Đan Thành
Tiên phong mê gái, chết ngụp dưới sông
Chánh tướng bị vây, khát khô trên núi..Đan Thành
Tiên phong mê gái, chết ngụp dưới sông
Chánh tướng bị vây, khát khô trên núi
Trên kia A Lý Hải Nha đang nói chỉ cần dùng mẹo cũng đủ làm cho Trần Quốc Tuấn bỏ thành chạy vội. Các tướng đều có vẻ không tin. A Lý Hải Nha quả quyết bảo rằng:
– Các ngươi cứ đợi đấy xem ta nói có đúng không.
Nói xong liền gọi lý vấn quan là Khúc Liệt đến, đưa cho phong thư, dặn:
– Ngươi đem phong thư này đến Nội Bàng, gặp Trần Quốc Tuấn, cứ thế này thế này mà nói.
Khúc Liệt sợ bị người Việt giết, nói:
– Tôi nghĩ đối với bọn người man di này chỉ nên dùng vũ lực mà đè bẹp chứ dụ dỗ đâu có ăn thua.
A Lý Hải Nha nói:
– Chính vì khó dụ dỗ mới cần đến một người giỏi ăn nói như ngươi. Sứ mệnh của ngươi chuyến này không phải là nhỏ, nếu thành công sẽ đỡ tốn hàng vạn sinh mạng cho binh lính chứ đâu phải chuyện thường. Ngươi hãy vì sự nghiệp của đại Nguyên mà gắng lập công.
Khúc Liệt không biết từ chối thế nào mới nhận phong thư, đem theo hai tên lính hầu, cưỡi ngựa sang thẳng Nội Bàng.
Nói về Trần Hưng Đạo khi nghe thấy Thoát Hoan đã chiếm Động Bản, liền lệnh cho Minh Hiến vương Trần Uất cùng Đoàn Thai đem quân từ làng Biên Trú trở về Nội Bàng, chỉ để lại vài thám binh theo dõi tình hình quân Nguyên. Khi ấy Khúc Liệt đi sứ đến nơi, Hưng Đạo vương đã biết trước, bảo Hưng Trí vương Trần Quốc Hiện ra tiếp sứ và những việc cần làm. Quốc Hiện ra đến nơi, Khúc Liệt cũng vừa tới cổng thành. Quốc Hiện không xuống ngựa, cầm ngọn giáo chỉ Khúc Liệt, nói:
– Ngươi có phải là Khúc Liệt lý vấn quan của quân Nguyên không?
Khúc Liệt cũng ngồi yên trên lưng ngựa trả lời:
– Ta chính là lý vấn quan Khúc Liệt đây. Tại sao các ngươi biết ta đến mà không xuống ngựa bái kiến.
– Ngươi là một tên sứ giả nhãi nhép, ta hãy tạm tha cái mạng cho là tốt lắm rồi. Mau quay về nói với chủ của ngươi đem binh về nước để hai bên dân chúng được sống thái bình yên vui. Còn không! Có giỏi thì mang quân đánh thành, làm sao phải đưa sứ đến?
– Đánh thành hay không đánh thành không phải là việc của ngươi. Hãy mau đưa ta đi gặp Trần Quốc Tuấn.
– Đại vương ta đang bận, không có thời gian tiếp một kẻ hèn hạ như ngươi. Về ngay đi không ta tặng cho một mũi tên vào mặt bây giờ.
Khúc Liệt vốn vẫn sợ tên độc của người Việt, lại thấy Quốc Hiện tháo cung tên cầm ở tay, vội vàng nói.
– ấy ấy! Xin đừng bắn. Ta có một phong thư cho chủ tướng của ngươi đây.
Nói xong rút phong thư, sai tên lính hầu đưa tới. Quốc Hiện cũng sai một người lính tiếp lấy trình lên rồi cầm phong thư xé nát vứt xuống đất, nói:
– Như thế là ngươi đã biết ý của chúng ta thế nào rồi chứ? Quay về ngay đi.
Khúc Liệt biết là đã hỏng việc đành quay về nói với A Lý Hải Nha:
– Bọn người Nam này xem ra hung dữ lắm, chỉ chực giết người chứ không hề có ý hoà nghị. Xin bình chương quân sư cứ tiến binh san phẳng thành Nội Bàng cho chúng biết thế nào là binh lực đại Nguyên.
A Lý Hải Nha trước đã nói khoác là có mẹo hay, khiến Trần Quốc Tuấn phải bỏ thành chạy vội, đến giờ thấy mưu kế chẳng được việc gì mới nổi cáu thét lớn:
– Trần Quốc Tuấn láo thật, dám cho quân sỉ nhục chúng ta. Nay lệnh cho Tản Đáp Nhi Đải, Tôn Hựu, Lưu Thế Anh, Minh Lý Tích Ban gọi là bốn tướng song long lưỡng hổ đem mười vạn quân phá bằng được thành Nội Bàng.
Lý Bang Hiến thấy A Lý Hải Nha nóng giận đến mụ mẫm cả đầu óc, nói:
– Việc này nên trình thái tử điện hạ đã, không nên khinh địch mà xuất quân một cách vội vàng.
A Lý Hải Nha đang cơn nóng giận, thấy Lý Bang Hiến nói vậy tức không để đâu hết, gầm lên:
– Giỏi cho Lý Bang Hiến! Ngươi cũng coi thường ta đến thế ư? Thái tử đã cho ta tuỳ nghi hành động mà ngươi dám trái lệnh, phải xử tội gì đây? Võ sĩ đâu! Lôi Lý Bang Hiến ra chém cho ta.
Bốn võ sĩ theo lệnh ập vào bắt Lý Bang Hiến, tước bỏ mũ, giáp lôi ra pháp trường. Vừa may Thoát Hoan đến kịp, lệnh cho bọn đao phủ không được hành quyết, thả ngay Lý Bang Hiến ra. Vì thế mà Lý Bang Hiến đựơc thoát chết. Thoát Hoan vào đến tướng doanh, A Lý Hải Nha cùng chư tướng ra đón, kể lại sự tình. Thoát Hoan nói:
– Kế của quân sư hay lắm, việc chém Lý Bang Hiến cũng là đúng tội nhưng ta nghĩ Lý Bang Hiến là tướng có nhiều công lao, bây giờ lại là lúc cần dùng tướng lĩnh, hãy tha cho hắn một lần. Việc đánh thành cũng hãy hoãn lại, để ta thực hiện nốt kế sách cho quân sư.
