
Đan Thành
Thoát Hoan dụng kế “Sét đánh bất ngờ”
Hưng Đạo lập mưu “Tách trâu khỏi cỏ”
Đan Thành
Thoát Hoan dụng kế “Sét đánh bất ngờ”
Hưng Đạo lập mưu “Tách trâu khỏi cỏ”
Hốt Đô Hồ vốn là một giáo sĩ quy phục người Thất Nhan Mông Cổ nên khi tham gia viễn chinh đem quân thuộc bộ lạc mình cùng với những nghi trượng của đạo Thiên Chúa, lúc bấy giờ bị A Thai sỉ nhục, tức giận không biết nhường nào mới ra nói với các chiến binh Thiên Chúa rằng:
– Ta hôm nay bị thân vương A Thai bêu nhục cũng chẳng khác nào chúa Jêsu chịu cho quân Jiuđê hành hạ khi xưa. Các ngươi hãy cùng ta đánh tan quân Nam để rửa mối nhục này.
Các tướng đều nói:
– Trình cha! Chúng con xin vâng theo lời dạy của người.
Nói rồi hàng nào đội ấy vừa đọc kinh vừa tiến lên. Quân Việt đứng trên gò cao trông thấy quân Nguyên vác những cây thập tự có hình người đóng đinh ở trên, không hiểu ra sao, vội về đại doanh báo rằng:
– Không biết quân Nguyên có ý gì mà nhiều người vác những chiếc cần cối gạo1 rất to, bên trên đều đóng đinh ghim chặt một gã hồng mao2, máu chảy ròng ròng. Chúng vừa đi vừa kêu gào, nghe không ra tiếng người.
Trần Quán nghe báo, vội lên ngựa ra xem, quả nhiên thấy đúng như vậy, mới bảo các tướng:
– Ta cũng không biết bọn này định giở trò gì nhưng cứ phải đánh mới biết được. Trần Nam, Bùi Tuệ mang quân đi phục, Lê Phúc giữ trại, để ta cùng Lê Quý mang quân ra đánh, nếu đánh thắng không nói làm gì, vạn nhất thua chạy về, quân phục dùng tên nỏ bắn chặn chúng lại.
Nói xong cùng Lê Quý mang quân tiến ra bày trận đợi. Khi hai bên đối trận, Hốt Đô Hồ cầm cây giáo có buộc thanh ngang thành hình chữ thập nhỏ, tiến ra, nói:
– Ta là dũng sĩ Đôminicô3 Hốt Đô Hồ! Quân Nam có kẻ nào dám đấu với ta chăng?
Trần Quán quay lại bảo Lê Qúy:
– Ngươi áp chặt các góc trận, để ta ra đấu với tên tướng này.
Nói dứt lời, vung giáo ra đánh với Hốt Đô Hồ. Hai bên đánh nhau hơn ba mươi hiệp, càng đánh càng hăng. Trần Quán biết không thể hạ được đối thủ mới nghĩ cách dùng độc kế, giả vờ lấy cây cung khảm ngọc cầm trong tay nhưng lại không rút mũi tên mà thủ sẵn một ngọn phi tiêu dài ba tấc có tẩm thuốc độc. Hốt Đô Hồ tưởng đối thủ định bắn cung, không hề sợ hãi, nói:
– Bắn cung là nghề nghiệp của chúng ta. Ngươi định đánh trống qua cửa nhà sấm hay sao?
Nói xong cứ thúc ngựa xông tới. Trần Quán thấy địch thủ đến gần, tay phải giơ cây cung lên. Hốt Đô Hồ nép người xuống cổ ngựa tránh nhưng không thấy tên bay tới mới ngẩng nhìn. Vừa khi ấy Trần Quán vung tay trái ném ra một ngọn phi tiêu trúng giữa mặt địch thủ. Hốt Đô Hồ ngã lăn xuống ngựa. Trần Quán định sấn lại đâm. Trong trận quân Nguyên có một dũng sĩ tên là Mộc Khát Cô Cô đeo cây thập ác rất to ở giữa ngực, vung thanh đại đao xông ra cản lại. Vì thế lính Nguyên đưa được Hốt Đô Hồ về trận. Trần Quán vẫy ngọn giáo, quân Việt ào ào xông ra. Quân Nguyên mất chủ tướng, vội vứt cả nghi trượng lẫn thánh giá, ù té vừa chạy vừa kêu:
– Jêsu ma lạy chúa con! Jêsu ma lạy chúa con!
Nhiều tượng Jêsu bị ngựa giẵm phải, vỡ cả đầu cả mặt. Trần Quán thúc quân đánh rát một chặp rồi cũng quay về. Quân Nguyên mang được Hốt Đô Hồ về đến Vũ Cao, thuốc độc đã phát tác. Các tướng đón vào, Hốt Đô Hồ không nói được nữa. A Thai bảo:
– Ta đã nói rồi! Lúc nào cũng khoe có chúa Jêsu ban cho phước lành. Bây giờ được ban cái phước lành nhất là lên thiên đàng đấy.
