Đất Việt trời Nam- Tiểu thuyết lịch sử của Đan Thành – Chương 17

ĐẤT VIỆT TRỜI NAM (C- 17)

Đan Thành

Hà Bổng minh oan cho Nguyễn Bằng

Phạm Hữu làm thơ cười Vĩ Thố..

ĐẤT VIỆT TRỜI NAM (C- 17)

Đan Thành

Hà Bổng minh oan cho Nguyễn Bằng

Phạm Hữu làm thơ cười Vĩ Thố

Đang nói chuyện Trần Khánh Dư đêm ngày tơ tưởng hình bóng Thiên Thụy công chúa mà không sao gặp được, sinh ốm tương tư chẳng thuốc thang nào chữa khỏi, hình vóc hao gầy tiều tụy. Thầy thuốc trong phủ bảo cần phải ra ngoài tìm nơi thoáng mát chơi cho khuây khoả. Gia nhân mới đóng kiệu đưa chàng lên chơi Tây Hồ. ở đây phong cảnh đẹp đẽ, cây cối tốt tươi, mặt nước mênh mông, sóng vỗ lô xô, gió hiu hiu thổi mang theo hơi nước mát rượi, xa xa rất nhiều phượng thuyền của các vương hầu, công chúa, ưng thuyền của các tướng lĩnh dạo chơi và vô số nhạn thuyền của binh lính hộ vệ. Khánh Dư không xuống thuyền, chàng đi lững thững trên bờ, ngắm cảnh. Bỗng thấy phía trước có đám thị nữ hộ tống một vị công nương, nói cười huyên náo. Khánh Dư bước lên xem ai, chàng không tin ở mắt mình nữa; người đang bước tới trước mặt chính là công chúa Thiên Thuỵ. Nàng không mang bộ đồ của một công chúa mà chỉ khoác trên mình tấm áo lụa mỏng bất cứ con gái nhà bình dân naò cũng có thể có. Chính vì vậy mà nàng trở nên huy hoàng trác tuyệt như một giọt sương mai phản chiếu những tia nắng hồng trong buổi bình minh. Khánh Dư đứng lặng im, dường như không dám thở, chàng sợ mỗi cử động nhẹ của mình có thể làm tổn thương đến cái kì quan tuyệt vời của tạo hoá kia và nó sẽ biến tan đi mất.

*

– Ừ ừ! Thịt cầy không có món dồi, ra cái chó gì. Ông nói cho mà biết nhé! Các anh trai trẻ được cái mạnh ăn mạnh nói chứ nghề chơi ở đời cứ gọi là còn non nước lắm. Đã là thịt cầy phải đủ bảy món tiết canh, thôn bộ, chả, hầm, rang chứ lại.

Một anh trai đinh nói:

– Cụ ơi! Như thế mới có năm món. Cụ bảo bảy món cơ mà?

Vĩ Thố cười hề hề, bảo:

– Thì bảy chứ sao. Dồi, xáo nữa chả là bảy à. Mà dồi chính là đầu bảng đấy. Sống trên đời ăn miếng dồi chó, Chết xuống âm phủ biết có hay không! Thế mà có món dồi các anh làm hỏng cha nó hết.

Mấy tay đàn em cười cầu tài. Trương tuần Vũ Văn Dư bảo:

– Dồi ngon nhưng mà ít. Cậu cứ thịt mông cậu chén có sướng hơn không?

Vĩ Thố lắc đầu bảo:

– Hỏng! Hỏng bét. Các anh nghĩ thế làm việc dân sao được. ít nhưng nó quí. Ví như cả châu Hồng này mới có một vị tri châu, cả huyện Trường Tân này có một mình ta là huyện lệnh thế mới là quý nhân.

Một cô đào hát gõ dùi vào tang trống cắc cắc, nói:

– Quan anh say rồi! Đang nói chuyện thịt chó chứ có nói chuyện châu chuyện huyện đâu?

Vĩ Thố véo vào đùi cô đào, nói:

– Say à! Chưa say! Cứ ví cái huyện này như mâm cỗ, các quan trên huyện phải có được những miếng dồi. Bốn tổng là bốn cái đùi bày ra bốn đĩa lớn, việc ban phát cho các hào mục là quyền ở quan, xương xẩu nấu nhừ, ninh kĩ gặm hết thịt, quẳng ra ngoài cho đám lính tráng. Hừ béo đây! Mông thế này mới là mông. Tao đã say đâu. Say để con đào Tuyết nó nỡm à! Hì hì. Tuyết! Ngồi nhích lại đây anh bảo.

– Gâu gâu! Gâu gâu…gâu.

Tiệc rượu ngoài đình đã tàn, cô đào Tuyết cùng mấy trai đinh dìu quan huyện Vĩ Thố về nghỉ nơi tư thất. Đàn chó cứ chẫu ra sủa váng lên như làng có cướp. Buổi chiều, Vĩ Thố hỏi Vĩ Thử:

– Mảnh vườn nhà con Điệp anh làm xong chửa?

Vĩ Thử thưa:

– Con đã làm như thày dặn nhưng tay Nguyễn Bằng nó chống lại. Nó bảo vườn nhà vắng chủ không được động tới, phải đợi chủ về, nợ nần thanh toán đâu có đó. Dân làng xem ra nhiều người theo nó.

Vĩ Thố cau mày, nói:

– Tưởng ai chứ Nguyễn Bằng mà anh lý cũng sợ à? Như thế thì làm việc dân việc nước thế nào được. Hắn là kẻ có tội, ta còn chưa sờ đến đấy. Anh cho tuần đinh gọi nó đến đây.

Vĩ Thố ngồi chĩnh chệ trên kỉ, có bốn người lính đứng hộ vệ. Lát sau Nguyễn Bằng đến, không quì lạy mà chỉ khoanh tay chào. Vĩ Thố mặt lạnh như tiền, vuốt râu hỏi:

– Người vừa đến kia là kẻ nào.

Nguyễn Bằng biết Vĩ Thố giở trò với mình, không nói gì. Một người lính quát:

– Ông già kia! Quan lớn hỏi; sao không nói?

Nguyễn Bằng vẫn không nói. Vĩ Thố quát:

– Tên dân đen kia, gặp quan sao không quì?

Nguyễn Bằng cười khinh bỉ, nói:

– Ta tưởng vì tình bạn cũ, chỗ đồng môn mà ông mời ta đến đây, hoá ra là quan lớn gọi Bằng này đến hầu ư?

Vĩ Thố đập bàn, quát:

– Ai bạn bè với ngươi. Ngươi là kẻ có tội, được triều đình tạm tha, từ ngày về quê không chịu đi phu dịch lại còn có hành vi chống đối. Ngươi thì coi thường pháp luật rồi. Nhưng coi thường vương pháp chỉ có thiệt vào thân. Lính đâu! Nọc cổ nó ra đánh cho ta.

– Ta có tội gì mà đánh.

– Tội gì ư? Ta nói có tội là có tội. Ngươi thiếu gì tội. Một là trốn tránh phu dịch, hai là kết bè kết đảng xúi giục dân chúng làm loạn, chống lại nhà chức trách, ba là bênh vực kẻ tiện dân hòng quịt nợ của người cho vay làm phúc, bốn là vô lễ với quan trên không tuân vương pháp, năm là…ừ…ừ…nhà ngươi còn nhiều tội lắm, tội nào cũng có thể chém cả, không tha được. Lính! Đánh!

Bốn người lính xúm lại vật Nguyễn Bằng ra đánh. Vợ con Nguyễn Bằng biết tin chạy đến kêu khóc xin quan huyện tha cho. Cha con Phạm Hữu, Phạm Anh cũng kéo đến. Lũ chó trong làng sủa rống lên như loạn. Vĩ Thố sai gia nhân cài cổng không cho ai vào, lại bảo lính đóng gông giải Nguyễn Bằng lên huyện tống vào nhà lao. Lý Thử gọi trương tuần cho thêm trai đinh giúp mấy người lính. Đám người nhà Nguyễn Bằng không biết làm sao, đành về làm giấy trình lên quan phủ. Lý Thử bảo:

– Thày thế mà ghê thật. Con nghĩ mãi chưa ra cách gì. Thày chỉ ho một tiếng là có đứa mọt gông.

Vĩ Thố vuốt râu bảo:

– Chẳng thế làm quan sao được.

– Nhưng thày làm thế nào mà nghĩ ra lắm tội của hắn thế?

Vĩ Thố bảo:

– Thế mới gọi là có năng lực. Các anh chỉ có cái máu hăng nhưng xem ra độ tinh nhạy còn kém lắm. Muốn trị đứa nào; nó không có tội phải nghĩ tội ra cho nó chứ. Đã là dân mấy thằng tránh khỏi tội. Đấy! Xem bây giờ đứa nào dám lên huyện mà kêu?

Vĩ Thử hỏi:

– Như thế là dựng chuyện lên à?

Vĩ Thố bảo:

– Chứ còn sao nữa. Anh khờ bỏ mẹ. Không thế sao có câu muốn nói gian làm quan mà nói. Đang lúc thái bình thịnh trị, làm ăn như các anh chả trách dân nó khinh.

Bấy giờ nhà Nguyên đang có nội loạn. Vua Nguyên phong cho Nậu Lạt Đinh chức đạt lỗ hoa xích, cử đi sứ sang Đại Việt để duy trì mối bang giao hai nước. Nhà Trần cử đoàn sứ bộ gồm viên ngoại lang Dương An Dưỡng, nội lệnh Vũ Phục Hoàn, thư xá Nguyễn Cầu, trung thư lang Nguyễn Cử đi cùng Nậu Lạt Đinh theo đường Vân Nam sang Nguyên đáp lễ. Khi đi qua ải Quy Hoá, Hà Bổng nhân nói chuyện hỏi thăm Nguyễn Bằng mới biết Bằng bị oan, liền viết sớ dâng lên triều đình minh oan cho Nguyễn Bằng, lại gửi theo cả bức thư của Vương Lâm mà Nguyễn Bằng bỏ quên ở Quy Hoá.

Quan đại hành khiển Nguyễn Giới Huân nhận được sớ liền vào triều tâu với Thánh tông. Nhà vua nói:

– Chiến tranh qua lâu rồi, người có công như vậy lại không được trọng thưởng. Trẫm e trong thiên hạ còn nhiều người như Giới Tử Thôi.

Nói xong cho sứ giả mang sắc chỉ về huyện Trường Tân tìm Nguyễn Bằng thì Bằng đã bị đưa đến nhà lao của quan phủ. Huyện lệnh Nguyễn Vĩ Thố sợ tội, muốn hại Nguyễn Bằng, mới nói với sứ giả:

– Nguyễn Bằng từ khi về quê, oán trách triều đình, không tuân vương pháp, xui dân làm loạn nên bị quan phủ bắt giam rồi.

Sứ giả nói:

– Sự việc nghiêm trọng đến thế ư? Vậy bắt được đồng đảng của nó có bao nhiêu đứa?

– Bẩm thưa quan lớn, hiện nay mới bắt một mình Nguyễn Bằng thôi.

– Đã gọi là làm loạn phải có nhiều người, lẽ nào một mình Nguyễn Bằng mà làm loạn được? Ngươi có bằng chứng gì không?

– Dạ! Bằng chứng và đồng đảng của nó là con Thị Điệp mười tám tuổi đã trốn đi rồi.

Sứ giả nói:

– Nghĩa là hiện nay trong tay các ngươi không có bằng chứng gì? Hừ! Đồng đảng của kẻ làm loạn là một cô gái ư? Sự thật về việc này thế nào ngươi phải khai rõ ra.

Vĩ Thố xun xoe nói:

– Việc này phức tạp lắm. Bây giờ trưa rồi, xin quan lớn hãy đi dùng bữa. Chiều nay hạ chức cho đòi các nhân chứng, sáng mai xin tường trình tại công đường để thượng quan được rõ ạ.

Chiều hôm ấy sứ giả nghỉ lại ở huyện đường, có lính bảo vệ và đào hát hầu hạ. Vĩ Thố sai thắng xe ruổi thẳng lên bàn với quan tri châu. Quan tri châu vuốt bộ ria rất đẹp, điềm đạm nói:

– Thường nhật ta nghe nói quan huyện Trường Tân là người đa mưu túc trí, giảo hoạt lắm cơ mà, sao hôm nay việc mới có vậy đã cuống lên thế?

Vĩ Thố khẩn khoản:

– Thưa đại nhân! Nhưng vị sứ giả đại nhân này…

Tri châu cướp lời:

– Sứ giả nào mà chả thế! Cái luật chung ở đời là nén bạc đâm toạc tờ giấy. Ông không biết à?

– Thưa! Nhưng vị này có vẻ sắc sảo liêm chính lắm, chưa chắc đã mua được đâu ạ.

Quan châu gõ gõ cái quạt ngà vào lòng bàn tay, nói:

– Phải nặng nặng vào. Tiền thập vạn quan khả dĩ thông thần hiểu chửa?

Vĩ Thố vững dạ về mang rất nhiều vàng bạc biếu quan sứ giả. Sứ giả cảm ơn lòng ưu hậu của huyện quan, về tâu lại với triều đình việc Nguyễn Bằng phản loạn. Quan thẩm hình viện Đặng Ma La bước ra tâu:

– Phản loạn là một tội đại hình vậy sao quan tri châu không báo lên triều đình. Đây là việc có quan hệ đến mạng người, không thể không xét kĩ xem có bằng chứng gì không?

Thánh tông phán:

– Đặng thám hoa nói rất đúng. Trẫm giao cho khanh đặc trách tra xét vụ này.

*

Mộng Điệp mặc một bộ đồ váy áo lụa hồng, đi lại thướt tha như một tiên nữ, dường như đôi gót chân thon nhỏ của nàng không chạm tới mặt đất. Con ngựa bất kham khi đã được thuần phục bao giờ cũng trở thành tuấn mã. Mộng Điệp sau bao lần giật cương cắn thiếc, đến một ngày nàng để tuột mất sự trinh trắng vào tay một gã chủ bạ ngay tại huyện này. Thôi thế là đã lỡ. Còn gì để gìn giữ nữa đây? Nàng muốn trả thù cuộc đời bằng những cuộc truy hoan suốt sáng tối ngày dường như bất tận. Chẳng mấy lúc nàng đã quen và hoà được cuộc đời mình vào cuộc sống giang hồ. Tuổi trẻ và sắc đẹp cho phép nàng làm chóng mặt hoa mắt bất kì một huyện uý, chủ bạ, thư lại hoặc thầy đề thầy lý nào. Những thằng đàn ông đứng trước dân như thần như thánh ấy rốt cuộc cũng lần lượt úp mặt làm nô lệ cho đôi bầu vú của người con gái chân tay còn dính mùi bùn. Và các vị  quan  nhân  mang bộ  mặt công luân, ai cũng hể hả nghĩ rằng mình được giai nhân cưng chiều hơn cả.

Trời không nắng không mưa nhưng là một thứ bóng râm đểu giả, không những không mát mẻ gì mà còn làm cho không gian trở nên oi nồng ngột ngạt như muốn ép ra nước mấy bà quạt bánh đa ngoài chợ cùng bác nông phu cuốc mướn trên đồng. Quan tri châu Hà Phương ngồi giữa chiếc sập chân quì dạ cá bằng gỗ gụ bóng loáng. Mợ Hồng ngồi bên hầu quạt, mắt mợ nhìn quan cười díp lại kéo thành cái đuôi dài như muốn làm cồn lên những đợt sóng tình. Quan phụ mẫu đáng kính cũng cười, ngài muốn ban phát cho vị tình nương bao điều trìu mến nhưng chưa tìm được ngôn từ phù hợp nên đôi môi ngài cứ mấp máy không thốt thành lời. Có đến hai tháng quan mới qua chơi nên tình cảm chủ khách hết sức nồng nàn. Mợ Hồng gọi:

– Mộng Điệp đâu? Sao chưa mang trà lên hả?

Mộng Điệp hiện ra như nữ thần sắc đẹp trong bộ đồ lụa màu thanh thiên. Mặt quan lớn ngây đờ như vừa bị trúng tên thuốc độc. Mộng Điệp e lệ nâng chén trà mời quan. Mặc dù đó chỉ là sự e lệ giả vờ do được rèn dũa kì công nhiều lần mà có cũng đủ làm đại quan quên hẳn vị tình nương đang ngồi bên cạnh. Mộng Điệp bước đi rồi, ba hồn bảy vía quan lớn vẫn chưa tìm về đúng chỗ. Trạng thái tâm lý ấy của quan lớn không thoát khỏi đôi mắt trải đời của người đàn bà vừa mới vào tuổi bốn mươi, đã từng làm đảo điên bao đấng mày râu, mợ Hồng bảo:

– Quan lớn làm sao thế?

Hà Phương lúng túng:

– ờ! ờ! Không có gì!…Không có gì.

– Thôi! Không phải giấu em nữa. Quan lớn muốn thế cũng được thôi. Cứ cắt cho em năm mẫu bên đường cái quan, em cho nó hầu quan lớn.

– Thật thế hử?  Cái đó có khó gì. Ai chứ mợ năm mẫu thì năm mẫu.

Mợ Hồng cười hi hí bảo:

– Quan lớn thế mới là quan lớn chứ, đúng là người có tấm lòng vì nước vì dân mà làm việc. Quan viết giấy cho em đi.

– Gớm chửa! Mợ cứ làm như quan quỵt mất không bằng. Viết giấy thì viết giấy. Mợ cứ cho gọi con bé lên đây.

Mợ Hồng gọi:

– Mộng Điệp! Dẫn quan vào phòng trong, hầu quan nghỉ nghe chưa?

Mộng Điệp dạ một tiếng, bước vào, đảo mắt liếc quan một cái. ánh mắt như một đường kiếm loáng qua, khiến trái tim quan lớn muốn nhảy ra ngoài lồng ngực, ngài run run tụt khỏi mặt chiếc sập gụ, lúng túng giấu những ngón chân vào đôi hài chi long.

Vì chỉ là một kỹ viện cấp huyện nên căn phòng tiếp khách làng chơi đã hẹp lại không lấy gì làm sạch sẽ lắm, nhưng trên bức tường chính giữa cũng có bàn hương và bức tranh vẽ hình Quản Trọng. Quan tri châu không để ý đến điều đó. Tất cả tâm trí ngài còn mải hút vào cái tác phẩm tuyệt mỹ bằng da bằng thịt chỉ che hờ một làn lụa mỏng kia. Quan lớn là người có học, xuất thân khoa bảng nên mặc dù trong hoàn cảnh thân hình loã thể, ngài vẫn dùng thứ ngôn ngữ có đủ áo quần tươm tất để trò chuyện cùng mĩ nhân, khác hẳn với những quân phàm phu tục tử. Mọi hành vi của ngài đều từ tốn dần dần theo phong cách nho sinh. Sự hưởng thụ niềm hoan lạc cũng theo lối tao nhân mặc khách. Quan lớn nói:

– Thần nữ sao mà xinh đẹp, gom âm dương mà điểm trang. Ôi! Bông hoa hồng của nàng sao trắng đến vậy. Thế này mà không được chạm vào cành lá thì còn chi là đời quân tử.  Tri chi giả, bất như hảo chi giả; hảo chi giả, bất như lạc chi giả.

Mộng Điệp cười rúc rích bảo:

– Quan lớn nói cái gì chi chi giả giả, em chẳng hiểu ra sao.

Hà Phương giảng giải:

– à! Nàng không hiểu cũng phải thôi. Câu này Khổng tử nói rằng biết cái gì không bằng ưa thích nó, ưa thích nó không bằng vui sướng với nó. Ví như ta biết nàng sao bằng được vui thú với nàng.

– Ôi! Quan lớn thật là hay chữ. Chơi trò này mà cũng viện được lời thánh nhân thì ngài quả là thánh thật!

*

– Việc dân việc nước đâu phải trò đùa. Các anh làm thế này có mà bỏ mẹ. Đứa nào không chịu đóng góp thì qui cho là đồng đảng của Nguyễn Bằng, lôi cổ nó lên huyện – Vĩ Thố vừa đi đi lại lại vừa nói.

Lý Thử im lặng. Trương Dư nói:

– Con đã dùng hết cách rồi nhưng bọn thằng Hiệp, thằng Tự lại bảo đóng góp để xây trường mời thày về dạy học cho bọn trẻ thì chúng nó đóng chứ còn xây chùa thì không.

Vĩ Thố cười hề hề, nói:

– Tốt! Tốt! Xây chùa, xây trường, xây miếu, tu sửa đình làng càng làm nhiều càng tốt. Như thế càng có cơ hội cho các anh kiếm ăn. Còn xây giếng, lát đường nữa chứ. Chúng nó đã nói thế, cứ bổ đầu cho chúng nó đóng góp luôn thể. Thằng Hiệp, thằng Tự là thằng nào mà dám láo, có muốn mọt gông như thằng Nguyễn Bằng không?

– Dạ thưa cậu! Thằng Đoàn Sĩ Hiệp cùng thằng Mai Văn Tự đều là lính cũ, chúng nó lại được bọn thằng Nguyễn Văn Điền, Vũ Tuấn có thẻ thương tích bênh vực, hung hăng lắm ạ.

– Hung hăng thì chúng nó định làm trò gì, không tuân vương pháp, bắt tất. Nên nhớ rằng pháp luật chính là cái cột vững chắc để các anh dựa vào đấy mà kiếm cơm đấy, nó cũng là cái vồ tạ để các anh đập bẹp những thằng chống đối, rõ chửa? Việc dân việc nước mà các anh lơ mơ hỏng mẹ nó hết. Anh Dư! Anh mang tuần đinh bắt bọn chúng lên đây.

Trương tuần Vũ Văn Dư đi ra. Vĩ Thố bảo Lý Thử:

– Anh ngu lắm! Làm lý tể có mỗi một cái làng này mà không xong. Thế mà tôi đang định xin với quan trên cho anh một chân xã quan thì anh làm thế nào?

Lý Thử gãi đầu, nói:

– Thầy nói thế nào chứ, tôi có biết cái gì đâu mà làm quan.

– Không biết cái gì mới phải làm quan, chứ giỏi giang ra thì cần gì. Anh là cái thằng chọc cứt không nên lỗ, phải chịu khó làm quan mà sống. Xem như bố anh đây, đâu có mấy hột chữ nhưng vì có mưu mẹo, biết che chắn đấu đá mà từ một lý tể như anh, trở thành một huyện quan có tiếng trong cái châu này. Từ nay các công việc trong làng, anh phải sắn tay áo mà lao vào. Tiền đấy, đồ đấy, tiền đồ đấy khéo thì hưởng, không khéo thì nhịn. Bây giờ tôi còn đương chức, còn che chắn được cho anh. Vài năm nữa tôi già cũng phải về nghỉ chứ, lúc ấy anh không có lễ biếu lên, quan trên nào để ý đến, cái ghế của anh dám gãy lắm hả?! Chúng nó thích xây trường học, cho nó xây mà kiếm chác. Xây xong liệu chúng nó có tiền cho con đi học không hay chính con các anh mới được đến trường?

*

Trương tuần Vũ Văn Dư mang mấy tráng đinh xông vào. Sĩ Hiệp ôm ngực ho rũ. Phạm Anh cầm bát thuốc trên tay, hỏi:

– Ông trương mang tráng đinh đến có việc gì vậy?

Trương tuần Vũ Văn Dư nhếch mép cười, nói:

– Thằng Đoàn Sĩ Hiệp coi thường luật pháp, trốn tránh phu dịch, không chịu đóng góp lệ làng. Cụ huyện sai bắt lên công đường.

Phạm Anh nói:

– Không được! Anh Hiệp đánh Thát mới sinh ra ốm đau thế này đi phu dịch làm sao, không làm ăn gì được lấy tiền đâu mà đóng lệ làng.

Trương Dư nói:

– Việc đánh Thát không phải trách nhiệm của tôi. Không có tiền nộp lệ làng sao có tiền mua thuốc.

– Này anh Dư! Khi xưa ở chiến địa, tôi chữa bệnh cho anh đâu có lấy tiền. Bây giờ tôi cũng chỉ giúp anh Hiệp thôi. Chẳng lẽ anh quên hết tình chiến hữu rồi ư?

– Chuyện xưa là chuyện xưa, ngày nay là ngày nay. Tôi chỉ biết tuân thượng lệnh làm theo luật pháp, không dám nghĩ đến chuyện tư tình. Tuần đinh! Lôi thằng Hiệp lên quan.

Phạm Anh trừng mắt:

– A! Quân sấp mặt. Mày dám bắt anh Hiệp ư?

Đang lúc căng thẳng thì Văn Điền, Vũ Tuấn ở ngoài bước vào.

– Phạm Anh! Không phải nói với nó nữa. Cái thằng trương tuần mặt người lòng chó này. ở nơi trận mạc mày bỏ trốn không dám đối mặt với quân thù, về làng cậy là cháu huyện quan, lên gân vênh mặt. Mày muốn bắt ai? Một điều mày nói đến luật pháp, hai điều mày nói đến luật pháp. Nếu có pháp luật thật thì cậu cháu mày đã khốn nạn lâu rồi.

Vừa nói, Vũ Tuấn vừa tiến sát về phía trương Dư. Dư lùi lại há mồm lắp bắp:

– Loạn! Loạn! Chúng mày làm loạn thật rồi.

*

Con người ta nhiều khi chỉ vì lòng tự ái mà làm đảo lộn những kế hoạch lớn đã được kì công sắp đặt. Đó là việc mợ Hồng nhất quyết bán Mộng Điệp về thành Đại La. Mợ phải mất rất nhiều công rèn dũa mới biến được một cô gái chân lấm tay bùn thành một kỹ đệ thạo nghề. Mộng Điệp  thực sự là cái cây ra nhiều quả vàng cho mợ. Nhưng con người ta đâu chỉ cần có vàng! ở cái tuổi nắng xiên khoai còn đang gay gắt, mợ sợ nhất phải sống cô đơn, quan huyện thì  ít khi về, trước đây lâu lâu quan châu đến thăm nên mợ còn có người bầu bạn. Giờ đây quan châu ghé qua luôn nhưng không phải vì mợ mà vì Mộng Điệp. Điều đó có khác nào mợ đã tuyên chiếu thoái vị cho cái dung nhan kiều mị của mình. Lâu nay người ta cứ tưởng tiền bạc đã làm khô cằn trái tim mợ. Nhưng không! Ngoài tiền bạc ra, con tim ấy còn đập rộn ràng cho những niềm hoan lạc cùng các công tử trong đám con cái bạn bè của người cha đáng kính từ khi mợ mới bước vào tuổi mười ba. Giống như việc uống nước, khi gia thế phong lưu, người ta thường kén chọn những thứ chè ngon hảo hạng, đến khi sa sút có thể uống nước vối nước sôi, khi thực sự cơ hàn mà bị cơn khát thôi thúc cũng đành uống nước lã chứ biết làm sao. Xưa kia có bao giờ mợ thèm để ý đến cánh làng chơi thày đề, huyện uý thế mà gần đây mợ đã hạ cố đắp chăn chung với một gã trương tuần, không phải là để lấy tiền mà mợ còn phải cho thêm gã hai đồng bạc. Thế rồi cái đám đàn ông đốn mạt ấy cứ thò đến là đòi Mộng Điệp. Mợ thành kẻ chết khô giữa trời mưa. Không! Mợ chưa thể dễ dàng bó giáo lai hàng một đứa học trò vô danh tiểu tốt như Mộng Điệp. Nhất định mợ sẽ giành lại những thành trì đất đai bị tuột khỏi tay. Mợ nhất quyết bán Mộng Điệp dù cho điều đó có làm cho mợ xót xa vì sự lên án của cái hầu bao.

Con ngựa cái còn đang cơn hăng sức, chạy tốc tác làm chiếc xe lắc lư phát ra những tiếng cọt kẹt nhè nhẹ, bỏ lại phía sau một màn bụi mỏng trên con đường đất mới hanh vàng. Mộng Điệp ngồi trong xe, vén tấm rèm ngó ra. Hai bên đồng lúa, làng mạc lùi dần, tiếng nhạc ngựa leng keng đưa cô về phía kinh thành. Rải rác trên đồng có những khu mả lùm tùm bên những bờ dứa dại. Vô số những nén hương tắt giữa chừng run rẩy trong ánh tảo minh còn non yểu. Vài áng mây mong manh hồng rực lên như muốn vội vã nhuộm đỏ bầu trời nhưng chúng nhanh chóng bị xua tan bởi những luồng gió ác thượng tầng. Mộng Điệp bỗng nhớ ra cô đã xa nhà được mấy năm rồi, chưa một lần về thăm nấm mồ cha mẹ. Một niềm xót xa tủi hận dâng trào, Điệp khóc!

Xe chạy một chặng khá xa thì mây đen ùn ùn kéo tới. Mặt trời bị che khuất chỉ còn để lại trên cánh đồng thứ ánh sáng giả hiệu đùng đục nhờ nhờ. Vài ba chú cò khờ khạo nghiêng nghiêng ngó ngó như muốn hỏi trời xem sắp có chuyện gì. Người mã phu cho xe dạt vào một làng nhỏ ven đường để tránh cơn dông. Đường hẹp, những thân cỏ may mỏng manh đổ rạp theo vệt bánh xe lăn.

Buổi chiều trời vẫn mưa tầm tã, không có dấu hiệu nào của sự tạnh ráo. Không thể dừng được nữa, chiếc xe chở Mộng Điệp đi hút vào miền mờ mịt gió mưa.

*

Ngôi chùa Rồng rồi cũng được toạ lạc ngay giữa làng Cao Duệ, ba phía là ao, chỉ có một con đường độc đạo đi vào cửa tam quan. Trước sân có một bệ cao, bên trên là đài sen nâng tượng phật Quan Âm bồ tát bằng đá cực lớn, tay cầm cành dương vẩy nước cam lồ cứu khổ cứu nạn. Phía dưới tạc hình con quỉ đội đài sen đưa Quan Âm vượt qua biển cả. Chuỵên này có tích hẳn hoi nhưng dân trong làng ra xem có người bảo:

– Thế này chẳng hoá ra phật phải nhờ vào quỉ mới sống được à?

Người khác bảo:

– Phật nuôi quỉ để sai việc.

Một ông chừng ngoại lục tuần hóm hỉnh nói:

– Phật nuôi quỉ hay quỉ nuôi phật cũng nên.

Một ông khác nói:

– Ôi chà! Cái đó chỉ có ma mới biết được.

Một bà chép miệng bảo:

– Quái! ở nơi cửa phật mà các ông toàn nói chuyện ma với quỉ.

Một bà than vãn:

– Chẳng biết có Phật thật không, năm nay mất mùa mà cứ đóng góp xây cất mãi rồi khéo ra ma cả ấy chứ.

Buổi trưa các vị chức sắc trong làng ra làm lễ dâng hương thờ phật rồi tụ họp ngoài đình ăn cỗ hoàn công thợ, có quan huyện Nguyễn Vĩ Thố về dự. Phạm Hữu là quan hưu chức có công nên cũng được mời. Khi rượu đã ngà ngà, Vĩ Thố bảo Phạm Hữu:

– Thật tiếc cho cha con ông, khi chiến tranh loạn lạc thì xông pha nơi trận mạc, lúc thái bình có cơ hội thăng quan tiến chức, làm ăn được lại bỏ về. Tiếc quá! Tiếc quá. Giá ông ở lại…

Phạm Hữu lúc ấy còn tỉnh táo nhưng vờ say, gật gù nói:

– Quan lớn nói phải lắm. Nhưng làm quan đâu có dễ, cần phải có tài, phải không ạ?

Vĩ Thố đắc ý gật gù:

– Đúng rồi!

– Phải có khả năng che chắn đấu đá phải không ạ?

– Đúng!

– Phải biết dò đoán được ý quan trên mà chiều, phải biết kín đáo ăn chặn của dân, phải biết vu tội cho người ngay thẳng, phải có nhiều mưu mô để vơ vét cướp đoạt mà dân chúng vẫn phải coi mình là phụ mẫu chi quan công minh liêm chính, tóm lại là phải cực gian thâm có phải không? Những tố chất quí báu ấy cha con tôi không có thì làm quan sao được.

Vĩ Thố biết Phạm Hữu xỏ xiên mình nhưng không có cớ đàn hặc, cười méo mó, nói:

– Ông Hữu say rồi! Ông Hữu say rồi.

Phạm Hữu cầm chén đứng dậy bước ra giữa đình nói:

– Tôi say hay tôi chưa say không can hệ. Cái điều can hệ là tôi nói có đúng hay không kia.

Anh mõ cùng đám thợ làm thuê và mấy người nấu bếp nói:

– Đúng lắm! Đúng lắm!

Trương tuần Vũ Văn Dư thấy chạm nọc, buông đũa bát cầm tay thước chỉ đám người ồn ào, quát:

– Bọn kia! Biết gì mà nói leo?

Phạm Hữu bảo:

– Anh trương! Không phải nổi nóng. Tôi say rồi đang muốn về đây. Nhưng dù sao cũng mang tiếng có ít nhiều chữ nghĩa; làng có hội lớn lại có quan huyện về dự thế này là trịnh trọng lắm, tôi xin đọc mừng một bài thơ.

Mọi người cười khen tốt tốt. Vĩ Thố sợ Phạm Hữu làm thơ chửi mình, bảo:

– Hôm nay hoàn thành ngôi chùa nên chỉ làm thơ nói về nhà chùa thôi đấy nhé.

Phạm Hữu cười bảo:

– Tôi hiểu ý quan huyện rồi. Tôi đọc đây:

Hừ hừ!.. Tượng nhỏ tượng to đủ chỗ ngồi

Riêng người nằm khểnh dưới đất chơi

Tượng giả bộ nghiêm, thèm không dám

Người cứ tự nhiên tuý luý hoài

Ai bảo phật tiên người hay tượng

Cực lạc nhân gian hay bảo đài

ật ưỡng trên cao giời khó giữ

Kềnh luôn ra đất mới lâu dài.

Phạm Hữu đọc xong, đám cử toạ vỗ tay tán thưởng. Vĩ Thố biết Phạm Hữu chơi ác mình, cáu lắm nhưng chẳng làm thế nào được cũng gượng cười khen hay. Phạm Hữu mủm mỉm cầm cây quạt, giơ tay chào mọi người, bảo:

– Thôi các vị cứ ăn uống vui vẻ. Tôi xin phép về còn phải bảo các cháu nó sao nốt mấy mẻ thuốc.

Phạm Hữu về rồi, Vĩ Thố mới bảo:

–           Hừ! Mẹ kiếp! ật ưỡng trên cao giời khó giữ. Hoá ra là nó rủa mình à!

*

Lại nói quan thẩm hình viện Đặng Ma La vâng chỉ làm khâm sai đi điều tra vụ Nguyễn Bằng phản loạn. Đặng Ma La vốn biết Nguyễn Bằng là người chính trực có công đánh giặc, chắc có chỗ uẩn khúc chi đây, nhưng sợ quan lại địa phương bưng bít mới nghĩ ra một kế, cùng mấy vệ sĩ mặc áo thường dân đi thẳng về làng Cao Duệ giả làm người buôn rau ở chợ, gánh một gánh rau úa ra bán. Có bác nông phu cười bảo:

– Gớm cái nhà bác này! Rau úa chết đi được còn mang bán thì ai mua.

Đặng Ma La nói:

– Tôi nghe nói đây là quê hương quan huyện Vĩ Thố, mà huyện quan lại chỉ thích ăn rau úa nên mới đem bán.

Bác nông phu giơ ngón tay trỏ lên miệng suỵt một tiếng, liếc mắt nhìn quanh, bảo:

– Chết! Sao bác nói dại thế, lại dám gọi cả tên cúng cơm của quan huyện ra nữa chứ. Lý tể làng này là con trai quan huyện, trương tuần gọi quan huyện là cậu ruột. Tay chân của họ nghe thấy thì bác chết đấy. Hẳn bác không phải là người vùng này?

– Sao tôi nghe nói quan huyện ở đây thanh liêm minh bạch, yêu dân như con, thương người nghèo lắm cơ mà.

– Ôi dào ôi! Thương cái xương chẳng còn. Bao nhiêu người bị vây cánh của ông ấy cướp sạch ruộng vườn, bồng bế nhau đi ăn mày cả lũ kia kìa.

Đặng Ma La gặng:

– Bác nói thế nào chứ chẳng lẽ không có ai lên tiếng bênh người nghèo à?

– Bác này đúng là ở nơi khác đến, coi giời bằng vung. Ai muốn bênh cứ trông gương ông Nguyễn Bằng đấy, tù mọt gông mấy năm nay, vợ con nheo nhóc, may nhờ ông Phạm Hữu cưu mang mới chưa đến nỗi chết đói.

– Ơ! Sao bảo Nguyễn Bằng phản loạn nên bị quan châu bắt?

Bác nông phu cười ngất, bảo:

– Ông Nguyễn Bằng mà coi là làm loạn thì cả nước này làm loạn hết.

– Thế thì đầu đuôi ra sao bác kể cho tôi nghe được không?

Người nông phu kể hết đầu tình sự việc cho Đặng Ma La nghe. Nghe xong, Đặng Ma La bảo:

– Không có ai làm giấy kiện lên quan châu à?

Bác nông phu ngán ngẩm thất vọng nói:

– Ôi giời ơi! Quan châu, quan huyện cũng cùng một giuộc cả. Chính vì có người làm đơn lên quan tri châu mới khốn khổ thế đấy.

– Bây giờ tôi đứng tên kiện, bác có dám ra làm chứng không?

– Chẳng ăn thua gì đâu bác ơi, tôi chịu thôi. Người dám làm chứng ở làng này may ra chỉ có ông Phạm Hữu.

Sau khi nói chuyện với người nông phu, Đặng Ma La giả làm người hàn nồi, la cà vào trong xóm gặp nhiều người khác nữa, biết dân ở đấy ai cũng căm ghét cha con huyện quan Vĩ Thố đến tận xương tuỷ mà không biết kêu vaò đâu và cũng hiểu được nỗi oan ức của Nguyễn Bằng. Hôm sau Đặng Ma La tìm gặp Phạm Hữu nói chuyện. Phạm Hữu hăng hái xin làm nhân chứng. Đặng Ma La liền đến phủ đệ quan tri châu cho đòi cha con quan huyện Nguyễn Vĩ Thố, Nguyễn Vĩ Thử và trương tuần Vũ Văn Dư đến hầu. Bọn này kêu oan, nhất định không chịu nhận tội. Đặng Ma La cho mời Phạm Hữu, vợ con Nguyễn Bằng cùng những người bị cướp ruộng vườn đến đối chất. Cha con Nguyễn Vĩ Thố không thể chối cãi nhưng vẫn không chịu nhận tội. Đặng Ma La sai lính nọc bọn Thố ra đánh mỗi người bốn mươi côn. Vĩ Thử, Văn Dư không chịu được đau đành khai ra hết. Đặng Ma La tuyên án:

– Cha con, cậu cháu bọn Nguyễn Vĩ Thố, Nguyễn Vĩ Thử, Vũ Văn Dư coi thường vương pháp, lạm dụng phép công mưu việc tư lợi, câu kết ngụy đảng hãm hại người lành, hà lạm công khố, đè nén dân chúng, khiến cho nhiều gia đình phải tan nhà nát cửa, làm rối loan kỉ cương phép nước, tội ác tầy trời chẳng thể dung tha. Nay ta thừa lệnh hoàng thượng tuyên bố tịch thu toàn bộ tài sản, tước bỏ mọi phẩm hàm của Nguyễn Vĩ Thố đày đi Hoan châu làm sai dịch. Tịch thu tài sản Nguyễn Vĩ Thử, Vũ Văn Dư, tước bỏ mọi phẩm hàm đuổi về làm dân thường. Tất cả vườn ruộng bọn chúng cướp của thứ dân được trả về chủ cũ. Đốt bỏ văn tự xoá nợ cho dân. Quan chi châu Hà Phương không làm tròn phận sự, bao che dung túng cho hạ cấp làm càn, nay bãi chức quan, bắt về triều đình nghị tội.

Dân chúng đến xem xử án nhất loạt tung hô:

– Hoàng thượng vạn tuế! Hoàng thượng vạn tuế! Vạn tuế, vạn tuế, vạn tuế!

Đợi cho bầu không khí lắng xuống, Đặng Ma La nói tiếp:

– Nguyễn Bằng có công đánh giặc mà phải chịu hàm oan, hai lần vào lao ngục vẫn giữ được khí tiết, hết lòng vì nước vì dân, thật là trung lương, thật là quân tử. Nay đưa về triều đình đợi nhà vua ban thưởng. Lính đâu! Đưa Nguyễn đại nhân lên đây.

Quân lính mở cửa nhà ngục. Vợ con Nguyễn Bằng cùng Phạm Hữu vào theo. Chỉ thấy Nguyễn Bằng tóc tai quần áo tả tơi, người gầy đét, ghẻ lở đầy mình, chân tay bị cùm kẹp tím bầm sưng tấy, nằm thở thoi thóp như sắp tắt hơi, không còn biết gì nữa. Phạm Thị vợ Nguyễn Bằng oà khóc:

– Quân giết người! quân giết người…

Thật là:

Đất khách coi khinh ngàn gươm giáo

Quê hương hấp hối một thân tù

Mời bạn đọc tiếp chương sau xem Nguyễn Bằng sống chết ra sao.

Đ.T

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder