Đât Việt trời Nam- tiểu thuyết lịch sử của Đan Thành – chương 40)

ĐẤT VIỆT TRỜI NAM (Chương 40)

Đan Thành
Thái tử chui ống qua Thạch Mã khê

Bình chương thí quân vượt Phù Ninh động..

ĐẤT VIỆT TRỜI NAM (Chương 40)

Đan Thành
Thái tử chui ống qua Thạch Mã khê

Bình chương thí quân vượt Phù Ninh động

Điền Vu dẫn một trăm lính Nguyên bò lên ải thấy bỏ không, chẳng có một người lính Việt nào, cười bảo:

– Thế này mà ai cũng nói người phương Nam dùng binh tài lắm. Hoá ra chỉ toàn chuyện tào lao. Nếu chúng biết chặn ở ải này, thái tử nhà chúng ta chỉ có ngồi mà khóc.

Nói xong cho lính phất cao ngọn cờ màu vàng. Quân Nguyên phía dưới nhận được tín hiệu, lếch thếch kéo nhau lên.

Đây nói Phạm Ngũ Lão từ khi đánh chiếm được tuyến tiếp lương của quân Nguyên, cùng với Lương Uất, Nguyễn Thế Lộc chia quân giữ chặt cửa biên giới, được tin Thoát Hoan thua chạy, liền họp các đô binh bàn cách chặn đánh. Vương Thanh, Văn Thắng, Đoàn Hoa đều nói:

– Trên suốt tuyến đường này chỉ có ải Khả Ly là nơi hiểp yếu nhất. Ta đóng quân chặn nơi ấy tất Thoát Hoan hết đường.

Phạm Bình nói:

– Giặc tuy thua nhưng để chúng tập trung ở một nơi khó mà đánh được. Chi bằng ta phục binh ở ba nơi là khu rừng nứa cạnh thôn Biên Trú, dốc Động Bản rồi đến ải Khả Ly. Thoát Hoan có cánh cũng không qua nổi.

Lã Kiều, Hạ Hầu Vân nói:

– Chúng tôi cho rằng khoảng đồng rộng phía Bắc ải Nội Bàng chính là nơi nên phục binh, nếu dồn được Thoát Hoan vào chỗ ấy việc bắt chúng chẳng có khó gì.

Quách Ngung, Hứa Dĩ cũng có chủ kiến riêng. Phạm Ngũ Lão để mọi người bàn cãi một lúc, mới bình tĩnh nói:

– Rất đáng mừng các anh đều muốn bắt cho được Thoát Hoan. Cách bố trí binh lực mỗi người mỗi khác. Ai cũng có lý riêng nhưng thật ra Nội Bàng, Biên Trú, Bản Động và cả các ải Khả Ly, Lộc Bình cũng chưa phải là nơi thích hợp để đặt phục binh.

Mọi người đều ngạc nhiên, im lặng nghe Phạm Ngũ Lão nói tiếp:

– Các anh thấy khó hiểu phải không? Hưng Đạo vương dặn phải bày trận ở gần trại Vĩnh Bình để đón Thoát Hoan.

Văn Thắng nói:

– Vĩnh Bình là nơi tiếp gần đất giặc. Bày trận ở đấy chặn chúng sao được.

Phạm Ngũ Lão nói tiếp:

– Đúng! Quân ta và cả quân Nguyên không ai nghĩ Vĩnh Bình là nơi thích hợp cho việc đặt phục binh. Đấy chính là chỗ bất ngờ để lập nên chiến công vậy. Quân Nguyên có rất nhiều kẻ bị thương, nếu giao chiến ngay, chúng tạm gượng đánh nhau được nhưng qua vài ba ngày lê về đến Vĩnh Bình, vết thương sưng tấy mưng mủ, phát sốt phát nóng lại thêm đói khát, chúng còn chống lại ta sao được nữa. Vả lại chúng chạy suốt một chặng đường dài, qua bao nhiêu hiểm địa không gặp phục binh, khi về gần đến đất của chúng tất không còn phòng bị gì nữa. Ta nhè lúc ấy mà đánh, có muốn không thắng cũng không được.

Phạm Ngũ Lão vừa ngừng lời. Các tướng đều vui vẻ nói:

– Hưng Đạo vương suy tính, trù liệu mọi điều chu đáo lắm, dẫu Tôn, Ngô ngày xưa cũng không hơn được.

Phạm Ngũ Lão tiếp lời, phân công các tướng:

– Phạm Bình nghe lệnh. Phía Tây Lộc Bình cách hai mươi dặm có một lối rẽ đi đến Ngạc thành.  Anh mang năm trăm quân  đến đấy, đốt nhiều khói, cắm nhiều cờ làm nghi binh để

doạ Thoát Hoan, khi nào thấy pháo nổ nhiều ở Vĩnh Bình, mau đem quân về tham chiến. Quách Ngung, Hứa Dĩ hai vị đem quân phục ở sau ngọn đồi Ô Long phía tả trại Vĩnh Bình. Lã Kiều, Hạ Hầu Vân ém quân trong rừng lim mé hữu. Các đội dù thấy quân Nguyên đến cũng không được manh động, khi nào nghe pháo nổ liên thanh trên đồi Ô Long mới cùng xông ra đánh. Từ Vĩnh Bình chạy qua biên giới có một khe núi gọi là Thạch Mã khê. Đoàn Hoa, Vương Thanh mang một nghìn tay nỏ đến đấy phục, quân Nguyên thua chạy về, cứ việc bắn. Văn Thắng cùng ta lên đồi Ô Long.

Các tướng ai nấy mang quân của mình đi làm phận sự. Phạm Ngũ Lão đến đồi Ô Long cho người phi báo với tướng Lương Uất, Nguyễn Thế Lộc, cùng hợp binh đánh giặc.

Sáng hôm sau, bọn A Lý Hải Nha, Giảo Kỳ, A Lý chạy về đến Vĩnh Bình. Văn Thắng ở trên gò Ô Long trông thấy, bảo với Phạm Ngũ Lão:

– Quân Nguyên đã đến. Ta nên phát lệnh tiến đánh.

Phạm Ngũ Lão nói:

– Bọn này mới là đội tiền quân. Cứ để cho chúng đi qua. Lát nữa đại binh của Thoát Hoan đến ta mới ra tay.

A Lý Hải Nha, Giảo Kỳ đang đi, phía sau có năm sáu kị binh chạy tới. Mã Vinh ra chặn lại, hoá ra là Đường Ngột Đải. A Lý Hải Nha hỏi:

– Thái tử đâu?

Đường Ngột Đải vừa thở vừa nói:

– Quân Nam rất đông, chúng dùng tượng binh tiến đánh. Quân ta không chống nổi, chết nhiều lắm, số còn lại bỏ chạy tán loạn mỗi người mỗi nơi, không biết thái tử chạy hướng nào. Sắp đến đất ta rồi, đi nhanh lên không nó giết ráo cả.

A Lý Hải Nha liền hạ lệnh cho quân lính đi nhanh qua Thạch Mã khê rồi kéo thẳng về Tư Minh, bỏ mặc Thoát Hoan cùng hơn năm vạn quân đi rớt lại phía sau.

Thoát Hoan chạy qua được ải Khả Ly trời đã tối. Các tướng xin cho quân nghỉ lấy sức và kiếm cái ăn. Thoát Hoan nói:

– Chưa nghỉ được. Thừa lúc buổi tối mát giời, cứ đi đến Lộc Bình rồi nghỉ.

Nói xong giục các tướng thúc quân đi lên. Lính Nguyên nhiều người bị thương không theo kịp, nằm chết gục hai bên đường, những người còn sống đói lả không muốn lê bước nữa. Cùng với đoàn quân tơi tả kéo dài lê thê là những tiếng kêu khóc khoáy vào đêm đen, chẳng khác gì cuộc hành binh của những hồn ma giữa chốn núi rừng. Lý Hằng nói:

– Tốt nhất ta nên cho quân lánh tạm vào rừng nghỉ lại ở đây, chứ ở Lộc Bình thế nào chẳng có quân Nam.

Lý Quán nói:

– Đúng lắm! Tôi cũng cho rằng quân Nam thế nào cũng đợi chúng ta ở Lộc Bình. Vả lại, quân ta đói mệt không thể đi thêm được nữa rồi.

Thoát Hoan gắt:

– Các ngươi thì biết cái gì. Đói mệt không bằng bị nó giết chết, cố mà đi. Quân Nam đã không chặn ở Khả Ly tất Lộc Bình cũng không có. Tiền đội của bình chương quân sư đuổi hết chúng đi rồi. Ta chỉ lo bọn tượng binh ở phía sau đuổi kịp thôi.

Quân Nguyên nghe nói đến tượng binh ai cũng sợ, phải cố sống cố chết mà đi, quá canh hai đến được dưới ải Lộc Bình. Lý Hằng cho Dịch Thụ đem mấy tên quân vào ải thám thính. Lúc sau Dịch Thụ ra báo trong ải không có quân Nam. Thoát Hoan cho quân vào thành tìm đồ ăn. Lý Hằng lại nói:

– Ta đem hết quân vào thành mà bị quân Nam đến vây thì nguy lắm.

Thoát Hoan cười, nói:

– Quân Nam ở đâu mà lắm quân Nam thế. Các ngươi hoảng loạn quá nên chỗ nào cũng tưởng có quân Nam.

Quả nhiên đêm ấy Thoát Hoan nghỉ ở Lộc Bình mà không bị quân Việt tấn công. Sáng hôm sau bọn Hằng, Quán đều nói:

– Thái tử xét việc như thần, dẫu Gia Cát ngày xưa cũng khó mà bì kịp.

Thoát Hoan vênh mặt nói:

– Chứ sao nữa. Gia Cát chỉ múa may khoanh khoanh trong cái đất Ba Thục, Kinh Tương chứ ta đã tung hoành khắp cả gầm giời rồi.

Thoát Hoan đang huênh hoang bỗng Điền Vu vào báo:

– Số quân ta bị thương phần lớn trúng tên thuốc độc. Đêm qua hơn ba nghìn người chết. Số ngắc ngoải đến giờ cũng đến gần nghìn người nữa.

Thoát Hoan bảo:

– Vậy phải đi ngay. Sang được bên kia biên giới là sống rồi.

Nói xong liền lệnh cho Lý Hằng đốc quân lên đường, đầu giờ Thìn đến ngã ba. Lý Hằng nói:

– Đây có một đường về Ngạc thành, một đường qua Vĩnh Bình đến Tư Minh. Thái tử định đi hướng nào?

Thoát Hoan nhìn con đường dẫn đi Ngạc thành, thấy núi rừng chất ngất, xa xa thấp thoáng bóng tinh kì, khói mây mờ mịt, nói với các tướng:

– Ta trông con đường về Ngạc thành sát khí ngùn ngụt bốc tận trời xanh, hẳn là có phục binh của quân Nam.

Lý Hằng nói:

– Biết đâu đấy chỉ là nghi binh để doạ quân ta, còn chúng phục quân ở đường Vĩnh Bình.

Thoát Hoan cười nói:

– Trần Quốc Tuấn nhiều quỉ kế lắm. Y vờ nghi binh, nhưng đấy chính là nơi mai phục thật của chúng đấy. Ta rẽ sang đường Vĩnh Bình mà về Tư Minh.

Quân Nguyên đi đến cánh rừng cạnh trại Vĩnh Bình cũng chẳng thấy quân Việt ra chặn. Thoát Hoan cười, nói:

– Ta bảo mà! Đường này làm gì ra quân Nam, nghỉ đã. Đến đây các ngươi cứ thũng thẵng mà đi, không có gì phải sợ nữa. Ai còn cái gì ăn được, bỏ ra mà chén hết đi, chiều nay về đến đất nhà, tha hồ …

Thoát Hoan chưa nói hết câu, trên gò Ô Long pháo nổ liên thanh. Quân Việt sau gò đổ ra, gươm giáo sáng loá, hai tướng đi đầu là Quách Ngung, Hứa Dĩ. Cánh rừng phía bên hữu thì Lã Kiều, Hạ Hầu Vân đánh tạt sang. Lại có Lương Uất, Nguyễn Thế Lộc thúc ở phía sau lên. Quân Nguyên bị đánh dồn ba mặt, không sao chống đỡ kịp. Phạm Ngũ Lão từ trên gò Ô Long dẫn quân đánh thốc vào giữa trận tìm bắt Thoát Hoan. Lý Hằng xông xáo tìm đường ra, bị một mũi tên bắn trúng đầu gối bên tả, ngã xuống ngựa. Âu Dương Cừ định đến cứu chủ, liền bị bắn chết. Hứa Phụ cầm hai tấm mộc che cho Tiết Hồ, Dịch Thụ thay nhau cõng Lý Hằng, chạy. Lý Quán thấy Lý Hằng đã trọng thương mới tập hợp một số dũng sĩ, bảo vệ Thoát Hoan chạy đến Thạch Mã khê. Toán quân đi đầu vừa vào đến trong khe, nghe một hồi tù và, tên đạn từ hai bên bắn vào lòng khe. Quân Nguyên chết kín mặt đường. Thoát Hoan kêu:

– Thôi! Số ta đến đây chắc là tận mạng rồi.

Lý Quán thét đám dũng sĩ:

– Mỗi người các ngươi cầm hai lá mộc che kín cho thái tử qua khe.

Điền Vu nói:

– Quân nó bắn như mưa thế này, mộc không thể che kín hết được. Toàn là tên kích thống, xước da là toi đời. Chỉ có cách giấu thái tử vào cái thạp đồng nấu canh của lính kia rồi cho lên xe mà đẩy đi may ra thoát được.

Bão Thúc Nguyên nói:

– ý ấy hay lắm.

Quân lính mang chiếc thạp đồng đến nhưng Thoát Hoan không muốn chui vào, nói:

– Ta là thái tử nhà Đại Nguyên mà phải chui vào cái ống này sao?!

Phía sau tiếng reo hò của quân Việt mỗi lúc một gần. Một loạt tên từ trên tường khe bắn xuống. Năm sáu dũng sĩ trong đoàn hộ vệ lăn ra chết. Thoát Hoan hoảng hốt nhảy quàng vào thạp đồng, chẳng dè bước hụt, ngã đập môi vào lợi thạp, máu chảy nhoe nhoét ra miệng. Điền Vu, Bão Thúc Nguyên phải đỡ Thoát Hoan ngồi gọn vào trong, lấy vung đậy kín lên, bắt lính đẩy xe chạy. Lý Quán xông pha đi trước mở đường. Phạm Ngũ Lão không tìm thấy Thoát Hoan, càng gia roi đuổi gấp. Hơn năm vạn quân Nguyên ra khỏi được khe Thạch Mã chỉ còn không đầy một vạn. Ngựa nghẽo, khí giới vất lại khắp dọc đường. Thoát Hoan ngồi trong thạp đồng, luôn mồm kêu:

– ối giời ơi! Quân Nam nó bắn nhiều thế này thì chết mất!

Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn hôm trước truy đuổi Thoát Hoan đến gần Khâu Cấp lĩnh thì dừng lại, mang một đội khinh kỵ rẽ theo con đường tắt Trư Mao Thảo sang bên kia biên giới phục ở đồi Hoàng Quy gần ải Tư Minh, khi ấy thấy quân Nguyên chạy về mới xông ra đánh. Lý Quán nhận ra, bảo Điền Vu:

– Ngươi cứ đẩy xe đưa thái tử đi, để ta chặn tên tướng này cho.

Bão Thúc Nguyên cũng nói:

– Tôi xin ra cản quân Nam với tướng quân.

Nói xong vung kích đến đánh Quốc Nghiễn, mới chỉ một hiệp bị Nghiễn đâm chết. Lý Quán múa giáo xông vào. Lý Quán vốn là một dũng tướng có sức địch muôn người nhưng vì phải vất vả nhiều ngày lại thiếu đói, ít ngủ nên không địch được Quốc Nghiễn, đành bỏ chạy. Quốc Nghiễn tháo cây cung màu mã não trên vai xuống, bắn theo một phát. Mũi tên xuyên từ lưng sang ngực. Lý Quán rơi xuống ngựa, chết ngay. Quân Nguyên không còn ai chỉ huy, chạy tan tác khắp nơi, chỉ có mỗi mình Điền Vu vẫn cố hết sức đẩy xe cho Thoát Hoan trốn chạy đến dưới thành Tư Minh. Phía sau, quân Việt reo hò đuổi bắt sắp kịp đến nơi. Thoát Hoan kêu:

– Thôi! Phen này thì ta chết thật mất rồi.

Bỗng từ trong thành Tư Minh có một đôi quân kị xông ra. Tướng đi đầu mặt đen, râu xồm nói to lên rằng:

– Thái Tử chớ sợ. Có A Bát Xích đến cứu đây.

Hưng Vũ vương Quốc Nghiễn thấy quân Nguyên đã ra thành, liền thu quân về ải Khả Lan Vi. Thoát Hoan gặp được A Bát Xích, mừng quá hỏi:

– Sao ngươi đến kịp đây cứu ta?

A Bát Xích nói:

– Tôi vâng mệnh cùng Minh Lý Tích Ban đem mười vạn đại quân đi tiếp ứng cho thái tử nhưng đến Liễu châu được tin quân ta đã thua trận tan vỡ hết rồi nên để Minh Lý Tích Ban cùng đại binh đi sau. Tôi mang quân khinh kị đến đây đón thái tử.

– Nhà ngươi có gặp bình chương A Lý Hải Nha đâu không?

– Bình chương A Lý Hải Nha cùng Đường Ngột Đải đến Tư Minh từ hôm qua, đã cho người về Yên Kinh báo tin. Thôi! Hãy mời thái tử vào trong thành  rồi nói chuyện.

Thoát Hoan lẩy bẩy trèo trong thạp đồng ra, định lên ngựa vào thành với A Bát Xích thì nghe phía sau có tiếng gọi:

– Thái tử đợi chúng tôi với.

Thoát Hoan nhìn quay lại, thấy Tiết Hồ, Hứa Phụ cõng Lý Hằng chạy tới, mới bảo:

– Hãy đặt Lý tướng quân lên xe.

Hứa Phụ, Tiết Hồ làm theo, mặt Lý Hằng đã tím ngắt, sùi bọt mép, không nói được nữa. Điền Vu nói:

– Lý tướng quân trúng tên kích thống của quân Nam, thuốc độc đã phát tác. Không thể cứu được.

Điền Vu vừa nói xong, Lý Hằng ộc ra mấy đấu máu tím lịm rồi tắt thở. Thoát Hoan sai mang xác vào trong thành làm tang. Đời sau người xứ ấy có thơ về Lý Hằng rằng:

Cũng chạy cũng nhẩy cũng vẻ ta

Săn cáo không săn lại cắn gà1

Một mũi tên bay đành hết số

Ôm chân Hồ chúa cũng ra ma.

Điền Vu hỏi Hứa Phụ:

– Dịch Thụ đâu?

Hứa Phụ nói:

– Dịch Thụ bị bắn chết ở Thạch Mã khê. Chúng tôi không thể đem xác đi được.

Thoát Hoan thu nhặt mấy đám tàn tốt rồi cùng A Bát Xích vào thành.

Đây nói cánh quân Nguyên trên đường rút về Vân Nam. Từ khi nhổ trại ở Đông Bộ Đầu, Nạp Tốc Lạt Đinh không dám nghỉ, cứ theo bờ sông Quy Hoá đi liền hai ngày một đêm, hôm sau nữa đến động Phù Ninh. Gia Luật Tế Sơn nói:

– Ta đi đã mấy ngày đường, quân Nam không thể đuổi kịp. Ngựa không đi được nữa, nhiều con ngã chết. Bình chương nên cho quân nghỉ đêm nay để lấy lại sức.

Thác Bạc Kha Đại cũng nói:

– Phải đấy! Chỗ này kín đáo lại có bãi rộng, rất thuận tiện cho việc cắm trại.

Nạp Tốc Lạt Đinh nghe theo, lệnh cho các tướng dừng quân nghỉ lại. Bấy giờ đang là mùa hè, cây cối tốt tươi, quân Nguyên ăn toàn thịt sấy, lương khô, được nghỉ là bảo nhau vào rừng tìm rau, tìm măng ăn cho đỡ xót ruột. Thổ binh ở vùng ấy rình biết được, về báo cho chủ tướng Hà Đặc. Em Hà Đặc là Hà Chương tuy còn rất trẻ tuổi nhưng nhiều mưu trí, nói với anh:

– Quân giặc đông, quân ta ít phải đánh bằng mưu kế mới được.

Hà Đặc hỏi:

– Mưu kế của chú thế nào?

Chương nói:

– Trước phải doạ cho chúng sợ rồi sau mới đánh, thế nào cũng thắng.

– Làm sao mà doạ được chúng.

– Điều này cũng không khó gì. Ta cử ra một đội lấy tre nứa đan những hình  người ngựa, tướng lĩnh thật to cầm cung, cầm giáo đến đêm đốt đuốc giơ lên làm cho quân Nguyên tưởng người của ta là thần thánh. Ta lại cho một đội khác đục thân cây, xuyên vào đấy những mũi tên cực lớn như có sức thần mới bắn được. Một mặt cho quân phục trong rừng, bất ngờ giết chết bọn lính đi lấy rau, lấy măng rồi cắm cho mỗi đứa một mũi tên thật to vào người, đến tối khiêng vất gần trại giặc. Trên núi cắm nhiều cờ ngũ sắc, vẽ hình ma quỷ, chúng cứ trông thấy cũng đủ hết hồn rồi. Khi ấy ta cho quân tràn xuống, giặc còn đánh lại sao được nữa.

Hà Đặc cười lớn, bảo:

– Chú còn trẻ mà mưu mẹo sâu xa, thật không hổ là trai đất Việt.

Nói xong liền cho người đi thực hiện mưu kế.

Đêm ấy quân Nguyên ngủ yên trong trại, đến canh tư bỗng thấy núi rừng vang động tiếng cồng chiêng, tướng sĩ nháo nhào tỉnh dậy thấy trên động lửa cháy đùng đùng. Trong ánh lửa có vô số quân tướng cưỡi ngựa, cầm cung tên, to lớn lạ thường. Nạp Tốc Lạt Đinh không hiểu ra sao, hỏi các tướng:

– Sao ở đây có giống người ngựa gì mà to lớn quá đỗi như vậy.

Ngụy Lôi nói:

– Thưa quan bình chương! Dân Nam quả là có một giống kỳ nhân, dị mã hết sức to lớn. Thời xưa Tần Thuỷ Hoàng vì sợ các thiền vu1 xâm lấn mới đến nơi này tuyển một viên tướng tên là Lý Ông Trọng. Lý Ông Trọng thân to như trái núi, thường buộc nối hai cây gỗ sến làm cung, dùng cả cây gỗ đàn làm tên, bắn một phát trời long đất lở, trăm nghìn binh mã cũng tan. Vì thế mà các thiền vu không dám xâm phạm. Đến khi Lý Ông Trọng chết, các thiền vu lại tràn xuống xâm lấn, Tần Thuỷ Hoàng cho tạc một pho tượng giống hệt Lý Ông Trọng đặt lên xe, đẩy ra trận. Quân của các thiền vu trông thấy, tưởng ông Trọng thật, bỏ chạy hết cả. Từ đấy Trung Nguyên được yên.

A Tất Hoạt nói:

– Chỉ toàn là chuyện tào lao. Làm gì ra giống kỳ nhân như vậy. Đợi lúc nữa trời sáng xem như thế nào.

Nạp Tốc Lạt Đinh nghe theo, sai lính giữ chặt các cửa trại chờ trời sáng. Đến lúc rạng đông, Nạp Tốc Lạt Đinh cho Thác Bạc Kha Đại, Gia Luật Tế Sơn mang quân đi do thám. Lúc sau hai người sai quân khiêng về hơn chục xác lính Nguyên. Xác nào cũng bị chết vì một mũi tên quá lớn bắn phải. Quân lính lại rút trong các cây gần trại Nguyên ra hơn trăm mũi tên to dài lạ lùng. Quân Nguyên trong trại trông thấy, ai cũng run lên vì sợ. Ngụy Lôi được thể nói thêm:

– Đây mới chỉ là mũi tên của các lính thường, chứ mũi tên của tướng lĩnh bọn chúng còn to hơn nữa. Bình chương nên cho nhổ trại lui lại mươi dặm, cử quân dò la kĩ lưỡng rồi hãy đi mới được.

Bố Đà Hoa Lặc cũng nói:

– Khắp các cánh rừng gần đây đều thấy có cắm rất nhiều cờ ngũ sắc, lại có vẽ hình thánh thần, ma quỷ. Không biết quân man điều binh thế nào. Ta nên chuyển trại ngay, chớ có chậm trễ.

Nạp Tốc Lạt Đinh nghe theo, liền lệnh cho các tướng nhổ trại lui về Cự Đà. Hà Chương ở trên động trông thấy quân Nguyên cuốn trại lui binh mới bảo Hà Đặc rằng:

– Đây chính là lúc đánh giặc được rồi.

Hà Đặc bảo:

– Chú nói đúng lắm.

Hai anh em hô thổ binh trên động kéo xuống. Quân Nguyên đang lo dỡ trại không có hàng ngũ gì lại thấy quân của Hà Đặc reo hò kéo xuống người nào người nấy mặt mũi tô vẽ kỳ dị, sợ hãi lắm, bỏ chạy tán loạn cả. Nhiều kẻ kêu thất thanh:

– Ma quỷ! Ma quỷ hiện hình. Chạy cho mau!

Quân Nguyên từ quan  đến lính bỏ cả lều trại co giò chạy bán mạng, dẵm đạp lên nhau chết hại vô số. Chỉ có A Tất Hoạt bản lĩnh can trường dám dẫn hơn trăm dũng sĩ quay lại chống nhau với thổ binh. Hà Đặc hăng hái chém giết, dồn một đám quân Nguyên xuống lòng khe A Lạp. Quân Nguyên bám ngựa bơi sang bên kia khe suối. Thổ binh chặt cây bắc cầu phao vượt sang đuổi đánh. A Tất Hoạt trông thấy Hà Đặc quá kiêu dũng mới bắn một phát tên. Hà Đặc trúng thương, chết ngay trước trận. Hà Chương vung đao đánh tới cứu anh. Quân Nguyên thấy Hà Đặc đã chết, liền quay lại vây đánh Hà Chương. Thác Bạc Kha Đại, Gia Luật Tế Sơn, A Tất Hoạt, Ngụy Lôi cùng xông vào. Hà Chương không chống nổi bốn tướng Nguyên, bị A Tất Hoạt lôi xuống ngựa. Quân Nguyên sấn lại trói nghiến đem về. Thổ binh mất chủ tướng, phải lui về giữ động.

Nạp Tốc Lạt Đinh về đến Cự Đà cho cắm trại, sai lính dẫn Hà Chương đến hỏi:

– Bọn người man mọi các ngươi sao không biết thần phục thiên triều?

Hà Chương nói:

– Người Bắc có đất Bắc. Người Nam có đất Nam. Nếu vua các ngươi không ỷ thế tướng mạnh quân đông, trọng tình hoà hiếu, đi lại bang giao cho đúng phép tắc, chúng ta đâu có không phục.

Nạp Tốc Lạt Đinh lại hỏi:

– Sức các ngươi có đáng là bao mà dám mang quân chặn đánh thiên binh?

Hà Chương trả lời:

– Tướng chúng ta không mạnh, quân chúng ta không đông nhưng chúng ta đánh các ngươi bằng lòng căm giận.

– Vì sao các ngươi lại căm giận thiên binh?

– Các ngươi tự coi mình là thiên binh, đi đến đâu cũng giết người cướp của, bắt hiếp đàn bà, đốt hại làng xóm, tội ác nhiều hơn lá rừng, nặng hơn đá núi, đến trời đất quỷ thần cũng căm giận chứ nói chi đến chúng ta.

– Ngươi đã bị bắt, có chịu theo quân ta không?

– Theo các ngươi lấy ai cúng tế tổ tiên. Lấy ai cho cái con ma rừng ăn trong những ngày lễ tết. Ta không có theo đâu!

Nạp Tốc Lạt Đinh thấy Hà Chương không chút sợ hãi đối đáp cứng cỏi như vậy, có ý nể sợ, sai quân đóng cũi nhốt lại giao cho hai tên lính canh giữ. Đêm ấy đợi cho quân Nguyên ngủ yên, Hà Chương bảo hai tên lính gác:

– Tôi vốn ở rừng, thích uống rượu. Các vị cho xin một vò được không?

Lính gác bảo:

– Đến chúng ta muốn uống cũng không có, lấy đâu ra rượu mà cho ngươi một vò.

Hà Chương bảo:

– Đất Cự Đà này chính là quê tôi. Nếu hai vị tháo cũi cho, tôi xin dẫn đi lấy rượu trong hầm, lấy thịt khô trong xạ, hàng trăm vò cũng có chứ nói chi một vài vò.

Hai lính Nguyên thiếu đói đã lâu nghe nói có thịt khô với rượu, khoái quá, liền tháo cũi dẫn Hà Chương đi tìm. Một chốc, quả nhiên tìm được một hầm lớn có tới mấy trăm vò rượu trong vắt, lại có không biết bao nhiêu là thịt thú rừng sấy khô. Hai lính Nguyên đang đói, lấy thịt ăn thấy ngon thơm lạ lùng. Hà Chương bảo:

– Ăn thịt mà không uống rượu tất con ma rừng làm hại, đau bụng mà chết đấy.

Nói xong múc bát rượu to, ngửa cổ uống một hơi cạn sạch. Hai lính Nguyên làm theo, thấy hương vị ngọt ngon ngây ngất, không sao cưỡng được nữa cứ thế múc uống cho đến khi say mèm, lăn ra ngủ mít. Hà Chương mới cửi lấy bộ y giáp của tên lính, mặc vào trốn về động Phù Ninh nhưng vừa qua được khe A Lạp bị ngay một toán lính Nguyên ập tới bắt được. Tướng Nguyên soi đuốc xem mặt, kêu lên:

– A! Động chủ Hà Chương.

Hà Chương cũng nhận ra viên tướng Nguyên kia chẳng phaỉ ai xa lạ mà chính là Lương Hiếu Bão, hỏi:

– Lương thủ lĩnh theo quân Nguyên rồi hay sao mà mặc toàn đồ của quân Nguyên thế này?

Lương Hiếu Bão cười lớn nói:

– Thì chính động chủ cũng thế, sao lại hỏi tôi?

Cả hai cùng cười. Lương Hiếu Bão nói tiếp:

– Tôi lấy y giáp của xác lính Nguyên định đột nhập vào trại của chúng để cứu ông thì ông đã về đây rồi.

Hà Chương nói:

– Thế này cũng tốt. Các vị cứ đợi ở đây, tôi mang thêm quân trên động xuống, canh tư ta cùng đột nhập trại giặc, thế nào cũng thắng.

Lương Hiếu Bão nghe theo, đóng quân lại đợi. Hà Chương về động mang hết sĩ tốt xuống hợp với quân của Lương Hiếu Bão, tiến đánh trại quân Nguyên.

Lúc bấy giờ đã sang canh tư, lính nguyên gác trại thấy có mấy trăm lính nhà đốt đuốc tìm về mới hỏi quân nào. Trong đám lính kia có người trả lời:

– Chúng tôi đánh nhau bị lạc trong rừng, bây giờ mới tìm về được.

Lính Nguyên gác trại không biết là thổ binh, tưởng thật mở cửa cho vào. Đám thổ binh vừa qua cổng liền rút binh khí giết hết bọn lính gác rồi đánh thốc vào giữa trại đốt phá. Quân Nguyên bị bất ngờ, không sao chống đỡ nổi, chết hại quá nửa, số còn lại chạy tứ tán mỗi người mỗi nơi, bị thổ binh đuổi đánh đến sáng. Bố Đà Hoa Lặc chưa kịp ra khỏi lều, bị Lương Hiếu Bão xông vào chém một đao rơi đầu. Thác Bạc Kha Đại chạy đến khe A Lạp, mới lội đến giữa dòng nước, Hà Chương trông thấy bắn một phát, chết lăn xuống khe. A Tất Hoạt, Gia Luật Tế Sơn, Ngụy Lôi dẫn đám tàn tốt bảo vệ Nạp Tốc Lạt Đinh cắm đầu cắm cổ chạy. Lúc sau Nạp Tốc Lạt Đinh nói:

– Quân  man đuổi gấp quá, không biết nên chạy hướng nào đây?

A Tất Hoạt nói:

– Quân Man xuống hết Cự Đà, động Phù Ninh tất là bỏ ngỏ. Ta nên chạy qua đó mà về.

Ngụy Lôi nói:

– Cửa động Phù Ninh chính là nơi ở của đám kỳ nhân khổng lồ. Chạy qua đấy nhất định bị nó bóp chết.

A Tất Hoạt nói:

– Tôi vẫn cho đây hẳn là mưu mẹo, không có kỳ nhân nào cả. Quân man không đông nên chúng cắm nhiều cờ nghi binh, vẽ hình ma quỷ quái lạ để doạ chúng ta thôi.

Gia Luật Tế Sơn nói:

– Tướng quân A Tất Hoạt nói đúng đấy. Ta cứ đi rồi hư thực thế nào tất rõ.

Nạp Tốc Lạt Đinh nghe theo, lệnh cho các tướng mang quân chạy qua đường cửa động Phù Ninh.

Hà Chương thấy quân Nguyên chạy đã xa mới bảo Lương Hiếu Bão:

– Ông theo đường lớn đuổi cho chúng sợ. Tôi đem quân đi tắt đường rừng lên phục ở bãi bẫy đá. Chúng đến đấy, hai đầu ta đánh dồn lại tất bắt được tướng giặc.

Nói xong đem quân đi ngay. Nạp Tốc Lạt Đinh đem quân đi theo đường lớn vòng qua động Phù Ninh, thấy trên động vắng teo chẳng có một ai, mới bảo Ngụy Lôi:

– Trên động vắng tanh thế này hẳn câu chuyện kỳ nhân dị mã của nhà ngươi có lẽ là tào lao.

Ngụy Lôi xấu hổ đỏ mặt, không dám nói gì. A Tất Hoạt nói:

– Chính vì câu chuyện tào lao ấy mà ta phải thua quân hôm qua, mất mấy vạn binh mã. Nếu không hôm nay đã đi gần đến ải Quy Hoá rồi.

Gia Luật Tế Sơn bảo:

– Nói thì nói chứ yên lặng quá cũng đáng nghi lắm. Biết đâu bọn kỳ nhân dị mã chẳng đợi chúng ta ở đoạn đường rừng trên kia.

Lính Nguyên nghe vậy sợ hãi bảo nhau:

– Rừng rậm thế này mà chúng bất ngờ xông ra túm chân ta quật vào vách đá thì chết bỏ mẹ.

Lúc sau đi đến đoạn đường một bên là sườn dốc, một bên là vực thẳm, nhìn suốt ra một dải rừng xanh, ánh nắng mùa hè phủ khắp thung lũng làm các bạt cây như được nhuộm trong một màu hoàng lục diệu kỳ. A Tất Hoạt nói:

– Rừng núi ở đây cây cối tốt tươi, ánh nắng chan hoà đẹp đẽ quá, không giống như ở vùng thảo nguyên của chúng ta. Nếu chiếm được An Nam, tôi xin thái tử cho một mảnh đất ở nơi này để về di dưỡng tuổi già.

Gia Luật Tế Sơn nói:

– Ôi giời ơi! Đang lo chạy bỏ mẹ lại còn dửng mỡ đến thế. Phục binh kỳ nhân nó đánh ra bây giờ thì tha hồ mà di dưỡng tuổi già luôn đấy.

Gia Luật Tế Sơn vừa dứt lời, nghe trên sườn núi nổi lên một hồi tù và rồi gỗ đá lăn xuống như thác đổ. Quân Nguyên lùi lại phía sau gặp ngay thổ binh của Lương Hiếu Bão đánh đến, muốn tiến lên lại có Hà Chương chặn mất đường. Gia Luật Tế Sơn nói:

– Tình thế này chỉ có vượt lên mới thoát được, lùi lại là chết hết.

A Tất Hoạt nói:

– Vượt lên có khác gì thí quân làm bia cho bọn man nó bắn.

Nạp Tốc Lạt Đinh thấy việc đã rất nguy mới nói:

– Gia Luật Tế Sơn nói đúng đấy. Dù có thí quân cũng phải vượt lên may ra còn có người sống, lùi lại là chết cả. A Tất Hoạt! Ngươi xông lên trước đi.

A Tất Hoạt miễn cưỡng nhận lệnh, xông lên. Trên sườn dốc những khối đá tảng vẫn theo nhau lồng xuống, nhảy tưng tưng như những chú ngựa bất kham. Quân Nguyên phần bị đá đè chết, phần rơi xuống vực, kêu khóc vang cả núi rừng, những kẻ theo A Tất Hoạt xông lên phía trước bị bắn chết đến bảy tám phần, xác chồng đống lên nhau. A Tất Hoạt múa tít ngọn giáo gạt tên rơi lả tả, dẫn hơn trăm dũng sĩ đánh thốc lên phá được vòng vây. Hà Chương thấy A Tất Hoạt kiêu dũng quá liệu sức khó địch nổi mới dẫn thổ binh lui vào rừng. Gia Luật Tế Sơn bảo Ngụy Lôi:

– Ông đi cùng bình chương lên trước đi để tôi đoạn hậu cho.

Nạp Tốc Lạt Đinh cùng Ngụy Lôi dẫn quân theo sát A Tất Hoạt. Hà Chương thấy đội hình quân Nguyên kéo một hàng dài mới quay lại đánh tạt ngang vào quãng giữa cắt làm hai đoạn. Nạp Tốc Lạt Đinh, A Tất Hoạt, Ngụy Lôi cứ thế cắm cổ chạy, bỏ mặc Gia Luật Tế Sơn cùng hậu quân. Phía sau, Lương Hiếu Bão dẫn quân đuổi gấp, Gia Luật Tế Sơn cố xông xáo nhưng không sao ra khỏi trùng vây, quân sĩ dần dần thương vong hết cả. Lương Hiếu Bão đuổi đến, Gia Luật Tế Sơn không dám giao đấu, chạy đến một mỏm đá nhô ra trên bờ vực thì cùng đường. Mấy trăm thổ binh cùng giương nỏ bắn. Gia Luật Tế sơn bị tên cắm đầy mình, lăn xuống vực chết.

A Tất Hoạt đi trước mở đường, dẫn Nạp Tốc Lạt Đinh, Ngụy Lôi chạy liền mấy ngày đêm về đến gần Quy Hoá mới dám nghỉ, điểm lại quân số còn chưa đầy một vạn binh mã. Nạp Tốc Lạt Đinh sai lính cắm trại trong rừng ngủ qua đêm. Ngụy Lôi nói:

– Lều trại không mang đi được, bị quân man lấy hết mất rồi.

Đêm ấy quân Nguyên ngủ ngoài trời, không có gì che, nửa đêm trời nổi cơn mưa, tướng sĩ đều ướt như chuột lụt. Đến sáng ra, quang cảnh mới thật đáng hãi hùng, rất nhiều lính Nguyên bị thương nằm chết co quắp bên những con ngựa đói lả. Trời mưa không dứt, quân lính không thể nhóm lửa nướng thịt ngựa, đành phải ăn sống. Lính tráng lấy áo giáp che mưa, nằm la liệt bên các gốc cây, không muốn đứng dậy nữa. A Tất Hoạt nói:

– Mưa cũng phải đi, may ra còn có người sống chứ ở đây trước sau gì cũng chết cả thôi.

Nạp Tốc Lạt Đinh ra lệnh hành quân. Lính Nguyên nghe biết vậy nhưng chẳng ai muốn nhúc nhích. A Tất Hoạt quát to lên rằng:

– Kẻ nào không đi là kháng lệnh chủ tướng, muốn ở lại để hàng quân man, phải chém ngay, sau này còn truy cứu đến cả vợ con nó nữa.

Nói xong rút cây kiếm đánh roạt một nhát. Quân lính nghe lạnh cả người, mới chịu đứng dậy bước đi. Đến trưa, Ngụy Lôi nói:

– Trời đã hửng tạnh, ải Quy Hoá thế nào cũng có quân Nam đóng giữ. Ta nên tắt đường rừng mà vượt sang biên giới.

A Tất Hoạt cũng nói:

– Đúng vậy! Để tôi gọi mấy tên lính người Bạch Man đưa chúng ta đi tắt đường rừng.

Lúc sau quân tướng theo nhau lếc thếch đi vào con đường tắt, đến một chỗ rừng cây rậm lắm, vang lên một tiếng quát:

– Lũ chúng bay thân tàn ma dại đến thế này còn không hàng ngay đi, định trốn chạy đằng nào nữa đây. Ta là Hà Tất Năng đợi ở đây lâu rồi.

Cùng với tiếng quát là một tướng người thượng nhảy ra chặn đường. Quân Nguyên sợ quá rúm hết cả lại. A Tất Hoạt xông lên định giao chiến. Hà Tất Năng vẫy ngọn giáo một nhát, tên ở trong rừng bắn ra như vãi trấu. Quân Nguyên không dám kháng cự, bỏ chạy tứ tung, chui lủi trong rừng mà trốn, bị thổ binh giết chết nhiều lắm. Nạp Tốc Lạt Đinh, A Tất Hoạt, Ngụy Lôi hợp sức cùng mấy trăm kị sĩ còn khoẻ mạnh đánh mở vòng vây vượt được qua biên giới. Mấy hôm sau về đến Mã Quan, nghỉ lại đợi thu nhặt tàn binh nhưng hơn mười ngày sau cũng chỉ đón được chưa đầy năm nghìn ngươì, kéo về thành Thiện Xiển. Trận đánh này người đời sau thường gọi là trận Phù Ninh nhưng thực ra quân Nguyên bị đánh tơi tả suốt từ Cự Đà tới tận biên giới, binh mã tan nát xem như không còn gì đáng kể.

Thật là:

Khi đi tướng mạnh binh hùng

Lúc về nhẵn sạch tay không mà về

ít ngày sau Nạp Tốc Lạt Đinh nói với A Tất Hoạt rằng:

– Trần Nhật Duật quả là bậc tiên thánh. Khi ở ải Lê Hoa ông ta đoán trước thế nào quân ta cũng thất bại. Ta không tin. Nay thì đúng thật. Nếu Toa Đô không nhận được lệnh lui binh ắt nguy mạng mất.

Mời bạn đọc tiếp chương sau xem số phận đạo thuỷ quân của Toa Đô như thế nào.


1 ý nói Ly Hằng không đánh giặc Mông Thát  mà phản lại tổ quốc, tàn hại nhân dân tổ quốc  mình.

1 Thiền vu: Thủ lĩnh các bộ lạc Hung Nô ở phương Bắc.

Đ.T

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder