Đât Việt trời Nam- tiểu thuyết lịch sử của Đan Thành – chương 36)

ĐẤT VIỆT TRỜI NAM (Chương 36)

Đan Thành

Trung Thành vương phóng hoả Hồng Giang khẩu

Hoài Văn hầu tháo nước Hàm Tử quan..

ĐẤT VIỆT TRỜI NAM (Chương 36)

Đan Thành

Trung Thành vương phóng hoả Hồng Giang khẩu

Hoài Văn hầu tháo nước Hàm Tử quan

Sáng ngày hai mươi bảy tháng tư năm ất Dậu (1285), Hưng Đạo vương vào thành A Lỗ. Các tướng có mặt đông đủ. Chiêu Thành vương, Chiêu Văn vương nói:

– Việc để Lưu Thế Anh chạy thoát là lỗi ở chúng tôi. Xin quốc công định tội.

Hưng Đạo vương tươi cười nói:

– Tất cả đều có công, không ai có lỗi. Cả việc để Lưu Thế Anh chạy thoát cũng là công lớn đấy.

Chiêu Thành vương nói:

– Quốc công tiết chế nói như vậy là ý làm sao? Xin giải cho.

Hưng Đạo vương nói:

– Trước khi vào trận đánh ta đã nói rồi. Một trong những mục đích của trận A Lỗ là làm rung động thế trận của giặc. Lưu Thế Anh bại trận chạy về Thăng Long tất phải nói là quân ta rất mạnh để che lấp tội lỗi. Quân Nguyên nghe vậy tránh sao khỏi hoang mang lo sợ. Thoát Hoan, A Lý Hải Nha không đoán ra được hướng đánh của ta, không biết điều quân thế nào cho phải nên trù trừ lưỡng lự không quyết đoán. Tướng không quyết đoán, quân lại lo sợ thì chống với ta sao nổi. Trần Quốc Thành nghe lệnh.

Trần Quốc Thành bước tới gần tấm hoạ đồ dã chiến bằng da. Hưng Đạo vương cầm đoạn ngọn trúc chỉ vào từng điểm, nói:

– Ngươi hãy đem các thuyền chở lương tiến lên Thiên mạc. Khi qua đồn Tây Kết cứ ghé gần vào bờ mà đi cho quân Nguyên ở đấy trông thấy.

Trần Quốc Thành hỏi lại:

– Từ xưa tới nay đi đánh trận, việc chuyển lương thường phải giấu kín không cho giặc biết, nay quốc công lại bảo để cho quân Nguyên trông thấy, nhỡ chúng tấn công cướp mất, biết làm thế nào?

Hưng Đạo vương nói:

– Nếu giặc cướp mất lương, lỗi ấy ở ta chứ không phải ở ngươi.

Trần Quốc Thành nhận lệnh đi ra. Hưng Đạo vương gọi Chiêu Văn vương,  Chiêu Thành vương  đến, dặn:

– Mấy hôm nay nước dâng rất cao. Đêm nay hai vương hãy cho quân dùng thuyền nhỏ phục trong bãi lau gần đồn Tây Kết. Quân Nguyên ở đấy bị đói đã lâu, thấy thuyền lương của Trần Quốc Thành đi qua, thế nào Mãng Cổ Đài cũng ra cướp. Đợi nó mang quân ra rồi, Chiêu Văn vương đổ quân vây đánh. Chiêu Thành vương nhân lúc quân chúng rối loạn, cướp lấy đồn.

Chiêu Văn vương, Chiêu Thành vương nhận lệnh đi ra. Hưng Đạo vương dặn Hoài Văn hầu, Nguyễn Khoái:

– Phía trên đồn Tây Kết năm dặm có một doi cát ở giữa sông gọi là Thiên mạc, tách sông ra làm hai nhánh. Bên tả ngạn có thành Hàm Tử chặn ngay lối vào nhánh sông lớn. Hai ngươi mang quân phục sẵn bên ngoài, khi nào Triệu Tu Kỷ ra cứu Mãng Cổ Đài, thì chiếm lấy thành.

Lại gọi Trần Thông, dặn:

– Ngang với Tây Kết về phía hữu ngạn là đồn Chương Dương, ngươi mang thuyền đến, chỉ cần reo hò để doạ cho Phàn Tiếp không dám mang quân ra cứu Mãng Cổ Đài chứ không cần tiến đánh.

Trần Thông đi rồi, Hưng Đạo vương bảo Nguyễn Khả Lạp:

– Ngươi cho thuyền lên bãi Xích Đằng để uy hiếp đồn Đại Mang, không cho Trương Hiển ló mặt ra, cũng không cần đánh.

Các tướng nhận lệnh, ai đem thuyền nấy đi làm việc của mình. Hưng Đạo vương cùng Nguyễn Truyền, Yết Kiêu ở lại thành A Lỗ.

Thoát Hoan, A Lý Hải Nha, Giảo Kỳ ở Thăng Long liên tiếp nhận được tin cấp báo của Trương Hiển gửi về nói là Trần Quốc Tuấn đem quân đến Hải Thị, A Lỗ rất nhiều. Binh thuyền đóng hai bên sông thành đoàn, dài đến mấy mươi dặm. Tối hôm ấy A Lý Hải Nha thấy vậy mới nói mạnh rằng:

– Bây giờ thì tôi dám đoan chắc với thái tử là quân Nam nhất định đánh từ tuyến sông Cái lên.

Thoát Hoan trong lòng nghi hoặc, nói:

– Nếu đúng như vậy, sáng mai ta điều Đường Ngột Đải, Tôn Hựu xuống Hàm Tử quan, gọi Lý Hằng trở về Thăng Long.

Giảo Kỳ nói:

– Trần Quốc Tuấn hay dùng kỳ binh. Nếu quả thực binh lực của quân Nam trên mặt sông nhiều đến như vậy, sao chúng mới chỉ đánh có mỗi đồn A Lỗ? Vả lại nếu quân chúng nhiều thật đi nữa cũng không dễ gì vượt khỏi được Tây Kết, Hàm Tử. Bốn tướng Mãng Cổ Đài, Triệu Tu Kỷ, Phàn Tiếp, Trương Hiển dựa vào thế hiểm thừa sức ngăn quân Nam.

A Lý Hải Nha nói:

– Khổ lắm! Nếu đánh ở trên bộ thì đúng là bốn tướng của ta thừa sức ngăn quân Nam nhưng đánh thuỷ không thể thế được. Thuyền bè không có, dẫu là mười tướng cũng không ngăn được chúng chứ đừng nói chi bốn tướng. Hôm qua ông cũng cho là Quốc Tuấn đánh Hải Thị cơ mà?

Giảo Kỳ nói:

– Đúng như vậy. Tôi vẫn ngại về hướng ấy nhưng nghĩ lại, hướng Đông Bắc cũng có thể bị tấn công. Quân Nam đánh từ đấy xuống, đường vận lương của chúng thuận lợi hơn nhiều. Chi bằng không nên điều Đường Ngột Đải, Tôn Hựu về tuyến sông Cái vội. Chỉ cần gọi một mình Lý Hằng về Thăng Long thôi. Ngay đêm nay tôi xin đem quân xuống Hàm Tử quan. Nếu tình hình đúng như vậy, thái tử điều quân cũng chưa muộn.

Thoát Hoan nghe theo, nói:

– Thân vương nói đúng lắm. Tôi cũng cho là như vậy.

Lập tức cho Giảo Kỳ đến Đông Bộ Đầu thu nhặt tất tận được năm mươi đấu thuyền cùng với một nghìn năm trăm quân, ruổi thẳng xuống Hàm Tử quan. Thành ra Khoan Triệt chỉ còn lại vài chục chiếc thuyền nát.

Thoát Hoan tuy đã tính như thế nhưng trong lòng vẫn còn lo sợ, ngồi bàn việc với A Lý Hải Nha đến tận canh hai mới đi nằm, vẫn còn thao thức chưa ngủ được, bỗng nghe có tiếng pháo nổ liên hồi từ hướng Đông Bắc. Rồi quân lính chạy đến báo có bình chương quân sư cầu kiến. Thoát Hoan lật đật chạy ra. A Lý Hải Nha mặt mày tái mét, nói:

– Đúng là quân Nam đánh từ hướng Đông Bắc đến, lửa cháy rực trời ở Hồng Giang khẩu.

– Ta đã bảo mà! Ông cứ nói quân Nam đánh theo tuyến sông Cái lên nữa đi.

Thoát Hoan nói xong, liền gọi tổng bả A Lý, Hồ Kính, Lôi Hạ mỗi ngươi mang một nghìn quân đến cứu Hồng Giang khẩu, lại cho người đến Đông Bộ Đầu lệnh cho Khoan Triệt đem binh thuyền tiếp ứng mặt thuỷ. Khoan Triệt ít thuyền quá không dám đi, chỉ lệnh cho bọn Đường Phụng Nguyên, Nhan Tiết Bá, Đổng Nhạc, Phương Vạn Lợi chia quân giữ trại, còn mình mang mấy chiếc thuyền đi tuần loanh quanh trên sông.

Bọn A Lý, Lôi Hạ, Hồ Kính mang quân vừa ra khỏi thành, gặp ngay Mã Vinh, Cát Lý Hoa La ở Hồng Giang khẩu tất tả chạy về. A Lý nói:

– Có chúng tôi đến tiếp ứng đây. Xin thiên hộ tướng quân cùng quay lại đánh chúng.

– Trời ơi! Quân chúng đông lắm, đến mấy chục vạn ấy. Ba vị chứ ba mươi vị cũng không thể chống nổi. Em tôi là Mã Hiển tử thương rồi. Tốt nhất quay vào cố thủ trong thành bảo vệ thái tử là hơn.

A Lý nghe nói vậy cũng sợ, liền cùng các tướng quay về Thăng Long vào ra mắt Thoát Hoan, nói:

– Chúng tôi chưa kịp tới nơi, Hồng Giang khẩu đã bị quân Nam chiếm mất rồi nên đành quay lại.

Thoát Hoan gọi Mã Vinh, Cát Lý Hoa La vào, mắng rằng:

– Hồng Giang khẩu là tấm bình phong che cho mặt Đông Bắc, các ngươi để mất, chỉ sớm mai quân Nam sẽ đến chân thành này. Tội ấy tha sao được?

Nói xong, thét võ sĩ lôi hai người ra chém. Cát lý Hoa La nói:

– Chúng tôi bại trận bị chém là đáng lắm. Chỉ xin thái tử giữ gìn đề phòng hoả khí của quân Nam mới giữ vững được thành.

A Lý Hải Nha can:

– Mã Vinh, Cát Lý Hoa La thua trận là có tội nhưng quả thật quân Nam dùng hoả khí thì ngay tôi với thái tử cũng không chống được, vì thế không nên giết họ.

Thoát Hoan nghe theo, tha chết cho hai người, hỏi:

– Quân Nam đánh như thế nào mà các ngươi không chống nổi? Hãy nói lại tường tận ta nghe.

Mã Vinh mếu máo nói:

– Ghê sợ lắm thái tử ôi! Lúc chập tối chúng tôi đi tuần ở ngoài sông vẫn không thấy gì nhưng đến gần canh ba bỗng dưng nghe rất nhiều tiếng nổ đinh tai nhức óc. Tôi vội chạy ra xem, kinh khủng thay, cổng đồn nào cũng có hàng chục con rồng lửa thi nhau phun đạn tật lê vào. Lính canh cổng người bị lửa thiêu cháy, người bị đạn tật lê bắn phải, chết hết ngay trong những tiếng nổ đầu tiên. Lều trại, quân doanh bén lửa cháy đùng đùng. Quân Nam có đến mấy chục vạn, reo hò, nhảy qua lửa xông vào chém giết. Quân ta nghe tiếng pháo, sợ hãi không kịp trở tay, chết hại nhiều lắm. Em tôi là Mã Hiển xông ra đánh cản quân Nam, liền trúng ngay miệng rồng lửa, chết cháy cả người lẫn ngựa. Chúng từ dưới sông kéo đến ngày càng đông, không biết bao nhiêu mà kể. Chúng tôi không làm thế nào cản được hoả khí nên đành chạy về thành.

Mã Vinh vì muốn chạy tội, lại quá sợ hãi nên nói liều thế chứ thực ra quân của Trung Thành vương đi đánh Hồng Giang khẩu chỉ có hai trăm én thuyền chở được ba nghìn quân mà thôi. Thoát Hoan hỏi:

– Loại rồng lửa ấy nó như thế nào mà ghê gớm đến như vậy?

– Dạ! Trình thái tử! Tôi đi chinh chiến đã nhiều mà chưa bao giờ thấy loại long pháo ghê gớm thế này. Quả thật chưa biết tường tận nó ra làm sao, chỉ thấy chúng nổ ầm ầm, phun ra những lưỡi lửa dài nóng chết người cùng với đạn tật lê nhiều không kể xiết.

A Lý Hải Nha đỡ lời Mã Vinh, nói:

– Trước khi sang đây, tôi đã từng nghe nói Trần Quốc Tuấn chế ra nhiều loại hoả khí, dạy cho quân lính cách dùng để đánh trận. Có rất nhiều loại như thần hoả phi sa pháo, mã phong pháo1, lôi thanh pháo2, mộc pháo, lựu tử pháo3, dạ trúc pháo4. Chắc đêm qua quân Nam đánh Hồng Giang khẩu bằng loại dạ trúc pháo này.

Thoát Hoan nhíu mày hỏi:

– Quân sư có biết quân Nam chế loại pháo ấy như thế nào không?

A Lý Hải Nha nói:

– Trúc pháo dùng ống trúc to, dày càng tốt (ống bương, ống vầu), bên ngoài quấn chặt bằng da trâu sống rồi đem phơi khô cho chắc. Bên trong nhồi đạn tật lê cùng với hai mươi bốn viên đạn lửa lẫn với thuốc phóng, có ngòi cháy ở phía sau, phía trước bịt bằng nắp gỗ, lại chít bằng sáp ong cho thuốc nổ không bị ẩm. Ban đêm cho miệng pháo quay vào trại của đối phương, đốt ngòi. Miệng pháo phun ra một luồng lửa dài đến mấy chục trượng, trông như rồng phun lửa vậy. Hai mươi bốn viên đạn lửa có thể đốt cháy quân doanh. Ai bị trúng viên tật lê, chết ngay tại chỗ.

Thoát Hoan hỏi:

– Cũng giống như pháo lôi thanh chăng?

A Lý Hải Nha nói:

– Khác nhau nhiều chứ. Chỉ có hình dáng ống pháo cái là từa tựa như nhau thôi nhưng ống pháo cái của pháo lôi thanh được đúc bằng đồng hay sắt cơ.

– Quân sư nói kĩ hơn xem nào.

– Pháo lôi thanh viên đạn hình tròn vừa khít với ống pháo cái (nòng pháo). Bên trong viên đạn được đúc rỗng lại có nhiều khía như quả na. Dùng loại thuốc nổ hoả thần sa, liệt hoả phong, phi hoả thần yên, thần hỏa thần phong, pháp hoả thần yên, pháp hoả thần sa tuỳ theo liều lượng mà nhồi vào ruột quả đạn, có ngòi dẫn lửa. Trong nòng ống pháo cái nhồi liều thuốc phóng cũng có ngòi dẫn lửa. Đặt quả đạn vào trong nòng ống pháo cái, hướng về phía đối phương, châm lửa đốt ngòi. Phaó nổ đẩy quả đạn bay về phía cần bắn. Thuốc trong quả đạn cháy nổ vỡ tung những mảnh sắt ra bốn phía. Người ngựa trúng phải đều chết cả. Tường thành cũng phải đổ.

– Thế chẳng khác gì thần lôi trọng pháo của quân ta.

– Vâng! Đúng thế, có thể còn mạnh hơn. Vả lại thần lôi trọng pháo của ta viên đạn làm bằng đá, còn pháo lôi thanh viên đạn bằng sắt đúc.

Thoát Hoan than:

– Ngờ đâu Trần Quốc Tuấn có nhiều loại hoả khí mạnh như thế mà bây giờ mới đem ra thi thố, quân ta chống sao nổi đây.

A Lý Hải Nha  nói:

– Thái tử cho quân lính chặt tre đan thành nhiều tấm phên, phía trước lấy rơm trộn bùn phết lên một lần dày. Khi đối trận, cho những người khoẻ mạnh đẩy các phên ấy lên trước, cũng hạn chế được một phần thương vong cho quân sĩ.

Thoát Hoan nghe theo, liền bắt bọn Mã Vinh, Cát Lý Hoa La, A Lý, Lôi Hạ đem quân đi làm ngay trong đêm. Người chặt tre đan phên, kẻ lấy bùn trộn rơm làm đến sáng được mấy trăm cái phên tre, cho cả ra cổng Bắc thành, tiến về phía Hồng Giang khẩu để chống nhau với quân Việt. Thoát Hoan lại cho người đến Đông Bộ Đầu giục Khoan Triệt tiến binh chiếm lại Hồng Giang khẩu. Khoan Triệt hội các tướng thương nghị, nói:

– Thái tử giục ta tiến đánh Hồng Giang khẩu nhưng thuyền bè ít quá không thể đánh từ dưới sông lên được. Các tướng có mưu kế gì không?

Đường Phụng Nguyên nói:

– Thái tử chỉ bảo ta tiến binh đánh chiếm lại Hồng Giang chứ không nói là đánh thuỷ hay bộ. Quân của Mã Vinh cũng quay lại rồi. Ta cứ cho quân men theo bờ sông đánh lên, hợp với quân của Mã Vinh làm hai gọng kìm dẫu quân Nam có đông cũng không chống nổi hai mặt.

Nhan Tiết Bá nói:

– Đêm qua quân Nam toàn đánh bằng hoả khí. Quân ta người ngựa không có gì che chắn, tiến lên khác chi làm mồi cho hoả pháo của chúng. Theo tôi, nên vớt những thuyền hỏng nát cho lên xe đẩy đi trước làm bức thành chuyển động cho quân lính tiến theo sau mới được.

Khoan Triệt nghe theo kế ấy, tự mình cùng Đường Phụng Nguyên cho quân dô hò vớt hơn hai mươi chiếc thuyền hỏng đưa lên xe, cứ theo triền sông đẩy lên phía Hồng Giang khẩu, để Đổng Nhạc, Nhan Tiết Bá, Phương Vạn Lợi ở lại giữ Đông Bộ Đầu. Đường đi gập

gồ khấp khểnh lại toàn cát lầy, mãi giờ Thìn ba khắc mới lên đến nơi nhưng chẳng thấy quân Việt động tĩnh gì. Lát sau đám quân Mã Vinh, A Lý cũng ì ạch đẩy những phên tre trát bùn đến. Khoan Triệt nói:

– Quân Nam ở tịt trong đồn, không ra đánh. Chi bằng ta cứ tiến vào xem chúng làm gì.

Mã Vinh nói:

– Không nên! Tôi chắc bây giờ các miệng rồng lửa của chúng đã chĩa hết cả ra ngoài. Quân ta cứ tiến vào ắt làm mồi béo cho chúng.

Khoan Triệt mắng rằng:

– Nhà ngươi nhát như vậy hẳn nào chưa đánh đã chạy cũng phải.

Nói xong sai quân cứ đẩy các xe chở thuyền vào cổng đồn rồi vào trước sân doanh cũng chẳng thấy quân Việt đâu. Quân lính phía sau ùa cả lên hoá ra doanh trại chỉ còn là đống tro tàn, quân Việt đã rút đi đâu từ bao giờ rồi. Đường Phụng Nguyên nói:

– Thôi chết! Quân Nam lừa ta đem quân sang đây để chúng tiến đánh Đông Bộ Đầu rồi.

Khoan Triệt cũng nghĩ như vậy, mới bảo Mã Vinh:

– Ngươi ở đây hãy cho quân sửa lại đồn luỹ. Ta quay lại Đông Bộ Đầu đây.

Nói xong, lật đật kéo quân trở lại Đông Bộ Đầu phòng giữ nhưng suốt ngày hôm ấy không thấy quân Việt đến đánh. Bọn A Lý giúp Mã Vinh sửa lại đồn luỹ xong cũng kéo quân về Thăng Long, báo với Thoát Hoan:

– Chúng tôi chờ hết cả ngày nhưng không thấy quân Nam đâu cả.

A Lý Hải Nha nói:

– Đêm qua quân Nam đánh ở đây không nhiều nên chúng mới dùng hoả khí mạnh để quân ta phải sợ còn đại quân của chúng vẫn ở Hải Thị, A Lỗ.

Thoát Hoan nói:

– Mã Vinh đêm qua chạy về đây chả nói là quân Nam có đến mấy chục vạn là gì. Ta chỉ sợ Lưu Thế Anh cũng nhìn gà hoá cuốc như vậy thôi. Ngay cả Tản Đáp Nhi Đải nữa cũng có khi bị lừa thế cả. Để đợi tin của Giảo Kỳ điện hạ xem thực hư thế nào đã.

Nói về Trung Thành vương sau khi cho quân đột kích đốt cháy đồn Hồng Giang khẩu, liền theo lời dặn của Hưng Đạo vương, xuôi thuyền về hạ lưu để kịp đánh Tây Kết, cũng không biết thuyền của Giảo Kỳ đi ngay ở phía trước. Giảo Kỳ đi chừng ba mươi dặm, nghe thấy tiếng pháo nổ liên hồi ở Hồng Giang khẩu, lại nghĩ Thăng Long có biến nên quay thuyền trở lại cứu, thế là bất ngờ gặp ngay đoàn thuyền của Trung Thành vương đang xuôi xuống. Đêm ấy là hai mươi bảy, không có trăng. Hai đoàn thuyền gặp nhau mà không biết quân bên nào, mãi khi sáp mạn, nghe tiếng nói mới biết. Trung Thành vương liền hô quân vây đánh, lại sai đốt mã phong pháo ném sang. Mấy chục đấu thuyền của Giảo Kỳ không chống nổi, chìm gần hết, quân lính chết đuối quá nửa. Tuỳ tướng của Giảo Kỳ là Một Tàng Yếu Giang trúng đạn tật lê chết ngay trong khoang thuyền. Giảo Kỳ dẫn Một Tàng Độc Long, Tổ Đại, Trịnh Ngu cùng số quân còn lại bỏ thuyền chạy đến Chương Dương. Phàn Tiếp đang đi tuần trên mặt thành Chương Dương, thấy có tiếng người ngựa xôn xao phía dưới, tưởng là quân Việt tiến đánh, liền sai bọn Chúc Khoáng, Chúc Đạt cho quân bắn xuống làm quân của Giảo Kỳ chết thêm mấy trăm người nữa. Trong đó có cả Trịnh Ngu. Tổ Đại gọi to lên rằng:

– Trên ấy đừng bắn nữa. Có Giảo Kỳ điện hạ đến đấy.

Phàn Tiếp nghe đúng tiếng quân nhà mới thôi bắn, ra mở cửa đón vào.

Để thấy rõ toàn cục tình hình chiến sự, trước khi nói việc quân Việt đánh chiếm Tây Kết, Hàm Tử, xin hãy nói chuyện Minh Lý Tích Ban dẫn bọn hàng tướng Trần Tú Hoãn về Nguyên xin viện binh và cầu phong. Đáng lý ra Trần Kiện làm chánh sứ, Bá ý làm phó sứ, nhưng vì Trần Kiện bị Nguyễn Địa Lô bắn chết, Bá ý quay lại nên Minh Lý Tích Ban lấy Trần Tú Hoãn làm chánh sứ, Trần Lộng làm  phó sứ, tức tốc về thẳng Yên Kinh xin vào yết kiến Hốt Tất Liệt. Lúc bấy giờ là cuối mùa xuân, cây cỏ tươi tốt, muông thú rất nhiều, ngày nào Hốt Tất Liệt cũng dẫn bách quan đi săn nên Minh Lý Tích Ban phải chờ mất mấy ngày mới được vời vào diện kiến. Minh Lý Tích Ban dẫn bọn Trần Tú Hoãn cùng vào, bái lạy, chúc lời vạn tuế rồi tâu rằng:

– Từ khi thái tử vượt qua Khả Lan Vi vào cõi Nam, thế mạnh tựa chẻ tre, quân đi như nước chảy, không đồn nào không tan, không ải nào không vỡ, chỉ hơn hai tháng đã đến được kinh thành nước Nam, khiến vua chúng sợ hãi phải bỏ cả thành trì chạy ra hải đảo. Tướng của chúng là Trần Quốc Tuấn thua luôn mấy trận, trước mất Nội Bàng, sau bỏ Vạn Kiếp trốn vào nơi rừng núi của miền Hải Đông. Nhưng nay thời tiết nóng bức, quân ta không chịu nổi sinh ra ôn dịch, bệnh tật rất nhiều, không đủ thuốc chữa trị, lương thực cũng cạn, lòng quân có bề nao núng. Xin chúa thượng cho thêm viện binh cùng quân lương mới có thể bình định xong xứ ấy được.

Hốt Tất Liệt phán:

– Đã chiếm được nước nó thì lấy lương thực của nó mà dùng, sao phải quay về xin quân lương?

Minh Lý Tích Ban nói:

– Từ vua đến dân xứ ấy không ăn lương thực như quân ta. Chúng toàn dùng rau cỏ thay cơm, đào trong rừng được thứ gì ăn thứ ấy chứ đâu có trồng cấy như Trung Nguyên. Quân ta có đến mấy chục vạn, không thể ăn uống như chúng được.

Hốt Tất Liệt nói:

– Lạ thật! Ta vẫn nghe nói xứ ấy nhiều sản vật quý, dân cư đông đúc, đồng ruộng tốt tươi lắm cơ mà?

Minh Lý Tích Ban tâu:

– Vâng! Các đoàn sứ thần ai về cũng nói thế nhưng thực ra người Nam chỉ có một ít ruộng ở quanh kinh thành trồng lúa để tiếp đón sứ thần các nước, còn những nơi khác sông ngòi chi chít, đồng trắng nước trong, dân tình mông muội lắm.

Quan bình chương hành thỉnh Kinh Hồ bấy giờ là áo Lỗ Xích, nói:

– Không thể có chuyện như tướng quân Minh Lý Tích Ban nói được. Thần cũng đã từng sang An Nam, thấy khắp nơi đồng ruộng của họ tốt tươi lắm, dân cư đúng là cũng đông đúc trù phú chẳng khác gì Trung Nguyên.

Quan thượng thư Sài Thung biết là Minh Lý Tích Ban láu lỉnh tâu liều nhưng muốn Hốt Tất Liệt cử viện binh cứu Thoát Hoan nên nói rằng:

– Quan bình chương và tướng quân đây cùng nói đúng cả nhưng quan bình chương chỉ nhìn thấy nước Nam vào mùa nước cạn. Còn nay đang là lúc nước dâng cao, lại đúng như lời tướng quân Minh Lý Tích Ban vừa nói. Xứ ấy trời nắng như thiêu, làm cho nước nóng bỏng, đến cua cá cũng phải ngoi lên mà chết. Quân ta ở xứ lạnh sang chịu sao nổi. Mùa này cả nước chúng đều sống bằng nghề bắt cá mà thôi. Tổ tiên nhà Trần trước đây cũng là ngư dân cả. Theo thần, hoàng thượng nên cử ngay viện binh đi giúp thái tử mới được.

Hốt Tất Liệt nghe lời Sài Thung, liền xuống chỉ cho áo Lỗ Xích điều ngay mười vạn quân hành tỉnh Kinh Hồ, ba mươi vạn thạch lương, giao cho A Bát Xích làm tướng chỉ huy cùng Minh Lý Tích Ban lập tức lên đường sang Đại Việt. áo Lỗ Xích tuân chỉ về ngay Hồ Quảng kiểm điểm quân lương. Minh Lý Tích Ban lại tâu việc Trần Tú Hoãn sang xin cầu phong. Các quan trong khu mật viện đều nói:

– Thái tử mang quân đi lần này thành công thì An Nam sẽ thành quận huyện của nhà Nguyên ta, cần gì phải phong vương cho ích Tắc.

Minh Lý Tích Ban tâu:

– Nay ta chưa thâu tóm được nhân tâm xứ ấy, xin thánh thượng cứ phong cho chúng để chúng phục dịch cho ta. Khi nào dân tình đã thuần thục hãy trừ chúng đi cũng có khó gì.

Thượng thư Sài Thung nói vào:

– Lời Minh Lý tướng quân rất đúng. Xin chúa thượng minh xét.

Hốt Tất Liệt nói:

– Thôi được! Việc này để sau hẵng hay.