Hốt Đô Hồ trợn mắt nhìn A Thai, ngáp một cái rồi tắt hơi, lúc lâu sau mắt vẫn không nhắm lại, có vẻ trong lòng uất ức lắm. Từ hôm ấy Trần Quán cho bố phòng nghiêm cẩn, quân Nguyên không sao tiến lên được. Việc này xin tạm dừng ở đây.
Nói về đạo quân của Thoát Hoan, áo Lỗ Xích ngày mười ba tháng mười một năm Đinh Hợi (18-12-1287), đến thành Tư Minh. Châu mục Tư Minh là Hoàng Kiều thưa rằng:
– Đây là địa giới liền với An Nam, giao tranh có thể bất cứ lúc nào mà đội hình hành quân của ta lại quá dài, không thể tiến thoái mau chóng được. Ngộ nhỡ quân Nam đánh tạt ngang, thân quyến các tướng lĩnh bị bắt hết. Xin thái tử tạm để người nhà của các tướng lĩnh ở lại, cử lính bảo vệ để quân đội rảnh tay tác chiến, khi nào chiếm được Thăng Long đưa sang cũng chẳng muộn gì.
Bột La Hợp Đáp Nhi bấy giờ đã được thăng lên hàng hữu thừa, nói:
– Lời bàn của Hoàng châu mục rất phải. Xin Thái Tử hãy để một tướng tin cẩn ở lại Tư Minh vừa trông coi gia quyến các tướng lĩnh vừa lo gìn giữ quân lương, vận chuyển sang sau.
Thoát Hoan nghe theo mới để quân nhu cùng gia quyến các tướng ở lại, trong đó có cả gia đình, thuộc hạ bọn hàng thần Trần ích Tắc như Lê Trắc, Lê án, Trần Dục (con Trần ích Tắc) mới mười tuổi, sai vạn hộ đại tướng quân Hạ Chi cùng bảy nghìn năm trăm lính coi giữ, còn đại quân lập tức lên đường. Hạ Chi giao cho vạn hộ hầu Lý Đạt, tĩnh đô hầu Mã Lục Sư, Tư Đồ Bá Am hai nghìn năm trăm quân giữ lương thảo, bọn thiên hộ hầu Mao Tiêu, Giả Cáp lĩnh năm nghìn quân bảo vệ gia quyến tướng sĩ. Thoát Hoan cho quân lập tức lên đường, cử hữu thừa A Bát Xích mang một vạn quân đi tiên phong nhằm cửa Giới Hà thẳng tiến.
Lúc bấy giờ tướng Việt giữ cửa Giới Hà là Lương Uất họp các tướng thương nghị. Lương Dịch Hữu nói:
– Quân giặc đông, quân ta ít, ải này lại trống trải không phải là nơi có thể cố thủ được, xin chủ tướng cho lui về Mẫu Sơn lập luỹ, không cho chúng tiến đến Lộc Bình.
Lục Săm Pảy nói:
– ý của tướng quân Lương Dịch Hữu rất phải, nhưng tôi cho một mặt ta mai phục quân giặc ở Mẫu Sơn, mặt khác cần cấp báo về đại bản doanh để xin thêm viện binh.
Lương Uất suy nghĩ giây lâu, đứng dậy nói:
– Ta hiểu ý các ngươi, có điều Hưng Đạo đại vương đã dặn rằng phải giữ chân giặc ở Lộc Bình đến hết ngày hai mươi bốn tháng mười một, tức là còn năm ngày nữa. Chiều nay hoặc sáng mai là A Bát Xích đến đây, nếu ta không dùng kỳ binh mà đánh thì trong một ngày là chúng chiếm được Lộc Bình chứ nói chi đến năm ngày, vì thế không phải chỉ mai phục ở Mẫu Sơn.
Các tướng đồng thanh nói:
– Xin tướng quân ra lệnh. Chúng tôi thề liều chết với quân thù.
Lương Uất nói tiếp:
– Tốt lắm! Lương Khiêm hãy ở lại đây, khi thấy giặc đến, đem một nghìn quân ra chặn đánh rồi chạy về Mã Thạch khê. Lương Dịch Hữu đem một nghìn tay nỏ phục ở khe ấy, chờ cho Lương Khiêm dẫn quân qua, khi nào thấy A Bát Xích đuổi tới, tất cả cùng bắn xuống. Mã Thạch khê là nơi Thoát Hoan phải chui vào thạp đồng mới thoát được. Ta không tin A Bát Xích có thể dễ dàng vượt được qua. Lục Săm Pảy mang một nghìn tay nỏ đến gần gò Ô Long chọn nơi kín đáo trên con đường hẻm trong rừng nứa mai phục. Giặc đến chỗ địa hình quang đãng thế nào cũng phòng bị, nhưng không thấy quân ta đánh tất sinh lòng lơ là mà tiến. Chính lúc ấy ngươi tung quân ra đánh rồi lui ngay. Quân giặc thấy ta thoắt ẩn thoắt hiện, phải dè chừng không dám khinh tiến. Tất cả đều dùng tên độc cho chúng sợ chứ không cần bắt quân chém tướng chi cả. Ta đem quân về Mẫu Sơn đợi các ngươi.
Các tướng đều vâng lệnh mang quân đi phục. Sáng hôm sau hai mươi tháng mười một (25-12-1287), A Bát Xích mang quân đến dưới ải Giới Hà thách đánh. Lương Khiêm nói với quân sĩ rằng:
– Dù chủ tướng không bắt ta phải chém tướng giặc nhưng nhất định ta phải chém được thằng đại tướng này để cho quân chúng chừa cái thói hống hách đi.
Nói xong cho mở cửa thành, cầm đao, dẫn quân ra. Hai bên đối trận, Lương Khiêm thét lớn:
– Ta là tướng giữ ải này. Quân Nguyên có kẻ nào dám đấu với ta không?
Tướng Nguyên là đạt lỗ hoa xích Tích Đô Nhi quát lên rằng:
– Ngươi chỉ như con chuột ở góc rừng phương Nam mà dám coi thường thiên binh nhà Đại Nguyên ta thế hay sao?
Nói xong múa cây trường mâu, xông ra giao đấu. Lương Khiêm khoẻ lắm, đường đao đánh như gió bão. Tích Đô Nhi không sao chống đỡ nổi phải quay ngựa chạy về. Lương Khiêm đứng giữa trận cười ha hả, nói:
– Ta tưởng quân tướng viễn chinh nhà Đại Nguyên tài giỏi thế nào, hoá ra cũng chỉ là một lũ cơm toi thế thôi ư?
A Bát Xích dặn các tướng:
– Các ngươi áp giữ chặt chẽ góc trận để ta ra bắt sống thằng này.
Nói xong vung cây kích sắt ra đánh với Lương Khiêm. Lương Khiêm đã là tay kiện tướng thế mà đấu với A Bát Xích không ăn thua gì, được mươi hiệp, đường đao rối loạn, bị A Bát Xích đưa một kích gẫy cánh tay trái, vội quất ngựa dẫn quân chạy về Mã Thạch khê. A Bát Xích hô quân đuổi theo. Lương Dịch Hữu đứng ở trên cao trông thấy người ngựa đuổi nhau cát bụi bay mù hiểu hết sự tình, mới chờ cho quân của Lương Khiêm qua hết, liền hô lính bắn tên, ném đá xuống. Quân Nguyên trúng phải tên độc, kêu vang khe núi. A Bát Xích biết là trúng kế, định quay lại nhưng đường khe rất hẹp, người ngựa ùn tắc không sao thoát ra được. Tích Đô Nhi phải gào lên để truyền lệnh:
– Phía sau lùi lại.
Nhưng tiếng người vang trong khe đá rất là ồn ào nên phía sau lại tưởng có lệnh:
– Phía sau dấn lên.
Vì thế hai tướng Địch Phương, Dịch Cát ra sức thúc quân xông vào lòng khe. Người ngựa giẵm đạp lên nhau chết hại không biết bao nhiêu mà kể. Mãi lâu mới nhận ra việc nghe lệnh sai. Các tướng phía sau vội cho quân tháo hậu, quân Nguyên đã bỏ mạng mấy nghìn nhân mã trong khe núi rồi. A Bát Xích được Tích Đô Nhi cùng hơn mười dũng sĩ lấy mộc che tên cứu ra ngoài, biết là đã thoát chết, thở hổn hển, chửi:
– Mẹ cha chúng mày! Bảo lùi, lại cứ xông lên, suýt nữa xéo bẹp cả ông.
Các tướng thấy A Bát Xích thê thảm như vậy, vừa sợ vừa buồn cười nhưng tất cả đều lặng im nghe mắng, không dám nói sao. Lương Dịch Hữu cho quân bắn hết tên, ném hết đá liền lui về gò Ô Long cùng Lục Săm Pảy mai phục trong đoạn đường rừng. Lương Khiêm vì mất cánh tay, máu ra nhiều, chạy về đến Mẫu Sơn, khiệt sức lăn xuống ngựa, chết. Lương Uất thương lắm, cho làm ma chôn tại chân núi, trên mộ ghi hàng chữ Đại Việt dũng binh Lương khiêm chi mộ.
Ngày hôm sau A Bát Xích bảo các tướng:
– Hôm qua trúng phải gian kế của quân Nam khiến ta mất toi mấy nghìn kỵ sĩ. Hôm nay phải phá bằng được ải Giới Hà. Nghe tiếng chiêng tất cả xông lên, kẻ nào tháo lui chém ngay tại trận.
Quân sĩ nghe lệnh ô ạt tiến binh. Người thang, kẻ dây móc, lăm lăm đao kiếm trong tay đằng đằng sát khí nhao vào. Xung xa đẩy bung cửa thành. Hoá ra cánh cổng chỉ khép hờ không chốt then cũng chẳng có quân lính canh giữ. A Bát Xích nói lớn:
– Quân Nam chạy hết từ lâu rồi, ta tiến vào chiếm ải rồi đón thái tử tới.
Quân sĩ vào cả trong ải, đi lùng khắp nơi không thấy một người lính Việt nào, cũng không biết lương thảo cất giấu ở đâu. Chiều hôm ấy Thoát Hoan vào ải. A Bát Xích xin tiến binh. áo Lỗ Xích nói:
– Quân Nam tự nhiên bỏ ải không phải không có nguyên do, cử thám mã đi trước xem thế nào đã.
A Bát Xích vâng lệnh tung ngay mấy đội thám binh đi dò la. Đến gần tối thám binh đều về báo:
– Không thấy bóng dáng quân Nam đâu.
A Bát Xích cười lớn, nói:
– Sức kháng cự của chúng cũng chỉ đến thế mà thôi. Người ta cứ bảo quân Nam thiện chiến vậy mà không chịu nổi một đòn của tôi, chạy tiệt cả rồi. Để tôi mang quân thiết kỵ đuổi chúng. Thái tử cùng bình chương thong thả mang đại quân đi sau, không có gì phải ngại.
áo Lỗ Xích nói:
– Bây giờ giời đã tối rồi, không nên tiến binh vội. Sáng sớm mai ngươi mang quân thiết kỵ đi mở đường nhưng chớ ham đánh quá mà mắc mưu của chúng.
Sáng hôm sau A Bát Xích lấy đủ một vạn quân thiết kị, nhằm đường phía Nam tiến xuống, đến gò Ô Long thấy rừng mở ra, trước mặt là một bãi trống, về phía Nam bãi trống ấy có một quả đồi thấp, cây cối um tùm. Bốn bề yên lặng, không có dấu hiệu gì của quân mai phục. Tích Đô Nhi nói:
– Quân ta đi từ sáng đến giờ không thấy tên quân Nam nào cản đường, ngựa cũng đã mỏi. Nhân có bãi trống này xin tiên phong tướng quân cho lính ăn cơm, để ngựa nghỉ lấy sức.
A Bát Xích nói:
– Phải đấy! Cho quân nghỉ ăn uống rồi tiến luôn một mạch đến Lộc Bình.
Dịch Cát nói:
– Xin tướng quân chớ dừng lại. Nơi này hai năm trước thái tử cho quân nghỉ trên đường về đã bị phục binh. Quả đồi kia chính là gò Ô Long vậy.
A Bát Xích nói:
– Đã thế ta đến hẳn gò ấy mà nghỉ mới được.
Nói xong dẫn quân đến thẳng bãi trống trước gò Ô Long ăn uống nhưng tuyệt nhiên không thấy quân Việt đến đánh. Lúc ăn xong, lên đường, Tích Đô Nhi bảo Dịch Cát:
– Ông cứ đa nghi. Quân Nam lấy đâu ra người mà chỗ nào cũng đòi phục binh.
Dịch Cát nói:
– Tôi không hiểu sao một nơi có thể mai phục tốt như thế mà quân Nam lại bỏ ngỏ.
Quân Nguyên vừa rời khỏi bãi trống, vào con đường trong rừng nứa, bỗng nghe pháo nổ liên thanh, rồi tên nỏ bắn ra như trấu vãi. Người ngựa trúng tên nháo nhào té chạy. Địch Phương nói:
– Quân Nam không đông. Ta nên xuống ngựa mà đánh với chúng.
Lương Dịch Hữu, Lục Săm Pảy thấy quân Nguyên xuống ngựa đánh vào rừng, cho nổi lửa đốt chặn rồi mang quân về Mẫu Sơn. A Bát Xích thấy lửa cháy, liền cho quân ra cả khoảng đất trống, hỏi Địch Phương:
– Vì sao ngươi biết quân Nam không đông?
Địch Phương nói:
– Cứ xem cách chúng phục binh thì biết, nếu quân đông tất chúng đánh ta ở nơi trống trải. Đằng này chúng phục trong rừng đánh lén, nhiều lắm cũng chỉ chừng vài nghìn quân mà thôi.
A Bát Xích nói:
– Người Hán các ngươi sâu sắc lắm, chỉ vì vua chẳng ra vua, tôi chẳng ra tôi nên mới mất nước đấy thôi.
Sáng ngày hai ba tháng mười một ( 28-12-1287 ), A Bát Xích dẫn quân đến Mẫu Sơn, nhìn lên chỉ thấy tầng tầng đá dựng, không một tiếng chim kêu vượn hú, Địch Phương nói:
– Địa thế nơi đây rất là hiểm trở, nếu người Nam đặt phục binh, quân ta khó mà qua được.
Tích Đô Nhi nói:
– Tôi cho rằng quân Nam không phục binh ở đây mà thường phục ở nơi không đáng phục để tạo ra thế bất ngờ. Như vậy gọi là dùng chỗ hiểm trong lòng người chứ không dùng chỗ hiểm nơi địa thế.
Dịch Cát nói:
– Lời đạt lỗ hoa xích Tích Đô Nhi rất có lý, nhưng người Nam dùng binh biến hoá khôn lường. Xin tiên phong cứ nên đề phòng mới được.
A Bát Xích nói:
– Lời bàn của các ngươi đều đúng cả. Ta muốn cử một tướng thử đi lên trước, ai dám nào?
Địch Phương hăng hái nói:
– Tôi xin đi!
A Bát Xích cấp cho Địch Phương một nghìn kỵ sĩ, dặn:
– Ngươi tiến binh lên nếu thấy quân phục, phải lùi ngay lại, chớ ham đánh, nếu không có quân Nam thì cho người phất cây cờ trắng để ta đem binh tiến lên.
Lương Uất ở trên núi thấy quân Nguyên đã đi vào trận địa, bảo các tướng:
– Các ngươi chớ đánh vội. Đây mới chỉ là đội quân dò đường của chúng mà thôi. Ta muốn nhử đội tiên phong của A Bát Xích vào rồi mới đánh.
Lục Săm Pảy hỏi:
– Làm thế nào để nhử được A Bát Xích.
Lương Uất nói:
– Cần một người đem quân xuống đánh nhau với tên tướng kia rồi giả thua chạy về. Quân chúng tưởng ta yếu thế, tất ùa cả lên là chui vào rọ.
Bấy giờ con Lương Khiêm là Lương Nhượng mới mười sáu tuổi nhưng khoẻ mạnh, anh hùng, tinh thông võ nghệ đang muốn báo thù cho cha, nói:
– Cháu xin xuống đánh với tên tướng kia.
Lương Uất nói:
– Cháu muốn xuống đánh cũng được nhưng phải nghe ta dặn, nhất định phải vờ thua chạy theo con đường này mà về, không được nôn nóng trả thù mà nhỡ việc.
Lương Nhượng vâng một tiếng rồi dẫn quân xuống núi chặn ngang đường, quát lớn:
– Quân Nguyên đi đâu? Có ta đợi ở đây lâu rồi.
Lính Nguyên nghe tiếng quát, chùn cả lại. Địch Phương định thần, nhận ra tướng Việt chỉ là một trang thiếu niên mặt còn non sữa, mới cười sằng sặc, nói:
– ối giời ôi! Tưởng ai, làm cho ông ngoại mày hoảng cả hồn. Hoá ra chỉ là một đứa trẻ ranh hãy còn nửa thích bú mẹ nửa đòi ăn cơm. Khôn hồn tránh ngay ra cho ông mày đi.
Lương Nhượng còn trẻ, nghe Địch Phương nói vậy, không kiềm được cơn giận, quên hết cả lời dặn của chủ tướng, vung giáo đánh. Địch Phương cũng múa giáo đón đỡ nhưng thấy đối thủ còn trẻ nên có ý coi thường, bị Lương Nhượng đâm một nhát vào giữa mặt, chết lăn xuống ngựa. Quân Nguyên thấy mất chủ tướng, vội ù té chạy. Lương Nhượng đuổi theo đâm chết ba kị sĩ Nguyên nữa rồi quay lại chém lấy thủ cấp Địch Phương, dẫn quân lên núi báo công. Lương Uất quát:
– Ta dặn ngươi phải vờ thua, nay ngươi xua cho chúng chạy hết, bộc lộ lực lượng của ta, còn hòng gì nhử được chúng nữa. Quân chúng hàng mấy chục vạn, thế nào rồi cũng kéo đến san bằng núi này cho mà xem. Giám quân đâu? Tội này nên xử thế nào.
Giám quân Nùng Phìa Noọng thưa:
– Tướng ra trận trái lệnh thượng cấp là kiêu tướng, phải chém.
Lục Săm Pảy quỳ xuống nói:
– Lương Nhượng tuổi trẻ, như cây gỗ quý còn non. Xin tướng quân để nó cứng cáp lên ắt là hữu dụng.
Lương Uất nói:
– Ta cùng cha nó kết tình anh em, bao nhiêu năm sống chết có nhau, đâu nỡ giết nó. Nhưng chính cha nó vì trái quân lệnh mà chuốc lấy cái chết không đáng. Nay nó cũng trái quân lệnh nữa, ta biết làm thế nào?
Lương Dịch Hữu nói:
– Lương Khiêm là người trung dũng, lại chỉ được một mình Lương Nhượng nối dòng, không nên để tuyệt tự. Tôi có một kế này, xin dâng tướng quân – ghé sát vào tai Lương Uất nói nhỏ -Tướng quân cứ cho đóng cũi đưa nó về tuyến sau không cho ra trận nữa.
Lương Uất khen phải, rồi nói:
– Nùng Phay con của Nùng Phìa Noọng cũng tuổi ấy, hiện đang ở đây. Để ta cho nó về tuyến sau luôn thể.
Nói xong truyền lệnh cho Lương Dịch Hữu cứ thế mà làm. Lương Dịch Hữu chọn Nùng Phay, Voòng San và Hà Lâm là những chàng lính trẻ nhất trong quân giao cho áp giải Lương Nhượng về mật trại trong núi, chờ xét xử, lại dặn rằng:
– Các ngươi dẫn nó về rồi ở đấy canh giữ luôn, nếu để nó trốn thoát, các ngươi phải chịu tội thay. Đây là quân lệnh, chớ có coi thường.
Lương Nhượng kêu ầm lên:
– Bắt về mật doanh không cho đánh giặc thà chém tôi đi còn hơn.
Bọn Nùng Phay, Voòng San, Hà Lâm cũng nói:
– Chúng tôi muốn ở đây đánh giặc chứ không muốn về mật doanh.
Lương Dịch Hữu nghiêm nét mặt, nói:
– Tướng trái lệnh còn phải chém huống chi lính. Các ngươi muốn kháng lệnh phải không?
Ba gã lính thiếu niên không biết làm sao, đành miễn cưỡng giải Lương Nhượng đi. Lương Uất bảo các tướng:
– Quân Nguyên đông đến mấy chục vạn, quân ta chỉ chưa đầy năm nghìn người, nơi đây lại lộ mất rồi, ta nên lui về Lộc Bình cùng Phạm Ngũ Lão chống giữ mới được.
Các tướng đều vâng lệnh. Quân Nguyên thấy Địch Phương chết trận, vội chạy về báo với A Bát Xích:
– Trên núi có một tướng trẻ tuổi nhưng rất anh dũng, Địch tướng quân bị nó giết mất rồi.
A Bát Xích hăng máu, nói:
– A! Mẹ cha thằng nhãi nào mà dám to gan đến vậy. Để ta lên xem nó có dám đánh không? Núi này tuy cao nhưng bên dưới có nhiều bãi trống. Tích Đô Nhi mang ba nghìn quân vòng bên tả. Dịch Cát đem ba nghìn quân vòng bên hữu. Ta đi chính giữa. Ba mặt đánh áp vào, chớ để quân Nam chạy thoát.
Quân Nguyên theo ba đường tiến lên nhưng chẳng thấy quân Việt đâu. Tướng trẻ, tướng già cũng không có ai ra tiếp chiến. A Bát Xích đâm hoang mang nói:
– Cái bọn quân Nam phải gió này đánh nhau với nó tức chết, ẩn ẩn hiện hiện như ma vậy. Đã thế ông đuổi đến tận Lộc Bình xem chúng bay chạy đằng nào.
Nói xong thúc quân thẳng đến dưới ải Lộc Bình, đợi Thoát Hoan.
Bấy giờ Lương Uất, Phạm Ngũ Lão đã phục binh các ngả, sẵn sàng ứng chiến, bỗng có phi mã của Hưng Đạo vương đến truyền lệnh tất cả rút vào rừng, mặc cho quân Nguyên tiến binh. Lương Uất nói với Phạm Ngũ Lão:
– Chẳng lẽ đức ông1 để ngỏ cửa cho giặc vào?
Phạm Ngũ Lão cười, nói:
– Tôi lại nghĩ sao lệnh này bây giờ mới tới. Đáng lẽ quân ta phải rút từ lâu mới đúng. Ngày xưa Đỗ Nguyên Bá phò giúp Nguyễn Nộn có viết ra sách “Bát thập nhất kỳ mưu”, trong ấy có một mẹo gọi là “Tách trâu khỏi cỏ” chính là mẹo này đây. Chúng ta nên lui binh mau mà chờ lệnh mới.
Lương Uất vẫn chưa hiểu ra sao nhưng cũng phải tuân lệnh. Bọn áo Lỗ Xích, A Bát Xích đến dưới thành Lộc Bình, thấy cổng thành bỏ ngỏ, cho người vào thám thính, hoá ra là một ngôi thành trống không. Sáng hôm sau hai bốn tháng mười một (29-12-1287), áo Lỗ Xích đón Thoát Hoan vào thành. Tham tri chính sự là Bất Nhan Lý Hải Nha nói:
– Quân Nam bỏ thành mà chạy, đủ biết lực lượng của chúng chẳng có đáng bao nhiêu. Xin thái tử nhân đây tiến binh ngay đi.
áo Lỗ Xích nói:
– Tham tri chính sự nói rất đúng nhưng tiến cả theo đường phía Đông, đội hình dài quá, khó chỉ huy. Ta nên chia quân sang đường phía Tây mà tiến.
Thoát Hoan theo lời ấy, gọi hữu thừa Bột La Hợp Đáp Nhi đến, dặn:
– Ngươi đã từng đi đường phía Tây. Ta giao cho năm vạn quân2, ngươi theo đường ấy mà tiến xuống hội ở Vạn Kiếp. Phó tướng cho ngươi tuỳ chọn.
Bột La Hợp Đáp Nhi nói:
– Tôi xin chọn một vị hữu thừa nữa là Trình Bằng Phi làm phó tướng.
Thoát Hoan thuận cho. Bột La Hợp Đáp Nhi lập tức dẫn quân lên đường. Thoát Hoan lại lệnh cho hữu thừa A Bát Xích tức tốc tiến về ải Nữ Nhi rồi gọi áo Lỗ Xích đến, nói:
– Bình chương hãy mang một vạn quân đi tiếp ứng cho tiên phong. Ta kéo đại quân đi theo ngay, phải tiến nhanh xuống Vạn Kiếp để Trần Quốc Tuấn không kịp trở tay. Như thế gọi là đòn “Sét đánh bất ngờ” không kịp bịt tai đấy.
Đây nói trong các tướng dưới trướng của Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn có ba người là Phạm Thắng, Giang Biền, Lê Ương vốn trước theo Hoài Văn hầu. Khi Hoài văn thọ thương ở núi Tam Tằng dặn họ sau này theo Tá Thiên vương Trần Đức Việp nhưng Đức Việp được bổ làm quyền tướng quốc sự phải ở bên cạnh nhà vua lo việc triều chính nên mấy anh em mang quân theo Hưng Vũ vương để được đi đánh trận. Bấy giờ Hưng Vũ vương đang phòng thủ ở Nữ Nhi quan, có lệnh của Hưng Đạo vương gọi mang quân về ngay mật trại ở trong rừng, mới bảo các tướng rằng:
– Quân ta rút đi không kịp mà giặc đã đến dưới ải. Có ai dám ra chặn giặc để quân đi được toàn vẹn hay không?
Giang Biền xin ở lại. Hưng Vũ vương cấp cho năm trăm quân, dặn:
– Số quân này dùng vào việc giật dây bẫy đá và nỏ máy. Ngươi phải nghi binh, chớ để cho giặc biết quân ta nhiều ít thế nào. Đợi quân ta đi hết, ngươi mang anh em vào rừng, đợi lệnh.
Giang Biền nói:
– Xin vương gia yên lòng. Tôi chưa chết, nhất định quân giặc không thể qua được ải.
Hưng Vũ vương đi rồi, Giang Biền phục binh ở những nơi hiểm đạo. A Bát Xích đến, cho tiền đội xông lên ải. Quân Việt giật bẫy đá, bắn nỏ máy làm người ngựa quân Nguyên chết chồng đống lên nhau. A Bát Xích cậy đông quân, lại được áo Lỗ Xích hậu thuẫn nên cứ thúc lính xông tới hết lớp này đến lớp khác. Quân Việt bắn hết cả tên cả đá, bị quân Nguyên vây kín bốn mặt, Giang Biền nói với binh lính:
– Tình thế đã đến nước này, ai dám liều thân báo quốc thì theo ta, ai không theo, hãy lánh tạm vào
rừng, chớ có hàng giặc.
Năm trăm chiến binh Đại Việt cùng thét lớn:
– Chúng tôi xin hiến thân vì nước.
Giang Biền dẫn các chiến sĩ xông xáo giữa vòng vây quân giặc. Tiếng hô “sát Thát” dội vào vách núi rền vang như có trăm vạn hùng binh. Nhưng các dũng sĩ Đại Việt thương vong dần, Giang Biền bị Tích Đô Nhi bắn trúng một mũi tên, lăn xuống ngựa, chết. Năm trăm chiến binh đã anh dũng nằm lại ở nơi quan ải. Quân Nguyên vượt được cửa Nữ Nhi, tiến thẳng xuống đánh Nội Bàng nhưng thành này đã bỏ trống. Vạn hộ đại tướng quân Lưu Thế Anh nói:
– Lần trước quân ta phải thiệt không biết bao nhiêu binh mã mới lấy được Nội Bàng. Lần này chúng sợ hãi mà chạy cả, chẳng phải là ý trời sao? ở đây có nhiều nhà kho rộng rãi, xin thái tử lệnh cho Hạ Chi mang quân lương đến, thuận tiện việc cấp phát cho phía trước lắm.
Thoát Hoan nói:
– Lời bàn của Lưu tướng quân rất phải.
Nói xong, cử châu mục Hoàng Kiều quay về Tư Minh, cho Hợp Nhi Xích A ở lại giữ Nội Bàng chuẩn bị kho lẫm để đợi Hạ Chi mang lương thảo tới, còn đại binh tiến đến Vạn Kiếp.
Bấy giờ Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn về đến mật doanh ém quân lại, rồi tới Vạn Kiếp vào trình Hưng Đạo vương, hỏi rằng:
– Con đang chặn giặc ở ải Nữ Nhi, phụ vương cho gọi về là cớ sao ạ?
Hưng Đạo vương họp các tướng, nói rằng:
– Ta được tin mật báo Thoát Hoan để lương thảo ở Tư Minh nên muốn cho chúng tiến nhanh. Chúng càng đi nhanh, càng dễ rơi vào tình trạng thiếu đói. Ta lại cho chặn đánh các cánh quân khác, không cho chúng hội với nhau. Tiếp sau ta chặn đường vận lương. Như vậy Thoát Hoan đem quân một mình lạc lõng đến đây, không có lương ăn chẳng phải đi vào chỗ chết ư? Kế này gọi là “Tách trâu khỏi cỏ” vậy.
Bấy giờ các tướng mới vỡ lẽ, đều nói:
– Quốc Công thật là thần cơ diệu toán. Người thường không thể biết được.
Hưng Đạo vương nghiêm giọng nói tiếp:
– Tuy nhiên các ngươi chớ có nghĩ quân Nguyên để cho ta đánh dễ dàng. Trước mắt lực lượng của chúng vừa đông vừa mạnh, ta chưa thể tập trung quân đánh đòn quyết định. Ta đã dự sẵn mưu kế dẫn chúng vào chỗ sa lầy khốn quẫn tiến thoái đều bất lợi, khi ấy mới tung quân quyết chiến thì giặc Hồ kia không thể không bỏ mạng phơi thây.
Hưng Đạo vương vừa dứt lời, các tướng đều đồng thanh nói:
– Chúng tôi nhất nhất tuân lệnh Quốc Công. Nguyện hiến thân cho trăm họ.
Hưng Đạo vương hơi mỉm cười, dặn các tướng:
– Tốt lắm! Chỉ trong ngày mai thế nào quân Nguyên cũng đến đây. Các ngươi cứ thế này…thế này mà làm.
Các tướng nghe theo, ai vào việc nấy, lo phận sự của mình.
Ngày hai mươi tám tháng mười một âm lịch( 2-1-1288) Thoát Hoan tiến quân đến bên kia sông, cắm trại đối mặt với thành Vạn Kiếp nhưng không dám tiến đánh. Bình chương áo Lỗ Xích nói:
– Quân ta đã tiến đến đây, sao thái tử không cho đánh ngay đi. Dây dưa ngày tháng còn gọi gì là “Sét đánh bất ngờ” được nữa.
Thoát Hoan nói:
– Ta cũng muốn tiến đánh ngay lắm chứ nhưng chưa có cánh quân nào đến cùng hội chiến. Ta đem độc binh đánh sang chẳng phải là mạo hiểm lắm hay sao. Mà cắm trại ở mãi đây nhỡ quân Nam tiến đánh cũng rất nguy. Ta muốn tạm lui binh về Nội Bàng.
Trong ban có người bước ra nói rằng:
– Xin thái tử chớ có lui binh. Tôi xin hiến một kế có thể giữ được vẹn toàn.
Thật là:
Sét đánh bất ngờ thành sét xịt
Tiến lên lùi lại đặt trò cười.
Mời bạn đọc tiếp chương sau xem người gỡ bí cho Thoát Hoan là ai.
1 Cây thập tự mà quân Jiuđê đóng đinh Jêsu lên, trông giống như chiếc cần cối giã gạo, người theo đạo Gia Tô nước ấy gọi là cây thánh giá.
2 Dân ta khi xưa gọi người Tây là hồng mao vì râu tóc của họ đỏ. Jêsu cũng vậy.
3 Mỗi giáo sĩ và con chiên của đạo Gia Tô đều lấy tên một vị thánh của họ đặt trước tên mình. Đôminicô là tên thánh của Hốt Đô Hồ.
1 Đức ông: Chỉ đức ông Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn.
2 Để che giấu thất bại, Nguyên sử chỉ ghi đạo quân này có một vạn người.
Đ.T