Đan Thành
Nguyễn trạng nguyên bẻ sứ phương Bắc
Đan Thành
Nguyễn trạng nguyên bẻ sứ phương Bắc
Lê bảng nhãn chép sử cõi Nam
Trên kia đang nói Nguyễn Bằng cùng gia đình Phạm Hữu về đến đầu làng, trời đã tối lại thấy đinh tráng gậy gộc săn đuổi ai đó. Hai chàng vừa nhảy xuống xe, có người quát hỏi:
– Xe nào đây?
Nguyễn Bằng nói:
– Chúng tôi đây.
Trong ánh đuốc có người nhận ra, reo lên:
– A! Quan quân dược hiệu uý Phạm Hữu! Ơ lại cả quan huyện lệnh Nguyễn Bằng nữa.
Mọi người đều chắp tay bái chào. Phạm Hữu nói:
– Không dám! Không dám! Chúng tôi bây giờ không phải là quan nữa rồi, về nhà sống cùng dân làng, mong bà con giúp đỡ. Chẳng hay làng ta có chuyện gì mà ồn ã vậy?
Một thanh niên tiến lên nói:
– Tôi là Nguyễn Vĩ Thử, lý tể làng này, xin các vị cho xem tín thẻ.
Nguyễn Bằng, Phạm Hữu cùng rút tín thẻ đưa ra. Vĩ Thử xem xong cho đi. Đám tráng đinh vẫn nhao nhao đuổi bắt ai đó. Nguyễn Bằng nói với Phạm Hữu:
– Quái! Cái thằng này là con xã quan Nguyễn Vĩ Thố đây mà, nó lạ gì mình mà còn đòi xem thẻ, nghe nói nó trốn lính năm lần bảy lượt, chẳng hiểu sao lại làm lý tế làng này thế nhỉ?
Phạm Hữu cười nói:
– Thì tôi đã bảo đừng tưởng về quê là thoát cái nạn quan đểu mà lại.
Lúc về đến nhà, Nguyễn Bằng hỏi vợ xem trong làng xảy ra việc gì. Phạm Thị nói:
– Hai bác với thày em không biết chứ ở nhà bây giờ nhiễu nhương lắm. Lý Thử lùng bắt con Điệp đấy.
– Cô Điệp làm sao mà bị lùng bắt.
– Ôi dào! Thật khổ. Lý Thử phải lòng con Điệp nhưng con Điệp nó chê lý Thử là hèn nhát trốn lính, làm quan thì hách dịch thất đức. Dạo đánh Thát, lý Thố mang dân làng đi phu dịch phục vụ quan binh lên tận Nguyệt Đức, chẳng may bố con Điệp ngã nước phải vay của của lý Thố năm đồng bạc mua thuốc nhưng khi về làng được ít lâu thì cũng chết. Sau giặc Thát thua chạy, quan trên mang sắc chỉ khen thưởng những người có công. Nguyễn Vĩ Thố vì có công đưa dân phu đi phục vụ quan binh, được điều lên làm việc ở huyện. Nguyễn Vĩ Thử được làm lý tể vì khi đi dân phu đã làm tốt việc nấu ăn cấp dưỡng cho mọi người. Đến nay con Điệp vẫn chưa trả được món nợ, định gán mảnh vườn nhưng lý Thử không chịu, muốn bắt con Điệp về làm vợ bé, nó phải trốn đi.
Phạm Hữu bảo:
– Thế mà dân làng không ai bênh con bé à?
Phạm Thị bảo:
– Bác bảo ai dám động đến lý Thử bây giờ, bố nó chả mang lính trên huyện về bắt đi sớm.
Nguyễn Bằng bảo:
– Huyện cũng còn huyện lệnh và các cai kí khác nữa chứ, phải đâu chỉ có bố con nó.
Phạm Thị nói:
– Thày em cứ như trên giời rơi xuống ấy. Các quan trên huyện có về nhà nó đánh chén, chơi tổ tôm, ôm đào hát thì có, chứ những việc như thế ai bõ làm. Bênh một con bé mồ côi, chẳng được cái gì lại mất lòng đồng liêu, họ ngại.
Nguyễn Bằng lắc đầu nói:
– Cứ tưởng mùa Đông qua là mùa Xuân toàn cỏ cây tươi đẹp.
Phạm Hữu bảo:
– Thì ai bảo mùa Xuân cỏ cây không tươi đẹp? Càng tươi đẹp càng lắm sâu bọ nhoi ra có gì là lạ.
*
Bấy giờ là năm Thiệu Long thứ tư (Tân Dậu-1261) quan thái sư Trần Thủ Độ tuổi cao sức yếu thường nghỉ ở thái ấp Quắc Hương, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đóng binh ở Vạn Kiếp, đại tướng quân Lê Tần nắm giữ thuỷ quân. Các việc trong triều do quan đại hành khiển Nguyễn Giới Huân sắp đặt. Mùa Hè, nhà Nguyên cho sứ thần là lễ bộ lang trung Mạnh Giáp, viên ngoại lang Lý Văn Tuấn mang thư của vua Nguyên Hốt Tất Liệt sang dụ. Trong thư có đoạn đại lược như sau:
“ Quan liêu sĩ thứ An Nam, phàm việc mũ áo, lễ nhạc, phong tục đều căn cứ theo lệ cũ nước mình, không phải thay đổi. Huống chi, nước Cao Ly mới rồi sai sứ sang xem, đã xuống chiếu cho hết thảy đều theo lệ ấy. Ngoài ra đã răn bảo các biên tướng ở Vân Nam không được tự tiện đem quân lấn cướp các nơi cương giới, quấy nhiễu nhân dân. Quan liêu sĩ thứ nước ngươi yên ổn làm ăn như cũ ”
Nhà vua mở tiệc đãi yến bọn Mạnh Giáp ở cung Thánh Từ. Hôm sau lên điện, nhà vua nói:
– Ngày nay nhà Nguyên cho sứ thần đến. Trẫm muốn cử sứ bộ sang Nguyên thông hiếu. Các khanh bàn xem nên cử người nào đi cho lợi.
Quan đại hành khiển Nguyễn Giới Huân tâu:
– Thần cho rằng quan hàn lâm viện học sĩ kiêm quốc tử viện giám tu là Lê Văn Hưu có thể cử đi được. Người này học rộng tài cao, thông kinh bác sử, làm việc cẩn trọng, ứng đối mau lẹ chắc không làm hổ thẹn quốc uy.
Quan hàn lâm viện thị độc là Trần Chu Hinh bước ra tâu:
– Thần cho rằng việc bang giao với nhà Nguyên không ai hơn Lê Phụ Trần, ông ấy đã quen đi lại với người Nguyên. Hoàng thượng nên cử ông ấy đi thì hơn.
Quan thị lang Trương Xán nói:
– Quân tình là việc trọng không thể mỗi lúc thay người thống suất. Lê đại tướng quân là cột trụ của quân đội không thể để đi sứ.
Các quan người nói này người nói kia rốt cuộc vẫn không chọn được ai đi sứ. Quan thái phó Trình Quốc công Phạm Văn Tuấn tâu.
– Thần nghĩ nên hỏi Nguyễn thượng thư hẳn có ý kiến hay.
Thánh tông nhớ ra, ồ lên một tiếng nói:
– Khanh không nhắc thì trẫm quên mất cuốn bách khoa toàn thư này.
Nguyễn thượng thư là ai mà Thánh tông đề cao đến như vậy? Người ấy họ Nguyễn tên Hiền quê quán ở xã Dương A, huyện Thượng Hiền, đỗ trạng nguyên khoa thi năm Đinh Mùi (1247), lúc ấy mới mười ba tuổi. Khi vào bái yết nhà vua, Thái tông thấy chú bé loắt choắt, mang mũ áo trạng nguyên rộng thùng thình, vua hỏi:
– Trạng học với ai?
Nguyễn Hiền đáp ngay:
– Tôi học ở chùa, thỉnh thoảng mới hỏi sư cụ vài chữ .
Vua thấy trạng nói cụt ngun ngủn, liền phán:
– Nhà ngươi tuy đã đỗ trạng nguyên nhưng tính khí còn con trẻ, về nhà học lễ phép trong ba năm rồi hãy ra làm quan.
ít lâu sau có sứ thần phương Bắc sang, muốn thử xem triều đình Đại Việt có người tài không, liền đưa ra một câu đố như sau:
Lưỡng nhật bình đầu nhật
Tứ sơn điên đảo sơn
Lưỡng vương tranh nhất quốc
Tứ khẩu tung hoành gian.
Cả triều đình không ai giải được. Nguyễn Quang Quan xin nhà vua cho mời tân quan trạng Nguyễn Hiền. Thái tông liền cử Ngô Khắc tức tốc phi ngựa về quê tìm Nguyễn Hiền. Khi tìm đến nhà chỉ thấy một chú bé đang lúi húi đun bếp lại lấy que cời tro vẽ mày râu lên ông bồi rau, Ngô Khắc liền thử đọc một câu đối:
– Ngã văn quân tử viễn bào trù, hà sự tu mi táo (Tôi nghe nói người quân tử nên tránh chỗ bếp núc, việc gì phải sửa râu mày cho ông táo thế).
Chú bé ứng khẩu đối ngay:
– Ngộ bản hữu quan cư đỉnh nại, khả dĩ tạm điều canh (Ta vốn làm quan ở hàm khanh tướng, bây giờ tạm nấu canh thôi).
Ngô Khắc biết rõ là Nguyễn Hiền đây rồi, liền đưa chiếu chỉ của vua gọi. Hiền nói:
– Nhà vua bảo ta không biết lễ, thực ra vua cũng chẳng hơn gì. Đây dẫu không có Ngọa Long cương nhưng lẽ nào không có sông Vị Thuỷ.
Hiền nói rồi nhất định không tuân chỉ. Ngô Khắc vội trở về tâu lại. Triều thần có người nói Nguyễn Hiền ngông cuồng, không tuân chỉ là khi quân phạm thượng xin nhà vua giáng tội. Nguyễn Quang Quan nói:
– Nguyễn Hiền không tuân chỉ là có tội nhưng lời nói không phải không có lý, điều đó càng chứng tỏ tân trạng nguyên tuy còn nhỏ tuổi nhưng đã có khí tiết khác người. Xin hoàng thượng lấy lễ cầu hiền mà đón, sau này nếu không có tài thì trị tội cũng chưa muộn.
Thái Tông nghe theo, cho Ngô Khắc mang quân lính võng lọng đến đón, Hiền mới chịu đi. Dọc đường Ngô Khắc sợ Nguyễn Hiền không giải được câu đố mới nói trước cho biết. Hiền cười bảo:
– Điều đó có khó gì. Ông ra mua cho tôi một cái bánh chưng.
Hôm sau nhà vua thiết triều. Sứ giả phương Bắc nghêng ngang tự đắc cho rằng Đại Việt không thể giải được câu đố. Nhà vua phán:
– Những trò chơi chữ kiểu học trò con nít này đâu cần bận tâm đến các đại thần, để ta bảo một chú bé giải câu đố ấy- Quay sang bảo thị thần gọi Nguyễn Hiền vào, lại bảo sứ giả- Nhà ngươi nói lại câu đố với chú bé này đi.
Sứ giả nhìn chú bé cười khinh mạn, đọc lại câu đố. Nguyễn Hiền cười ngất, bảo:
– Tưởng câu đố khó thế nào. Ông đã có công sang nước tôi mà lại lấy sản vật nước tôi ra đố thì ai chả biết. Thứ này người Đại Việt có từ thời Hùng vương cơ. Người ta ăn chán ra rồi. Nó là cái bánh chưng này này.
Nói xong, Nguyễn Hiền móc cái bánh chưng đặt toạch lên bàn. Sứ thần cười ồ lên bảo:
– Không đúng rồi! Không đúng rồi.
Cả triều đình mặt tái mét. Riêng Nguyễn Hiền bình tĩnh văn lại sứ thần:
– Đúng chứ sao không đúng?
Sứ Bắc bảo:
– Nhà ngươi hãy giải cho rõ, nếu không có lý thì phải đánh đòn.
Nguyễn Hiền ung dung nói:
– Nếu tôi nói có lý thì sao?
Sứ Bắc nghĩ nắm chắc phần thắng trong tay mới nói quyết rằng:
– Ngươi nói có lý thì ta đi chân đất mà về, quyết không đòi cống phẩm gì hết.
Nguyễn Hiền nói:
– Xin cả triều đình làm chứng cho. Xin hoàng thượng ban cho giấy mực.
Thái Tông truyền lấy giấy mực. Nguyễn Hiền bảo sứ thần:
– Xin ngài hãy vẽ cái bánh chưng này đi rồi sẽ biết, nó chỉ là một hình vuông với hai cái lạt buộc chữ thập ở giữa thôi.
Cả triều đình cười ồ lên ai cũng hiểu ra đó là chữ điền. Chữ điền gồm hai chữ nhật ghép sát nhau, hoặc bốn chữ sơn châu đầu vào nhau, hoặc hai chữ vương đặt vuông góc tại điểm giữa nhau, hoặc bốn chữ khẩu dồn khít lại. Sứ thần phương Bắc không thể nói gì được nữa, đành tháo giầy đi chân đất lủi thủi ra về. Thái Tông tươi cười phán:
– Tân trạng nguyên tuổi trẻ tài cao. Trẫm phong hàm thượng thư.
Nhà vua nói xong, lại ban thưởng rất hậu. Trên kia đang nói việc Phạm Văn Tuấn khuyên vua Trần Thánh Tông hỏi ý kiến Nguyễn Hiền xem nên cử ai đi sứ sang thông hiếu với nhà Nguyên. Lúc ấy Nguyễn Hiền đang đi kinh lý miền ven biển, nhận được chỉ dụ liền về triều ngay. Được nhà vua hỏi, Nguyễn Hiền tâu:
– Thần nghĩ việc này nên giao cho thông thị đại phu Trần Phụng Công, chư vệ kí ban Nguyễn Thám làm phó sứ thì không phải lo gì nữa.
Khi bọn Mạnh Giáp, Lý Văn Tuấn trở về Nguyên,Thánh Tông cho Trần Phụng Công làm chánh sứ, Nguyễn Thám làm phó sứ, lại cử thêm viên ngoại lang Nguyễn Diễn cùng theo đoàn sứ Nguyên sang kinh đô Khai Bình của nhà Nguyên. Quả nhiên như lời Nguyễn Hiền dự đoán, đoàn sứ bộ do Trần Phụng Công dẫn đầu đã hoàn thành sứ mệnh bang giao. Vua Nguyên phong Trần Thánh Tông làm An Nam quốc vương, lại gửi tặng ba tấm gấm Tây Thục, sáu tấm gấm Kim Thục.
Lúc bấy giờ dân nước làm ăn yên ổn trong ba bốn năm không có nạn binh đao, nhưng khắp nơi bọn tham quan ô lại gây sự phiền hà sách nhiễu bách tính. Quan thượng thư Nguyễn Hiền tâu rằng:
– Nay thống quốc thái sư già yếu, xã tắc thiếu người gánh vác. Bọn tham quan nhân cơ đục nước hà hiếp muôn dân. Xin hoàng thượng cất nhắc người lương đống để trông coi việc triều chính.
Nhà vua nói:
– Trong hai người Quốc Khang và Quang Khải ta muốn phong một người làm thái uý, các khanh hãy chọn cho ta.
Nói xong, nhà vua nhìn quan học sĩ Lê Văn Hưu có ý dò hỏi. Nhưng vì Lê Văn Hưu là thầy của Trần Quang Khải nên giữ ý không nói. Quan thẩm hình viện Đặng Ma La tâu:
– Chiêu Minh đại vương Trần Quang Khải là người kiêm văn toàn võ, bác sử thông kinh, nghiêm trang mực thước nên chọn.
*
Các quan đều cho là phải. Nhà vua liền phong cho Trần Quang Khải làm thái uý. Ngô Tần bước ra tâu:
– Hưng Đạo vương nay nắm binh quyền đóng ở Vạn Kiếp. Thần nghe khi xưa An Sinh vương sắp qua đời có dặn lại những lời phản nghịch. Xin hoàng thượng lưu tâm minh xét.
Phạm Văn Tuấn nói:
– Tôi không tin Hưng Đạo đại vương lại phản trắc. Nay người Nguyên đang dồn người Tống đến bước đường cùng. Nếu nước Tống mất, ắt đến lượt nước ta. Mong hoàng thượng chăm lo hơn nữa việc binh bị.
Đại phu Trần Phụng Công nói:
– Trình quốc công nói đúng lắm. Thần cũng cho rằng người Nguyên hoà mục với ta chỉ là kế hoãn binh chờ thời mà thôi. Xin hoàng thượng tăng cường binh lực hơn nữa.
Quan hàn lâm học sĩ Lê Văn Hưu tâu:
– Từ xưa tới nay các bậc thánh đế đều lấy việc sửa mình, chăm lo cho dân được an lạc âu ca làm điều cội rễ. Xin quan gia trừ bỏ bọn tham quan ô lại để muôn dân bách tính được thấm nhuần ơn mưa móc.
Thánh tông khen phải. Tháng hai năm sau (1262), thượng hoàng ngự ở hành cung Tức Mặc, ban tiệc lớn. Các hương lão từ sáu mươi tuổi trở lên, mỗi người được ban tước hai tư, đàn bà được hai tấm lụa.
Tháng ba cho chế tạo vũ khí, chiến thuyền. Quân thuỷ lục tập trận trên chín bãi phù sa sông Bạch Hạc. Mùa Thu, tháng chín soát lại số tù, kẻ nào khi quân Nguyên sang mà đầu hàng thì không tha. Một hôm Thánh tông ngự thuyền rồng trên sông, nhìn dòng nước cuồn cuộn chảy, nhà vua hỏi:
– Sông này chảy vào nước ta từ địa phận Quy Hoá, vậy nguồn cội nó ở nơi nào?
Lê Văn Hưu bước ra tâu:
– Sông này bắt nguồn từ hồ nước trên miền núi cao của người Tạng, chảy qua đất Đại Lý hai nghìn sáu trăm dặm rồi đổ vào nước ta từ địa phận Quy Hoá ra đến cửa bể Đại Bàng một nghìn tám trăm dặm nữa, cả thảy là bốn nghìn bốn trăm dặm.
Nhà vua nói:
– Sông có ngọn nguồn người có tổ tông, vậy nước Đại Việt ta có từ bao giờ?
Hưu tâu:
– Muôn tâu hoàng thượng! Giống người Việt Thường ta có từ thủa hồng hoang mờ tối nhưng đến họ Hồng Bàng mới lập quốc, tới nay đã mấy nghìn năm, trải nhiều quốc hiệu, thời vua Hùng tên nước là Văn Lang, vua An Dương vương tên nước là Âu Lạc, đến nhà Tiền Lý đặt tên nước là Vạn Xuân, Vua Đinh Tiên Hoàng lấy tên nước là Đại Cồ Việt, đến vua Thánh tông nhà Hậu Lý (1054) mới lấy tên là Đại Việt.
Vua khen:
– Ai cũng nói khanh là người học sâu biết rộng, quả không sai. Nhưng các khanh hãy nói họ Hồng Bàng lập quốc thế nào?
Quan ngự sử trung tướng Trần Chu Phổ tâu:
– Lê học sĩ nói như thế cũng còn chưa đủ. Nước ta có thể xem như bắt đầu lập quốc từ thời Kinh Dương vương Lộc Tục. Con Lộc Tục là Sùng Lãm nối ngôi cha gọi là Lạc Long Quân đặt quốc hiệu là Xích Quỉ. Lạc Long Quân lấy con gái đế Lai là bà Âu Cơ…
Nhà vua ngắt lời:
– Chuyện bà Âu Cơ sinh ra một trăm trứng thì ta biết rồi nhưng Xích Quỉ là cái gì mà lại lấy làm tên lập quốc. Ta chỉ thấy nói giống chim cá rắn rùa đẻ trứng chứ chưa thấy nói giống người, giống tiên đẻ trứng bao giờ, những chuyện hoang đản như thế liệu có nên tin chăng?
Tân trạng nguyên phò mã Trần Quốc Lặc tâu:
– Những chuyện truyền thuyết trong dân gian đương nhiên được người đời thêu dệt nên, nước nào chả có. Nước Tàu có văn tự đã lâu nhưng những chuyện Nữ Oa, Bàn Cổ cũng chỉ là hoang truyền mà thôi, huống chi nước ta thời ấy lại không có văn tự.
Nhà vua hỏi:
– Vậy thì sự thật về Lạc Long Quân và Âu Cơ là thế nào?
Lê Văn Hưu tâu:
– Tân trạng nguyên nói rất có lí. Xin quan gia tha tội, thần trình bày một giả thuyết về thời ấy.
Thánh tông nói:
– Khanh cứ trình bày, càng sát thực bao nhiêu càng tốt.
Lê Văn Hưu chậm rãi kể:
– Vâng! Có thể Lạc Long Quân chính là Sùng Lãm con trai Kinh Dương vương Lộc Tục. Ngày ấy núi rừng còn hoang vu lắm, đời sống thiếu thốn nhiều; vải, lụa cũng chưa có như bây giờ. Vua dùng ống tre uống nước, lá cây để đóng khố, tuy nhiên tình yêu và tính ghen tuông đã có lâu rồi. Lạc Long Quân sau khi lên ngôi vua, lấy bà Âu Cơ, hai người cũng chỉ sinh đẻ bình thường thôi chứ không đến một trăm con trai hay một trăm quả trứng. Khốn nỗi tính đàn ông ai còn lạ gì, vì Lạc Long Quân phải đi tuần thú trong địa phận của mình luôn luôn nên cũng có quan hệ với nhiều người đàn bà khác nữa, đẻ ra một số con trai. Đương nhiên hồi ấy chưa có cái gọi là cô đầu đào hát như bây giờ. Việc ấy khiến bà Âu Cơ đau lòng lắm nhưng vì bà là người nhân hậu đoan chính nên mới bảo Lạc Long Quân mang những người con trai ấy về để bà nuôi dạy, cho cùng ăn cùng ngủ chung với con mình, đêm lạnh cùng chui vào một tấm chăn vỏ cây lớn mà giãy đạp lùng nhùng như một chiếc bọc. Vì thế người thời ấy mới nói đùa là bà Âu Cơ sinh ra cái bọc có trăm trứng. Về sau người ta tưởng thật.
Lê Văn Hưu ngừng lời. Thánh tông đang chăm chú lắng nghe, hỏi:
– Thế làm sao mỗi người lại phải mang năm mươi con đi một nơi?
Lê Văn Hưu đáp:
– Tâu hoàng thượng! Bà Âu Cơ nghĩ rằng đưa các con chồng về nuôi để Lạc Long Quân yên lòng ở nhà tu chí làm ăn, chăm lo triều chính nhưng không ngờ cái trò quan hệ nam nữ nó như anh nghiện rượu, không mắc vào thì thôi, đã mắc các quan đều biết đấy, đố gỡ ra được. Thỉnh thoảng bố Lạc Long Quân nhà ta vẫn chuồn ra ngoài cải thiện. Sự chịu đựng của ai cũng chỉ có hạn nên mẹ Âu Cơ mới tỏ ý không bằng lòng. Thế là hai ông bà hoá ra xích mích.
Một viên quan bảo:
– Có lẽ đâu lại thế. Vua đi ra ngoài dễ gì để vợ biết bao giờ.
– Biết chứ sao! Ngày ấy làm gì có quán rượu, quán hát. Bố nào mò ra ngoài là vợ con biết ngay chứ chả như các thày bây giờ lấy lí do công kia việc nọ đi thâu đêm tối ngày chẳng ai biết đấy là đâu.
Vua Thánh tông gật gù nói:
– ừ! Cũng có lí, cũng có lí. Xong rồi thế nào nữa? Lê học sĩ kể tiếp đi.
Lê Văn Hưu tiếp:
– Tâu hoàng thượng! Sự xích mích mỗi ngày một thêm gay gắt, về sau mẹ Âu Cơ sinh ra lạnh lùng. Những lần Lạc Long Quân đi đánh rồng tinh ở vịnh Hạ Long, mộc tinh ở Bạch Hạc về, Âu Cơ cũng chẳng cho là thật. Lạc Long Quân nghĩ mình oan, tức quá mới bảo:“Tôi với bà sống chẳng hợp nhau, thôi thì tôi phải đi khỏi cái nhà này để bà hài lòng”, thế là đùng đùng đem năm mươi người con xuống vùng đồng bằng ven biển lập nghiệp, trải bao gian khó mới dựng nên được nước Văn Lang.
Một viên quan hỏi:
– Ơ! Chẳng lẽ vợ chồng bỏ nhau dễ thế à?
– Hồi ấy có giá thú văn tự gì đâu mà chả dễ. Bây giờ đủ cả giấy nọ tờ kia còn bỏ nhau xoành xoạch nữa là.
Vua Thánh tông bảo:
– Có lẽ vậy! Có lẽ vậy. Trẫm giao cho Lê học sĩ cùng ngự sử Trần Chu Phổ hãy hợp nhau biên chép lại mọi việc chính sự từ trước tới nay để truyền cho muôn đời mai hậu.
*
Trời tối đen như người bịt mắt, Điệp chạy đã xa làng, xem chừng bọn tráng đinh nhà lý Thử không đuổi đến nữa, cô ngồi thụp xuống bờ ruộng bưng mặt khóc. Cô không dám oán trách ai. Cha con Vĩ Thố, Vĩ Thử là người có công với nước, oán trách người có công với nước là có tội, triều đình đã bảo thế, nhà vua đã bảo thế. Điệp chỉ còn biết tự trách mình đã sinh ra trong cảnh đói nghèo và tủi cho cái nhan sắc của mình bây giờ không biết để cho ai. Bằng lòng lý Thử ư? Người ta bảo hắn có công, không biết hắn lập công ở đâu nhưng cô chỉ thấy hắn nhiều lần trốn lính. Điệp đã từng hò hẹn với Mai Văn Lương, hai đứa trẻ con nhà nghèo phải lòng nhau còn chưa có lời nói cùng cha mẹ. Giặc Thát sang, Mai Văn Lương vào lính, anh nằm lại bên bờ sông Nguyệt Đức. Điệp chờ đến cái ngày người ta treo vào giữa túp lều rách nát của mẹ anh tấm đại tự với ba chữ vàng chói tử vị quốc. Cô khóc đến cạn nước mắt vì cái chết của cha và cái tin Mai Văn Lương tử trận. Cô không biết chữ, không hiểu nhiều về ý nghĩa cuộc đời, chỉ lờ mờ nhận thấy mình sống không còn để làm gì. Giờ đây cô không thể trở về ngôi nhà của mình nữa. Khóc chán, Điệp đứng dậy dò dẫm bước đi giữa khoảng đồng không tăm tối mịt mùng. Thế là hết, cha mẹ, tình nhân, nhà cửa và cả quê hương, tất thảy đã trôi vào dĩ vãng. Điệp cắm đầu đi trong đêm, chẳng biết đi đâu, bước thấp bước cao, ngã lên ngã xuống, càng đi càng xa làng Cao Duệ thuộc huyện Trường Tân nơi quê hương gốc gác của cô, đến sáng thì tới một khu chợ nhỏ ven đường, hỏi thăm mới biết đây đã thuộc về phủ Đường An. Điệp vào chợ xin ăn. Có người đàn bà mặc chải chuốt, đánh mắt nhìn Điệp một lượt từ đầu đến chân, bảo:
– Con gái xinh xẻo thế này sao phải đi xin ăn. Trốn chồng phải không? Có muốn làm việc với mợ thì mợ đưa về. Hừ! Cũng được đây.
– Dạ! Mợ muốn việc gì cháu cũng làm được ạ.
– Việc thì thiếu gì, chỉ sợ các cô cao giá không chịu làm thôi.
