Đât Việt trời Nam- tiểu thuyết lịch sử của Đan Thành -( chương 41)

ĐẤT VIỆT TRỜI NAM (Chương 41)

Đan Thành
Lưu Khuê, Ô Mã thoát thân khỏi Trường Yên

Toa Đô, Phạm Nhan nộp đầu tại Tây Kết…

ĐẤT VIỆT TRỜI NAM (Chương 41)

Đan Thành
Lưu Khuê, Ô Mã thoát thân khỏi Trường Yên

Toa Đô, Phạm Nhan nộp đầu tại Tây Kết

Xin quay lại mặt trận sông Cái. Thái sư Trần Quang Khải trở lại Đông Bộ Đầu, để Trung Thành vương giữ Thăng Long rồi đem đại binh xuống cửa Hàm Tử đợi đón đánh Toa Đô.

Lúc bấy giờ Vương Khuông, Lã Quỳnh đi ngựa theo đường bộ mang thư lệnh của Thoát Hoan giục Toa Đô đem quân vào ém ở miền Ô, Lý trên đất Chiêm Thành nhưng khi đến nơi, Toa Đô đã cho hải đoàn đuổi theo vua Trần ra Bắc rồi. Lã Quỳnh nói:

– Nguyên soái Toa Đô không biết quân ta đã rút, cứ tiến ra Bắc, nhất định rơi vào vòng vây của quân Nam. Chúng ta làm sao phải đưa được tin cho nguyên soái bây giờ?

Vương Khuông nói:

– Nguyên soái thế nào cũng đi qua Trường Yên. Ta nên quay ngay về cửa sông, gặp được tiền đội thì tốt.

Hai người liền về cửa sông dẫn tới Trường Yên, gặp ngay lính tuần tiễu của Tá Thiên vương Trần Đức Việp bắt được, khám trong người thấy có thư, biết là quân gian tế, liền trình lên nhà vua. Vua Trần thiết triều, hỏi các tướng:

– Đạo quân Toa Đô đang tiến ra Bắc. Ta nên làm thế nào?

Chiêu Đạo vương Trần Quang Xưởng nói:

– Thoát Hoan đã chạy rồi. Toa Đô bây giờ như đứa con côi, có gì đáng sợ! Ta nên dàn quân ở cửa sông đón đánh, chúng tất bại vong.

Tá Thiên vương Trần Đức Việp nói:

– Xin hoàng thượng cho nhử quân Nguyên vào sâu trong sông Cái rồi chặn phía sau, thế nào Toa Đô cũng bị bắt.

Nhà vua nói:

– Đức Việp nói đúng lắm nhưng nơi đây không tiện cho việc mai phục. Trẫm sẽ đem quân về Long Hưng, vừa bảo vệ thái đường vừa thực hiện kế sách lừa nhử Toa Đô. Khanh hãy ở lại trấn giữ nơi này.

Vua Trần nói xong liền để Trần Đức Việp ở lại giữ Trường Yên, còn mình mang đại quân kéo về Long Hưng, lập đồn đóng giữ suốt một dải bờ Nam sông Kẻ Luộc, lại cho sứ triệu Chiêu Minh vương, Chiêu Văn vương, Chiêu Thành vương đến nghị sự, nói:

– Nay Toa Đô sắp ra đến nơi. Trẫm muốn nhử nó vào sâu trong sông Cái mà vây bắt, nên làm thế nào?

Chiêu Minh vương tâu:

– Trên suốt chiều dài sông Cái không nơi nào phục binh tốt hơn đoạn từ Hàm Tử đến Xích Đằng. Nếu nhử được Toa Đô đến nơi ấy, nhất định y không thể không bị bắt.

Trần Nhân tông nói:

– Trẫm cũng nghĩ như vậy, nhưng làm thế nào để nhử được Toa Đô đến đấy.

Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật tâu:

– Việc này Hưng Đạo vương trước khi về Vạn Kiếp đã dặn lại cả rồi.

Nhà vua phán:

– Chiêu Văn cứ nói xem Hưng Đạo dặn những gì?

Chiêu Văn vương nói:

– Tất cả mưu kế mà Hưng Đạo dặn lại ở cả trong ba chữ “dùng Trương Hiển”.

Nhân Đức vương nói:

– Trương Hiển là kẻ không có lòng trung, bỏ Tống hàng Nguyên, bỏ Nguyên hàng Việt, biết sau này y còn thế nào nữa. Người như vậy dùng sao được đây.

Chiêu Minh vương nói:

– Hưng Đạo vương xưa nay lo liệu việc gì cũng chu toàn, tính toán rất đúng. Việc dùng Trương Hiển chắc đã nghĩ kỹ lắm rồi. Hoàng thượng chớ nên nghi ngờ.

Trần Nhân tông nói:

– Thái sư nói đúng lắm, để trẫm cho sứ triệu Trương Hiển tới.

Chiêu Văn vương nói:

– Khi đến đây thần đã bảo Trương Hiển cùng đi, hiện đang ở bên ngoài.

Nhân tông cả mừng, cho triệu Trương Hiển vào. Trương Hiển bước vào thụp lạy hô rằng:

– Thần là hàng tướng Trương Hiển xin bái yết long nhan, chúc thánh thượng phước như Đông Hải.

Vua Trần Nhân tông phán:

– Trẫm miễn lễ. Khanh hãy bình thân.

Trương Hiển ngẩng lên, thấy Nhân tông mặt rồng tươi tốt, tướng mạo phi phàm như bậc thần tiên, cảm phục khôn xiết kể, liền đứng vào cuối hàng võ tướng. Nhà vua hỏi tiếp:

– Toa Đô mang hải đoàn ra Bắc, trẫm muốn nhử y vào cửa Hàm Tử. Khanh có mưu kế gì không?

Trương Hiển nói:

– Muôn tâu bệ hạ! Việc này không khó. Thần nay nước mất nhà tan. Cả nhà thần hơn một trăm người đều bị chết về tay người Thát Đát. Thần xin nhận việc này để rửa nhục cho nước, rửa thù cho nhà.

Nhân Tông liền giao cho Trương Hiển cùng Chiêu Văn vương về Đại Mang lo việc nhử Toa Đô đến cửa Hàm Tử. Trương Hiển về trướng gọi người cháu là Trương Kiệt đến, nói:

– Ta muốn giúp người Việt đánh bắt Toa Đô, cháu nên góp vào một tay.

Trương Kiệt nói:

– Người Việt đã giết chết chú Trương Vạn Vinh, với ta có thù xương máu, nhân dịp này ta nên làm nội ứng cho nguyên soái Toa Đô mà phá quân Việt để báo thù mới phải.

Trương Hiển khóc nói với Trương Kiệt:

– Cháu còn trẻ người non dạ chẳng nghĩ cho cùng. Chú Vạn Vinh lâm trận tử vong, ở chỗ sa trường đao thương không mắt ấy là lẽ thường tình. Còn như người Nguyên Thát làm cả nhà ta hơn trăm người chết chóc, li tán đó chẳng phải là thù sao? Dân Tống ta từ vua quan binh lính đến dân thường, mấy mươi vạn người thân chìm đáy bể, xác dạt mom sông đó chẳng phải là thù sao? Chú cháu ta may còn được sống, âu cũng là lòng trời chưa cạn, còn để cho có dịp được rửa thù. Vậy ta không nhân dịp này mà làm, chẳng phải là mang tội với nước cũ, mang tội với tổ tông lắm ư?

Trương Kiệt cũng khóc nói:

– Con trẻ ngu dại, thúc phụ dạy bảo đã sáng tỏ đầu óc ra rồi. Có việc gì cần đến xin thúc phụ cứ sai bảo.

Trương Hiển dắt Trương Kiệt đứng dậy, giao cho một phong thư, nói:

– Cháu bơi thuyền nhỏ, đem phong thư này giao cho Toa Đô, xong việc về ngay. Công ấy của cháu không phải là nhỏ.

– Cháu đem theo vài tên lính có được không?

– Không được! Càng nhiều người đi càng dễ lộ chuyện. Cháu nhớ không được hở cho Toa Đô biết Thoát Hoan đã thua chạy – Lại cầm tay Trương Kiệt, nhỏ nước mắt, dặn thêm rằng – Hơn trăm mạng người nhà ta có được ngậm cười ở nơi suối vàng hay không là toàn nhờ vào chuyến đi này của cháu cả đấy.

Trương Kiệt sa lệ nói rằng:

– Cháu thà chết thì thôi, còn sống quyết không phụ sự ủy thác của thúc phụ.

Nói xong giả làm người đánh cá, đội nón mê, đi dép cỏ, một mình xuống chiếc thuyền con xuôi ra cửa Giao Hải, gặp ngay tiền đội của Toa Đô do Hắc Đích dẫn đầu đang vào cửa sông, bị lính canh bắt được đem trình. Trương Kiệt vừa nhìn thấy Hắc Đích, mừng rỡ nói:

– Hắc tướng quân không nhận ra tôi à?

Hắc Đích ngờ ngợ, nói:

– Ta trông ngươi rất quen nhưng không nhớ họ tên là gì. Vì sao lại bị quân lính bắt thế này.

Trương Kiệt nói:

– Trình tiên phong! Tôi là Trương Kiệt, cháu gọi Trương tổng quản tướng quân bằng chú đây mà. Khi trước đã có lần được ngồi hầu rượu tướng quân.

Hắc Đích cười, nói:

– ừ phải phải! Ngươi đến đây làm gì?

Trương Kiệt nói:

– Trương tổng quản có phong thư gửi cho nguyên soái nên mới sai tôi đến đây. Sợ dọc đường bị quân Nam nghi ngờ, tôi cải trang thành người đánh cá thế này đi cho tiện. Nhờ tướng quân đưa giùm đến gặp nguyên soái ngay kẻo lỡ mất việc lớn.

Hắc Đích liền cho lính đưa Trương Kiệt đến gặp Toa Đô, trình thư. Toa đô mở thư đọc rằng:

“ …Tổng quản là Trương Hiển xin trình thư lên Hữu thừa nguyên soái Toa Đô tướng quân.

Nay vua An Nam cùng triều đình của chúng đã hết đường, chạy về cố thủ  ở  Thiên mạc. Các tướng đều đã hội  binh cùng phá giặc. Thái tử sai tôi trấn giữ  ở Đại Mang để đón nguyên soái đem binh về Hàm Tử quan, hợp sức đánh bắt Nhật Huyên.

Vậy mong nguyên soái sớm tối về gấp cho kẻo nhỡ việc lớn.

Tổng quản Trương Hiển kính thư”.

Toa Đô đọc thư xong liền cho mời Lưu Khuê, Ô Mã Nhi đến thương nghị. Ô Mã Nhi nói:

– Đã có tin của Trương tổng quản, ta nên tiến binh cho mau thôi.

Lưu Khuê nói:

– Từ đây đi vào có rất nhiều cửa sông, tôi sợ rằng quân Nam có thể bất ngờ xuất hiện tấn công chúng ta. Chi bằng nguyên soái cho chia quân làm hai đội mà đi, không lo bị chúng tập hậu.

Toa Đô bảo:

– ý ấy hay lắm. Ta cùng Hắc Đích đem tiền đội đi trước. Hai ông đi sau chớ để quân Nam đánh úp.

Nói xong liền viết thư trả lời Trương Hiển, hẹn ngày đem quân đón, lại bảo Trương Kiệt:

– Từ đây ngược lên không thuận nước, e rằng ngươi đi mất nhiều thì giờ. Ta cấp cho con ngựa khoẻ, ngươi lên bộ mà về cho nhanh.

Trương Kiệt nhận thư lên ngựa ruổi thẳng một ngày một đêm về đến Đại Mang, trình thư với Trương Hiển và Chiêu Văn vương. Chiêu Văn vương đến thẳng Long Hưng dâng lên nhà vua. Trần Nhân tông lập tức thiết triều, nói:

– Toa Đô chia quân làm hai đội tiến vào là trúng kế của ta rồi. Trận này trẫm giao quyền điều vát tướng sĩ cho Chiêu Minh vương.

Chiêu Minh vương Trần Quang Khải  bước lên, nói:

– Giặc chia quân làm hai đội, ta càng dễ đánh. Các tướng nghe lệnh: Đội một, Chiêu Văn vương đem binh đóng giữ Chương Dương, thấy quân Nguyên đến cứ việc ra đánh, nhất định chúng phải sang ngả Hàm Tử để lên Thiên Mạc, đó chính là nơi ta chờ chúng.

Chiêu Văn vương nhận lệnh đi ngay. Chiêu Minh vương gọi tiếp:

– Đội hai, Văn Túc vương, Nguyễn Khoái, Nguyễn Khả Lạp đem ngay quân chia giữ cửa Hàm Tử, Tây Kết, bằng mọi giá không được để Toa Đô lọt qua.

Văn Túc vương liền đem quân lên thẳng cửa Hàm Tử. Chiêu Minh vương gọi:

– Đội ba, xin hai vua lĩnh cho đội quân này.

Trần Nhân tông nói:

– Thái sư cứ toàn quyền ra lệnh.

Chiêu Minh vương tiếp:

– Chiêu Đạo vương Trần Quang Xưởng, Trung Hiến hầu Trần Dương ở lại đây theo bảo vệ hai vua, giữ thái đường Long Hưng, không cho quân Nguyên tiến vào sông Kẻ Luộc. Khi nào đạo quân của Toa Đô đi qua, cùng Trương Hiển kéo ra, cắt đạo quân của Ô Mã Nhi rơi lại đằng sau mà đánh.

Đội bốn, Chiêu Thành vương, Trần Thông đem quân theo sông Càn Đà ra biển, vòng về cửa Giao Hải, thấy Ô Mã Nhi dẫn quân vào hết cửa sông, phải chiếm lấy Giao Hải, không cho chúng quay lại.

Chiêu Thành vương cùng Trần Thông đi ngay. Chiêu Minh vương gọi:

– Đội năm, Nhân Đức vương đưa quân xuống Trường Yên, cùng Tá Thiên vương Trần Đức Việp bày trận, thế nào bọn Ô Mã Nhi cũng thua chạy về ngả ấy, tất bắt được chúng.

Vua Trần Nhân tông hỏi:

– Thái sư bày trận năm đạo binh này là ý làm sao?

Thái sư Chiêu Minh vương thưa:

– Tâu thánh thượng! Thần bày năm đạo quân này chính là thế trận Ngũ Hành, chiếu theo phương vị Đông, Tây, Nam, Bắc, Trung ương mà đặt cho hợp với Mộc, Hoả, Thuỷ, Kim, Thổ.

Nhà vua lại hỏi:

– Thế đội quân thứ ba của trẫm thuộc hành gì?

– Tâu bệ hạ! Đội quân thứ ba của nhà vua cờ vàng, y giáp vàng thuộc hành Thổ, theo phương vị chính giữa trung ương. Việc thành bại của trận này là ở đây.

Nhà vua lại hỏi:

– Sao trẫm không thấy trận này có trong binh thư?

Chiêu Minh vương tâu:

– Không có trong binh thư nên mới gây được bất ngờ. Giặc không biết đoán định thế nào.

Nhà vua cười bảo:

– Phải! Phải.

Trần Quốc Thành lúc bấy giờ chờ đã lâu mà không thấy thái sư nói gì đến mình, mới lên tiếng hỏi:

– Thượng tướng thái sư coi tôi là kẻ bỏ đi hay sao mà không nói năng gì đến?

Chiêu Minh vương nói:

– Chớ vội! Ta còn một việc rất trọng cho tướng quân đây. Tướng quân đem hai trăm khinh thuyền, nhiều tên nỏ, tiến xuống gần Giao Hải khiêu chiến, giặc đánh cứ việc chạy, nhử Toa Đô lên đây càng nhanh càng tốt. Làm xong việc ấy công của tướng quân không nhỏ.

Trần Quốc Thành vui vẻ mang quân đi ngay. Chiêu Minh vương Trần Quang Khải cũng từ biệt hai vua, mang quân về Hàm Tử quan.

Toa Đô từ lúc cho Trương Kiệt trở về Đại Mang, dặn Lưu Khuê rằng:

– Ta cùng Hắc đích mang một vạn quân đi trước cho kịp đánh Hàm Tử, còn ông cùng Ô Mã bạt đô đem đại quân đi sau. Phải giữ gìn lương thực cẩn trọng lắm mới được.

Lưu Khuê nói:

– Việc nguyên soái giao chúng tôi đâu dám trễ nải.

Toa Đô liền cho Hắc Đích đem một nghìn quân đi tiên phong, còn tự mình đốc suất chiến thuyền tiến lên. Hắc Đích vào đến Thiên Trường thấy phía trên có mấy trăm thuyền quân Việt lao xuống chặn đánh, bắn tên nỏ như mưa, bèn lệnh cho quân lấy mộc che tên rồi reo hò bắn lại. Quân Việt núng thế, liền bỏ chạy cả. Hắc Đích hô quân đuổi gấp nhưng vì thuyền nặng, cồng kềnh vượt nước rất khó. Quân Việt thuyền nhỏ, thon dài chèo đi như bay. Sái Phong thấy vậy, nói với Hắc Đích:

– Quân Nam dùng toàn thuyền nhẹ, bơi rất nhanh, thoắt ẩn thoắt hiện, sợ chúng có mưu kế gì chăng.

Hắc Đích cười, nói:

– Mưu kế cái khỉ gì. Chẳng qua là ta bắn mạnh nên chúng sợ thôi. Cứ cho quân chèo gấp đi.

Thuyền ngược nước, bơi được một lúc, quân lính mệt rã rời. Toa Đô đến nơi trời đã trưa, lệnh cho quân chèo chậm lại, thay nhau nghỉ ăn uống, bỗng lại thấy thuyền quân Việt quay xuống đánh. Toa Đô bảo:

– Đã thế ta lên thẳng Đại Mang nghỉ một thể, đánh dấn lên tất thuyền quân Nam phải trốn vào sông Kẻ Luộc thôi. Chắc Trương tổng quản đã đến Hải Thị đón ta rồi.

Nói xong hô quân tiến đánh. Quân Việt thấy quân Nguyên đuổi, lại hò nhau bơi chạy. Toa Đô bảo Hắc Đích đuổi gấp. Quả nhiên đến Hải Thị thuyền quân Việt rẽ cả vào sông Kẻ Luộc. Toa Đô đắc chí bảo:

– Ta biết mà! Thế nào bọn này cũng vào đây nhưng kệ chúng, ta cứ lên xem Trương Hiển đón ở đâu.

Từ thượng nguồn có có mấy chục thuyền chiến xuôi xuống. Trên chiếc thuyền đi đầu có một lá cờ lớn thêu chữ Trương. Toa Đô nói:

– Đích  thị là Trương Hiển đến đây rồi.

Lúc sau đến gần, quả nhiên thấy Trương Hiển đứng trên mũi thuyền khoanh tay, cất lời chào:

– Tổng quản Trương Hiển xin nghênh chào Hữu thừa nguyên soái.

Toa Đô liền truyền lệnh cho Trương Hiển sang thuyền mình nghị sự, hỏi:

– Vua Nam bây giờ ở đâu?

Trương Hiển nói:

– Vua Nam cùng tất cả đại quân của chúng giờ đang ở Thiên Mạc. Quân ta đã bủa vây chặt chẽ, chỉ đợi nguyên soái về là tiến đánh. Để tôi đi cùng nguyên soái lên Chương Dương. Hiện quân ta đang hội cả ở đấy.

Toa Đô nói:

– Ngươi không cần đi cùng ta, hãy ở lại giữ Đại Mang, chặn không cho quân Nam từ sông Kẻ Luộc đánh ra.

Trương Hiển dạ một tiếng, bước sang thuyền mình, trở về Đại Mang. Toa Đô dẫn quân tiến thẳng lên Chương Dương.

Trần Quốc Thành nhử được Toa Đô qua Hải Thị rồi liền quay về tâu lại với vua Trần. Trần Nhân tông lập tức cho các tướng mang hết quân ở Long Hưng ra chặn Lưu Khuê, Ô Mã Nhi. Thuyền chiến kín đặc mặt sông.

Năm vạn hậu quân của Lưu Khuê, Ô Mã Nhi từ từ tiến lên Hải Thị. Ô Mã Nhi cười đắc ý, nói với Lưu Khuê rằng:

– Lần này đi qua Hải Thị, tôi muốn ghé lên Long Hưng thăm lại thái đường nhà Trần xem nó thế nào.

Lưu Khuê bảo:

– Lần trước ông đã cho lính phá hết rồi còn gì.

– ồ! Còn chứ. Lần này bắt vua Nam xong, tôi quyết đào hết gạch phương điều ở Long Hưng đem về dâng thái tử.

Bỗng có lính vào báo phía trước có quân Nam. Lưu Khuê, Ô Mã Nhi ra đứng trên mũi thuyền thấy phía trước hằng hà sa số là thuyền quân Việt đang rẽ nước xuôi xuống. Lưu Khuê hoảng hốt nói:

– Đánh thuỷ nhờ vào lợi gió, lợi nước để thủ thắng. Quân ta ngược dòng đi lên khó mà chống được chúng.

Ô Mã Nhi bảo:

– Để tôi lên trước đánh với chúng.

Nói xong cho thuyền rẽ nước tiến lên. Quân Việt đốt bè lửa thả trôi vào đội hình quân Nguyên. Thuyền quân Nguyên bén lửa bốc cháy đùng đùng, binh lính rối loạn. Trần Quang Xưởng, Trần Dương, Trần Quốc Thành cùng đốc quân đánh thốc vào. Lính Việt đốt mã phong pháo ném sang thuyền quân Nguyên.  Lính Nguyên không chống đỡ nổi, chết hại rất

nhiều. Vô số thuyền cháy chìm dần xuống lòng sông, quân sĩ chết đuối kêu vang cả mặt sông. Từ bên hữu ngạn lại có đoàn thuyền của Trương Hiển đánh tới. Lưu Khuê nói:

– Không thể tiến lên được nữa. Ta quay thuyền chạy ra cửa biển là hơn.

Tiểu Lý bảo Lưu Khuê :

– Phó soái cùng bạt đô cứ đi trước, để tôi đoạn hậu chặn chúng lại.

Ô Mã Nhi cũng thấy tình thế không thể xoay chuyển được liền cùng Lưu Khuê xuôi dòng ra biển, vừa qua Thiên Trường một đoạn, thấy mấy đoàn  thuyền quân Việt chặn ngang mất mặt sông. Trên chiếc thuyền đi đầu phấp phới lá cờ hiệu của  Chiêu Thành vương. Phía sau, thuyền quân Việt vẫn reo hò đuổi gấp. Ô Mã Nhi nói:

– Ta nên quay sang ngả Trường Yên mà ra bể mới thoát được.

Lưu Khuê truyền lệnh cho tất cả thuyền quay sang ngả Trường Yên. Các thuyền lương chở nặng không đi nhanh được đều bị quân Việt bắt mất cả. Lưu Khuê, Ô Mã Nhi chạy chưa đến Trường Yên lại thấy mặt sông, trên bờ chỗ nào cũng toàn là quân Việt. Thì ra Tá Thiên vương, Nhân Đức vương đã bày trận chờ sẵn ở đấy từ lâu rồi. Nạp Hải, Tôn Lập Đức, Tưởng Hổ, Giả Ngưu bốn tướng cùng nói:

– Bây giờ chỉ còn cách xông thẳng vào giặc mà tìm đường ra thôi.

Nói xong cùng dẫn binh thuyền xông lên. Quân Việt bắn tên như mưa rào. Tưởng Hổ, Giả Ngưu cùng rất nhiều binh lính chết ngay sau loạt tên đầu tiên. Tôn Lập Đức bị thương, rơi xuống sông, được Nạp Hải kéo lên thuyền, lúc sau cũng chết. Quân Việt hai đầu đánh dồn lại. Quân Nguyên rối loạn không biết chạy đâu, buông vũ khí đầu hàng nhiều lắm. Lưu Khuê, Ô Mã Nhi, Nạp Hải trốn lên chiếc thuyền con, theo một lạch nước nhỏ dẫn ra biển. Tiểu Lý, Cát Giới, Quý Bằng đoạn hậu không ra khỏi được vòng vây. Quý Bằng trúng mã phong pháo, chết. Cát Giới nhảy xuống sông trốn, bị nước cuốn trôi mất xác. Tiểu Lý định tự sát nhưng không kịp, bị quân Việt ập đến bắt được. Năm vạn quân Nguyên chết và đầu hàng hết cả, chỉ có rất ít trốn được ra biển theo Lưu Khuê, Ô Mã Nhi về nước.

Trần Quang Xưởng, Trần Dương, Trần Quốc Thành cùng Trương Hiển mang quân quay về, hợp binh với Chiêu Minh vương đánh Toa Đô. Vua Trần điều động các tướng mang quân lên giữ bãi Xích Đằng, bịt chặt đường rút của Toa Đô. Nhà vua đóng doanh ở Đại Mang, cho sứ giả đi ngựa hoả tốc đến Chương Dương nói với Chiêu Văn vương khi nào gặp thuyền của quân Nguyên nói rõ cho chúng biết là Thoát Hoan đã chạy rồi làm cho chúng hoang mang.

Nói về Toa Đô cho binh thuyền tiến thẳng lên Chương Dương, thấy phía trước có một đoàn thuyền tiến đến, trên chiếc thuyền đi đầu có cắm cây cờ đại thêu chữ Triệu. Toa Đô bảo:

– Có lẽ Triệu Tu Kỷ đến đón ta.

Lúc tới gần, tướng đứng dưới cờ nói to lên rằng:

– Toa Đô đã rơi vào vòng vây sao không hàng ngay đi. Thái tử Thoát Hoan của nhà chúng bay thua chạy về Bắc lâu rồi. Ta là Triệu Trung, tướng nước Tống vâng mệnh vua Đại Việt đến bắt ngươi đây.

Quân Nguyên còn đang ngơ ngác chưa hiểu ra sao, thuyền quân Việt đã kéo ra kín cả mặt sông. Triệu Trung, Giả Cương, Phó Tường, Trương Tích cùng tung quân đánh vào. Tên bay, pháo nổ. Thuyền quân Nguyên bốc cháy, binh lính rơi xuống sông bị nước cuốn trôi nhiều không kể xiết. Vệ Mộ Sơn Điêu nói với Toa Đô:

– Quân Nam rất đông mà không thấy quân ta đâu. Hay là thái tử lui binh thật rồi. Ta hãy lùi lại cho người báo với Lưu phó soái xem tình hình ra sao đã.

Toa Đô bảo:

– Không được! Quân Nam nhiều quỷ kế lắm. Chúng nói lung tung thế để làm nản bụng quân ta thôi. Bây giờ trời tối rồi, ta nên sang cửa Hàm Tử mà đi.

Nói xong, lệnh cho Hắc Đích đem thuyền sang ngả Hàm Tử. Hai tướng Việt giữ Tây Kết là Nguyễn Khả Lạp và Nguyễn Truyền thấy quân Nguyên đến, liền báo về cửa Hàm Tử. Bấy giờ đêm đã sang canh hai, Chiêu Minh vương, Văn Túc vương cho thả các bè lửa xuống sông xuôi dòng trôi vào đội hình thuyền của Toa Đô. Thuyền quân Nguyên bốc cháy

rất nhiều, ánh lửa chiếu sáng đến mấy dặm. Nguyễn Truyền, Khả Lạp từ Tây Kết đánh tạt ngang vào đội hình quân Nguyên. Lính Việt người người hô to:

– Sát Thát! Sát Thát!

– Bắt sống Toa Đô! Bắt sống Toa Đô!

Chiến thuyền quân Nguyên đội ngũ rối loạn không thể chống cự nổi, phải lui xuống mươi dặm. Quân Việt vẫn bám riết vây đánh. Hai bên đánh nhau suốt đêm. Sáng hôm sau, ngày hai mươi tháng năm năm ất Dậu (24-6-1285),  Hắc Đích nói với Toa Đô:

– Quân ta đã thiệt hại quá nửa, không thể tiến lên được nữa. Xin nguyên soái cho lui binh.

Toa Đô định nghe theo thì thấy quân Việt từ phía bãi Xích Đằng tiến lên, không biết cơ man nào là thuyền chiến, lại có cả thuyền long phụng của vua Trần. Đi đầu đoàn thuyền ấy là đội thuyền lớn, cờ hiệu của tướng dẫn đường thêu một chữ Trương. Lúc hai bên đối trận, Toa Đô nhận ra đó là Trương Hiển, liền gọi:

– Trương tổng quản sao lại dẫn quân Nam đánh ta?

Trương Hiển nói:

– Ta muốn báo thù cho nước Tống đã lâu, nay mới có dịp đây. Quân sĩ đâu! Mau bắt lấy Toa Đô.

Quân Việt hai đầu đánh ép lại, hỗn chiến đến trưa. Tiếng binh khí chạm nhau chát chúa, quân lính gào la, các vị tướng lĩnh chỉ huy quát tháo, tất cả hoà thành một thứ âm thanh hỗn độn ghê người. Dân chúng các vùng lân cận kéo đến đứng chật hai bên sông, đánh trống đồng, khua chiêng núm, hò reo trợ chiến. Mặt nước, trên bờ đâu đâu cũng vang rền tiếng hô sát Thát. Thuyền Việt, thuyền Nguyên lẫn lộn vào nhau. Dần dần Toa Đô bị dồn lên đến cửa Hàm Tử. Hắc Đích rơi xuống sông, chìm, không thấy xác. Bà Lậu đang cố bơi vào bờ, bị tướng Việt là Trần Quốc Thành tóm được đưa lên thuyền. Vệ Mộ Sơn Điêu bơi chiếc thuyền nhỏ định trốn. Nguyễn Khoái trông thấy, phóng một mũi lao vào giữa lưng. Vệ Mộ Sơn Điêu chết lăn xuống nước. Mấy tên lính đi theo đều xin hàng cả. Bấy giờ còn có Phó Mỹ, Sái Phong cùng một đám tàn tốt bảo vệ cho Toa Đô nhưng lại không có đường chạy, loanh quanh thế nào chèo đến trước thuyền vua Trần, cách xa chừng trăm bộ. Nguyễn Chế Nghĩa chỉ Sái Phong đang đứng trên mũi thuyền hô quân bắn trả quân Việt, nói với Trần Nhân tông:

– Xin thánh thượng cho thần bắn tên tướng kia.

Nhà vua bảo:

– Xa thế này đã bắn sao được?

Chế Nghĩa nói:

– Nếu không bắn được tên tướng ấy, thần xin chịu tội.

Nói xong lấy cung, đặt tên bắn một phát. Nghe vút một tiếng, mũi tên rẽ gió bay đi, cắm ngay vào ngực Sái Phong. Sái Phong buông giáo, lảo đảo lăn xuống lòng thuyền. Nhân tông bảo Nguyễn Chế Nghĩa:

– Khanh đúng là thần tiễn. Hậu Nghệ1 ngày xưa cũng đến thế là cùng.

Phó Mỹ thấy khó có thể thoát, bảo Toa Đô:

– Vua Nam ở đây, chắc quân ta chưa rút. Nguyên soái nên lên bờ tìm đường chạy về Thăng Long với thái tử.

Toa Đô nghe theo dẫn mấy chục tên lính lên bờ, phóng ngựa chạy ngược về hướng Thăng Long, mới đi chưa được một dặm, quân của Văn Túc vương Trần Đạo Tái cùng dân binh quanh vùng kéo đến vây chặt. Toa Đô luống cuống ngã ngựa, bị lính Việt bắt được trói nghiến lại. Đám lính đi theo bị giết hết cả. Phó Mỹ còn lại một mình trên thuyền, bị quân Việt bắn, tên cắm đầy người như một con nhím, chết ngay trên sạp thuyền. Vua Trần thu toàn thắng, ghé thuyền ngự vào nghỉ lại bến Tây Kết. Người đời sau gọi trận đánh này là trận Hàm Tử.

Những năm đầu thế kỷ Hai Mốt, thiên hạ thái bình, dân chúng yên vui, có anh lính cũ tóc đã đổi màu qua chơi khúc sông này, cảm khái viết  rằng:

Hồng hà  cuồn cuộn

Hai bờ xanh tốt lúa ngô

Thuyền không căng buồm

Cánh quạt nước khoả giòn tiếng máy!

Thương người lính xưa mỏi rã tay chèo.

ải, đồn cũ nơi đâu

Vết tích của thời tiên tổ

Mặt sông nắng mới trải vàng

Hơi gió còn rền trống trận

Lật trang sử cha ông

Nước mắt ta nhoè đi mấy bận

Bóng dáng người xưa hiển hiện trở về

Đất nước bao lần đuổi giặc

Câu thơ hùng Vạn cổ cựu giang san

Đây là nơi đoạt sáo Chương Dương

Kia là chốn cầm Hồ Hàm Tử

Nước sông ngầu đỏ

Phải chăng máu giặc còn loang

Sóng vỗ mạn thuyền

Còn lẫn lời hô Sát Thát

Mộc miên bay bay

Như nhắc nhở mùa hè năm ấy

Chính nơi này

Hào khí Đông A

Mặt trời phương Nam rực rỡ

Vó ngựa xâm lăng chấm một điểm dừng.

Ngày hôm sau vua Trần thiết triều ngay tại Tây Kết rồi sai mang Toa Đô ra chém. Chiêu Văn vương tâu rằng:

– Toa Đô là một tướng giỏi của nhà Nguyên. Xin thánh thượng gia ân dụ cho y về hàng.

Chiêu Đạo vương nói:

– Toa Đô truy đuổi vua ta mấy bận, tội ấy to lắm không thể tha được. Khi từ Chiêm Thành lên, nó đi đến đâu là cướp phá tàn hại dân lành đến đấy. Tha cho nó tất triều đình phải nghe lời oán thán của trăm họ.

Chiêu Minh vương nói:

– Tề Hoàn công tha Quản Trọng mà thành nghiệp bá. Nếu y chịu hàng, lấy công chuộc tội, cũng nên tha.

Thượng hoàng Thánh tông vốn tính nhân từ, phán rằng:

– Trẫm cho Chiêu Văn đi dụ hắn hàng, nếu chịu theo, tha cho tội chết.

Chiêu Văn vương lĩnh mệnh đi ra, lúc sau quay lại tâu rằng:

– Toa Đô không chịu quy hàng, chỉ xin được quay mặt về phương Bắc mà chịu tội chết.

Trung Hiến hầu Trần Dương tâu rằng:

– Mấy ngày trước Phạm Nhan bị bắt ở Đại Mang, nay còn giam ở A Lỗ. Kẻ ấy gian ngoan quỷ quyệt đủ đường. Xin hoàng thượng cho xử cùng Toa Đô một thể.

Nhà vua liền lập tức sai Trần Quốc Thành đến A Lỗ giải Phạm Nhan về Tây Kết chịu tội. Phạm Nhan bị dẫn đi nhưng mặt vẫn vênh vênh tự đắc, coi mình là tướng của thiên triều không ai dám làm gì, vừa đi vừa nghêu ngao hát như làm trò hề, Trần Quốc Thành trông thấy thế, lộn ruột, gõ cán giáo vào đầu, mắng rằng:

– Mày chết đến cổ rồi còn động cỡn thế sao?

Phạm Nhan mắng lại:

– Ngươi chỉ là một tên tiểu tướng phiên bang mà dám đánh ta là tướng của thiên triều ư?

– Mày có bằng thằng Toa Đô không? Ta đem mày về Tây Kết chém cùng với nó. Không tin thì xem chiếu chỉ của thiên tử đây.

Phạm Nhan nhìn thấy chiếu của vua Trần nói rõ đem về chém, sợ hết hồn, mới bảo Trần Quốc Thành:

– Tôi cũng có chút tài mọn, xin theo hàng, mong tướng quân về triều nói đỡ một tiếng.

Trần Quốc Thành nói:

– Nước Việt ta cần người có thực trí, thực tài, chứ đâu cần kẻ thuật quỉ mưu ma như ngươi.

Phạm Nhan lấy trong người ra một viên ngọc dạ quang to như quả trứng gà, đưa cho Trần Quốc Thành, nói:

– Có vật này xin dâng tướng quân. Mong tướng quân cứu giúp. Tất cả phép thuật của tôi chỉ nhờ nó mà có đấy.

Trần Quốc Thành cầm viên ngọc đưa lên ngắm, nói:

– Đẹp! Đẹp lắm. Người phương Bắc các ngươi hay dùng của quý để mua chuộc lòng người nhưng ta phải đâu là Bá Hỉ1. Vả lại nhà ngươi có ngọc quý hộ thân nhưng cuối cùng cũng bị bắt, bị giết. Như thế thì đủ biết nó chẳng có ích lợi gì, hãy vứt quách đi cho được việc.

Nói xong ném trả viên ngọc cho Phạm Nhan. Phạm Nhan thấy không lung lạc được Trần Quốc Thành mới đổi giọng, nói:

– Ta dâng ngọc quý cầu cạnh mà ngươi không giúp nhưng hãy nhớ rằng ta có phép hoán thủ hoàn hồn, chém đầu này, mọc đầu khác, để xem các ngươi có giết nổi không? Khi ấy chớ trách ta là ác.

Đúng giờ Ngọ, ngục quan dẫn Toa Đô, Phạm Nhan ra pháp trường. Nhà vua cử quan hàn lâm phụng chỉ Đinh Củng Viện làm giám hình. Giờ Ngọ ba khắc nổi trống khai đao. Phạm Nhan trợn mắt quát người đao phủ:

– Ngươi có chém, ta cũng không chết. Khi ấy ta mới sai thiên tướng bắt cả nhà ngươi chịu tội.

Trần Quốc Thành quát:

– Phạm Nhan! Đến bây giờ còn cố dùng lời lẽ ma mị để loè người. Tự ta chém xem ngươi có mọc được đầu khác hay không?

Nói xong rút kiếm chém một nhát, Đầu Phạm Nhan lăn xuống vệ cỏ, máu từ cổ phun ra tím lịm, chân tay giãy giãy rồi im bặt, lúc lâu cũng chẳng thấy đầu khác mọc lên. Người đời sau nói rằng vì Phạm Nhan là kẻ thâm hiểm nên máu của nó chảy xuống sông biến thành loài đỉa đói chuyên đi cắn người. Toa Đô quay đầu về hướng Bắc, gục xuống chịu tội. Người lính hành trảm đưa một đao. Toa Đô rụng đầu. Vừa khi ấy thì vua Trần Nhân tông đến nơi, trông thấy thủ cấp của Toa Đô, có ý thương là kẻ trung thần, nói:

– Người làm tôi phải nên như thế này2.

Rồi cửi áo ngự, sai quân đem liệm chôn, riêng lấy đầu tẩm dầu đốt để răn những kẻ làm tướng xâm lăng tàn ác, hay giết hại dân lành.

Thượng thư Nguyễn Hiền tâu với nhà vua rằng:

– Xã tắc vừa qua cơn binh lửa, dân chúng điêu linh. Xin hoàng thượng mau trở lại kinh thành để vỗ về trăm họ.

Thái sư Trần Quang Khải tâu rằng:

– Đất Long Hưng bị giặc tàn phá, làm phương hại đến thái đường cùng lăng miếu, dân tình ly tán mất nhiều. Xin hoàng thượng xuống một đạo chỉ gọi dân trở về để sửa sang lại miếu đường.

Nhà vua theo các lời tấu, gọi dân ly tán các nơi trở về. Ngày mồng sáu tháng sáu nhà vua cùng bách quan trở lại Thăng Long. Thái sư Trần Quang Khải làm bài thơ rằng:

Đoạt sáo Chương Dương độ

Cầm Hồ Hàm Tử quan

Thái bình tu trí lực

Vạn cổ thử giang san.

Chiều hôm ấy Hưng Đạo vương cũng về đến nơi. Nhà vua cầm tay Hưng Đạo vương, nói:

– Nhờ sự trù liệu của quốc công mà lần này phá tan được giặc dữ.

Hưng Đạo vương nói:

– Bệ hạ đã quá khen. Thực ra đuổi được giặc trước là nhờ khí thiêng sông núi, hồng phúc của nhà Trần ta, sau nữa là toàn thể quân dân chung sức làm nên – Hưng Đạo vương ngừng một lát, nói tiếp, giọng hơi nghẹn lại – Tâu thánh thượng! Chống giặc lần này, quân dân ta tốn không ít máu xương. Trong đó có Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản.

Nhà vua sửng sốt hỏi dồn:

– Sao! Khanh nói sao! Hoài Văn hầu làm sao rồi?

Hưng Đạo vương tâu:

– Hoài Văn hầu chặn giặc dưới núi Tam Tằng bên sông Như Nguyệt, chẳng may trúng phải tên bay, ít ngày sau thì qua đời.

Nhà vua sa lệ, nói:

– Hoài Văn hầu tuổi trẻ đầy bầu nhiệt huyết, nay mất đi trẫm thật đau lòng.

Hôm sau thiết triều nhà vua truy phong tước vương cho Trần Quốc Toản, tức là Hoài Văn vương. Chiêu Đạo vương Trần Quang Xưởng tâu rằng:

– Bọn tướng Chiêm Thành là Bà Lậu, Kê La Liên theo Toa Đô sang đánh nước ta, nên đem chém đi để răn bảo kẻ khác.

Sử quan là Lê Văn Hưu tâu rằng:

– Chiêm Thành là phên giậu phía Nam của nước ta. Hoàng thượng nên cho người đưa trả bọn Bà Lậu, Kê La Liên về để vua tôi họ xử lấy nhau. Như vậy giữ được tình giao hảo giữa hai nước. Ta rảnh tay lo mặt Bắc với nhà Nguyên.

Vua Trần theo lời tâu ấy, sai trung phẩm phụng ngự là Đặng Du Chi giải bọn Bà Lậu, Kê La Liên ba mươi người trả về Chiêm Thành.

Mùa thu tháng tám, nhà vua sai Tả bộc xạ là Lưu Cương Giới tuyên phong các công thần và trị tội những kẻ hàng giặc, sang tháng chín đổi niên hiệu là Trùng Hưng năm thứ Nhất, đại xá thiên hạ.

Nói về bọn Thoát Hoan, A Lý Hải Nha, Đường Ngột Đải, Giảo Kỳ chạy về được đến Tư Minh, liền cho người hoả tốc lên Yên Kinh báo tin thua trận. Mấy hôm sau bọn Lưu Thế Anh, Phàn Tiếp, Tôn Hựu, Mã Vinh, A Lý cũng lục đục tìm về đến nơi. Thoát Hoan thu nhặt tất cả tàn tốt được gần ba vạn, kéo về hành tỉnh Kinh Hồ đợi lệnh. Dân chúng các vùng Hồ, Quảng, Khâm, Liêm nhốn nháo vì tin thua trận khiến cho nội tình nhà Nguyên vô cùng xao động. Vua Nguyên nhận được tin Thoát Hoan, A Lý Hải Nha đã chạy khỏi Đại Việt thì hầm hầm nổi giận, cho đòi ngay về triều, mắng rằng:

– Các ngươi mang năm mươi vạn thiên binh đi đánh một nước An Nam nhỏ như bàn tay mà thua nhục nhã, còn dám vác mặt trở về được sao?

Nói xong, liền thét võ sĩ lôi hai người ra chém.

Thật là:

Chui ống mới vừa toàn được mạng

Về kinh lại mắc tội rơi đầu

Chuyến này Thoát Hoan, A Lý Hải Nha khó mà thoát chết. Mời bạn đọc tiếp chương sau xem sự thể diễn ra thế nào.


1 Hậu Nghệ: Nhân vật thần thoại của Trung Quốc cổ đại, có tài bắn cung, bắn rơi chín thần mặt trời.

1 Bá Hỉ: Tướng quốc nước Ngô thời Xuân Thu, hay ăn của đút làm hỏng việc lớn của quốc gia.

2 Câu này lấy nguyên văn trong ĐVsktt.

Đ.T

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder