Đât Việt trời Nam- tiểu thuyết lịch sử của Đan Thành – chương 31

Đan Thành

Bảo Nghĩa hầu chặn giặc ở bãi Mạn Trù

Chiêu Văn vương rút quân khỏi miền Quy Hoá…

Đan Thành

Bảo Nghĩa hầu chặn giặc ở bãi Mạn Trù

Chiêu Văn vương rút quân khỏi miền Quy Hoá

Trên kia đang nói Đỗ Khắc Chung vừa ra khỏi doanh trại quân Nguyên, Ô Mã Nhi cho bốn tướng Giả Tê, Giả Ngưu, Tưởng Long, Tưởng Hổ mang binh thuyền đuổi theo quyết giết bằng được.

Lúc bấy giờ Chiêu Minh vương Trần Quang Khải nói với hai vua Trần:

– Đỗ Khắc Chung có tài ứng biến, chắc trong khi nghị sự không xảy ra việc gì. Chỉ sợ lúc ra về, Ô Mã Nhi nghĩ lại, cho quân đuổi theo, tính mạng khó toàn. Xin hoàng thượng cho người đi đón.

Thượng hoàng liền cử con trai là Tá Thiên vương Trần Đức Việp cùng với Bảo Nghiã hầu Trần Bình Trọng, Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản, Văn Nghĩa hầu Trần Tú Hoãn mang một trăm binh thuyền đi đón Đỗ Khắc Chung. Trần Quốc Toản hăng hái đi tiên phong, trời đã tang tảng sáng, nhìn thấy thuyền Đỗ Khắc Chung bị quân Nguyên đuổi gấp, liền cho quân đưa về phía sau còn mình tay mộc tay giáo hô quân chèo thẳng vào đám thuyền giặc. Phía bên kia, Giả Tê đi đầu. Khi hai thuyền vừa sát nhau, Quốc Toản nhảy sang thuyền quân Nguyên, đâm một nhát. Giả Tê không kịp đỡ, chết lăn xuống sông. Bọn lính Nguyên trên chiếc thuyền ấy sợ quá cũng nhảy ùm cả xuống nước. Một trăm thuyền quân Việt vây đánh hai mươi thuyền quân Nguyên. Tên bay như trấu vãi trên mặt sông. Giả Ngưu, Tưởng Long, Tưởng Hổ biết không thể chống nổi, liền chạy về. Thuyền quân Nguyên bị bắt, bị đắm quá nửa. Bọn lính nguyên rơi xuống sông định bơi vào bờ đều bị quân Việt giết sạch. Đỗ Khắc Chung về tâu với vua Trần tình hình quân của Ô Mã Nhi. Các tướng đều xin xuất binh đi đánh. Chiêu Minh vương Trần Quang Khải nói:

– Việc không xong rồi. Thần chắc đại quân của giặc đã đến.

Nhà vua cùng các tướng chưa hiểu ra sao đã có thám binh về báo Thoát Hoan, A Lý Hải Nha kéo đại binh đến bến Bồ Đề. Nhà vua hỏi:

– Vì sao Chiêu Minh biết đại binh của giặc đã đến?

Trần Quang Khải tâu:

– Thần Nghĩ rằng Phạm Ngũ Lão đánh mạnh ở phía sau lưng giặc, đại binh của chúng sao còn dám dừng lại ở Vạn Kiếp nữa.

Trần Quốc Toản, Trần Bình Trọng, Trần Đức Việp đều nói:

– Nhân khi chúng vừa đến chưa kịp chỉnh đốn, ta đánh sang chắc thắng.

Nhà vua liền cho Trung Thành vương, Tá Thiên vương, Văn Túc vương, Bảo Nghĩa hầu, Hoài Văn hầu, Văn Nghĩa hầu mang ba trăm thuyền chiến tiến đánh. Tá Thiên vương, Hoài Văn hầu cho pháo thuyền bắn không biết bao nhiêu đạn đá vào thuỷ trại Ô Mã Nhi, làm lính Nguyên chết hại rất nhiều. Quân Việt reo hò thách đánh1. Quân Nguyên không dám tiếp chiến. Ô Mã Nhi lệnh cho Triệu Tu Kỷ, Trương Hiển mang thuỷ binh tránh về sông Thiên Đức. Các tướng Việt đuổi theo đánh rát một trận rồi quay về giữ ở Đông Bộ Đầu.

Chiêu Minh vương Trần Quang Khải tâu với nhà vua rằng:

– Hoàng  thượng  nên  cử  sứ sang gặp Thoát Hoan nói điều phải trái để y rút quân về.

Vua Trần nghe theo, ngay chiều hôm ấy cho sứ thần là quan phụng ngự Nguyễn Diệu Duệ sang bờ Bắc gặp Thoát Hoan trình thư. Thoát Hoan họp các tướng, mở thư đọc, có đoạn như sau:

… Năm Trung Thống thứ hai thiên tử có ban chiếu rằng: “ Lệnh riêng cho quân không được vào nước ngươi”. Thế mà nay  lấy cớ Chiêm Thành phản phúc, phái đại quân đến nước ta, tàn hại trăm họ. Đó là việc làm sai lầm của thái tử chứ nước ta có lỗi gì. Thái tử không nên làm trái với chiếu trước, hãy rút ngay đại quân về…

A Lý Hải Nha nói:

– Vua Nam trách thái tử không làm theo chiếu trước, thái tử cũng nên viết thư trách vuaNam không tuân thánh chỉ giúp quân lương để đánh Chiêm Thành, lại còn cho quân cự chiến.

Thoát Hoan nghe theo, sai lý vấn quan Khúc Liệt thảo thư, giao cho Nguyễn Diệu Duệ mang về. Nguyễn Diệu Duệ vừa ra khỏi doanh thì A Thâm nói:

– Nay nhân khi vua Nam xem thư còn đang nghĩ cách biện bạch, tất trễ nải việc phòng bị. Ta nên bất ngờ tấn công, nhất định chúng phải vỡ.

Thoát Hoan quay hỏi A Lý Hải Nha:

– Ý quân sư thế nào?

A Lý Hải Nha nói:

– Lời tướng quân A Thâm rất có lý.

Thoát Hoan liền gọi Lý Hằng, Ô Mã Nhi, Triệu Tu Kỷ, Tản Đáp Nhi Đải, Phàn Tiếp, Trương Hiển sáu tướng mang tòan bộ thuyền bè cùng bốn cỗ trọng pháo lập tức tấn công. Lại gọi Khoan Triệt, Mãng Cổ Đài, Bột La Hợp Đáp Nhi, A Thâm, Lưu Thế Anh, Tôn Hựu sáu tướng mang bộ binh và kị binh dọc theo bờ sông kéo xuống làm thanh thế.

Lúc bấy giờ trời đã về chiều, Nguyễn Diệu Duệ về đến quân doanh đưa trình thư. Nhà vua mở đọc, thấy toàn những lời lẽ cũ mòn, nào là yêu sách, nào là trách cứ điều này điều nọ. Chiêu Minh vương Trần Quang Khải nói:

– Chúng mang quân đánh ta ngay đấy.

Quả nhiên lát sau có quân của Tá Thiên vương Trần Đức Việp về tâu rằng giặc Nguyên cho quân hai đường thuỷ bộ đánh tới. Thượng hoàng lập tức truyền chỉ cho Tá Thiên vương Trần Đức Việp, Văn Túc vương Trần Đạo Tái, Trung Thành vương, Bảo Nghĩa hầu Trần Bình Trọng, Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản, Văn Nghĩa hầu Trần Tú Hoãn mang đại đội thuỷ quân chặn binh thuyền giặc, lại cho Chiêu Minh vương Trần Quang Khải, Nhân Đức vương, Chiêu Quốc vương Trần ích Tắc, Văn Chiêu hầu Trần Lộng đón đánh bộ binh quân Nguyên. Trần Quang Xưởng, Nguyễn Chế Nghĩa, Tô Bảo Chương, Trần Đình Tốn sẵn sàng đợi lệnh. Còn các vị vương hầu khác giữ nguyên thuỷ trại của mình. Các đạo binh sắp kéo đi, chợt có biểu thư của Hưng Đạo vương từ Hải Đông gửi về. Thượng hoàng cùng nhà vua mở xem, trong đó có đoạn nói:

Nay đã đóng chặt cửa biên quan, bọn Thoát Hoan, A Lý Hải Nha  chẳng khác chi con thú trong cũi, con cá trong chậu. Càng kéo dài ngày tháng thì chúng càng khốn đốn. Vả lại nếu quyết đấu với chúng một trận thì khác nào bẻ đũa cả nắm khó mà thắng. Hoàng thượng hãy tạm lui binh về giữ Giao Hải1,  Thiên Trường. Khi ấy Thoát Hoan nhất định phải chia quân ra lập đồn trại chống giữ, ta nhân cơ đánh, khác chi tách đũa từng cái mà bẻ, chẳng mấy chốc quân giặc phải tan tành. Điều cốt yếu là không cho Toa Đô hợp binh được với  Thoát Hoan. Xin hoàng thượng cho Chiêu Minh vương vào cùng với Nhân Hụê vương, Tĩnh Quốc vương giữ miền Hoan, Ái…

Thượng hoàng cùng nhà vua đọc thư xong liền truyền lệnh lui binh. Ngay trong đêm ấy. Chiêu Minh vương Trần Quang Khải nói:

– Nay ta để quân giặc vào kinh thành, hoá ra Chiêu Văn vương rơi vào thế lưỡng đầu thọ địch rất bất lợi. Xin hoàng thượng xuống chỉ gọi Chiêu Văn về Thiên Trường.

Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc muốn hại Trần Nhật Duật, nói:

– Chiêu Văn ở Tuyên Quang, chắc ở trên ấy gọi giặc sang rồi2.

Quang Khải nói:

– Không thể thế được! Chiêu văn mà có lòng nào thì giặc ở Đại Lý đã sang ta lâu rồi. Hoàng thượng nên xuống chiếu gọi về ngay.

Trần Nhân tông nghe lời Quang Khải, liền hạ chiếu, sai người theo mật tuyến cấp tốc đưa lên cho Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật.

A Lý Hải Nha kéo đại binh sang sông, thấy trên bờ, dưới nước đều im như tờ. Lý vấn quan là Tháp Hải Tán Lý nói:

– Quân Nam đã chạy hết rồi, thái tử nên cho quân tiến vào Đại La, lấy đó làm chỗ căn bản lâu dài, lo gì không bình được đất An Nam này.

Lý Hằng nói:

– Không nên. Thống tướng Cốt Đãi Ngột Lang xưa cũng vào Thăng Long nhưng đâu có lâu dài được. Tôi chỉ e đây là mẹo của Trần Quang Khải thôi. Ta kéo đại binh vào thành mà bị quân Nam vây, chẳng khốn lắm ư?

A Lý Hải Nha nghe theo liền cho lính lập thuỷ trại ở Đông Bộ Đầu, đóng quân lại qua đêm rồi cho quân vào thành do thám. Sáng hôm sau (14 tháng giêng năm ất Dậu – 19-2-1285), quân do thám về báo trong thành không có quân canh giữ. A Lý Hải Nha liền cho Tản Đáp Nhi Đải, Phàn Tiếp đem một vạn quân vào thành còn tất cả vẫn đóng ở ngoài. Đến chiều Phàn Tiếp quay lại trình rằng:

– Quân ta vào thành lục soát mọi nơi nhưng cung thất tận không[1], không kiếm được tí gì. Dân chúng đi hết chẳng còn một ai. Khắp các ngõ nghách không một tiếng mèo kêu chó cắn. Còn đây là những văn thư vua Nam để lại.

Phàn Tiếp nói xong gọi lính đưa vào một cái bọc lớn. A Lý Hải Nha giở ra, bên trong toàn làchiếu sắc, điệp văn của trung thư bị xé bỏ1. Thoát Hoan giận dữ thét.

– A! Thế này ra vua nước Nam khinh nhờn triều đình ta quá lắm.

A Lý Hải Nha giở tiếp ra, còn có một số giấy tờ do các biên tướng Nam Bắc báo tin tức quan quân và tình hình cự địch1 Thoát Hoan nói:

– Người An Nam quả là ghê gớm. Thế này hoá ra nhất cử nhất động của quân ta không lọt ra ngoài tầm mắt của chúng.

Phàn Tiếp nói:

– Không phải chỉ có thế. Vua Nam còn viết lời hiệu triệu bách gia vi binh, toàn dân địch chiến.

Thoát Hoan gầm lên:

– Vua tôi các ngươi muốn địch chiến thì ta cho địch chiến.

Nói xong lệnh cho ba quân vào cả trong thành. A Lý Hải Nha can rằng:

– Chữ Đại La nghĩa là cái lưới rộng, thật là điềm chẳng lành. Ta đem quân vào đấy khác chi chui đầu vào lưới cả. Thống tướng Cốt Đãi Ngột Lang khi xưa phải thua cũng là vì lẽ ấy. Vả lại nay Thăng Long, Đại La chỉ còn là ngôi thành trống, lương không có để nuôi quân, dân không có để phục dịch, khó tiến đánh mà dễ bị vây. Chi bằng ta mang quân trở lại bờ Bắc đóng trại là hơn.

Thoát Hoan nghe theo lời ấy mới lập tức truyền lệnh cho quân sĩ về hết bờ Bắc Lô giang cắm trại cả trên bờ lẫn dưới nước. Doanh trại kéo dài mấy chục dặm dọc theo bờ sông. A Lý Hải Nha phái thám binh đi dò la tình hình quân Việt. Mấy ngày sau các đội thám binh về báo thành Thăng Long vẫn bỏ không, vua Đại Việt đã mang binh thuyền xuống phía Đà mạc. Thoát Hoan hội các tướng, nói:

– Quân Nam đã sợ hãi, bỏ cả thành đô, chạy xuống hạ lưu. Ta nên dốc lực đánh xuống mà bắt lấy, đại cuộc mới có thể ngã ngũ được.

A Lý Hải Nha nói:

– Quân Nam chỉ cậy có nhiều binh thuyền. Ta chia hai đường thuỷ bộ tiến xuống, kẹp chúng vào giữa khác chi lùa cá vào lưới.

Bột La Hợp Đáp Nhi nói:

– Việc này nói dễ nhưng làm chẳng thuận chút nào. Giả như ta tiến xuống mà quân Nam lui nữa, kéo dài ngày tháng, quân sư tính sao?

A Lý Hải Nha nói:

– Chúng lui nữa ta tiến nữa, lập các đồn trại đánh lâu dài với chúng chẳng lẽ không được ư.

Bột La Hợp Đáp Nhi cười mỉa mai, nói:

– Quân sư tính chi mà khéo quá vậy. Quân tập trung đông mà chúng còn dám tiến đánh huống chi lại lập các đồn trại lẻ chẳng phải làm mồi cho chúng sao. Vả lại quân Nam có ý sợ thật tất chúng phải rút đi xa, đằng này chúng cứ vờ vĩnh muốn nhử ta theo chúng. Đấy há chẳng phải là có ý muốn kéo căng, dàn mỏng lực lượng của ta ra hay sao. Cứ như ý tôi nếu ta đuổi là mắc mưu chúng đấy.

A Lý Hải Nha bực mình nói:

– Giặc chạy không đuổi, ngồi chơi xơi nước chờ nó mang đầu đến nộp à?

Bột La Hợp Đáp Nhi giơ tay chặn lại, định nói tiếp. A Thâm kéo áo, ý bảo nhịn đi nhưng Bột La Hợp Đáp Nhi cứ nói, giọng rất mỉa mai:

– Cái kế đánh lâu dài của quân sư mới thật hay! Tôn Tử nói rằng: “Quân đội đánh lâu ở bên ngoài thì vật dụng trong nước không đủ cung cấp. Chiến tranh lâu dài mà có lợi cho quốc gia là điều không hề có xưa nay1”. Quân ta mấy chục vạn, miệng ăn núi lở, đường lương thực bị cắt. Quân sư định cho ba quân uống nước sông trừ bữa mà đánh lâu dài à?

A Lý Hải Nha tức đầy ruột nhưng không bác được lý lẽ của Bột La Hợp Đáp Nhi, quát:

– Ta chỉ huy ngươi hay ngươi chỉ huy ta. Ngươi không muốn đánh, ngồi đấy mà xem ta đánh.

Bột La Hợp Đáp Nhi định vặc lại nhưng Thoát Hoan ngăn bảo:

– Thôi! Các ngươi không được cãi nhau nữa. Cứ để quân sư điều binh đuổi vua Nam xem chúng chống đỡ thế nào rồi liệu sau.

Bột La Hợp Đáp Nhi không còn giữ được bình tĩnh nữa nên cố nói:

– Chúng có chạy đâu mà đòi đuổi. Chẳng qua là chúng nhử ta thôi…

Thoát Hoan thấy không nói được, quát:

– Giỏi cho Bột La Hợp Đáp Nhi, cãi cả ta nữa ư? ở nơi trận tiền mà bất tuân thượng lệnh. Võ sĩ đâu! Lôi ra chém.

A Lý Hải Nha sướng quá, giấu mặt đi cười mỉm. Chúng tướng vì thấy lời Bột La Hợp Đáp Nhi có lý nên đều quì xuống xin tha cho. Thoát Hoan nói:

– Nể lời các tướng, ta tha chết cho ngươi nhưng phải chịu phạt bốn mươi trượng. Quân đâu! lôi ra ngoài đánh.

Bột La Hợp Đáp Nhi trận ấy bị đánh đến ngất đi. A Thâm thương bạn mang về trại chăm sóc đến khi tỉnh lại, nói:

– Khổ lắm! Tôi đã bảo ông rồi. Cái thằng quân sư ấy là đứa đại ngu mà lại hống hách, dây vào nó là mệt lắm. Thế mà ông chẳng nghe tôi.

Bột La Hợp Đáp Nhi thều thào nói:

– Khổ lắm A Thâm à! Mình dẫu bị đòn, bị chém cũng chẳng sao, chỉ thương cho mấy chục vạn binh lính thế nào rồi cũng bị cái thằng quân sư đểu này nó nướng hết cho mà xem.

Ngày hôm sau (18 thánggiêng năm ất Dậu – 23/2/1285) A Lý Hải Nha gọi Mãng Cổ Đài đến dặn việc riêng rồi lệnh cho Hữu thừa Khoan Triệt, vạn hộ Mãng Cổ Đài và vạn hộ Bột La Hợp Đáp Nhi rằng:

– Ba ngươi mang năm vạn quân theo đường bộ xuống thẳng Đà mạc. Qua làng xóm nào đốt phá cho sạch, chớ để người Nam còn nơi trú ngụ.

Bột La Hợp Đáp Nhi nói:

– Hôm qua tôi vừa bị đánh, vết thương chưa khỏi, không thể lên ngựa được.

A Lý Hải Nha bảo:

– Thái tử đánh nhà ngươi chứ ta có đánh đâu. Ta chỉ biết điều binh thôi. Ngươi có đi không thì bảo?

Khoan Triệt ghé sát vào tai Bột La Hợp Đáp Nhi, nói:

– Gắng mà đi đi, ra khỏi doanh hẵng hay, chớ có nhiều lời.

Bột La Hợp Đáp Nhi cố chịu đau, lên ngựa theo quân đi. A Lý Hải Nha gọi Lý Hằng, Ô Mã Nhi, Trương Hiển đến, nói:

– Ba ngươi hãy mang năm trăm thuyền chiến, bốn cỗ trọng pháo đánh xuống thuỷ trại của quân Nam.

Ba tướng nhận lệnh đi ngay. A Lý Hải Nha lại gọi Tản Đáp Nhi Đải, Lưu Thế Anh, Minh Lý Tích Ban, dặn:

– Mỗi ngươi mang một vạn quân đi tầm lục tất cả các làng xóm trong vòng năm mươi dặm. Phàm cái gì ăn được lấy hết. Đàn ông đứa nào theo, cho theo. Đàn bà xinh đẹp, đem về trại. Người già, trẻ nhỏ giết cho bằng sạch. Nhà cửa, đình chùa, lều quán đốt hết, chớ để lại tí gì.

Lưu Thế Anh nói:

– Ta không nên giết người vô tội để tỏ cái ân đức của thiên triều.

A Lý Hải Nha lắc đầu kêu:

– Áy à! Ân đức cái con mẹ gì! Bọn học giả người Hán lúc nào cũng giơ cái gọi là ân đức rởm ra để loè thiên hạ, chứ thực ra quân lính Trung Nguyên đi đánh các nước cũng có tha gì ai. Như quân ta đánh từ Đông sang Tây, Từ Bắc xuống Nam chẳng thèm nói đến ân đức bao giờ mà có quốc gia nào không quy phục, thành trì nào không tan vỡ.

Bọn Lưu Thế Anh không nói sao được nữa, đành mang quân đi.

Thượng hoàng Trần Thánh tông cùng vua Trần Nhân tông đóng quân ở phía dưới Đà mạc, chợt có thám thuyền về báo quân Nguyên theo hai đường thuỷ bộ kéo tới. Chiêu Minh vương Trần Quang Khải tâu rằng:

– Theo kế sách của Hưng Đạo vương, ta nên rút quân về Hải Thị rồi phòng thủ ở đó đợi giặc đến mà đánh.

Nhà vua nói:

– Thuyền quân ta rất nhiều, không thể rút hết ngay một lúc được. Các thuyền chở lương thảo giao cho Văn Nghĩa hầu Trần Lộng đi trước. Chiêu Quốc vương Trần ích Tắc mang thuyền thân quyến hoàng tộc đi thứ hai. Các tướng lĩnh, quân đội rút sau cùng. Muốn chuyến đi được trót lọt, cần một người ở lại chặn quân giặc.

Nhà vua vừa nói xong, Cương Thiết tiên đồng Bảo Nghĩa hầu Trần Bình Trọng bước ra tâu rằng:

– Thần tuy bất tài nhưng xin lĩnh việc ấy.

– Nhà ngươi nhận lĩnh việc ấy, trẫm hoàn toàn yên lòng nhưng phải hết sức thận trọng mới được.

Nhà vua nói xong, ban cho Trần Bình Trọng năm mươi thuyền chiến cùng ba nghìn quân thuỷ bộ ở lại lập tuyến tại Đà mạc rồi kéo quân đi. Trần Bình Trọng ở lại, gọi Nguyễn Trình, Phạm Sĩ Viêm, Trương Xích Hoa, Lê Ương đến, nói:

– Hôm nay ta vì nước, vì vua mà quyết sống chết với giặc ở đây. Các ngươi đều là thân tín của ta đã lâu, ai không muốn ở lại, ta cho đi, ai dám ở lại thì hãy cùng ta liều thân đánh giặc.

Cả bốn tướng đều nói:

– Chúng tôi xin ở lại với quân hầu, quyết tử chiến đền ơn nước.

Trần Bình Trọng nói:

– Nguyễn Trình, Lê Ương hai ngươi luyện tập thuỷ binh đã lâu, hãy chọn nơi ven sông có lau lách cắm nhiều cờ hiệu để nghi binh. Khi giặc đến, cho thuyền ra đánh, lái thuyền bơi ngoằn ngoèo nhử chúng đuổi càng lâu càng tốt.

Nguyễn Trình, Lê Ương nhận lệnh đi ngay. Trần Bình Trọng lại dặn Trương Xích Hoa, Phạm Sĩ Viêm:

– Bên Tả ngạn chỉ có một đường đi xuống, hai bên lau mọc lút đầu, phía trên có một đầm lầy toàn một loài sậy rất rậm rạp, là nơi khi xưa Triệu Việt vương đánh quân nhà Lương1 mà dựng nghiệp. Hai ngươi mang quân phục ở đấy,  khi  nào  ta nhử  quân  Nguyên vào, các ngươi cho quân nhất tề phóng hoả rồi đánh ra.

Phạm Sĩ Viêm, Trương Xích Hoa liền cho quân mang các đồ dẫn hoả lên phục ở bãi sậy. Trần Bình Trọng dẫn năm trăm quân đến bãi Tự Nhiên đợi quân Nguyên đến.

Bên quân Nguyên, cánh quân đi đường thủy tiến xuống không gặp trở ngại gì, chỉ có cánh đi đường bộ vất vả. Bắt đầu là việc Bột La Hợp Đáp Nhi vì bị đòn, đau đớn quá nên không thể ngồi trên lưng ngựa được, vừa đi khỏi doanh trại được vài dặm, ngã nhào xuống đất. Mãng Cổ Đài nói:

– Vừa ra quân, đại tướng đã ngã ngựa, thật là điềm chẳng lành. Ta chỉ nên đi ba mươi dặm rồi đóng trại lại ngày mai đi tiếp.

Khoan Triệt không biết Mãng Cổ Đài đã nhận kế hại Bột La Hợp Đáp Nhi của A Lý Hải Nha, tưởng thật nghe theo, kéo quân đi hơn ba mươi dặm đóng trại lại nghỉ. Sáng hôm sau (19 tháng giêng năm ất Dậu – 24-2-1285), Mãng Cổ Đài lại nói:

– Bột La Hợp Đáp Nhi đau đớn thế này, có gặp giặc cũng không đánh nhau được. Chi bằng Hữu thừa cử người ở lại trại trông coi.

Khoan Triệt cũng nghe theo, để Bột La Hợp Đáp Nhi ở lại trại, cử người chăm sóc, rồi mang quân đi. Trời tháng giêng nhưng không có mưa mà nắng hanh. Gió thổi hiu hiu làm lay động những khóm lau ở hai bên đường. Khoan Triệt dẫn quân đến một quãng đường hẹp, bỗng thấy một tướng Việt cưỡi ngựa kim sa, cầm cây giáo tam lăng đứng chặn ngang đường quát:

– Có ta là Trần Bình Trọng đợi ở đây. Tướng giặc sao chẳng xuống hàng.

Tiếng quát như sấm động, khiến quân Nguyên chồn cả lại. Khoan Triệt sau một giây định thần, nói:

– Ta là Hữu thừa đại tướng quân Khoan Triệt. Nhà ngươi tài đảm được bao nhiêu mà dám mang sức kiến càng ra ngăn hổ dữ. Mau tránh đường cho ta đi còn được toàn mạng, bằng không chớ trách tướng thiên triều không có lượng bao dung.

Bình Trọng nói:

– Các ngươi quen thói bắt nạt lân bang, ỷ sức hùm sói mà mà coi thường bốn cõi. Nhưng đất Đại Việt ta đâu phải là nơi các ngươi dễ làm gió làm mưa. Biết điều quân tướng bảo nhau quay về nước còn có cơ trông thấy mẹ cha, nhựơc bằng cậy thế làm càn khó tránh khỏi bỏ thây nơi đất lạ.

Khoan Triệt múa cây thiết kích, định xông ra đánh.

– Hữu thừa cứ để nó đấy cho tôi.

Thuộc tướng cực khoẻ là Tư Đạc Hoa Lang nói xong, vung cây chuỳ tật lê xông lên, đánh nhau chưa được ba hiệp, bị Trần Bình Trọng đâm một giáo vào yết hầu, rơi xuống ngựa, chết. Một thuộc tướng khác là Hứa Phụng hoa đao tiếp chiến nhưng cũng không đương nổi, phải chạy về. Trần Bình Trọng cười lớn, nói:

– Quân Nguyên các ngươi có tên nào kha khá ra đánh với ta chứ toàn những tuồng chuột chết như thế chẳng bõ bèn gì.

Khoan Triệt múa thiết kích tiến ra, nói:

– Được! Để đích thân ta bắt sống ngươi.

Bình Trọng vung ngọn thương đánh tới. Hai bên đánh nhau được mười hiệp, Bình Trọng vờ thua, bỏ chạy. Khoan Triệt thúc quân đuổi theo nhưng càng đi càng thấy lau sậy um tùm. Mãng Cổ Đài nói:

– Hữu thừa không nên đuổi nữa. Nơi này chính là thế đất thiên la, sợ có phục binh, quân ta khó mà chống nổi.

Khoan Triệt nói:

– Nếu đặt phục binh chúng phải chạy ngay từ đầu chứ đâu lại đánh nhau mãi mới chịu chạy. Cứ đuổi đi.

Hai tướng lại thúc quân đánh dấn lên chừng năm dặm, bỗng thấy một tiếng pháo nổ rồi tên nỏ hai bên bắn ra như mưa. Quân Nguyên trúng tên kêu la inh ỏi. Khoan Triệt vội cho quân lùi lại thì phía sau lửa đã cháy lên rần rật. Mãng Cổ Đài nói:

– Bây giờ chỉ còn cách cố mà đánh lên thôi, quay lại sẽ thành thịt nướng hết.

Hai tướng lại cố thúc quân đánh tới nhưng phía trước lửa cũng cháy ầm ầm. Năm vạn quân Nguyên ngập trong biển lửa. Binh lính chết cháy vô khối, bốc mùi khét lẹt. Những con ngựa chiến sợ hãi, bứt cương chạy tứ tung, hí lên thảm thiết. Khoan Triệt, Mãng Cổ Đài tưởng chắc chết phen này. May thay có một cánh quân Nguyên từ dưới sông đánh lên, dập tắt một đám cháy lấy đường cho bọn Khoan Triệt, Mãng Cổ Đài chạy ra bãi sông. Thì ra Lý Hằng, Ô Mã Nhi đem thuỷ quân đến gần Đà mạc, thấy hai bên sông tinh kỳ phấp phới, phía hạ lưu có thuyền quân Việt tuần tiễu rất nghiêm chỉnh, sợ có phục binh, không dám tiến đánh ngay, phải lùi lại cho quân đi do thám, thấy trên bờ có đánh nhau nên mới đổ lên tham chiến. Khoan Triệt, Mãng Cổ Đài kiểm điểm quân lính, mất gần một vạn nhân mã. Lát sau quân do thám về báo:

– Quân của vua Nam đã đi hết từ đêm qua rồi. Các bãi lau ven sông chỉ có cắm cờ nghi binh chứ tuyệt nhiên không thấy quân lính. ở đây quá lắm cũng chỉ có đến năm nghìn quânNam là cùng. Tướng chỉ huy của chúng là Trần Bình Trọng.

Lý Hằng nói:

– Nếu quả như vậy ta chia quân thuỷ bộ đều làm ba đội thay nhau đánh liên tục theo chiến thuật bánh xe lăn, Trần Bình Trọng chịu được mấy lúc.

Quân Nguyên lập tức theo kế ấy. Thuỷ quân Giả Ngưu đội một, Trương Hiển đội hai, Ô Mã Nhi đội ba cùng chịu sự chỉ huy của Lý Hằng, lần lượt thay nhau vây đánh đội thuyền của Nguyễn Trình , Lê Ương. Bộ binh Hứa Phụng đội  một, Thẩm Quỳnh đội hai, Mãng Cổ Đài đội ba cùng chịu sự chỉ huy của Khoan Triệt lần lượt vây đánh quân Việt ở trên bờ.

Trần Bình Trọng thấy quân nguyên đã ra khỏi vòng vây lửa, liền cho một nghìn cây nỏ phục trong bãi lau, còn mình cùng với Phạm Sĩ Viêm, Trương Xích Hoa mang năm trăm quân chắn ngang đường. Lúc sau Hứa Phụng đem năm nghìn quân xông lên đánh tràn vào. Năm trăm quân Việt không thể chặn nổi liền rút về phía bãi lau. Quân Nguyên reo hò đuổi bắt. Một nghìn tay nỏ quân Việt đồng loạt bắn ra. Quân Nguyên chết hại vô số phải chùn lại. Khoan Triệt cho đội hai của Thẩm Quỳnh lên thay. Hai bên đánh nhau dữ dội đến tận giờ Mùi. Khoan Triệt lại cho đội ba của Mãng Cổ Đài lên đánh. Trần Bình Trọng đánh nhau từ sáng đến bấy giờ chưa được nghỉ, vừa đói vừa mệt, nhìn trước nhìn sau chỉ còn hơn trăm sĩ tốt. Phạm Sĩ Viêm đã tử thương. Trương Xích Hoa nói:

– Bây giờ không thể giữ ở trên bờ được nữa, quân hầu mau xuống thuyền giữ đường thuỷ thì hơn.

Trần Bình Trọng nghe theo dẫn quân chạy ra bờ sông. Thuyền quân Việt chỉ còn mươi cái đang bị thuyền quân Nguyên vây đánh. Lê Ương ở dưới trông thấy Trần Bình Trọng, vội ghé thuyền vào đón. Bình Trọng hỏi:

– Nguyễn Trình đâu?

Lê Ương thưa:

– Nguyễn Trình trúng tên tử thương rồi. Quân Nguyên đông quá. Hầu tướng hãy xuôi dòng về Hải Thị để tôi cản giặc cho.

Trần Bình Trọng nói:

– Ta đã được nhà vua giao cho nơi này, dẫu sống chết cũng phải ở đây, bỏ đi sao được.

Lúc ấy quân Nguyên đến vây kín cả. Bình Trọng bỏ giáo, vớ lấy thanh đoản đao, nhảy một bước sang thuyền quân Nguyên chém chết Tưởng Long. Tưởng Hổ, Trương Hiển, Ô Mã Nhi ba tướng nguyên xúm lại đánh, bắt được Trần Bình Trọng. Trương Xích Hoa bị tên cắm đầy mình, lăn xuống nước chết. Lê Ương chạy thoát về Hải Thị báo tin cho nhà vua biết. Nhà vua  đau xót, nói:

– Bình Trọng bị giặc bắt khác nào ta bị chặt cánh tay.

Chiêu Quốc vương Trần ích Tắc nói:

– Hay ta nên giảng hoà để cứu lấy Bảo Nghĩa hầu.

Chiêu Minh vương Trần Quang Khải nói:

– Lời bàn ấy thật là tối tăm. Không giảng hoà chỉ mất Bảo Nghĩa hầu, giảng hòa mất luôn cả nước. Hoàng thượng chớ có nghe.

Nhà vua nghe theo Trần Quang Khải, không giảng hoà nhưng cử thám binh đi nghe ngóng tin tức Trần Bình Trọng. Thần xạ Nguyễn Chế Nghĩa nói:

– Bảo Nghĩa hầu đã bị bắt, sớm muộn quân giặc cũng kéo xuống đây. Xin hoàng thượng cho phòng bị trước.

Nhà vua nghe theo, cho Chiêu Đạo vương Trần Quang Xưởng, Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản, Nguyễn Chế Nghĩa, Trần Dương đem ba vạn binh lính lấy gỗ đóng xuống lòng sông làm rào ngăn không cho thuyền quân Nguyên đánh xuống. Hai bên bờ tả, hữu ngạn đều đắp luỹ cao, canh phòng nghiêm mật.

Lý Hằng, Khoan Triệt bắt được Trần Bình Trọng liền giao cho Trương Hiển, Tưởng Hổ cùng một nghìn thuỷ binh giải về đại doanh ở bến Bồ Đề. Thoát Hoan giận dữ nói:

– Hắn thiêu sống của ta hàng vạn binh lính, giết luôn đi chứ để làm gì.

A Lý Hải Nha nói:

– Xin thái tử nguôi giận. Giữa chiến trường hai bên giết nhau là lẽ thường tình. Tôi nghe nói đất Giao Chỉ có nhiều tuấn kiệt mà Trần Bình Trọng là một tướng hiếm có trên đời. Nếu dụ được hắn theo về với ta, có phải được thêm một Lý Hằng ở đất An Nam này không. Cái giá một vài vạn binh mã đổi một người như thế còn rẻ chán.

Thoát Hoan nghe ra liền cho dọn tiệc rượu rồi gọi lính đưa Trần Bình Trọng vào, tự tay cởi trói, nói:

– Ta nghe tiếng quân hầu đã lâu, nay mới được hạnh ngộ. Bọn người dưới không biết, trót vô lễ. Xin quân hầu miễn chấp.

Trần Bình Trọng cười khẩy, nói:

– Thái tử thật là tử tế có thừa. Ta đã bị bắt, các ngươi muốn chém giết thế nào tuỳ ý, sao còn giở trò ra làm gì vậy.

Thoát Hoan vẫn gượng cười, nói:

– Ta có lòng yêu mến tướng quân từ lâu. Xin mời ngồi để cùng cạn chén. Nếu tướng quân bỏ chỗ tối mà về chỗ sáng, làm tướng thiên triều, tước vương cũng chẳng khó gì. Chẳng hay hầu tướng có ưng lòng chăng?

Trần Bình Trọng quát lên rằng:

– Ta thà làm quỷ nước Nam chứ đâu có thèm làm vương đất Bắc. Ta bị bắt chỉ có một chết mà thôi.

Thoát Hoan thấy không thể lung lạc được Trần Bình Trọng mới thét võ sĩ đem ra chém, sai tham nghị Phàn Tiếp giám hình. Khi ra đến pháp trường, Trần Bình Trọng không cho bịt mắt, cứ nhìn trừng trừng làm tên đao phủ không dám hạ thủ. Trống đã điểm đến lần thứ ba mà không kẻ nào dám xuống tay. Trần Bình Trọng thấy vậy, quát:

– Chỉ có chém thôi cũng không dám à. Các ngươi sợ ta ư?

Tiếng quát vang như tiếng sét làm tên đao phủ rủn cả gối, quị xuống. Tham nghị Phàn Tiếp giật mình, đánh rơi cây thiết kích đến choeng một nhát xuống nền gạch. Mãi gần một canh giờ sau mới có tên thủ đao được tống rượu thật say dám hành quyết.  Năm ấy Trần Bình Trọng mới hai mươi bảy tuổi. Nghe tin ông chết, từ dân đến quan quân ai ai cũng thương tiếc. Cho đến nhiều thế kỷ sau có người còn làm bài thơ rằng:

Giỏi thay Trần Bình Trọng

Dòng dõi Lê Đại Hành

Đánh giặc dư tài mạnh

Thờ vua tỏ tiết trinh

– Bắc vương sống mà nhục

Quỷ Nam thác cũng vinh

Cứng cỏi lời trung liệt

Nghìn thu tỏ tài danh.

Lại có những gánh hát dựng vở hát rằng:

– Trần Bình Trọng anh hùng ngàn thu trước, đem tấm thân bảy thước gánh sơn hà. Bắt được ta chớ nói nhiều lời. Ta thà làm quỷ nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc…

Thám binh về báo tin Trần Bình Trọng đã chết với nhà vua. Trần Nhân tông khóc ngất đi mấy lần, khi tỉnh lại liền truy phong cho Trần Bình Trọng là Bảo Nghiã vương. Các tướng sĩ ai nghe tin Trần Bình Trọng bị giặc giết hại cũng không cầm được nước mắt.

Lý Hằng, Ô Mã Nhi, Khoan Triệt kéo quân xuống Hải Thị thấy binh thuyền Đại Việt nhiều không biết bao nhiêu mà kể, lại có phòng bị chắc chắn nên không dám khinh tiến, liền ngược lên mười dặm lập thuỷ trại. Đêm ấy vua Trần cho Trung Thành vương, Chiêu Đạo vương, Hoài Văn hầu, Trung Hiến hầu, Văn Chiêu hầu tiến đánh. Hoài Văn hầu tuy còn trẻ tuổi nhưng xông pha đi trước, lao vào thuỷ trại giặc. Quân Nguyên không chống nổi năm đạo quân Việt. Lý Hằng, Ô Mã Nhi vội vã cho quân chạy thẳng một mạch về Bồ Đề gặp Thoát Hoan. Quân Việt đuổi đánh hơn hai mươi dặm rồi cũng rút về Hải Thị.

Xin trở lại nói chuyện Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật chống nhau với Nạp Tốc Lạt Đinh đến qua tết Nguyên đán. Tới lúc nhận được tin Hưng Đạo vương đã bỏ Vạn Kiếp mang quân về Hải Đông, mưu sĩ Trần Đạo Chiêu nói:

– Nay trời mưa xuân, quân sĩ đóng lâu trong rừng, nhiều người sinh ra bệnh tật, mọi tin tức với triều đinh đều rất khó khăn chậm trễ, việc tiếp vận quân lương làm cho dân phu thật là cực nhọc. Thảng hoặc quân Nguyên đánh xuống chặn mất đường tiếp lương của ta thì nguy lắm. Chi bằng vương công mang quân về lập tuyến phòng thủ ở Bạch Hạc, tiến thoái thuỷ bộ đôi đường đều thuận tiện không lo gì nữa.

Trần Nhật Duật nghe theo. Đạo Chiêu lại nói:

– Quân ta tự nhiên rút đi ắt thế nào Nạp Tốc Lạt Đinh cũng đuổi theo. Vương công nên cho lương thảo cùng những quân già yếu đi trước, phía sau phải đặt phục binh, giả như ta không rút mà chỉ lừa để đánh chúng.

Nhật Duật liền gọi Trương Tích đến, nói:

– Ngươi đem tất cả quân già yếu, cùng lương thảo đi trước về ngã ba Bạch Hạc cắm trại. Phải cử người dò xem tin tức kinh thành thế nào.

Phó Tường nói:

– Nay đã chủ đặt tuyến phòng thủ ở Bạch Hạc, vương công nên về trước. Việc chặn giặc chỉ cần giao cho một tướng là đủ.

Trần Đạo Chiêu nói:

– Phó Tường bàn rất đúng. Tôi chỉ xin ba nghìn quân cùng với Tiết Hùng, Dương Lâm ở lại chặn giặc.

– Tiên sinh cứ đi trước, chỉ cần Dương Lâm, Tiết Hùng ở lại là được rồi.

Trần Nhật Duật nói xong liền giao cho Tiết Hùng, Dương Lâm ba nghìn quân, dặn:

– Cờ quạt giữ nguyên, không được nhổ đi. Lấy ba trăm quân, cứ đến bữa cho đốt tất cả các bếp, giả như quân lính nấu cơm. Phía dưới ải Lê Hoa cách mười lăm dặm có một hẻm núi gọi là khe Quần Xà, Dương Lâm mang hai nghìn quân về đấy, lấy gỗ đá trữ sẵn, khi nào quân Nguyên đuổi đến, lăn xuống mà đánh.

Lại gọi Tiết Hùng, bảo:

– Ta chống nhau với quân Nguyên ở đây đã lâu nên chúng nhận được mặt. Ngươi có hình dạng hơi giống với ta, hãy thay y phục giả như ta để lừa giặc. Bên Tả ải này là một ngọn đồi cây cối lúp xúp, ở giữa có một mỏm đá cao hẳn lên cách xa cũng nhìn thấy được. Ngươi đem năm trăm quân lên đấy, còn một nửa cho sang quả đồi bên Hữu, quân Nguyên đuổi theo quân ta, cứ để cho chúng đuổi, khi nào chúng chạy về, cho quân hai bên reo hò, gõ chiêng trống doạ cho một trận chứ không cần đánh. Bản thân ngươi phải cầm cây cờ lên mỏm đá kia mà phất, làm như ra hiệu lệnh cho quân tiến đánh.

Tiết Hùng nhận lệnh mang quân đi phục. Trần Nhật Duật cùng quân lính từ từ xuôi đường mà rút.

Bên quân Nguyên, Nạp Tốc Lạt Đinh thấy lâu lâu quân Việt không động tĩnh gì mới cho thám binh đêm sang dò la. Sáng hôm sau thám binh về báo quân Việt đã rút hết rồi. Trên núi chỉ cắm cờ không. Nạp Tốc Lạt Đinh nói:

– Đây hẳn là Trần Nhật Duật nghe tin thái tử thắng lớn ở Vạn Kiếp nên khiếp hãi rút chạy.

Lập tức cho Đoàn Vi Đề đem một vạn quân truy đuổi. Nguỵ Lôi nói:

– Trần Nhật Duật dùng binh lắm đường biến trá. Biết đâu đây chỉ là mẹo lừa quân ta thì sao?

Nạp Tốc Lạt Đinh bảo:

– Ôi giời ôi! Bây giờ chúng đang chạy rơi cả dép mo, còn nghĩ đâu ra kế mà lừa.

Nói xong giục Đoàn Vi Đề đi ngay. Còn mình cùng các tướng cho quân nhổ trại, tức tốc lên đường. Đoàn Vi Đề đi trước đến khe Quần Xà, thấy hai bên dốc đá cao vút, thấp thoáng phía trước có bóng quân Việt đang mê mải chạy, liền thúc quân xông vào khe núi. Bỗng nghe một tiếng pháo nổ rồi gỗ đá ở trên lăn xuống không biết bao nhiêu mà kể. Quân nguyên sợ hãi dẵm đạp lên nhau chạy quay lại, chết hại rất nhiều. Quân Việt lại reo hò đuổi đánh, bắn tên thuốc độc như mưa. Đoàn Vi Đề múa tít thanh đại đao gạt đỡ nhưng không xuể, trên mình bị găm mười mấy mũi tên, chết ngay tại trận. Quân Nguyên mất chủ tướng, hùa nhau chạy về, xô cả vào đội quân đi sau làm đội ngũ rối loạn, đã thế lại được tin Đoàn Vi Đề tử trận càng sợ hãi chùn cả lại. Nạp Tốc Lạt Đinh khi ấy đi chưa xa, liền lệnh cho quân sĩ quay về ải Lê Hoa nhưng vừa đến nơi, một hồi tù và nổi lên rồi hai bên đôì chiêng trống vang rền. Quân Việt hò reo như thác tràn núi đổ. Quân Nguyên nhìn lên ngọn đồi bên Tả thấy Trần Nhật Duật đang phất cờ điều quân tiến đánh. Nạp Tốc Lạt Đinh hoảng quá, bảo:

– Bỏ mẹ! Bị quân Nam nó lừa thật rồi. A Tất Hoạt đâu! Thu quân về mau.

Quân Nguyên nghe lệnh ấy, mạnh ai nấy chạy, dẵm đạp lên nhau chết hại đầy đường. Nạp Tốc Lạt Đinh, A Tất Hoạt, Gia Luật Tế Sơn cùng các tướng chạy về đến trại cũ mới biết chắc sống, chỉnh đốn lại quân mã rồi cử thám binh sang dò xét quân Việt. Đến đêm thám binh về báo:

– Quân Nam đã rút hết rồi. Người ở trên quả đồi bên tả ải Lê Hoa không phải Trần Nhật Duật mà là Tiết Hùng đóng giả. Quân Nam chỉ có mấy nghìn người ở lại nghi binh thế thôi.

Nạp Tốc Lạt Đinh đấm vào ngực, nói:

– Thế này thật tức chết! Trần Nhật Duật lừa ta như lừa một đứa trẻ vậy.

Sáng sớm hôm sau Nạp Tốc Lạt Đinh lệnh cho các tướng tiếp tục đuổi theo quân Việt nhưng Tiết Hùng, Dương Lâm đã mang quân đi xa rồi.

Trần Nhật Duật về đến Bạch Hạc lập tuyến phòng thủ, đúng đêm rằm tháng giêng (20-2-1285) dẫn các tướng ra bờ sông nhìn lên vầng trăng, cùng nhau cắt tóc thề trước thần linh, đem hết lòng trung để báo quân thượng1. Bỗng  lính truyền tin đến báo nhà vua có chỉ dụ. Nhật Duật xem xong, nói với các tướng:

– Giặc Thát đã vào được Thăng Long. Nhà vua truyền chỉ cho ta mang quân về Thiên Trường. Muốn đi nhanh chỉ có cách theo đường thuỷ. Giả Cương, Tiết Hùng làm tiền đội. Mã Phi Thái, Trương Tích làm hậu đội còn tất cả cùng ta giữ đạo trung quân, lập tức lên thuyền đi ngay.

Trần Nhật Duật rút hết quân, Nạp Tốc Lạt Đinh mới tới Bạch Hạc, muốn đuổi theo nhưng không có thuyền liền chia quân làm hai đội. Bộ binh để cho A Tất Hoạt chỉ huy đi sau, còn tự mình cùng Thác Bạc Kha Đại, Gia Luật Tế Sơn đem kị binh đuổi theo Nhật Duật. Kị binh đi nhanh nên chẳng bao lâu đã nhìn thấy thuyền quân Việt nhưng không làm gì được, cứ theo lẵng nhẵng trên bờ. Quân Việt dưới thuyền nhàn hạ, no đủ. Quân Nguyên đi ngựa vất vả mệt mỏi. Thác Bạc Kha Đại nói:

– Trần Nhật Duật cứ nhẩn nha đi thế kia, ta đuổi mãi không được nghỉ thì người ngựa đến kiệt sức hết mất.

Nạp Tốc Lạt Đinh nói:

– Ta cũng chẳng cần phải đuổi nữa. Các ngươi cứ cho quân nghỉ lại nấu cơm ăn. Phía dưới đã có quân của thái tử. Trần Nhật Duật có muốn thoát cũng không dễ.

Gia Luật Tế Sơn nói:

– Quân của thái tử không phòng bị, nhỡ Trần Nhật Duật bất ngờ tiến đến chưa chắc ngăn được. Chi bằng bình chương cử người xuống trước báo cho thái tử biết.

Nạp Tốc Lạt Đinh nghe theo, liền cho phi mã đến báo trước với Thoát Hoan chặn ở cuối dòng.

Trần Nhật Duật đang đi, thấy quân Nguyên dừng cả lại nấu cơm ăn. Trần Đạo Chiêu nói:

– Đây hẳn là chúng có mưu kế gì chăng.

Nhật Duật bảo các tướng:

– Truy kích thì phải nhanh, nay chúng lại đi thong thả, sợ có quân phía trước đón chặn.

Nói xong liền cử thuyền nhẹ đi do thám, quả nhiên thấy quân Nguyên chặn đón ở phía dưới. Triệu Trung nói:

– Tôi xin đem quân đánh mở đường để vương công đi.

Phó Tường nói:

– Không được! Quân giặc có đến mấy chục vạn làm sao mà mở đường được.

Chi bằng vương công  bỏ đường thuỷ mà đi đường bộ qua vùng man dân mới là kế vạn toàn.

Trần Nhật Duật nghe theo, liền đem quân lên bộ đi qua đường ven rừng. Lúc bấy giờ chúa sơn động là Phùng Hà đã chết, con là Phùng Sơn lên tập tước. Phùng Sơn vẫn cay cú việc thua Trần Khánh Dư ngày trước, nói với con trai là Phùng Thành rằng:

– Ngày trước vì nhà Trần cử  Khánh Dư đến đánh nên người man ta lấy được bao nhiêu vàng ngọc của quân Thát đều mất hết. Nay nhân Trần Nhật Duật chạy qua đây, ta bắt lấy để triều đình phải chuộc lại, vàng ngọc kia lại thuộc về ta.

Phùng Thành, Lương Anh – con Lương Mi – đều còn trẻ, nghe nói như vậy ưng lòng ngay, đem quân đi đặt hầm chông, bẫy đá để đón đánh quân của Trần Nhật Duật. Nhật Duật vô tình, dẫn quân thẳng vào nơi mai phục của chúng.

Thật là:

Vừa lượn được qua vùng miệng đó

Nào ngờ sắp nhảy tót lên đăng

Trần Nhật Duật làm thế nào để thoát khỏi trận phục kích nguy hiểm của Phùng Thành, Lương Anh?  Xin mời bạn đọc tiếp ở chương sau.


1 Câu này có trong Nguyên sử.

1 Giao Hải: Cửa sông Hồng đổ ra biển.

2 ĐVsktt.

[1] Theo Nguyên sử.

1 Hai câu này lấy trong Tôn Tử binh pháp.

1 Năm 549 Triệu Quang Phục chống quân nhà Lương ở Bãi Sậy thuộc huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên ngày nay, năm 550 giết được tướng giặc là Dương Sàn. Quân Lương thua to chạy về nước. Triệu Quang Phục lên làm vua, lấy hiệu là Triệu Việt vương.

1 ĐVsktt..

Đ.T

 

 

 

 

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder