗ năm sáu người xúm lại, mới ghé vào. Đó là đội binh làng Cao Duệ. Anh lính tốt Mai Văn Tự đang lên cơn sốt rét người nóng như than. Vương Lâm nói:
– Các ngươi cử hai người đưa anh này về phía sau kẻo ngày mai đánh nhau mà ốm thế này làm gì được.
Mai Văn Tự ngồi nhỏm dậy, nói:
– Xin tướng quân đừng bắt tôi phải lui đi. Tôi chỉ sốt qua loa, đã có thuốc của anh Phạm Anh cho đây rồi, chắc chỉ một lúc là khỏi. Tôi còn sức giết Thát mà.
Vương Lâm nhìn người lính tên Phạm Anh, thấy có nét quen quen nhưng không nhận ra đã gặp ở đâu, hỏi:
– Ngươi có thuốc gì mà thần hiệu đến vậy?
Phạm Anh thưa:
– Trình tướng quân! ở đây rừng suối âm u, lam sơn chướng khí, quân ta sốt rét rất nhiều. Tôi thường lấy cây Mã Liên An đun nước cho anh em uống ạ.
Vương Lâm vui vẻ hỏi:
– Tốt! Tốt! Ngươi học ở đâu được bài thuốc này vậy?
– Dạ! Trình tướng quân! Đó là thầy tôi dặn làm như vậy đấy ạ.
– Thầy ngươi là thầy lang ư?
Vũ Tuấn láu táu nói thay:
– Trình chủ tướng! Thày anh ấy là quân dược hiệu uý Phạm Hữu đấy ạ.
Vương Lâm mừng rỡ kêu lên:
– Trời! Thảo nào ta thấy ngươi rất giống cha ngươi. Cha ngươi cũng đã từng chữa bệnh cho ta. Vậy ta giao cho ngươi lấy thêm hai người đưa hết số anh em ốm đau về phía sau. Đi ngay đêm nay.
Phạm Anh thất sắc, quỳ xuống nói:
– Sắp được giết quân Thát, chúng tôi chờ mãi ngày này rồi. Xin tướng quân đừng bắt chúng tôi đi.
Vương Lâm nghiêm mặt nói:
– Giám binh đâu? Giặc đã kề bên. Kỷ luật không nghiêm đánh sao được. Lời ta nói là quân lệnh. Binh sĩ không nghe lời tướng, phải xử thế nào?
Viên Giám binh đứng cạnh nói:
– Quân không nghe lệnh tướng là loạn binh phải chém.
Vương Lâm hỏi:
– Phạm Anh! Ngươi có nhận lệnh không?
Phạm Anh không biết làm sao đành quỳ xuống xin tuân lệnh. Trước khi đi còn dặn bọn Văn Điền, Sĩ Hiệp:
– Các cậu giết thêm cho chúng mình mỗi người một thằng lính Thát nhé.
Vương Lâm gặp Phạm Anh lại nhớ đến Phạm Hữu và Nguyễn Bằng. Ông liền quay về lều chỉ huy viết một bức thư và một tờ mật lệnh, gọi người lính truyền tin, nói:
– Ngươi đem bức thư này theo mật tuyến đến trao cho tướng quân Hà Bổng ở Quy Hoá, bảo chuyển ngay sang Đại Lý cho hiệu uý Nguyễn Bằng.
*
Đêm ấy trong trại quân Thát có nhiều người tự sát. Đó là những tên lính bị thương vì trúng tên nỏ của quân Đại Việt. Người Thát bắn bằng cung, mũi tên dài mà to, thoạt trông dễ sợ nhưng mũi tên không trúng chỗ hiểm thì không giết được đối thủ. Quân Việt bắn bằng nỏ, mũi tên nhỏ, ngắn, đều có tẩm thuốc độc. Kẻ nào bị tên bắn phải, lúc đầu tưởng không có gì ghê gớm nhưng chỉ sau mấy canh giờ chất độc phát tác, đau nhức không thể chịu nổi, qua một đêm độc tố chạy vào tim là chết, không tài nào cứu được. Nhiều người đã rút gươm kết liễu cuộc đời để giải thoát khỏi những cơn nhức buốt và khát nước. Ngạc Cáp Đan không ngoài số ấy. Những con ngựa trúng tên cũng không sống quá hai ngày. Cốt Đãi Ngột Lang sai quân dược chữa trị đều vô hiệu.
Mờ sáng hôm sau, Cốt Đãi Ngột Lang cho nổ pháo, xua quân tiến sang. Lòng sông Cà Lồ mùa cạn hẹp như khe suối. Cốt Đãi Ngột Lang sai lính đi dọc bờ bắn lên trời, chỗ nào tên rơi xuống không nổi lên là chỗ nông, cho lính lội qua. Vương Lâm chờ quân Thát sang đến nửa sông mới lệnh cho lính nhất loạt bắn tên, bắn đá ra. Quân Thát chết, xác người xác ngựa lấp đầy lòng sông làm ứ cả nước. Cốt Đãi Ngột Lang múa cây đại đao xông lên trước, hô:
– Trèo qua xác chết mà sang. Kẻ nào lui lại, chém!
Nói xong thúc ngựa sang sông. Quân sĩ ào ạt kéo theo. Quân Vương Lâm ít không cản được. A Truật, Tín Thư Phúc, Hoài Đô đã sang được cả, đánh dồn quân Vương Lâm lên cánh đồng. Vương Lâm nói với quân sĩ.
– Ngày thường chúng ta ăn cơm vua nhận lộc nước, nay không liều thân báo quốc còn đợi lúc nào?
Nói xong dẫn quân sĩ nhất loạt xông lên xáp chiến. Vương Lâm gặp ngay A Truật. Hai người đâm chém nhau một lúc, không ai sơ hở miếng nào. Hoài Đô trông thấy nhảy lại đánh giúp, rồi Tín Thư Phúc cũng đến. Ba tướng vây Vương Lâm vào giữa trận. Vương Lâm cố sức đánh nhưng không chống được với ba tướng Thát, bị Tín Thư Phúc chém một nhát gãy tay trái. Lâm ngửa mặt lên trời kêu:
– Hoàng thượng ôi! Thần nguyện chết ở đây.
Nói xong, tay phải cầm giáo nhằm Hoài Đô xốc đến. Hoài Đô hoảng quá bỏ chạy. Tín Thư Phúc thấy vậy đuổi theo, định chém một nhát quyết định. Vương Lâm biết có người đuổi sát, quay ngoắt lại dồn sức đâm một nhát cực mạnh. Tín Thư Phúc trở tay không kịp, bị ngọn giáo xuyên qua miếng hộ tâm vào ngực, chết lăn xuống ngựa. Vương Lâm mất nhiều máu cũng kiệt sức ngã theo. Năm ấy ông bốn mươi chín tuổi.
Về sau có người lính tốt làm bài thơ rằng:
Mấy đời thờ Trần chúa
Sống chết chẳng sờn lòng
Giữa trời vầng nguyệt tỏ
Vương Lâm tấm gương trung.
Vương Lâm chết rồi, quân Thát lớp lớp vây bọc quân Việt. Anh lính Vũ Tuấn làng Cao Duệ sau khi giết được hai lính Thát, bị đâm một nhát giáo vào vai, ngã lăn trong đám cỏ. Nguyễn Văn Điền mất một cánh tay. Đoàn Sĩ Hiệp chiếm được một gò cao có đặt giàn lệ chi pháo, các pháo binh đã tử thương cả. Hiệp một mình hì hục xúc đá cho vào máy, bắn chặn quân Thát. Mấy tên lính Thát xông lên định bắt. Hiệp bỏ pháo, cầm thương chống lại, bị đập một truỳ vào lưng, rơi từ trên gò cao xuống, nằm chết lịm, miệng ứa máu. Đến gần trưa, quân Việt thương vong cả. Những người lính khác của làng Cao Duệ như Mai Văn Lương, Nguyễn Văn Ngô, Vũ Mậu đều trong số ấy.
Cốt Đãi Ngột Lang lệnh cho bọn A Truật, Hoài Đô, Đoàn Hưng Trí đem kỵ binh đuổi gấp, còn mình chỉ huy trung quân. Bố Nhĩ Hải đoạn hậu bảo vệ lương thảo dần dần theo sau, chiều tối đến bến Bồ Đề hạ trại.
Lại nói Phạm Anh cùng hai đồng đội đưa được số bệnh binh về tuyến sau, vội vàng quay lại. Trận địa vắng lặng, chỉ còn la liệt xác lính của hai bên chết và bị thương nằm chồng chéo lên nhau. Phạm Anh tìm được Nguyễn Văn Điền, Vũ Tuấn và Đoàn Sĩ Hiệp, đưa đến chỗ anh em thương binh đang được băng bó. Đến chiều có dân binh ở các làng bên đến chuyển thương binh về tuyến điều trị và chôn cất những người đã chết. Có tên lính Thát bị thương nặng, trông thấy người dân binh, nó nắm tay đưa lên miệng tu ra hiệu xin nước uống. Một anh dân binh cầm cây tre vót nhọn giơ lên định đâm. Tên lính Thát khiếp sợ nhắm mắt chờ chết. Một dân binh khác ngăn lại, nói:
– Đừng giết! Thằng này còn trẻ. Hãy tha cho nó.
Nói xong, anh dân binh rút ống nước đưa vào miệng cho tên lính Thát uống. Tên lính Thát uống một hơi, môi mấp máy như muốn cảm ơn rồi thở dài, nhắm mắt lại. Nó không bao giờ còn được nhìn thấy mầu xanh mênh mông của thảo nguyên nữa. Anh dân binh nói:
– Chắc mẹ nó ở nhà cũng mỏi mòn mong, khóc hết nước mắt đấy.
*
Thành Đại La ồn ã suốt mấy hôm nay. Người ta chôn giấu thóc lúa, mâm, chậu, nồi đồng, lư hương, chân đèn, bát đĩa. Đây đó lổng chổng những chiếc nồi đất vỡ, mảnh văng cả ra ngoài đường. Chị cả Thìn loay hoay xếp đồ đạc vào hai chiếc thúng đã đầy ự, vừa ngó nghiêng gọi con:
– Long ơi! Chạy bố nó đi đâu rồi không biết? Long ơi, về đi thôi không người ta đi hết cả rồi.
Chị nhìn ra sân sau, thấy cu Long tay cầm chiếc đòn gánh vung lên vừa múa võ vừa hô:
– Trung thiên đề đao trảm phản nghinh. Lôi phong tá tẩu quỷ thần kinh. Đề đầu tiền thụ lai quảng tiến. Trảm phạt trung bình mã thiên thanh… Mẹ ơi! Xem con múa bài Mai hoa thần kiếm đây này.
– Giời ơi! Võ mới vẽ gì như bọ chó múa bấc ấy. Về đi đi không các bác ấy đợi.
– ứ! Mẹ lại nói thế rồi. Hôm nào bố về lại dạy võ cho con. Con theo bố đi đánh Thát cơ.
– Muốn đánh Thát thì bây giờ phải đi nhanh lên đã.
– ứ! Con đánh thằng Thát một đòn lão ông thám thuỷ là nó lăn quay.
– ừ! ừ! Nó lăn quay , nó lăn quay. Đi đi!
Chị cả Thìn quảy gánh, dắt con ra đến hồ Lục Thuỷ, có người gọi:
– Này mẹ Thìn! Đưa thằng bé lại đây.
Chị Thìn nhìn lên, hoá ra là bà cụ Hải trong ngõ cùng với mọi người đã đứng cả bên bờ hồ. Chị tư Phúc gánh hai đứa con trong hai chiếc thúng, mỗi đứa ôm một đùm quần áo. Chị Thìn hỏi:
– Ơ! Nhà chị sao bảo có mấy anh lính ở Đông Bộ Đầu vào giúp cơ mà?
– Quan thái sư có cho lính đến giúp những nhà neo đơn chạy giặc nhưng tôi chỉ nhờ các anh ấy chôn hộ ít lương thực, đồ đạc thôi. Mình cố đi được thì tự đi để các anh ấy còn phải ra trận chứ.
Bà cụ Hải bảo:
– Cô nói phải đấy. Nước có giặc, mỗi người cố lên một tí, cứ đuổi được nó ra rồi muốn làm gì thì làm. Thời thái bình có ăn bát cháo cũng sướng.
Một người nói:
– Chẳng biết quan gia nhà ta nghĩ thế nào mà bỏ kinh thành cho giặc vào cơ chứ?
Chị tư Phúc bảo:
– Mấy anh lính nói chuyện, quân ta nhử cho giặc vào trọng địa rồi mới vây chặt. Giặc hết lương thực tất chết đói cả. Nghe đâu tướng quân Trần Khánh Dư đã lấy mất nửa lương thực của chúng rồi.
Một người nói:
– Đánh nhau mà hết lương thì chỉ có nước hàng.
Ông chủ hiệu thịt cầy bảo:
– Không phải! Quốc công tiết chế muốn nhử chúng vào sâu rồi mới chặn đứt phía sau, bao vây mà diệt. Phép đó gọi là nhử chó vào nhà đóng cửa đánh.
Mọi người cùng cười, nói:
– Đắc sách! Đắc sách.
*
Quan thái sư Trần Thủ Độ bận ở Đông Bộ Đầu nên việc lo cho hoàng gia trong thành Thăng Long và dân thành Đại La tạm lánh giặc phải nhờ Thiên Cực công chúa. Mấy hôm nay phu nhân lúc đi xuống các phố xóm xem dân chúng làm vườn không nhà trống đến đâu, lúc lại vào hoàng thành đôn đốc các gia đình vương hầu chuyển đi. Phủ thái sư bà giao cho đám gia nhân dọn về Thiên Trường. Suốt ngày hôm nay phải lăn lộn cùng các tướng, chỉ huy mấy nghìn lính vận chuyển nốt kho lương thực cuối cùng, từ sáng đến giờ bà mới chỉ kịp ăn một bữa qua loa lúc ban trưa. Đêm mười ba tháng chạp, người lính truyền tin phi ngựa như bay đến báo cho phu nhân biết tiền quân của giặc đã áp đến bến Bồ Đề, Thái sư lệnh cho phu nhân cùng những người còn lại phải ra khỏi thành ngay. Phu nhân khoác áo cùng mấy thị nữ lên lầu thành nhìn ra sông Nhị. Mưa bay mù mịt mặt sông, nơi đó trên bến Đông Bộ Đầu không biết thái sư đã dời đi chưa? Bà ngoảnh lại phía hoàng thành, Thăng Long chìm trong bụi mưa cùng những cơn gió lạnh từ phương Bắc tràn về. Trước lúc ra đi trong lòng vị phu nhân thống quốc thái sư rộn lên bao nỗi xốn xang lo lắng; ngày mai Thăng Long sẽ ra sao? Cung điện, dinh thự sẽ ra sao? Bao giờ quan gia cùng triều đình mới trở lại nơi này? Bà bước xuống lầu, một luồng cảm xúc dâng trào, rưng rưng nghèn nghẹn. Bỗng phu nhân ngẩng lên bước những bước dài, nói với người thị nữ:
– Ta đi thôi.
Cỗ xe song mã vượt màn mưa ra khỏi hoàng thành tiến về phía trang viên bên hồ Lục Thuỷ. Ông lão bộc mở cổng. Người xung quanh đã đi hết nhưng lão vẫn đợi Thiên Cực công chúa. Những ngày bận rộn thái sư và phu nhân ở trong phủ lo việc quân việc nước, hoặc về thái ấp trông nom việc canh điền, còn hầu hết thời gian ngài đến nghỉ ở đây, tự mình chăm sóc những cây cảnh quý và cây ăn quả hiếm lạ. Những hòn giả sơn đều do chính tay thái sư xếp đá tạo nên. Mấy trăm lồng chim, mỗi cái một kiểu cũng do lão bộc cùng thái sư vót nan làm lấy. Phu nhân thì trồng hoa, tỉa lá, chăm chút lũ chim non. Trang viên tuy nhỏ nhưng mấy năm nay thái sư và phu nhân đã dồn bao tâm sức làm cho nó trở nên đẹp đẽ, khó có khu vườn nào sánh kịp.
Từ hôm nhận được lệnh lánh đi, phu nhân không có thời gian đến đây. Bữa trước thái sư có ghé qua bảo mấy anh lính canh theo ngài giúp dân cất giấu tài sản rồi đi luôn. Thái sư dặn lão bộc ở lại cho chim ăn, khi nào phu nhân đến thì cùng đi. Phu nhân xem hết các phòng một lượt, lát sau quay lại bảo lão bộc:
– Lão mở tất cả cửa lồng thả hết chim ra.
Ông lão bộc đã hiểu, làm theo. Những con chim đang ngủ yên bị đuổi ra khỏi lồng, ngoài trời tối đen, vừa mưa vừa rét, chúng không biết bay đi đâu, cứ xáo xác gọi nhau tìm chỗ trú. Thiên Cực công chúa sai mấy thị nữ giúp lão bộc rút rơm khô đưa vào các phòng cùng nhà kho chứa thóc, châm lửa đốt. Trong phút chốc mấy dãy nhà cùng cháy lên. Ngọn lửa mỗi lúc một bốc cao át cả bụi mưa và gió lạnh. ánh lửa soi rõ từng nếp nhăn trên khuôn mặt già nua người lão bộc. Hai giọt nước mắt óng ánh như hai giọt sương lăn trên đôi gò má màu đất nâu của lão. Thiên Cực công chúa bảo:
– Đi thôi! Ngày mai ta còn nhiều việc lắm.
Cỗ xe xuyên màn đêm ra khỏi thành Đại La xuôi về phương Nam.
*
Bà Tô mấy hôm nay chốc chốc lại ngóng ra đầu làng, mong gặp cô em họ về để đựơc chuyện trò. Mới đấy mà đã mấy mươi năm, nhớ khi còn nhỏ, ba bốn chị em thường rủ nhau sang sông cắt cỏ, lúc đói lòng chia nhau từ quả sung chát đến múi khế chua. Lớn lên cô ấy theo vua Lý vào cung, trở thành hoàng hậu rồi lại thành Thiên Cực công chúa thái sư thống quốc phu nhân, nếm đủ vị cay đắng ngọt bùi ở chốn kinh thành, thi thoảng có việc giỗ chạp lễ tiết về được một lúc, chị em gặp nhau chưa nói câu gì đã vội vã đi rồi. Bà Tô còn đang thả hồn trong những kỉ niệm xa xưa thì bà Na hớt hải chạy sang bảo:
– Này chị Tô ơi! Cô Dung cô ấy về đêm qua rồi đấy.
Bà Tô hỏi:
– Thế cô ấy đâu?
– Tôi cũng đã gặp đâu. Bọn trẻ nó bảo cô ấy đang cùng các quan cho đám dân binh kiểm điểm gươm giáo ở ngoài kho để chuyển lên phía trên cho quan quân đánh giặc.
– Cái số cô ấy thế mà khổ, lúc nào cũng tất bật công kia việc nọ, chẳng bao giờ có được chút thư thả như chị em mình.
– ừ thì sắc tài làm khổ tấm thân thôi mà. Nhưng cũng chịu thật đấy, đàn bà như cô ấy thật là giỏi.
Hai bà bạn đang nói chuyện, Tô Đại Cơ say bét nhè ở đâu về , nói:
– Bu!
– Cái gì thế? Mày lại đi uống rượu rồi phải không? Thế này bao giờ ra được cái hồn người.
– Uống rượu thì làm sao mà không ra được hồn người? Chẳng qua là người ta cố ý vùi dập tài năng của tôi đấy chứ. Mẹ kiếp! Chúng nó sợ nhà mình phát lên thì chúng nó ra bã. Mà cái bố thái sư nhà mình cũng gà mờ thật. Mấy thằng không đọc nổi một cái văn tự mà bố ấy cũng cho làm ông lý ông chánh. Còn tôi học gần hết tam tự kinh, xin một chân câu đương cũng không được. Lại doạ chặt ngón chân cái, bố thằng nào chịu nổi.
Bà Tô bảo con:
– Mày nói thế mà nghe được ư? Cùng học với anh em, người ta đọc hết kinh nọ sách kia, mày có quyển tam tự kinh không xong còn nói gì nữa. Chỉ tài uống rượu thôi.
– Thế ông thái sư ông ấy có biết chữ nào đâu mà làm quan to thế? Lần này bu cứ bảo Thiên Cực công chúa, cô Dung ấy có muốn cho tôi cái chức câu đương, cứ lẳng lặng mà phong thẳng đi. Khỏi phải trình thái sư lôi thôi lắm. Chẳng gì tôi cũng là con dòng cháu giống.
– Thôi con ơi! Lần trước chưa phong đã suýt mất chân, lần này đến xin có khi mất mạng luôn đấy con ạ.
Đại Cơ nhăn nhó nói:
– Nhưng mà mấy đứa con gái nó cứ cười tôi, không chịu được.
Bà Na bảo:
– Thì chị cứ nói thử với cô Dung một tiếng xem sao.
Tối hôm ấy bà Tô đang dệt đũi, Thiên Cực công chúa Trần Thị Dung mặc áo dân thường đến chơi. Chị em gặp nhau cười cười nói nói. Bà Tô bảo:
– Rõ khổ! Sao ban ngày không vào chơi, tối tăm rét mướt thế này mới lần vào! Này! Nhai miếng trầu đi cho nó đỡ lạnh.
– Em về từ hôm qua nhưng đã đi được đến đâu, cứ tíu tít lên về công việc.
– Chết! Nghe nói quân Thát vào kinh rồi phải không? Liệu nó có đánh đến đây được không?
– Cái đấy chưa biết thế nào nhưng chị em mình cứ lo cho quân đội có cái ăn cái mặc, nhất định sẽ đánh thắng. à mà thằng cháu Cơ đi đâu rồi?
– Ôi! Khổ lắm cô ạ. Con cái nghĩ đến lại buồn lòng, suốt ngày lêu lổng, bây giờ vẫn còn ở ngoài quán rượu cũng chưa biết chừng. Từ ngày dân kinh thành lánh về đây, nó càng đua đòi lắm. Học thì lười mà chỉ mộng làm quan thôi.
Bà Dung bảo:
– Hay tại không được làm câu đương mà nó sinh ra như vậy.
– Không phải đâu cô ạ! Con tôi, tôi biết chứ, không được làm câu đương là phúc đấy. Thằng này làm quan thế nào cũng mang vạ vào thân mà khổ dân. Lúc nào cũng ra vẻ công tử phú gia, bây giờ không uống rượu ta nấu đâu. Thấy đám con cái các vương hầu ở kinh về uống rượu ngoại, nó cũng uống rượu ngoại. Toàn là rượu Hồi Hồi, Cao Ly, Bạch Man gì gì ấy, mấy lạng bạc một cốc, hôm nọ bán béng của tôi năm sào ruộng ở cánh đồng chùa rồi đấy.
Hai chị em đang nói chuyện thì Tô Đại Cơ từ ngoài chuệnh choạng bước vào, trông thấy bà Dung, y vội quỳ xuống chào theo kiểu một công tử gặp một mệnh phụ bề trên:
– Con xin kính chào công chúa ạ! Chúc công chúa thiên thiên tuế – Hắn quay sang bà Tô, nói – Bu!?
Bà Dung hỏi bà Tô:
– Cháu nó có việc gì thế chị?
– ối giời ơi! Nói làm gì cho nó đau ruột. Nó bảo cô có cho nó làm câu đương thì cứ lẳng lặng mà phong, đừng nói gì với chú ấy nữa. Thế có dở không? Việc nước việc dân mà cứ làm như đi ăn cỗ ấy.
Thiên Cực công chúa cười, nói:
– à ra vậy! Cháu muốn làm quan cũng đâu có khó, chỉ cần thoả mãn một trong hai điều sau thì không chỉ làm câu đương mà ngay đến chức huyện lệnh ta cũng lo cho được.
Tô Đại Cơ mừng quá nói hút cả hơi:
– Dạ dạ! Hai điều chứ hai mươi điều, hai trăm điều con cũng làm được ạ! Xin công chúa cứ dạy.
– Không cần nhiều đến thế. Ta chỉ cần cháu làm được một trong hai điều thôi. Một là phải có tài, hai là phải có công. Tài cháu không thuộc hết cuốn tam tự kinh. Bây giờ đang là thời loạn, cháu hãy ra lập công giúp nước lo gì không có công danh. Bằng lòng vậy không?
– Cháu bằng lòng ạ!
Thiên Cực công chúa nghiêm nét mặt nói:
– Tốt! Thị nữ đâu? Hãy ghi tên Tô Đại Cơ vào thập vận binh thứ chín, sáng mai cho chuyên chở vũ khí ra mặt trận.
Người thị nữ đứng bên cạnh dạ một tiếng, rút cuốn sổ ghi tên Tô Đại Cơ. Thiên Cực công chúa nhìn Tô Đại Cơ ra lệnh:
– Tô Đại Cơ! Từ hôm nay ngươi đã là người lính, phải tuân theo quân luật. Ta hẹn giờ Dần ngày mai ngươi phải có mặt trước trại lính để thừa hành công vụ. Trễ nải sẽ xử theo quân pháp. Ngươi còn nói gì không?
Tô Đại Cơ thấy thái độ của công chúa nghiêm như vậy, cũng chột dạ nhưng vì cái nhu cầu phải làm quan nó lớn qúa nên y vui vẻ nói:
– Dạ! Được công chúa nâng đỡ là phúc cho con lắm rồi, còn nói gì nữa ạ!
Vì Tô Đại Cơ say rượu lại lười quen nên sáng hôm sau mãi cuối giờ Mão mới thất thểu ra gặp Thiên Cực công chúa. Công chúa quát:
– Ta dặn ngươi giờ nào tới đây? Bây giờ là giờ nào rồi? Đội ngũ đã đi hết, ngươi định làm gì đây. Giám binh đâu? Binh lính không chấp hành giờ giấc, không theo kịp đội ngũ phải xử thế nào?
Viên giám binh bước ra thưa:
– Trình công chúa! Binh lính ngủ sớm dậy muộn, không chấp hành giờ giấc, trễ nải công việc, không theo đội ngũ, nhận lệnh không thi hành là lãn binh, phải chém.
Thiên Cực công chúa hô:
– Võ sĩ đâu? Lôi tên lính này ra chém cho ta.
Tô Đại Cơ gào lên:
– ối làng nước ơi! Công chúa toàn lừa tôi vào chỗ chết.
Thật là.
Nhờ chỗ quan ông, suýt mất cẳng còn đương tiếc
Cậy cửa quan bà, gần cụt cổ lại không thương.
Mời bạn đọc tiếp chương sau xem tính mạng Tô Đại Cơ thế nào.
Đ.T