Nói xong liền tự mình viết một phong thư, giao cho lý vấn quan Tháp Hải Tán Lý, dặn dò cẩn thận những điều cần thiết, cho đi.
Tháp Hải Tán Lý sang đến Nội Bàng cũng được Hưng Trí vương Trần Quốc Hiện ra tiếp, dẫn vào tướng doanh gặp Trần Hưng Đạo. Tháp Hải Tán Lý nói:
– Ta đến đây vì sao các ngươi không ra đón tiếp?
Hưng Đạo vương nghiêm nét mặt, nói:
– Ta hạ cố cho ngươi được gặp là đại phúc cho ngươi rồi. Có việc chi không quì xuống mà trình còn muốn gì đây?
Tháp Hải Tán Lý vẫn dương dương vênh mặt, nói:
– Ta là sứ thần của nước lớn đến đây, đáng lý ra các ngươi phải quì đón, còn bảo ai phải quì đây?
Hưng Đạo vương nói:
– Tên này chẳng biết lễ phép gì cả. Ta là một vị vương, ngươi chỉ là một tên lý vấn quan nhãi nhép trong quân mà đã vênh vang đến thế ư? Quân đâu! Mang ngay tên này ra đánh năm mươi trượng, dạy cho nó biết thế nào là phép bang giao.
Tháp Hải Tán Lý cười ha hả, nói:
– Ngươi dám đánh ta sao? Nay thái tử Trấn Nam vương đã mang ba mươi vạn quân đến ngoài thành. Ngay ở Vạn Kiếp cũng đã có mười vạn quân của Bột La Hợp Đáp Nhi tiến đánh. Hữu thừa Toa Đô, bình chương Nạp Tốc Lạt Đinh mỗi người cũng có mười mấy vạn quân. Bốn mặt đánh dồn lại, liệu cái xứ An Nam của nhà ngươi được mấy hơi sức mà không thần phục. Biết điều đối tốt với ta, sau này ta còn nói giùm cho vài câu…
Tháp Hải Tán Lý còn đang thao thao, Hưng Đạo vương quát:
– Đánh.
Tiếng quát đanh sắc quá làm Tháp Hải Tán Lý giật nảy mình, bị mấy anh lính lôi ra ngoài đánh cho một trận đau quắn quằn, cuống quít xin tha, không dám xấc xược nữa. Lúc ấy Hưng Trí vương Trần Quốc Hiện mới ra nói:
– Sao? Nhà ngươi còn muốn tiếp đón trọng thể nữa không?
– Thôi ạ! Tướng quân cho tôi vào dâng thư của Trấn Nam vương.
Tháp Hải Tán Lý được Quốc Hiện đưa trở lại tướng doanh, đau quá đi không vững, quì gối lê vào dâng thư. Hưng Đạo vương xem xong, nói:
– Ta tưởng Thoát Hoan nói điều gì mới, hoá ra vẫn chỉ là dụ dỗ, doạ dẫm mà thôi. Ta cho ngươi về nói với Thoát Hoan rằng ta chờ đó.
Tháp Hải Tán Lý chẳng hiểu “chờ đó” là ý thế nào nhưng cũng dạ dạ vâng vâng không dám hỏi lại, cùng hai tên lính hầu vội vã lùi lũi ra về. Việc này tạm dừng ở đây sau sẽ còn quay lại.
Đây nói chuyện đạo quân của vạn hộ Bột La Hợp Đáp Nhi cùng chiêu thảo A Thâm đi đường châu Ôn xuống ải Lão Thử. Bột La Hợp Đáp Nhi vốn không ưa A Lý Hải Nha. Ngược lại A Lý Hải Nha cũng ghét Bột La Hợp Đáp Nhi vì tội cứ hay bới những chỗ sai của mình. Trong các chiến dịch đánh Tống, Bột La Hợp Đáp Nhi lập được nhiều công trạng, giết được nhiều người không kém gì A Lý Hải Nha nhưng vì tính tình lố tố không biết kiêng nể ai, thường mất lòng thượng cấp, có lần bị vu cáo suýt nữa Hốt Tất Liệt đem chém. Lúc bấy giờ Cốt Đãi Ngột Lang còn làm tể tướng, biết Bột La Hợp Đáp Nhi bị oan, lại là một tướng giỏi nên mới tâu xin với Hốt Tất Liệt tha cho tội chết. Tuy vậy Bột La Hợp Đáp Nhi vẫn chứng nào tật ấy, thấy điều gì không hợp ý mình là nói băng băng nên rất nhiều lần phạm thượng, chẳng còn mong được cất nhắc, đứng mãi ở vị trí vạn hộ tướng quân. Trong khi đó bọn A Lý Hải Nha, Nạp Tốc Lạt Đinh chỉ là lũ đàn em đã được thăng lên đến hàng bình chương chính sự hành tỉnh hẳn hoi. A Lý Hải Nha coi Bột La Hợp Đáp Nhi chẳng khác gì cái gai trong mắt mới cho dẫn năm vạn quân đi riêng một đường, đánh thắng thì tốt, thảng hoặc có bị thua coi như mượn tay người Việt trừ đi hộ, nếu có còn sống cứ theo quân luật mà trị muôn năm thân bại danh liệt, chẳng ngóc được đầu lên. Bột La Hợp Đáp Nhi tính tình nông nổi, biết đâu được thâm ý của A Lý Hải Nha, được đi một mình, không ai kiềm chế là sướng lắm rồi, khi đi đến gần Ôn châu bảo với A Thâm:
– Tôi với ông được đi riêng một đường thế này thật không còn gì bằng.
A Thâm là người kín đáo sâu sắc, biết hết lòng dạ A Lý Hải Nha, lại thương Bột La Hợp Đáp Nhi thật thà, bảo:
– Ta đi đây là vào nơi hang hùm nọc rắn chứ có phải du ngoạn đâu mà ông khoái chí thế. Bình chương quân sư cho tôi với ông đi đường này là có ý cả đấy. Tôi thấy lo hơn là mừng.
– Ông nói thế là thế nào?
– Đường này tuy không nhiều đồn ải của quân Nam nhưng xa xôi cách trở không biết nhường nào, lại có bọn người man đánh lén. Có câu đối diện dễ địch, bắn lén khó lường. Ta không cẩn thận là xơi tên kích thống ngay. Nếu để sơ suất gì, bình chương quân sư cứ theo quân pháp mà trị, liệu chúng ta có giữ nổi cái đầu không?
– Ông nói đúng lắm. Vậy chúng ta phải cẩn thận mới được. Thằng cha quân sư này thế mà đểu. Mình thực lòng với nó mà nó chỉ chực hại mình.
A Thâm nói:
– Bây giờ sắp đến Ôn châu, thế nào cũng phải giao chiến. Tôi chỉ ngại có một điều hậu quân không ai che chắn, nhỡ bị đánh hoá ra rơi vào thế lưỡng đầu thọ địch.
Bột La Hợp Đáp Nhi nói:
– Tôi đã cho Hồ Ban, Lã Quảng đi đoạn hậu rồi, không phải lo gì nữa.
– Nhỡ bị Phạm Ngũ Lão đánh tập hậu, Hồ Ban, Lã Quảng không phải là đối thủ của y.
– Vậy ta phải làm sao?
– Nên để Giả Quỳnh, Tiết Trạch đi tiên phong. Tôi xin đoạn hậu chống với Phạm Ngũ Lão mới có thể yên tâm được.
Bột La Hợp Đáp Nhi nghe theo, lấy Giả Quỳnh, Tiết Trạch đi tiên phong, cho A Thâm đoạn hậu cùng với Hồ Ban, rút Lã Quảng về trung quân. Giả Quỳnh, Tiết Trạch tiến đến Ôn châu cho quân khiêu chiến. Nguyễn Thế Lộc cùng Lương Uất mang quân lên mặt thành chống cự. Trông thấy Giả Quỳnh cưỡi một con ngựa màu vàng lửa, đi lại như bay trong đám quân lính, Lương Uất nói với Thế Lộc:
– Ông ở trong giữ thành để tôi mang quân ra chém tên tướng kia, cướp lấy con ngựa quý.
Nguyễn Thế Lộc nói:
– Giữ thành là việc trọng, há vì con ngựa nhỏ kia mà tướng quân phải ra thành. Vạn nhất có điều sơ sảy sẽ hỏng cả việc lớn.
– Quân Nguyên hung hăng lắm. Chúng đang coi thường ta, chính là lúc nên đánh cho chúng biết tay.
– Nếu vậy, tướng quân ra thành, tôi phục một nghìn tay nỏ để tiếp ứng cho.
Quân Nguyên đang hung hăng gào réo, bất ngờ Lương Uất dẫn quân xông ra chém giết. Quân Nguyên không kịp đề phòng phải lùi cả lại giữ trận. Lương Uất kiêu dũng quá đi đến đâu quân Nguyên dãn ra đến đấy. Giả Quỳnh thấy vậy liền múa ngọn kích sắt bay đến cản lại. Lương Uất đánh nhau với Giả Quỳnh đến mấy mươi hiệp không phân thắng bại. Tiết Trạch trông thấy cũng múa giáo xông vào. Lương Uất đánh không lại với hai tướng Nguyên mới đem quân chạy vào thành. Giả Quỳnh, Tiết Trạch hô lính đuổi theo gần kịp. Nguyễn Thế Lộc ở trên thành nhìn thấy liền cầm cây cờ lệnh phất một cái, hơn một nghìn tay nỏ cùng bắn ra. Quân Nguyên phải chững lại. Lương Uất đem được hết quân lọt vào thành. Giả Quỳnh, Tiết Trạch cho quân vây kín thành Khâu Ôn, chỉ có cửa Tây vướng núi chưa đem quân sang được. Quân Nguyên reo hò đánh thành. Quân Việt ném đá, bắn nỏ, quăng mồi lửa xuống làm quân Nguyên chết hại nhiều lắm. Lúc sau Bột La Hợp Đáp Nhi đến, cho quân vây bủa tầng tầng lớp lớp, lại leo qua núi để đánh cửa Tây. Lương Uất thấy nguy bảo Nguyễn Thế Lộc:
– Quân Nguyên đông gấp mười quân ta, chúng bủa vây bốn mặt thành, e chúng ta khó chống nổi. Chi bằng nhân khi chúng chưa sang được cửa Tây, ta cho quân lánh tạm vào rừng Khău Lừ1, đợi khi chúng đi qua, ta quay lại cướp thành đánh vào sau lưng chúng.
– Tướng quân nói rất đúng.
Nguyễn Thế Lộc nói xong liền lệnh cho quân sĩ mỗi người mang theo mười ngày lương thực, còn bao nhiêu kho tàng đốt hết, đến chiều dẫn quân vào rừng đóng trại, chỉ để một đội thám binh ở lại theo dõi động tĩnh của quân Nguyên. Bột La Hợp Đáp Nhi, A Thâm thấy trong thành bốc lửa mà trên mặt thành không còn quân Việt giữ mới hô quân đánh vào nhưng chẳng thấy một ai. Lúc bấy giờ trời đã sâm sẩm tối, A Thâm lệnh cho quân sĩ dập tắt lửa ở các đám cháy, tìm lúa gạo thổi cơm ăn nhưng các kho lương thực lính Việt đã mang đi, số còn lại cháy hết cả. Hồ Ban nói:
– Quân ta đánh nhau suốt ngày rất là mệt mỏi, lại vào cả trong thành nhỡ bị đánh hoả công làm sao xoay xở cho kịp. Chi bằng tướng quân chia một nửa quân ra ngoài đóng trại để ứng cứu cho nhau có hơn không.
A Thâm nghe theo, đến nói lại ý ấy với Bột La Hợp Đáp Nhi rồi đem hai vạn quân ra ngoài thành đóng trại, canh phòng rất là nghiêm mật nhưng suốt đêm không thấy quân Việt đến đánh. Sáng hôm sau Bột La Hợp Đáp Nhi lệnh cho ba quân tức tốc lên đường, chỉ để lại năm trăm quân cho Sử A Quì giữ thành Khâu Ôn. Bột La Hợp Đáp Nhi mới đi được một ngày đã thấy một đám lính Nguyên ước vài trăm người kêu khóc chạy theo. Hồ Ban cản lại hỏi. Đám lính ấy thưa rằng:
– Đại binh vừa kéo đi ban sáng thì ngay buổi chiều quân Nam quay lại cướp thành. Sử A Quì chống không nổi, bị tên thuốc độc tử thương. Binh lính chết quá nửa, chúng tôi chạy thoát, theo đến đây.
Bột La Hợp Đáp Nhi nói:
– Chúng ta không còn đường lui, vậy chỉ có cách tiến cho nhanh thôi.
Liền thúc tiền đội đi nhanh đến ải Lão Thử. Đường đi kéo dài giữa hai mạch núi, vách đá cheo leo, có chỗ thớ núi ăn sát với mé đường tạo ra đoạn dốc cực kỳ hiểm trở. Ngay phía sau dốc là núi đá cao chất ngất như chàng dũng sĩ đứng canh suốt một dải giang sơn. Xuôi cùng mạch núi là dòng sông2 chảy xuống phía Nam. Đi một đoạn nữa hai bên núi khép lại, nhìn lên chỉ thấy:
Vun vút non cao thềm đá dựng
Vi vu gió lạnh tóc mây bay
Trên cao vắng khỉ tranh ăn quả
Dưới sâu thưa cá rỡn đớp bèo
Chim chóc im lìm nơi chóp núi
Hươu nai khuất bóng chốn lòng khe
Đồng ruộng cuối mùa không tang đạo
Một vùng quạnh vắng hắt heo.
Nhìn quang cảnh như vậy, A Thâm nói với Bột La Hợp Đáp Nhi :
– Đây đã là ải Lão Thử. Tôi đi chinh chiến bao nhiêu năm không thấy nơi nào địa thế hiểm ác như nơi này. Thật là chốn sơn cùng thuỷ tận. Lam sơn chướng khí mờ mờ mịt mịt. Chẳng may bị hãm ở đây dẫu muôn người chưa chắc đã có một sống sót mà về.
Bột La Hợp Đáp Nhi nói:
– Ta đóng quân lại, cử thám binh lên dốc xem quân Nam nhiều ít thế nào.
A Thâm nói:
– Bây giờ trời đã về chiều, đóng quân lại đây nhỡ đêm bị quân Nam vây đánh, biết xoay xở làm sao. Chi bằng ta cứ vượt qua đèo, sang bên kia hãy nghỉ.
Bột La Hợp Đáp Nhi nói:
– Trời ơi! Một người kiến thức như ông mà sao cũng có lúc tối tăm đến thế. Không dựng trại nhỡ quân Nam ngăn cản, không qua được đèo, quân lính ta biết ở vào đâu.
A Thâm nói:
– Tướng quân đã nói vậy hãy lui binh ra khoảnh trống mà đóng trại.
Bột La Hợp Đáp Nhi liền lui quân ra một vùng đất rộng, cho lính đóng trại nấu cơm ăn rồi cử thám binh lên núi dò xét quân Việt. Nưả đêm thám binh về báo không thấy quân Việt đâu, chỉ có vài ngôi nhà sàn của man dân bỏ không, cũng không có thành quách gì cả. Sâu trong khe đèo có một ngôi chùa cổ, hương lạnh khói tàn, không có người coi giữ. Bột La Hợp Đáp Nhi cả mừng, nói:
– Thật là trời giúp ta. Người Nam biết dùng binh sao không chặn giữ nơi đây! Thái tử điện hạ mang quân đi chuyến này chắc thành đại sự.
A Thâm nói:
– Chưa hẳn đã như vậy.
– Ông nói thế là ý làm sao?
– Trần Quốc Tuấn không phải là kẻ tầm thường. Phạm Ngũ Lão cũng là tay kiệt hiệt, đâu có bỏ qua những chỗ dễ ăn thế này. Tôi sợ chúng bỏ nơi đây để khích cái lòng khinh địch của chúng ta rồi đón đánh ở nơi có lợi cho chúng hơn nữa, quân ta chả nguy lắm hay sao.
Bột La Hợp Đáp Nhi xua tay nói:
– Ông vẫn là người đa nghi lắm. Làm gì còn chỗ nào lợi thế hơn chỗ này. Bỏ ngỏ nơi đây là chúng tự mời ta vào nhà rồi còn gì.
Quân Nguyên được một đêm ngủ yên. Sáng hôm sau mới giờ Mão ba khắc, Bột La Hợp Đáp Nhi đã xua quân qua đèo. Con đèo dài và hẹp, hai bên vách đá dựng ngược, đường đi quanh co hun hút. Quân Nguyên vừa lên đến lưng chừng bỗng nghe một hồi tù và nổi lên, trống đánh, mõ kêu vang ầm trời đất. Các vách đá động đậy rồi từng khối đá tảng như có chân nhảy từ trên cao xuống, nhằm vào giữa đội hình quân Nguyên mà táng. Quân Nguyên kêu la thất đảm, ùn cả lại. Trong các bụi cây tên bắn ra tua tủa. Hoá ra các bụi cây trên núi toàn là quân Việt ngụy trang nằm chờ sẵn, bọn thám binh của Bột La Hợp Đáp Nhi không nhìn thấy. Quân Nguyên sợ hãi chạy tháo lui xuống chân đèo, bỏ lại không biết bao nhiêu xác chết. Nhiều kẻ chưa chết hẳn, kêu khóc rất thảm thiết. Bột La Hợp Đáp Nhi nói với A Thâm:
– Con đèo này quá hẹp, lại dài. Quân Nam chống giữ ta không thể qua được. Chi bằng tìm con đường khác mà đi.
A Thâm nói:
– Trong khi chưa tìm được đường khác, ta nên đem quân bày thành trận thế, phòng khi quân Nam tấn công.
– Sự lo liệu của ông quả không thừa. Tiêc rằng tôi không nghe lời nói hôm qua nên sáng nay mới bị thiệt hại quân lính.
Bột La Hợp Đáp Nhi nói xong truyền lệnh cho A Thâm đem sáu nghìn quân chia thành mười hai đội, lập nên trận Thái Cực Bao Hàm1 che cho đại binh. Lấy Hồ Ban, Tiết Trạch giữ các cửa trận. Giả Quỳnh nói:
– Tôi xin đem quân đi tìm đường.
Bột La Hợp Đáp Nhi cho đi. Giả Quỳnh liền mang mười tên lính, ăn mặc theo kiểu dân Nam, đi tìm đường, đến giờ Mùi quay về báo:
– Đúng là ải này không còn đường nào khác. Đường nhỏ, đường hẻm cũng không có nhưng tôi có một kế này có thể đưa quân ta qua phía sau ải được.
Bột La Hợp Đáp Nhi nói:
– Ngươi cứ nói đi.
Giả Quỳnh tiếp:
– Cạnh đây có một nguồn nước xuôi xuống phía Nam đổ ra sông. Ta nên đóng bè nhỏ thả xuống, đưa khoảng một nghìn quân vòng ra sau ải đánh thốc lên. Quân Nam thấy có quân ta ở phía sau nhất định phải rút. Nếu không, ta hợp lực trước sau cùng đánh tất chúng cũng khó chống được.
Bột La Hợp Đáp Nhi nghe theo, cho Giả Quỳnh mang hai nghìn quân đi chặt nứa ghép bè vượt qua ải.
Tướng Việt giữ ải này là Trung Thành vương lúc ấy thấy quân Nguyên lùi xuống bày trận mới bảo các tướng rằng:
– Giặc bày trận này là trận Thái Cực Bao Hàm. Ta sẽ mang quân xuống phá.
Tuỳ tướng là Nguyễn Thạch Lượng nói:
– Quân giặc đông, quân ta ít. Xin vương công cứ giữ chắc cửa ải là hơn.
– Các ngươi yên lòng. Ta xuống phá trận rồi về ngay.
Trung Thành vương nói xong cầm giáo dài, dẫn một nghìn quân xuống ải, A Thâm trông thấy, nói:
– Tên tướng kia dẫn quân xuống ải, có dám phá trận không.
Trung Thành vương nói:
– Trận này có gì mà không dám phá. Ngay cả các biến trận của nó ta cũng chẳng ngại gì.
Nói xong cầm giáo, dẫn quân xông vào cửa trận. Nghe một tiếng chiêng, trận thế quân Nguyên bắt đầu chuyển động. Các đội xà, điểu, long, vân, âm, dương, nhật, nguyệt đều đi chéo lên chiếm lấy phần đất của mình. Trận thế biến thành Thái Tố Tam Tài vây bọc lấy quân Việt. Trung Thành vương không hề nao núng, đánh từ đội long cánh hữu tới rồi đến đội điểu. A Thâm thấy tướng Việt phá trận rất phải phép, liền đánh một tiếng chiêng, thổi ba tiếng còi, trận thế lại biến đổi rùng rùng, một chốc hoá ra trận Thái Thuỷ Hỗn Nguyên. Chẳng ngờ Trung Thành vương cũng biết phép biến này, đánh phá một hồi. Trận thế quân Nguyên tan tành cả, mấy nghìn binh lính kẻ chết, người chạy không còn ra hàng ngũ nào nữa. Bột La Hợp Đáp Nhi thấy A Thâm sắp bị bắt mới đánh trống thúc đại binh ào lên. Mấy vạn quân Nguyên vây bọc một nghìn quân Việt vào giữa. Lã Quảng, Hồ Ban, Tiết Trạch quây vào đánh một mình Trung Thành vương. Quân Việt núng thế nhưng không làm sao ra được khỏi trùng vây, đang lúc nguy cấp bỗng thấy phía sau trại quân Nguyên khói bốc mù mịt, lửa cháy ngút trời. Bột La Hợp Đáp Nhi vội vã thu quân về cứu trại. Thì ra Lương Uất sau khi cùng Nguyễn Thế Lộc chiếm lại thành Khâu Ôn liền đem quân đuổi theo quân Nguyên, vừa lúc thấy Bột La Hợp Đáp Nhi mải đánh nhau mới đột nhập vào đốt trại. A Thâm, Bột La Hợp Đáp Nhi về đến trại, Lương Uất đã mang quân vào rừng từ bao giờ rồi. Trung Thành vương nhân đấy đem quân về giữ ải nhưng vừa về đến nơi lại thấy trên ải đã cắm đầy cờ Nguyên, gỗ đá lăn xuống ầm ầm. Trung Thành vương vội đưa quân tản vào rừng. Hoá ra trong khi quân Việt xuống ải đánh nhau thì Giả Quỳnh mang hai nghìn quân theo dòng nước xuôi xuống phía Nam rồi đánh lên ải. Nguyễn Thạch Lượng bị bất ngờ, chống không nổi phải bỏ ải đem quân vào rừng, mãi sáng hôm sau mới gặp được Trung Thành vương ở doanh trại trong núi, vội quì xuống khóc, nói:
– Tôi không giữ nổi ải, tội thật đáng chết, xin chịu tội với vương công.
Trung Thành vương nói:
– Lỗi này đâu phải tại ngươi. Nếu ta nghe lời ngươi thì không đến nỗi thua như vậy.
Nói xong, kiểm điểm binh mã đợi đến đêm đột nhập trại Nguyên. Nguyễn Thạch Lượng lại can:
– Quân ta vừa mới thua xong, không nên đánh ngay. Theo ý tôi cứ để quân Nguyên đem binh đi qua, ta chiếm lại ải rồi đuổi theo đánh vào hậu quân của chúng, nhất định thắng.
Trung Thành vương nghe theo, đóng quân lại, chỉ cử mấy đội thám binh đi nghe ngóng tình hình giặc. Sáng hôm sau Bột La Hợp Đáp Nhi cho quân vượt đèo tiến xuống phía Nam, để Lã Quảng ở lại giữ ải Lão Thử. Trung Thành vương liền cho quân tiến vào chiếm lại ải. Lã Quảng không muốn ở lại nơi rừng rú mới giả vờ ít quân không chống nổi, bỏ ải chạy theo đại binh. Mấy ngày sau đi ra vùng đồng rộng, A Thâm nói:
– Từ đây đi xuống phía nam có rất nhiều sông ngòi ngăn trở. Chi bằng ta để Giả Quỳnh, Tiết Trạch mang một nghìn quân đi trước tìm thuyền bè cho đại quân sang sông.
Bột La Hợp Đáp Nhi nghe theo. Giả Quỳnh, Tiết Trạch mang một nghìn quân đi tiên phong thẳng đến bến Đa Mỗi bên bờ Nhật Đức hạ trại rồi cho quân đi dọc sông tìm cướp thuyền bè của dân chài lưới được hơn hai mươi chiếc, lại cho quân chặt tre nứa đóng mấy trăm cái mảng để đưa binh lính, xe, ngựa qua sông. Mọi việc đã xong, Tiết Trạch đứng bên bờ Bắc nhìn sang bờ Nam, thấy ruộng đồng bát ngát, thôn ấp trù phú, trên bến sông vài ba chiếc quán vẫn bán hàng, chốc chốc lại có một thiếu nữ áo hồng, thắt lưng hoa lý ra sông múc nước, tuyệt nhiên không thấy bóng quân Việt. Lúc sau Tiết Trạch định quay về trại, bỗng bên bờ Nam ba bốn cô gái cùng xuất hiện. Họ lội ra sông vừa té nước trêu nhau vừa ca hát rất vui vẻ. Tiết Trạch nhìn thấy khi kéo váy lên, chân các cô trắng lắm. Một nỗi thèm muốn dâng lên làm vị tướng từng qua trăm trận nuốt nước miếng đến ực. Phía sau có người nói:
– Ngắm đã quá hả? Thèm thì sang chơi có khó gì.
Tiết Trạch quay lại, hóa ra Giả Quỳnh đã đứng đằng sau từ bao giờ, nói:
– Không ngờ con gái An Nam lại đẹp đến như thế. Giả huynh nhìn xem, bốn cô gái kia có khác gì bốn nàng tiên đi lấy nước cho Tây Vương Mẫu.
– Tiết huynh quả là một người mơ mộng. Muốn gặp các tiên nữ để ta cho gọi lính nó chèo thuyền sang sông.
– Nào đi thì đi.
Hai con người phương Bắc không còn vẻ gì là những chiến tướng kiêu dũng. Vứt bỏ nhung phục, họ hoàn toàn giống những chàng trai đa tình. Mấy lính Nguyên cũng không mặc giáp. Khi ấy mặt nước lặng lờ trôi, trên bến mấy thôn nữ vui đùa, dưới sông các chàng trai khẽ đẩy mái chèo cho thuyền nhẹ lướt, phong cảnh thật thái bình. Ai dám nói rằng những chàng trai cô gái kia là kẻ thù không đội trời chung. Thuyền ra đến giữa dòng, Giả Quỳnh như nghĩ ra điều gì, nói:
– Hãy dừng thuyền lại. Tiết huynh không thấy có điều lạ lùng lắm sao?
Tiết Trạch hỏi:
– Giả huynh nói điều chi lạ lùng.
Giả Quỳnh khẽ nhíu đôi mày làm những nét tàn ác nhanh chóng hiện về trên khuôn mặt khôi ngô của gã, nói:
– Tôi nghe người An Nam làm kế thanh dã từ lâu nên quân ta đi đến đâu cũng không gặp được dân chúng, vì sao nơi đây dân cư còn có vẻ bình thản thế này? Đó chẳng phải là điều đáng nghi lắm hay sao?
– Giả huynh đa nghi quá. Tôi đã cho thám binh sang sông dò xét nhiều rồi. Không làm gì có quân Nam mà sợ. Bọn quan binh nhà Trần bắt ép dân chúng bỏ làng xóm mà đi nên họ trốn ở lại đấy chứ. Thấy chúng ta sang chơi, thế nào họ chẳng mở tiệc đón mừng.
Giả Quỳnh nghe nói vây cũng bùi tai, giục thuyền chèo dấn lên. Khi thuyền gần cập bến, mấy cô gái Việt vừa cười vừa nói, đuổi nhau chạy cả lên bờ. Những dải thắt lưng của các cô tung bay trong gió, hút mất hồn vía hai vị tướng Nguyên. Giả Quỳnh không còn nghi ngờ gì nữa, giục bọn lính chèo sát vào bờ. Một cô gái da trắng, tóc dài chốc chốc quay lại nhìn. Đôi mắt cô tròn sáng, đen lay láy, không vẻ gì là sợ sệt, như mời gọi khiến Giả Quỳnh, Tiết Trạch không cầm lòng được, theo hút lên quán nước. Cô gái cất lời:
– Xin mời nhị vị tướng quân dừng chân nơi tệ quán, uống ngụm nước phương Nam.
Tiếng cô gái ríu ran như chim hót làm hai vị tướng Nguyên ngây ngất sững sờ, lúc lâu sau Giả Quỳnh mới cất lời lên được:
– Đại quân thiên triều qua đây, các ngươi không sợ hay sao mà vẫn điềm nhiên bán quán?
– Dạ! Trình tướng quân! Thiếp thường nghe nói hoàng đế thiên triều là bậc anh minh, yêu dân như con. Vậy bọn thiếp làm sao phải sợ ạ?
Tiết Trạch nói:
– Khá khen cho nàng là phận nữ nhi ở nơi hẻo lánh mà biết ăn nói lắm. Vậy có muốn cùng chúng ta sang bờ Bắc vui chơi.
– Bọn thiếp là phận cỏ sen hèn mọn đâu dám mong các bậc anh hùng đoái tưởng. Được sang bờ Bắc cùng nhị vị tướng quân là niềm vinh hạnh ngàn đời khó thấy, có lẽ đâu lại chẳng vâng lời.
– Vậy hãy mau xuống thuyền cùng chúng ta sang sông kẻo muộn.
Cô gái mỉm môi cười, đưa cặp mắt lúng liếng làm hai vị tướng Nguyên tưởng không đứng vững.
– Dạ! Trình nhị vị tướng quân. Em tên là Bảo nương, cha mẹ sinh ra đã là xấu xí chẳng đáng để các tướng quân phải bận tâm nhưng em gái em là Ngọc nương tuổi vừa đôi tám, xinh đẹp đoan trang. Để em gọi nó ra chào nhị vị tướng quân.
Giả Quỳnh không còn giữ được vẻ oai nghiêm của một vị tướng nữa, khẽ kêu lên:
– Trời ơi! Lại còn cô em đẹp hơn nữa thật ư?
Bảo nương cất tiếng gọi. Một cô gái trẻ, mười phần xinh đẹp, từ sau tấm rèm bước ra chào khách. Giả Quỳnh, Tiết Trạch như bị cấm khẩu, chỉ nhìn trân trân không nói được lời nào. Cô gái ngỏ lời mời:
– Dạ! Thưa hai vị tướng quân! Chẳng mấy khi chị em thiếp được hân hạnh đón hai vị tới nhà, gọi là có chén rượu nhạt làm vui. Mong nhị vị đừng chê rồi chị em thiếp xin xuống thuyền chung vui ạ.
Nghe những lời ngọt ngào ấy, Giả Quỳnh, Tiết Trạch còn làm sao mà từ chối được, liền cùng Bảo nương, Ngọc nương ngồi uống rượu. Hai cô gái lại sai người nhà làm tiệc rượu thết đãi những người lính đi theo rồi hát mấy điệu hát phương Nam rất là du dương khiến hai vị tướng Nguyên mê mẩn tâm thần, trời tối lúc nào không biết, mặc cho thuyền ở bến sông bị các trai làng đục thủng rồi lấy giẻ vải nút lại. Đến khi trống canh hai đã điểm, Giả Quỳnh mới chợt nhớ ra, giục:
– Thôi! Bây giờ trời đã về khuya. Các nàng hãy cùng chúng ta xuống thuyền sang bờ Bắc.
Nước sông lạnh ngắt. Sóng vỗ xôn xao. Con thuyền tròng trành. Tiếng hát êm êm như du hồn người chìm vào giấc điệp. Giả Quỳnh, Tiết Trạch thiêm thiếp trong vòng tay hai cô gái Việt. Ra đến giữa sông, Bảo nương nhìn Ngọc nương. Hai chi em trao ánh mắt cho nhau như muốn nói lời giã biệt. Ngọc nương nhè nhẹ rút chiếc nút vải ở đáy thuyền. Một cột nước dựng lên phun vào khoang, con thuyền nghiêng ngả. Mấy lính Thát vội chạy tới tìm cách bịt lỗ thủng nhưng không kịp. Dòng nước phun lên quá mạnh làm bật hẳn tấm ván đáy
thuyền. Giả Quỳnh, Tiết Trạch tỉnh ra, thuyền đã chìm dần xuống đáy sông. Hai viên tướng Nguyên muốn túm lấy hai cô gái mà băm, mà xé nhưng hỡi ôi, tất cả đều đã im lìm dưới dòng nước bạc. Bên bờ Nam nổ một tiếng pháo. Các tráng đinh làng Đa Mỗi đánh vào trại Nguyên bên bờ Bắc. Quân Nguyên không có chủ tướng, bỏ chạy tứ tung. Đánh nhau đễn sáng, một nghìn binh lính Nguyên phần lớn bị giết hoặc bị dân chúng bắt đem đi. Dân làng lặn xuống sông vớt được xác hai cô gái cùng binh lính Nguyên. Bảo nương còn nghiến răng cắn chặt vào cổ Giả Quỳnh. Ngọc nương bị mũi dao găm của Tiết Trạch xuyên qua ngực nhưng tay cô vẫn túm chặt búi tóc của viên tướng tiên phong quân giặc. Khi hết chiến tranh, dân làng Đa Mỗi lập đền thờ hai người con gái xả thân vì nước, tôn vinh hai cô là công chúa Bảo nương và công chúa Ngọc nương, hương khói thờ phụng quanh năm1.
Đây nói Bột La Hợp Đáp Nhi sau khi cử Giả Quỳnh, Tiết Trạch đi tiên phong được hai ngày, không thấy tin tức gì mới bảo phó tướng A Thâm:
– Từ đây xuôi xuống đường đất bằng phẳng dễ đi, núi non không còn hiểm trở nhưng nhiều rừng thưa. Việc cần nhất không được để quân Nam tập kích cướp đốt lương thảo của ta. Ông cho các xe quân lương lên phía trước để kịp sang sông.
A Thâm nói:
– Quân lương sang sông trước nhỡ bờ Nam có quân giặc mai phục sẽ mất hết. Chi bằng ta cho một vạn quân sang sông trước, lập trại trú quân làm nơi căn bản rồi cho lương thảo sang đội hai. Trung quân và hậu quân sang sau mới thật là kế vạn toàn.
Bột La Hợp Đáp Nhi nghe theo, gọi Hồ Ban đến, nói:
– Ngươi mang một vạn quân đi trước sang sông, tìm nơi rộng rãi đóng trại, bảo vệ cho A Thâm mang lương thảo sang.
Lại gọi Lã Quảng đến dặn:
– Đây đã gần đến bến sông. Ngươi đem một nghìn quân lập trại nghỉ lại đợi tiền đội và lương thảo sang sông xong rồi tiến theo.
Đêm ấy Bột La Hợp Đáp Nhi nghỉ lại ở hậu đội. Canh ba bỗng nhiên thấy quân lính kháo nhau tiền đội bị đánh, hai tướng tiên phong chết mất xác rồi. Cả trại xôn xao chưa hiểu thực hư thế nào lại thấy lửa cháy bốn mặt rồi quân Việt từ các cánh rừng thưa đổ ra đánh vào trại Nguyên. Quân Nguyên còn đang bàng hoàng vì tin hai vị tiên phong bị giết, không có lòng dạ nào nghĩ đến đánh nhau nữa, mạnh ai nấy chạy, bị quân Việt tiến vào chém giết tơi bời. Trung Thành vương sau khi chiếm lại được ải Lão Thử, liền mang quân đuổi theo Bột La Hợp Đáp Nhi, cho quân dò biết được tướng tiên phong của quân Nguyên bị giết, đang đêm cho người lẻn vào trại Nguyên tung tin làm quân Nguyên hoảng sợ rồi nhân đó mà đánh. Khi ấy A Thâm, Hồ Ban đã dẫn quân đi trước cả rồi, chỉ có Lã Quảng đi cùng Bột La Hợp Đáp Nhi. Hai tướng vội thu nhặt được hơn một nghìn quân nhằm hướng Nam chạy miết. Đằng sau quân Việt đuổi rất gấp, Bột La Hợp Đáp Nhi cứ cắm cổ chạy, chẳng ngờ lạc vào một con đường cụt. Lúc trời vừa sáng, Lã Quảng nói:
– Tướng quân ôi! Thày trò ta lạc đường mất rồi. Quân Nam đông lắm, làm sao bây giờ.
– Ngươi chớ có lo. Ta mang quân lên giữ ngọn đồi kia quân Nam dẫu có đông cũng chưa dễ làm gì được. A Thâm, Hồ Ban thế nào rồi cũng tìm đến ứng cứu, khi ấy ta phá vây mà ra.
Bột La Hợp Đáp Nhi nói xong đem quân lên ngọn đồi có ngôi chùa cổ, thấy trên cổng chùa có ba chữNgọc lĩnh tự nhưng trong chùa không có tăng nhân, cũng chẳng có nhà bếp, giếng nước gì cả. Lúc sau Trung Thành vương mang quân đến nơi. Lê Kim Thắng nói:
– Ta nên đánh gấp, không cho quân giặc nghỉ ngơi. Tôi xin lĩnh quân lên trước.
Nguyễn Thạch Lượng nói:
– Không nên đánh ngay. Chùa này không có nước, cứ vây đến chiều cho chúng mệt mỏi rã rời không còn khí thế nữa lúc bấy giờ hẵng đánh, quân giặc tất phải hàng cả.
Trung Thành vương theo kế của Nguyễn Thạch Lượng, rải quân vây kín quanh núi từ sáng đến chiều. Hôm ấy trời nắng hanh, quân Nguyên trên núi đói khát khốn khổ lắm. Nhiều kẻ phải hứng nước đái của nhau mà uống, giết thịt ngựa ăn sống tạm. Từ tướng đến quân chỉ ngong ngóng chờ A Thâm tới cứu nhưng mãi sáng hôm sau cũng chẳng thấy đâu. Lã Quảng nói:
– Quân ta đói khát quá rồi, không thể chịu được nữa, đánh xuống núi may ra còn chạy thoát được.
Bột La Hợp Đáp Nhi nói:
– Ta khát quá, mệt rã rời không nhấc nổi tay chân lên nữa làm sao đánh nhau đây.
– Để tôi đánh mở đường đưa tướng quân ra.
Lã Quảng nói xong, nai nịt lên ngựa đánh xuống núi. Quân Việt thấy quân Nguyên kéo xuống liền điều mấy nghìn tay nỏ châu vào bắn. Lã Quảng cùng mấy trăm quân lính đi đầu trúng tên mà chết. Quân nguyên sợ hãi lại chạy ngược cả lên núi. Đến quá giờ Ngọ, Trung Thành vương đồ rằng quân Nguyên trên núi đã không còn đủ sức đánh nhau nữa, mới hô quân đánh lên. Quân Việt reo hò vang trời dậy đất đánh lên núi. Bột La Hợp Đáp Nhi nói:
– A Thâm nói rất đúng, A Lý Hải Nha bắt ta đi đường này chính là muốn đẩy ta vào chỗ chết đây. Ta đành chết ở đây để tỏ lòng trung với hoàng thượng mà thôi.
Nói xong gượng dậy cầm đao lên ngựa định xông ra tiếp chiến nhưng con ngựa đói khát quá không chịu nổi sức nặng của chủ, hí lên một tiếng, hất Bột La Hợp Đáp Nhi ngã lăn xuống đất. Đang khi quẫn bách tưởng chết bỗng thấy phía sau quân việt xôn xao, hoá ra A Thâm đã kịp mang quân đến cứu. Quân Nguyên đánh dạt quân Việt về một nửa ngọn đồi. Bột La Hợp Đáp Nhi vì thế ra thoát được vòng vây. Trung Thành vương thấy quân Nguyên đến đông, Bột La Hợp Đáp Nhi đã thoát ra rồi nên không cố đánh, mang quân vào rừng. Bột La Hợp Đáp Nhi nói với A Thâm:
– Hôm nay ông không mang quân đến kịp hẳn là tôi phải chết ở đây. Tiền quân đã sang sông hết chưa?
A Thâm nói:
– Chưa có ai sang sông được. Giả Quỳnh, Tiết Trạch cùng một nghìn quân tiên phong chết hết cả rồi.
Bột La Hợp Đáp Nhi than:
– Trời ơi! Không ngờ tin đồn trong trại quân lại là sự thực.
Nói xong quân tướng cùng nhau thất thểu kéo đến bờ Bắc sông Nhật Đức đóng trại nghỉ. Hôm sau A Thâm nói:
– Chúng ta đã mất ba viên tướng. Theo tôi từ đây đến Vạn Kiếp đường sông không có ghềnh thác, rất tiện lợi. Bàng Sinh, Chu Bá Hà đều là những người giỏi thuỷ chiến, nên cử họ đi kiếm thuyền bè để hành quân đường thuỷ.
Bột La Hợp Đáp Nhi nghe theo, cho Bàng Sinh, Chu Bá Hà mang quân đi kiếm thuyền bè nhưng dân chài lưới vùng ấy biết quân Nguyên đến đã dạt đi vùng khác làm ăn hết cả. Chu Bá Hà về báo với Bột La Hợp Đáp Nhi:
– Dân vùng này làm kế thanh dã từ lâu, chúng tôi chỉ kiếm được bốn năm chiếc thuyền thôi. Chi bằng cho quân chặt tre nứa đóng bè mảng đưa quân đi cũng rất là tốt.
A Thâm nói:
– Lời Chu Bá Hà nói rất có lý. Ngày mai để tôi đưa quân đi chặt tre nứa.
Sáng hôm sau A Thâm cùng bọn Bàng Sinh, Chu Bá Hà dẫn hai nghìn quân đến cánh rừng phía Tây chặt cây. Đến trưa, quân lính nghỉ ăn cơm bỗng A Thâm kêu rú lên một tiếng rồi lăn ra đất giãy đành đạch, phùi bọt mép. Quân lính nhìn xem, hoá ra A Thâm trúng một mũi tên chỉ nhỏ như đầu đũa. Chu Bá Hà sai quân tìm bắt kẻ bắn lén nhưng chẳng thấy người nào. Bàng Sinh nói:
– Phó tướng trúng tên độc của người man. Phải đưa ngay về trại để quân dược điều trị.
Chu Bá Hà nói:
– Tôi nghe nói người phương Nam có loại tên thuốc độc kích thống. Người bị trúng tên rất là đau đớn, không sống được quá vài canh giờ, đưa về trại sao kịp.
– Cũng chỉ có thể làm như vậy thôi chứ còn cách nào hơn đâu. Nhưng sao biết đây là tên kích thống?
– Cứ nhổ tên ra khắc biết. Nếu là tên thường thì mũi bằng đồng, có ba cạnh, còn tên kích thống đầu tên chỉ bằng tre vót nhọn rồi tẩm thuốc độc.
Bàng Sinh nhổ mũi tên ra, kêu lên:
– Trời ơi! Đúng tên kích thống rồi.
Hai tướng sai lính đặt A Thâm lên một chiếc xe bò kéo về trại. Mặt mũi A Thâm đã tím tái, hơi thở khò khè sắp tắt.
Thật là:
Kẻ khoe cung cứng
Người cậy nỏ thần
Gươm giáo tung hoành ngoài bốn biển
Một mũi tên bay, khó toàn thân.
Tính mạng A Thâm thế nào, xin nói ở chương sau .
1 Khău Lừ: Tiếng địa phương tức là Núi Lừa, khu vực Kỳ Lừa ngày nay.
2 Dòng sông nói đây chính là sông Thương.
1 Thái Cực Bao Hàm là một thế trận, tương truyền do vua Hoàng Đế của Trung Quốc đặt ra cùng các biến trận của nó, số quân sử dụng bày trận là 5800 người.
1 Đền thờ làng Đa Mỗi cho đến nay vẫn còn. Hằng năm dân làng tổ chức lễ hội để tưởng nhớ công lao của hai cô gái đã anh dũng hi sinh vì đất nước.
Đ.T