– Dạ! Được mợ cứu giúp, dẫu có làm trâu làm ngựa cháu cũng không ngại.
– Làm trâu, làm ngựa! Sao không nghĩ phải làm người cho nó ra con người có hơn không. Ăn ngon mặc đẹp, múa hát lại chả sướng hơn cửi trần đi cày, kéo xe à?
Nói xong người đàn bà nắm tay Điệp dắt đi. Đến một khu dinh thự cổng cao, trụ cổng tạc hình hoa lá cong lượn như cổng đình. Phía trên cổng có ba chữ đại. Điệp không hiểu là chữ gì cứ mơ mơ hồ hồ ngoan ngoãn đi theo người đàn bà như con chó con theo chủ. Vào đến thềm có hai cô gái chạy ra chào:
– Mợ Hồng đã về! Chúng con chào mợ ạ.
Mợ Hồng đảo con mắt sắc như dao cạo, nói với hai cô gái:
– Đây là em Mộng Điệp. Nó còn dại, các con lo cho em ăn mặc tươm tất nghe chưa?
Mợ Hồng quay sang bảo Điệp:
– Đây là chị Mơ, chị này là Huệ. Hai chị ấy sẽ lo ăn mặc cho con. Hôm nay, ngày mai cứ nghỉ ngơi cho lại sức chưa phải làm gì vội.
– Thưa mợ! Con tên là Điệp chứ không phải là Mộng Điệp đâu ạ.
– Thì từ hôm nay đổi đời, tên là Mộng Điệp có sao. Thôi con Mơ đưa em xuống nhà ăn uống rồi tắm rửa thay áo xống đi.
Điệp theo Mơ xuống nhà ngang ăn cơm trắng với cá rán, thịt đông, rau canh cải. Đó là những món ở nhà dẫu nằm mơ Điệp cũng không dám nghĩ tới. Mợ Hồng thấy Điệp ăn uống ngon lành, có vẻ bằng lòng lắm. Ăn xong Mơ dẫn Điệp ra vườn sau tắm trong một chiếc hồ hình bán nguyệt xây gạch xung quanh. Mơ đưa cho Điệp một bộ váy áo mới tinh bằng thứ lụa hồng thêu kim tuyến óng ánh bảo không được mặc váy áo cũ nữa. Điệp ngại ngần không dám mặc. Mơ bảo:
– Thôi cứ mặc vào em ạ! Đã trót nuốt miếng cơm của nhà này khó nhả ra lắm đấy.
– Sao chị không bảo em trước?
– Mợ Hồng biết chị nói với em thế này thì chị chết đòn ngay. Có chị vì hở lời đã bị đánh đến gần chết đấy. Chị em mình đành vậy, biết làm sao.
– Thế ở đây chị em mình phải làm việc gì hả chị?
– Điều đó chị không thể nói với em. Sau rồi em sẽ biết.
Điệp đã lờ mờ hiểu ra điều gì, cô không mặc bộ đồ mới, chạy thẳng vào nhà tìm mợ Hồng. Lúc ấy mợ Hồng đang ngồi cùng một người đàn ông trẻ tuổi, ăn mặc bảnh bao có cốt cách của một quan nhân hay một công tử con nhà thế phiệt. Phía sau người ấy là một gã đàn ông mặt mũi dữ dằn, râu quai nón đứng hầu. Mới trông thấy y, Điệp đã hết cả hồn vía. Mợ Hồng vừa thoáng thấy Điệp, quát:
– Con Điệp phải không? Sao không thay áo sống đi rồi ở dưới ấy. Ai cho mày lên đây?
– Dạ thưa mợ! Bộ váy áo ấy đẹp quá; những kẻ bần hàn như con sao dám mặc ạ. Mợ đã cứu con, cho ăn uống thế là con biết ơn lắm rồi. Sau này có dịp xin đền đáp.
Mợ Hồng trừng mắt, nói:
– A! Con này muốn giở qủe. Thế mà xoen xoét cái mồm làm trâu làm ngựa cũng làm. Đứa nào nói gì với mày hả? Con Mơ đâu rồi? Lên đây! Mày nói gì với nó?
Cô Mơ mặt mũi tái nhợt, lên quì giữa nhà. Điệp vội nói:
– Chị Mơ không nói gì với con đâu ạ. Chỉ vì con nhớ bố mẹ nên muốn về thôi.
– Sao mày bảo bố mẹ chết hết cả rồi? Con này ghê thật, dám lừa bịp kiếm ăn à? Này bà nói cho mà biết, cơm nhà bà ngon thật đấy nhưng không dễ nuốt đâu nhé. Tử tế thì bà đùm bọc chứ còn lừa đảo, bà cũng không cần nghe chửa. Thôi giả tiền cơm cho bà rồi xéo đi đâu thì xéo khuất mắt. Bữa cơm bà chỉ lấy bốn xu rưỡi thôi.
– Lạy mợ con…
Chị Mơ kéo áo Điệp bảo:
– Thôi! Xin lỗi mợ đi rồi xuống đây.
Người đàn ông râu quai nón nhìn trừng trừng làm Điệp chết khiếp, cô nói như một con rối:
– Con xin lỗi mợ! Con xin lỗi mợ.
Rồi lùi lũi theo chị Mơ xuống nhà ngang.
*
Sáng nay nắng nhẹ trời mát, anh lính Thân Văn Khoai vui vẻ sắp đi nhận phiên gác bỗng ngoài doanh có người hô:
– Quan hàn lâm viện thị độc tới.
Quan hàn lâm viện thị độc Trần Chu Hinh hô to:
– Hoàng thượng có chỉ.
Mọi người nhất loạt quì xuống bái mệnh. Quan thị độc dõng dạc đọc:
– Lính tốt Thân Văn Khoai khi trước theo thượng hoàng đánh giặc, có công hộ giá ở Bình Lệ nguyên, chưa được khen thưởng. Nay trẫm đặc cách phong làm đô trưởng. Khanh hãy hết lòng phục vụ triều đình, lập công hơn nữa.
Thân Văn Khoai vui mừng khôn xiết, bái lạy tạ ơn lĩnh chỉ. Quan thị độc lại gọi quân hầu mang vàng lụa của thượng hoàng ban cho Thân Văn Khoai, trước khi về còn dặn dò:
– Ta đã được nghe chính thượng hoàng nói về công lao của nhà ngươi. Bây giờ trong tay ngươi nắm mạng sống của một trăm binh lính. Hãy cố gắng làm cho tốt chức nhiệm.
Khi quan thị độc về rồi, đám lính mới nhao nhao đòi Văn Khoai kể chuyện chiến công. Văn Khoai nói:
– Có gì đáng gọi là chiến công đâu. Hôm thượng hoàng rút từ Bình Lệ về Lãnh Canh, con ngựa của người bị trúng một mũi tên ngã quị. Tôi liền nhường ngựa của tôi cho người, chạy bộ theo. Về sau không theo kịp nữa, tôi nấp trong rừng bắn chết một thằng Thát, cướp lấy ngựa chạy kịp về Lãnh Canh cùng quan binh xuống thuyền.
Đám tân binh cùng reo lên:
– Đô trưởng của chúng ta giỏi quá.
Lúc ấy Trịnh Quang Minh đã được ân xá trở về làm thập trưởng. Văn Khoai khoác tay Quang Minh, nói với mọi người.
– Tôi chỉ có chút công thừa, không thể nói là giỏi. Các chú mới về không biết, bác Quang Minh đây mới thật là người giỏi. Bác ấy đã được đích thân thống quốc thái sư tiếp chuyện và ban thưởng. Tôi chỉ đáng là học trò của bác ấy thôi. Tất cả anh em chúng ta còn phải nhờ bác ấy chỉ bảo nhiều đấy.
Trịnh Quang Minh đang buồn vì phải làm cấp dưới của Thân Văn Khoai nhưng được lời giới thiệu ấy cũng hởi lòng hởi dạ. Vì thế từ quan đến lính trong đô vệ binh thân thiết nhau lắm. Chiều hôm ấy Văn Khoai bỏ ra mấy lạng bạc bảo nhà bếp làm bữa nhắm đãi anh em trong cả đô, lại mời đô trưởng của mấy đô tứ sương, hổ bôn bên cạnh nữa. Trong bữa tiệc, Văn Khoai nhường Quang Minh ngồi ghế trên, tôn như bậc thầy. Quang Minh lấy làm vinh hạnh lắm, ai nấy đều cho Văn Khoai là người nghĩa khí. Mấy hôm sau nhân được ngày nghỉ, Quang Minh rủ Văn Khoai:
– Nghe nói ở La thành có quán rượu Phúc Tình nhiều món ngon lắm, tôi với chú ta ra làm vài chén đi.
Văn Khoai đang cao hứng nên nhận lời ngay. Quán rượu Phúc Tình trên mặt phố gần hồ Lục Thuỷ, quả khang trang sạch sẽ, phía trước là hai dãy đại sảnh có gác dành cho khách uống rượu, phía sau là mấy dãy nhà có phòng kín để khách quá chén nghỉ ngơi, lại có cả phòng ngũ cung để tao nhân mặc khách cùng đào nương đàn hát. Trên lầu, dưới nhà chỗ nào cũng treo đèn lồng rực rỡ. Trên vách phòng rượu trưng nhiều bức tranh thuỷ mặc khổ lớn, phòng nghỉ của khách dán tranh vũ nữ có cô hở cả đùi cả rốn. Cơ ngơi này mấy năm nay phát đạt là nhờ sự liên kết giữa mợ Tư Phúc với thầy lý tể Vũ Tình.
Sau cái đận đi tìm mộ anh Tư Phúc về, thày lý Vũ Tình tỏ ra quan tâm đến gia đình có công với nước hơn, đến thăm vợ con anh Tư Phúc luôn. Cái thân hình mềm mại của người đàn bà còn đang độ căng đầy sự ham muốn thể xác được che giấu dưới lần áo vải sồi lam lũ như xui khiến mời gọi thày lý làm điều tội lỗi. Khi đã đạt được cái mình muốn, thày lý phát hiện ra một điều, sự vụng trộm tội lỗi đó chính là niềm hạnh phúc sâu sắc của cuộc đời. Thày lý đã giúp mẹ con chị Tư Phúc dựng được một quán rượu nhỏ ở đầu phố, có một khoản thu đủ để ba mẹ con chị sống yên ổn. Nhưng chẳng ai muốn được cái gì một cách dở dang, một bữa thày lý bảo:
– Tôi với mợ đã đến nước này, để tôi kiếm cơi trầu đón mợ về đằng ấy. Mợ nghĩ thế nào?
– Về đằng ấy với thầy lý để mợ lý xé xác em ra ư? Lại còn hai đứa con của em nữa, thày lý cũng đã có một đàn con rồi, việc xử sự càng thêm khó. Chi bằng ta cứ thế này mà hưởng lộc trời có hơn không. Vả lại ở đằng này mỗi tháng triều đình còn cấp cho em mấy quan tiền tuất, được tiếng là vợ người tử vị quốc giữ gìn tiết hạnh chứ về đằng ấy đã chịu cảnh lẽ mọn lại mất hết quyền lợi. Em chả vào.
– Mợ nghĩ thế cũng là hết nhẽ, nhưng tôi đi lại đây mãi sao tiện. Vả lại, gần gũi nhau luôn nhỡ có con thì mợ còn giữ làm sao được chữ tiết hạnh nữa.
Tư Phúc gí ngón tay vào mũi Vũ Tình, mắng yêu:
– Sao mà ngớ ngẩn thế. Đã sợ không tiện thì đừng đến nữa. Có con ư? Thuốc Bắc, thuốc ta đầy ra đấy, lại còn cả… Ai dại gì mà để có thai. Dạo này đắt khách, em tính mở rộng quán ra để làm ăn đây. Thày lý phải giúp em đấy.
– Thế cũng được, nhưng đừng đến mức đào nương kỹ nữ mà lính kiểm thành họ không tha đâu.
Tư Phúc bĩu môi nói:
– Lính kiểm thành! Chẳng lẽ lính kiểm thành thì không mê gái chắc? Việc này chính một viên hiệu uý kiểm thành xui em đấy. Này nhé nhà em là nhà có công với nước, trên đã có vương pháp che, ở phố thì thầy lý nâng đỡ. Trên che dưới đỡ, bố đứa nào cũng không dám làm gì. Khối quán đầy đào hát, đầy kỹ nữ có làm sao đâu. Hay là thày lý không muốn giúp em thì thôi. Em đi nhờ người khác vậy.
– Ơ kìa! Chưa chi đã dỗi. Mở rộng thì mở rộng.
Quán rượu Phúc Tình đặt đúng vị trí thuận lợi. Nó như cái cây được bón bằng ân sủng của triều đình và che chắn bởi tình thương của các vị quan viên đối với mẹ con người gái goá, lớn lên như có phép nhiệm mầu, mới qua vài năm đã trở thành tửu quán có tiếng nhất nhì nơi đô hội.
Thân Văn Khoai và Trịnh Quang Minh tới nơi, trời vừa tối. Trong quán đèn nến sáng như ban ngày. Phía nhà sau đèn màu lờ mờ, thấp thoáng vài bóng giai nhân thướt tha qua lại. Khách trong phòng rượu đủ cả văn nhân, binh lính. Một bàn có mấy người ăn mặc kiểu võ quan nói chuyện bô bô:
– Hoàng thượng đã xuống chỉ cho soạn bộ quốc sử rồi.
– Món này cay quá… Nước mình văn hiến lâu đời phải có sử chứ. Hoàng thượng thật anh minh.
– Này! mới có mấy ả phốp pháp ra phết. Tí nữa chứ! Hả?…
– Chính chúng ta là những người làm nên lịch sử.
Từ gian lầu phía sau vọng ra giọng hát của một cô đào:
– Non non nước nước i i i…
*
Lại nói Lê Văn Hưu tuân chỉ chép sử, ngày đêm miệt mài tra cứu soạn thảo đến tháng chạp năm Quý Hợi (1-1264) thì hoàn thành, sao làm ba bản, dâng lên thượng hoàng, nhà vua và thống quốc thái sư Trần Thủ Độ. Sang tháng giêng năm Giáp Tý (1264), quan thái sư Trần Thủ Độ bảy mươi mốt tuổi, dưỡng bệnh ở Quắc Hương; nhà vua cho Ngô Tần mang một bản đến trình. Thái sư hỏi:
– Lê Văn Hưu là người thế nào?
Ngô Tần thưa:
– Trình thái sư! Lê Văn Hưu người làng Phủ Lý, huyện Đông Sơn, ái châu, từ nhỏ đã nổi tiếng là tài giỏi, một hôm đi học qua quán thợ rèn dừng lại hỏi: “Bác ơi! Ông tổ nghề rèn là ai vậy?”. Thấy cậu bé có vẻ thông minh dĩnh ngộ, bác thợ rèn cười bảo: “Cháu là học trò phải không? Ta có câu đối này, cháu đối được thì có thưởng nếu không phải ở đây quai búa cho ta”. Lê Văn Hưu bảo: “ Vâng! Bác cứ đọc đi”. Bác thợ rèn đọc:
– Than trong lò, sắt trong lò, lửa trong lò, thổi phì phò, rèn nên dùi sắt.
Lê Văn Hưu bảo: “ Thế thì có gì là khó đâu ạ? Cháu đối nhé:
– Nghiên ở túi, bút ở túi, giấy ở túi, viết lúi húi, giật lấy khôi nguyên.
Bác thợ rèn cười lớn, khen: “Giỏi ! Giỏi! Ta thua cháu đó”, nói xong thưởng cho Lê Văn Hưu ba mươi đồng tiền để mua giấy bút nhưng Hưu không lấy, chỉ muốn bác thợ rèn nói cho biết ai là ông tổ nghề rèn. Năm Đinh Mùi, Hưu đỗ bảng nhãn, nổi tiếng học sâu biết rộng. Làm quan cho đến nay, mọi việc đều cẩn trọng, không sai sót bao giờ.
Vì thái sư Trần Thủ Độ không biết chữ lại đang ốm nên bảo Ngô Tần:
– Ngươi đọc cho ta nghe.
Ngô Tần ở bên thái sư, đọc mới hết kỷ Hồng Bàng. Thái sư nhăn mặt nói:
– Sử thế này thì đem người viết mà chém đi. Ngươi về triều trước, tâu với nhà vua bắt Lê Văn Hưu bỏ vào ngục. Đợi ta khoẻ sẽ vào định liệu.
Thái sư nói xong, thở giấc lên, ngất đi. Mọi người vội gọi thày thuốc trong phủ đến cấp cứu.
Thật là:
Bia đá sử xanh thành hay bại
Ai đi ai ở vẫn chưa tường
Mời bạn đọc tiếp chương sau xem Ngô Tần về tâu với nhà vua thế nào.
Đ.T