Đan Thành
Đuổi cá sấu, Nguyễn Thuyên làm quốc ngữ văn
Phá cường địch, Quốc Toản dựng cờ tụ nghĩa…Đan Thành
Đuổi cá sấu, Nguyễn Thuyên làm quốc ngữ văn
Phá cường địch, Quốc Toản dựng cờ tụ nghĩa
Đang nói Hốt Tất Liệt nhận được biểu văn của nhà Trần, bực tức muốn giết Trần Di ái rồi cất quân đánh phương Nam, có một người bước ra dâng kế. Các quan nhìn xem ai hoá ra là đạt lỗ hoa xích lộ Bắc Kinh tên là Bột Nhan Thiết Mộc Nhi. Hốt Tất Liệt nói:
– Khanh có kế gì hay, hãy nói trẫm nghe.
Bột Nhan Thiết Mộc Nhi tâu:
– Nay hữu thừa Toa Đô cùng tả thừa Lưu Thâm và thị lang Điệt Hắc Mê Thất tuy có mấy chục vạn quân ở Kinh Hồ nhưng hầu hết là quân tân phụ chưa thể dùng vào việc viễn chinh. Nếu tiến binh ngay cũng phải sang Xuân mới đến được đất phương Nam. Khi ấy trời nắng lên, lam sơn chướng khí, quân sĩ chịu sao nổi. Người Nam lại dùng kì binh quấy rối, quân ta khó mà thủ thắng. Chi bằng hoàng thượng dùng kế lấy mèo đuổi hổ có hơn không.
Hốt Tất Liệt hỏi:
– Lấy mèo đuổi hổ là thế nào? Khanh mau nói trẫm nghe.
– Tâu hoàng thượng! Nhà Trần ở phương Nam như con hổ ngồi thủ thế. Di ái ở trong tay hoàng thượng có khác chi con mèo. Nhân việc Trần Khâm chưa được phong đã lên ngôi, hoàng thượng phong luôn cho Trần Di ái làm An Nam quốc vương rồi cho quân hộ tống đến Đại La, giống như Tần Mục công phò công tử Di Ngô về nước Tấn ngày trước, đuổi Trần Khâm đi, như vậy có phải danh chính ngôn thuận không, mà bọn Trần Di ái thì nằm gọn trong tay hoàng thượng chẳng chạy đi đâu được. Đó chính là kế dùng mèo con đuổi hổ lớn vậy.
Hốt Tất Liệt vỗ tay khen hay rồi tự đặt tên cho Đại Việt là An Nam tuyên uý ty, giống như Vân Nam tuyên uý ty là nơi quân Nguyên đã chiếm được từ ba mươi năm trước, phong cho Trần Di ái làm An Nam quốc vương, Lê Mục làm hàn lâm học sĩ, Lê Tuân làm thượng thư. Bột Nhan Thiết Mộc Nhi được phong làm An Nam tuyên uý sứ đô nguyên suý, toàn quyền cai trị xứ An Nam, chọn một số quan lại giúp việc. Tháng mười năm ấy (11-1281) Hốt Tất Liệt xuất một vạn đĩnh tiền, cử Sài Thung đem một nghìn quân hộ tống “An Nam quốc vương” Trần Di Ái về nước. Di ái được phong tước, có vẻ đắc chí lắm, Lê Tuân thấy vậy nói:
– Bọn ta nhận mệnh đi sứ, nay chịu tước phong của nhà Nguyên chính là khoác vạ vào thân chứ có gì sung sướng đâu.
Trần Di Ái nói:
– Các ngươi chớ sợ. Về đến Thăng Long ta lên ngôi vua quyết không bạc đãi các ngươi.
– Tôi chỉ sợ về đến Thăng Long đầu chúng ta chẳng còn ấy chứ, đâu có nghĩ đến chuyện quyền cao chức trọng mai sau, chi bằng trốn đi là hơn.
– Ngươi chớ sợ. Sài thượng thư không bỏ chúng ta đâu.
Lê Mục nói:
– Chúng ta tin Sài Thung sao được. Với một nghìn quân chỉ bảo vệ cho mình ông ấy không xong nói gì bảo vệ được chúng ta.
Di Ái nói:
– Sao các ngươi thiển cận thế. Đằng sau một nghìn quân ấy còn Bột Nhan nguyên suý với cả nước Nguyên hùng mạnh cơ mà. Trần Khâm muốn làm gì cũng phải trông gương nhà Tống chứ.
Tháng tư năm Thiệu Bảo thứ tư (Nhâm Ngọ-1282), Bột Nhan Thiết Mộc Nhi, Sài Thung và Hồ Kha Nhĩ hộ tống triều đình Trần Di Ái về tới biên giới nhưng tướng Việt là Lương Uất giữ ải không cho quân Nguyên qua, chỉ để Sài Thung đưa bọn Trần Di Ái về. Khi đoàn sứ đã vào trong ải, Lương Uất liền hô lính bắt bọn Trần Di Ái giải về kinh trị tội. Sài Thung quắc mắt quát:
– Trần Di Ái là An Nam quốc vương, kẻ nào dám bắt. Các ngươi muốn làm phản sao?
Lương Uất nói:
– Ta nhận lệnh của nhà vua trấn giữ nơi này bắt kẻ phản quốc. Trần Di Ái là tên phản thần, không phải là quốc vương gì cả. Bắt lấy nó cho ta.
Sài Thung không có quân lính hộ vệ nên đành chịu. Đêm ấy Lê Tuân nói với Trần Di Ái:
– Tôi đã nói rồi mà. Chúng ta nhận tước phong của nhà Nguyên là tự rước họa cho mình chứ quý hoá gì đâu.
Di Ái khóc nói:
– Bây giờ bị đưa về kinh chắc là phải chết, biết làm thế nào!
Lê Mục nói:
– Đã đến nước này chúng ta nên trốn quay lại nương nhờ nhà Nguyên may ra còn được sống.
Di Ái nói:
– Cũng đành thế vậy chứ biết làm sao.
Nửa đêm quân lính ngủ say, bọn Ái liền kéo nhau trốn đi nhưng bị lính gác phát hiện. Lê Mục rút kiếm chống lại, liền bị giết chết. Di Ái và Lê Tuân bị Lương Uất vây chặt, đành quì xuống chịu trói.
Sài Thung tức giận lắm, viết thư cho người tâm phúc luồn rừng quay lại bảo bọn Bột Nhan Thiết Mộc Nhi và Hồ Kha Nhĩ nhân khi quân Nam sơ hở đánh cướp lấy ải để cứu bọn Trần Di Ái. Bột Nhan Thiết Mộc Nhi nhận được thư, liền đem binh cướp ải thì trời đã gần sáng. Quân Lương Uất không ra đánh, chỉ reo hò, đánh trống, thổi tù và ầm ĩ. Quân Nguyên nghi hoặc không biết quân Việt nhiều ít thế nào, bảo nhau lùi lại. Đến khi trời sáng hẳn, Hồ Kha Nhĩ nói:
– Người Nam chỉ hò reo mà không ra đánh, hẳn là chúng ít quân. Ta nên cho lính nấu cơm ăn xong tiến lên chắc là chúng phải bỏ ải mà chạy.
Bột Nhan Thiết Mộc Nhi nói:
– Tướng quân bàn phải lắm. Ta cần đánh gấp để cứu Trần Di Ái mới có thể ép Trần Khâm thoái vị.
Hai tướng bàn xong, lệnh cho quân sĩ nấu cơm, vừa định ăn bỗng trong rừng chiêng trống vang trời, tên bay vun vút. Quân Nguyên bị bất ngờ, bỏ chạy tán loạn. Lương Uất dẫn quân xông ra chém giết một hồi. Quân Nguyên chết hại quá nửa. Bột Nhan Thiết Mộc Nhi cùng Hồ Kha Nhĩ thu nhặt tàn binh chạy trốn về Nguyên, không dám nghĩ đến việc cứu bọn Trần Di Ái nữa.
Sài Thung thấy Bột Nhan Thiết Mộc Nhi thua chạy, đành phải đem đoàn sứ của mình đến Thăng Long nhưng vẫn giữ thói hống hách, ngạo nghễ cưỡi ngựa đi thẳng vào cửa Dương Minh. Đô trưởng Thân Văn Khoai ngăn lại, bị Thung dùng roi ngựa quất chảy máu đầu. Văn Khoai tuốt kiếm, nói:
– Ta phải giết tên hỗn sứ này mới được.
Thập trưởng Trịnh Quang Minh kịp ngăn lại, nói:
– Chưa phải lúc anh em ta ra tay, hãy cứ chịu nhịn chúng đã. Hôm trước chú không nhớ quan đô uý nói: con hổ trước khi vươn ra vồ mồi nó phải thu mình cho nhỏ lại đó ư.
Văn Khoai nghe ra, tra kiếm vào vỏ nhưng trong lòng còn uất ức lắm. Sài Thung đến điện Tập Hiền thấy có chăng màn trướng, ngỡ là vua Trần đến tiếp mới chịu xuống ngựa nhưng Trần Nhân tông chỉ cho thái uý Trần Quang Khải đến sứ quán tiếp. Sài Thung nằm khểnh không ra. Quang Khải vào trong nhà, Thung cũng không chịu dậy. Quang Khải về tâu với vua. Trần Quốc Tuấn nói:
– Xin hoàng thượng để thần đến xem hắn làm gì.
Nhà vua nói:
– Nhưng khanh đến mà y cũng không chịu tiếp thì phải làm sao?
Quan hàn lâm đại học sĩ Lê Văn Hưu ghé vào tai Quốc Tuấn nói nhỏ mấy câu. Quốc Tuấn tươi cười nói với nhà vua:
– Thần đã có cách rồi.
Nói xong, Quốc Tuấn ra ngoài sai người gọt tóc, thay áo theo kiểu nhà sư phương Bắc rồi đến sứ quán. Sài Thung thấy vậy đứng dậy vái chào, mời Quốc Tuấn ngồi đối diện nói chuyện uống trà. Quốc Tuấn nói:
– Bần tăng nghe nói quan thượng thư sang Đại Việt lần này có nhiều trọng sự, cớ sao lại không tiếp quan thái uý tướng quốc.
Sài Thung nói:
– Ta đường đường là quốc công thiên triều, đáng lẽ quốc vương An Nam phải ra đón may ra ta mới chiếu cố mà tiếp, cớ sao lại để một một kẻ bồi thần đến, chẳng hoá ra là coi khinh ta quá hay sao.
Quốc Tuấn nói:
– Quốc công nói vậy sai rồi. Nam Bắc xưa nay là hai cõi riêng biệt. Đại Việt chưa bao giờ là thuộc quốc của nhà Nguyên, sao lại coi Quang Khải là bồi thần. Vả lại quốc công không chịu tiếp người của vua Đại Việt, định bỏ sứ mệnh trọng đại vua trao hay sao.
Đang trò chuyện, tên lính hầu của Sài Thung đứng phía sau cầm mũi tên tự chọc vào đầu đến chảy máu. Quốc Tuấn vẫn ung dung nói chuyện, sắc mặt không đổi. Sài Thung thấy vậy thầm cảm phục. Lúc Quốc Tuấn ra về, Sài Thung tiễn ông ra tận cửa.
Hôm sau Trần Nhân tông lại sai Quang Khải đến sứ quán, Quốc Tuấn nói:
– Xin hoàng thượng chưa lên cho người đến vội. Cứ để cho hắn nằm đấy chán đi đã.
Nhà vua nghe theo, bỏ mặc Sài Thung nằm chơi ở sứ quán. Sài Thung không thấy ai ỏ ê gì đến, lâu ngày sốt ruột nhưng không biết làm thế nào, bỗng dưng thấy Trần Quang Khải tới thì mừng lắm nhưng vẫn ra bộ cành kiêu. Quang Khải định bỏ về, lúc ấy Sài Thung mới vội sai quân mời lại. Hôm sau Quang Khải dẫn Sài Thung vào chầu, dâng thư của vua Nguyên. Trong thư có đoạn nói: “Ngươi cáo bệnh không vào chầu, nay cho ngươi được nghỉ để thuốc thang điều dưỡng. Ta lập chú ngươi làm An Nam quốc vương, coi quản dân chúng ” .
Trần Nhân tông nghe đọc thư xong, đập án, nói:
– Láo xược! Vua tôi nhà các ngươi là cái gì mà dám nói đến chuyện phế lập ở nước ta. Võ đao quân! Đem Sài Thung ra chém, gửi đầu về Nguyên để dạy cho Hốt Tất Liệt một bài học.
Sài Thung sợ ríu cả lưỡi, không nói được câu gì. Quan thông thị đại phu là Trần Phụng Công can rằng:
– Hai nước bang giao không nên chém sứ. Xin hoàng thượng cứ đuổi Sài Thung về cũng đủ làm cho vua tôi nhà Nguyên nhục lắm rồi.
Nhân tông nghe theo, sai quân đuổi Sài Thung về. Thung đi sứ lần này cũng chẳng được công trạng gì lại suýt mất mạng, đành lủi thủi về nước.
*
Đây nói chuyện về Thân Văn Khoai mấy năm trước, sau khi được Trịnh Quang Minh cho số tiền năm mươi quan, liền về quê nói với mẹ bán hết vườn ruộng lấy một trăm quan tiền, quay lại Đại La chuộc Mộng Điệp. Chiều hôm ấy Văn Khoai cùng Trịnh Quang Minh mang bốn trăm quan tiền đến kỹ viện Phúc Tình. Một vị tương bang dẫn hai người vào gặp tư Phúc. Quang Minh nói:
– Chú em tôi đây đã có đủ tiền. Xin mợ cho chuộc cô Mộng Điệp.
Tư Phúc với tay lấy chiếc ống đồng nhổ quết trầu, cười nheo mắt, nói:
– Có bao nhiêu mà bảo là đủ?
– Thì mợ đã bảo là bốn trăm quan, chúng tôi có đủ đây.
Tư Phúc phủi tay cười, bảo:
– Trời ơi! Những người anh em sao mà ngây thơ thế. Bốn trăm quan là đã cách đây mấy tháng rồi. Bây giờ cái gì cũng đắt đỏ, tháng trước có hai xu một thưng gạo, tháng này đã phải ba xu rưỡi rồi. Bốn trăm quan lúc này chưa bằng hai trăm quan mấy tháng trước, tôi để cho người anh em làm sao được.
Văn Khoai nghe nói vậy nóng bừng cả mặt, nói:
– Mụ này nói hay thật, đã như vậy sao mụ không nói trước cho chúng tôi biết. Mụ định giở trò phải không?
Quang Minh kéo Văn Khoai, ý muốn bảo cứ từ từ. Tư Phúc giọng giễu cợt, nói:
– Nào ai dám giở trò với người anh em. Nhưng thực tình cầm bốn trăm quan bây giờ, tôi có đi vớt gà lẻ về cũng không được. Bao nhiêu công chăn dắt, nay nó mới kiếm ra đồng bạc chứ có phải dễ đâu.
Quang Minh ôn tồn nói:
– Thế bây giờ ý mợ định thế nào?
Tư Phúc cười nhạt, nói:
– Bây giờ các người anh em muốn chuộc Mộng Điệp phải không dưới chín trăm quan.
Văn Khoai không chịu được nữa bặm môi nói:
– Mụ tưởng tiền là vỏ hến hay sao. Mụ đòi bốn trăm quan, tôi chồng đủ bốn trăm quan. Mụ có giao người không thì bảo?
Tư Phúc chống tay vào nách, nói:
– Này đây bảo cho mà biết nhá, nhà này có công với nước, chưa có đứa nào bắt nạt được đâu. Đã thế một nghìn quan cũng không bán xem các người làm gì nào. Bay đâu! Tiễn khách.
Theo khẩu lệnh của tư Phúc, vị tương bang hất hàm, mấy gã miết đầu cùng tiến lại. Văn Khoai định xông ra. Quang Minh giữ lại, kéo Văn Khoai đi. Văn Khoai vùng vằng, nói:
– Chẳng lẽ anh em ta sợ bọn chúng nó hay sao?
Quang Minh bảo:
– Chúng ta đâu có sợ gì mấy con chó ấy nhưng chú không trông kia.
Vừa nói, Trịnh Quang Minh vưa chỉ tay lên tấm đại tự có ba chữ Tử vị Quốc. Văn Khoai biết ý đành theo Quang Minh về. Vũ Tình đến nói với tư Phúc:
– Mợ đưa một cái giá cắt cổ thế ai người ta chịu nổi.
Tư Phúc bảo:
– Cậu mới rõ thật là. Có cái mỏ tiền, ai lại chả moi. Gã này xem ra đã quá si mê, thế nào cũng còn vác mặt đến. Có đòi hai nghìn quan nó cũng phải kiếm bằng được cho mà coi.
– Nhưng cũng nên vừa vừa thôi, vượt quá khả năng nó cũng chẳng biết làm thế nào.
– Thế nào là quá khả năng. Đã là quan thiếu gì cách kiếm tiền.
– Nhưng mà quan to cơ, chứ một anh đô trưởng lấy đâu ra lắm tiền thế.
– Chính quan choai choai này mới vung tay quá trán chứ quan to toàn những đồ bủn xỉn, kẹt trơ cuống ra, dễ gì moi được tiền của họ. Phen này nhất định tôi kiếm được hai nghìn quan cho cậu xem.
– Mợ ranh ma lắm, không bù lúc còn bán quán trà dại như…
Vũ Tình chưa nói hết câu, có tiếng kêu thất thanh:
– Có người nhảy lầu! Có người nhảy lầu!
Thì ra Mộng Điệp ở trong kỹ viện cực khổ quá lại thấy Văn Khoai đã hết lòng vì mình mà việc không thành liền lên lầu cao gieo mình tự vẫn. Khi Vũ Tình và tư Phúc tới, Mộng Điệp đã nằm bất động, dang hai tay, máu ứa ra miệng. Tư Phúc lăn vào khóc:
– Ôi con tiền con bạc của mợ ơi! Mợ đối với con có đến nỗi nào, sao phải khổ sở thế này. Mất toi bao nhiêu tiền của tôi rồi.- quay ra bảo Vũ Tình – Cậu bảo đứa nào vào báo cho hai cậu lính lúc nãy, may ra vì tình vì nghĩa các cậu ấy cho ít tiền thuê người chôn cất.
Lúc sau hai người lính trở lại. Văn Khoai nhìn trừng trừng lên tấm hoành phi có ba chữ tử vị quốc. Quang Minh hỏi bạn:
– Cậu nhìn gì ở đấy?
Văn Khoai đau xót nói:
– Chính những chữ vàng vua ban kia bức chết cô ấy!
Từ đấy Văn Khoai ôm mối tình sầu, không chịu lấy vợ. Đã bao nhiêu năm chàng vẫn là một đô trưởng hết lòng với công việc bảo vệ triều đình. Lại đến khi Sài Thung đánh chảy máu đầu, chàng vẫn chịu nhịn. Trịnh Quang Minh thương bạn mới tìm cách khuyên giải rồi gả em gái mình là Trịnh Thị cho.
*
Tháng sáu, nhà vua xử tội Trần Di Ái, bắt phải làm khao giáp binh Thiên Trường, quét dọn trong quân doanh. Lê Tuân phải đồ làm Tống binh. Nhà Nguyên chuẩn bị mấy chục vạn quân ở đất Kinh Hồ để đánh phương Nam. Trần Nhân tông biết vậy nên thường mang quân ra sông Cái luyện tập thuỷ chiến. Đội binh của Thân Văn Khoai cũng đi tháp tùng. Bấy giờ nước lớn vừa rút, thuyền vua đi sát bãi lau giữa sông, bỗng một con cá sấu rất to bơi ra há mồm đầy răng lởm chởm đớp một miếng, gãy luôn mái chèo. Quân sĩ trông thấy đều sợ hãi. Thân Văn Khoai bảo lính bơi thuyền ngược lại, chàng đứng phía trước, giương cung bắn một phát trúng miệng cá sấu. Con vật đau quá, lặn xuống nước mất. Trong khi đó vua sai quan hình bộ thượng thư là Nguyễn Thuyên làm văn đuổi cá sấu. Nguyễn Thuyên lấy bút mực viết loáng một mạch được bài văn nôm, ném xuống nước. Quả nhiên không thấy cá sấu nổi lên nữa. Vua phán:
– Nguyễn Thuyên làm văn đuổi cá sấu hôm nay chẳng khác nào Hàn Dũ ngày xưa, từ nay gọi khanh là Hàn Thuyên.
Vua nói xong cho ghi công và trọng thưởng Hàn Thuyên. Về sau ai cũng cho là bài văn của Hàn Thuyên đuổi được cá sấu, mà không biết nó phải lặn đi là do mũi tên của một người lính. Cũng từ đấy chữ quốc ngữ (chữ nôm) được nhà Trần coi trọng. Nhiều văn nhân dùng chữ ấy làm thơ, thơ nôm gọi là thơ Hàn luật.
*
Bột Nhan Thiết Mộc Nhi cùng Hồ Kha Nhĩ dẫn bọn tàn binh chạy về Nguyên, còn đang loanh quanh ở Hồ Quảng, chưa dám về Đại Đô. ít ngày sau, bọn Sài Thung cũng về tới. Bột Nhan Thiết Mộc Nhi hỏi tình hình Trần Di Ái. Sài Thung nói:
– Đến ta mà cũng suýt bị giết thì Trần Di Ái chắc là chết rồi.
Hồ Kha Nhĩ nói:
– Chúng ta nhận mệnh vua phò tá An Nam quốc vương về nước, không được công trạng gì lại bị thua quân, nhục sứ. Giờ về biết ăn nói ra sao.
Bột Nhan Thiết Mộc Nhi nói:
– Tốt nhất cứ về tâu rõ, bọn Trần Khâm rất là hung bạo, cho quân chẹn ải giết mất quốc vương và đuổi sứ thần. Ta ít quân không thể trừng trị chúng được xin thiên tử phát đại binh đi chinh phạt An Nam, bắt bọn Trần Khâm về trị tội.
Ba người bàn bạc đâu đấy, giao cho Sài Thung tả biểu để khi về đến Đại Đô dâng lên vua Nguyên.
Hốt Tất Liệt nhận được tấu biểu của bọn Sài Thung, rất uất ức, liền sai hữu thừa Toa Đô lập tức điểm binh đi đánh An Nam. Thị lang bộ binh là Điệt Hắc Mê Thất khi ấy vừa ở Hồ Quảng về, bước ra tâu:
– Người An Nam dám giết vua (chỉ Trần Di Ái), đuổi sứ là vì họ đã có sự chuẩn bị chu đáo nên đánh không phải dễ. Xin thánh thượng cho đánh xứ Chiêm Thành trước rồi từ hai phía ép lại. Quân Việt rơi vào thế lưỡng đầu thọ địch, dẫu có binh hùng tướng mạnh cũng khó chống nổi.
Triều thần đều cho lời bàn ấy là rất phải. Hốt Tất Liệt hỏi:
– Muốn đánh Chiêm Thành phải làm thế nào?
Điệt Hắc Mê Thất tâu:
– Chiêm Thành là một nước nhỏ, điều đáng ngại là hai nước Xiêm La và An Nam. Nếu hai nước ấy đem quân giúp Chiêm thì ta khó đánh. Nên trước hết phải cô lập được nước Chiêm đã.
Hốt Tất Liệt lại hỏi:
– Muốn cô lập nước Chiêm, phải làm thế nào?
Thân vương Giảo Kỳ bước ra tâu.
– Xin thánh thượng cho sứ sang Xiêm La đe doạ nước ấy để họ không cứu Chiêm. Còn An Nam, ta dùng kế mượn đường diệt Quắc để tiến quân vào mà khống chế. Khi ấy chỉ cần một đạo quân đánh từ biển lên, quân Chiêm cũng không thể chống nổi.
Hốt Tất Liệt vỗ tay khen:
– Hay lắm.
Lập tức sai vạn hộ hầu Hà Tử Chí đi sứ Xiêm La. Trên đường đi ghé qua Chiêm Thành để doạ nạt. Lại cử người sang Đại Việt trách vua Trần về việc giết chú, đuổi sứ, đòi nhà Trần giúp quân lương và cho mượn đường đi đánh Chiêm Thành.
Tháng sáu năm Chí Nguyên thứ mười chín nhà Nguyên (Nhâm Ngọ-1282), ngày Mậu Tuất, Hốt Tất Liệt điều năm nghìn quân Hồ Quảng cùng một trăm hải thuyền, hai trăm năm mươi thuyền chiến, cử hữu thừa Toa Đô làm nguyên soái đi đánh Chiêm Thành, lại cho thân vương Giảo Kỳ làm giám quân, Lưu Khuê làm phó tướng, lấy tham chính Hắc Đích làm tiền đội tiên phong. Mặt khác cho A Lý Hải Nha chuẩn bị một đạo quân lớn để sẵn sàng đánh Đại Việt.
Tháng tám, tướng nhà Trần là Lương Uất dò biết được tình hình quân Nguyên, liền cho ngựa chạy trạm về triều đình báo: Hữu thừa nước Nguyên là Toa Đô đem năm mươi vạn quân tinh nhuệ nói là đi đánh Chiêm Thành nhưng thực ra muốn xâm lược nước ta.
*
Trời đã sang Đông, mây lạnh tràn về nhưng chưa lấy hết được sắc vàng của ánh nắng mùa Thu. Bến Bình Than san sát những thuyền, hàng nào đội ấy chỉnh tề. Cả một rừng cờ phần phật bay ngược chiều gió bấc. Cạnh bến là chiếc thuyền cực lớn, chạm rồng, có mái che sơn son thếp vàng rực rỡ, trên đỉnh cột buồm treo lá cờ đại có chữ Trần ở giữa, các góc thêu hình long phụng. Đó là thuyền của nhà vua. Hoàng thượng về đây họp các vương hầu bàn kế chống giặc. Khi các vương công đã yên vị trong thuyền, nhà vua nói:
– Nay nhà Nguyên đã làm chủ Trung Quốc, trước sau gì cũng đánh nước ta, cái thế không thể khác được. Trẫm triệu các khanh về đây bàn kế phá giặc. Ai có kế hay hãy tâu lên.
Tĩnh Quốc vương Trần Quốc Khang bước lên tâu:
– Thần trộm nghĩ ngồi chờ giặc đến đánh ta sao bằng học Lý Thường Kiệt ngày trước đem quân đi đánh giặc có hơn không.
Nhà vua hỏi:
– Muốn đánh giặc phải làm thế nào?
Quốc Khang tâu:
– Chỗ căn bản của quân Nguyên đóng cả ở Kinh Hồ, ta nên chia quân thuỷ bộ hai đường đánh sang, trước chiếm lấy đảo Quỳnh châu của người Lê làm chỗ dựa lâu dài rồi cùng tiến đánh Kinh Hồ, dùng quân tinh nhuệ đột nhập phá hết quân lương, binh khí của giặc thì chúng lo chống cũng khó còn đánh ta sao được.
Thượng vị hầu Trần Lão can rằng:
– Kế ấy nghe thì hay đấy nhưng đánh giặc đâu có dễ thế. Thần xin hiến một kế khiến bọn Toa Đô, A Lý Hải Nha mảnh giáp cũng không còn.
Trần Lão đang nói, nhà vua ra hiệu ngừng lại, chỉ tay bảo:
– Ta trông người ngồi trên chiếc thuyền ngoài xa kia như là Nhân Huệ thượng vị hầu sao ấy.
Các quan theo hướng chỉ của nhà vua, thấy một người mặc áo lụa ngắn ngồi cầm lái trên chiếc thuyền lớn chở đầy than củi, có bốn năm anh chân sào chèo thuyền. Nhà vua sai lính bơi thuyền nhỏ đuổi theo mời, đến cửa Đại Than thì kịp. Người lính quân hiệu gọi:
– Ông lái ơi! Có lệnh vua triệu1.
Người lái thuyền không dừng lại, chỉ bảo:
– Lão là người buôn bán, có việc gì mà phải triệu.
Anh lính quay về tâu đúng như vậy. Nhà vua bảo:
– Đúng là Nhân Huệ đấy. Người thường đâu dám nói thế.
Liền cho nội thị đi đón. Nhân Huệ thượng vị hầu Trần Khánh Dư cứ mặc chiếc áo ngắn ấy, đội nón lá đến gặp vua. Nhà vua thấy vậy nói:
– Nam nhi mà đến nỗi này thì thật là cùng cực rồi
Vua nói xong, tuyên chiếu tha tội cho Khánh Dư cởi áo ngự khoác cho ông, phong làm phó đô tướng quân, bảo ngồi trên hàng tước công và tước hầu để bàn việc. Từ đấy mới gọi là Nhân Huệ vương. Các quan yên vị trở lại. Vua hỏi Thượng vị hầu Trần Lão:
– Khanh hãy nói tiếp xem kế sách thế nào.
Trần Lão nói:
– Bọn A Lý Hải Nha muốn mượn đường đánh Chiêm Thành, ta cứ vờ nhận lời để chúng vào hiểm địa, phục binh mà đánh, chỉ một trận là chúng tan tành.
Nhà vua nhìn Trần Khánh Dư, hỏi:
– Khanh thấy kế ấy thế nào?
Khánh Dư tâu:
– Nước Chiêm Thành nhỏ như chiếc chiếu, có đâu phải dùng mấy chục vạn quân mới đánh được. Rõ ràng người Nguyên muốn cướp nước ta, nếu cho chúng vào qua ải, lập tức chúng giở trò ngay, ta làm sao kịp dẫn chúng đến nơi hiểm địa nữa. Bọn Toa Đô và A Lý Hải Nha tập trung quân ở Kinh Hồ đã lâu, lại đóng thuyền chiến, luyện tập thuỷ binh, hẳn là chúng muốn vào nước ta bằng cả đường thuỷ lẫn đường bộ. Toa Đô đem quân đánh Chiêm Thành chẳng qua là muốn lấy chỗ đứng vững chân để vòng lên đánh nước ta. Bọn A Lý Hải Nha nói là muốn đi qua nước ta, đánh Chiêm, chính là kế mượn đường diệt Quắc. Xin hoàng thượng cho tăng cường phòng thủ những nơi hiểm yếu, đóng thêm thuyền chiến, nhất là những thuyền nhỏ cho tiện đánh ở nơi sông lạch đầm lầy. Mặt khác phải bố phòng chặt chẽ miền Hoan, Ái chặn giặc từ phía Nam đánh lên.
Nhà vua tươi cười nói:
– Nhân Huệ vương nói hợp ý ta lắm.
Lại có một người bước ra hiến kế. Bỗng trên bờ có tiếng ồn ào. Mọi người nhìn lên, thấy hai thiếu niên phi ngựa như bay về phía thuyền vua. Quân cấm vệ ngăn lại. Hai thiếu niên xuống ngựa đi thẳng tới nơi thuyền vua đậu. Quân thánh dực không cho xuống thuyền. Một thiếu niên lớn tiếng quát:
– Chúng ta là vương hầu đến bàn việc nước. Các ngươi dám cản đường ư?
Một viên thập trưởng bước lên tuốt kiếm, nói:
– Nhà vua chưa có lệnh, ai muốn xuống thuyền phải bước qua xác tôi.
Nhà vua lúc ấy đã trông rõ hai thiếu niên kia, một người là Hoài Nhân vương Trần Kiện, một người là Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản, cả hai đều còn trẻ tuổi. Vua truyền cho Trần Kiện và Quốc Toản xuống thuyền. Hai người bái lạy nhà vua, xin đi đánh giặc. Nhân tông phán:
– Trẫm họp các vương hầu bàn cách giữ nước. Các khanh có chí muốn đánh giặc, thật là quý nhưng còn nhỏ tuổi, hãy về luyện tập cho tinh thông, mai sau mới đánh được giặc.
Nhà vua nói xong, ban cho mỗi người một quả cam rồi bảo lên bờ. Quốc Toản đứng bần thần trên bờ sông, vừa bực vừa xấu hổ, tay bóp nát quả cam lúc nào không biết. Trần Kiện thấy thế nói:
– Kìa Quốc Toản? Sao bóp nát quả cam vua ban rồi, tội khi quân đấy, về đi không hoàng thượng trông thấy thì chết.
Lúc ấy Quốc Toản mới tỉnh ra, vội cùng Trần Kiện phi ngựa quay về.
*
Làng Vân ổ rộn ràng như mở hội. Ông Phạm bảo bà Mai:
– Gớm! Từ hôm nghe nói công tử Hoài Văn mộ quân đánh giặc, cái thằng Thắng nhà tôi cứ như phát cuồng lên, đòi may áo mới để ra ứng nghĩa.
Bà Mai nói:
– ối giời ôi! Thì cháu bác bên này cũng thế, lúc nào cũng múa võ đánh quyền, nằng nặc đòi đi, mấy hôm nay chặt tre làm giáo, kéo nhau ra bìa rừng tập trận, hôm nào cũng tối mịt mới về.
– Thôi! Thảo nào cứ sáng ra là thấy đi mất mặt, gà lên chuồng mới mò về. Hỏi đi đâu, nhất định không nói.
– Thế thì đúng rồi. Kéo nhau đi đánh trận giả đấy. Bác có định cho nó đi không?
– Thực lòng thì chẳng ai muốn con ra trận. Nhưng nước có giặc thím ạ! Phải để chúng nó đi thôi.
Bà Mai thở dài, nói:
– Ôi giời! Mình nghĩ nẫu cả ruột mà con cứ sướng nhẩy lên.
Ông Phạm bảo:
– Thì tuổi trẻ mà thím! Dạo đánh Thát lần trước, tôi với chú ấy cũng chạc tuổi chúng nó bây giờ, chỉ sợ không được tuyển vào lính thôi.
*
Quốc Toản không sao ngủ được, đi đi lại lại trong thư phòng. Lão gia thần lo lắng nói:
– Đêm khuya rồi! Mời công tử đi nghỉ. Mai là ngày hội binh, phải dậy sớm.
Quốc Toản nói:
– Ta làm sao mà ngủ được khi chưa có chữ đề cờ.
Ngoài cửa có tiếng chân người, lão phu nhân bước vào. Quốc Toản vội tới đỡ mẹ, nói:
– Kìa! Sao mẹ cũng chưa đi nghỉ?
Phu nhân ôn tồn bảo:
– Việc của con chưa xong, mẹ nghỉ sao được. Con hãy nghĩ xem vì nguyên cớ gì mà phải hưng binh.
Quốc Toản chắp tay nói:
– Dạ thưa mẹ! Con chiêu binh lần này trước để đánh giặc mạnh, sau báo đền ơn vua ạ.
Lão phu nhân mỉm cười, nói:
– Con nói đúng rồi đó. Vậy sao không đề những chữ ấy lên cờ?
Đôi mắt Quốc Toản sáng lên, gương mặt chàng rạng rỡ hẳn ra, khoanh tay cúi đầu nói với mẹ:
– Cảm ơn mẹ đã gợi ý cho con,- Chàng quay sang nói với lão gia thần – Lão hãy đi nói với các cô gái làng, trong đêm nay phải thêu xong sáu chữ phá cường địch báo hoàng ân trên lá cờ đại này.
Sáng hôm sau, từ lúc còn rất sớm, trai tráng mấy xã trong vùng đã tụ lại trên khoảng đất đầu làng Vân ổ. Cha mẹ, chị em nghĩa binh cũng nhộn nhịp tiễn đưa. Cơm nắm, khăn trầu và những ánh mắt gửi trao kể bao tình lưu luyến. Lát sau Quốc Toản dẫn mấy trăm gia binh tiến vào. Có một tráng sĩ trẻ tuổi đi đầu, hai tay giương cao lá cờ đại. Mọi người đồng thanh hô to:
– Phá cường địch, báo hoàng ân! Phá cường địch, báo hoàng ân!
Tiếng hô ầm vang lan theo chiều dài dãy núi Yên Phụ. Quốc Toản mặc giáp, khoác chiến bào, đeo kiếm, bước lên tướng đài trong tiếng vỗ tay reo mừng của dân làng và quân sĩ. Chàng nói:
– Nước nhà có hoạ xâm lăng. Ta nay tuy chỉ là một gã thiếu niên nhưng cũng không thể ngồi yên mà nhìn vó ngựa giặc Thát giày xéo non sông của tiên tổ, nguyện chiêu binh đánh giặc báo đền ơn vua. Vậy trai tráng trong vùng, ai có lòng theo ta thì tiến lên đứng dưới lá cờ nghĩa này.
Quốc Toản vừa dứt lời, mấy trăm gã thiếu niên cùng bước lên đứng quanh lá cờ đại, hô vang:
– Phá cương địch báo hoàng ân! Phá cường địch báo hoàng ân!
Tiếng chiêng trống nổi lên. Các vị quản binh sắp đặt lính mới vào đội ngũ. Khi mặt trời vừa nhô lên, đoàn quân theo bóng cờ tiến về hướng biên thuỳ. Lão phu nhân đứng trong đám những người mẹ, nhìn theo hơn một nghìn gã thiếu niên dân quê cho đến khi đoàn quân khuất sau cánh rừng ở tận phía xa.
*
Lúc bấy giờ thái uý Trần Quang Khải đã được phong làm thượng tướng thái sư, luôn ở bên cạnh thượng hoàng Thánh tông, bàn việc nước. Một hôm thượng hoàng hỏi:
– Lần này quân Nguyên sang nước ta đông và mạnh, muốn đánh thắng chúng, phải làm thế nào?
Quang Khải tâu:
– Quả là lực lượng quân Nguyên lần này rất mạnh, lại được chuẩn bị chu đáo. Thần nghĩ muốn thắng được chúng, ta chỉ có một cách toàn dân liên thủ.
– Làm sao để toàn dân liên thủ?
– Muốn toàn dân liên thủ trước hết phải làm cho dân tin theo.
– Làm thế nào để dân tin theo?
– Muốn dân tin theo không ngoài hai chữ công minh. Thưởng đúng công, phạt đúng tội. Mọi việc nên đưa ra để dân cùng bàn, cùng làm. Như vậy ân đức của triều đình mới thấm nhuần đến quân dân trăm họ. Quân lính đi trận về phải được chăm lo.
Thượng hoàng gật đầu nói:
– Khanh nói đúng lắm. Việc chăm lo cho quân lính đánh Thát lần trước khanh thấy đã được chưa?
Quang Khải nghĩ một lát, tâu:
– Thần nghĩ việc chăm lo cho binh lính đánh Thát lần trước cũng đã là chu đáo nhưng vẫn có chỗ bất cập. Còn những người có công mà chưa được thưởng và khá nhiều kẻ khai man để hưởng quyền lợi, có người hăng hái đánh giặc nhưng chối bỏ ân huệ của triều đình, lại có người vì không vượt qua được những thủ tục nhiêu khê nên đành bỏ qua những gì đáng lý ra mình được hưởng, có người vì mất chứng cứ nên đành chịu thiệt thòi.
– Theo khanh bây giờ làm gì để bù đắp vào chỗ khiếm khuyết ấy?
– Thần nghĩ, thượng hoàng cần ra một đạo chỉ cho cả nước, những ai đã từng đánh Thát năm Nguyên Phong đều được cấp bổng, những người có công hoặc bị thương tật khi lâm trận nếu chưa được khen thưởng chỉ cần hai chiến hữu làm chứng, các quan phải báo lên để triều đình ban thưởng. Như thế sẽ không bỏ sót người nào.
Thượng hoàng nói:
– ý ấy hay lắm. Trẫm sẽ làm ngay.
*
Trời đang nắng bỗng trở nên sầm sì, mới sáng ra mà đã oi bức. Đoàn Sĩ Hiệp ôm ngực kêu đau.
Đoàn Thị Hoa chạy vào nói:
– Để con nâng thầy dậy cho dễ chịu. Thuốc sắc sắp được rồi.
Sĩ Hiệp bảo:
– Không cần đâu! Để nguyên cho thầy nằm một lúc. Con làm gì cứ làm đi. Bu mày đi chợ bán rau chắc cũng sắp về. Hôm qua đến nay làng có việc gì mà mõ rao nhiều thế?
Hai cha con đang nói chuyện Nguyễn Văn Điền chạy vào, nói:
– Bác Hiệp! Bác Hiệp! Có tin mừng đây. Nhà vua có chiếu cấp bổng cho những người đánh Thát năm xưa, ai có thương tích chỉ cần hai người làm chứng sẽ được cấp thẻ. Lần này nhất định anh được cấp thẻ và được thưởng rồi, không lo gì nữa.
Sĩ Hiệp vui vẻ hỏi:
– Thật thế hả bác?
– Thật quá đi chứ.
Lúc sau, Mai Văn Tự, Vũ Tuấn, Phạm Anh cùng đến. Vũ Tuấn nói:
– Hôm nay khai báo công trạng đánh Thát cho những người chưa được hưởng bổng lộc của nhà vua. Anh Hiệp ăn cái gì đi rồi ra đình khai báo. Hoa! Lấy cháo cho bố cháu ăn để các chú còn dẫn ra đình.
Khi anh em đỡ Đoàn Sĩ Hiệp ra đến nơi, trong đình không còn ai khai báo. Xã quan Nguyễn Vĩ Thử ngồi đánh tổ tôm với các hào mục trong hậu cung. Sở dĩ Vĩ Thử được làm xã quan là nhờ Hà Phương được đổi về làm quan huyện Trường Tân. ít lâu sau Hà Phương lo lót Đỗ Khắc Chung nhờ xin ân xá cho bọn Nguyễn Vĩ Thố về làm tay chân cho mình, lấy Vĩ Thử ra làm trương tuần rồi lần lần cất nhắc lên làm lý trưởng, xã quan. Vĩ Thử lại tiến cử Vũ Dật là con trai trương tuần Vũ Văn Dư ngày trước làm lý trưởng làng Cao Duệ. Đến nay Vĩ Thố đã già được về nghỉ. Bọn Vĩ Thử, Vũ Dật vẫn được Hà Phương trọng dụng.
Trông thấy bọn Vũ Tuấn, Phạm Anh dìu Sĩ Hiệp ra, Vũ Dật vào báo. Vĩ Thử bảo:
– Anh cứ ra bảo tôi bận, họ ngồi đấy chờ một tí.
Vĩ Thử nói xong lại tiếp tục chơi bài mãi tới gần trưa. Bọn Văn Điền, Vũ Tuấn sốt ruột định xông vào hậu đình. Lý trưởng Vũ Dật cùng mấy tráng đinh ngăn lại. Vĩ Thử thấy ồn ào mới chịu ra, vờ vồn vã hỏi Sĩ Hiệp:
– Ô ồ! Anh Hiệp sao bây giờ mới ra, chậm chạp thế. Anh em người ta làm hết hôm qua cả rồi. Nào vào đây.
Đợi mọi người ngồi xuống chiếu, Vĩ Thử hỏi tiếp:
– Anh Hiệp đánh trận nào, bị thương ở đâu nhỉ?
Vũ Tuấn láu táu nói:
– Anh ấy đánh trận Phù Lỗ cùng với chúng tôi…
Không để Vũ Tuấn nói hết câu, Vĩ Thử Xua tay bảo:
– Cứ để yên cho anh ấy tự trả lời.
Vũ Tuấn lặng im. Sĩ Hiệp nói:
– Tôi đánh trận Phù Lỗ cùng các anh đây. Bị đánh trúng một truỳ nên từ bấy đến nay mới ốm yếu thế này.
Vĩ Thử cười nhạt, nói:
– Nhưng không có vết sẹo nào làm sao biết anh đánh nhau với Thát.
Phạm Anh nói:
– Rõ ràng anh ấy đánh nhau với Thát, sao lại không?
Vĩ Thử hỏi:
– Anh có trông thấy không?
Hôm đó Phạm Anh phải đưa anh em ốm về tuyến sau, không dự trận nên bị hỏi câu ấy làm sao mà trả lời được, đành ngồi im. Nguyễn Văn Điền, Vũ Tuấn, Mai Văn Tự cùng nói, giọng hơi gay gắt:
– Phạm Anh hôm đó đi vắng nhưng chúng tôi đây đều nhìn thấy. Những lời anh Hiệp khai đều là sự thật. Ông không tin chúng tôi sao?
Vĩ Thử cũng gắt lại:
– Thật giả bây giờ lấy gì làm bằng. Tôi biết các anh chơi hẩu với nhau từ lâu, lời làm chứng như vậy sao mà tin được. Muốn khai man để hưởng lộc vua đâu có dễ.
Văn Điền đứng bật dậy quát:
– Mày bảo ai khai man?
Vĩ Thử cười gằn, nói:
– Anh định làm gì? Đánh tôi chắc? Nên nhớ, hành hung người đang thừa hành công vụ tội không nhỏ đâu nhé. Nhưng thôi! Dù sao Anh Hiệp cũng đã từng là lính trong thời gian chống Thát lần trước. Anh đã lĩnh bổng chưa?
Sĩ Hiệp nói:
– Từ hôm qua đến nay tôi ở nhà có ra đây đâu mà lĩnh.
Vĩ Thử hất hàm hỏi:
– ấy là tôi hỏi trước đây anh đã được cấp bổng ở quân ngũ chưa?
– Chiếu vua bây giờ mới ban ra, ngày xưa tôi được ai cấp bổng.
– Thôi thế này nhé, vì có một số đồn binh trước đây tuy chưa có chỉ dụ của hoàng thượng nhưng đã cấp bổng cho binh lính. Anh đến đồn binh cũ xin cái giấy chứng nhận chưa được cấp bổng về đây chúng tôi làm ngay cho. Phải nhanh lên không ngày kia hết hạn rồi. Đây là lần cuối đấy.
Sĩ Hiệp kinh ngạc, há mồm, kêu:
– Trời ơi! Mấy chục năm rồi làm gì còn đồn binh cũ mà đến xin!
Vĩ Thử ra vẻ ân cần hướng dẫn:
– Nếu không còn đồn binh cũ thì lên bộ binh, người ta còn tên lưu ở đấy đấy. Xin luôn cả cái giấy chứng thương nữa nhé. Như thế là triều đình quan tâm chu đáo đến chúng ta quá còn gì. Không phải gây khó khăn đâu, nhưng phải đúng đối tượng.
Sĩ Hiệp không chịu được nữa, nói:
– Ông nói như thế có khác gì đánh đố tôi. Bao nhiêu năm rồi, nhân sự thay đổi cả, tôi biết gặp ai ở bộ binh bây giờ.
Vĩ Thử lạnh lùng nói:
– Cứ lên đấy mà hỏi chứ tôi làm sao biết được. Cũng dễ thôi mà, miễn là mình có công thật, dù chỉ một chút thôi cũng không ai bỏ qua. Như tôi đây này, dạo ở trên ấy nấu cơm cho dân phu chẳng may chỉ làm đổ nồi canh bỏng chân cũng được phát thẻ thương tích.
Vừa nói, Vĩ Thử vừa cười khà khà, kéo ống quần lên để lộ bắp chân có miếng sẹo bỏng trắng bợt. Sĩ Hiệp nghĩ đường đất xa xôi mà mình đau ốm không thể đi lại chầu chực được, hơn nữa nhà nghèo không lấy tiền đâu làm lộ phí mới nói với các bạn:
– Thôi các anh ạ! Làm ơn đưa tôi về nhà. Bao nhiêu năm nay có bổng lộc gì đâu, tôi vẫn sống được cơ mà. Ngày kia đã hết hạn rồi, dẫu tôi có cánh bay đi cũng không sao kịp được.
Bọn Văn Điền, Phạm Anh căm Vĩ Thử lắm nhưng không biết làm thế nào, bảo:
– Ông Thử này! Đừng có ỷ thế ỷ quyền mà làm bậy, gây khó dễ cho anh em nhé. Nếu ông nhất định từ chối, chúng tôi sẽ gửi đơn lên quan trên xem ông làm như thế có đúng không.
Vĩ Thử thanh minh:
– Đã nói rồi. Tôi đâu có gây khó khăn gì cho anh em nhưng mà lệnh trên là thế, tôi biết làm sao được. Các vị muốn đưa đơn đến đâu thì đưa.
Vũ Tuấn đứng dậy vừa đi vừa chửi:
– Mẹ cha thằng chó, hút máu hút mủ của anh em. Giặc sang lần này chúng ông để nguyên cho bố con nhà mày đi đánh một mình
Thật là:
Thương binh không thẻ ôm ngực chịu
Quân gian bổng hậu vỗ bụng cười
Chưa biết giặc Thát sang lần này, những người dân làng Cao Duệ có cho con em ra trận không? Xin hãy xem chương sau mới rõ.
Đ.T