Đất Việt Trời Nam – tiểu thuyết lịch sử của Đan Thành ( chương 26)

ĐẤT VIỆT TRỜI NAM(Chương 26)

Đan Thành

Cậy đông quân Thoát Hoan vượt qua được Khâu Cấp lĩnh

Đền ơn nước Tần Sâm tử chiến ở Động Bản thành

ĐẤT VIỆT TRỜI NAM(Chương 26)

Đan Thành

Cậy đông quân Thoát Hoan vượt qua được Khâu Cấp lĩnh

Đền ơn nước Tần Sâm tử chiến ở Động Bản thành

Trên kia đang nói năm vạn quân Việt hỗn chiến với năm vạn quân Nguyên, mười vạn chàng trai lao vào nhau ra công chém giết trong một trận ác chiến ngửa nghiêng trời đất. Giang Định Thanh cùng hai con dẫn quân đánh xuống, gặp ngay Toa Đô, hai bên giao đấu. Toa Đô có sức khoẻ kinh người, xử cây đao thất tinh cực sắc, đánh như gió bão. Giang Định Thanh đánh không lại bị chém một nhát mất cánh tay trái, lại bị luôn mấy mũi tên, rơi xuống ngựa. Giang Phong, Giang Vân hợp sức đánh cản Toa Đô để quân lính cứu Định Thanh lên núi. Đến chiều quân hai bên đều hao tổn nhiều, những người còn lại thì mỏi mệt. Lưu Khuê nói với Toa Đô:

– Nếu đánh đến tối, quân Nam sẽ chiếm lợi thế. Chi bằng ta tiến nhanh lên châu ái hợp binh với Tả thừa mới là kế vẹn toàn.

Toa Đô nói:

– Ta bỏ đi tất bị quân Nam đuổi theo.

– Nguyên soái chớ lo. Quân Nam cũng mệt mỏi lắm rồi, không còn hơi sức đâu mà đuổi nữa. Ta không nhân đây đi ngay cho nhanh sau này sẽ gặp trở ngại. Để tôi đoạn hậu cho.

Toa Đô liền lệnh cho Hắc Đích cùng các tướng mang quân về hướng Bắc. Quả nhiên quân Việt cũng không đuổi theo. Trần Khánh Dư cho Ngô Kế Trung, Phan Hoành, Khúc Bá Lợi thu quân về thành Vĩnh Bình. Ngô Kế Trung nói:

– Quân Nguyên đi lên hướng Bắc nhất định qua Hoan thành. Nếu để chúng chiếm mất nơi ấy, nguy cho ta lắm. Tôi xin mang quân đuổi chúng.

Khánh Dư nói:

– Đốc bộ Trần Thái Bảo ở đấy, quân giặc không thể lấy thành được, vả lại Toa Đô là tay dùng binh lão luyện có lẽ đâu không để tướng giỏi đoạn hậu.

Đang bàn bạc, có quân đến báo Giang Định Thanh sắp mất. Khánh Dư vội lên núi thăm. Giang Định Thanh chỉ còn thở thoi thóp. Khánh Dư đau xót khóc nói:

– Ông vội ra đi, lấy ai làm bạn với tôi đây.

Giang Định Thanh gượng cười nói:

– Làm trai được chết ở chốn sa trường chính là điều ước nguyện của đấng trượng phu, có gì mà vương công phải khóc. – chỉ người con gái rất đẹp đứng cạnh đấy – Đây là Liên Nhi, nó theo hầu hạ tôi đã bốn tháng, rất là hợp ý. Nay tôi không dùng nữa, xin tặng lại vương công.

Giang Định Thanh cầm tay Liên Nhi dặn rằng:

– Từ nay ngươi hãy hết lòng hầu hạ vương công, coi như ta vẫn còn sống.

Nói xong câu ấy Giang Định Thanh buông tay từ từ khép mi. Liên Nhi khóc nấc lên. Trần Khánh Dư cùng mọi người đều rơi nước mắt. Ngoài trời màn đêm đã buông xuống. Những chú dế mèn, sâu đất vẫn vô tư cất lên bản nhạc thanh bình giữa nơi chiến trường còn nồng hơi máu. Người đời sau gọi trận đánh này là trận Vệ Sơn.

Đây nói chuyện Thoát Hoan sau khi nhận được tin Nạp Tốc Lạt Đinh và Toa Đô đã tiến quân, liền gọi A Lý Hải Nha đến bàn, nói:

– Hai đạo quân phía Tây và phía Nam đã tiến vào đất Nam. Ngày mai ta cho quân đánh ải Lộc Bình chiếm lấy đất Lộc châu để làm chỗ căn bản tiến xuống phương Nam.

A Lý Hải Nha nói:

– Đương nhiên ta cần chiếm đất Lộc Bình làm chỗ chứa quân lương, nhưng tôi còn e không biết quân Nam phòng thủ ở đây nhiều hay ít.

– Ta đã cho tổng bá A Lý vờ đi sứ để dò xét rồi. Cả hai đường Khâu Ôn, Khâu Cấp đều có quân Nam phòng giữ. Tướng Lương Uất đóng ở Lộc châu bất quá cũng chỉ có đến ba vạn quân là cùng. Quân ta hàng mấy chục vạn chẳng lẽ không đè bẹp được chúng ư?

– Lộc Bình, Khâu Cấp đều là nơi đất hiểm, trăm người đóng giữ vạn người khó qua. Xin điện hạ hãy cử người thông thạo địa hình sang dò xét lại một lần nữa rồi tiến binh cũng chưa muộn.

Vạn hộ tướng quân Nghê Nhuận bước ra nói:

– Tôi xin dẫn thám binh đi dò tình hình quân giặc, chiều mai sẽ quay về.

Thoát Hoan cho đi. Nghê Nhuận chỉ dẫn thêm hai thám binh mặc giả làm thổ dân chạy loạn sang đất Lộc Bình, chiều hôm sau về báo:

– Quân Nam phòng bị rất là cẩn mật. Tất cả các con đường dẫn tới Lộc Bình đều có người trấn giữ.

A Lý Hải Nha liền gọi năm tướng: Vạn hộ Bột La Hợp Đáp Nhi1, chiêu thảo A Thâm, vạn hộ Tản Đáp Nhi Đải, vạn hộ Tôn Hựu, vạn hộ Lý Bang Hiến ra trước quân, nói:

– Ta chọn các ngươi gọi là ngũ hổ tiên phong. Sáng ngày mai mỗi người mang một vạn quân đánh ải Lộc Bình. Hẹn cuối giờ Thìn phải chiếm được thành. Ô Mã Nhi làm giám quân, binh sĩ nhất nhất nghe lệnh tiến lên, kẻ nào tháo lui chém ngay tại trận không tha.

Bột La Hợp Đáp Nhi ra ngoài nói với A Thâm:

– Mẹ cái thằng quân sư này nó muốn chúng mình chết trước, lại còn bày ra cái trò phong làm ngũ hổ tiên phong.

A Thâm bảo:

– Trò phỉnh phờ, xui trẻ con ăn cứt gà ấy của hắn ai còn lạ gì. Nhưng biết làm sao, hắn đang có quyền.

A Lý Hải Nha lại gọi bốn tướng Nghê Nhuận, Lưu Thế Anh, Triệu Tu Kỷ, Phàn Tiếp đến dặn:

– Mỗi ngươi mang ba nghìn quân đi theo đường nhỏ trong rừng đánh vào sau ải chiếm lấy hai con đường đi về Khâu Cấp, Khâu Ôn. Khi nào đến nơi, đốt lửa lên làm hiệu.

Canh năm hôm sau chín viên tướng dẫn quân đi. Năm vạn quân Nguyên reo hò đánh thành. Lương Uất mang quân lên mặt thành chống giữ, ném đá bắn tên xuống như mưa. Quân Nguyên hết lớp này đến lớp khác đánh lên. Hai bên kịch chiến từ sáng sớm đến đầu giờ Ngọ. Quân Nguyên chết đầy chân thành. Quân Việt cũng thương vong nhiều lắm. Lương Uất thấy không thể giữ nổi thành mới cùng Nguyễn Lĩnh mở cửa Nam dẫn quân chạy về Khâu Ôn là nơi chúa động Nguyễn Thế Lộc đang đóng giữ. Quân sĩ nhiều người bị thương không thể đi được, nằm lại dọc đường. Nguyễn Lĩnh phải dừng lại thu nhặt đưa tạm lánh cả vào rừng. Lương Uất đang chạy bỗng phía trước có hai tướng Nguyên cầm binh khí đứng chặn mất đường. Một tướng nói:

– Ta là vạn hộ Triệu Tu Kỷ, vị này là tham nghị Phàn Tiếp. Chúng ta chờ ngươi ở đây đã lâu. Sao không xuống ngựa hàng đi?

Lương Uất quay lại bảo quân sĩ:

– Ai dám liều chết hãy cùng ta xông lên đánh giặc, còn lại tản cả vào rừng không kẻ nào được hàng giặc.

Quân sĩ đồng thanh đáp:

– Chúng tôi xin cùng tướng quân liều chết với quân thù.

Lương Uất múa đao xông vào đánh với hai tướng Nguyên nhưng vừa đói vừa mệt, đường đao đã rối loạn. Bỗng có một tướng Việt cưỡi ngựa ô truy múa giáo dẫn quân đánh tới sau trận quân Nguyên. Phàn Tiếp vội quay lại đánh nhau với tướng ấy, thấy trên cờ có một chữ Phạm, mới hỏi:

– Ta nghe trong quân Việt có một tướng là Phạm Ngũ Lão phải chăng chính là ngươi.

Tướng Việt ấy nói:

– Ngươi đã biết tên ta sao chẳng xuống hàng.

Thì ra Phạm Ngũ Lão nhận lệnh của Trần Quốc Tuấn, đem quân ém trong rừng từ lâu, thấy có đánh nhau mới đến tham chiến. Ngũ Lão hăng hái lao vào trận. Phàn Tiếp đánh không nổi bỏ chạy. Triệu Tu Kỷ thấy vậy cũng không dám giao đấu, đem quân chạy về Lộc Bình. Lát sau lại thấy hai tướng Nguyên là Lưu Thế Anh, Nghê Nhuận dẫn quân tới. Ngũ Lão bảo Lương Uất:

– Ông cứ về Khâu Ôn chỉnh đốn lại binh mã để tôi chặn chúng cho.

Lưu Thế Anh tiến lên nói:

– Ta là vạn hộ Lưu Thế Anh, còn vị này là vạn hộ Nghê Nhuận. Chúng ta vừa nghe tham nghị Phàn Tiếp nói có Phạm Ngũ Lão ở đây nên muốn đến xem mặt mũi thế nào.

Phạm Ngũ Lão nói:

– Có lẽ hai thằng này muốn ăn đòn hay sao mà dám đến nhìn mặt ông nội chúng mày.

Nói xong vung giáo đánh tới. Hai tướng Nguyên cũng hăng hái tiếp chiến. Ba người đánh nhau hơn hai mươi hiệp. Ngũ Lão càng đánh càng hăng, vụt một cán giáo vào cánh tay Lưu Thế Anh. Thế Anh thấy cánh tay tê dại, hoảng hốt tháo chạy. Nghê Nhuận không dám ham đánh cũng chạy theo. Phạm Ngũ Lão không đuổi mà mang quân vào rừng. Buổi chiều bọn Bột La Hợp Đáp Nhi, Lý Bang Hiến đón Thoát Hoan cùng A Lý Hải Nha vào thành. Bọn Nghê Nhuận, Phàn Tiếp về thưa rằng:

– Lũ chúng tôi định chặn bắt Lương Uất nhưng bị Phạm Ngũ Lão ngăn cản.

Thoát Hoan đập án, thét:

– Các ngươi đều là dũng tướng, ăn lộc vạn hộ của triều đình mà không đánh nổi một mình tên tiểu tốt ấy còn làm nên trò trống gì.

Liền thét võ sĩ lôi cả bốn người ra chém. A Lý Hải Nha ngăn lại, nói:

– Xin thái tử điện hạ bớt giận. Tôi đã nghe nói nhiều về Phạm Ngũ Lão. Người này tuy chưa có chức vị gì nhưng tài năng không thể xem thường, nếu quả thực như lời đồn thì mười tướng cũng khó đánh nổi chứ đừng nói chi bốn. Y không những có sức khoẻ phi thường mà còn làu thông binh pháp, tinh thạo văn chương, được Trần Quốc Tuấn rất là coi trọng.

Thoát Hoan than:

– Không ngờ ở cái xứ An Nam xó xỉnh này mà cũng có được bậc hiền tài như vậy. Các ngươi đánh nhau với quân Nam, nếu gặp Phạm Ngũ Lão phải rất cẩn thận lắm mới được.

Nói xong ra lệnh tha cho bốn tướng, hẹn sau này phải lập công chuộc tội. Đại tướng Lý Hằng nói:

– Hôm nay là ngày ra quân đầu tiên đã đánh thắng, chiếm được thành, đuổi được tướng giặc, đều là công của ngũ hổ tiên phong. Xin thái tử điện hạ và bình chương quân sư ban thưởng để khích lệ ba quân.

Thoát Hoan vui vẻ nói:

– Đúng vậy! Đúng vậy! Hãy ban thưởng cho ba quân.

A Lý Hải Nha nói:

– Đánh một cái thành nhỏ như bàn tay có vài nghìn quân giữ mà phải điều tới năm sáu vạn binh lính. Quân ta chết đầy cả chân thành kia. Như thế sao gọi là thắng được. Nếu cứ chiến thắng theo kiểu này, tôi e ta chưa đến được Thăng Long đã hết sạch cả quân rồi.

Thoát Hoan thấy A Lý Hải Nha nói như vậy tỉnh ra, thu lại lệnh ban thưởng. Bột La Hợp Đáp Nhi nói với các tướng:

– Chúng ta liều chết đánh nhau suốt một ngày mới chiếm được thành, thế mà cái thằng quân sư đểu này nó chỉ nói một câu là bao nhiêu công lao của bọn mình xổ toẹt hết.

A Thâm nói:

– Nghe giọng nói của quân sư hình như còn muốn bắt tội chúng ta nữa ấy chứ.

Ngày hôm sau Thoát Hoan cho gọi A Lý Hải Nha đến, nói:

– Nay đã sang đất giặc. Mọi việc điều vát quân tướng để cho quân sư tuỳ nghi hành động, không cần phải hỏi ta.

A Lý Hải Nha nhận lệnh, cho gọi Bột La Hợp Đáp Nhi đến, nói:

– Ngươi mang năm vạn quân tiến đánh Khâu Ôn, Lão Thử, vượt qua sông Nhật Đức, Như Nguyệt, tiến thẳng xuống Vạn Kiếp. Ta cho A Thâm làm phó tướng đi giúp ngươi. Nội trong ngày hôm nay phải xuất phát.

Bột La Hợp Đáp Nhi nhận lệnh đi ngay. A Lý Hải Nha lại gọi Tản Đáp Nhi Đải đến dặn:

– Đại quân của ta theo đường phía Đông đánh xuống Nội Bàng. Ngươi đem một vạn quân đi tiên phong. Trong ngày hôm nay phải đến được Khâu Cấp lĩnh. Ta cho Tôn Hựu, Lý Bang Hiến mỗi người mang năm nghìn quân đi theo làm phó tiên phong. Sáng sớm ngày mai các ngươi phải đánh chiếm ải, mở đường cho thái tử điện hạ hành quân, hẹn giờ Thìn phải chiếm xong đèo, không được chậm trễ.

Lúc bấy giờ tướng Việt là Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn đóng ở đèo Khâu Cấp giữ ải, thấy quân Nguyên đã đến dưới chân đèo mới cho đặt rất nhiều chuỳ chông bẫy đá. Tất cả những nơi có thể trèo lên được đều khống chế bằng giàn nỏ liên châu bắn ra nhiều mũi tên một lúc. Đêm ấy đã canh hai, trong lán quân vẫn còn tiếng rì rầm nói chuyện. Anh lính Cao Kều chui ra khỏi chăn hỏi:

– Thằng Béo ục mặc nhầm khố của tao rồi phải không?

Anh Béo ục trả lời:

– Đâu! Tôi có đóng khố đâu mà nhầm. Đi ngủ anh còn tìm khố làm gì?

– Mặc sẵn vào, nhỡ có giặc còn đi được luôn chứ không ở truồng mà đánh nhau à?

– Đã đánh thì ở truồng cũng đánh. Anh sợ hử?

– Sợ cái chó gì, nhưng nhỡ đánh nhau đến sáng, bọn con gái dân phu nó trông thấy lại chả dơ mặt.

– Này! Hình như cái chị Da Trắng có vẻ mê anh lắm, người kinh thành đấy. Hai người phải lòng nhau có đúng không?

– Chẳng biết phải lòng là thế nào nhưng tao thấy nhớ quá. Cái con bé Mắt Tròn nó cũng thích mày. Hai đứa đều ở Hồng Mai, Hoàng Mai gì ấy.

Anh thập trưởng ngủ dở mắt làu bàu:

– Quái hai cái thằng này! Cứ  ở gần nhau là láu nha láu nháu không để yên cho người ta ngủ, bảo đổi một đứa sang thập khác lại không chịu. Ngủ đi, nghe gọi phải dậy ngay không quân Thát sang nó cắn vào đít cho đấy.

Trong tướng doanh, Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn vẫn còn đang thức cùng với các vị đô trưởng bàn cách đánh giặc. Quản quân phụng ngự Đỗ Vĩ nói:

– Quân giặc đông gấp mười lần quân ta, đằng sau chúng lại có mấy chục vạn quân sẵn sàng tiếp ứng. Nếu ta không ra tay trước khó mà chống cự với chúng được. Tôi xin đem một trăm quân đêm nay đột nhập đốt hết doanh trại, quân cụ của nó đi.

Đỗ Hữu cũng nói:

– Lời bàn ấy phải lắm. Nếu ông làm được như thế, tôi cũng đem một trăm quân giúp ông.

Trần Quốc Nghiễn nói:

– Hai ngươi xuống ải không nên ham đánh, cốt sao đốt được xe quân cụ của chúng, dò xem quân tình giặc thế nào là được, cuối canh tư phải quay về ải.

Trống đã điểm canh ba, doanh trại quân Nguyên đóng dày khít, kín cả một khu bãi trống cách chân đèo chừng nửa dặm. Quân lính ban ngày đi xa mệt mỏi nên ban đêm ngủ yên cả, chỉ có những tên lính canh thay phiên nhau diễu qua diễu lại tuần tra. Cuối canh ba có tiếng huyên náo rồi lửa bốc lên hừng hực ở lều quân cụ. Quân Nguyên mắt nhắm mắt mở choàng dậy bỏ chạy tứ tung. Đỗ Vĩ, Đỗ Hữu dẫn quân đánh tràn vào chém giết một hồi. Tản Đáp Nhi Đải, Lý Bang Hiến, Tôn Hựu cùng cầm binh khí xông ra. Tản Đáp Nhi Đải nói:

– Tôn tướng quân hãy đem quân đi dập lửa để tôi cùng Lý tướng quân đánh đánh nhau với quân Nam.

Trong ánh lửa cháy sáng rực, quân Nguyên thấy quân Việt không đông, mới kéo ra vây lại. Hai bên xô xát kịch liệt. Đỗ Vĩ gặp ngay Tôn Hựu, đánh nhau được ba hiệp bị Tôn Hựu bắt sống. Đỗ Hữu đánh phá được vòng vây đem quân chạy về ải, nói với Quốc Nghiễn:

– Quân giặc dưới chân đèo đông tới vài vạn, canh phòng cẩn mật lắm nhưng chúng tôi cũng đốt được nhà kho của chúng rồi. Quản quân phụng ngự Đỗ Vĩ bị giặc bắt mất.

Canh năm hôm ấy ba viên tiên phong nhà Nguyên thúc quân tiến lên chiếm ải. Quốc Nghiễn để quân giặc tiến đến thật gần mới hô quân bật lẫy. Hàng mấy trăm quả cầu chuỳ to như bánh xe, cắm đầy chông ào ào lăn xuống, tràn qua đám quân Nguyên đông dày như kiến đang leo lên. Rất nhiều lính Nguyên bị chông đâm phải, kêu khóc vang giời. Lý Bang Hiến tuốt kiếm nói lớn:

– Có chết cũng phải leo lên. Kẻ nào tháo lui giết ngay không tha.

Quân Nguyên nghe vậy không dám quay lại, cứ theo nhau bò lên đen kịt cả sườn dốc. Quốc Nghiễn lại cho đổ bẫy đá. Hàng nghìn tảng đá lăn xuống làm quân Nguyên chết hại vô số. Những tên lính Nguyên leo lên được sát bờ thành bị các tay nỏ quân Việt bắn chết. Đánh nhau từ sáng sớm đến tận mờ tối, quân Nguyên không sao chiếm được ải. Tản Đáp Nhi Đải đành lệnh cho quân rút xuống chân đèo nghỉ ngơi nấu cơm ăn, bỏ lại trên sườn dốc mấy nghìn xác chết. Tôn Hựu nói:

– Tôi xem ải này hiểm trở, ta đánh ban ngày rất khó chiếm. Chi bằng canh ba đêm nay cho quân im lặng tiến lên mới có thể trèo vào thành được.

Lý Bang Hiến cũng nói:

– Tôn tướng quân nói rất đúng. Để tôi đem một nghìn quân trèo vào trước. Quân ta ở dưới thấy thả thang dây xuống, nhất loạt leo lên. Quân Nam ngủ say, có biết ta cũng đã vào được ải rồi.

Tản Đáp Nhi Đải nói:

– Có phải như thế các ngươi cứ đánh, để ta tiếp ứng cho.

Canh ba đêm ấy Lý Bang Hiến chọn một nghìn tên lính khoẻ mạnh, bỏ hết giáo dài, chỉ mang mỗi người một cuộn dây và một thanh đoản kiếm, im hơi lặng tiếng tiến sát tường thành, quăng dây có móc sắt leo lên. Anh lính Cao Kều của quân Việt đi tuần trên mặt thành thấy có tiếng động, liền vứt cây đuốc đang cháy xuống, nhìn thấy quân Nguyên đã bâu đầy tường thành, vội bảo anh Béo ục đánh trống báo động. Quốc Nghiễn liền dẫn quân lên mặt thành. Quân Việt dùng kiếm chặt đứt các dây thừng. Lính Nguyên rơi xuống, đè lên nhau kêu oai oái. Quân Việt lại lấy bó rơm, đốt vứt xuống làm quân Nguyên bị bỏng nhiều lắm. Hai bên đánh nhau đến sáng, quân Nguyên vẫn không làm thế nào lên được. Tản Đáp Nhi Đải trèo qua núi để đánh vào trong ải, quân lính cũng ùa theo, chẳng ngờ Quốc Nghiễn đã phòng trước, cho đặt rất nhiều giàn nỏ liên châu bắn ra những mũi tên vưà dài vừa sắc, nhiều mũi xuyên qua hai ba lính Nguyên. Quân Nguyên hốt hoảng tháo chạy bất kể cả lệnh cấm rút lui của các tướng lĩnh. Tản Đáp Nhi Đải được bọn tuỳ tùng lấy mấy tấm mộc che cho nên thoát chết. Quá trưa A Lý Hải Nha dẫn đại binh đến, nhìn qua hai bên đánh nhau, gọi Ô Mã Nhi lại, nói:

– Ngươi đưa một nghìn quân mang toàn mộc dày và đao ngắn tiến lên chỗ Tản Đáp Nhi Đải đang lùi xuống kia. Cứ năm tấm mộc ghép lại che cho mười người mà tiến. Chính vua Âu Lạc là An Dương vương ngày xưa vì cậy có loại nỏ này mà mất nước đấy.

Ô Mã Nhi nhận lệnh mang chiêu thảo Nạp Hải, Tôn Lập Đức, Giả Tê, Giả Ngưu, Tưởng Long, Tưởng Hổ cùng một nghìn quân lập tức xông lên. A Lý Hải Nha lại gọi Triệu Tu Kỷ, Minh Lý Tích Ban đến bảo:

– Hai ngươi mỗi người mang theo một nghìn quân tiếp ứng cho Ô Mã Nhi. Khi nào hắn chiếm được các giàn nỏ liên châu của quân Nam, các ngươi đổ quân đánh vào phía sau ải.

Triệu Tu Kỷ, Minh Lý Tích Ban mang quân đi. A Lý Hải Nha lại lệnh cho Tản Đáp Nhi Đải, Lý Bang Hiến, Tôn Hựu cứ việc đánh thành. Trần Quốc Nghiễn  khi  ấy tập trung quân

giữ cửa ải bỗng có quân ở bên trận nỏ liên châu về báo Ô Mã Nhi đã chiếm được trận địa đang dẫn quân đánh vào sau ải. Quản quân phụng ngự Đỗ Hữu nói:

– Nếu giặc đã chiếm được trận địa nỏ liên châu, ta không thể giữ được ải nữa. Xin vương công đi tắt đường rừng về Nội Bàng để tôi chặn giặc cho.

Còn đang bàn định, quân Nguyên đã ùa cả đến reo hò đánh vào ải. Anh lính Béo ục bị một nhát chém vỡ nửa vai, máu tuôn ra ướt đẫm cả áo anh Cao Kều, thều thào nói:

– Nếu anh có gặp cô mắt tròn, nói là tôi phải lòng cô ấy.

Béo ục nói xong nhắm mắt. Anh Cao Kều thương bạn, nuốt nước mắt, vớ lấy thanh đao chém tới tấp bào đám lính Thát đang gầm gào xông đến. Quốc Nghiễn biết không thể giữ ải được nữa mới để Đỗ Hữu chặn phía sau còn mình dẫn quân đi tắt theo con đường nhỏ về Nội Bàng. Đỗ Hữu chỉ còn không đầy một trăm quân, cầm đao đứng giữa con đường lớn ngăn quân Thát. Tôn Hựu đuổi đến, nói:

– Tên tiểu tướng kia! Ngươi có chịu nổi một hơi thổi của ta không mà đòi chặn đường.

Đỗ Hữu nói:

– Ta đã dám đứng ở đây, chỉ có đánh nhau thôi, không cần nói nhiều lời.

Nói xong vung đao chém tới. Tôn Hựu cũng đưa đao đánh lại. Tôn Hựu khoẻ lắm, Đỗ Hữu đánh không lại, mới được mấy hiệp đã bị bắt sống1. Tôn Hựu cứ theo con đường lớn đuổi theo. Bọn Ô Mã Nhi, Triệu Tu Kỷ, Minh Lý Tích Ban cũng theo đường ấy đuổi mãi. Phía sau đại quân của Thoát Hoan, A Lý Hải Nha ầm ầm vượt qua ải.

Đây nói Tần Sâm đóng giữ ở Động Bản, được tin Khâu Cấp thất thủ, phòng bị nghiêm mật lắm. Thành Động Bản vốn là một làng cổ, án ngữ giữa con đường đi từ đèo Khâu Cấp đến Nội Bàng, xung quanh tường thành đắp bằng đất, trồng hai lớp luỹ tre gai rất dày, giữa hai lớp luỹ cứ cách mười trượng lại đắp một ụ đất lớn để đặt giàn lệ chi pháo, có thể bắn đá ra xa khỏi luỹ đến vài chục trượng, bốn cửa thành đều phục hàng trăm giàn nỏ liên châu sẵn sàng bật lẫy. Tần Sâm có hai người thuộc tướng là Trương Bảo và Trương Phúc. Trương Bảo đầu trọc, tai dài như tai phật, vốn trước đã đi tu ở Yên Tử sơn, được một pháp sư người Tống truyền dạy võ nghệ, khi nghe nói quân Nguyên sang xâm lấn mới bỏ chùa đi tòng chinh đánh giặc, được Tần Sâm thu nhận và hết sức tin dùng. Trương Phúc người huyện Đông Ngàn, cha chết sớm, nhà nghèo phải đi nhặt phân bán lấy tiền nuôi thân, thờ mẹ rất hiếu thuận, vể sau mẹ chết mới theo Tần Sâm. Lúc ấy quân Nguyên sắp đánh đến, Trương Phúc nói:

– Phía trên cách thành ta chừng bảy tám dặm có rừng nứa rất dày, tướng quân để tôi cùng Trương Bảo đem quân mai phục đánh chặn tiền quân của giặc, làm nhụt cái khí hung hăng của chúng đi.

Tần Sâm nói:

– Quân giặc có hàng chục vạn, ta có phục binh ở nơi ấy cũng khó mà ngăn được chúng.

Trương Bảo nói:

– Trương Phúc nói đúng đấy. Quân giặc đông, ta không ngăn được chúng cũng làm giảm cái nhuệ khí của chúng đi.

Tần Sâm nói:

– Nếu hai ngươi đã quyết như vậy hãy đem năm trăm tay nỏ đi, dùng toàn loại tên kích thống2 chúng mới sợ.

Trương Bảo, Trương Phúc vâng lệnh đem quân đi. Trương Phúc nói với Trương Bảo:

– Hai chúng ta mỗi người một quê, không cùng cha mẹ nhưng lại cùng họ, em xin bái bác làm anh, thề cùng chung sức diệt thù.

Trương Bảo nói:

– Trước nay chúng ta vẫn coi nhau như anh em, sao phải khách sáo thế. Quân giặc mệt mỏi tất ngủ say. Ta nên tập kích vào trại của chúng.

Trương Phúc nói:

– Không nên! Quân Nguyên chinh chiến phương xa đã quen, ngủ ở ngoài thường canh phòng rất nghiêm mật. Ta ít quân mà tập kích vào khó thắng được. Chi bằng anh cứ phục binh ở đây để em mang hai mươi tay nỏ đến quấy rối không cho chúng ngủ yên, ngày mai chúng thành gà rù hết cả. Khi ấy ta mới đánh lo gì không thắng.

Trương Bảo nói:

– Có phải như thế chú hãy đi đi, nhưng nhớ phải cẩn thận đấy.

Doanh trại dã ngoại của quân Nguyên đóng cách rừng nứa chừng năm sáu dặm trên một khoảng đất trống rộng rãi kéo dài đến mấy chục dặm về phía ải Khả Ly3. Tôn Hựu đi đốc gác một vòng ở tiền đội rồi quay lại tướng doanh vào trong trướng nằm nghỉ. Bọn lính đánh nhau đã mệt lại đi xa suốt ngày không còn hơi sức, nằm lăn lóc trong các lán trại, gối đầu lên đao, kiếm mà ngủ. Bên ngoài, lính gác cắp giáo đi lại trong ánh lửa vật vờ như những bóng ma. Đoàn ngựa chiến để nguyên yên cương, dồn vào một chỗ, uể oải nhai cỏ khô và lúa mạch. Tất cả đều yên tĩnh, sự yên tĩnh nguyên sơ của núi rừng phương Nam. Những chiến binh Nguyên Mông cũng chỉ cần có thế, cần sự yên lặng cho giấc ngủ được sâu, để hít thở khí trời và sương đêm của núi rừng phương Nam nóng ẩm. Chúng có biết đâu trong sự yên tĩnh ấy còn ẩn chứa bao nỗi kinh hoàng. Một tên lính gác đang đi bỗng khựng lại, kêu thét lên như bị cắt cổ, đổ vật xuống giãy giụa. Cả doanh trại bừng tỉnh, nhốn nháo không hiểu có chuyện gì. Mấy lính Nguyên khác chạy đến bên tên lính đang kêu, thấy trên người nó cắm ba mũi tên, loại tên nhỏ của người phương Nam. Chỉ trong khoảng khắc, chân tay nó co quắp, những tiếng kêu ú ớ rồi tắt hẳn. Hồn ma của gã chiến binh xấu số đã vượt qua muôn lớp rừng xanh về với thảo nguyên mênh mông xa xôi phương Bắc. Tất cả đèn đuốc trong doanh trại quân Nguyên đều được thắp lên. Chốc chốc chỗ này, chỗ kia trong doanh trại tiếng kêu la lại rộ lên kinh hoảng hãi hùng, không một lính Nguyên nào còn ngủ yên được nữa. Một vài con ngựa chiến rít lên những tiếng đau đớn bi thương rồi lăn ra không bao giờ đứng dậy, trên mình chúng chỉ có một vài vết thủng nhỏ xíu rỉ máu. Tôn Hựu, Ô Mã Nhi, Lý Bang Hiến, Tản Đáp Nhi Đải, Triệu Tu Kỷ, Minh Lý Tích Ban cả sáu tướng cùng mang quân ra khỏi trại lùng sục cho đến sáng nhưng tuyệt nhiên không thấy bóng dáng một người lính Việt nào.

Trương Phúc sau khi đã thực hiện kế hoạch quấy rối quân Nguyên, liền mang quân về rừng nứa cùng Trương Bảo mai phục.

Sáng hôm sau mãi đầu giờ Thìn quân Nguyên mới bắt đầu tiến binh một cách dè dặt. Tôn Hựu cầm đao đi đầu mở đường, theo sau là đội kị binh nhẹ, với những chiến binh còn ngái ngủ ngồi ngật ngà ngật ngưỡng trên lưng ngựa, vừa đến rừng nứa, thấy năm sáu lính Việt cầm nỏ đang chạy phía trước. Tôn Hựu nói:

– Kia chính là những tên man đêm qua quấy nhiễu chúng ta. Các ngươi hãy đuổi bắt lấy chúng.

Trong loáng mắt, đám kị binh đã tỉnh như chưa bao giờ buồn ngủ, lao lên đuổi theo mấy người lính Việt. Tôn Hựu dẫn tiền đội lọt ngay vào giữa nơi phục binh của Trương Bảo, Trương Phúc. Chỉ nghe những tiếng tách tách rất nhẹ của dây nỏ bật khỏi lẫy, mấy chục lính Nguyên ngã ngựa, kêu la inh ỏi vì đau đớn. Con ngựa của Tôn Hựu trúng một mũi tên, nhảy dựng lên hất chủ ngã xuống đất. Trong rừng nứa tên vẫn bắn ra như cỏ may. Tôn Hựu không dám tiến nữa, hô quân tháo lui. Đội hình hành quân đang đi nhanh, ùn cả lại, phơi mình hứng những làn tên độc của quân Việt. Triệu Tu Kỷ, Lý Bang Hiến thấy nguy, hô quân đánh tràn vào rừng nứa cứu được Tôn Hựu, đuổi bắt quân Việt nhưng Trương Bảo, Trương Phúc đã dẫn quân trở về Động Bản rồi. Lúc sau Lưu Thế Anh lên đến nơi, cầm mũi tên xem xong bảo:

– Từ lâu tôi đã nghe nói người Giao Chỉ biết chế loại tên kích thống. Ai trúng phải tên ấy, đau đớn đến điên dại. Chất độc phát tác rất nhanh, chỉ trong nửa canh giờ là người trúng tên phải chết, không có cách gì cứu được. Trâu, ngựa trúng phải tên này cũng không sống nổi nửa ngày. Chắc nó chính là loại tên này đây.

Quân Nguyên  nghe nói vậy, từ  lính đến quan đều lắc đầu lè lưỡi sợ hết hồn. Ô Mã Nhi đến nơi, điên tiết nói:

– Cho quân đốt sạch rừng nứa này đi là xong, xem chúng nó còn phục binh ở chỗ nào được nữa.

Minh Lý Tích Ban can:

– Không nên! Chỗ này đường hẹp, lại đang là mùa khô, nổi lửa lên, chính ta hại ta trước. Chi bằng cử ra ba đội thám binh cho đi trước xem có quân Nam mai phục không, như thế khỏi còn lo gì nữa.

Tản Đáp Nhi Đải nghe theo mới cử  ra ba đội thám binh, mỗi đội mười lăm người, cho đi trước sục tìm quân Việt, còn đại quân từ từ tiến theo sau. Cuộc hành quân chậm lại một ngày.

Trương Bảo, Trương Phúc về đến Động Bản nói với Tần Sâm:

– Quân Nguyên đông lắm, chỉ trong sớm tối là chúng đến đây. Ta nên chuyển thêm nhiều đá vụn cho các giàn pháo lệ chi, phía trước thành cần phục một nghìn tay nỏ, đợi giặc đến gần, nhất loạt bắn ra.

Tần sâm nghe theo. Mọi công việc vừa xong, quân Nguyên cũng đến. Tản Đáp Nhi Đải cho lính đến dưới thành khiêu chiến nhưng quân Việt nhất định không ra. Lý Bang Hiến nói:

– Quân giặc giữ một ngôi thành nhỏ như cái đấu thế này, chúng không ra đánh là phải. Tốt nhất ta cho quân ào cả lên mà phá luỹ là xong.

Tôn Hựu nói:

– Phải đấy. Quân ta đông, cứ tràn lên mà đánh chứ sợ gì.

Tản Đáp Nhi Đải nghe theo, cầm cây cờ lệnh phất một nhát. Tôn Hựu, Lý Bang Hiến, Triệu Tu Kỷ dẫn quân xông lên nhưng vừa tới gần luỹ, một nghìn tay nỏ của quân Việt cùng bật lẫy. Quân Nguyên đổ xuống hàng loạt, người ngựa chồng chéo lên nhau, kêu gào giãy đạp cuồng loạn. Tần Sâm đứng trên lầu thành đánh một hồi trống vừa dứt, tất cả các giàn lệ chi pháo cùng bắn ra, một trận mưa đá giội xuống đám kị binh của Tôn Hựu. Triệu Tu Kỷ bị một viên đá đập vào đầu, vỡ cả mũ trụ, máu chảy đầy xuống mặt. Đánh nhau đến chiều A Lý Hải Nha đến nơi, bảo Minh Lý Tích Ban:

– Ngươi đem ba nghìn cung thủ bắn tên lửa vào luỹ ắt quân Nam thành ra thịt nướng hết.

Bấy giờ trời hanh lắm, quân Việt đang mải bắn tên, bắn đá vào quân Nguyên, luỹ tre bỗng bốc cháy ầm ầm. Quân Nguyên dùng cung mạnh, tên dài thuận chiều gió bắn tên lửa xuống. Lửa cháy mỗi lúc một mạnh. Tre nổ đôm đốp. Quân Việt chết bỏng trong luỹ đến mấy trăm người, rút vào tuyến trong cố thủ. Cả thành bốc cháy ngùn ngụt. Quân Nguyên tràn lên đánh phá cửa thành. Những giàn pháo lệ chi chìm trong biển lửa không thể hoạt động được nữa. Trương Bảo nói với Tần Sâm:

– Tôi ở lại sống chết với quân Nguyên. Xin tướng quân hãy mang quân về Nội Bàng giúp Hưng Đạo đại vương phòng thủ tuyến sau.

Tần Sâm nói:

– Ta đã nhận lệnh trấn giữ ở đây quyết chẳng đi đâu. Không có chuyện người còn mà thành mất, nhưng ngươi phải ra khỏi thành ngay, về Nội Bàng báo tin cho Hưng Đạo đại vương biết tình hình quân giặc.

Trương Bảo dùng dằng không muốn đi. Tần Sâm nghiêm nét mặt quát:

– Đây là quân lệnh, ngươi có đi không?

Trương Bảo không nói sao được nữa đành cầm tay Trương Phúc, ngùi ngùi chia biệt. Trương Phúc nói:

– Thành này trước sau gì cũng không thể giữ được. Em nguyện cùng Tần tướng quân sống chết ở đây. Mai sau anh nhớ ngày này làm giỗ cho em.

Trương Bảo nói:

– Anh đi rồi sẽ trở lại, nếu sau cuộc chiến này anh cũng không còn thì triều đình và dân nước không quên chúng ta.

Nói xong theo cửa Tây thành phóng ngựa đi ra. Trương Phúc quay lại chỉ huy quân bắn nỏ liên châu ở cửa thành nhưng vì ngược gió, khói bụi táp vào mặt không nhìn thấy gì. Quân Nguyên phá được cổng thành tràn vào. Phúc cầm đao chém giết một hồi rồi chết trong đám loạn quân. Tần Sâm múa thương đánh nhau kịch liệt với Tôn Hựu, quân lính dần dần chết cả, chỉ còn lại một mình nhưng quyết không lùi. Quân Nguyên châu lại bắn. Thương thay Tần Sâm trung dũng, giữa trận tiền trúng hàng trăm mũi tên mà chết. Khi hết chiến tranh có anh lính tốt còn sống sót làm bài thơ rằng:

Tần Sâm trung dũng khó ai bì

Trăm vạn quân Nguyên có làm chi

Đạn réo tên bay lòng không đổi

Danh thơm công tích vẫn còn ghi.

Tần Sâm chết rồi, quân Nguyên vào thành, khắp mọi nơi chỉ còn là những đống tro tàn. Tản Đáp Nhi Đải, Tôn Hựu, Ô Mã Nhi đón Thoát Hoan cùng với A Lý Hải Nha vào thành tìm nơi nghỉ tạm còn Lý Bang Hiến, Lý Hằng, Mãng Cổ Đài, Minh Lý Tích Ban, Khoan Triệt, Nghê Nhuận, Lưu Thế Anh bảy vị tướng quân hạ trại ngoài thành sẵn sàng tác chiến. Triệu Tu Kỷ bị thương ở đầu cũng được đưa vào trong thành cho quân dược chữa trị. A Lý Hải Nha nói với Thoát Hoan:

– Quân ta từ khi đánh vào đất An Nam, tiến như gió bão, không thành nào không qua, không ải nào không vỡ, chiến thắng vang dội, quân đi như nước chảy. Xin thái tử điện hạ làm biểu dâng lên triều đình để hoàng thượng ngự lãm thì hay lắm lắm.

Thoát Hoan nói:

– Quân ta vượt qua ải Khả Lan Vi1, đánh Lộc Bình, Khâu Cấp, đến nay là Động Bản, tuy có chiếm được thành, phá được ải nhưng tổn thất không phải là nhỏ. Số quân lính thương vong có tới hàng mấy vạn, sáu bảy ngày trời mới đi được hơn một trăm dặm đường mà gọi là tiến như gió bão sao được, vả lại chưa đánh với đại binh An Nam trận nào thì thắng ai đây. Ta dẫu muốn dâng biểu về triều cũng không biết nói thế nào.

A Lý Hải Nha nói:

– Việc chinh chiến hao binh tổn tướng cũng là lẽ thường, có gì mà ngại. Dù sao điện hạ cũng đã tiến sâu đựợc vào đất Nam. Việc dâng biểu về triều nêu cao công trạng, khuếch trương chiến quả rất có lợi cho ngôi thái tử của điện hạ sau này. Khi chúng ta đã chiếm được An Nam việc thiệt hại một vài vạn quân hay một vài chục vạn quân đi nữa cũng đâu có ảnh hưởng gì.

Thoát Hoan nghe theo mới sai lý vấn quan là Tháp Hải Tán Lý ngay đêm ấy thảo một tờ biểu toàn những lời lẽ bay bướm huyênh hoang dâng về triều đình nhà Nguyên. Hốt Tất Liệt mừng lắm, sai sử quan chép vào quốc sử. Buồn cười thay, sau này cũng có người tin đó là sự thật, cho rằng quân Nguyên tiến vào Đại Việt như nước chảy mà chẳng đếm xỉa gì đến việc Thoát Hoan vừa qua được biên giới đã có hàng vạn binh sĩ Nguyên Mông phải bỏ mạng.

Hưng Đạo vương khi ấy ở Nội Bàng đang đi thị sát những nơi bố phòng, bỗng quân lính vào báo có Trương Bảo từ Động Bản về xin cầu kiến, Hưng Đạo cho gọi Trương Bảo vào hỏi, biết Động Bản đã thất thủ. Hưng Trí vương Trần Quốc Hiện nói:

– Con chắc tướng quân Tần Sâm cũng sắp về đến nơi.

Hưng Đạo vương nói:

– Tướng quân Tần Sâm không còn. Ta biết tính cách của ông ấy lắm, thà chết thì thôi chứ không bao giờ chịu bỏ thành đâu.

Quả nhiên lúc sau có một số binh lính ở Động Bản chạy về báo việc Tần Sâm tử trận. Hưng Đạo vương thương xót lắm, bảo các tướng:

– Các ngươi hãy trông gương Tần tướng quân mà hết lòng báo quốc. Sáng ngày mai tất cả dân phu cùng những lão quan theo cửa Nam ra khỏi thành về Vạn Kiếp.

Lệnh đã ban ra, trong đám dân phu ấy có cô Da Trắng, cô đã nghe người ta nói gặp anh Cao Kều về đây từ hôm qua nhưng tìm mãi chẳng thấy đâu. Cô Mắt Tròn cũng sốt ruột muốn tìm Cao Kều để hỏi tin anh Béo ục. Mãi chiều tối hai cô mới biết Cao Kều ở một đội lính cảm tử. Lúc ấy anh đang mài cây kiếm thép bên khe nước. Vừa nhìn thấy hai cô gái, Cao Kều bỏ đi lên gò đất bên cạnh. Cô Da Trắng chạy theo gọi:

– Anh Cao Kều! Dừng lại tôi bảo. Sao lại tránh mặt chúng tôi?

Mắt Tròn muốn để cho hai người được tự nhiên nên lảng ra chỗ khác. Cao Kều dừng lại nói với Da Trắng:

– Ngày mai giặc đến đây, tôi phải ra trận, Da Trắng hãy cùng Mắt Tròn về tuyến sau với mọi người. Quên chúng tôi đi.

– Anh Cao Kều! Sao anh nói vậy. Các anh ở ngoài mặt trận ngày nào, chị em chúng tôi mong ngóng mỏi mòn ngày ấy, làm sao mà quên cho được. Anh về đây còn anh Béo ục đâu?

– Da Trắng ạ! Mong cô hiểu cho tôi. Anh Béo ục đã tử vị quốc rồi. Anh ấy tắt hơi trên chính tay tôi. Trận mạc là thế mà. Ngày mai có thể tôi cũng ngã xuống. Da Trắng không quên tôi đi sẽ khổ lắm đấy.

Trời đã tối lại không có trăng, Da Trắng không còn nhìn rõ mặt Cao Kều, cô thần người ra trong giây lát khi nghe tin anh Béo ục đã chết. Bỗng cô rùng mình mường tượng ra cái cảnh biết đâu ngày mai Cao Kều cũng ngã gục trên vũng máu với một vết chém há hoác đỏ lòm hoặc có một mũi tên xuyên trúng ngực và anh sẽ gọi tên cô trước khi từ giã cõi đời. Tự nhiên một luồng tình cảm lạ lùng dâng lên trong lòng cô, xô đẩy cô chao đảo, đó là tình thương yêu vô bến vô bờ. Cô thấy anh sao mà gần gũi quá chừng. Giá như phải chặt hết nứa trên rừng để làm anh vui cô cũng nhất định sẽ làm. Bây giờ anh đang đứng bên cô như những ngày mới quen nhau. Ngày ấy sao mà vô tư, nhạy cảm quá, mới vài ba lời qua lại với đôi lần ánh mắt gặp nhau mà trong lòng đã bồi hồi xao xuyến, rồi hai đứa phải lòng nhau. Anh muốn cầm tay nhưng cô không dám. Cô sợ không kìm giữ được lòng mình. Con gái như thế là hư, xóm phố biết được chỉ có cắt tai trôi sông, nhẹ là gọt đầu bôi vôi, những hình phạt chỉ mới nghe đã thấy rợn da gà. Hôm nay thì không! Cô không hề nghĩ tới hình phạt, không hề nghĩ đến lời mẹ dặn con gái phải giữ gìn. Cô chỉ thấy thương anh và sẵn sàng vì anh mà làm tất cả nhưng anh không đòi hỏi gì ở cô. Chính vì vậy mà cô biết anh thương cô lắm. Hai người đứng yên lặng hồi lâu. Cao Kều bảo:

– Thôi! Da Trắng về gói đồ để mai đi sớm. Tôi về trại đây. Đừng nghĩ gì đến tôi nữa nhé.

Anh nói thế nghĩa là anh đã quyết lòng sống chết với ngôi thành này. Có thể ngày mai cũng là ngày tử biệt sinh ly. Anh còn trẻ quá. Chắc gì cuộc đời anh còn có cơ hội đụng chạm vào một người con gái, nếu quả như vậy, cô sẽ phải ân hận suốt đời. Đúng! Chữ trinh đáng giá ngàn vàng nhưng đối với một người sắp lao vào chỗ chết để giữ gìn sự sống cho giang sơn, ngàn vàng ấy chẳng tiếc làm chi. Da Trắng bảo:

– Ngày mai tôi về tuyến sau, anh ở lại, chẳng biết bao giờ mới gặp nhau. Anh ngồi xuống đây nói chuyện với tôi một lúc không được hay sao?

Nói xong, Da Trắng kéo Cao Kều ngồi xuống gò đất có những bụi sim, mua lúp xúp. Hai người ngồi như thế một lúc mà chẳng nói lời nào. Mãi sau Cao Kều bảo:

– Cô nói gì với tôi thì nói đi.

– Thế anh không muốn nói gì với tôi à?

– Bây giờ tôi biết nói gì đây. Chỉ mong cô quên được tôi đi càng nhanh càng tốt.

– Anh nói chi những lời bạc bẽo thế. Chẳng lẽ trước đây anh nói phải lòng tôi chỉ là những lời giả dối hay sao?

Vừa nói cô vừa cởi phăng dải yếm rồi cầm lấy tay cao kều ấp lên ngực mình. Cô cảm thấy anh run lên và hơi ấm từ bàn tay anh truyền sang bầu vú trinh nguyên của cô. Những chú dế mèn, những cô sâu đất đồng thanh cất lên điệu nhạc hân hoan mừng tiệc cưới. Bầu trời đêm đông cũng hé ra một khoảng đầy sao lóng lánh như những hạt cườm cườm1 đính trên chiếc mũ cô dâu.

Đoàn ngựa chiến gõ móng phăm phăm trên con đường lầm bụi, lao như thác lũ về phía ải Nội Bàng. Tốp lính tiễu thám đã báo về phía trước không có đồn ải nào của quân Nam, trong vòng ba mươi dặm không có phục binh của người bản địa. Rừng mỗi ngày một dãn ra nới rộng tầm nhìn, làm giảm bớt nỗi lo sợ cho những cặp mắt lúc nào cũng nơm nớp vì tên thuốc độc bắn tỉa. A Lý Hải Nha lệnh cho Tản Đáp Nhi Đải thúc quân đi gấp. Đại quân phía sau lũ lượt kéo theo, đội hình dài đến mấy chục dặm chẳng khác nào con rắn độc không lồ sẵn sang nuốt chửng bất kì miền đất nào trên hành trình của nó. Cuối giờ Thân, đoàn kị binh đi đầu dừng lại trước một làng nhỏ. Thám binh về báo trong làng không có quân Nam nhưng Tản Đáp Nhi Đải vẫn còn e ngại, sợ có mưu kế gì chăng nên không dám cho quân tiến vào. Thiên hộ hầu Mã Vinh nói:

– Tôi xin dẫn một đội kị binh vào trước, nếu quả thật không có điều gì đáng ngại sẽ báo để tiên phong dẫn quân vào.

Tản Đáp Nhi Đải nói:

– Ngươi mang năm trăm quân vào trước, lùng sục mọi nơi xem có chỗ nào chứa đồ dẫn hoả hoặc dễ cháy phải lui quân ngay, nếu không có gì đáng nghi, ra báo cho ta. Cấm không được tự tiện nổi lửa đun nấu.

Mã Vinh mang quân đi rồi, Tôn Hựu hỏi:

– Trời đã về chiều còn cấm nổi lửa đun nấu, lấy gì mà ăn đây?

Tản Đáp Nhi Đải nói:

– Mang quân vào một ngôi thành bỏ trống, việc cần nhất phải đề phòng kẻ kia đánh hoả công. Nếu quân Nam lừa đặt đồ dẫn hoả vào bếp, ta không biết, châm lửa lên, không phải là tự nướng mình hay sao.

Các tướng đều cho là phải. Lát sau thấy Mã Vinh cho người ra báo trong làng không có phòng bị gì. Tản Đáp Nhi Đải liền cho Tôn Hựu dẫn tiền quân tiến qua làng thẳng đến Nội Bàng. Tôn Hựu chưa kịp đi, có lệnh của A Lý Hải Nha từ dưới truyền lên cho tiền quân dừng lại. Lúc sau A Lý Hải Nha đến nơi. Tản Đáp Nhi Đải nói:

– Quân Nam sợ hãi trốn hết cả rồi. Ta nên tiến nhanh đến Nội Bàng mới phải, sao bình chương quân sư lại cho dừng ở đây.

A Lý Hải Nha nói:

– Từ đây đến Nội Bàng chỉ hơn chục dặm đường, đến lúc nào chẳng được. Ta có kế này khiến không đánh mà Trần Quốc Tuấn phải bỏ thành chạy vội, mở đường cho quân ta đi.

Thật là:

Mưu sâu, mẹo độc

Tướng mạnh, quân đông

Danh tiếng bao năm lừng đất Bắc

Sang cõi Nam, việc có thành không.

Chưa biết mưu mẹo của A Lý Hải Nha có làm Trần Quốc Tuấn chạy vội hay không, chương sau xin kể tiếp.


1 Bột La Hợp Đáp Nhi: Có tài liệu phiên âm là Bột La Cáp Đáp Nhi.

1 Nguyên sử chép: Tôn Hựu đánh ải Khả Ly bắt được hai thám binh là Đỗ Vĩ, Đỗ Hữu.

2 Tên kích thống: Tên tẩm thuốc độc làm tăng sự đau đớn.

3 ải Khả Ly ở trên đèo Khâu Cấp.

1 Khả Lan Vi: Sát biên giới, thuộc địa phận Lộc châu.

1 Hạt cườm cườm: Quả của một loại cây giống như cây ngô, nhỏ như hạt đậu đen, nhân dùng làm thuốc, trong đông y gọi là ý dĩ. Vỏ quả cứng, trắng bóng như làm bằng sứ, trẻ con nông thôn thường lấy quả già sâu vào sợi chỉ làm đồ trang sức trong các cuộc chơi.

Đ.T

 

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder