Đan Thành
Lý Châu nương cùng chồng đánh giặc1
Chương Hiến hầu phản quốc hàng thù…
Đan Thành
Lý Châu nương cùng chồng đánh giặc1
Chương Hiến hầu phản quốc hàng thù
Đang nói Trần Nhật Duật không biết bị quân man đón đường, cứ vô tình dẫn quân vào nơi mai phục. Bọn Phùng Sơn, Phùng Thành, Lương Anh chỉ chực chặt dây cho bẫy đá ụp xuống. Bỗng thấy có một man tướng già, người gầy, tóc bạc, ngồi trên lưng ngựa, có hai người nữa cũng cưỡi ngựa theo hầu, chạy tới quì thụp vái Trần Nhật Duật, nói:
– Lão man đến chậm, suýt để vương công gặp nguy.
Nhật Duật nói:
– Lão là ai? Ta làm sao mà gặp nguy?
– Trình vương công! Lão là Lương Mi, mưu tướng của cố động chủ Phùng Hà. Con lão làm tướng của động chủ Phùng Sơn. Hôm nay lão hơi mệt nằm ở nhà, Lương Anh cho người về chăm sóc, lão hỏi ra mới biết động chủ Phùng Sơn cùng con lão đang muốn phục đánh vương công.
Trần Nhật Duật giật mình, nói:
– Vậy phải làm sao bây giờ.
– Vương công hãy tạm dừng ở đây, để lão gọi động chủ ra yết kiến.
Lương Mi nói xong liền bảo hai gia nhân đưa mình lên núi gặp Phùng Sơn, hỏi rằng:
– Động chủ định hàng người Hồ hay sao?
Phùng Sơn nói:
– Làm gì có chuyện ấy. Tôi còn đang muốn giết sạch lũ giặc Hồ đây.
– Thế thì nhất thiết không nên đánh quân của triều đình. Vả lại Chiêu Văn vương là người đức độ, rất thấu hiểu phong tục của người man chúng ta. Động chủ nên giúp ông ấy mới phải.
– Ta cũng nghe tiếng Chiêu Văn vương đã lâu nhưng chưa đòi lại được số vàng ngọc ngày trước, ta chưa chịu.
– Động chủ coi vàng ngọc hơn hay giang sơn hơn. Ta hại Chiêu Văn, nhỡ giặc Hồ lấy mất nước, tìm ai mà đòi vàng ngọc. Giặc Hồ thua chạy, động chủ ăn nói thế nào với triều đình.
Phùng Sơn ngần ngừ suy nghĩ rồi bảo:
– Ta chưa từng giáp mặt Chiêu Văn vương, hay cứ xuống gặp, nếu đúng là người có đức thì giúp, ngược lại bắt cũng chưa muộn gì.
Nói xong, dẫn các tướng xuống núi, bái chào Trần Nhật Duật. Nhật Duật cũng chào lại bằng tiếng man. Người man thấy vậy ai nấy cười nói vui vẻ. Phùng sơn mời Nhật Duật lên núi dự tiệc. Nhật Duật nói:
– Ta nay đang chịu mệnh của nhà vua, không dám tự tiện dừng lại. Nếu động chủ có lòng hãy cho người đưa đường để ta đi được nhanh chóng. Mai này quét sạch giặc Hồ lo gì không được cùng nhau thù tạc.
Lương Mi nói:
– Vương công nói đúng lắm.
Phùng Sơn liền cử con trai là Phùng Thành dẫn đường cho Trần Nhật Duật đi qua đất man lão thẳng xuống Thiên Trường gặp nhà vua. Khi ấy gặp lúc Trần Bình Trọng mới mất, nhà vua đang đau buồn, thấy Trần Nhật Duật trở về, nói:
– Hoàng thúc trở về bình an khiến trẫm vơi bớt nỗi đau trong lòng.
Ngày hôm sau ( 28 tháng giêng năm ất Dậu – 05-3-1285) nhà vua theo lời của Hưng Đạo vương, cử Chiêu Minh vương, Chiêu Văn vương, Chiêu Hiến vương, Tá Thiên vương, Văn Túc vương đem quân vào Hoan châu chặn giặc.
Đây nói chuyện Toa Đô sau trận ở Vệ sơn, quân tướng đều tổn hao mỏi mệt lắm, mới nghe lời bàn của Lưu Khuê, tiến lên phía Bắc hợp binh với Giảo Kỳ đánh phá ái châu. Dọc đường quân lính bị thương kêu khóc khổ sở không biết nhường nào mà kể. Vào khoảng giữa tháng giêng đi đến Hoan thành1. Tướng Việt giữ Hoan thành là đốc bộ Trần Thái Bảo nghe tin quân Nguyên đến liền họp các tướng, bàn rằng:
– Nay giặc đông mà ta ít, nếu ở cả trong thành chống giữ tất bị chúng vây rất nguy. Chi bằng ta mang một nửa quân ra ngoài đón đánh, còn một nửa ở lại giữ thành. Như thế có thể trong ngoài ứng hợp, chi viện cho nhau, giặc chưa hẳn đã làm gì nổi ta, hiềm nỗi ai thay ta ở lại trong thành chống giặc?
Vợ Trần Thái Bảo là Lý Châu Nương nghe chồng hỏi vậy mới đứng ra thưa rằng:
– Vợ chồng ta đã được giữ nơi này, nếu nhà mang quân ra ngoài, em xin ở lại giữ thành.
Trần Thái Bảo nói:
– Nàng đang khi bụng mang dạ chửa, lỡ có bề gì thì…
Không để chồng nói hết câu, Lý Châu Nương bảo:
– Nay vận nước đang cơn nguy biến. Nhà cứ đi, chớ có bận lòng. Em ở lại còn có các tướng giúp giùm chứ đâu phải một mình mà ngại.
Trần Thái Bảo nói:
– Nàng nói vậy thì ta yên dạ. Hãy noi gương bà Triệu, bà Trưng, dẫu tử sinh chớ có hai lòng. Canh ba đêm nay nàng hãy cho quân lên mặt thành đốt đuốc reo hò để ta ở ngoài đánh vào phía sau trại giặc.
Lý Châu Nương nói:
– Lời nhà dặn, em xin ghi tạc. Thề rằng thân này còn, thành ắt cũng còn, quyết không sợ cường Hồ hung bạo.
Trần Thái Bảo liền chia cho vợ năm nghìn quân cùng với Ngô Tùng Hạnh, Vũ Liêm ở lại giữ thành, còn mình dẫn năm nghìn quân cùng Nguyễn Vu, Mạc Lữ, anh em Lê Bá, Lê Bách ra ngoài thành phục binh sau cánh rừng thưa chờ giặc.
Toa Đô mang quân đến nơi trời đã về chiều. Lưu Khuê nói:
– Thành này nhỏ, ta nên đánh ngay lấy chỗ dừng chân, coi như bước đầu dựng xong một điểm tựa.
Toa Đô nghe theo, cho Hắc Đích đem một vạn năm nghìn quân đánh thành. Lý Châu Nương sai quân bắn tên, bắn đá xuống như mưa, quân Nguyên không sao vượt qua được hào nước. Bộ tướng của Hắc Đích là Loan Kỳ Hưng nói:
– Con hào này tuy sâu nhưng không rộng. Ta cho quân lấy đất lấp đi chỉ trong một canh giờ là có đưòng vào sát tường thành.
Hắc Đích nghe theo cho quân lấy đất lấp hào. Quả nhiên chỉ không đầy một canh giờ đã có được con đường rộng đến bảy tám trượng vượt sang bên kia. Lính Nguyên theo đó đẩy thang tràn vào, vây kín chân thành trèo lên. Quân Việt ở trên giội dầu, bắn lửa xuống làm quân Nguyên chết cháy nhiều lắm. Loan Kỳ Hưng bỏ ngựa, bám thang trèo lên. Lý Châu Nương trông thấy, bắn một phát tên. Mũi tên trúng ngay vào cạnh sườn bên trái, Loan Kỳ Hưng rơi từ trên cao xuống chân thành, đập đầu vào đá, chết. Quân Nguyên đánh đến lúc lặn mặt trời vẫn không vào nổi thành, quân sĩ chết nằm la liệt khắp nơi. Nhiều người trúng tên độc, đau đớn quá kêu như ác hồn bị hành hình ở chốn diêm tuyền. Kê La Liên nói:
– Trời tối rồi mà quân ta thương vong nhiều thế này. Xin nguyên soái cho tạm nghỉ để đóng trại, ngày mai quân sĩ lấy lại sức lực mới có thể đánh tiếp.
Toa Đô nghe theo, cho dừng tấn công để quân sĩ lập trại nghỉ ngơi, ăn uống. Đêm ấy trời trong, trăng lên muộn nhưng sáng. Lý Châu Nương đứng trên mặt thành nhìn ra, ánh trăng chan vỏng khắp cả rừng cây, đồi núi. Nàng bồi hồi nghĩ đến những ngày đất nước thanh bình. Những đêm trăng sáng, trong các thôn bản trai gái thường rủ nhau hát hò, thổi sáo, thổi khèn, tình tứ trao cho nhau những miếng trầu têm hình cánh phượng, nói những lời hẹn ước lứa đôi. Chính nàng cùng đốc bộ Trần Thái Bảo nên duyên cầm sắt cũng là từ một cuộc hò hẹn trong đêm trăng như vậy. Giờ đây ánh trăng vẫn đẹp nhưng biết bao làng mạc quân giặc đi qua đã thành tro bụi. Một nỗi căm hờn dâng lên trong lòng vị nữ tướng. Lý Châu Nương gọi Ngô Tùng Hạnh, Vũ Liêm đến dặn rằng:
– Hai ngươi đi lấy nhiều pháo đến đây. Đúng canh ba đốt lên để trợ chiến cho đốc bộ.
Hai người vâng lệnh đi ngay. Khi vầng trăng lên gần tới đỉnh đầu, trống điểm canh ba. Trên mặt thành pháo nổ vang rền. Hàng ngàn ngọn đuốc cùng được thắp lên, ánh sáng toả ra đến mấy dặm, chiêng trống vang lừng rồi quân Việt reo hò như trời long đất lở. Quân Nguyên đang ngủ bị dựng hết cả dậy. Toa Đô, Hắc Đích, Lưu Khuê tưởng quân Việt trong thành đánh ra, vội mang quân nghênh chiến. Bỗng sau trại lửa cháy rực trời. Quân Việt từ phía rừng thưa đánh tới, phóng hoả đốt trại Nguyên. Quân Nguyên hốt hoảng không biết quân Việt nhiều ít thế nào, ù té chạy, người ngựa dẵm đạp lên nhau chết hại không biết bao nhiêu mà kể, đội ngũ rối loạn không còn ra hàng lối gì nữa. Trần Thái Bảo hô quân xông vào chém giết tơi bời. Toa Đô thấy trong thành không có quân đánh ra mới bảo Lưu Khuê:
– Chúng ta bị lừa rồi. Quân Việt đánh ở phía sau cơ. Ông ở lại đây chống với quân trong thành, để tôi cùng với Hắc Đích, Kê La Liên quay lại phía sau.
Nói xong liền dẫn quân đánh quay lại cứu trại. Quân hai bên đánh nhau đến tang tảng sáng. Trần Thái Bảo ít quân, không dám đánh nhau ban ngày liền rút về Diễn châu là nơi Tĩnh Quốc đại vương Trần Quốc Khang trấn giữ để cầu cứu. Quốc Khang nói:
– Hoan thành là vị trí quan trọng, nếu Toa Đô chiếm được nơi ấy, chúng có đất dừng lại nghỉ ngơi, sau này ắt khó đánh. Ta phải cho quân đi cứu mới được.
Nói xong liền điểm ba vạn quân giao cho Lê Trừng, Đinh Ngọc Bá theo Trần Thái Bảo về cứu Hoan thành.
Khi thấy Trần Thái Bảo mang quân lên Diễn châu, Kê La Liên nói:
– Quân giặc không chạy về thành mà lại chạy ra xa, nhất định chúng đi xin quân cứu viện. Nguyên soái cho tôi mang quân đuổi đánh tất thắng.
Toa Đô nói:
– Chớ có đuổi. Biết đâu chúng chả phục binh trong rừng để lừa ta đến. Bây giờ nên tập trung đánh thành, chiếm được thành, giặc có viện binh đông đến bao nhiêu ta cũng không cần.
Lập tức truyền lệnh quay lại đánh thành. Lý Châu Nương thấy quân Nguyên quay lại, liền lên mặt thành nghênh chiến. Toa Đô, Hắc Đích cho quân dựng các giàn thang gỗ có mái che, đặt trên hệ thống bánh xe đẩy áp sát vào tường thành để quân lính leo lên. Lý Châu Nương cho các cỗ hồi hồi pháo chuyển động bắn những tảng đá hộc vào giàn thang của quân Nguyên cho đổ xuống. Quân Nguyên ở bên trong bị đè bẹp, kêu oai oái, lại bị quân Việt ném mồi lửa tẩm dầu vào, giàn thang cháy như nhà táng, lính Nguyên không sao lên được. Toa Đô tấn công ba ngày liền không hạ được thành. Quân Việt cạn cả gỗ đá, tên nỏ. Lê Bách, Nguyễn Vu đã bị thương vẫn phải ra điều quân đánh giặc. Bên cạnh Lý Châu Nương chỉ còn bọn hầu gái giúp đỡ.
Chiều ngày thứ ba, Toa Đô dốc toàn lực công thành. Quân Nguyên lớp lớp xông lên. Đang cơn nguy cấp, Lý Châu Nương đau bụng dữ dội. Cái thai đến ngày tháng dường như muốn thúc ra ngoài. Lý Châu Nương vỗ nhẹ vào bụng nói rằng:
– Con ngoan của mẹ ơi! Vận nước đang cơn nguy biến. Quân giặc như bầy lang sói muốn nuốt lấy thành này. Con có thương xót quân dân trong thành hãy nằm yên, đợi mẹ đánh tan lũ giặc rồi đón con ra.
Lý Châu Nương vừa dứt lời, cái thai trong bụng nằm yên không động cựa. Lý Châu Nương bớt đau lại cầm kiếm hô quân tiến đánh. Hai bên đánh nhau quyết liệt, loáng thoáng đã có chỗ quân Nguyên lên được mặt thành. Tình thế tưởng như không thể cứu vãn được nữa, bỗng phía sau quân Nguyên bỏ chạy tứ tung. Hoá ra đốc bộ Trần Thái Bảo mang viện binh trở về. Ba vạn quân Việt đánh ép quân Nguyên dồn vào chân thành. Lý Châu Nương biết là chồng đã trở lại liền mở cửa thành, múa tít thanh kiếm, dẫn quân xông ra. Quân Nguyên bị đánh hai mặt không sao chống đỡ nổi. Lưu Khuê nói với Toa Đô:
– Quân ta sau trận Vệ sơn và trận này, thiệt hại đã quá nhiều, chỉ còn chưa đầy ba vạn nhân mã mà nhiều kẻ bị thương không đánh nhau được. Tình thế đã đến nước này nên hành quân tiếp lên phía Bắc hợp với quân thuỷ là hơn.
Toa Đô nói:
– Cũng đành vậy chứ biết làm sao.
Nói xong liền truyền lệnh cho quân sĩ đi ngay, Kê La Liên dẫn đường, Lưu Khuê đoạn hậu. Bộ tướng của Lưu Khuê là Điền Thư Phần lạc ở phía sau, đang tìm đường chạy theo đại binh, gặp ngay Lý Châu Nương. Hai bên giao đấu, mới được ba hiệp, Điền Thư Phần bị Lý Châu Nương chém chết.
Đốc bộ Trần Thái Bảo không đuổi theo Toa Đô mà dẫn quân vào thành chỉnh đốn lại binh mã rồi cho Lê Trừng, Đinh Ngọc Bá mang quân trở về Diễn châu. Đêm ấy Lý Châu Nương trở dạ, sinh ra một cậu con trai rất bụ bẫm. Trần Thái Bảo đặt tên con là Trần Trung Chiến.
Đây nói đạo quân của thân vương Giảo Kỳ sau khi ra khỏi Vĩnh giang, men theo bờ bể đi lên, đầu tháng hai tới được Nỗ giang. Lúc bấy giờ ở cửa Hới1 mưa xuân giăng mờ mịt, trong màn mưa thấy có bóng cờ của quân Việt kéo dài đến mấy dặm, Đường Ngột Đải nói:
– Nơi cửa bể không có quân Nam giữ. Chúng chỉ cắm cờ nghi binh thế thôi. Ta nên cho quân tiến vào, chiếm lấy đất liền làm nơi căn bản. Từ đây đánh ra có nhiều thuận tiện.
Giảo Kỳ nói:
– Xin Tả thừa chớ nên khinh tiến. Người Việt dùng binh biến hoá hư hư thực thực không biết đâu mà lường. Ta hãy đóng đại binh ở ngoài này rồi cho thuyền nhẹ đi thám thính xem sao đã.
Bà Lậu nói:
– Tôi có một người gia tướng là Chế Anh Kiệt rất can đảm mà lại có tài sông nước. Để tôi cho nó đi thám thính xem sao.
Giảo Kỳ liền cho Chế Anh Kiệt ăn mặc theo lối dân chài, bơi một chiếc thuyền đánh cá tiến thẳng vào nơi thuỷ trại của quân Việt. Lính Việt bắt được đem trình chủ tướng. Vì trước kia Chế Anh Kiệt đã có lần đi theo đoàn sứ Chiêm sang Đại Việt nên nhận ngay được vị tướng Việt chính là Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật. Trần Nhật Duật thấy dân chài người Chiêm đói rét, động lòng thương, sai lính lấy cơm cho ăn xong mới hỏi bằng tiếng Chiêm:
– Nhà ngươi là dân Chiêm, cớ sao lại lênh đênh lên mãi chốn này?
Chế Anh Kiệt nói:
– Tôi đi đánh cá, chẳng may gặp gió to, trôi dạt bốn năm ngày nay mới vào được tới đây, quan lớn thương tình cho ăn uống, xin cảm ơn nhiều lắm.
Trần Nhật Duật bảo lính cấp cho mười ngày gạo rồi tha về. Chế Anh Kiệt đi rồi, Trần Đạo Chiêu nói:
– Tên này đích thị kẻ gian. Sao vương công lại tha nó?
Trần Nhật Duật cười mủm mỉm, bảo:
– Ta đâu phải không biết. Mùa này lấy đâu ra gió to mà nó bảo gặp gió to. Cứ để nó đi giúp việc cho ta.
Nói xong liền cho Trương Tích, Phó Tường mang quân phục bên tả ngạn, Dương Lâm, Tiết Hùng phục bên hữu ngạn, Triệu Trung, Giả Cương mang đại đội binh thuyền ngược lên thượng lưu mười dặm còn mình cùng Mã Phi Thái chỉ đem năm mươi chiến thuyền nghênh địch.
Chế Anh Kiệt về đến hải đoàn của quân Nguyên, vào trình lại mọi việc. Đường Ngột Đải nói:
– Trần Nhật Duật đang ở Tuyên Quang sao lại về đây được?
Giảo Kỳ nói:
– Hẳn rằng bình chương Nạp Tốc Lạt Đinh đã chọc thủng phòng tuyến của quân Nam nên Trần Nhật Duật mới chạy về đây. Như thế càng có lợi cho ta. Bây giờ chính là lúc tiến đánh, dồn bắt Trần Nhật Duật.
Đường Ngột Đải liền ra lệnh tấn công. Hải đoàn quân Nguyên lập tức tiến vào cửa Hới. Trời về trưa, mưa ngớt dần. Quân Nguyên nhìn rõ chỉ có mấy chục thuyền quân Việt tiến ra. Đường Ngột Đải cười lớn, nói:
– Ta nghe nhiều người khen Trần Nhật Duật khéo dùng binh, nhưng cứ nhìn cái ngữ kia cũng biết chỉ có hư danh mà thôi.
Giảo Kỳ nói:
– Tôi cũng nghe nói nhiều về Trần Nhật Duật. Lẽ nào hắn dám liều mạng mang một nhúm quân ra chống với quân ta. Hay chúng có mưu kế gì chăng?
– Hắn đã thua ở Tuyên Quang còn lấy đâu ra nhiều quân nữa. Chẳng qua đây là muốn liều chết xông vào quân ta để gỡ danh dự mà thôi
Đường Ngột Đải nói xong, cứ thúc quân tiến vào. Năm chục thuyền quân Việt tiến lên bắn mấy loạt tên rồi rút chạy. Quân nguyên đuổi theo lọt cả vào cửa sông. Lúc bấy giờ mới nghe một tràng pháo nổ. Mấy trăm thuyền của Triệu Trung, Giả Cương từ thượng lưu xuôi dòng đánh xuống. Giảo Kỳ, Đường Ngột Đải biết là đã mắc mưu liền cho hải đoàn quay mũi chạy ra biển nhưng hai bên tả, hữu ngạn chiêng trống vang lừng. Bốn tướng Phó Tường, Trương Tích, Dương Lâm, Tiết Hùng cùng đánh tới. Quân Nguyên hồn siêu phách tán không biết chống đỡ làm sao, bị quân Việt bắn chết nhiều lắm. Hai bên đang đánh nhau hăng bỗng thấy bên hữu ngạn có tiếng reo ầm ầm rồi một đạo quân đánh tới, tướng đi đầu chính là Toa Đô. Toa Đô, Lưu Khuê, Hắc Đích, Kê La Liên cho quân dàn ra trên bờ bắn vào thuyền quân Việt. Trần Nhật Duật thấy tình thế đã thay đổi mới ra lệnh cho các tướng đem thuyền về cả tả ngạn. Giảo Kỳ, Đường Ngột Đải cũng cho quân dạt sang hữu ngạn hội với quân Toa Đô giữ bờ Nam. Từ hôm ấy hai bên chống giữ nhau nhưng không có trận đánh nào lớn.
Mưa xuân rả rích, quân Nguyên đóng trại ngay giữa nơi bãi trống lầy lội, khổ lắm. Rơm cỏ cho ngựa, lương thực cho người đều thiếu cả. Quân sĩ không hợp với khí hậu khiến nhiều người ốm đau, nóng sốt, quân dược điều trị không xuể, ngày nào cũng có lính chết. Giảo Kỳ nói với Toa Đô:
– Quân ta tiến lên, lùi lại đều không được, nếu bị hãm mãi ở nơi này, trước sau gì bụng quân cũng sinh biến. Gần đây có thành Thanh Hoá, ta nên để một số quân chống nhau với Trần Nhật Duật, còn lại dồn đánh lấy Thanh Hoá làm chỗ dựa mới có thể tính lâu dài được.
Toa Đô nói:
– Điện hạ bàn rất phải, nhưng việc đánh thành không dễ bao giờ.
Giảo Kỳ nói:
– Tôi biết tướng giữ thành Thanh Hoá là Trần Kiện tuy khoẻ nhưng hèn hạ. Ta chỉ cần đem quân vây thành cũng đủ để y sợ hãi ra hàng rồi. Mà nếu y cố đánh, tôi dùng một mẹo nhỏ cũng bắt được. Ta nên chia quân làm hai, tôi dẫn quân đánh thành, còn Hữu thừa ở lại chống nhau với Trần Nhật Duật rồi cho binh thuyền tiến dần lên áp sát phía Đông Bắc thành, chẳng bao lâu Thanh Hoá sẽ thuộc về tay chúng ta.
Toa Đô nghe theo, để Giảo Kỳ, Lưu Khuê, Hắc Đích, Kê La Liên, Triệu Phù mang quân đi, còn mình cùng Đường Ngột Đải, Bà Lậu, Chế Anh Kiệt ở lại chống nhau với Trần Nhật Duật. Giảo Kỳ cho quân tiến theo hướng Tây vào thẳng chân núi Nưa, vòng lên đánh vào hướng Tây và hướng Nam thành. Tướng Việt là Chương Hiến hầu Trần Kiện nghe tin quân Nguyên đánh đến, liền mang quân ra khỏi thành đón đánh. Quân hai bên dàn trận ngay dưới chân thành. Trần Kiện cầm giáo dài, bào xanh, giáp bạc, cưỡi ngựa ô long đi lại như bay trước trận. Lưu Khuê nói với Giảo Kỳ:
– Khi trước nghe điện hạ nói về Trần Kiện, tôi cứ hình dung ra một thằng cha trói gà không chặt, ngờ đâu hắn còn trẻ mà kiêu dũng thế này.
Giảo Kỳ nói:
– Hắn chỉ có cái vũ dũng của kẻ thất phu mà thôi, thực ra đã nằm trong túi ta rồi, chẳng có gì phải lo cả – Quay lại hỏi Hắc Đích – Ngươi dám đánh với nó không?
Hắc Đích dạ một tiếng rồi múa giáo xông ra đánh. Trần Kiện là con thứ của Tĩnh Quốc đại vương Trần Quốc Khang, vốn người khoẻ mạnh lại được cha rèn tập cho từ nhỏ nên các môn võ nghệ không môn nào không tinh thạo, lớn lên thường chơi với hoàng tử Trần Đức Việp (con thứ Trần Thánh tông), từ khi Đức Việp được phong vương, còn Kiện chỉ được phong hầu sinh ra tức tối, kỳ thị. Khi ấy đánh nhau với Hắc Đích hơn năm mươi hiệp mà không sơ hở miếng nào. Quân sĩ hai bên reo hò vang dậy. Giảo Kỳ tận mắt thấy Trần Kiện có sức khoẻ cũng có ý yêu, không muốn hai tướng có sự tổn thương mới cho khua chiêng thu quân. Trần Kiện cũng mang quân vào thành. Hắc Đích về đến trại, hỏi:
– Tôi sắp giết được nó rồi, sao điện hạ lại cho thu binh?
Giảo Kỳ nói:
– Ta xem ra Trần Kiện là tay vũ dũng, nếu làm cho y theo ta sau này ắt cũng được việc. Không biết có ai dám vào thành dụ hắn ra hàng không?
Bộ tướng của Hắc Đích là Triệu Phù xin đi. Giảo Kỳ hỏi:
– Ngươi có tài gì mà dám nhận việc này.
Triệu Phù thưa:
– Tôi chẳng có tài gì nhưng có người em họ là Triệu Mạnh Tín trước đây làm quan nhà Tống, sau chạy sang nương nhờ Trần Kiện, được Kiện tin dùng lắm. Triệu Mạnh Tín rất giỏi ăn nói. Tôi vào thành, gặp được y tất xong việc. Nhưng muốn vào được thành, xin điện hạ cho lui binh ba mươi dặm.
Giảo Kỳ nghe theo, ngay hôm ấy cho quân nhổ trại lùi về hướng Tây ba mươi dặm. Hôm sau Trần Kiện mang quân ra ngoài chẳng thấy quân Nguyên đâu, liền cho thám binh lùng khắp các cánh rừng gần đấy cũng không có gì, mới mang quân vào thành. Triệu Phù nhân đấy trà trộn với lính Việt, vào được thành, hỏi dò tìm đến nơi ở của Triệu Mạnh Tín. Vừa may khi ấy Triệu Mạnh Tín ở trên mặt thành về. Triệu Phù hỏi:
– Chú còn nhớ anh không?
Triệu Mạnh Tín nói:
– Nghe nói anh đang ở trong quân Nguyên, sao đến được đây?
– Chính ta đang ở trong quân Nguyên nên mới đến đây được. Chỗ này trống trải không phải là nơi nói chuyện. Ta hãy vào trong quán rượu kia.
Hai người liền vào quán rượu chọn một góc kín đáo đặt bàn. Trong khi uống rượu, Triệu Phù nói:
– Nay thân vương Giảo Kỳ mang mấy vạn Nguyên binh vây kín bốn mặt thành, trong sớm tối thành này thế nào cũng bị diệt. Chú ở lại đây để cùng hưởng chung vạ với người ta hay sao?
– Thì cũng đành vậy. Em có muốn trốn cũng không biết trốn đi đâu.
– Vậy sao không ra hàng điện hạ.
– Em sang đây với người Nam đã lâu, bây giờ ra hàng liệu người Nguyên có tin không, lớ ngớ lại chả chết trước ư?
Triệu Phù cười, nói:
– Tôi chẳng tiến dẫn được chú hay sao? Nhưng nếu chú thuyết phục được Trần Kiện ra hàng nữa thì chức vị của chú ai bảo chả hơn tôi, lúc ấy đừng có quên ông anh này đấy.
– Thuyết hàng Trần Kiện không phải dễ. Cha nó là Tĩnh Quốc đại vương, quyền nghiêng thiên hạ chứ có chơi đâu.
– Chú vẫn là người giỏi ăn nói từ bé, thế mà nay chịu bó tay trước việc này sao? Vả lại nó càng quyền thế, công của chú càng lớn đấy.
Hai người đang nói chuyện bỗng có tiếng quát:
– Bắt hai tên gian tặc này lại.
Triệu Mạnh Tín quay lại nhìn hoá ra là Diệp lang tướng. Triệu Phù đứng phắt dậy định rút thanh đoản đao. Triệu Mạnh Tín ngăn lại, nói:
– Nếu lang tướng phát giác, tôi chết cũng không nhắm được mắt, thôi ông cứ chém tôi đi để tôi được chết vì tay một người bạn cho mát tấm lòng.
Diệp lang tướng nói:
– Tôi nói chơi vậy thôi. Các hạ đã có ý như vậy sao không cho tôi biết với. Thực ra tôi cũng muốn về với người Nguyên từ lâu rồi. Nay ta gặp nhau thế này chẳng phải trời xui đất khiến đó sao. Để tôi rủ thêm Lương phụng ngự rồi cùng vào thuyết phục Trần hầu.
Triệu Mạnh Tín nói:
– Lang tướng đã có lòng như thế thật đáng mừng lắm nhưng chỉ e Lê Trắc1 gây cản trở.
Diệp lang tướng nói:
– Lê Trắc cũng một lòng như chúng ta cả thôi.
Triệu Mạnh Tín nói với Triệu Phù:
– Anh cứ tạm nghỉ ở đây để chúng tôi vào phủ, công việc thuận lợi ra đón anh vào.
Triệu Mạnh Tín cùng Diệp lang tướng đến tìm Lương phụng ngự rồi cả ba vào yết kiến Trần Kiện, vừa may có cả Lê Trắc, Lê Kiến Dũng, Phạm Sĩ Thành cùng đang ở đấy. Triệu Mạnh Tín nói:
– Nay Toa Đô mới cho quân tiến lên vây cửa Bắc cửa Đông, Giảo Kỳ đón lõng chúng ta ở cửa Nam cửa Tây. Hầu tướng định chống cự thế nào?
Trần Kiện nói:
– Ta chia quân ra mà chống đỡ chứ còn sao nữa.
Triệu Mạnh Tín nói:
– Quân Nguyên đông gấp mười quân ta. Làm như thế thật chẳng khác chi đưa thịt vào miệng cọp. Vả lại đường tiếp lương đã bị cắt đứt. Người Nguyên không đánh, chỉ vây vài tháng là chúng ta phải tự làm thịt nhau mà ăn thôi.
Trần Kiện hỏi:
– Vậy ngươi có cao kiến gì không?
Triệu Mạnh Tín nói:
– Cao kiến nhất bây giờ là quân hầu nên hàng Giảo Kỳ điện hạ.
Trần Kiện trợn mắt quát:
– Ngươi không nói chơi đấy chứ?
Lê Trắc hiểu ý Triệu Mạnh Tín, nói:
– Triệu tiên sinh chắc chẳng nói chơi. Quân hầu hãy để ông ấy trình bày hết lẽ xem thế nào.
Phạm Sĩ Thành quát:
– Đang chống nhau với giặc. Kẻ nào bàn chuyện đầu hàng nên giết đi.
Nói xong định tuốt kiếm chém Triệu Mạnh Tín. Trần Kiện ngăn lại, nói:
– Cứ để cho Triệu Mạnh Tín trình bày xem đã.
Lê Kiến Dũng kéo áo Phạm Sĩ Thành, ra hiệu hãy cứ tạm yên. Triệu Mạnh Tín nói:
– Nay người Nguyên đã lấy được Thăng Long. Trần Quốc Tuấn thua chạy đi đâu không biết, trước sau gì số phận cũng như Bảo Nghiã hầu mà thôi. Chiêu Văn vương không giữ nổi Tuyên Quang. Nhân Huệ vương, Tĩnh Quốc vương chưa chắc đủ sức cố thủ ở Hoan, ái. Hai vua co vào một cái vũng Thiên Trường, khác chi nhà Tống ở Nhai Sơn khi trước. Cái thế cùng tận đã rõ ràng. Quân hầu giữ một nơi cô thành thế này, hỏi chống cự được bao lâu. Vả lại nhà vua vốn không coi trọng quân hầu, dẫu ngài có xả thân để báo thánh ân phỏng được ích gì, chi bằng bỏ nơi thùng chậu mà ra nơi sông biển về với người Nguyên há chẳng được trọng vọng hay sao, cứ xem Lý Hằng, Lý Quán, Lưu Khuê, Lưu Thế Anh cùng bao nhiêu người khác nữa kia khắc biết. Nay không nhân dịp may mà dựng cơ đồ, cố chết chống cự cũng là phí một đời trai thôi.
Trần Kiện suy nghĩ một lúc rồi nói:
– Ta ra hàng chắc gì Thoát Hoan đã dung cho.
Triệu Mạnh Tín nói:
– Quân hầu nói sai rồi. Nhà Nguyên rất chuộng người tài, có đâu không trải thảm để đón quân hầu.
Trần Kiện nói:
– Nhưng làm sao để thông tin tức với quân Nguyên bây giờ?
Lương phụng ngự nói:
– Người của thân vương Giảo Kỳ đã ở đây rồi. Quân hầu chỉ việc cử Triệu tiên sinh đi đón là được.
Trần Kiện liền cho Triệu Mạnh Tín đi đón Triệu Phù. Mạnh Tín đi rồi, Phạm Sĩ Thành khóc nói:
– Hầu tướng ôi! Vận nước đang cơn nghiêng ngửa, ngài chớ vì lời nói của một đứa lưu vong mà mang lấy tội bất trung, bất hiếu. Sao không chọn cái chết của Bàng Lệnh Minh1để ngàn năm lưu tiếng anh hùng mà lại chọn cái nhục đầu hàng của Vu Cấm2 cho muốn đời nguyền rủa là kẻ đớn hèn?
Trần Kiện nghe vậy trong lòng cảm động, bảo:
– Phạm tướng quân nói đúng lắm. Không có ông thì ta mang tội lớn. Để chốc nữa Triệu Mạnh Tín mang người của Giảo Kỳ về đây, ta bắt giết đi rồi chia quân giữ thành là xong.
Nói rồi sai người đóng một cỗ quan tài để khi ra trận đem theo. Lê Trắc lẻn ra nói với Triệu Mạnh Tín và Triệu Phù:
– Hai ông nên trốn đi. Trần hầu đã đổi ý rồi, đang định giết các ông đấy.
Triệu Mạnh Tín nói:
– Không sao. Trần Kiện là kẻ hay dao động, chẳng có chính kiến gì cả. Tôi chỉ dùng một mẹo vặt là y lại theo ngay thôi mà.
Lúc sau Triệu Mạnh Tín dẫn Triệu Phù đến. Trần Kiện quát:
– Từ khi ngươi chạy sang nước ta, ta chưa hề bạc đãi chi ngươi, vậy mà hôm nay suýt nữa ngươi đẩy ta vào tội bất trung, bất hiếu. Quân đâu! mang ngay hai tên này ra chém cho ta.
Triệu Phù nghe vậy sợ hết hồn, run rẩy lập bập. Còn Triệu Mạnh Tín chẳng sợ hãi gì, ngửa mặt lên trời cười khanh khách. Trần Kiện hỏi:
– Nhà ngươi chết đến nơi rồi mà còn phởn chí thế hay sao?
Triệu Mạnh Tín nói:
– Hai cái mạng nhỏ nhoi của chúng tôi chết đi cũng chẳng có chi gọi là vui hay buồn, chẳng đáng cười mà cũng không đáng khóc nữa kia.
– Vậy ngươi cười gì?
– Tôi cười là cười một người như quân hầu mà không biết thế nào là đúng sai, phải trái.
– Ngươi bảo ta sai trái ở chỗ nào?
– Quân hầu nói đến trung với hiếu. Vậy thấy vua chết mà không cứu có trung không? Thấy cha chết mà không cứu có phải là hiếu không?
– Làm sao mà vua chết, cha chết?
– An Nam trước sau cũng mất. Khi ấy vua cùng cha có sống được không?
– Muốn cứu phải làm sao?
– Quân hầu theo về nhà Nguyên, lập nhiều công trạng, chức cao lộc trọng. Khi ấy lo gì không cứu được vua cùng cha. Đấy chẳng phải là trung hiếu hay sao?
Trần Kiện gật gù, bảo:
– Phải lắm. Nghe rất có lý – Quay sang Phạm Sĩ Thành, nói – Tí nữa ngươi làm hỏng việc.
Phạm Sĩ Thành nói:
– Những lời Triệu Mạnh Tín nói đều là bậy bạ cả. Nay quân Nguyên đang đứng trước năm điều thất lợi, trước sau gì cũng phải bại vong.
Trần Kiện hỏi:
– Năm điều bất lợi ấy là như thế nào?
Phạm Sĩ Thành nói:
– Năm điều bất lợi ấy: Một là Thoát Hoan đến được Thăng Long mà không dám đóng quân trong thành đủ biết hắn sợ quân ta đến mức nào. Hai là cửa biên giới đã bị đóng chặt, quân Nguyên người thiếu lương để ăn, ngựa thiếu cỏ thóc để nhai, hỏi được mấy hơi mà không rối loạn. Ba là thời tiết mỗi ngày một nóng dần lên, quân Nguyên không hợp thuỷ thổ, bệnh tật rất nhiều chịu sao nổi. Bốn là quân tướng nhà Nguyên không thuận, chỉ chực cắn xé lẫn nhau. Một đạo quân như vậy sao không loạn. Năm là Hưng Đạo vương và hai vua tuy đã rút quân nhưng lực lượng vẫn được bảo toàn, đợi khi quân Nguyên rối loạn quay lại đánh có muốn không thắng cũng không được.
Triệu Mạnh Tín nói:
– Những lời của Phạm tướng quân vừa nói, nghe hay đấy nhưng chẳng có gì làm bằng cớ cả. Còn việc Trần Quốc Tuấn cùng hai vua thua hết trận này đến trận khác, mất hết thành này đến thành khác phải trôi nổi trên sông thì đã rõ rành rành.
Lê Trắc nói:
– Lời của Triệu tướng quân nói rất đúng. Một mai nhà Nguyên lại còn gửi thêm viện binh sang nữa, nước Nam ta ngọn cỏ cũng khó mà mọc lên được.
Câu nói ấy của Lê Trắc như một đòn cuối cùng khiến Trần Kiện không còn cựa quậy được nữa nói:
– Thôi các ngươi không bàn nữa. Ta đã quyết hàng Nguyên để cứu nước cứu nhà rồi!
Nói xong liền sai lấy bút mực viết thư hẹn sáng hôm sau mang quân ra ngoài thành xin hàng, giao cho Triệu Phù mang về trại Nguyên. Phạm Sĩ Thành, Lê Kiến Dũng đau xót quá, ra ngoài bảo nhau:
– Chúng ta thà chết chứ nhất định không hàng quân Nguyên. Chi bằng ta nói cho anh em binh lính biết rồi cùng nhau mở cửa thành mà trốn đi cho xong.
Hai người liền ra trước cổng thành nói rằng:
– Trần Kiện phản quốc đã viết thư hàng giặc. Anh em ta theo hắn phải đi chết thay cho quân Mông Thát. Ai muốn theo chúng tôi hãy cùng mở cửa thành trốn vào Diễn châu với Tĩnh Quốc đại vương.
Quân sĩ nghe vậy liền đem vũ khí theo hai người, mở cửa thành vượt rừng trốn đi. Trần Kiện, Lê Trắc biết chuyện, hàng ngũ lính tráng đã tan nát hết rồi. Một vạn quân mà chỉ còn mấy trăm người thân tín của những nhà chủ trương hàng Nguyên1.
Sáng hôm sau Giảo Kỳ mang quân đến, Trần Kiện dẫn lũ Lê Trắc, Triệu Mạnh Tín, Diệp lang tướng, Lương phụng ngự cùng bầu đoàn gia quyến, khiêng chiếc quan tài ra hàng. Giảo Kỳ nói lời phủ dụ rồi vào thành ngồi trên phủ đường. Lũ Kiện, Trắc đứng hầu ở dưới. Giảo Kỳ hỏi:
– Hoan, ái là nơi đông người nhiều của, muốn bình định phải làm thế nào?
Trần Kiện nói:
– Nơi đây không những đông người nhiều của mà còn là cái kho dự trữ binh lực của quân Việt nên vừa rồi vua Nam mới cho Chiêu Minh vương mang thêm quân vào để chống giữ với quan binh. Muốn bình định được trước tiên phải đánh tan quân của Chiêu Minh vương.
– Muốn đánh được Trần Quang Khải phải làm thế nào?
Triệu Mạnh Tín nói:
– Từ kênh Vệ Bố đến Phú Tân là quân của Trần Quang Khải. Điện hạ nên mang quân đánh lấy Vệ Bố rồi tiến vào Phú Tân ắt Trần Quang Khải trở tay không kịp.
Giảo Kỳ khen Triệu Mạnh Tín là người có kiến thức, liền giữ bên mình làm mưu sĩ, lại sai Trần Kiện dẫn bọn Hắc Đích, Kê La Liên, Lưu Khuê đi đánh kênh Vệ Bố. Vì Trần Kiện ở Thanh Hoá đã lâu nên mọi đường đi lối lại đều hiểu rất rõ, dẫn quân Nguyên theo đường tắt đánh tới. Hai tướng Việt giữ Vệ Bố là Đinh Xa và Nguyễn Tất Thống bất ngờ, không chống cự nổi đều bị giết cùng với nhiều quân sĩ. Trần Kiện lại lôi kéo được một số quan lại địa phương theo hàng quân Nguyên. Sau khi chiếm xong Vệ Bố, Lưu Khuê, Hắc Đích tiến ngay đến Phú Tân là nơi đóng bản doanh của Chiêu Minh vương Trần Quang Khải. Tướng Việt giữ tiền đồn là Chiêu Hiếu vương mang quân ra chống cự nhưng Trần Kiện dẫn quân Nguyên đánh úp từ phía sau. Chiêu Hiếu vương tử trận. Tuỳ tướng là đại liêu Hộ cũng bị thương, đeo tên chạy về đại doanh báo tin cho Chiêu Minh vương biết rồi tắt thở. Chiêu Minh vương liền cho lui binh mười dặm bày trận chờ giặc nhưng mãi sáng hôm sau cũng không thấy quân Nguyên đến liền cho thám binh đi dò la, bắt được một lính Nguyên bị thương rớt lại. Khi hỏi, tên lính Nguyên ấy nói:
– Nguyên soái Toa Đô mới nhận được lệnh của thái tử Thoát Hoan, phải mang ngay quân ra Thiên Trường để đánh bắt vua Nam.
Chiêu Minh vương liền gọi Văn Túc vương Trần Đạo Tái đến dặn rằng:
– Ngươi mang quân lên Nộ giang cùng với Chiêu Văn vương chặn giặc để ta về Thiên Trường giúp nhà vua thiên đi nơi khác.
Trần Đạo Tái nhận lệnh liền đem binh thuyền lên Nộ giang hợp với quân của Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật chặn đánh kìm chân quân Toa Đô trên biển rồi rút dần về hướng Hải Đông. Lưu Khuê nói với Toa Đô và Giảo Kỳ:
– Trần Kiện là kẻ ngu tối mà hay thay lòng, muốn hắn sau này không còn trở mặt được, điện hạ và nguyên soái sao không cử hắn làm tiên phong đi đánh quân Nam.
Toa Đô nói:
– Ông nói phải lắm – Liền gọi Trần Kiện đến, bảo – Tướng quân nay đã là một viên đại tướng của nhà Nguyên, hãy mang một đội binh thuyền đi tiên phong. Gắng lập công, chớ có phụ lòng ngưỡng mộ của điện hạ.
Trần Kiện còn trù trừ không muốn đi. Toa Đô hỏi:
– Chẳng lẽ tướng quân không muốn lập công sao?
Trần Kiện nói:
– Không phải tôi không muốn lập công. Nhưng khi xưa tôi cùng Trần Nhật Duật, Trần Đạo Tái đều là chỗ thân quen, nay trở mặt đánh nhau thì sượng sùng lắm.
Giảo Kỳ cười lớn, nói:
– Tướng quân thật là kẻ có tình lắm nhưng việc này cũng dễ thôi, hãy đeo chiếc mặt nạ này vào không ai còn nhận ra tướng quân nữa.
Giảo Kỳ đưa cho Trần Kiện một chiếc mặt nạ vẽ vời kiểu cách lại có đeo râu đội mũ hẳn hoi để đi tiên phong. Nhân việc này, nhiều thế kỷ sau còn có người hát bội làm đôi câu đối rằng:
Đội mũ đeo râu làm mặt nạ
Mang gươm cắp giáo đánh người quen1.
Xin nói một chút về Phạm Sĩ Thành cùng Lê Kiến Dũng mang quân vượt rừng vào Diễn châu, giữa đường xảy ra tao ngộ chiến nên Phạm Sĩ Thành chạy đến Vĩnh thành với Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư, chỉ có Lê Kiến Dũng đến được Diễn Châu vào trình mọi việc với Tĩnh Quốc đại vương Trần Quốc Khang. Tĩnh Quốc vương nghe tin con trai hàng giặc, tức giận vô cùng, liền lập tức điểm binh đi đánh Thanh Hoá để bắt Trần Kiện, lại viết thư phi báo cho Nhân Huệ vương ở Vĩnh thành biết để cùng đi.
Thật là:
Cũng dòng tôn quý có kém ai
Đang Trần sao bỗng đổi họ Mai2
Những tưởng ra hàng là thoát nạn
Nào ngờ từ đấy mới chông gai.
Việc Trần Kiện đầu hàng quân Nguyên khiến Tĩnh Quốc vương hết sức tức giận, không biết mang quân đi chuyến này thế nào. Xin bạn đọc xem tiếp chương sau.
1 Có tài liệu chép : Lý Châu Nương là con ông Lý Quýnh ở Cổ Pháp thuộc châu Bắc Giang (Bắc Ninh ngày nay).
1 Hoan thành: Tức thành Hoan Châu, thuộc Nghệ An.
1 Cửa Hới là nơi sông Nỗ (sông Mã) đổ ra biển. Xin đừng nhầm với Đồng Hới là nơi cửa sông Đại đổ ra biển ở Quảng Bình.
1 Lê Trắc: Vsta viết là Lê Xí, bản dịch An Nam chí lược của nhà xuất bản Thuận Hóa gọi là Lê Tắc.
1 Bàng Lệnh Minh: Tên chữ của Bàng Đức thời Tam Quốc, khi đánh nhau với Quan Công, ông cho lính khiêng theo một cỗ quan tài để tỏ ý đánh đến chết thì thôi, nhất định không chịu khuất phục.
2 Vu Cấm: Là một danh tướng nước Ngụy thời Tam Quốc, cùng Bàng Đức đi đánh Quan Công nhưng vì ươn hèn nên bị bắt và đầu hàng, sau bị Tào Phi hạ nhục, phải thắt cổ tự tử.
1 Sau này Lê Trắc sống lưu vong ở đất Nguyên, viết cuốn An Nam chí lược vẫn nói rằng: Kiện đem lũ Trắc cùng một vạn quân dâng vũ khí hàng.
1 Đôi câu đối này tôi được đọc cách đây đã mấy chục năm trong một cuốn sách nói về nghệ thuật sân khấu, bây giờ không còn nhớ được tên tác giả. Bạn đọc nào bổ cứu cho thì thật là may mắn lắm.
2 Khi công cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông hoàn toàn thắng lợi, nhà vua phế truất tước vị, dòng tộc của Kiện (mặc dù y đã chết), bắt mang họ Mai.
Đ.T