Nhật Duật chặn giữ đất Lê Hoa
Toa Đô hành quân đường Hoan ái…
Nhật Duật chặn giữ đất Lê Hoa
Toa Đô hành quân đường Hoan ái
Đang nói Trần Nhật Duật nhận được thư hẹn hội kiến của Nạp Tốc Lạt Đinh, chưa biết nên thế nào. Mưu sĩ Trần Đạo Chiêu hiến kế nên đi. Nhật Duật nghe theo, viết thư đưa sang trại Nguyên hẹn gặp và dặn các tướng chịu sự điều vát của Đạo Chiêu tiên sinh. Đêm ấy Đạo Chiêu cho mời Triệu Trung, Mã Phi Thái, Trương Tích, Giả Cương, Tiết Hùng đến giao cho mỗi người một việc, bảo cứ như thế mà làm. Các tướng nhận lệnh đi ngay.
Nạp Tốc Lạt Đinh nhận được thư của Trần Nhật Duật, xem xong mừng lắm, bảo các tướng:
– Mưu kế của ta chắc thành. Thác Bạc Kha Đại đêm nay mang năm trăm quân phục sẵn trên đỉnh đồi Lê Hoa, khi nào nghe tiếng pháo nổ, tràn xuống bắt Nhật Duật. Đoàn Vi Đề, Ngụy Phong, Ngụy Lôi đem hai vạn quân khi nào thấy cắm cây cờ đại trên đỉnh đồi Lê Hoa, đánh sang chiếm lấy cửa ải. Tín Thư Long mang năm nghìn quân theo con đường hẻm qua khe Hắc Quỉ đánh vào phía sau trại quân Nam. Quân Nam không có chủ tướng nhất định tan vỡ. Bố Đà Hoa Lặc, Gia Luật Tế Sơn tuần phòng coi giữ các trại.
Các tướng y lệnh, ai về trại nấy lo việc của mình.
Sáng hôm sau Nhật Duật dậy sớm bước ra sân trại. Khi ấy đã là đầu giờ Mão nhưng trời mùa đông chưa sáng rõ, sương mù giăng dày đặc, cách mươi bước không nhìn thấy nhau. Thấp thoáng trong đám sương mù có tám chín người thiếu nữ bước tới vái chào Nhật Duật, người nào cũng ăn mặc theo lối con gái kinh kỳ, nét mặt xinh đẹp nhưng âu sầu. Một người có vẻ là chị cả bước lên cúi đầu nói:
– Chín chị em thiếp là trinh nữ ở thành Đại La, xin có lời chào vương gia.
Nhật Duật nói:
– Các ngươi thân gái ở Đại La, lên chốn biên thuỳ này làm chi?
– Trình vương gia! Chị em thiếp nay đã là thần nữ bị giam cầm ở đây hai mươi bảy năm có lẻ rồi, cúi xin vương gia phá bỏ ấn bùa để bọn thiếp được trở về quê quán.
– Hà cớ chi mà các ngươi lại bị giam cầm ở nơi này, hãy mau nói ta nghe.
– Trình vương gia! Năm Nguyên Phong, Cốt Đãi Ngột Lang vào Thăng Long, sai người lùng bắt được chín chị em thiếp, về sau thua trận chạy qua đây, mang theo nhiều vàng bạc châu báu nhưng bị truy đuổi gấp quá, ông ta cất giấu kho báu ở phía Nam đồi Lê Hoa, chôn sống chín chị em thiếp để làm thần giữ của. Trên cửa hầm mộ chèn một khối đá khắc hai chữ thiên ấn. Nếu vương gia cho người phá vỡ khối đá ấy, bọn thiếp sẽ thoát ra được. Số của cải trong đó xin vương gia đem hoàn lại cho triều đình.
Cô gái nói xong, cùng các chị em tan đi theo đám sương mù. Nhật Duật hỏi người gia đồng:
– Ngươi có nhìn thấy gì không?
– Trình vương công! Con không nhìn thấy gì, chỉ nghe vương công nói chuyện một mình.
Nhật Duật liền cho gọi Phó Tường, Dương Lâm, Đặng Hoành đến dặn việc.
Cuối giờ Mão, Nạp Tốc Lạt Đinh cùng A Tất Hoạt mang năm sáu tuỳ tùng cưỡi ngựa đến phía Nam đồi Lê Hoa, dọn tiệc dưới gốc cây gỗ lê cực lớn chờ Nhật Duật. Một tên tuỳ tùng báo:
– Trình chủ tướng! Dưới chân đồi có bảy tám dân man đang đục một tấm đá lớn không biết họ làm gì.
Nạp Tốc Lạt Đinh nói:
– Ta đi sứ sang An Nam đã nhiều lần nên biết, dân man ở đây thường lấy đá đục làm cối giã thóc, giã ngô. Các ngươi cứ kệ cho họ làm, đừng kinh động kẻo Nhật Duật lại sinh nghi.
Khi sương sớm đã tan hết, bấy giờ Nạp Tốc Lạt Đinh mới thấy Trần Nhật Duật mặc áo trắng, cưỡi ngựa bạch long thấp thoáng sau mấy đám cây rừng, chỉ có một mình Phó Tường ăn mặc như một đạo đồng râu quăn theo hầu. Hai bên gặp nhau thi lễ xong, Nạp Tốc Lạt Đinh mời Trần Nhật Duật ngồi vào bàn tiệc. Trong khi uống rượu, Nạp Tốc Lạt Đinh gẩy một bản đàn cho Nhật Duật nghe. Nhật Duật khen hay rồi cũng thổi một khúc tiêu. Tiếng tiêu réo rắt trầm bổng hoà cùng tiếng gió thoảng của núi rừng làm xao xuyến lòng người. Nạp Tốc Lạt Đinh nói:
– Chiêu Văn thổi tiêu hay lắm, Tiêu Lang1 ngày trước hẳn cũng đến thế này là cùng. Giá như không có việc chiến chinh để chúng ta ngày nào cũng được bầu bạn thì đời trần cũng đâu kém chi cảnh thần tiên.
Nhật Duật nói:
– Quan bình chương muốn như vậy đâu có khó gì. Chỉ cần ngài đem binh về nước, đừng bao giờ xâm chiếm nước tôi, hai bên nối lại tình bang giao như trước, lo gì không được cùng nhau vui chơi cho thoả.
– Tôi lại nghĩ khác, giá như Chiêu Văn theo về với Đại Nguyên phụng thờ thiên tử để sự nghiệp của đế quốc chóng thành, chúng ta là đôi bạn tâm giao thì những ngày tháng tươi đẹp kia mới được lâu dài, còn nếu như kháng lại thiên triều, e rằng khó tránh khỏi tai hoạ về sau.
– Quan bình chương nói thế sai rồi. Lão Tử dạy rằng Thiên hạ có đạo, các nước không gây sự chinh chiến với nhau, ngựa tốt không dùng vào việc chiến tranh mà dùng vào việc cầy cấy; thiên hạ vô đạo thì ngựa dùng vào việc chiến tranh, ngựa mẹ phải sinh con ở chốn sa trường. Cái hoạ lớn nhất là không biết thế nào là đủ, hại không gì bằng tham muốn cho được nhiều2. Nay nước Nguyên phía Tây đánh đến Tề Ma Lý3, phía đông đánh đến Phù Tang, diệt Kim phá Tống, thôn tính Tây vực. Đế quốc rộng đến ức vạn dặm mà vẫn chưa thoả lòng tham tôi e cái hoạ sắp đến chứ có đâu mong được vui vẻ lâu dài.
Nạp Tốc Lạt Đinh nghe nói vậy sa sầm nét mặt quát:
– Giỏi cho Nhật Duật. Ta lấy tình mà đối đãi tử tế với ngươi mà nhà ngươi dám buông lời thoá mạ thiên triều, coi thường thiên uy sao?
Nhật Duật cười, nói:
– Thì ra con sói khoác da lạc đà cuối cùng cũng không giấu đuôi mãi được.
Nạp Tốc Lạt Đinh sai lính đốt pháo rồi ùa vào bắt Nhật Duật. A Tất Hoạt cùng mấy lính Nguyên tuốt kiếm xông tơí. Phó Tường rút trong người ra một ngọn tam đoạn thiết tiên4múa tít che cho Nhật Duật. Đám người đục đá gần đấy chính là bọn Dương Lâm, Đặng Hoành thấy có biến liền nhất loạt cầm binh khí lao lên. Nạp Tốc Lạt Đinh, A Tất Hoạt thấy yếu thế mới lùi lại chờ quân trên núi đánh xuống nhưng năm trăm quân của Thác Bạc Kha Đại đã bị ba nghìn quân của Mã Phi Thái ngăn lại không thể xuống được. A Tất Hoạt thấy Phó Tường hung hăng muốn đánh lại có bọn “thợ đá” làm viện binh, Thác Bạc Kha Đại thì không đến, tình thế rất nguy liền cầm đao lớn đứng giữa đường ngăn cho Nạp Tốc Lạt Đinh cùng mấy tuỳ tòng lên ngựa chạy về trại. Phó Tường định đuổi theo, Nhật Duật ngăn lại, nói:
– Hôm nay là ngày hưu chiến, không cần đuổi chúng. Bây giờ mở hầm mộ xem có cái gì.
Bọn Dương Lâm, Đặng Hoành cho quân phá hầm mộ thu được cơ man là châu ngọc vàng bạc cùng với chín bộ hài cốt của các cô trinh nữ. Nhật Duật lập tức cho người chuyển cả về trong ải. Bọn Thác Bạc Kha Đại thấy quân Việt đông quá, không thể đánh xuống được mới quay binh về trại, Mã Phi Thái cũng không đuổi theo.
Đoàn Vi Đề, Ngụy Phong, Ngụy Lôi thấy có tiếng pháo nổ nhưng không trông thấy cờ hiệu, chưa dám xuất binh. Tín Thư Long nói:
– Chắc nhiều cây cao quá ta không nhìn thấy cờ thôi, lẽ nào pháo nổ mà không có cờ, ta nên xuất quân kẻo nhỡ việc.
Bọn Đoàn, Nguỵ nghe theo liền xua quân đánh sang ải Lê Hoa. Tướng Việt giữ ải là Trương Tích cho quân lăn xe phong hoả xuống, quân Nguyên không sao lên được. Tín Thư Long theo đường Hắc Quỉ tiến sâu vào sau ải, không ngờ vừa vào đến chỗ ngã ba, gặp ngay một tướng cưỡi ngựa cầm giáo đứng chặn ngang nói:
– Tướng giặc xuống ngựa hàng mau. Ta là Triệu Trung chờ ngươi ở đây đã lâu rồi.
Tín Thư Long múa đao vào đánh với Triệu Trung bỗng thấy phía sau quân lính xôn xao rồi quân Việt ở hai bên ập lại đông như kiến, đánh giết quân Nguyên, tình thế rất nghặt nghèo, liền rẽ sang con đường bên tả lại gặp ngay một tướng mặt đẹp như tiên đồng, cưỡi ngựa bạch câu. Tướng ấy nói:
– Ta là Tiết Hùng người nước Tống đây. Tướng giặc mau hàng đi.
Tín Thư Long vội quay sang con đường bên hữu lại thấy một tướng bào giáp đen, cưỡi ngựa đen, cầm cây kích sắt đen bóng, chẳng khác nào quỉ sứ diêm vương. Tướng ấy cười sằng sặc bảo:
– Ta là Vân Lôi dũng sĩ Giả Cương đây. Thằng khốn tướng này không hàng ngay còn muốn chạy đi đâu?
Tín Thư Long không còn đường chạy nữa đành lao vào giao đấu, bị Giả Cương đâm một nhát kích chết lăn xuống ngựa, quân sĩ chạy tan tác cả.
Nạp Tốc Lạt Đinh chạy về đến trại, biết các tướng đã mang quân đi, kêu:
– Thật là khổ! Thật là khổ!
Lúc sau thấy quân thua trận chạy về báo tiên phong Tín Thư Long bị tướng Việt mặt đen giết chết rồi. Nạp Tốc Lạt Đinh thương tiếc khôn cùng. A Tất Hoạt nói:
– Để ngày mai ra trận tôi giết nó báo thù cho Tín tướng quân.
Trần Nhật Duật hôm ấy thắng lớn, lại thu được rất nhiều bạc vàng châu ngọc, cùng những bảo vật của triều đình, liền cho người tâm phúc đem hài cốt chín cô gái về an táng ở thành Đại La và trả số của cải cho triều đình.
Sáng sớm hôm sau Nạp Tốc Lạt Đinh đem quân đến dưới ải khiêu chiến. Nhật Duật mặc võ phục, cưỡi ngựa bạch long dẫn các tướng mở cửa thành nghênh chiến. Khi hai bên đối trận, Nạp Tốc Lạt Đinh cưỡi ngựa lên trước nói:
– Ta đã ước với Nhật Duật hôm qua là ngày hưu chiến, thế mà ngươi trái lời cho phục binh đánh giết quân ta. Hôm nay ta trả thù cho Tín Thư Long đây.
Nhật Duật nói:
– Quan bình chương nói sai rồi. Việc hôm qua do ngài gây ra trước, chứ ngài biết thủ tín có đâu lại đến nỗi như vậy.
Nạp Tốc Lạt Đinh quay lại bảo các tướng:
– Ai dám ra bắt nó cho ta.
A Tất Hoạt quát to một tiếng:
– Có tôi đây.
Liền phi ngựa xông ra. Bên quân Việt, Dương Lâm múa cây truỳ tật lê cản lại. Hai tướng đánh nhau hơn mười hiệp. Dương Lâm bị A Tất Hoạt đâm một giáo trúng đùi bên hữu, máu chảy ròng ròng, phi ngựa chạy về. A Tất Hoạt lao theo định giết. Đặng Hoành hoa đao đánh tới. A Tất Hoạt đâm một thương. Đặng Hoành không đỡ nổi, chết lăn xuống ngựa. Quân Nguyên thừa thắng ào cả lên. Quân Việt bối rối quay chạy vào ải. Nạp Tốc Lạt Đinh hô các tướng:
– Kẻ mặc giáp trắng, cưỡi ngựa trắng kia chính là Trần Nhật Duật, mau bắt lấy nó. Nhưng bên quân Việt còn có Tiết Hùng cũng mặc bào trắng, cưỡi ngựa trắng nên các tướng Nguyên không biết nên đuổi người nào.
Nạp Tốc Lạt Đinh lại nói:
– Kẻ đội mũ trụ có gù lông trên đầu không phải Trần Nhật Duật.
Các tướng Nguyên tranh nhau aò lên. Phó Tường liều chết đánh cản lại bảo vệ cho Nhật Duật, đang trong cơn nguy cấp, thấy quân Nguyên chững lại không đuổi nữa. Phía sau trại Nguyên lửa cháy, khói bốc lên mù mịt. Nạp Tốc Lạt Đinh vội thu quân quay về cứu trại.
Nhật Duật chạy được lên ải, hỏi các tướng:
– Không biết cánh quân nào đánh trại quân Nguyên?
Có người biết, nói:
– Cánh quân ấy của tù trưởng Lương Hiếu Bão ở vùng này, toàn trai tráng người man cả.
Nhật Duật nói:
– Không có ông ấy thì hôm nay ta nguy mất. Sau này giặc tan ta phải nhớ tâu lên để triều đình ban thưởng1.
Sáng hôm sau Nạp Tốc Lạt Đinh lại kéo quân đến thách đánh. Nhật Duật nói:
– Hôm qua đánh nhau ta thương vong mất hai tướng. A Tất Hoạt khoẻ thế này không biết quân ta có ai địch nổi hắn không.
Phó Tường, Triệu Trung, Giả Cương cùng nói:
– Tôi xin ra đánh với hắn.
Trương Tích, Tiết Hùng, Mã Phi Thái cũng xin đi. Trần Đạo Chiêu nói:
– Việc này vương công nên giao cho tướng quân Phó Tường, nhưng phải làm thế này… thì khắc bắt được hắn.
Nhật Duật nghe theo dẫn Phó Tường, Mã Phi Thái, Triệu Trung, Giả Cương xuống ải, lại theo kế của Trần Đạo Chiêu, bảo Mã Phi Thái:
– Ngươi chọn lấy một nghìn tay nỏ dàn ra ở góc trận phía tả chỗ có nhiều sim mua lúp xúp ấy, khi nào A Tất Hoạt đuổi Phó Tường đến đấy thì đồng loạt chĩa vào nó mà bắn.
Hai bên dàn trận xong, Phó Tường dong ngựa ra trước nói:
– Ta là Phó Tường, Nam thiên dũng sĩ, mời dũng sĩ nước Nguyên là A Tất Hoạt ra nói chuyện.
Bên quân Nguyên có một tướng tiến ra nói:
– Có ta là Nguỵ Phong nói chuyện với mi đây. Tướng quân A Tất Hoạt là người danh giá đâu có thèm giao tiếp với loại chuột cống như ngươi.
Phó Tường chẳng nói thêm gì, rút cây tam đoạn thiết tiên, chỉ loáng một cái như tia chớp đã vụt chết Nguỵ Phong. Nguỵ Lôi vung cây đại phủ xông ra đánh cũng bị Phó Tường vụt cho một roi ngang lưng, hộc máu mồm, suýt ngã ngựa, vội chạy về. Lúc ấy A Tất Hoạt nói với Nạp Tốc Lạt Đinh:
– Tôi không ra thì không trị nổi thằng này.
Nạp Tốc Lạt Đinh nói:
– Ta xem thằng này kiêu dũng mà nhanh nhẹn lắm, đánh với nó ngươi chớ coi thường.
– Xin tuân lệnh.
A Tất Hoạt nói xong, cầm giáo xông ra. Hai bên giao đấu hơn ba mươi hiệp không phân thắng bại, về sau hăng lên chẳng còn phân hiệp nữa, cứ nhè vào đầu nhau mà nện thật lực vô hồi kì trận nhưng không ai sơ sẩy miếng nào. Phó Tường liệu không thể dùng sức hạ đổ được A Tất Hoạt mới vờ thua chạy sang cánh tả. A Tất Hoạt đang hăng máu, thúc ngựa đuổi theo, không ngờ vừa đến đám sim mua, quân Việt bắn ra hàng ngàn mũi tên cắm đầy mình ngựa. Con ngựa lăn ra chết. A Tất Hoạt mặc giáp cứng nên không đến nỗi mạng vong, vội bỏ ngựa chạy bộ quay về, bị Phó Tường quay lại đuổi theo bén gót. May có Gia Luật Tế Sơn ra kịp cản Phó Tường lại, A Tất Hoạt mới chạy thoát. Triệu Trung, Giả Cương xua quân đánh sang. Bên quân Nguyên, Bố Đà Hoa Lặc, Thác Bạc Kha Đại cũng thúc quân ào tới. Hai bên đánh nhau túi bụi hồi lâu rồi ai rút quân về trại nấy.
Từ hôm ấy về sau còn nhiều trận đánh nữa, có trận Việt thắng, có trận Nguyên thắng nhưng Trần Nhật Duật đã chặn đứng Nạp Tốc Lạt Đinh gần một tháng trời không sao tiến lên được. Việc này tạm dừng ở đây, sau sẽ còn quay lại.
Đây xin lược lại việc năm trước (Nguyên Chí Nguyên thứ 20 – 1283) đạo quân Ô Mã Nhi, Hốt Đô Hồ, Lưu Quân Khánh gồm một vạn năm nghìn người đi cứu viện cho Toa Đô ở Thư Mi Liên (Chiêm Thành cảng) nhưng mãi đến tháng ba năm sau (1284) mới xuất phát được. Ô Mã Nhi dẫn quân đến Thư Mi Liên thì doanh trại quân Nguyên đã bị đốt trụi. Bọn Toa Đô chạy lên phía Bắc rồi. Ô Mã Nhi đi tìm dọc bờ biển nhưng không gặp. Khi ấy đã vào mùa Hè, đoàn thuyền của Ô Mã Nhi bị một trận bão lớn, chìm đắm tan nát cả. Ô Mã Nhi, Lưu Quân Khánh, Hốt Đô Hồ trôi dạt lênh đênh trên biển nhiều ngày mới về được Quảng châu, vừa may gặp bọn A Lý Hải Nha, Lý Hằng mang quân đi đón, thu nhặt thuyền bè sĩ tốt nhập vào đạo quân hành tỉnh Kinh Hồ đi đánh Đại Việt. Toa Đô ở Ô châu đã lâu mà không nhận được viện binh, tình thế rất nguy ngập chỉ sợ liên quân Việt Chiêm vây đánh nhưng khi ấy Tĩnh Quốc vương Trần Quốc Khang đã mang quân Việt về đóng ở vùng Hoan ái rồi. Hoàng thân Giảo Kỳ nói:
– Có lẽ triều đình chưa biết chúng ta ở đây. Nguyên soái cứ viết một đạo biểu nữa gửi về nói rõ tình thế của ta hiện nay và xin viện binh.
Còn đang bàn bạc, có quân vào báo lính đi tuần cứu được một số quân Nguyên trôi dạt trên biển. Toa Đô cho gọi vào hỏi mới biết viện binh đã tan nát hết, liền theo lời Giảo Kỳ, viết biểu về Nguyên xin quân lương. Vua Nguyên Hốt Tất Liệt nhận được biểu văn của Toa Đô liền thiết triều nói:
– Hữu thừa Toa Đô nay bị vây khốn ở Chiêm Thành, trẫm muốn cho quân đi cứu. Các khanh bàn xem nên chọn ai làm tướng.
Thượng thư bộ binh là Lương Tằng bước ra tâu:
– Hữu thừa Toa Đô đánh Chiêm bị đại bại. Hai năm nay chịu vây khốn, nếu là tướng có tài thì đâu đến nỗi đành chịu mãi như vậy. Theo thiển ý của thần, hoàng thượng nên cử tướng khác sang thay, gọi Toa Đô về xử tội.
Một viên đạt lỗ hoa xích là Hợp Tán Nhi Hải Nha tâu:
– Thần từng đi sứ phương Nam nên đã rõ. Đất phương Nam không thuần như phương Bắc. Người Nam khó giáo hoá mà lại quật cường, khí hậu xứ ấy nóng ẩm dễ sinh ôn dịch. Hữu thừa Toa Đô mang quân đi tuy thất lợi nhưng ở đất Nam đã quen không nên thay tướng khác.
Quốc công thượng thư Sài Thung1tâu rằng:
– Lời đạt lỗ hoa xích vừa trình bày là rất có lý. Dân phương Nam nếu không đè bẹp được ý chí của chúng đi nhất định chúng không thuần phục. Xin hoàng thượng cử thêm tướng giỏi mang nhiều quân đi giúp Toa Đô, giục ông ta đánh lên miền Hoan, ái của An Nam, nước An Nam tất mất. Khi An Nam đã bị diệt, hoàng thượng chỉ với tay là tóm được vua Chiêm Thành chứ có khó khăn gì. Vả lại Toa Đô là người có nhiều công lao trong việc đánh Tống, không nên vì việc này mà cất chức ông ta.
Đại tướng tả thừa là Đường Ngột Đải tâu:
– Thần tuy bất tài nhưng cũng xin đem quân đi cứu Hữu thừa Toa Đô.
Hốt Tất Liệt thấy quần thần nhiều người muốn tăng viện cho đạo quân ở Chiêm Thành, mới nói:
– Nước Kim, nước Tống đất đai muôn ức dặm, dân số mấy trăm triệu, tướng giỏi binh đông ta còn nghiền nát như tro bụi huống chi một cái xứ Việt Chiêm nhỏ như lòng bàn tay.
Nói xong lệnh cho Đường Ngột Đải mang mười vạn quân cùng một nghìn chiến thuyền đi tăng viện cho Toa Đô đánh sang Đại Việt. Đường Ngột Đải mang quân đến Ô thành, Toa Đô như cá gặp nước định tiến ngay sang chiếm lấy miền đất Bố Chính của Đại Việt. Thân vương Giảo Kỳ nói:
– Quân ta đã đông, nhưng đánh ngay sang Đại Việt e người Chiêm tập hậu, chi bằng ta đánh chiếm nốt châu Lý để trừ hậu hoạ, khai thông cả hai đường thuỷ bộ mà tiến có hơn không.
Đường Ngột Đải cũng nói:
– Lời bàn của điện hạ rất có lý, xin nguyên soái cho tôi đi đánh châu Lý.
Toa Đô liền cho Đường Ngột Đải mang một vạn quân đi lấy châu Lý. Tướng Chiêm giữ châu Lý là Bà Lậu nghe có quân Nguyên đến, điểm binh lên mặt thành chống giữ. Đường Ngột Đải cho quân đến dưới chân thành thách đánh. Phó tướng Chiêm là Kê La Liên nói với Bà Lậu:
– Chủ công hãy giữ lấy mặt thành để tôi mang quân ra đánh chúng.
Bà Lậu nói:
– Tướng quân ra thành chớ nên quá ham đánh kẻo mắc lừa quân giặc.
Bà Lậu và Kê La Liên vốn là bạn học của Phan Sầm, cùng được thọ giáo Phan Ma Lôi, chơi với nhau thân thiết lắm. Nay Phan Sầm đã chết, Bà Lậu và Kê La Liên muốn trả thù. Đường Ngột Đải thấy Kê La Liên kéo quân ra thành, chỉ tay nói:
– Ta mang quân thiên triều đến đây, sao nhà ngươi không biết điều hàng phục ngay đi may ra còn nhận được lượng khoan hồng của thiên tử, định chống lại để mua lấy cái chết ư?
Kê La Liên chẳng nói chẳng rằng, vung búa khai sơn chém tới. Đường Ngột Đải múa cây phong vũ thần đao đón đỡ. Hai bên đánh nhau đến mấy mươi hiệp không phân thắng bại. Bà Lậu trên thành sợ Kê La Liên có điều sơ sảy liền khua chiêng thu quân. Đường Ngột Đải về trại nói với các tướng:
– Ta không ngờ một cái thành cỏn con thế này mà lại có tên tướng giỏi đến thế. Nó đánh hùng hục như trâu điên. Ngày mai ta phải dùng mẹo lừa để bắt sống mới được.
Sáng hôm sau Đường Ngột Đải đến khiêu chiến, cho quân chửi bới thách Kê La Liên ra đánh. Bà Lậu nói:
– Quân giặc hung hăng lắm. Ta nên cố thủ thì hơn.
Kê La Liên nói:
– Thành nhỏ, lương ít nếu cố thủ mà bị giặc vây lâu có khác chi tự sát. Xin chủ công cứ để tôi ra đánh chúng.
Bà Lậu đành phải nghe theo. Kê La Liên ra khỏi thành bày trận đối mặt với Đường Ngột Đải. Hai bên cùng ra ngựa chẳng nói câu nào, xông vào đánh nhau không phân hiệp. Đánh chán cũng chẳng biết ai được ai thua, Đường Ngột Đải tự dưng quay ngựa bỏ chạy. Kê La Liên đuổi theo bén gót. Đường Ngột Đải lén rút sợi dây xích hồng cẩm tung lên1. Kê La Liên chỉ kịp trông thấy một vùng đỏ ối thì đã bị giật ngã xuống ngựa rồi, quân Nguyên ùa ra trói lại đem vào trận. Quân Chiêm sợ hãi vội vã chạy vào thành, bị quân Nguyên đuổi theo chém giết vô số. Đường Ngột Đải về trại, sai quân lính bày tiệc uống rượu, lại sai lực sĩ đặt một cái vạc đồng cực lớn đổ nước đun sôi để dìm Kê La Liên vào đấy. Kê La Liên sợ quá thét lên:
– Sao không hỏi xem ta có hàng hay không mà đã vội giết thế hả?
Đường Ngột Đải đang uống rượu, nghe Kê La Liên kêu, cũng phát bật buồn cười, hỏi:
– à! Ra nhà ngươi muốn hàng ư? Lúc trước có vẻ ngang tàng khí phách lắm cơ mà. Hoá ra chưa thấy nước sôi chưa rơi lệ.
– Tôi đã bị bắt không hàng còn làm gì đây.
Đường Ngột Đải nói:
– Ta cần quái gì ngươi hàng, cứ bỏ vào vạc nước sôi giãy giụa xem cho nó thích có hơn không!
– ối giời ôi! Tướng quân làm thế tôi tuột hết da ra mất. Tôi xin hàng! Tôi xin hàng thật mà.
– Nếu nhà ngươi làm được việc này thì ta cho hàng.
– Xin tướng quân cứ sai bảo.
– Nhà ngươi hãy quay vào thành khuyên Bà Lậu cùng ra hàng, ta tha chết còn cho vẫn làm chủ đất này.
Kê La Liên vâng vâng dạ dạ, được tha về thành. Các tướng bảo với Đường Ngột Đải:
– Tướng quân tha nó ra chẳng phải là thả hổ về rừng sao?
Đường Ngột Đải nói:
– Bây giờ hắn còn có thể chạy đi đâu. Thằng này tuy có khoẻ nhưng nhát như con chuột, chắc chẳng làm nên trò trống gì. Chỉ sớm mai là kéo nhau ra hàng cả đấy thôi.
Kê La Liên chạy về thành nói với Bà Lậu:
– Quân thế người Nguyên rất lớn. Chúng ta chỉ có một nhúm sĩ tốt, chắc chắn không thể giữ mãi được. Hơn nữa quân Nguyên muốn đánh ta là để khai thông đường sang Đại Việt chứ không có ý ở lại. Đường Ngột Đải đã hứa cho chúng ta vẫn trấn nhậm ở đây. Ta nên hàng thì hơn.
Bà Lậu vốn giữ được nơi này là chỉ dựa vào sức Kê La Liên, nay nghe Kê La Liên nói như vậy sao không hàng được, sớm hôm sau dẫn gia quyến và binh sĩ mở cửa thành ra hàng, được Đường Ngột Đải đối đãi tử tế. Ông bố của Bà Lậu thấy con làm như vậy liền vào nhà trong thắt cổ tự vẫn, không chịu hàng. Đám binh lính Chiêm bảo nhau:
– Các quan hàng quân Nguyên rồi lại được làm quan còn chúng ta hàng sẽ phải đi đánh nhau bỏ xác ở Đại Việt cũng chưa biết chừng. Chi bằng ta trốn cả đi, về đem vợ con lên rừng mà ở còn hơn.
Đêm ấy binh sĩ Chiêm trốn đi cả chỉ còn đám thân bằng của Bà Lậu và Kê La Liên ở lại vài chục người1. Ngày hôm sau Toa Đô đến nơi cho gọi bọn Bà Lậu và Kê La Liên lên mắng rằng:
– Các ngươi sinh ra ở đất Chiêm, ăn lộc của vua Chiêm mà không chịu chết vì nước Chiêm. Vậy ta tin các ngươi sao được. Đao phủ đâu, lôi bọn này ra chém để làm gương cho những kẻ không hết lòng thờ chủ.
Thân vương Giảo Kỳ vội ngăn lại nói:
– Đường sang Đại Việt rất là trắc trở mà quân ta chưa thuộc địa hình sông núi nơi đây. Nguyên soái hãy tha chết cho chúng, giữ lại làm hướng đạo.
Toa Đô tuy tàn ác nhưng là người thẳng thắn, rất ghét những kẻ tráo trở hai lòng, vẫn muốn giết bọn Bà Lậu và Kê La Liên, chỉ vì Giảo Kỳ nói như vậy nên mới tha cho nhưng khinh bỉ lắm, lại bảo theo Hắc Đích cho đi dẫn đường. Ngày hôm sau Toa Đô họp các tướng bàn việc tiến sang Đại Việt cũng vừa nhận được lệnh của Thoát Hoan giục tiến quân gấp. Đường Ngột Đải nói:
– Quân ta đông hàng chục vạn lại có tới hàng ngàn binh thuyền, muốn tiến nhanh chỉ có cách đi đường thuỷ là hơn cả.
Lưu Khuê nói:
– Nếu ta đi đường thuỷ e rằng khó đánh lên được vì dọc theo bờ biển vùng Hoan, ái quân Việt đóng rất đông. Tốt nhất ta chia binh ra làm hai đạo thuỷ bộ cùng tiến mới được.
Giảo Kỳ nói:
– Lời bàn của Lưu tướng quân rất có lý. Ta chia quân làm hai đạo mà tiến có khác gì Khổng Minh vào Tây Xuyên ngày trước. Quân Việt dù có tướng giỏi như Trương Nhiệm cũng không thể chống lại được.
Toa Đô nghe theo kế ấy mới chia cho thân vương Giảo Kỳ và Tả thừa Đường Ngột Đải năm vạn quân cùng toàn bộ thuyền chiến để đi đường biển đánh ra ái châu rồi thẳng tiến lên cửa Giao Hải vào Trường Yên, còn mình cùng vạn hộ Lưu Khuê, tham chính Hắc Đích dẫn năm vạn quân đi đường bộ đánh ra Bố Chính, Hoan châu, ái châu. Hắc Đích làm tiên phong, bọn Bà Lậu, Kê La Liên làm hướng đạo. Bà Lậu nghe Toa Đô vạch kế hoạch như vậy, nói:
– Nếu nguyên soái cho tiến quân như vậy e rằng quân thuỷ sẽ tách khỏi quân bộ đến Trường Yên trước, hai bên tách rời nhau rất khó ứng cứu.
Giảo Kỳ hỏi:
– Sao vậy?
– Quân thủy đi thuyền nhàn hạ lại ít gặp trở ngại, chỉ khoảng nửa tháng là ra tới Trường Yên. Đường bộ hành quân vất vả lại có hai con sông lớn ngăn trở, nếu người An Nam đóng quân chặn giữ thì chưa biết khi nào ta mới đến nơi được.
Toa Đô hỏi:
– Hai con sông lớn là những sông nào?
-Trình nguyên soái! Đất Bố Chính xưa là của nước tôi, sau phải dâng cho người An Nam, ở đấy có con sông lớn, mặt nước mênh mang gọi là sông Linh2. Một con sông nữa là sông Cả ở Hoan châu. Con sông này hợp lưu với sông Vĩnh chảy qua Vĩnh thành, mặt nước rộng đến mấy dặm. Không có thuyền lớn, quân sĩ khó mà qua được. Ngoài con sông ấy ra còn vô số những sông nhỏ khác, trời không mưa thì cạn tới đáy nhưng có mưa một chút là nước chảy ầm ầm không tài nào qua nổi. Vả lại đất Hoan, ái có Trần Khánh Dư và Trần Quốc Khang trấn giữ. Hai tướng này đều là kẻ cơ trí không dễ gì để cho ta đi qua.
Giảo Kỳ nói:
– Nguyên soái cứ tiến quân đến sông Linh. Tôi và Tả thừa sẽ đem binh thuyền đến đón, qua được sông này ta tính kế cho đoạn đường tiếp sau.
Toa Đô theo kế ấy, cùng Lưu Khuê, Hắc Đích kéo quân từ Ô, Lý men theo bờ bể lên miền Bố Chính. Đi suốt mấy ngày đường không gặp một người dân hay một làng bản nào, chỉ thấy một bên là bát ngát rừng xanh còn một bên là mênh mông cát trắng. Từng cơn gió lạnh thổi hun hút như làn roi quất vào mặt những người lính viễn chinh. Thi thoảng một con ngựa chiến chồn chân nhảy dựng lên, hí vang thảm thiết. Kê La Liên nói với Hắc Đích:
– Miền này cuối năm thường hay có mưa. Xin tướng quân lệnh cho binh lính chuẩn bị đồ che lương thảo.
Quả nhiên đêm hôm ấy trời đổi gió, đến gần sáng mưa trút xuống. Mấy ngày liền đất trời mịt mờ trong mưa bụi. Quân lính lê đi từng bước ướt át. Những chiếc xe chở lương thảo, quân cụ vừa rên ken két vừa nhích lên một cách nhọc nhằn. Các lòng sông nước đầy ăm ắp chảy xối xả như băng trôi tuyết lở, không thể nào vượt qua được. Sáu bảy ngày sau đến sông Đại. Bên kia sông Đại là thành Thuận Hoá. Toa Đô cho quân đóng bè vượt sang thám thính, hoá ra chỉ là một toà thành không. Tướng Việt giữ ở đây là Ninh Cát Đại cho quân lánh vào rừng hết rồi. Lưu Khuê nói với Toa Đô:
– Trời mưa dầm dề thế này nhỡ bị quân Nam chặn đánh ta khó mà đối phó. Nhân có ngôi thành này xin nguyên soái cho quân đóng lại đợi trời hết mưa hãy đi.
Toa Đô nói:
– Đây chính là trời giúp ta đó. Phải nhân khi trời mưa, quân kia không phòng bị, ta nên tiến nhanh, chớ để thuỷ quân phải đợi.
Nói xong liền ra lệnh cho các đội không được dừng lại, vượt mưa, vượt nước mà đi. Ba ngày nữa đến Linh giang, trời cũng tạnh. Đứng bên bờ Nam nhìn sang tả ngạn thấy một vùng trời nước xám như gio. Trên mặt sông chẳng có bóng dáng chiếc thuyền nào của quân Đại Việt, chỉ gợn lên một vệt mờ mờ xa tít toàn là lau sậy. Toa Đô liền hạ lệnh cho các đội cắm trại đợi Giảo Kỳ và Đường Ngột Đải, lại gọi Hắc Đích đến bảo:
– Ngươi cho quân vào rừng chặt tre nứa kết thành bè, ngày mai vượt sông.
Hắc Đích cho mấy trăm quân vào rừng chặt cây mang ra sông đóng được ba chục chiếc bè, mỗi chiếc có thể chở được hai ba mươi cung thủ. Hôm sau Toa Đô cho Hắc Đích đem năm trăm quân lên bè chèo sang tả ngạn xem tình hình quân Việt. Lại lệnh cho Kê La Liên mang người chặt cây đóng thêm một trăm chiếc bè khác để chở quân lính. Hắc Đích mang năm trăm quân sang sông, không thấy quân Việt đâu mới rẽ lau lách tìm chỗ lên bờ, chẳng ngờ vừa đi được một dặm đã thấy trống đánh, mõ kêu, tù và thổi om sòm rồi quân Việt từ bốn phía đổ ra đông không biết bao nhiêu mà kể. Quân Nguyên hồn siêu phách lạc không biết đối phó ra sao. Hắc Đích vội hô quân chạy về bến sông nhưng mấy chục bè tre đã bị quân Việt ẩn trong các bụi lau lấy đi mất cả. Năm trăm quân Nguyên bị quân Việt đổ ra giết gần hết. Hắc Đích trốn xuống bờ lau, may quân Việt không nhìn thấy, tới chiều vẫn còn lõm bõm lội dưới nước, không dám lên bờ, bỗng thấy phía trước có một tên lính cũng đang tìm đường trốn mới túm lại hỏi:
– Ngươi tên là gì? Bây giờ định trốn đi đâu?
Tên lính ấy thưa:
– Trình tiên phong! Tôi tên là Triệu Phù thuộc đội quân tân phụ, định chờ trời tối bơi về bờ Nam.
– Sông rộng thế này mà ngươi bơi được sao?
– Tôi vốn người ở Sơn Đông, chuyên làm nghề sông nước, có thể bơi suốt cả ngày mà không mệt mỏi gì. Sông này bất quá chỉ bơi vài canh giờ là qua.
– Thế thì nhà ngươi dìu ta qua sông.
– Trình tướng quân! Tôi nói bơi qua là khi bình thường được ăn no cơ, bây giờ vừa đói vừa rét, đến bơi một mình còn khó, nói chi dìu ngài nặng thế kia.
– Thôi ngươi hãy vì hoàng đế Đại Nguyên, vì ta mà lập công, sang đến bên kia ta sẽ trình với nguyên soái phong chức cho.
Đêm ấy là thượng tuần tháng chạp, có trăng non nhưng nhiều mây. Mặt sông bịt bùng một thứ ánh sáng mờ mờ bàng bạc. Triệu Phù dìu Hắc Đích bơi qua sông. Hắc Đích to béo nặng quá nên phải vứt hết giáp trụ cho nhẹ bớt. Đến giữa sông sóng lớn, nhô lên ngụp xuống không biết bao nhiêu lần, Hắc Đích uống nước ừng ực, sặc sụa phùi cả nước lên mũi, kêu:
– ối Triệu Phù ôi! Ngươi làm thế nào chứ không ta chết mất.
Triệu Phù nói:
– Xin tướng quân chớ có kêu kẻo quân Nam nghe thấy thì nguy lắm.
Hắc Đích sợ bị quân Việt tóm được, đành lặng im mặc cho Triệu Phù lôi về bờ Nam. Toa Đô mất năm trăm quân nhưng biết bên bờ Bắc có quân Việt đóng giữ, không tiến sang nưã, chỉ cho quân giữ trại đợi Giảo Kỳ. Hắc Đích vì nhớ ơn Triệu Phù cứu mình, cho Phù lên hàng bộ tướng, giữ bên cạnh sai việc.
Khi ấy bên bờ Bắc, Phan Hoành đang cho quân ăn mừng trận thắng đầu tiên. Ngô Kế Trung đi tuần biển về nói:
– Tôi nghĩ trận đánh ấy thậm sai lầm, có gì đâu mà ăn mừng.
Phan Hoành nói:
– Mấy trăm quân giặc tiến sang bị ta giết sạch sao lại nói là thậm sai lầm.
Ngô Kế Trung nói:
– Giặc đưa một nhúm quân sang sông là để thăm dò quân ta. Giá như ông cứ để kệ chúng quay về mang đại quân sang khi ấy ta đánh luôn một mẻ có phải thắng lớn không. Bây giờ
chúng biết ta có phòng bị sao còn sang nữa. Quân ta ít, quân chúng đông, điều bất ngờ đã không còn, rồi đây ta phải khốn vì trận thắng ấy đấy.
Phan Hoành giậm chân nói:
– Ông nói đúng! Ông nói đúng. Có thế thôi mà sao tôi không nghĩ ra, thật tức chết. Bây giờ tôi viết thư gửi Nhân Huệ vương, xin thêm viện binh.
Ngô Kế Trung nói:
– Không được! Từ đây đến Vĩnh thành vừa đi vừa về có nhanh cũng mất hàng chục ngày đường. Viện binh đến nơi chúng ta đã bị bắt hết cả cũng chưa biết chừng. Nay lực lượng quân ta đã lộ, giặc tất chờ thuỷ binh đến tham chiến. Ngày mai tôi đem quân đi tuần cửa bể cắt đứt không cho chúng hợp binh với nhau mới giữ được trận.
– Vậy không báo tin về Vĩnh thành ư?
– Có chứ. Báo ngay để vương công biết mà phòng bị. Trước kia vương công đã có dặn chúng ta nếu không đánh được thì tạm lánh vào rừng hoặc ra bể, giặc đi qua, đánh vào sau lưng chúng.
Đêm ấy trời mưa lất phất. Ngô Kế Trung không ngủ được, canh ba đem năm sáu tuỳ tùng ra tuần ngoài bờ sông, thấy cơ man là thuyền chiến của quân Nguyên vượt sông tiến sang, quân thế rất là hùng mạnh. Kế Trung vội quay vào luỹ nói với Phan Hoành:
– Ta không kịp chặn thuỷ quân của chúng ở cửa bể rồi. Thuyền của Giảo Kỳ đang đón quân Toa Đô sang đến giữa sông.
Phan Hoành nói:
– Để tôi mang quân ra chặn chúng.
– Không được! Quân ta năm nghìn người mà giặc có tới hàng chục vạn không thể nào chặn chúng được. Ta nên lui binh vào rừng.
– Ông mang quân lên núi mai phục cho kịp, khi nào quân giặc tiến lên hướng Bắc, hãy đem quân theo sát, nếu thấy phía trước có đánh nhau thì đánh ngay vào hậu đội của chúng. Tôi mang hoả bè ra giữa sông đốt chặn làm nghi binh rồi theo đường bộ về Vĩnh Bình báo tin cho vương công.
Phan Hoành nói xong giao hết quân lính cho Ngô Kế Trung, còn mình mang hai trăm lính chở các hoả bè ra giăng trên sông thành một hàng dài, đồng loạt đốt lên. Toa Đô, Đường Ngột Đải đang thúc quân chèo thuyền sang bỗng thấy trên sông lửa cháy rừng rực, trong lòng nghi hoặc không biết quân Việt nhiều ít thế nào, hạ lệnh cho quân lính ngừng chèo thành ra cứ trùng trình mãi không tiến lên được. Giảo Kỳ đang ở hậu đội thấy vậy liền đi thuyền nhẹ lên nói:
– Bờ Bắc chẳng có quân tướng gì đâu. Người Nam chạy hết rồi, sao Nguyên soái không tiến mau đi.
Toa Đô nói:
– Phía trước lửa cháy rừng rực thế kia sao lại không có quân phục là thế nào?
Giảo Kỳ nói:
– Chính vì không có quân phục nên chúng mới đốt lửa nghi binh đấy. Ta tiến nhanh đi.
Còn đang bàn bạc lại thấy bên bờ Nam cũng có lửa cháy. Ngọn lửa bốc lên cao đến mấy trượng. Hóa ra Ninh Cát Đại thấy Toa Đô tiến sang bờ Bắc mới đem quân đánh vào hậu đội quân Nguyên, đốt sạch cả lều trại và những quân cụ chưa kịp lên thuyền. Đường Ngột Đải nói:
– Ta nên quay lại cứu hậu đội.
Toa Đô nói:
– Không! Hậu đội đã có Lưu tướng quân rồi. Ta cứ tiến nhanh sang sông.
Giảo Kỳ nói:
– Nguyên soái nói rất đúng. Ta tiến nhanh sang đổ quân, chiếm được bờ Bắc thì không lo gì nữa.
Hắc Đích liền cho đánh trống thúc quân tiến sang. Quân lính kẻ cung người giáo lăm lăm như muốn ăn tươi nuốt sống quân Việt, nhưng khi cập bến chẳng thấy quân Việt đâu. Toa Đô, Giảo Kỳ, Hắc Đích dẫn quân lên bờ, còn Đường Ngột Đải quay lại đón Lưu Khuê cùng hậu quân. Khi quân Nguyên sang hết được bờ Bắc Linh giang trời đã sáng rõ. Toa Đô nói với Giảo Kỳ:
– Quân ta sang sông hết rồi, điện hạ cùng Tả thừa hãy cho binh thuyền nhổ neo ngay, hẹn năm ngày nữa sẽ hội quân ở sông Cả để hạ thành Vĩnh Bình.
– Thành Vĩnh Bình là đại bản doanh của tướng Trần Khánh Dư. Người này kiến thức không thể coi thường, lại có sức khoẻ chẳng khác gì Quan Vũ, Trương Phi ngày xưa. Nguyên soái có đến trước nếu gặp giao tranh phải thận trọng lắm mới được.
Giảo Kỳ nói xong liền cùng Đường Ngột Đải lên thuyền đi ngay. Toa Đô, Lưu Khuê, Hắc Đích dẫn quân nhằm hướng Bắc thẳng tiến.
Lúc bấy giờ tướng Đại Việt là Trần Khánh Dư đóng ở Vĩnh thành, chia quân giữ suốt một dải từ Bố Chính tới Hoan châu, sai hai vợ chồng đốc bộ Trần Thái Bảo và Lý Châu Nương đem một vạn quân giữ Hoan thành. Từ Diễn châu trở ra do Tĩnh Quốc vương Trần Quốc Khang trấn giữ. Chương Hiến hầu Trần Kiện cùng bọn Lê Trắc, Triệu Mạnh Tín, Lương phụng ngự, Diệp lang tướng giữ thành Thanh Hoá.
Trần Khánh Dư ở Vĩnh Bình đã được Phan Hoành trở về cho biết quân Nguyên đến gần, liền chia quân đóng đồn dọc theo bờ Bắc sông Cả để canh phòng, lại sai lính chặt cây dựng chòi cao ở cửa bể, ngày đêm canh gác quan sát, bắt giữ những tầu thuyền lạ. Khúc Bá Lợi tung thám mã sang bờ Nam sông, nhất cử nhất động của quân Nguyên đều được báo về. Hôm ấy Trần Khánh Dư mang binh thuyền đi tuần biển, trời hửng nắng, xa xa trông thấy một đoàn hải thuyền hàng ngàn chiếc đang nhằm hướng cửa sông tiến vào. Khúc Bá Lợi nói:
– Xin vương công cho thuyền ra đánh, không để giặc vào bờ.
Khánh Dư nói:
– Không được! Thuyền giặc lớn lại đông, thuyền ta nhỏ, đánh nhau trên biển lợi thế sẽ về giặc. Phan Hoành nhận lệnh!
– Có tiểu tướng!
– Ngươi mang một vạn quân theo Vĩnh giang đi lên. Phía hữu Vĩnh giang có hai ngọn núi nhỏ là núi Phượng Hoàng và núi Kỳ Lân1, ngươi hãy phục quân sau hai núi ấy khi nào nghe có pháo nổ thì đổ quân ra đánh vào trại giặc.
Phan Hoành vâng lệnh mang quân đi. Khánh Dư gọi Khúc Bá Lợi, dặn:
– Ta giao ba vạn quân cùng với thành Vĩnh Bình cho ngươi. Giặc đến phải cố giữ, khi nào thấy trên Vệ sơn cắm một lá cờ đỏ cực lớn hãy tung hết quân ra đánh, không được cho giặc hạ trại nghỉ ngơi.
– Xin tuân lệnh.
Khúc Bá Lợi nói xong liền trở về thành Vĩnh Bình. Trần Khánh Dư chỉ đem một vạn quân, chia một nửa cắm trại giữ Vệ sơn còn một nửa dùng thuyền nhẹ tuần tiễu trên sông và cửa bể.
Hải đoàn quân Nguyên tiến vào cửa sông, chỉ thấy quân Việt có chừng năm chục chiếc thuyền nhỏ chèo bên phía tả ngạn. Đường Ngột Đải nói:
– Chắc quân Nam sợ hãi trốn vào thành hết cả. Ta đánh thành, chúng chẳng như lũ chuột nằm trong rọ hay sao.
Giảo Kỳ nói:
– Trần Khánh Dư là tướng giỏi, lẽ nào lại phòng bị lơ là thế này. Tôi e hắn có mưu kế gì đây. Tốt nhất chưa nên đánh thành vội, cứ đóng quân lại chờ nguyên soái đến đã.
Hai tướng cho quân tiến vào chiếm phía Nam sông, lại cử thám tử lên bờ dò la tình hình bố phòng của quân Việt. Chiều hôm ấy Toa Đô dẫn quân tới nơi. Giảo Kỳ nói:
– Tôi thấy bên bờ Bắc chẳng có phòng bị gì cả, rất là nghi ngại.
Toa Đô nói:
– Châu Hoan, châu ái là cái kho người kho lương dự trữ của quân Nam, đâu có chuyện không phòng bị. Từ đây trở ra ta đánh đến đâu chiếm đất chiếm dân đến đấy, tuyển thêm trai tráng làm lính.
Lưu Khuê nói:
– Nếu như vậy ta cần lập một trại lớn ở bờ Nam, còn bờ Bắc đánh chiếm lấy thành Vĩnh Bình làm nơi căn bản.
Giảo Kỳ nói:
– Lưu tướng quân nói rất đúng, nhưng muốn đánh được thành Vĩnh Bình phải làm thế nào?
Hắc Đích nói.
– Tôi xin mang quân sang vây thành.
Đường Ngột Đải nói:
– Tôi xin đem quân tiếp ứng cho tiên phong.
Các tướng còn đang bàn luận, có quân do thám về báo:
– Bên kia sông chẳng có phòng bị gì cả. Quân Việt giữ ở trong thành hết, trên đỉnh Vệ sơn cắm rất nhiều cờ.
Toa Đô cười ha hả, nói:
– Thật là trời giúp ta rồi. Người ta cứ ngoa đồn về Trần Khánh Dư, chứ xem thế này đủ biết hắn cũng thường thôi. Sáng mai Hắc Đích đem năm nghìn quân sang mở đường đến thẳng dưới thành Vĩnh Bình khiêu chiến. Đường Ngột Đải mang một vạn quân tiếp ứng. Thân vương điện hạ đi đội hai, mang một vạn quân sang sông đánh lấy Vệ sơn. Ta mang đại quân đi đội ba, tuỳ theo tình hình mà có phép khu xử. Lưu Khuê, Kê La Liên ở lại bờ Nam tựa vào núi mà lập trại.
Sáng hôm sau các đội quân vừa lên thuyền tiến đến giữa sông bỗng thấy một đoàn thuyền quân Việt từ thượng lưu kéo xuống. Chiếc thuyền đi đầu cắm một lá cờ đại thêu chữ Trần. Dưới lá cờ ấy có một tướng bào giáp vàng rực, tay cầm trường thương, vai mang cung tên rất là oai phong đường bệ. Toa Đô nói:
– Đây hẳn là Trần Khánh Dư. Thân vương, Tả thừa cùng tham chính cứ sang sông để ta đánh bắt nó cho. – ra lệnh cho đội thuyền của mình – Tất cả các thuyền vây lấy hắn, không được để chạy thoát.
Thuyền quân Nguyên vừa đông vừa to, đánh trên biển có lợi thế nhưng ở trong sông lại xoay xở rất Khó khăn. Thuyền quân Việt thon nhẹ tiến thoái đều nhanh. Khánh Dư cho quân lượn sát vào thuyền giặc, bắn tên, bắn đá lên làm nhiều lính Nguyên chết hại. Khi các Thuyền Toa Đô đổi được hướng thì thuyền quân Việt lại vun vút ngược lên thượng lưu. Thuyền của Toa Đô kềnh càng, ngược nước không thể đi nhanh được. Khánh Dư quay lại gọi bảo:
– Này Toa Đô! Quân lính của ngươi chết đói hay sao mà chèo chậm thế, cố lên ta chờ.
Toa Đô tức quá thúc quân chèo chí mạng, khi gần đuổi kịp, thuyền quân Việt rẽ cả vào nhánh Vĩnh giang. Vĩnh giang là sông nhánh hẹp, nên thuyền của Toa Đô càng khó đi. Bỗng nghe phía trước pháo nổ vang trời, Toa Đô nói với các tướng:
– Thôi chết! Quân ta rơi vào nơi phục binh của quân giặc rồi, hãy quay ngay lại sông Cả.
Đang loay hoay định quay mũi, lại thấy Khánh Dư gọi:
– Này Toa Đô! Ta đốt pháo chơi đấy chứ có phục binh gì đâu. Nhát như cáy thế mà cũng đòi làm tướng ư?
Toa Đô thấy quả là không có quân phục lại giục quân đuổi tiếp, lúc lâu nữa gần kịp thuyền quân Việt, gọi:
– Trần Khánh Dư! Hôm nay ta sẽ đuổi ngươi đến tận nguồn sông này xem ngươi chạy đi đâu.
Khánh Dư quay lại bảo:
– Trại của ngươi ở bờ Nam bị ta đốt sạch rồi, còn lúng túng mãi ở đây lại chẳng chết tiệt cả lũ à?
Toa Đô vội trèo lên lâu thuyền xem, quả nhiên nơi đóng trại đang bốc cháy, vội hô quân quay về cứu trại.
Thì ra Phan Hoành đóng quân ở sau núi Phượng Hoàng nghe pháo nổ, liền đem quân đánh vào trại quân Nguyên. Lúc ấy Lưu Khuê, Kê La Liên đang cho quân dựng thêm trại, bị quân Việt bất ngờ tấn công, vội lên ngựa ra nghênh chiến. Phan Hoành hăng hái dẫn quân tràn vào đánh nhau với Lưu Khuê. Hai tướng đang đánh nhau kịch liệt lại nghe có tiếng quân reo vang trời, một đội quân Việt nữa ào tới. Tướng đi đầu là Ngô Kế Trung múa thương đánh thốc vào giữa trại. Kê La Liên vung búa đón đánh nhưng không địch nổi liền bỏ chạy ra bờ sông. Ngô Kế Trung hô quân đốt trại Nguyên. Lưu Khuê lúng thế cũng bỏ chạy, được bọn tuỳ tùng hộ vệ đến chỗ Kê La Liên lên thuyền, vừa may Toa Đô về đến mới đón cả sang bờ Bắc, bỏ lại doanh trại và quân lương bị đốt ở bờ Nam.
Hắc Đích đem năm nghìn quân đến dưới thành Vĩnh Bình thách đánh. Khúc Bá Lợi không ra, kệ cho quân Nguyên gào réo. Lúc sau Đường Ngột Đải mang quân đến, cùng với Hắc Đích phá thành. Khúc Bá Lợi cho quân bắn tên, ném đá, quăng mồi lửa xuống. Quân Nguyên phải chạy tháo lui.
Giảo Kỳ, Bà Lậu tiến đánh Vệ sơn nhưng quân Việt trên núi lăn gỗ đá xuống, không sao lên được. Toa Đô sang đến bờ Bắc, bảo Giảo Kỳ:
– Quân Nam ở ngoài không biết nhiều ít thế nào. Nhỡ Trần Khánh Dư khoá chặt cửa sông thì binh thuyền của chúng ta chết kẹt ở đây hết. Điện hạ nên cùng Tả thừa đem ngay quân đánh vào Nỗ giang1 tạo thành hai gọng kìm, kẹp chặt lấy Trần Quốc Khang và Khánh Dư. Lúc ấy chỉ có trời mới cứu được bọn chúng.
Nói xong liền cho Lưu Khuê, Kê La Liên thay Đường Ngột Đải đánh Vĩnh thành, còn mình thay Giảo Kỳ đánh Vệ sơn.
Tướng Việt giữ Vệ sơn là Giang Định Thanh cùng hai con là Giang Phong, Giang Vân. Giang Định Thanh là con quan thị độc Giang Định Hoá từ thời Lý Huệ tông, thủa nhỏ rất thông minh nhưng lại ham chơi, bài học nào cũng chỉ đọc một lần là thuộc lòng ngay, tám tuổi đã đọc hết cả tứ thư ngũ kinh, thi thư lễ nhạc không sách nào không thông. Một hôm có người khách mang đến tặng Giang Định Hoá một bức tranh thuỷ mặc vẽ ngọn độc sơn cao vút in bóng xuống mặt nước phẳng lặng, sườn núi có những thân cây vươn ra rất cheo veo, xa xa có một vệt rừng. Trên vệt rừng là vầng trăng khuyết mờ mờ như muốn chìm vào nền trời xanh biếc. Người khách ấy mời Giang Định Hoá đề thơ cho bức tranh. Giang Định Hóa còn đang nghĩ xem nên đề như thế nào, Giang Định Thanh đứng cạnh nói:
– Cha để con đề cho.
Giang Định Hoá gật đầu. Thanh cầm bút viết luôn hai câu:
Ngoạn nguyệt nghênh phong thiên địa lập
Quan sơn khán thuỷ hải hồ sinh.
Với ý là:
Chơi trăng đón gió, trời đất dựng nên (ta)
Ngắm núi xem nước, hồ biển sinh ra (ta).
Người khách nói:
– Thật là kỳ tài! Thật là kỳ tài. ý tứ phong lưu tao nhã. Đứa trẻ này ngày sau theo nghiệp văn tất danh đồn bốn bể, theo nghiệp võ thì coi sự sống chết như chơi trò rồng rắn mà thôi.
Lớn lên Thanh bỏ văn học võ, tính lại phóng đãng thích du chơi, họp bạn, la cà vào chốn quần thoa phong nguyệt, ăn chơi nổi tiếng ở đất kinh kì, về sau gặp Trần Khánh Dư. Hai người nói chuyện tâm đầu ý hợp lắm, Khánh Dư mới nhận về làm gia tướng. Những lần Khánh Dư đến chơi trong xóm Yên Hoa đều có Giang Định Thanh cùng đi, chúa tôi có vẻ mười phần tương hợp.
Bấy giờ Khánh Dư giao cho cha con Giang Định Thanh năm nghìn quân giữ Vệ sơn, dặn khi nào thấy phía sau quân Nguyên rối loạn hãy dựng lá cờ đại lên đỉnh núi rồi đem quân đánh xuống. Giảo Kỳ đem quân đến đánh suốt một ngày nhưng không lên được. Ngày hôm sau Toa Đô lại thúc quân đánh lên, suốt từ đầu giờ Mão đến giờ Ngọ. Trên núi hết cả gỗ đá, quân Nguyên kéo đến ngày một đông, tưởng không giữ được nữa. Giang Định Thanh bảo hai con:
– Cha con ta hưởng lộc của vương công đã nhiều, hôm nay hãy lấy thân mà đền ơn chủ.
Vừa khi ấy thấy phía sau quân Nguyên rối loạn, khói bụi bốc lên mù mịt. Trần Khánh Dư, Ngô Kế Trung, Phan Hoành cùng mang quân đánh tập hậu quân Nguyên. Giang Định Thanh cho dựng cây cờ đại trên núi rồi cùng hai con mang quân đánh thốc xuống. Khúc Bá Lợi ở trong thành Vĩnh Bình trông thấy hiệu cờ trên núi Vệ liền mở tung cửa thành kéo quân ra đánh. Tiếng gào thét, tiếng hô quân, tiếng ngựa hí, pháo nổ hoà với nhau như sấm rền núi lở. Quân Việt, quân Nguyên trộn lẫn vào nhau tạo ra một trận đại hỗn chiến đến thánh thần cũng khiếp vía kinh hồn.
Thật là:
Khói bụi lấp che vừng nhật nguyệt
Nghìn năm chưa tắt tiếng reo hò
Trận đánh ấy thật ác liệt. Xin mời bạn đọc tiếp chương sau xem được thua thế nào.
|
1 Tiêu Lang: Tức Tiêu Sử đời Tần Mục Công, thường sánh đôi thổi tiêu cùng công chúa Lộng Ngọc. Truyền thuyết nói rằng về sau hai người hoá thành đôi chim hạc bay lên trời.
2 Chương 46 sách Đạo Đức Kinh của Lão Tử.
3 Tề Ma Lý: Germani – Đức.
4 Tam đoạn thiết tiên: Roi sắt ba khúc.
1 Có tài liệu ghi Lương Hiếu Bão ở Tuyên Quang, đánh quân Toa Đô. Có điều nghi vấn vì trong cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ hai của quân Nguyên vào Đại Việt, Toa Đô không hoạt động ở vùng Tuyên Quang. (khu vực Tây Bắc nước ta ngày nay) mà chủ yếu ở vùng Đông Nam từ Thiên Trường, Trường Yên vào đến Hoan, ái tức khu vực hạ lưu sông Hồng vào đến Thanh Hoá, Nghệ An ngày nay.
1 Nguyên sử chép tước hiệu Sài Thung là quốc công nhưng cũng có tài liệu còn nghi ngờ điều này.
1 Đây chính là kĩ thuật tung dây bắt ngựa của dân du mục.
1 Ngay sau khi đánh tan quân Nguyên lần thứ hai, vua Trần Nhân tông đã sai người đem trả bọn Bà Lậu và Kê La Liên về Chiêm Thành. ĐVsktt ghi: “ Tháng 6 – ất Dậu 1285- sai trung phẩm phụng ngự Đặng Du Chi đưa bọn tề thần của Chiêm Thành là Bà Lậu và Kê La Liên 30 người về nước, vì đi theo Toa Đô nên bị bắt”.
2 Sông Linh: Tức sông Gianh, thuộc Quảng Bình ngày nay.
1 Núi Phượng Hoàng, núi Kỳ Lân: Theo chú thích 1, chương 33 sách Dư Địa Chí của Nguyễn Trãi thì hai núi này ở thôn Dũng Quyết, gần Bến Thuỷ, kề bên sông Vinh, tỉnh Nghệ An.
1 Nỗ giang: Hạ lưu sông Mã.
Đ.T