Đan Thành
Vt công chúa Trần Bảo Hoa ngăn đường Lão Thử
Nguyên tướng quân Trình Bằng Phi chiếm cửa Hãm Sa…
Đan Thành
Vt công chúa Trần Bảo Hoa ngăn đường Lão Thử
Nguyên tướng quân Trình Bằng Phi chiếm cửa Hãm Sa
Các tướng nhìn xem, hoá ra người hiến kế là thân vương Tích Lệ Cơ. Thoát Hoan hỏi:
– Theo ý thân vương, nên làm sao?
Tích Lệ Cơ nói:
– Thái tử đến đây lại lui binh thế nào cũng bị quân Nam đuổi theo, chẳng phải là chuyển công thành thủ, chuyển từ lợi thế thành nguy thế hay sao? Vả lại đại quân ta quay lại Nội Bàng, nhỡ các đạo quân khác tới không thấy thái tử, lấy ai làm hiệu lệnh. Quân Nam biết được, tiến đánh, quân ta sao tránh khỏi tan vỡ. Chi bằng cứ đóng giữ ở đây, chia quân lập đồn ngoại vi bảo vệ đại doanh rồi đánh ra các vùng xung quanh, bắt dân chúng, cướp lấy quân lương, chỉ ít ngày các cánh quân kia cũng tới. Lúc ấy lương thảo thuỷ bộ hai đường đã chuyển vận đến còn phải lo gì nữa.
Thoát Hoan nghe nói xong, vỗ tay cười lớn, bảo:
– Phải lắm! Phải lắm. Lời bàn của Tích Lệ Cơ vương thật là vàng ngọc.
áo Lỗ Xích nói:
– Tôi xin chia quân lập trại, đóng thuyền bè, chờ các đạo binh khác đến là ta vượt sông đánh thành.
Đây nói bọn ba chàng lính Nùng Phay, Voòng San, Hà Lâm tuân lệnh áp giải Lương Nhượng về mật doanh ở trên núi. Đi được nửa ngày, cả bọn ngồi bên đường lấy bánh khô ra ăn. Hà Lâm nói:
– Chỉ tại công tử mà cả ba chúng tôi cũng bị vạ lây, không được ra trận.
Lương Nhượng nói:
– Ta có cách này, nếu các anh chịu nghe, chẳng lo gì không được đánh giặc.
Voòng San háo hức nói:
– Nếu là được đi đánh Thát, kế gì tôi cũng theo.
Lương Nhượng nói:
– Các anh hãy thả ta ra rồi cùng nhau trốn sang ải Khâu Ôn theo công chúa Bảo Hoa, tha hồ mà đánh Thát.
Nùng Phay nói:
– Nếu được theo công chúa Bảo Hoa còn gì bằng nữa. Nhưng không có người tiến dẫn, công chúa biết chúng mình là ai, có khi còn bị nghi là quân gian, tóm cổ cả lũ chưa biết chừng.
Lương Nhượng nói:
– Việc ấy các anh khỏi phải lo. Công chúa biết tôi.
Ba gã lính trẻ thấy Lương Nhượng nói vậy, nhao nhao hỏi:
– Thật thế á? Thật thế á?
– Công tử gặp công chúa rồi hay sao?
Lương Nhượng cười, nói:
– Các anh đã quyết như thế hãy tháo cũi ra. Ta kể cho mà nghe.
Nùng Phay bảo:
– Phải đấy! Tháo cũi ra. Công tử có phải là giặc đâu mà ngồi trong cũi.
Nói xong, mở cũi. Lương Nhượng ra ngồi ăn cùng mấy chàng lính, kể:
– Mấy tháng trước, công chúa lên trấn ở Ôn châu, có gọi tướng quân Lương Uất cùng cha ta đến gặp. Ta được đi theo. Công chúa thấy ta còn trẻ, mới hỏi: “Nhà ngươi bao nhiêu tuổi mà đã vào lính”? Ta nói rằng: “Thưa công chúa! Thần năm nay đã bước sang tuổi mười sáu rồi”. Công chúa lại hỏi: “ Nhà ngươi có biết cưỡi ngựa, bắn nỏ không?” Ta nói: “Cưỡi ngựa, bắn nỏ là nghề của tổ phụ thần truyền lại. Thần cũng có thể bắn cung và đánh giáo nữa”. Công chúa vui vẻ nói: “ Vậy ngươi diễn thử ta xem”. Công chúa nói xong sai người cắm một tấm bia cách xa trăm bộ. Ta nhảy lên lưng ngựa phi quanh bãi hai vòng rồi rút cây nỏ cánh ngắn, bắn liền ba phát đều trúng hồng tâm. Quân sĩ reo hò vang dậy. Ta bỏ cây nỏ, lấy cây cung cánh cong, dùng loại tên dài, cũng bắn ba phát vào bia. Sáu mũi tên chụm đầu vào nhau. Công chúa khen: “Giỏi! Giỏi” rồi bảo cha ta rằng: “Ngươi có một người con trẻ tuổi mà tài cao. Cha con hãy gắng sức lập công phù trì xã tắc”. Nói rồi công chúa thưởng cho ta miếng ngọc khắc hình chim Lạc màu lục này.
Lương Nhượng giơ miếng ngọc ra. Ba gã lính nhìn trố mắt. Voòng San nói:
– Thế này tốt quá rồi! Ăn xong, ba anh em ta theo công tử đi tắt đường sang Khâu Ôn, chỉ đêm mai là tới.
Nùng Phay, Hà Lâm đều nói:
– Được đi đánh giặc dưới cờ công chúa Bảo Hoa, có chết mười lần cũng thoả nguyện.
Đến đây hẳn bạn đọc hỏi rằng công chúa Bảo Hoa là người như thế nào mà được các chàng lính sùng bái như vậy.
Chuyện rằng năm Thiệu Long thứ năm (1262), tháng chín, sứ thần Chiêm Thành sang cống lễ vật1. Trong các lễ vật ấy có một cái cây cao hơn mười thước, lá to, thân thẳng, đã ra hoa. Các cánh hoa màu trắng tinh khiết, thon dài không nở xoè ra mà ôm khít vào nhau như hình con nhộng nhưng vẫn toả mùi thơm hết sức quyến rũ. Vua Thánh tông cho là thứ cây quý, sai nội nhân đem trồng trong vườn ngự. Năm Thiệu Long thứ tám (1265), Mùa Thu, tháng Bảy nước to, vỡ đê ở phường Cơ Xá. Người và súc vật chết đuối nhiều1. Nhà vua cùng các quan lên thuyền đi cứu dân. Thuyền của Thánh tông đến nơi thấy phía trước, trong dòng nước chảy cuồn cuộn, có một người con gái ra sức bơi chiếc thuyền lan đi vớt dân bị nạn. Quan đại hành khiển là Nguyễn Giới Huân tâu:
– Cô gái kia là con nhà bách tính mà có lòng nhân hậu. Thần thấy cô ta không phải là người sắc nước hương trời nhưng trên đầu lại như có hào quang toả chiếu, hẳn không phải người thường, để ở bên ngoài e mai sau sinh ra con cháu gây hại cho nhà Trần ta. Xin hoàng thượng hãy triệu người ấy vào cung, biết đâu chẳng sinh quý tử.
Thánh tông nghe theo lời tấu ấy mới cho người đi triệu. Khi cô gái đến, nhà vua hỏi:
– Nàng tên là gì! Song thân ở đâu mà một mình đi cứu nạn cho dân.
Cô gái ấy khấu đầu nói rằng:
– Tiện nữ là Phạm Thị, nhà ở phường này, cha mẹ chẳng may đã qua đời. Tiện nữ sống một mình bên bến đò, ngày ngày lấy việc đưa khách sang sông làm nghề kiếm sống.
Nhà vua nói:
– Nàng là một thường nhân mà có tấm lòng bồ tát, hãy theo ta vào cung để được hưởng phúc lộc lâu dài.
Nhà vua bận việc triều chính, trong cung lại nhiều phi tử sinh đẹp, Phạm Thị vào cung đã lâu nhưng không biết cách lấy lòng bọn nội thị nên đã mấy năm mà chưa được gặp lại nhà vua. Một hôm vua dạo chơi trong vườn ngự, bỗng nghe văng vẳng có tiếng người hát rằng.
Con đò ở bến sông… hề
Chèo khua mặc sức vẫy vùng
Nay phơi trên bãi cạn… hề
Nhớ nước non cực lòng.
Nhà vua hỏi viên nội thị đi bên cạnh:
– Vì sao nơi đây lại có người hát lời ai oán như vậy?
Viên nội thị tâu rằng:
– Đó là cung nữ Phạm Thị, vì không được hoàng thượng ân sủng nên đặt ra lời hát oán trách. Xin hoàng thượng giáng tội.
Nhà vua nói:
– Lời hát tuy có ý oán than nhưng cũng hào sảng lắm. Hẳn người con gái này không phải kẻ tầm thường. Các ngươi hãy dẫn ta đến đấy.
Đến khi gặp lại, nhà vua mới biết Phạm Thị chính là cô gái lái đò đi cứu dân năm trước mà mình đã lỡ quên đi. Đêm ấy Thánh tông nghỉ lại ở phòng Phạm Thị, chín tháng sau nàng sinh ra một cô con gái. Cái cây quý trong vườn ngự từ khi trồng xuống chỉ có cành lá rườm rà, hôm ấy cũng nở mấy chùm hoa trắng như ngọc, hương thơm dìu dịu toả khắp mọi nơi. Nhà vua vui mừng đặt là cây Ngọc Lan và đặt tên cho con gái là công chúa Bảo Hoa.
Công chúa Bảo Hoa càng nhớn càng xinh đẹp nhưng không thích nghề canh cửi thêu thùa mà suốt ngày dẫn các cung nhân ra bãi tập bắn nỏ, cưỡi ngựa, múa giáo, đánh quyền, lúc về phòng lại đọc binh thư, trận pháp có khi cao hứng viết văn, làm thơ1 đánh cờ. Đến năm Bảo Hoa tròn mười tám tuổi, nhà vua định mở hội kén phò mã. Bảo Hoa quỳ xuống tâu rằng:
– Nay quân giặc Thát như lũ cú diều đang rình rập ở nơi biên ải. Chỉ ai đánh giặc có công lớn con mới chịu nhận làm phò mã, chẳng kể người ấy là vương tôn công tử hay dân thường.
Mấy tháng sau quân Nguyên kéo đến, Bảo Hoa xin nhà vua cho lên trấn giữ đất Ôn châu. Đoàn quân của công chúa đi đến đâu, trai gái các nơi ấy đều nô nức kéo nhau ra nhập, chẳng bao lâu đã đông đến hơn hai vạn người. Bảo Hoa vốn có hai thị nữ là Nguyễn Thiều Lan và Ngọc Phượng rất thạo nghề cung ngựa, bấy giờ lại có thêm hai vị đại dũng sĩ là Đỗ Vũ và Lê Vinh về theo nên thanh thế mạnh lắm. Công chúa liền tiến quân lên thành Khâu Ôn đóng bản doanh.
Lương Nhượng cùng ba người bạn đi tắt đường rừng đến cổng thành, muốn vào yết kiến công chúa nhưng bị lính canh ngăn lại. Lương Nhượng nói với các bạn:
– Các anh chớ lo. Ta gửi miếng ngọc này vào, công chúa trông thấy, thế nào cũng nhận ra.
Voòng San nói:
– Không được! Nhỡ anh lính ỉm đi luôn, có phải mất toi không?
Hà Lâm nói:
– Voòng San nói cũng có lý nhưng tôi nghe đồn công chúa Bảo Hoa dạy lính rất nghiêm, không ai dám làm chuyện khuất tất.
Lương Nhượng nghe theo, liền bảo anh lính gác:
– Anh không cho chúng ta vào cũng được nhưng hãy đem miếng ngọc này trình lên công chúa. Nếu để lỡ việc, công chúa trách tội thì đừng oán ta.
Anh lính thấy Lương Nhượng nói năng khoát đạt lại có tín vật, liền vào báo, lúc sau quay ra dẫn cả bọn vào yết kiến công chúa. Bái chào xong, Lương Nhượng hỏi:
– Chẳng lẽ mới có mấy tháng mà công chúa đã quên thần rồi hay sao?
Công chúa trả lời:
– Ta đâu có quên ngươi! Nhưng cha con ngươi đang cùng Lương Uất tướng quân chặn giặc, cớ sao lại bỏ về đây?
Lương Nhượng thực tình thưa lại mọi chuyện. Công chúa cười lớn, nói:
– Ta hiểu, ý tướng quân Lương Uất muốn giữ toàn mạng cho các ngươi đấy thôi. Lính đâu! Bắt mấy tên này nhốt lại, đưa cả về tuyến sau.
Bọn Lương Nhượng kêu ầm lên:
– Chúng tôi nghe nói công chúa là một vị anh thư nên mới đến theo dưới cờ để được đánh giặc, chứ đâu có muốn về tuyến sau. Công chúa không nhận, chúng tôi theo người khác, làm sao phải bắt.
Công chúa nghiêm nét mặt, nói:
– Các ngươi định đi đâu? Binh lính trái lệnh, đang khi chịu án mà bỏ trốn, phải tội thế nào các ngươi có biết không?
Lương Nhượng thấy tình thế đã rất nguy ngập, mới nói rằng:
– Chúng thần đã bị tội, thôi thì công chúa muốn trừng phạt thế nào cũng được nhưng hãy xin nghe thần nói nốt lời này.
– Được! Ngươi nói đi. Ta vẫn nghe đây.
Lương Nhượng nói:
– Nay công chúa đem hơn hai vạn quân đóng ở một ngôi thành đơn độc thế này, không phải là việc làm của người có tài thao lược. Thoát Hoan đã cử Bột La Hợp Đáp Nhi, Trình Bằng Phi mang năm vạn quân tinh nhuệ tiến đánh. Một khi thành bị vây chẳng nguy lắm hay sao?
Công chúa Bảo Hoa khẽ nhíu mày, hỏi:
– Vậy theo ý ngươi nên làm thế nào?
Lương Nhượng nói:
– Quân giặc đông, lại thiện chiến. Quân ta ít mà phần lớn là chúng dân mới được tuyển mộ, chưa quen chiến trận, nếu không biết dùng kỳ binh, hiểm địa thì đánh sao lại với quân giặc dữ. Trên suốt dải đường từ đây đến Vạn Kiếp, không nơi nào có địa thế hiểm trở như Quỷ Môn quan1, trăm người trấn giữ, vạn người khó qua. Đấy chính là thành luỹ trời ban cho nước Nam ta vậy. Xin công chúa lui quân về bố phòng ở nơi ấy, lại cử những tướng lĩnh có tài chiếm lấy các cửa Hãm Sa, Từ Trúc tạo thành một thế trận hình cánh cung. Khi quân giặc vào đúng điểm phục binh, ta khép hai đầu cánh cung lại mà đánh, quân Nguyên ắt phải tan vỡ. Thần nói hết rồi. Công chúa xử tội thế nào cũng được.
Công chúa nói:
– Nhà ngươi còn trẻ mà luận thuyết như một bậc kỳ nhân. Lời bàn này của ngươi thật là chí lý. Ta xoá tội cho các ngươi. Từ nay ngươi hãy ở bên ta để bàn việc quân tình.
Công chúa nói xong, liền lập tức ra lệnh lui quân về Lão Thử.
Bột La Hợp Đáp Nhi cùng với Trình Bằng Phi nhận lệnh đem năm vạn quân tiến theo đường Ôn châu xuống Vạn Kiếp, chiều hôm ấy lập tức lên đường. Tuỳ tướng là Chu Bá Sơn nói:
– Đường Ôn châu tuy ít đồn ải ngăn trở nhưng có mấy nơi hiểm địa không dễ vượt qua. Xin chủ tướng liệu trước mới được.
Phó tướng hữu thừa Trình Bằng Phi cười, nói:
– Quân ta như rồng như hổ, đi đâu là đạp núi lấp sông thành bình địa, có gì mà ngươi phải lo chứ.
Bột La Hợp Đáp Nhi nói:
– Lời của Bá Sơn không phải không có lý. Lần chinh phạt năm trước, anh trai y là Chu Bá Hà đã bỏ mạng ở đất phương Nam này rồi. Ta tiến xuống, nếu đem quân rải ra giữ hết mọi nơi tất quân thế hao hụt, gặp địch quân mạnh khó chống đỡ, không giữ thì người Nam chiếm lại phía sau, quân ta rơi vào thế lưỡng đầu đối trận, thật khó xoay xở. Vả lại thành Khâu Ôn cũng không dễ đánh, lần trước ta thiệt không ít quân ở đấy.
Trình Bằng Phi hăng hái nói:
– Tôi xin dẫn quân đi tiên phong, nguyên soái không phải lo gì.
Bột La Hợp Đáp Nhi liền cấp cho Trình Bằng Phi một vạn quân cùng với Kiển Vĩ, Hứa Phong, Hứa Trực tiến thẳng đến thành Khâu Ôn. Trình Bằng Phi mang quân đến ngoài thành, thấy cờ quạt quân Việt vẫn nghiêm chỉnh nhưng mặt thành không có lính canh, quay lại bảo các tướng:
– Quân Nam không lên mặt thành, chắc là có mưu kế gì đây. Ta phải đánh thử xem chúng làm thế nào. Ai dám đem quân trèo lên thành?
Hứa Trực, Kiển Vĩ cùng nói:
– Tôi xin đi.
Trình Bằng Phi nói:
– Hứa Trực đem một nghìn quân, bắc thang trèo vào thành. Kiển Vĩ lấy một trăm lính khoẻ, dùng xung xa phá cổng. Hứa Phong dẫn quân xông vào.
Các tướng vâng lệnh đem quân đi. Hứa Trực cho quân bắc thang trèo hẳn lên mặt thành cũng không thấy ai ngăn cản, nghi hoặc, nói:
– Quái lạ! Sao không thấy tên quân Nam nào thế này? Chẳng lẽ rét quá chúng chui vào ổ tiệt rồi hay sao.
Kiển Vĩ dùng một chiếc đại xung xa có ba mươi người đẩy, húc một nhát thật lực vào cánh cổng. Cổng thành không chốt then, mở toang. Chiếc xe đang đà, lao thẳng vào bên trong đến mấy chục trượng. Lúc ấy quân Nguyên mới biết thành đã bỏ không từ lâu rồi. Trình Bằng Phi nói:
– Ta đã bảo mà! Quân Nam sợ mất mật, chạy hết từ lâu. Chánh tướng lại lo khó đánh. Các ngươi cứ thong dong mà tiến, không phải sợ hãi chi cả.
Lát sau Bột La Hợp Đáp Nhi dẫn đại quân đến. Trình Bằng Phi đắc ý nói:
– Thành này xem ra rất kiên cố mà quân Nam không dám giữ, đủ biết quân lực của chúng chẳng có đáng là bao. Từ đây xuống đến Vạn Kiếp ta thủng thẳng đi cũng không sợ muộn.
Bột La Hợp Đáp Nhi nói:
– Ông chớ vội mừng! Trần Quốc Tuấn chẳng để cho quân ta dong chơi đâu.
Trình Bằng Phi nói:
– Vì quân ta thua năm trước nên các tướng mất cả tinh thần chứ cứ như ý tôi, Trần Quốc Tuấn cũng không ghê gớm đến thế.
Bột La Hợp Đáp Nhi nhăn mặt, nói:
– Ông chưa biết đấy thôi! Không phải chỉ có các tướng bây giờ mới sợ Trần Quốc Tuấn mà ngay thừa tướng Cốt Đãi Ngột Lang khi còn sống cũng rất ngại người này.
Trình Bằng Phi cả cười, nói:
– Đấy mới thật là chuyện vui nhộn! Khi thừa tướng Cốt Đãi Ngột Lang đánh Giao Chỉ, Trần Quốc Tuấn mới hai bảy, hai tám tuổi, tài cán có được bao lăm. Chẳng qua thừa tướng không muốn ở lại phương Nam nên mới nói thác ra nhiều chuyện như vậy.
Bột La Hợp Đáp Nhi nói:
– Ông chớ nghĩ như thế mà lầm. Gia Cát Lượng khi ra giúp Lưu Bị cũng mới chỉ hai mươi tám tuổi đấy thôi.
Trình Bằng Phi nói:
– Thiên hạ mấy ai được như Gia Cát tiên sinh.
Bột La Hợp Đáp Nhi nói:
– Ta xem ra Trần Quốc Tuấn còn hơn Gia Cát rất nhiều. Ông không tin sao? Gia Cát sáu lần mang quân ra Kỳ Sơn, tốn không ít xương máu binh lính, bản thân ông ta không sống nổi về với vợ con, đất Tây Thục vì thế phải nghèo kiệt, cuối cùng cũng chẳng nên công trạng gì, chỉ làm khổ dân. Trần Quốc Tuấn đâu có thế. Lần ra quân trước, thái tử mang năm mươi vạn binh mã tiến sang, đi đến đâu trời long đất lở, tưởng trong mấy ngày là bắt được vua tôi An Nam. Ai ngờ quân ta bị Trần Quốc Tuấn đánh chưa đến mười ngày đã tan như khói bay nơi đầu gió. Bình chương A Lý Hải Nha hùng hổ khuếch khoác, cuối cùng co giò tếch trước, chạy nổi hạch cả bẹn lên.
Trình Bằng Phi nói:
– Chủ tướng có ý sợ Trần Quốc Tuấn như thế còn đánh sao được chúng.
Bột La Hợp Đáp Nhi nói:
– Không phải ta sợ! ý ta chỉ muốn nhắc các vị cẩn trọng kẻo rơi vào bẫy của quân Nam. Ông không thấy sao? Quân Nam thường phục ở nơi không dễ phục, đánh ở chỗ ít ai ngờ tới. Ta cho rằng chúng bỏ thành là để khích lòng kiêu của quân ta rồi phục binh dọc đường. Nếu quân ta không trù liệu hết nước, thế nào cũng khốn với chúng. Vì thế ông mang quân đi tiên phong, cần chia nhỏ ra làm nhiều đội mà tiến để hiệp ứng lẫn cho nhau. Ta mang đại binh đi sau sẽ tuỳ cơ ứng phó.
Trình Bằng Phi tuân lệnh mang quân đi, cử Hứa Trực mang một nghìn quân đi tiền đội tiên phong, Kiển Vĩ lĩnh một nghìn quân làm tả đội tiên phong, Hứa Phong lĩnh một nghìn quân hữu đội tiên phong còn tự mình kéo cờ đại tiên phong đi chính giữa, nhằm hướng Quỷ Môn quan thẳng tiến, phía sau có Bột La Hợp Đáp Nhi hậu thuẫn. Quân Nguyên đi suốt ba ngày liền, không thấy quân Việt chặn đánh, Trình Bằng Phi càng hí hởn, cho rằng lời mình nói là đúng, chiều hôm ấy cho quân cắm trại nghỉ lại dọc đường, đến nói với Bột La Hợp Đáp Nhi:
– Đây đã gần đến Chiêu Môn quan1. Xin cho quân dừng lại để ngày mai vượt ải sớm.
Bột La Hợp Đáp Nhi nói:
– Đây là nơi rừng thiêng nước độc, lam sơn chướng khí mịt mịt mờ mờ. Người xứ Bắc ta đi vào đó chịu không quen, nhiều kẻ chảy máu mũi máu mồm mà chết nên còn gọi là Quỷ Môn quan. Lần chinh phạt năm trước có một tướng An Nam tước Trung Thành vương trấn giữ nơi này. Người ấy rất giỏi bày trận, phá trận. Lần này nếu y cũng ở đây, coi như bọn ta gặp đại hoạ. Ông phải cẩn thận lắm mới được.
Trình Bằng Phi cho là Bột La Hợp Đáp Nhi nhát, không nói gì, chỉ cười mỉm, đi ra.
Công chúa Bảo Hoa bấy giờ giữ ở Lão Thử, gọi Thiều Lan đến dặn rằng:
– Bên tả ải này cách năm dặm có một khe núi gọi là cửa Hãm Sa. Ngươi mang ba nghìn quân đến đóng ở đấy, khi nào thấy trên ải bốc khói thì kéo quân đánh xuống.
Thiều Lan nhận lệnh đi ngay. Công chúa lại gọi người tuỳ tướng là Đỗ Vũ đến, bảo:
– Phía hữu ải này năm dặm có thung lũng Từ Trúc, ngươi mang ba nghìn quân phục ở đấy. Khi nào thấy khói bốc trên ải, phải dốc sức đánh ra.
Đỗ Vũ mang quân đi. Bảo Hoa nói với bọn Lương Nhượng, Lê Vinh, Ngọc Phượng rằng:
– Trình Bằng Phi đem quân đi tiên phong, gã này tính tình kiêu căng nhưng cũng là kẻ dạn dày chinh chiến. Nếu không chọc đúng cái khí tức của nó, khó mà lừa được vào bẫy.
Lương Nhượng nói:
– Muốn cho Trình Bằng Phi vào bẫy, thần thiết nghĩ cũng không khó gì. Nếu công chúa không chê thần ngu tối, xin hiến một kế, nhất định đắc dụng vậy.
Bảo Hoa nói:
– Mưu kế của ngươi thế nào, cứ nói ta nghe.
Lương Nhượng nói:
– Thực hiện mưu kế này, công chúa cùng Ngọc Phượng cô nương phải chịu vất vả một phen mới được.
Bảo Hoa gắt:
– Ta đi đánh giặc dẫu chết cũng chẳng coi vào đâu, nói chi vất vả. Ngươi cứ nói xem nào.
Lương Nhượng cúi đầu, nói:
– Thần chỉ có ba chữ “Mỹ nhân kế” thôi ạ.
Công chúa Bảo Hoa nổi giận, quát:
– Ta đường đường là tướng ra trận mà lại sang trại giặc làm tỳ thiếp để thực hiện mưu kế hay sao. Nếu ta không nể tướng quân Lương Uất, đã cho nhà ngươi một đao xong đời rồi.
Lương Nhượng nói:
– ý thần không phải bảo công chúa sang trại giặc, mà là thế này: Trình Bằng Phi là kẻ háo sắc, đi đến đâu cũng tìm bắt con gái đẹp để hầu hạ. Công chúa trang điểm cho thật xinh tươi, lại có Ngọc Phượng hộ tống kề bên, ra đối trận chỉ việc giả vờ thua chạy, sao không làm Trình Bằng Phi động lòng mà đuổi vào nơi mai phục.
Bảo Hoa lúc ấy mới dịu nét mặt, nói:
– Mưu mẹo như vậy sao ngươi không nói sớm ra.
Hôm sau Bảo Hoa sai Lê Vinh giữ ải, khi nào thấy cờ hiệu của Trình Bằng Phi đuổi vào nơi mai phục, cho người đốt lửa làm hiệu báo cho Đỗ Vĩ, Thiều Lan biết, Lương Nhượng đem quân tiếp ứng, còn tự mình cùng Ngọc Phượng trang điểm đẹp đẽ, dẫn quân xuống ải. Vừa lúc ấy Hứa Trực dẫn tiền đội quân Nguyên đến. Hai bên đối trận, Hứa Trực cưỡi ngựa, lên trước nói:
– Ta là tướng nhà Đại Nguyên, quân Nam có kẻ nào dám đối địch với ta không?
Công chúa Bảo Hoa quay lại bảo các tướng:
– Sao không thấy Trình Bằng Phi vác mặt đến mà lại mọc ra cái thằng chết tiệt này.
Nói rồi giật cương ngựa, tiến lên bảo Hứa Trực rằng:
– Nhà ngươi có được bao nhiêu hơi sức mà dám huênh hoang là tướng Đại Nguyên, mau về gọi cái thằng Trình Bằng Phi ra đây.
Hứa Trực trông thấy Bảo Hoa muôn phần xinh đẹp, động tâm, nói:
– Nước An Nam hết sạch đàn ông rồi hay sao mà để cho một cô gái liễu yếu đào tơ ra trận thế này. Ta bảo thật cho mà biết! Nếu xuống ngựa lai hàng, tiên phong ta còn có thể chiếu cố cho làm thê thiếp, bằng không, chôn thây ở nơi bờ cỏ bên đường, phí hoài nhan sắc mà thôi.
Bảo Hoa nóng tiết, quát:
– Thằng nhãi ranh này! Bà phải cho mày biết thế nào là lợi hại mới được.
Nói xong vung giáo đánh tới. Hứa Trực cũng múa ngọn kích sắt đón đỡ. Hai bên đánh nhau túi bụi một lúc, bỗng Hứa Trực bỏ trận, quay ngựa chạy về. Bảo Hoa không đuổi theo, chỉ ngọn giáo nói:
– Đã biết tay chưa? Mau về gọi thằng Trình Bằng Phi ra đây.
Hứa Trực quay lại bảo:
– Không phải ta thua ngươi mà con ngựa của ta nó tuột đai bụng. Ngươi có giỏi, chiều nay lại đánh.
– Được! Chiều đến đây có bà mày đợi.
Bảo Hoa nói xong cũng quay về, bàn với các tướng:
– Hứa Trực thật là một dũng tướng. Ta đánh với nó một hồi mà không thấy sơ hở chút nào, làm sao cho thành mưu kế đây.
Lương Nhượng cười, nói:
– Mưu kế đã thành rồi, công chúa còn phải lo gì? Hứa Trực là tướng yêu của Trình Bằng Phi, giết chết hoặc bắt được nó, lo gì Trình Bằng Phi không đến.
Bảo Hoa nói:
– Hứa Trực khoẻ lắm. E rằng giết nó không dễ.
Lương Nhượng nói nhỏ với Bảo Hoa và Ngọc Phượng :
– Xin công chúa và cô nương cứ thế nay… thế này mà làm. Nhất định Hứa Trực phải bỏ mạng.
Chiều đến, Bảo Hoa dẫn quân xuống ải, có Ngọc Phượng đeo cung tên đi theo. Bên kia, Hứa Trực cũng đã tới. Hai bên chẳng nói chi nhiều, lao ngay vào giao đấu. Đánh được chừng hơn mười hiệp, Bảo Hoa vờ đâm hụt một thương rồi bỏ chạy. Hứa Trực thúc ngựa đuổi theo, nói:
– Ta quyết bắt ngươi về làm quà dâng hữu thừa phó tướng.
Hứa Trực có biết đâu Ngọc Phượng theo kế của Lương Nhượng đã cầm sẵn cung tên, bắn một phát. Mũi tên có thuốc độc xuyên vào giữa mặt, Hứa Trực rống lên một tiếng kinh người, lăn xuống ngựa, chết. Quân Nguyên vội chạy đến cướp xác. Lương Nhượng thúc quân đánh lên. Hai bên xô xát kịch liệt một hồi rồi cùng thu quân về.
Bảo Hoa lên ải, nói với các tướng:
– Hôm nay giết được Hứa Trực, thế nào ngày mai Trình Bằng Phi cũng ra trận. Ta phải chuẩn bị chu đáo để tiếp nó mới được.
Lương Nhượng nói:
– Trình Bằng Phi là một danh tướng, đối địch với nó không dễ. Trong khi giao đấu công chúa cốt phô diễn vẻ diễm lệ của mình là được, chớ có ham đánh.
Bảo Hoa nói:
– Ta hiểu ý ngươi rồi.
Bấy giờ Trình Bằng Phi đang ở trong trướng, sai quân đi tìm đường vòng qua ải bỗng có quân tiền đội về báo Hứa Trực tử trận. Bằng Phi thương xót lắm, nói:
– Ta quyết không tha cho bọn người Nam này.
Vừa lúc ấy Tả đội tướng quân là Hứa Phong đến, khóc nói:
– Hứa Trực em tôi trúng phải gian kế của quân Nam, bỏ mạng nơi chiến trường. Xin tướng quân cho tôi đi tiền đội, quyết chém tên tướng An Nam ấy.
Người lính của Hứa Trực vẫn còn đứng đấy, nói:
– Tướng An Nam là hai cô gái rất xinh đẹp chứ không phải là đàn ông.
Trình Bằng Phi đã định cho Hứa Phong đi nhưng thấy nói tướng Việt là gái đẹp, lại bảo:
– Được! Để mai đích thân ta trả thù cho ngươi.
Lập tức truyền lệnh cho quân sĩ canh năm hôm sau ăn cơm, sáng rõ đánh lên ải. Sáng hôm sau Trình Bằng Phi nói với các tướng:
– Hôm nay ta quyết bắt tướng An Nam về làm tỳ thiếp mới nghe.
Nói xong thúc quân tiến lên, vừa đến bãi trống dưới ải, thấy quân Việt kéo xuống, đi đầu là một nữ tướng mặc cẩm bào, cầm cây trường thương, theo sát là một tuỳ nữ vai đeo cung tên, tay cầm kiếm thép. Trong đám quân Nguyên có người nói:
– Chính hai người này hôm qua đã giết mất tướng tiền đội của chúng ta.
Trình Bằng Phi cho gọi hai tướng tả, hữu đội đến, dặn:
– Các ngươi thấy ta đánh bắt tướng Nam, lén đem quân vòng hai đường lên ải, tóm sạch quân chúng.
Hai tướng tuân lệnh đi ngay. Trình Bằng Phi dẫn quân tiến lên. Hai bên đối trận. Bảo Hoa ra ngựa, nói:
– Ngươi có đúng là Trình Bằng Phi hãy đánh với ta, còn không hãy về gọi chủ ngươi ra đây cho ta dạy.
Trình Bằng Phi thấy Bảo Hoa vừa đẹp vừa ngang tàng, thích lắm, nói:
– Vạn hộ hữu thừa đại tướng quân Trình Bằng Phi chính là ta đây. Ngươi đã biết danh tính của ta sao không mau hàng đi.
Bảo Hoa nói:
– Ta trông ngươi tướng mạo cũng không đến nỗi nào, cớ sao phải qùi gối khom lưng làm tôi tớ cho quân cướp nước. Nếu ngươi biết đường hối cải, bỏ nơi tối mà ra chỗ sáng, về với Đại Việt ta, đới công chuộc tội, con cháu mai sau cũng đỡ phải tủi hổ.
Trình Bằng Phi nghe nói vậy, máu nóng sôi lên, vung giáo xông vào đánh. Bảo Hoa đưa cây trường thương tiếp chiến. Hai con ngựa quấn lấy nhau trong một trận thư hùng. Quân sĩ đôi bên reo hò vang dậy. Bảo Hoa đánh khéo lắm, những đường thương qua lại, đỡ trên gạt dưới như long phi phượng vũ, uyển chuyển mà quyết liệt, mềm mại mà kín vững. Trình Bằng Phi tuy khoẻ nhưng không thể làm gì nổi. Đánh được một lúc, Bảo Hoa thu cây thương, lướt đi như một áng mây. Trình Bằng Phi ngây ngươi nhìn theo những dải lụa trên tấm chiến bào của nàng bay bay trong làn gió sớm, miệng lẩm bẩm:
– Con gái An Nam đẹp tựa tiên sa, tài sắc vẹn toàn, ta cố đuổi cũng chưa chắc đã bắt được. Chi bằng hãy tạm quay về để nghĩ kế khác mới xong.
Bằng Phi định quay ngựa về, ngay lúc ấy bên trận quân Việt có một nữ tướng khác, vai đeo cung tên tay cầm tam xích kiếm1 lao ra, nói:
– Có ta là Ngọc Phượng đây! Con chuột Trình Bằng Phi có dám giao đấu nữa hay không?
Bằng Phi bị chọc giận, quay ngay lại đánh, nhưng mới được ba bốn hiệp, Ngọc Phượng đã bỏ chạy. Bằng Phi nói một mình:
– Cái xứ này nhiều gái đẹp, không bắt lấy vài đứa cũng bị chúng coi thường.
Nói xong, vẫy ngọn giáo một cái, quân Nguyên nhất loạt lên theo. Hai đạo tả, hữu thấy Trình Bằng Phi kéo quân lên cũng cho quân men đường chân núi đến sát ải. Lê Vinh ở trên cao trông thấy quân Nguyên đã vào đúng nơi mai phục, mới đốt lửa, thổi tù và. Thiều Lan, Đỗ Vũ thấy hiệu lệnh, liền cho quân đánh tới. Ba mặt vây bọc quân Nguyên. Tên bay như trấu vãi. Trình Bằng Phi biết đã trúng kế, liền cố chết đánh phá vòng vây quay trở lại, thành ra hai đội quân của Kiển Vĩ, Hứa Phong phải tụt hậu, bị quân Việt bắn chết không biết bao nhiêu mà kể. Ngựa nghẽo chạy tứ tung vào rừng, cũng bị quân Việt bắt hết. Trình Bằng Phi về đến trại, kiểm điểm quân số, tức quá càu nhàu một mình:
– Mẹ cha bọn An Nam này toàn chơi kiểu đểu, để bố mày mất toi gần hai nghìn người ngựa.
Chiều hôm ấy Bột La Hợp Đáp Nhi đem quân đến. Trình Bằng Phi đón vào trại, báo lại mọi chuyện, than thở rằng:
– Tôi không ngờ bọn quân Nam nó tinh ma đến thế.
Bột La Hợp Đáp Nhi nói:
– Thì ta đã bảo ngươi rồi! Đánh nhau với người An Nam, hở cơ là bị nó lừa ngay mà lại. Hãy cho quân cắm trại nghỉ ngơi rồi cử người đi tìm lại con đường khe nước năm trước mới có thể qua ải được.
Trình Bằng Phi tuân lệnh, chia quân giữ trại rồi gọi Hứa Phong đến, dặn:
– Ngươi chọn lấy hai mươi tên lính khoẻ mạnh nhanh nhẹn cho đi tìm con đường khe nước qua ải.
Hứa Phong vâng lệnh đi ngay. Đến chiều quân thám binh về báo:
– Đã tìm thấy khe nước nhưng quân Nam canh giữ ở đấy đông lắm, không thể nào qua nổi.
Đêm ấy Bột La Hợp Đáp Nhi đi lại trong trướng doanh không sao ngủ được. Làm thế nào để vượt qua ải là một câu hỏi còn quay cuồng trong đầu óc mà chưa có lời giải đáp. Bao nhiêu ý nghĩ chen lẫn nhau một cách lộn xộn. Sau lần chinh phạt trước, tuy thất bại nhưng hầu hết các tướng lĩnh ít nhiều đều được thăng một vài bậc, y cũng được thăng đến hàng Hữu thừa vạn hộ tướng quân. Điều đó chẳng làm cho Bột La Hợp Đáp Nhi vui sướng gì. Đành rằng A Lý Hải Nha đã chết nhưng áo Lỗ Xích cũng chẳng hơn gì, đều là một tuồng hữu danh vô thực. Đúng ra y phải được lên đến hàng bình chương mới phải. Thái tử Trấn Nam vương trẻ ngươi, xốc nổi, dễ bị mê hoặc, không biết rồi có nên cơm cháo gì không. Vợ con y ở lại cả Tư Minh, vạn nhất xảy ra chuyện, biết làm sao? Y đã đặt cả tuổi trẻ trên lưng ngựa, những cuộc hành binh liên miên qua các hoang mạc, núi rừng, những trận đánh đẫm máu. Đôi lúc một vài hình ảnh về những cái chết thê thảm lại hiện nên, có lúc là một gã chiến binh trẻ tuổi quằn quại trong vũng máu, khi là một thân hình trẻ thơ cháy đen trong đống tro tàn. Hoàng đế Đại Nguyên! Một đấng thiên tử chí tôn hay một con qủi tham lam khát máu? Cảm giác chán chường dâng lên trong lòng, Bột La Hợp Đáp Nhi bật ra một tiếng thở dài. Vừa khi ấy Trình Bằng Phi bước vào. Vị phó tướng không đọc được những nỗi niềm trên nét mặt chủ soái. Bột La Hợp Đáp Nhi cũng không muốn cấp dưới biết tâm trạng của mình, hỏi:
– Khuya lắm rồi sao ông vẫn chưa đi nghỉ, lại còn đến đây.
Trình Bằng Phi nói:
– Trình nguyên soái! Quân Nam giữ yếu lộ này, nếu ta không có kế hay không thể qua được.
– Ông có kế gì chăng?
– Cách đây năm dặm là cửa Hãm Sa, có con đường nhỏ rất hiểm trở. Quân Nam đã lấy gỗ đá lấp mất lối đi. Nếu ta đem quân chiếm nơi ấy thế nào cũng qua được.
– Lối đi đã bị lấp, làm sao mà qua?
Trình Bằng Phi nói chậm như muốn trình bày một cách cặn kẽ nhưng ngắn gọn những ý nghĩ của mình:
– Tôi nghĩ chính vì đường đã lấp mất nên quân Nam tưởng ta không đi vào lối ấy, tất chúng lơ là việc phòng bị. Ta nhân đó tiến quân khai thông đường, bất quá vài ba ngày là xong chứ giữ nhau ở đây chưa biết đến bao giờ mới qua ải được.
Bột La Hợp Đáp Nhi nghĩ: “Người này đang có cái khí hăng, thôi thì để cho y gánh đỡ việc cũng tốt. May mà còn có những thằng như thế”, liền nói:
– ý ấy của ông cũng hay! Từ đây đến Vạn Kiếp các việc trong quân ta giao cả cho ông, làm sao cho có lợi thì làm.
Trình Bằng Phi nhận lệnh đi ra, từ hôm ấy vị phó tướng này trở thành linh hồn của cuộc hành quân còn Bột La Hợp Đáp Nhi suốt ngày chỉ ở trong trướng uống rượu, vui chơi với mấy kẻ hầu gái, chẳng thiết gì đến việc quân tình. Sáng hôm sau Trình Bằng Phi điểm binh, sai Kiển Vĩ đi tiền đội, dặn:
– Ngươi đến thẳng dưới ải thách đánh, đốt nhiều khói lửa nhử cho quân chúng ở Hãm Sa rời khỏi động là được.
Kiển Vĩ lĩnh binh đi ngay. Trình Bằng Phi Lại dặn Hứa Phong:
– Ngươi đem ba nghìn quân, bỏ ngựa đi bộ, men theo rừng cây tiến về cửa Hãm Sa, thấy quân Nam tiến ra vây Kiển Vĩ, xông ngay vào cướp lấy động. Ta sẽ tiếp ứng cho.
Cửa Hãm Sa là một khe núi vừa hẹp vừa sâu do nữ tướng Thiều Lan trấn giữ, làm hiệp ứng cho Quỷ Môn quan. Bấy giờ Thiều Lan đang ở trong động, bỗng có quân vào báo dưới ải có giao chiến, liền mặc giáp ra xem, qủa nhiên thấy khói bốc nghi ngút, mới đem quân đánh xuống, chỉ để một trăm lính già yếu ở lại canh động. Hứa Phong thấy quân Việt đi rồi mới cho lính xông vào động giết hết những người ở lại rồi chia quân canh giữ, còn mình đem quân đánh theo hậu đội quân Việt. Thiều Lan đem quân đến nửa đường, gặp ngay Trình Bằng Phi cản lại. Hai bên hăng hái giao chiến. Thiều Lan không địch được, định quay trở lại nhưng Hứa Phong đã từ trên động tới, cười ha hả, nói:
– Nữ man đầu kia không hàng ngay đi. Động của ngươi đã bị ta chiếm rồi.
Quân Nguyên ở hai đầu vây quân Việt vào đoạn giữa. Thiều Lan cố đánh mở đường máu nhưng không sao ra được. Trình Bằng Phi nói lớn:
– Bớ nữ tướng Nam man! Đã đến nước này còn không hàng đi, đánh lấy chết hay sao? Về hầu hạ ta cũng chẳng đến nỗi bị bạc đãi gì.
Thiều Lan nghe Trình Bằng Phi nói vậy, điên tiết quay lại đánh. Quân sĩ dần dần tử thương mất cả, chỉ còn một mình giữa vòng vây quân Nguyên. Trình Bằng Phi thét lính:
– Phải bắt sống nữ man này cho ta. Kẻ nào làm nó tổn thương phải xử theo quân luật.
Chính vì lệnh ấy mà lính Nguyên thu hết cung giáo lại. Thiều Lan thừa cơ chạy được vào rừng, đến đêm trốn lên ải, khấu đầu với công chúa Bảo Hoa rằng:
– Thiều Lan mắc phải quỷ kế của giặc, để mất động, chết quân, về đây nhận tội chết, chỉ xin công chúa mau cho người giữ Hãm Sa khê, chớ để quân Nguyên thông được đường ấy.
Công chúa Bảo Hoa nói:
– Được thua trong chiến trận cũng là việc thường. Vả lại ngươi không phải là địch thủ của Trình Bằng Phi. Để ta trả thù cho ngươi, – Quay lại phía Lương Nhượng – Hãm Sa khê là một yếu đạo, mà Trình Bằng Phi lại hết sức gian ngoan. Muốn giữ nơi này phải là người có nhiều kiến thức mới được.
Lương Nhượng nói:
– Nếu công chúa không chê, tôi xin đi cùng Thiều Lan.
Công chúa nói:
– Vậy nhà ngươi hãy cùng Thiều Lan mang ba nghìn quân giữ con đường ấy. Ta tin ở nơi ngươi.
Trình Bằng Phi chiếm được cửa Hãm Sa, thích chí lắm, gọi quân lính đến bảo rằng:
– Ta chiếm được cửa Hãm Sa, con đường xuống Vạn Kiếp xem như đã mở rồi. Chẳng khác gì Trương Phi ngày xưa mở đường vào Tây Xuyên vậy.
Các tướng đều xúm lại tâng bốc Trình Bằng Phi:
– Tướng quân của chúng ta còn hơn cả Trương Phi đến mấy lần ấy chứ!
Trình Bằng Phi mát lòng mát ruột lắm, nhưng ra vẻ nhún nhường, bảo:
– Ta không dám hơn Dực Đức nhưng có thể ngang ngang thì được. Các ngươi hãy nghỉ ngơi, sáng mai cho trâu ngựa vào kéo hết gỗ đá ra khỏi khe lấy đường cho quân đi.
Hứa Phong nói:
– Khe này thật hiểm trở. Nếu người Nam phục một đội quân ở đấy, chúng ta làm sao mà qua được.
Trình Bằng Phi nói:
– Chúng định phục binh ắt không lấp lối kỹ thế này. Các ngươi cứ khai thông đường mà đi, không phải sợ gì cả
Quân lính đều dạ ran, nói:
– Chúng tôi nhất định vượt Hãm Sa khê, bắt sống nữ tướng Nam man về hầu tướng quân.
Thật là:
Tướng khoe tướng giỏi
Quân cậy quân tài
Chưa nếm đòn đau nơi hiểm địa
Nên còn múa mép khua môi.
Mời bạn đọc tiếp chương sau xem Trình Bằng Phi có vượt được Hãm Sa khê không.
1 Theo ĐVsktt.
1 Sau khi kết thúc chiến tranh, Bảo Hoa được Trần Thánh tông khen: “ Con là gái mà đánh giặc giỏi” và phong cho tước “ Bảo Hoa công chúa đại vương”, lại ban cho 40 mẫu ruộng ở phường Xã Đàn. Đến nay thần tích phường Xã Đàn (thuộc quận Đống Đa, Hà Nội) còn lưu một bài thơ của bà:
Nguyệt lãng thanh phong tửu chinh khô
Đa tình tận ẩm bách đa hồ
Thiều quang dĩ chiếu doanh đình lạc
Ngũ phúc lai lâm diệc thử đồ.
Xin dịch như sau:
Gió mát trăng thanh rượu hết rồi
Đa tình trăm chén cạn sạch thôi
ánh mai toả sáng muôn lầu gác
Ngũ phúc theo nhau đến đây rồi.
1 Quỷ Môn quan, Chiêu Môn quan: Những tên khác của ải Lão Thử. Về sau đầu thế kỷ XIX, danh nho Phương Đình Nguyễn Văn Siêu viết trong cuốn Phương Đình Đại Việt địa lý chí như sau: “ Qủy Môn quan tương truyền là đền thờ Mã Viện nhưng xem kỹ tượng đá lại là hình đàn bà. Sự tích không minh, làm sao xét được! Sách Hoàn Vũ Ký chép: Chiêu Môn quan cách phía Nam huyện Bắc Lưu 30 dặm, có hai phiến đá đối nhau, khoảng giữa rộng 30 bộ, tục gọi là Quỷ Môn quan. Mã Viện nhà Hán đi đánh rợ Lâm ấp qua đây, có dựng bia, rùa đá hãy còn. Đầu nhà Tấn, đường vào Giao Chỉ đều phải qua lối ấy. Nơi đây khí rất độc, kẻ đi qua ít khi còn sống mà về”.
1 Chiêu Môn quan, Quỷ Môn quan, Lão Thử quan… đều là tên ải Chi Lăng cả. Đến thời Lê, nơi này gọi là Uý Thiên quan, có tài liệu còn gọi là Thiên Môn quan.
1 Tam xích kiếm: Kiếm dài ba thước.
Đ.T