Trong khi đạo viện binh của nhà Nguyên hùng hổ tiến sang Đại Việt, trên tuyến sông Cái, Trần Quốc Thành nhận lệnh của Hưng Đạo vương đem đoàn thuyền lương ngược nước đi lên. Khoảng cuối giờ Dần, trời tang tảng sáng tiền đội đến ngang cửa đồn Tây Kết. Tuỳ tướng của Mãng Cổ Đài là Mao Hội đang đi tuần trông thấy, liền vào tướng doanh báo lại. Mãng Cổ Đài còn đang ngủ, nghe vậy nhỏm ngay dậy chạy ra xem, thấy thuyền lương quân Việt lũ lượt kéo đi, nối nhau dài đến mấy dặm liền mà không có lính canh giữ, chỉ những người chân sào ra sức đẩy cho thuyền tiến lên một cách nhọc nhằn. Hai tướng Liêm Võ, Văn Kỳ Sương cùng nói:

– Chiếm được đoàn thuyền lương này, ta không phải nhịn đói nữa, còn có thể rủng rỉnh giúp các đồn xung quanh.

Mãng Cổ Đài nghe nói vậy nuốt nước dãi đánh ực! Ra vẻ thèm thuồng lắm, nói với các tướng:

– Bọn người Nam khinh quân ta không có thuyền nên mới dám nghênh ngang ngạo mạn thế này. Mao Hội ở lại giữ đồn để ta cùng Văn Kỳ Sương, Liêm Võ mang quân ra cướp lương về cho mà chén.

Mao Hội nói:

– Tôi nghe nói Trần Quốc Tuấn là người dùng binh cẩn trọng lắm, lẽ nào lại hớ hênh thế. Ngộ nhỡ có mưu kế gì chăng.

Mãng Cổ Đài nói:

– Chẳng qua là chúng mới thắng được đồn A Lỗ nên đắc chí thế thôi. Trần Quốc Tuấn dám chở lương đi giữa thanh thiên bạch nhật là trong lòng có ý kiêu căng, Binh kiêu tắc bại. Ta đem quân đánh, nhất định cướp được. Ngươi chớ có lo.

Nói xong liền cùng Liêm Võ, Văn Kỳ Sương đem ba nghìn quân lên bè tre tiến ra nhưng vì bè tre đi ngược nước không nhanh bằng thuyền nên chỉ cướp được mấy thuyền đi sau mà chẳng tổn hại một người lính nào. Thôi thế cũng đủ cho lính có cái cho vào bụng cả tháng rồi. Mãng Cổ Đài nghĩ vậy thoả mãn lắm, cho quân kéo những thuyền lương trở vào. Lính Nguyên mừng vui khôn xiết, cười nói vang cả mặt nước. Bỗng đâu nổ một tiếng pháo, trong những bãi lau quanh đấy thuyền quân Việt đổ ra không biết bao nhiêu mà đếm, chặn mất đường về của quân Nguyên. Mãng Cổ Đài sợ đến ríu cả lưỡi, không biết ra lệnh thế nào nữa. Mấy trăm thuyền của Chiêu Văn vương vây chặt đám bè tre của Mãng Cổ Đài. Triệu Trung, Phó Tường, Trương Tích, Giả Cương, Tiết Hùng cùng các tướng đồng loạt thúc quân tiến đánh. Mãng Cổ Đài nhảy ùm xuống nước trốn vào bờ lau. Liêm Võ rơi xuống sông bị nước cuốn mất tích. Văn Kỳ Sương bị Phó Tường vụt một roi chết ngay trên sạp bè. Ba nghìn quân Nguyên tan tành cả, số còn lại bị bắt không thoát một người nào.

Trong lúc Chiêu Văn vương vây đánh Mãng Cổ Đài, Chiêu Thành vương cho quân tiến đánh đồn Tây Kết, dùng hoả khí bắn vào. Doanh trại quân Nguyên bốc cháy đùng đùng. Hai nghìn quân Nguyên còn lại trong đồn chết cháy, mùi khét theo khói bốc lên mờ mịt cả bầu trời. Một mình Mao Hội không chống cự nổi, lại không có đường chạy, liền thét lên một tiếng vang trời:

– Thái tử ơi! Thần chết ở đây.

Nói xong đâm kiếm vào cổ mà chết.  Chiêu Thành vương cho quân tiến vào đồn dập tắt lửa, lùng bắt những lính Nguyên sống sót đang tìm đường lẩn trốn. Phàn Tiếp ở bên hữu ngạn vừa đón Giảo Kỳ vào thành Chương Dương lại thấy bên Tây Kết lửa cháy ngút trời, khói bốc đến tận mây xanh, liền gọi Hạ Tổ Huy, Chúc Đạt dặn:

– Hai ngươi mang ngay một nghìn quân vượt sông sang cứu Tây Kết.

Hạ Tổ Huy, Chúc Đạt nhận lệnh, mang quân ra đến bờ sông, thấy trên mặt nước thuyền quân Việt  nhiều  như  lá rừng, lính Việt cầm nỏ, cầm giáo, miệng hô “ sát Thát!  Sát Thát”!

Người người đều muốn xông lên bờ. Hai tướng Nguyên hoảng sợ, đem quân chạy về thành. Phàn Tiếp cho quân lên mặt thành chống giữ, không dám ló mặt ra nữa.

Trong khi đó Triệu Tu Kỷ ở Hàm Tử quan cũng định dẫn quân đến cứu. Văn Bảo Khanh nói:

– Thế quân Nam đang cường, chúng đánh Tây Kết mà không động chạm gì đến đồn ta là điều rất đáng ngờ. Có khi chúng chỉ chờ tướng quân đi cứu Tây Kết liền ập đến đánh đồn ta cũng nên.

Triệu Tu Kỷ nói:

– Ta không cứu, Mãng Cổ Đài nguy mất. Để mất đồn Tây Kết, thành ta cũng chẳng thể đứng yên được.

Nói xong liền điểm binh nhưng chưa kịp đi, có hơn chục lính Nguyên từ Tây Kết chạy thoát đến được, nói:

– Đồn trại ở Tây Kết cháy hết. Quân Nam đánh bằng hoả khí, các tướng đều chết không còn một ai. Người Nam đã vào chiếm đồn rồi. Tướng quân không nên ra ngoài, cứ giữ lấy thành thôi.

Triệu Tu Kỷ hỏi các tướng:

– Ta vẫn nghe quân Nam dùng hoả khí bắn vào thành rất là lợi hại. Các ngươi có kế gì chống đỡ không?

Liêm Cơ nói:

– Từ cổ tới giờ phàm muốn chống lửa, phải dùng nước và bùn. Ta nên trát bùn ướt vào ván gỗ mà làm lá chắn mới có thể chống được.

Văn Bảo Khanh nói:

– Đồn chúng ta ở chỗ trũng, mặt luỹ chỉ ngang với mặt nước sông là cùng. Trong đồn có nhiều đống rơm khô. Tướng quân cho lính bện thành lọn, kết từng tấm ngâm nước cho ướt, trát bùn ra ngoài, đem ra chắn được cả lửa lẫn đạn. Mặt khác, đem lính đào thêm đất đắp cho mặt luỹ cao lên.

Định Nguyên nói:

– Tôi nghĩ không những phải chống hoả khí mà còn cần đề phòng quân Nam tháo nước vào đồn nữa.

Triệu Tu Kỷ nói:

– Tất cả những điều các ngươi nói đều có lý cả. Liêm Cơ đem năm trăm quân đi làm phên chắn lửa. Văn Bảo Khanh đem một nghìn rưỡi quân đi đào đất đắp cho luỹ cao thêm lên. Định Nguyên đi tuần, thấy quân Nam đến, phải báo ngay.

Các tướng nhận lệnh, ai vào việc ấy. Triệu Tu Kỷ ngồi lại nơi tướng doanh bóp trán suy nghĩ.

Đây nói Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản cùng tướng quân Nguyễn Khoái đem quân phục ngoài thành Hàm Tử nhưng mãi cuối giờ Thìn vẫn không thấy Triệu Tu Kỷ ra. Hoài Văn hầu nói với Nguyễn Khoái:

– Thằng này nhát chết không dám ra. Đã thế ta đem quân đánh cho chúng biết tay. Ta đánh thẳng vào cổng Tây, còn tướng quân cho quân sang cổng Đông. Hai bên cùng bắn hoả pháo vào thiêu cho chúng một mẻ.

Nguyễn Khoái nghe theo liền đem quân vòng sang cổng Đông, bắc hoả pháo bắn vào cổng thành nhưng cổng thành đã được quân Nguyên phủ một lớp bùn trộn rơm dày, lửa phun vào không hề hấn gì. Quân Việt trèo lên những chiếc xe thang cao có chòi, bắn pháo vào trong luỹ. Quân Nguyên dùng tấm phên chống lửa che chắn khắp nơi. Lửa không bén tới trại lính, đạn tật lê không xuyên thủng được lọn rơm. Quân Nguyên trèo lên những chòi cao trong luỹ bắn tên, bắn đá ra làm nhiều lính Việt thương vong. Nguyễn Khoái phải cho quân lùi lại.

Bên cổng Tây, Hoài Văn hầu cho quân dùng xung xa phá cổng thành nhưng cổng thành chắc lắm, không làm sao phá được. Quân Nguyên lại dựng những tấm phên chống lửa trên luỹ cao ngất làm hoả pháo không sao bắn được vào thành. Lê Ương là tướng cũ của Bảo Nghĩa vương Trần Bình Trọng giờ đi theo Hoài Văn hầu, hiến kế rằng:

– Giặc làm đồ chống lửa, ta đánh bằng nước xem chúng làm sao. Thành này thấp hơn mặt nước sông, nếu ta khơi nước qua đê tất chúng ra ếch nhái cả.

Phạm Thắng nói:

– Không được! Khai đê sông cái cho nước vào, dân chúng quanh vùng này cũng chịu ngập hết cả. Đồng ruộng khoai lúa chìm hết, dân lấy gì mà sống. Cái hại ấy còn gấp mười cái lợi thu được.

Đỗ Văn Hưởng nói:

– Tôi có cách này có thể tháo nước vào thành mà không sợ dân chúng xung quanh ngập lụt.

Hoài Văn hầu bảo:

– Anh cứ nói đi.

– Từ đê sông cái vào đến cổng Tây chưa đầy trăm bước. Quân ta đông thế này, cho đào đất đắp con mương nổi dẫn nước vào thành. Ba cổng kia lấy đất bịt kín lại rồi hẵng phá đê, thành này hoá ra cái hồ nổi còn gì. Lúa má hoa màu của dân chúng vẫn sẽ bình yên vô sự.

Hoài Văn hầu nghe theo kế ấy, cho Đỗ Văn Hưởng cùng với Giang Biền đem năm nghìn quân đi đắp mương nổi, lại bảo tướng quân Nguyễn Khoái cho lính lấy đất lấp kín ba cửa Đông, Nam, Bắc. Chỉ hơn một canh giờ sau, mương nổi đã đắp xong, ba cổng thành kia cũng được bịt kín. Hoài Văn hầu sai lính phá đê. Nước sông đang cường, chảy vào như thác đổ. Quân Nguyên trong thành sợ hết cả hồn, gào khóc, kêu thét thảm thiết, kéo nhau lên mặt luỹ. Hoài Văn hầu, Nguyễn Khoái sai lính bắc hoả pháo bắn lên. Quân Nguyên chết hại không biết bao nhiêu mà kể. Lúc sau nước vào đầy trong thành, Hoài Văn hầu cho ba nghìn quân đào đất đắp lại chỗ đê vừa bị phá. Thành ra doanh trại quân Nguyên bị ngâm trong một ao nước nổi giữa đồng. Thân tướng của Triệu Tu Kỷ là Liêm Cơ nói:

– Hay ta phá tường thành cho nước thoát ra.

Định Nguyên nói:

– Không được! Tường thành bị phá, quân Nam xông vào ngay. Quân ta ít, làm sao chống đỡ.

Lúc bấy giờ quân của Chiêu Văn vương đã diệt xong bọn Mãng Cổ Đài liền tiến đến Hàm Tử hợp với Hoài Văn hầu đánh Triệu Tu Kỷ. Triệu Trung dẫn Giả Cương, Tiết Hùng đi tiên phong. Văn Bảo Khanh trông thấy trong quân Việt có cả người Tống, nói với Triệu Tu Kỷ:

– Chết rồi! Chưa chừng người Tống đã lấy lại được Trung Nguyên, đem quân sang đánh giúp người Nam chăng. Tình thế đã đến nước này dẫu có muốn giữ cũng không được nữa. Chi bằng tướng quân chạy về Thăng Long cấp báo sớm với thái tử để còn định liệu.

Triệu Tu Kỷ nói:

– Quân Nam đông như kiến, vây kín bốn mặt thế kia, làm thế nào mà thoát ra bây giờ.

Liêm Cơ, Văn Bảo Khanh cùng nói:

– Để chúng tôi khai huyết lộ cho tướng quân ra.

Hai tướng nói xong, xông lên trước đánh nhau với quân Việt. Định Nguyên ở phía sau nói với quân sĩ:

– Chúng ta phải cố đánh mở lấy đường ra chứ ở đây cũng chết cả thôi.

Quân Nguyên vì quá sợ hãi không nghĩ gì đến đánh nhau nữa, bỏ chạy tán loạn, bị hoả pháo của quân Việt bắn chết nhiều lắm. Hoài Văn hầu thúc quân ùa vào đánh bắt. Quân Việt người người hăng hái tràn lên, đồng thanh hô lớn:

– Sát Thát! Sát Thát.

Tiếng hô truyền lan trên mặt sóng, vang xa đến mấy chục dặm. Quân Nguyên run rẩy chui rúc khắp nơi. Rất nhiều kẻ bị bắt, bị giết, thây nằm đầy đồng. Nguyễn Khoái trông thấy Định Nguyên đang chạy, liền đuổi theo, đưa một đao. Định Nguyên vỡ bả vai lăn xuống chết. Liêm Cơ trên người bị mấy vết thương vẫn phải cùng Văn Bảo Khanh cố đánh chặn cho Triệu Tu Kỷ chạy ra ngoài vòng vây. Triệu Tu Kỷ ra được khỏi vây, cứ ngược lên hướng bến Bồ Đề mà chạy. Liêm Cơ không còn đủ sức theo chủ, đành chết trong đám loạn quân. Văn Bảo Khanh trúng tên thuốc độc, chạy về đến Bồ Đề, lăn ra chết ngay trước cửa doanh, làm cho quân Nguyên ở đây càng thêm hoảng sợ. Triệu Tu Kỷ qua cầu phao sang Thăng Long báo rõ mọi chuyện với Thoát Hoan, A Lý Hải Nha. Thoát Hoan mắng:

– Các ngươi chỉ là một lũ ăn hại. Quân Nam chỉ có mấy ống phaó vớ vẩn, bắn dọa thế thôi chứ lấy đâu ra lắm quân đến thế. Nếu quả nhiên Trần Quốc Tuấn đem đại binh đến đấy, Giảo Kỳ điện hạ đã báo về cho ta rồi.

Triệu Tu Kỷ nói:

– Tôi có thấy thân vương Giảo Kỳ đến đâu! Thôi. Thế này thân vương điện hạ lành ít dữ nhiều rồi. Chính mắt tôi còn nhìn thấy quân Tống đánh giúp quân Nam nữa. Không biết ở Trung Nguyên có chuyện gì không.

Thoát Hoan nói:

– Thân vương chưa đến nơi, ngươi đã để mất thành rồi còn đâu nữa. Ngươi nói ở Trung Nguyên có chuyện gì. Chẳng lẽ nhà Tống đã được khôi phục hay sao? Có mà nằm mơ!

Lưu Thế Anh biết là Triệu Tu Kỷ bị mắng oan nhưng không biện minh thế nào được. A Lý Hải Nha nói:

– Sớm tối hôm nay chắc sẽ có tin của thân vương điện hạ.

Còn đang thương nghị, có lính vào báo người của thân vương Giảo Kỳ đã về. Thoát Hoan liền cho vào. Người lính bước vào quì dâng thư. Thoát hoan mở đọc xong, kêu lên rằng:

– Trời ơi! Đúng có Trần Quốc Tuấn ở đây, ta không kịp trở tay mất rồi.

Thật là:

Uất hận trào sôi dòng cuộn chảy

Tanh nồng máu đỏ nước Hoàng giang

Chiến mã tung bờm tai dựng ngược

Hàm Tử như còn: Sát Thát!- Vang.

Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản đánh thắng trận ấy, quét sạch con đường bên tả ngạn từ Hải Thị lên đến Thăng Long. Mời bạn đọc tiếp chương sau xem Thoát Hoan, A Lý Hải Nha chống đỡ với quân Việt thế nào. Cảm ơn sự theo dõi của bạn.


1 Mã phong pháo: Là pháo ong bầu vẽ.

2 Lôi thanh pháo: Pháo tiếng sấm hay pháo sấm vang.

3 Lựu tử pháo: Pháo hạt lựu.

4 Dạ trúc pháo: Pháo trúc đánh ban đêm – Tất cả các loại pháo kể trên có ghi trong cuốn Binh thư yếulược của Trần Hưng Đạo nhưng cũng có tài liệu nghi ngờ rằng cuốn Binh Thư Yếu Lược này là của người đời sau viết ra. Còn cuốn của chính Trần Hưng Đạo viết đã thất lạc từ lâu rồi.

Đ.T

 

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder