Đất Việt Trời Nam – tiểu thuyết lịch sử của Đan Thành ( chương 29)

ĐẤT VIỆT TRỜI NAM(Chương 29)

Đan Thành

Đánh Lưu Thôn Nghê Nhuận bỏ mạng

Vượt Lục Đầu Ô Mã hành binh…

ĐẤT VIỆT TRỜI NAM(Chương 29)

Đan Thành

Đánh Lưu Thôn Nghê Nhuận bỏ mạng

Vượt Lục Đầu Ô Mã hành binh

Trên kia đang nói Thoát Hoan nghe lời Triệu Tu Kỷ đến chỗ chôn lính bới được Nguyễn Bá Linh lên, y đã gần chết, chỉ còn hơi thoi thóp, liền cho lên xe ngựa đưa về tướng doanh, gọi quân dược đến cứu chữa. Quân dược cho uống hai viên thuốc triệu hồn, lát sau Nguyễn Bá Linh mở mắt, rên khe khẽ. Dược sư nói:

– Tỉnh lại rồi nhưng phải cho ăn cháo đã, bị đói quá đây mà.

Thoát Hoan sai người lấy nước cháo đổ cho Bá Linh. Khi Bá Linh tỉnh hẳn, vị dược sư xem các vết thương, không thấy có gì nguy hiểm, chỉ ở phần mềm, không phạm đến xương cốt phủ tạng, nói:

– Người này chỉ cần năm hôm nữa là hoàn toàn bình phục.

Thoát Hoan nghe vậy mừng lắm. Triệu Tu Kỷ nói:

– Nếu chịu khó điều trị, còn nhiều người có thể cứu được. Xin điện hạ cho dừng chôn quân lính.

Thoát Hoan nói:

– Nếu biết ai có tài, ta không tiếc gì không cứu, còn không cứ chôn cả đi, để lại lấy gì cho chúng ăn. Ngươi không biết câu Đa binh lụy tướng hay sao?

Ngày hôm sau quân lính đến báo với Thoát Hoan:

– Đêm qua lính tân phụ trốn đi nhiều lắm, chúng còn chửi bới lung tung, bảo điện hạ là kẻ ác nhân vô sỉ, bạc đãi người có công.

Thoát Hoan hỏi A Lý Hải Nha:

– Việc này nên làm thế nào?

A Lý Hải Nha nói:

– Không khó gì, điện hạ bảo Lý Hằng bắt Giản Nghĩa giết đi là xong.

Lý Hằng nhận được lệnh liền gọi Giản Nghĩa đến, hô võ sĩ trói lại đem ra trước quân môn chém. Trước lúc hành hình, Lý Hằng nói với quân sĩ rằng:

– Ta sai Giản Nghĩa làm lán trại để nuôi thương, phế binh. Thế mà y đã chôn sống anh em. Hành động tàn ác ấy không thể dung tha. Nay tội y đã rõ ràng, cần phải chém đầu để làm gương cho những kẻ coi thường tướng lệnh.

Khi ấy Giản Nghĩa mới biết Lý Hằng đem mình làm vật hi sinh, kêu gào, chửi toáng lên:

– Lý Hằng kia! Ta hết lòng phụng sự ngươi bao nhiêu năm nay. Vậy mà ngươi nỡ lòng hãm ta vào chỗ chết. Ta xuống suối vàng thế nào cũng đến diêm vương phủ kiện ngươi. Anh em binh lính chớ có tin lời Lý Hằng, chính hắn đã buộc tôi phải làm cái điều tàn ác ấy.

Lý Hằng sai quân lấy băng vải bịt mồm Giản Nghĩa lại rồi chém. Giản Nghĩa chết, quân tân phụ dần ổn định trở lại nhưng từ hôm ấy Lý Hằng sinh ra hoảng hốt, đứng ngồi chỗ nào cũng thấy như có Giản Nghĩa chửi mình, trong lòng lo ngại lắm. Cận tướng là Lý Quán nói:

– Có lẽ linh hồn Giản Nghĩa chết oan không tan được ám ảnh nên mới sinh ra như vậy. Tướng quân khấn lễ giải oan cho y siêu thoát.

Lý Hằng nói:

– Ta từng giết hại không biết bao nhiêu người vô tội chứ đâu phải một mình hắn nhưng chính vì hắn quá tin ta nên phải chết, đó là điều mà ta không muốn. Ta thật không muốn giết hắn đâu.

Lý Quán nói:

– Tôi hiểu lòng tướng quân. Nhưng chúng ta đã làm tôi tớ cho người Nguyên dẫu không làm cũng đâu có được.

Thoát Hoan thấy Lý Hằng như vậy liền sai quân dược điều trị, bệnh tình dần dần lui bớt, mấy ngày sau tinh thần Lý Hằng trở lại bình thường. Quân Nguyên đóng lại ở Nội Bàng ăn tết, riêng đội lính thợ làm thuyền của Ô Mã Nhi và Triệu Tu Kỷ không được nghỉ. Đến ngày mùng bốn tháng giêng năm ất Dậu đóng được một đội thuyền bè hơm trăm chiếc, trong đó có mười hai chiếc thuyền lớn để đặt mười hai khẩu thần lôi trọng pháo. Thoát Hoan ra lệnh toàn quân chia làm hai đường thuỷ bộ tiến xuống Vạn Kiếp, để bọn Lưu Thế Anh, Lý Bang Hiến ở lại xây dựng đồn trại lập đường dây nối liền với đất Nguyên. Lấy Hữu thừa Khoan Triệt, vạn hộ tướng quân Mãng Cổ Đài chỉ huy pháo binh đi theo thuỷ quân. Lúc bấy giờ Nguyễn Bá Linh đã bình phục, Thoát Hoan hỏi:

– Ta nghe nói nhà ngươi rất giỏi thuỷ chiến, vậy có mưu kế gì không?

Bá Linh nói:

– Bây giờ là mùa gió Bắc đang thổi mạnh, thuỷ binh của ta được lợi. Khi nào sáp chiến, tôi cắm cờ vào nơi đâu, pháo binh bắn vào nơi ấy, quân Nam dẫu đông cũng phải tan vỡ. Nhưng muốn dùng phép thuật, điện hạ phải trọng dụng một người nữa.

Thoát Hoan hỏi:

– Người ấy là ai?

– Trình điện hạ! Người ấy họ Phạm tên Nhan1, có phép hô mây, thổi mù, làm giả phiến binh2 muôn phần lợi hại. Người ấy bây giờ đang làm đô quản quân lương.

Thoát Hoan liền cho đòi Phạm Nhan đến, sai làm giả phiến binh. Phạm Nhan một mình đeo chiếc bị cói đi lên quả đồi, lấy ra vô số người giấy, rải làm bốn đội. Miệng đọc thần chú, tay bắt quyết, một chốc thấy gió thổi ào ào, mây mù giăng một vệt ngang qua sườn đồi. Thoát Hoan, A Lý Hải Nha ở dưới nhìn lên rõ ràng bốn đội binh mã đi lại phất cờ không khác gì người thật, cả mừng nói:

– Ta có được người này lo gì không thắng.

Lập tức truyền lệnh cấp tốc lên đường.

Tin quân Nguyên hành binh liên tục được cấp báo về Vạn Kiếp. Hưng Đạo vương liền cho hai đạo thuỷ quân của Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn, Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng ra cửa Lục Đầu chặn đánh thuỷ quân của Ô Mã Nhi. Hôm ấy nhằm ngày mùng sáu tháng giêng năm ất Dậu (11-2-1285), trời mưa bụi, rét dữ. Xa xa trông thấy thuyền bè quân Nguyên chỉ có chừng hơn trăm chiếc, Hưng Nhượng vương Quốc Tảng nói:

– Người ta cứ ngoa đồn về binh thế quân Nguyên chứ xem ra với mấy cái thuyền trẻ ranh kia không bõ cho ta quét một trận.

Hưng Vũ vương Quốc Nghiễn nói:

– Binh kiêu tắc bại. Chú chớ nên khinh thường quân giặc. Thuỷ binh của chúng không mạnh nhưng quân kỵ bộ rất đông và thiện chiến, lại có pháo binh cùng đánh, không thể coi thường.

Quốc Tảng nói:

– Chẳng biết bác đánh nhau với chúng ở Nội Bàng thế nào mà xem ra có vẻ e sợ thế. Em tuy bất tài cũng đánh tan ngay đội thuyền giặc kia cho bác xem.

Nói xong liền hô đội thuyền của mình tiến lên. Hơn ba trăm thuyền chiến vun vút ngược dòng chặn ngang mặt sông. Quốc Tảng tay cầm cung tên, khi đến gần thuyền giặc liền cho quân thúc trống tiến đánh. Em Triệu Tu Kỷ là Triệu Phi Giao cầm giáo đứng ở đầu thuyền, bị Quốc Tảng bắn một phát tên trúng giữa mặt, rơi xuống nước chết. Triệu Tu Kỷ hô quân bắn trả nhưng quân Việt đông quá, đánh không lại. Ô Mã Nhi trên lâu thuyền nhìn thấy tình thế có phần nguy ngập, liền bảo Khoan Triệt:

– Ông hãy cử thần lôi trọng pháo đi chứ.

– Tôi đi cắm cờ, cứ chỗ nào có cờ trắng thì bắn vào.

Nguyễn Bá Linh nói xong cầm mấy lá cờ trắng, nhào xuống nước đi mất. Lúc sau Khoan Triệt, Mãng Cổ Đài thấy hiệu cờ trắng cắm ở những nơi thuyền quân Việt tập trung đông, liền hô quân quay nòng pháo bắn vào. Quân Việt chưa mấy người biết trọng pháo là gì, nghe tiếng nổ đinh tai nhức óc thảy đều hoảng hốt. Nhiều quả đạn đá rơi trúng thuyền, nổ tung làm thuyền chìm, quân chết. Chỉ mới vài loạt đạn đã có mấy chục thuyền Việt xoay ngang, va quệt vào các thuyền khác khiến đội hình rối loạn không còn ra hàng ngũ gì nữa. Ô Mã Nhi bảo:

– Chiếc ưng thuyền kia có hiệu cờ trắng. Các ông cho pháo bắn ngay vào đấy. Chỗ tên tướng mặc bào vàng ấy.

Các họng pháo của quân Nguyên châu cả vào chiếc ưng thuyền nhả đạn. Quốc Tảng bị hất tung xuống nước, được các tuỳ tướng dìu lên một chiếc thuyền khác. Mấy trăm thuyền của Quốc Tảng trôi dạt về phía sau, xô vào đội thuyền của Trần Quốc Nghiễn, nhiều chiếc tan vỡ bỏ cả hàng ngũ. Phạm Nhan đứng trên lâu thuyền làm phép, trong giây lát mây mù giăng ngang trên sông. Thấp thoáng trong đám sương mù thuyền quân Nguyên có đến hàng nghìn chiếc. Quân Việt không biết chống đỡ đằng nào. Quân Nguyên thừa thế tràn xuống. Nạp Hải, Tôn Lập Đức, Tưởng Long, Tưởng Hổ, Giả Tê, Giả Ngưu xua quân đánh bắt được hàng trăm thuyền Việt. Quốc Nghiễn, Quốc Tảng thu nhặt tàn binh quay về giữ tuyến từ Bình Than đến Vạn Kiếp. Hưng Đạo  vương được tin thất trận, liền cử đội thuyền của Yết Kiêu lên tiếp ứng ở Bình Than.

Ô Mã Nhi, Triệu Tu Kỷ thắng trận lại bắt được mấy trăm thuyền Việt, mừng lắm, liền biên chế lại các đội thuyền, quân thế rất là mạnh mẽ. Ô Mã Nhi nói:

– Quân ta đang thừa thắng, ngày mai nên đánh gấp chiếm lấy Vạn Kiếp, công chúng ta lớn lắm.

Triệu Tu Kỷ nói:

– Quân Nam mới thua nhưng quân thế của chúng còn mạnh lắm. Người Nam lại thạo thuỷ chiến, không lý nào chúng chịu thua dễ dàng thế. Biết đâu đó chỉ là kế khiêu khích làm quân ta sinh kiêu để chúng dễ đánh thì sao.

Nguyễn Bá Linh nói:

– Triệu tướng quân nói rất có lý. Chi bằng ta cứ đóng quân lại chờ thái tử điện hạ và bình chương quân sư đến định liệu. Trong khi chờ đợi, tôi xin cùng Phạm Nhan sang trận quân Nam dò xét quân tình của chúng.

Ô Mã Nhi nghe theo liền cho đóng quân bên kia Lục Đầu giang. Bọn Nghê Nhuận, Tản Đáp Nhi Đải cũng lục đục kéo đến đóng ở trên bờ. Chiều hôm sau đại binh của Thoát Hoan, A Lý Hải Nha rầm rầm kéo đến, doanh trại đóng một dải dài suốt mấy chục dặm, ban ngày tiếng kèn trống vang trời dậy đất, ban đêm đèn đuốc sáng rực cả mặt sông. Thoát Hoan ngồi chĩnh chệ ở giữa tướng doanh, vênh vang đắc thắng. A Lý Hải Nha ở ngay bên cạnh. Các tướng thứ tự xếp hai hàng đợi lệnh. Ô Mã Nhi, Triệu Tu Kỷ trình báo tình hình chiến sự, lại ra sức tô vẽ tài năng của Nguyễn Bá Linh và Phạm Nhan. Thoát Hoan cả mừng, hỏi:

– Hai người ấy đâu rồi?

Triệu Tu Kỷ thưa:

– Hai người ấy vừa đánh trận xong lại xin đi dò la tình hình quân Nam ngay, chắc hôm nay thế nào cũng về.

Triệu Tu Kỷ nói vừa dứt lời, có quân vào báo Nguyễn Bá Linh, Phạm Nhan đã về. Thoát Hoan liền cho gọi vào khen rằng:

– Ta đã nghe Ô Mã bạt đô và Triệu tướng quân nói về công trạng của các ngươi. Nay ta ban khen và thăng cho các ngươi lên hàng á tướng. Các ngươi hãy vì hoàng thượng, vì nước Đại Nguyên mà gắng sức lập công hơn nữa.

Nguyễn Bá Linh, Phạm Nhan lạy tạ, nhận thưởng rồi đứng vào cuối hàng các tướng. A Lý Hải Nha nói:

– Quân ta thế đang mạnh, ngày mai chia hai đường thuỷ bộ đánh vào Vạn Kiếp, quyết bắt sống Trần Quốc Tuấn.

Nguyễn Bá Linh bước ra nói:

– Nếu quân ta dốc toàn lực đánh Vạn Kiếp, nhất định thiệt hại sẽ là vô cùng lớn, e tổn hao nguyên khí đại binh, dù có chiếm được nơi đây sau này tất gặp khó khăn khi phải đối đầu với đạo binh của vua Nam.

A Lý Hải Nha hỏi:

– Vậy ngươi có mưu kế gì chăng?

Nguyễn Bá Linh thưa:

– Tôi cùng Phạm Nhan đã sang trại quân Nam dò xét, thấy lương thảo của chúng phần lớn để ở Lưu thôn. Quân sư chỉ việc cho quân chiếm nơi ấy, quân Nam không cần đánh cũng vỡ. Mất Lưu thôn, Quốc Tuấn chỉ còn cách ra hàng thôi.

Thoát Hoan, A Lý Hải Nha cùng nói:

– Phải! Phải lắm.

Nghê Nhuận, Tản Đáp Nhi Đải bước ra, nói:

– Hai chúng tôi xin đem quân tiên phong đi đánh lấy Lưu thôn.

A Lý Hải Nha nói:

– Quốc Tuấn là người cẩn thận. Không dễ gì lấy được lương thực của hắn. Ta sợ hai ngươi chưa đủ sức đánh nơi ấy.

Nghê Nhuận hăng hái nói:

– Tôi xin lập tờ quân trạng, không chiếm nổi Lưu thôn quyết không trở về.

A Lý Hải Nha thấy Nghê Nhuận quyết chí như vậy mới cho mang hai vạn quân cùng với Tản Đáp Nhi Đải đi đánh Lưu thôn. Tản Đáp Nhi Đải nói:

– Lưu thôn ở bên kia sông, thuyền quân Nam nhiều như lá tre, ta làm sao sang được mà đánh.

Ô Mã Nhi nói:

– Việc ấy không khó. Sớm mai tôi đem năm mươi thuyền ra khiêu chiến, nhử cho chúng đuổi xuống cuối dòng. Triệu tướng quân dùng ba trăm thuyền chở quân sang sông chỉ vài chuyến là hết.

Nghê Nhuận nói:

– Kế ấy thật là kỳ kế vậy.

Nguyễn Bá Linh cười, nói:

– Quân Nam có hàng mấy nghìn thuyền chiến. Chúng chỉ cho một trăm chiếc đánh nhau với tướng quân, còn lại cứ giữ vững thuỷ trại, Triệu tướng quân làm sao mà sang nổi?

Ô Mã Nhi bóp trán suy nghĩ, nói:

– Chẳng lẽ không sang sông được à?

Nguyễn Bá Linh nói:

– Tướng quân cứ thực hiện kế ấy đi. Tôi cùng Phạm Nhan giúp vào một tay là được thôi mà.

–  Ngươi định làm thế nào?

– Tướng quân đi rồi, tôi cùng Phạm Nhan sẽ dùng phiến binh để lừa quân Nam, lại hô mây thổi mù che cho Triệu tướng quân đưa người sang sông. Như thế còn gì phải lo nữa.

Lưu thôn nằm sát bờ sông, Hưng Đạo vương giao cho Hưng Trí vương Trần Quốc Hiện đóng giữ. Từ hôm Ô Mã Nhi đánh xuống Lục Đầu giang, nơi đây được tăng cường thêm quân lính, dân phu, thuyền vận tải sẵn sàng di chuyển khi cần thiết. Phía trước làng có một bãi đất rộng tiếp giáp với cánh rừng thưa. Đội voi chiến của Dã Tượng đóng ở khu rừng ấy. Đám lính làng Cao Duệ mới chuyển về, đóng sát bờ sông, anh nào cũng thấy thích thú vì sắp được đánh giặc. Đoạn sông phía trên là đội thuyền chiến. Hưng Trí vương đóng dinh ở giữa làng.

Lúc bấy giờ mới đầu giờ Mão, trời vẫn còn tối mờ mờ đã thấy quân Nguyên chiêng trống vang lừng thúc quân tiến đánh. Hưng Trí vương gọi các tướng đến, nói:

– Trời còn chưa sáng, giặc đã tiến quân. Đáng ra phải im hơi lặng tiếng mà xông vào thuỷ trại của ta mới đúng. Đằng này chúng lại khua chiêng gióng trống ầm ĩ như báo cho ta biết. Chắc có mưu kế chi đây.

Phùng Tá Thanh nói:

– Để tôi cùng Vương Lục mang binh thuyền ra đánh chúng. Vương công bày trận trên bờ phòng bất trắc.

Hưng Trí vương liền cho Phùng Tá Thanh, Vương Lục mang binh thuyền chặn đánh quân Nguyên, lại dặn:

– Hai ngươi ra đánh nhau với chúng chớ có đuổi xa, hễ thấy trên bờ có lá cờ đỏ, phải quay về tiếp ứng.

Phùng Tá Thanh, Vương Lục đi rồi, Hưng Trí vương cùng với Dã Tượng, Võ Nam bày trận trên bờ đợi giặc.

Phùng Tá Thanh thấy quân Nguyên chỉ có chừng dăm chục chiếc thuyền, mới dàn quân ra vây đánh. Ô Mã Nhi cho thuyền từ từ chạy xuôi dòng. Phùng Tá Thanh thúc quân đuổi theo chừng vài dặm, dừng lại không đuổi nữa nhưng Ô Mã Nhi quay lại đánh nhử. Hai bên giữ nhau nhùng nhằng ở quãng giữa sông. Triệu Tu Kỷ thấy thuyền quân Việt đã đuổi Ô Mã Nhi đi một quãng xa mới hô quân đồng loạt đưa bọn Nghê Nhuận, Tản Đáp Nhi Đải sang sông. Nguyễn Bá Linh, Phạm Nhan trên lâu thuyền làm phép hô mây thổi mù giăng kín mặt sông, lại dùng phiến binh reo hò trợ chiến làm thuỷ trại của quân Việt phải dãn ra. Triệu Tu Kỷ chớp thời cơ cho thuyền vào bến. Vừa cập tới bờ, Nghê Nhuận hô quân tiến lên bãi trống trước Lưu thôn. Tản Đáp Nhi Đải trông coi phía sau. Hưng Trí vương trên đài cao trông thấy hết liền sai quân căng cây cờ đỏ báo cho Phùng Tá Thanh biết còn mình mặc giáp lên ngựa dẫn các tướng ra chặn giặc. Vừa lúc gặp Nghê Nhuận cầm đao đi đầu dẫn quân vào làng. Hưng Trí vương quát:

– Tướng giặc đi đâu?

Nghê Nhuận ngồi ngật ngưỡng trên lưng ngựa, cười lớn, nói:

– Ta đang cần lương thảo nuôi quân, nghe nói chỗ này các ngươi có nhiều,  muốn đến mượn một ít.

Hưng Trí vương nói:

– Thằng này hẳn muốn ăn đòn mới dẫn xác đến đây. Ông nội mày đâu có của thừa mà đem bố thí.

Nói xong vung giáo đánh tới. Nghê Nhuận giơ đao đón đỡ. Hai tướng đánh nhau hơn ba mươi hiệp không phân thắng bại. Nghê Nhuận trước kia được một đạo sĩ truyền cho phép cử thanh hồng phan1 bắt địch thủ, mới giả vờ thua chạy ra bờ sông, chọn nơi gió to dừng lại. Quốc Hiện vừa đuổi tới, Nghê Nhuận  vung tay tung thanh hồng phan lên trời, miệng đọc thần chú:

– úm ba la! Càn khôn nhật nguyệt, địa võng thiên la toả toả kiềm kiềm, binh kiến tướng giun bắt ngay tướng giặc, úm úm.

Hưng Trí vương Quốc Hiện đang đuổi bỗng thấy đất trời chao đảo, trên không tung bay một lá cờ xanh đỏ có vẽ hai quẻ Càn Khôn, từ trong lá cờ ấy toả ra một luồng ánh sáng đỏ ối chiếu xuống đầu mình. Con ngựa của Quốc Hiện sợ hãi lồng lên suýt hất chủ rơi xuống đất. Nghê Nhuận thấy vậy cười váng lên, bảo:

– Ngươi dù có ba đầu sáu tay cũng không thoát nổi.

Không ngờ từ khi còn bé Quốc Hiện đã được Bạch Vân tiên lão ở Yên Tử sơn truyền cho phép này, thấy nguy liền rút trong mình ra một chiếc bạch ngọc quyên tung lên, miệng đọc thần chú:

– úm ba la! Càn khôn vũ trụ, khai khai giải giải, tám hướng phong vân cuốn cờ thu phép, úm úm.

Quốc Hiện vừa đọc xong, từ chiếc vòng ngọc toả ra một luồng ánh sáng trắng đẩy ngược luồng ánh sáng đỏ lên trên. Gió thổi vội vã, mây bay cồn cào, lát sau chiếc bạch ngọc quyên đẩy tấm thanh hồng phan rơi xuống đất. Gió ngừng thổi, mây tản đi. Bầu trời trở lại quang đãng như lúc đầu. Nghê Nhuận thấy Quốc Hiện phá mất bảo bối của mình, hoảng hốt bỏ chạy về trận. Quốc Hiện đuổi theo bén gót. Lúc bấy giờ Phùng Tá Thanh, Vương Lục đã mang quân quay trở lại, đánh lên bờ. Quân Nguyên hoá ra phải chống đỡ cả hai đầu, đang lúc núng thế lại thấy đội tượng binh từ trong rừng thưa đánh ra. Đi đầu là một thớt voi khổng lồ cứ lấy vòi vơ quân Nguyên mà quật chết lia lịa. Nghê Nhuận, Tản Đáp Nhi Đải không giữ nổi thế trận, quân sĩ vỡ chạy lung tung, bị quân Việt xông ra đâm chém, chết không biết bao nhiêu mà kể. Nghê Nhuận bị Trần Quốc Hiện đuổi kịp đâm cho một giáo xuyên từ lưng sang ngực, lăn xuống ngựa, oằn người lên mà chết. Tản Đáp Nhi Đải đem mấy trăm quân chạy ra bờ sông, may có thuyền của Ô Mã Nhi cố sống cố chết đánh vào cứu được đưa sang bờ bên kia. Hai vạn quân Nguyên chết gần hết, chỉ còn lại mấy trăm trốn về được. Phía bên này, Hưng Trí vương cũng cho đánh chiêng thu quân.

Anh lính làng Cao Duệ Nguyễn Văn Hương sau khi giết được hai lính Thát, bị một mũi giáo đâm qua ngực máu chảy ướt đẵm áo chiến, tràn xuống đất. Phạm Quang ôm bạn trong lòng. Văn Hương nhìn Phạm Quang, thều thào dặn:

– Đánh giặc xong về đừng có phá tổ chích choè, để cho nó hót.

Phạm Quang gật gật đầu. Những giọt nước mắt của chàng liên tiếp rơi xuống khuôn mặt nhợt nhạt của Văn Hương. Chàng chiến binh làng Cao Duệ từ từ nhắm mắt. Mưa xuân bắt đầu rơi xuống, nhưng từng cơn gió lạnh vẫn quất ngang mặt sông. Đám cỏ gà héo úa vì giá rét đã đâm ra vô số chồi non, cố vươn lên như muốn thách thức cùng mưa gió. Những vệt nước đọng thành giọt nơi chót lá liên tiếp rớt xuống như muôn vàn giọt lệ tuôn rơi. Không biết bao nhiêu vệt máu của những chàng trai đất Việt thấm xuống đất sâu. Không ai để ý trong những bụi tầm xuân bên bến nước đã thấp thoáng nhú ra vài ba chiếc nụ be bé xinh xinh như niềm an ủi cho nỗi đau thương đang ngập tràn mặt đất.

Hưng Trí vương về đến đại doanh, các vương hầu, tướng lĩnh đã họp mặt đông đủ. Trần Hưng Đạo nhìn mọi người một lượt như để kiểm xem còn thiếu ai không, lát sau ông chậm rãi nói:

– Thoát Hoan đã dẫn đại quân đến đây. Như vậy là chúng muốn quyết đấu với ta một trận mất còn. Các ngươi hãy nhớ, ta vẫn duy trì phương lược dụng đoản chế trường, vì thế chưa thể tung hết lực lượng để quyết đấu với chúng. Thoát Hoan đã biết được nơi ta cất giữ lương thảo, đó là điều bất lợi cho ta. Ngay chiều nay các thuyền chở lương, các xe vận tải phải chuyển hết lương thảo, quân cụ theo tuyến Bàng Hà về Yên Sinh. Việc này ta giao cho Hưng Nhượng vương. Giặc Nguyên cậy đông quân lại có thần lôi trọng pháo vì thế ta cần dùng phục binh tiếp cận sát mặt với chúng mà đánh. Hưng Vũ vương chọn lấy hai trăm thuyền nhỏ, mỗi thuyền chở mười tay đao, dùng lau sậy ngụy trang phục ở tả doanh. Hưng Trí vương cũng chọn hai trăm thuyền như thế phục ở hữu doanh. Đợi quân giặc đến gần, nhảy cả sang thuyền của chúng mà đánh. Đội thuyền của Yết Kiêu thấy giặc đến, ra nghênh chiến rồi nhử cho chúng đuổi tới nơi ta mai phục, đồng loạt áp vào. Ai phá được một họng pháo, đặc cách phong lên hai cấp. Dã Tượng, Nguyễn Địa Lô cùng các tướng khác giữ nguyên trận của mình trên bờ, cho đánh trống hò reo làm thanh thế.

Hưng Vũ vương nói:

– Cái mạnh của thuỷ binh giặc là ở trọng pháo mà quân ta chưa quen với tiếng nổ lớn, nếu phá trước được chúng, không còn gì phải lo nữa.

Yết Kiêu nói:

– Tôi xin đi ngầm sang đục những thuyền ấy, dìm chúng xuống sông là xong.

Hưng Đạo vương nói:

– Việc không đơn giản như vậy. Thần lôi trọng pháo là bảo bối thứ hai của quân Nguyên, sau kỵ binh. Tất nhiên chúng phải canh giữ rất cẩn thận. Hơn nữa trời lại rét. Ngươi tuy có tài sông nước nhưng không dễ gì đến gần được.

Yết Kiêu nói:

– Trời rét tôi không sợ. Ngày nào tôi không bơi lặn. Đại vương cứ cho đi, không đánh đắm được thuyền giặc tôi xin nhận quân luật.

Thấy Yết Kiêu khẩn khoản mãi, Hưng Đạo vương mới cho đi, lại dặn:

– Ngươi đục được thuyền giặc rồi, mau quay về, chớ ham quá mà nhỡ việc của ngày mai.

Tản Đáp Nhi Đải, Ô Mã Nhi về đến đại doanh, vào báo việc thua trận. Thoát Hoan được tin Nghê Nhuận chết, thương xót khôn cùng, nói:

– Nghê Nhuận là một tướng văn võ toàn tài, không mấy người được như vậy. Nay lâm trận tử vong, thật đáng thương xót lắm. Ngày mai ta cử đại binh đánh vào Vạn Kiếp, quyết bắt bọn người Nam phải trả món nợ này.

Triệu Tu Kỷ nói:

– Ta với quân Nam đối mặt cách sông. Lúc tác chiến chủ yếu dùng thuyền. Thuỷ binh của quân Nam tinh luyện mà thuỷ binh của ta mới được tuyển tập. Nhiều người chưa biết chèo lái thế nào. Nếu không chuẩn bị kỹ e khó thắng.

Ô Mã Nhi gạt đi mà rằng:

– Quân Nam tuy thiện chiến thật nhưng nhát như cáy, vừa nghe pháo nổ đã rúm cả lại còn đánh đấm gì. Ngày mai ta cứ đưa pháo thuyền lên trước, bắn phủ đầu cho chúng một trận. Khi đội hình chúng rối loạn, thuyền của ta nhất loạt tiến lên mà đánh, sợ gì chúng không tan.

Tản Đáp Nhi Đải nói:

– Ô Mã tướng quân nói rất đúng. Pháo binh bắn xong, tôi xin dẫn xung thuyền vào trước.

Khoan Triệt nói:

– Pháo binh đánh thuỷ khác với khi công thành, muốn bắn thật trúng phải có tiêu mới bắn được. Ngày mai nên làm như lần trước, cho Nguyễn Bá Linh đi cắm tiêu, còn Phạm Nhan hô mây thổi mù tạo thêm phiến binh đánh trống phất cờ để gây thanh thế.

Thấy A Lý Hải Nha không nói gì, Thoát Hoan hỏi:

– Chủ kiến của quân sư thế nào?

A Lý Hải Nha nói:

– Các tướng đều có lòng đánh giặc thế là rất đáng khích lệ nhưng tôi còn e một điều…

A Lý Hải Nha đang nói, chợt có quân vào báo hai thuyền chở pháo tự nhiên bị chìm. Các tướng liền vội vã đến xem, quả nhiên hai cỗ pháo lớn nhất đã chìm nghỉm dưới sông, bọt bong bóng còn nổi lên ùng ục như kẻ chết đuối.

A Lý Hải Nha quát:

– Lính canh đâu? Chúng mày làm gì mà thuyền chìm cũng không biết?

á tướng vệ binh là Tư Đạc Dã Liệt run lập bập thưa:

– Trình thái tử điện hạ cùng bình chương quân sư! Không hiểu vì sao mà thuyền chìm rất nhanh. Chúng tôi chưa kịp trở tay, nước đã vào đầy…

Tư Đạc Dã Liệt còn chưa nói hết câu, một thuyền nữa cứ từ từ lặn xuống ngay trước mắt cả nguyên soái lẫn quân sư và các tướng lĩnh. Thoát Hoan qúat ầm lên:

– Các ngươi phải làm thế nào đi chứ, đứng giương mắt ếch ra mà nhìn với nhau để pháo chìm hết à?

Nguyễn Bá Linh nói:

– Tôi thường nghe nói người Nam có tài lặn dưới nước đến đục thuyền của đối phương. Ta nên dùng lưới thả xuống mà vây bắt.

Ô Mã Nhi nói:

– Nhưng biết nó đục thuyền nào mà vây.

Nguyễn Bá Linh nói:

– Điều đó thật quá dễ. Cứ nằm áp tai xuống sạp thuyền, nếu chúng đục tất nghe thấy tiếng.

Ô Mã Nhi liền làm theo cách ấy, quả nhiên thấy một thuyền nữa đang có tiếng lục cục, liền hô lính thả lưới xuống. Yết Kiêu đang đục ở phía dưới, ngậm ống dẫn hơi để thở, bỗng thấy ống dẫn hơi chìm xuống, nước ộc vào miệng không thở được, đành phải ngoi lên, thế là nằm gọn ngay trong lưới, bị quân Nguyên kéo lên thuyền bắt trói lại.

A Lý Hải Nha hỏi:

– Ta nghe nói trong quân các ngươi có Yết Kiêu đi được ngầm ở dưới nước để đục thuyền, có phải là ngươi không.

Yết Kiêu nói:

– Yết Kiêu hôm nay đi vắng. Tôi chỉ là học trò của ông ấy thôi. Bắt Yết Kiêu đâu có dễ thế này.

Thoát Hoan hỏi:

– Ngươi đã bị bắt, nếu biết điều quy thuận thiên triều, ta tha chết cho. Ngươi có ưng lòng không.

– Tôi chỉ là một tên lính tầm thường. Thái tử điện hạ tha chết cho còn gì bằng mà không quy thuận.

– Vậy ngươi hãy huấn luyện cho ta một đội binh ngầm, ta sẽ phong chức tước cho.

– Điện hạ cứ chọn cho mười người lính trẻ khoẻ, tôi chỉ bày cho trong hai ngày là đi được ở dưới nước như đi trên bờ.

Thoát Hoan liền chọn mười người lính đến rồi hô cửi trói cho Yết Kiêu. Yết Kiêu bảo mười lính Nguyên bỏ gươm giáo, cửi hết áo quần để tập bơi, nói:

– Các ngươi trông đây. Muốn đi ngầm được ở dưới đáy sâu trước hết phải bơi cho giỏi đã. Trông đây nhá.

Yết Kiêu nói xong, nhảy òm xuống nước lặn đi mất. Bọn Thoát Hoan, A Lý Hải Nha cùng các tướng khi ấy mới hiểu ra mọi chuyện. A Lý Hải Nha bực tức, nói:

– Bọn người Nam chẳng có tín nghĩa gì cả, chỉ chuyên đánh lừa. Tên này đúng là Yết Kiêu đấy. Ngày mai quyết phải bắt nó mới được.

Ô Mã Nhi chua chát nói:

– Ta có mười hai cỗ pháo, chỉ một lúc đã mất liền ba cỗ lớn nhất. Cái thằng ông mãnh Yết Kiêu này thật là báo hại ta quá.

Khoan Triệt nói:

– Quân Nam dùng cách đục thuyền, ta không thể cho pháo thuyền lên trước. Chín cỗ pháo còn lại nên chia làm ba đội đi lẫn trong các thuyền khác mới bảo toàn được.

A Lý Hải Nha nói:

– Lời của Khoan Triệt rất đúng.

Lập tức chia pháo thuyền làm ba đội cho đi lẫn với các thuyền khác. Canh năm hôm sau (09 tháng Giêng năm ất Dậu – 14/02/1285), A Lý Hải Nha ra lệnh tấn công. Ô Mã Nhi, Triệu Tu Kỷ chỉ huy đội thuyền tiên phong xông lên trước, Khoan Triệt, Mãng Cổ Đài chỉ huy chín chiếc pháo thuyền đi lẫn trong đó. Thuyền quân Nguyên vừa rời bến được vài dặm thì từ phía hạ lưu nghe tiếng reo hò của quân Việt. Hàng trăm chiếc én thuyền lướt như bay trên mặt sông lao về phía quân Nguyên. Trên chiếc én thuyền đi đầu có một dũng sĩ đóng khố, chỉ mặc mỗi tấm giáp hộ tâm, cánh tay để trần chắc như đúc bằng đồng, cầm cây đinh ba mũi sắt to bự. Ô Mã Nhi trông thấy người ấy, bảo:

– Tên kia chính là kẻ lúc đêm đục thuyền của chúng ta. Tên nó là thuỷ quái Yết Kiêu. Mau bắt lấy.

Thuyền quân Nguyên ồ ạt xông lên. Yết Kiêu quay thuyền xuôi dòng chạy. Ô Mã Nhi hô quân đuổi gấp. Yết Kiêu cho thuyền bơi vào giữa hai bãi lau. Thuyền quân Nguyên cũng cứ thế lao vào. Bỗng đâu nổi lên một hồi tù và rồi trống mõ cùng đồng thanh khua lên. Hai bên tả hữu thuyền của Hưng Vũ vương, Hưng Trí vương xông ra nhiều như lá tre. Ô Mã Nhi vội giục Khoan Triệt, Mãng Cổ Đài bắn pháo nhưng gần quá pháo không thể bắn được. Quân Việt reo hò nhảy sang thuyền quân Nguyên đâm chém tơi bời. Ô Mã Nhi thấy thế nguy liền cho quân quay thuyền chạy về, hóa ra các pháo thuyền khi tiến đi gần phía đầu mà khi lui lại tụt ở phía sau. Quân Việt ùa cả tới, Mãng Cổ Đài, Khoan Triệt không sao chống nổi phải bỏ pháo, nhảy sang thuyền con chạy trốn. Chín cỗ pháo bị quân Việt cướp mất năm. Bốn cỗ còn lại cắm đầu cắm cổ bơi theo thuyền quân chạy trốn. Quân Việt có pháo trong tay nhưng không biết bắn thế nào, hóa ra cũng chẳng được ích lợi gì. Trần Quốc Nghiễn, Trần Quốc Hiện, Yết Kiêu kéo gần một nghìn binh thuyền đuổi quân Nguyên đến hơn hai mươi dặm. Nguyễn Bá Linh, Phạm Nhan đứng trên lâu thuyền làm phép hô mây thổi mù để ngăn quân Việt. Quốc Nghiễn trông thấy giương cung bắn một phát trúng ngay vai trái Nguyễn Bá Linh. Bá Linh lộn từ lầu thuyền xuống nước, bị Yết Kiêu nhẩy xuống bắt được lôi lên thuyền quân Việt. Quân Nguyên cứ ngược sông Lục Nam mà chạy. Ô Mã Nhi nghĩ chắc phen này chết mười mươi. Khi vừa qua ngã ba Xương giang, thấy phía sau quân Việt rối loạn. Một đoàn thuyền chiến quân Nguyên đánh tạt ngang vào hậu đội của Trần Quốc Hiện. Ô Mã Nhi liền hô quân cho thuyền quay lại cùng đánh. Quân Việt không chống nổi hai đầu, vội cho thuyền xuôi dòng chạy. Ô Mã Nhi, Triệu Tu Kỷ, Mãng Cổ Đài, Khoan Triệt, Tản Đáp Nhi Đải cùng đuổi đánh, bắt được vô số thuyền Việt. Khi đến gần đoàn thuyền quân Nguyên kia, hoá ra là Bột La Hợp Đáp Nhi cùng A Thâm đã tới, mới hợp binh đuổi đánh quân Việt. Thuyền của Hưng Vũ vương, Hưng Trí vương, Yết Kiêu chạy tan nát cả. Các cỗ pháo cướp được của quân Nguyên phải đem dìm hết xuống sông. Ô Mã Nhi đuổi đến Lục Đầu giang, đổ quân đánh lên núi Phả Lại, gặp ngay đội voi chiến của Dã Tượng xông ra đánh. Tiếng voi gầm rống làm lính Nguyên sợ hãi chạy mê man, dẵm đạp lên nhau chết hại không biết bao nhiêu mà kể, lại bị quân của Nguyễn Địa Lô phục trong cánh rừng thưa bắn tên nỏ như mưa. Ô Mã Nhi không thể tiến lên được đành lui xuống thuyền quay về bờ bên kia, vào tướng doanh thuật lại mọi việc với Thoát Hoan và A Lý Hải Nha, còn nói:

– Hôm nay nếu không có tướng quân Bột La Hợp Đáp Nhi cùng tướng quân A Thâm ứng cứu, giờ này chắc chúng tôi thành quỉ không đầu cả mất rồi. Xin thái tử điên hạ cùng bình chương quân sư ghi công cho hai người ấy.

A Lý Hải Nha cười lớn, nói:

– Bột La Hợp Đáp Nhi cùng A Thâm cứu được các ngươi chính là cứu được toàn quân đấy, công này lớn lắm. Quan giám binh hãy ghi lại.

A Lý Hải Nha ngoài miệng tuy nói vậy nhưng trong lòng lại nghĩ: “Hai cái thằng khỉ này tưởng chết cha chúng nó ở ải Lão Thử rồi, thế mà vác được xác về đây, thật là trời cứu chúng. Còn là lắm chuyện nộn ruột với cái thằng Bột La Hợp Đáp Nhi thổ tả này đây”.

Lúc trước Bột La Hợp Đáp Nhi, A Thâm xuôi theo sông Thương đánh xuống thành Xương Giang, thấy thành này không có người giữ mới cho quân vào cướp phá, bắt được người dân nào chưa kịp chạy trốn đều đem giết hết, người già trẻ nhỏ cũng chẳng được tha. Lúc đến ngã ba sông thấy có đánh nhau, A Thâm bảo:

– Quân ta đang bị quân Nam đuổi, tôi với ông nên giúp quan bình chương một tay chặn quân Nam lại.

Bột La Hợp Đáp Nhi nói:

– Mẹ cái thằng quân sư đểu này hay vênh mặt dậy đời. Cứ để quân Nam nó đuổi cho vãi đái ra quần một trận.

Lát sau nhìn kĩ không thấy cờ hiệu của A Lý Hải Nha mà là cờ hiệu của Ô Mã Nhi. Bột La Hợp Đáp Nhi mới thúc quân bất ngờ đánh vào phía sau thuyền quân Việt. Bây giờ thấy A Lý Hải Nha nói vậy, Bột La Hợp Đáp Nhi ra ngoài nói với A Thâm:

– Thằng cha quân sư này nghĩ được như thế cũng chưa đến nỗi nào.

A Thâm nói:

– Đừng vội tưởng bở. Mồm thơn thớt, dạ ớt ngâm đấy. Cứ đợi mà xem.

Hai người còn đang nói chuyện, A Lý Hải Nha cho gọi vào, nói:

– Các ngươi chỉnh đốn lại quân sĩ, sáng mai vây chặt Vạn Kiếp không cho Trần Quốc Tuấn chạy thoát. Đội thuyền của Ô Mã Nhi, Triệu Tu Kỷ, Mãng Cổ Đài, Bột La Hợp Đáp Nhi, A Thâm canh năm chuyển quân sang sông. Ta cùng thái tử điện hạ sẽ sang tiếp ứng.

Bột La Hợp Đáp Nhi nói:

– Như thế muộn mất. Tôi chắc đêm nay Quốc Tuấn sẽ chạy khỏi Vạn Kiếp.

A Lý Hải Nha nói:

– Hắn có chạy lên giời cũng chẳng thoát khỏi tay ta.

Bột La Hợp Đáp Nhi vùng vằng, nói:

– Đang đánh thắng phải thừa thế xông lên áp đảo, lại dừng nghỉ chỉ còn nước nhặt dép cho chúng không xong.

– Ta đã tính kĩ rồi. Trời tối đến nơi, cố đánh sang nhỡ có phục binh, chống thế nào? Vả lại quân Nam hay đánh bất ngờ, chưa chừng đêm nay chúng cướp trại của ta cũng nên. Sao ngươi cứ nói bừa mãi? Hay muốn làm phản?

A Lý Hải Nha nói xong, liền hô quân bắt trói Bột La Hợp Đáp Nhi lại. Các tướng đều cúi đầu xin tha cho. A Lý Hải Nha nghĩ bụng: “ Được! Ông tha cho mày nhưng bắt phải đi tiên phong để quân Nam nó bắn chết cha mày đi”, liền nói:

– Nể lời các tướng! Ta tha cho ngươi nhưng sớm mai phải mang quân đi tiên phong, lập công chuộc tội.

Bột La Hợp Đáp Nhi lui ra, hậm hực lắm. A Thâm nói:

– Tôi đã bảo ông mà! Thằng cha này đểu hết chỗ nói. Dây vào nó là lôi thôi to. Tốt nhất ta cứ tạm chấp hành mệnh lệnh để nó không có cớ hại mình rồi sau sẽ tính.

– Được! Thế nào cũng có ngày tôi tính sổ với nó. Chỉ tức cái mình nói đúng nó lại không nghe. Sáng mai mới sang vây thì cái củ lẳng của Quốc Tuấn cũng chẳng còn cho mà đánh.

Canh năm hôm sau Bột La Hợp Đáp Nhi cùng A Thâm và bọn Ô Mã Nhi lên thuyền sang sông nhưng không thấy thuyền quân Việt ra chống cự. A Lý Hải Nha đi sau đốc chiến, nhìn lên thành Vạn Kiếp cờ quạt vẫn nghiêm chỉnh mà chẳng có người lính nào. Khoan Triệt cười lớn, nói:

– Người ta cứ nói thuỷ binh quân Nam thiện chiến, thế mà mới được vài trận đã chẳng còn gì. Chúng rút cả vào thành thế kia khác chi chui đầu vào rọ.

Ô Mã Nhi liền đổ quân lên bờ vây thành nhưng cả bốn cổng thành đều mở. Quân Nguyên nghi hoặc không dám vào thành ngay, bảo nhau lùi cả lại. Tản Đáp Nhi Đải nói:

– Tôi đồ là Bột La Hợp Đáp Nhi nói đúng. Quân Nam đã trốn hết rồi nên chỉ làm kế không thành1 để lừa chúng ta đây thôi.

A Lý Hải Nha nói:

– Quân Nam dùng binh vô cùng biến trá không biết thế nào mà lường. Chớ nên khinh tiến.

á tướng Tư Đạc Dã Liệt nói:

– Tôi xin đem một đội kị binh vào trước xem thực tình quân Nam thế nào.

A Lý Hải Nha dặn:

– Ngươi mang quân vào phải hết sức thận trọng kẻo mắc lừa quân giặc.

Tư Đạc Dã Liệt  vâng lệnh mang một trăm lính kị xông ngay vào cửa thành, vừa qua khỏi cổng bỗng nghe đánh rầm, không biết tên nỏ ở đâu bắn ra tua tủa. Tư Đạc Dã Liệt trúng hơn mười mũi tên, lăn xuống ngựa chết. Một trăm kỵ sĩ bị thương quá nửa, vội mang xác Tư Đạc Dã Liệt chạy ra báo với A Lý Hải Nha. A Thâm nói:

– Tên bắn nhiều như thế sao không thấy một tên quân Nam nào?

Bột La Hợp Đáp Nhi nói đay A Lý Hải Nha :

– Người Nam biết làm máy tự bắn tên từ thời Thục Phán. Trần Quốc Tuấn đã rút quân đi từ lâu rồi. Bây giờ quân sư chỉ có cho người vào dọn rác cho quân Nam là được.

A Lý Hải Nha cáu tiết, nói:

– Ngươi bảo trong thành không có quân Nam, liệu ngươi có dám vào thành bây giờ không?

Bột La Hợp Đáp Nhi hăng hái nói:

– Tôi chỉ cần mười người lính cùng đi.

Nói xong chọn mười người lính khoẻ mạnh cầm hai mươi tấm mộc che tên, đi thẳng vào cổng thành. Lúc sau A Lý Hải Nha thấy Bột La Hợp Đáp Nhi trèo lên tường thành gọi ra:

– Trần Quốc Tuấn đi thật rồi, quân sư đừng có sợ, cứ tự nhiên cho quân vào mà dọn dẹp.

A Lý Hải Nha vừa tức vì không biết Trần Quốc Tuấn đem quân đi đâu, vừa căm Bột La Hợp Đáp Nhi chế giễu mình nhưng không biết làm sao mới lệnh cho Tản Đáp Nhi Đải đưa tiền quân tiến vào thành. Lát sau Thoát Hoan tới nơi, A Lý Hải Nha trình rằng:

– Nay quân Nam đã thua chạy, ta nên cấp tốc truy đuổi để sớm đến được Đại La bắt vua tôi nhà Trần.

Thoát Hoan khi ấy vừa mới sai lính đi bắt được mấy cô gái trẻ quanh vùng đến hầu hạ nên chẳng thiết gì chuyện trận mạc, liền bảo A Lý Hải Nha:

– Con gái An Nam xinh đẹp thế này chả trách người Nam cứ nói mình là con cháu tiên rồng. Quân sư đã nắm toàn quyền chỉ huy, thấy thế nào đúng cứ làm. Với đà này chẳng mấy chốc ta chiếm được Đại La.

A Lý Hải Nha muốn trị Bột La Hợp Đáp Nhi mới truyền lệnh cho các tướng:

– Ô Mã Nhi đem binh thuyền theo sông Thiên Đức tiến về Đại La. Bộ binh do Bột La Hợp Đáp Nhi thống lãnh đi đường Bắc Giang, vượt qua sông Thiên Đức đến bến Bồ Đề hạ trại.

Bột La Hợp Đáp Nhi nhận lệnh đem quân đi ngay. A Thâm thấy vậy bảo:

– Quân sư bắt chúng ta đi đường này là muốn giết chúng ta một lần nữa đấy.

– Tôi muốn đi cho nó khuất mắt. Sống chết mệnh tại trời, còn hơn phải ở đấy nhìn thấy mặt cái thằng đạo đức giả ấy.

Bột La Hợp Đáp Nhi nói xong giục quân cứ thẳng đường tiến lên. Bấy giờ Minh Hiến vương Trần Uất trấn giữ ở Bắc Giang nhưng đã được lệnh tạm rút nên bọn Bột La Hợp Đáp Nhi , A Thâm không phải giao chiến trận nào, chỉ việc cho quân vào cướp phá các làng ở hai bên đường.

Đội binh thuyền của Ô Mã Nhi vừa đi được vài dặm đến gần bến Bình Than thấy xa xa có một đoàn thuyền quân Việt hàng nghìn chiếc từ phía sông Thiên Đức rẽ nước đi lên. Ô Mã Nhi vội truyền lệnh cho các tướng đem thuyền dàn thành thế trận sẵn sàng nghênh chiến.

Thật là:

Cứ ngỡ một hai thành công quả

Ai ngờ còn gặp lắm gian truân.

Trận đại thuỷ chiến này còn được ghi lại trong chính sử. Mời bạn đọc theo dõi tiếp chương sau xem trận đánh diễn ra thế nào.

 

1 Sách Việt Nam sử lược (VNsl) của Trần Trọng Kim chép rằng Nguyễn Bá Linh và Phạm Nhan chỉ là một người.

2 Phiến binh: Quân làm bằng giấy. Thực ra phép này chỉ là một trò ảo thuật.

1 Thanh hồng phan: Cờ xanh đỏ. Đây là một miếng đánh rất cổ, thực chất là dùng tấm vải hoặc tấm lưới tung lên cho chụp vào đầu địch thủ mà đánh.

1 Kế không thành: Là bỏ ngỏ thành để lừa quân giặc. Thời Xuân Thu tướng nước Trịnh là Thúc Thiêm dùng kế này lừa được tướng nước Sở là công tử Nguyên. Ba trăm năm sau tướng nước Tề là Tôn Tẫn lừađược tướng nước Ngụy là Bàng Quyên ở Thành Cao nước Hàn. Đến thời Tam Quốc thừa tướng Thục Hán là Gia Cát Lượng lại một lần nữa dùng kế này lừa được đô đốc nước Nguỵ là Tư Mã ý.

Đ.T

 

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder