Đât Việt trời Nam- tiểu thuyết lịch sử của Đan Thành – chương 50)

ĐẤT VIỆT TRỜI NAM (Chương 50)

Đan Thành
Vụng Đa Mỗ Trần Toàn chém tướng

Cửa Vân Đồn Nhân Huệ hao quân…

ĐẤT VIỆT TRỜI NAM (Chương 50)

Đan Thành
Vụng Đa Mỗ Trần Toàn chém tướng

Cửa Vân Đồn Nhân Huệ hao quân…

Hãm Sa khê vốn là một khe sâu, mùa mưa nước trên nguồn cuốn cát trôi đến, mùa khô không có nước, lòng khe toàn là cát nên mới có tên như vậy. Sáng hôm sau Trình Bằng Phi cho lính mang trâu ngựa vào dọn đường, bao nhiêu gỗ đá được lôi ra hết, những chỗ khấp khểnh cũng kê lát phẳng phiu, quân kỵ có thể đi hàng đôi qua được. Hứa Phong nói:

– Đường này tuy kỵ binh có thể đi qua nhưng xe lương không lọt.

Trình Bằng Phi cười, nói:

– Ngươi lo gì chứ? Chỉ cần chiếm được ải, tha hồ mà chuyển quân lương. ải này toàn là nữ binh. Bọn người Nam nó biết ta thích cái của ấy hay sao mà mang gái đẹp đến để biếu. Các ngươi phải vây chặt, bắt lấy cho ta.

Thiều Lan, Lương Nhượng nhận lệnh đến giữ Hãm Sa khê, chia quân đóng trên các đỉnh dốc. Hai hôm sau thấy quân Nguyên khai thông yếu lộ, Thiều Lan nói:

– Quân giặc đã mở xong lối đi, thế nào cũng tiến vào. Ta nên chẹn đường mà đánh.

Lương Nhượng nói:

– Quân Nguyên đông, muốn đánh thắng phải dùng kế mới được.

Thiều Lan hỏi:

– Cậu định dùng kế thế nào.

Lương Nhượng nhíu mày như một vị tướng trải đời làm cho đôi má thiếu niên càng căng lên với màu phớt hồng như má con gái, bảo:

– Quân ta ít, không thể rải ra trên toàn tuyến. Những chỗ đã đặt bẫy đá nên cắm nhiều cờ. Quân Nguyên cho rằng ta chỉ cắm cờ nghi binh chứ không có quân phục, thế nào cũng mò đến. Trên các ngọn núi gần đây cho quân đánh chiêng trống, đốt lửa, thổi tù và làm thanh thế. Quân giặc bị đánh, lại thấy chỗ nào cũng có quân ta tất phải lui binh. Ta phục sẵn một đội quân ở phía sau chúng, lăn gỗ đá lấp đường rồi dùng cỏ khô, củi nỏ đốt ném xuống, đang là mùa khô hanh cây cối bén lửa cháy lên, Trình Bằng Phi dẫu mọc cánh cũng khó thoát.

Thiều Lan nhìn Lương Nhượng trình bày kế hoạch, nghĩ: “Cậu thiếu niên này má còn lông tơ mà sao đầu óc nhiều mưu cơ đến vậy, mai sau hẳn sẽ là phên giậu của nước nhà”. Lương Nhượng ngừng một lát, nói tiếp:

– Chị đi phục phía sau quân giặc, để tôi chặn chúng ở nơi bẫy đá.

Trình Bằng Phi mở được đường, lập tức họp các tướng, nói:

– Kiển Vĩ mang ba nghìn quân đánh Từ Trúc, giả như cố cướp cho được đường khe nước. Ta đánh Quỷ Môn quan tất quân Nam phải dồn người giữ hai nơi ấy. Khi đó Hứa Phong, Mao Tích Dương, đem một nghìn quân theo Hãm Sa khê tiến vào sau ải đánh lên, thế nào chúng cũng rối loạn. Hứa Phong chiếm được sau ải, đốt cỏ cho khói bốc lên, ta cùng Kiển Vĩ đánh dấn tới, nhất định phá được quân Nam.

Các đội quân lần lượt kéo đi. Hứa Phong, Mao Tích Dương theo lòng khe tiến vào. Đi được chừng năm dặm, đến một chỗ hai bên vách núi dựng như thành, lại thấy trên các tầng đá phía trước cờ Việt cắm la liệt, Mao Tích Dương quay lại nói:

– Chỗ này đường đi rất là hiểm hóc, trên cao thấy nhiều cờ của quân Nam. Ta nên tạm dừng lại cho thám binh đi trước xem sự thể ra sao đã.

Hứa Phong nói:

– Ngươi sợ gì chứ? Phàm những chỗ nhiều cờ tất không có phục binh, cứ đi.

Mao Tích Dương không dám nói gì thêm, thúc quân đi lên, vừa tới chỗ đường hẹp nhất, nghe một hồi cồng dài, rồi gỗ đá, tên nỏ từ trên cao giội xuống như thác lũ, lại thấy các đỉnh núi cao chỗ nào cũng la liệt cờ quân Việt cùng tiếng chiêng cồng, trống đồng vang lừng. Quân Nguyên hỗn loạn, chạy nháo nhào tìm chỗ tránh, thành ra giẵm đạp lên nhau, chết hại vô số. Hứa Phong vội cho quân lui lại nhưng cửa khe đã bị lấp chặt mất rồi. Hai tướng Nguyên đang loay hoay tìm đường ra bỗng thấy trên mỏm đá cao có một tướng Việt rất trẻ chỉ ngọn giáo nói rằng:

– Lũ chuột nhà Nguyên kia! Ta là Lương Nhượng, giữ ở nơi này. Trong đám các ngươi có kẻ nào là Trình Bằng Phi  hãy ra cho ta nói chuyện.

Hứa Phong nói:

– Trình Hữu thừa của chúng ta đang đánh lên Lão Thử, bắt chủ tướng của các ngươi. ở đây chỉ có ta là Hứa Phong. Bọn người Nam các ngươi biết điều  quy hàng Đại Nguyên, may ra còn giữ được toàn tính mạng, bằng không cái cơ vong quốc tan gia đã rõ rành rành rồi đó.

– Ta hôm nay đón ở đây là cốt bắt cho được Trình Bằng Phi chứ đâu muốn giết một tên tiểu tốt như ngươi. Nhưng ngươi đã trót đến đây, vui lòng làm chuột nướng vậy.

Lương Nhượng nói xong, hô quân ném các bó cây, cỏ đang cháy xuống lòng khe. Cây cối trong khe bén lửa cháy bùng cả lên. Quân Nguyên bị đốt, kêu gào thảm thiết. Người, ngựa, áo giáp cháy quăn queo bốc mùi khét lan xa mấy dặm. Hứa Phong chết cháy trong đám loạn quân. Mao Tích Dương đem một đám tàn tốt bỏ ngựa trèo qua núi trốn thoát. Một nghìn quân Nguyên chết gần hết trong khe Hãm Sa.

Trình Bằng Phi đang đánh ải Lão Thử thấy phía sau ải khói bốc lên cuồn cuộn, tưởng là ám hiệu của Hứa Phong, thúc quân đánh ồ lên. Công chúa Bảo Hoa ở trên ải cho quân bắn xuống như mưa. Quân Nguyên chết nằm la liệt dưới ải. Trình Bằng Phi nói:

– Bọn Nam man này gan thật, bị đánh cả hai mặt mà chúng chẳng rối loạn tý nào cả.

Lúc sau thấy Mao Tích Dương dẫn gần một trăm tàn tốt mặt mũi nhọ nhem chạy đến, khóc, nói rằng:

– Tướng quân ôi! Chúng tôi bị quân Nam mai phục. Hứa tướng quân cùng quân sĩ chết hết cả ở trong khe Hãm Sa rồi.

Trình Bằng Phi nghe tin, kinh hoàng, truyền lệnh cho Kiển Vĩ lui binh về trại. Từ hôm ấy hai bên giữ nhau suốt mười bảy ngày1 quân Nguyên không sao qua được ải. Việc này xin dừng ở đây.

Mời bạn đọc quay lại với hải đoàn nhà Nguyên. Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp được tin Trần Khánh Dư đã trúng kế hoàn toàn bị Yến Nhi bắt mất hồn, liền họp các tướng bàn cách tiến vào vùng biển Đại Việt. Vạn hộ đại thuỷ sư Trương Văn Hổ nói:

– Đội hình của ta rất dài, đi đường ngoài khơi thảng gặp gió bão bất ngờ sao tránh được thiệt hại. Chi bằng ta men theo bờ bể mà đi.

Phó tướng đại thuỷ sư Phàn Tiếp nói:

– Vùng bờ bể An Nam là nơi có hàng mấy nghìn đảo đá. Thuyền quân ta đi vào, không may va phải đá ngầm lại chẳng khốn lắm sao.

Đại tướng là Từ Khánh nói:

– Nhỡ có va đá ngầm cũng mất một vài thuyền là cùng, còn ở ngoài khơi gặp bão lớn là coi như hết.

Bồ Tý Thành nói:

– Xin các vị chớ lo. Ven bờ tuy có nhiều đảo đá nổi đá chìm nhưng cũng có một lạch nước sâu thừa sức cho chúng ta đi. Dưới trướng của tôi có hai người là Sái Lỗi, Tôn Khiêm thường sang buôn bán ở Vân Đồn nên biết rất rõ con đường ấy. Để hai người này dẫn đường không còn phải ngại gì nữa.

Ô Mã Nhi cho gọi Sái Lỗi, Tôn Khiêm đến , hỏi:

– Hai ngươi đã từng nhiều lần buôn bán ở Vân Đồn, vậy đường đi ven bờ bể như thế nào?

Tôn Khiêm thưa rằng:

– Trình nguyên soái! Chúng ta nên vòng theo núi Ô Lôi đến thẳng Ngọc Sơn. Nơi đây dân An Nam gọi là Mũi Ngọc, thời Lý thuộc châu Vĩnh An, sang thời Trần đổi thành lộ Hải Đông. Từ lâu dân buôn nước ta đều đi qua con đường ấy mà vào đất Giao Chỉ. Không biết từ bao giờ người ta gọi nơi này là cửa Vạn Ninh. Con đường này nhờ những dãy đảo chạy song hàng với bờ bể che chắn nên thuyền đi vào đấy không phải sợ mưa gió bão bùng. Chỉ vài ngày là đến đảo Vạn Hoa tức là địa đầu của vùng biển Vân Đồn rồi, lại đi tiếp hai ngày nữa đến cửa bể An Bang. Từ An Bang ngược sông Bạch đằng lên Vạn Kiếp cũng mất vài ngày.

Ô Mã Nhi nghe nói vậy ưng lòng lắm. Hai người này lại tiến cử hai người nữa là Tần Ban và Khổng Kỳ Trúc cùng trong phường buôn ngày trước. Ô Mã Nhi đều cho làm hướng đạo , chọn ngày Mậu Tuất – mười hai tháng mười một năm Đinh Hợi (17-12-1287)- tiến vào vùng biển Đại Việt.

Bấy giờ tướng Đại Việt là Nhân Đức hầu Trần Toàn1 trấn giữ ở Mũi Ngọc được tin quân Nguyên tiến vào, liền họp các tướng, nói:

– Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp mang năm vạn quân, hai vạn thuỷ thủ áp tải mười bảy vạn thạch lương đang tiến vào vùng biển nước ta. Các ngươi có kế hay gì chống giặc không?

Phó tướng là Trần Da thưa rằng:

– Thuyền giặc thế nào cũng đi vào giữa Mũi Ngọc với đảo Vĩnh Thực. Nơi này nước sâu nhưng cửa hẹp. Ta ít quân nên chọn nơi ấy mà giữ mới được.

Nguyễn Đoan nói:

– Thuỷ binh quân Nguyên lần này chuẩn bị rất chu đáo. Nếu chúng dùng thuyền nhỏ để tác chiến, quân ta cũng không thể giữ ở cửa Ngọc được, nên dùng kỳ binh mà đánh thì hơn.

Lê Tiệp vẫn ngồi im không nói gì. Trần Toàn hỏi:

– Đô uý Tiệp nghĩ thế nào.

Lê Tiệp nói chậm rãi:

– Chúng ta chỉ có một quân2, không nên đánh với toàn binh của chúng. Chi bằng một mặt quân hầu sai người báo cho Nhân Huệ vương đón đánh, mặt khác ở đây ta nhử giặc vào sâu rồi cắt lấy đoạn đuôi, quân Nguyên không muốn hoang mang cũng không được.

Trần Toàn nghe theo kế ấy, liền sai khinh thuyền về thẳng Vạn Hoa sơn báo tin cho Trần Khánh Dư. Mặt khác dặn các tướng rằng:

– Trần Da mang năm thuyền nhẹ lên Lãng Sơn khiêu chiến, cốt sao nhử cho binh thuyền của chúng đuổi theo tách khỏi đoàn thuyền chở quân lương càng xa càng tốt. Ta cùng Nguyễn Đoan, Lê Tiệp đem quân phục ở vụng Đa Mỗ để cắt đuôi bọn chúng.

Các tướng nhận lệnh mang thuyền đi. Trần Da đưa binh thuyền lên Lãng Sơn đợi giặc. Cửa Lãng Sơn một bên là đảo Vĩnh Thực, một bên là đất liền nhô ra. Đấy chính là điểm đầu của lạch nước sâu đi vào Vân Đồn. Năm trăm chiến binh Đại Việt tay cầm nỏ cứng, giăng thuyền trên mặt thuỷ ải. Lúc sau thuyền tiên phong của quân Nguyên đến nơi. Tướng tiền đội của quân Nguyên là Trương Ngọc cầm giáo dài đứng ở mũi thuyền, nói to lên rằng:

– Bớ quân Nam! Các ngươi chỉ có một nhúm quân thế kia sao chống nổi với thiên binh vạn mã của thiên triều. Biết điều tránh ngay ra cho ta đi kẻo làm mồi cho cá bây giờ.

Trần Da chỉ ngọn roi sắt mắng rằng:

– Bớ quân cuồng chiến! Chớ có huênh hoang. Hãy thu quân quay về. Bằng không ta quyết đánh cho các ngươi chết không kịp gọi mẹ.

Trương Ngọc thúc quân đánh sang. Quân Việt bắn mấy loạt tên rồi quay thuyền chạy. Ô Mã Nhi phía sau thúc quân rằng:

– Đây là trận đầu, phải đánh cho thắng để ra uy. Các ngươi hãy tiến gấp lên.

Binh thuyền quân Nguyên lũ lượt vượt qua cửa Lãng Sơn. Tiếng quân sĩ hò reo vang động cả các đảo đá xa gần. Dần dần mấy vạn quân Nguyên áp tải tách khỏi các thuyền lương, tiến lên trước, kéo một hàng dài đến hơn mười dặm. Trương Ngọc thấy thuyền quân Việt cứ lững lờ trôi phía trước, thúc quân đuổi miết, chẳng mấy chốc tiền quân vượt qua vịnh Đa Mỗ. QuânViệt ở nơi phục binh trông thấy, Trần Toàn bảo các tướng:

– Các ngươi giữ quân cho kín, chờ cho chúng qua gần hết, ta đánh lấy mấy thuyền nặng phía sau, thế nào cũng vớ được nhiều lương thực.

Lúc sau mấy trăm binh thuyền qua hết, đến mười thuyền quân lương của Từ Khánh ì ạch tới nơi. Trần Toàn không biết phía sau còn đoàn thuyền lớn, mới bảo Nguyễn Đoan, Lê Tiệp rằng:

– Đây chính là lúc ta cướp lấy lương của bọn chúng. Hãy nhằm vào ba thuyền sau cùng mà đánh.

Quân sĩ nhận lệnh, cho thuyền từ các đảo đá tiến ra, reo hò đánh tạt ngang vào đội hình thuyền quân Nguyên, cắt rời ba thuyền phía sau. Tên bay như trấu vãi. Từ Khánh thấy bất ngờ bị tấn công, liền thúc bọn thuỷ thủ chèo hộc tốc cho kịp đoàn thuyền của Ô Mã Nhi. Mã Vi cùng ba thuyền lương ở phía sau không sao thoát được. Lính Nguyên cố chết chống cự. Thuyền quân Việt áp sát. Lính Việt đồng loạt nhảy sang chém giết. Bọn thuỷ thủ nhà Nguyên bị chết nhiều lắm, xác trôi khắp nơi trên mặt biển, máu loang đỏ nước. Mã Vi cố sức đánh không lại, bị Trần Toàn hoa đao chém một nhát rơi đầu. Lính Nguyên thấy chủ tướng đã chết, ùa nhau nhẩy cả xuống nước. Trời lạnh, sóng to, quân Nguyên bấu víu nhau chìm dần. Quân Việt dùng câu liêm móc lên, bắt được bốn mươi tên. Ba thuyền lương cùng ngựa nghẽo khí giới đều bị bắt cả. Từ Khánh thấy các thuyền phía sau đã mất, giục thuỷ thủ cắm cổ chèo thí mạng, bất đồ lạc mất đường đi, lênh đênh trên biển không biết bao nhiêu ngày, trôi dạt đến tận đất Chiêm Thành, mấy tháng sau mới tìm về được Quỳnh châu.

Trần Toàn đánh thắng trận ấy, liền cho người giải bốn mươi tên lính Nguyên cùng những đồ thu được về dâng lên vua Trần1. Thượng hoàng mừng lắm, sai chép tên các tướng sĩ vào sổ ghi công để sau ban thưởng. Trận thắng của Trần Toàn ở vụng Đa Mỗ đời sau gọi là trận Mũi Ngọc.

Khi xảy ra trận đánh ở vụng Đa Mỗ, đoàn thuyền của Trương Văn Hổ mới vừa tới cửa Ngọc. Hướng đạo sinh là Tôn Khiêm nói:

– Từ đây vào đến An Bang đường rất hiểm trở, chỉ có một luồng nước sâu là đi được. Nếu thuyền chệch ra ngoài luồng ấy tức khắc va vào đá ngầm. Thuyền ta nên theo hàng một mà đi.

Trương Văn Hổ nói:

– Thế cũng phải. Các ngươi cứ từ từ, đợi nguyên soái dẹp xong đường phía trước đã.

Tạ Hữu Khuê nói:

– Phàm đã vào đất người phải đi nhanh, đội hình gọn cho dễ chỉ huy. Ta đi hàng một nhỡ quân Nam tấn công tạt ngang, chẳng đứt làm mấy đoạn hay sao. Tôn Khiêm chỉ là anh lái buôn không có kiến thức nhà binh nên mới nói vậy, sao tướng quân cũng nghe.

Lý Ngao nói:

– Lời Tạ tướng quân nói rất có lý. Xin chủ tướng thu gọn đội hình, đi nhanh cho kịp nguyên soái mới không sợ quân Nam đánh bất ngờ.

Trương Vĩnh Thực nói:

– Thu đội hình lên, chẳng may thuyền mắc cạn không đi được, khi ấy quân Nam mới tiến đánh cũng chẳng nguy lắm hay sao? Tôi nghĩ cứ đi hàng một nhưng chia các tướng ra mà giữ. Quân kia có đến, chưa hẳn làm gì ta nổi.

Trương Văn Hổ bảo:

– Ông nói phải lắm. Thuyền của Tạ Hữu Khuê đi đầu, ta cùng Lý Ngao đi giữa, còn Trương Vĩnh Thực đi đoạn hậu phải thường xuyên đưa tin cho đoàn Phí Củng Thần ở phía sau.

Các tướng tuân lệnh, lần lượt cho thuyền vượt qua cửa Ngọc. Vì trận đánh ở vụng Đa Mỗ diễn ra trong khoảng thời gian rất ngắn nên khi đoàn thuyền của Trương Văn Hổ tới nơi, quân Việt đã rút hết rồi. Lúc ấy Trương Văn Hổ đang ngồi bàn việc với Lý Ngao trong lâu thuyền, bỗng có quân chạy vào báo:

– Có rất nhiều xác lính ta trôi trên biển. Có thể tiền quân đã bị chặn đánh. Xin tướng quân định liệu.

Trương Văn Hổ cùng Lý Ngao ra xem, quả nhiên thấy rất nhiều xác lính Nguyên trôi lều phều cạnh thuyền, liền sai quân vớt mấy cái lên xem, thấy có vết đâm chém nhưng cũng có nhiều xác không bị tổn thương gì, mới bảo các tướng:

– Hẳn là đã có giao tranh mà quân ta thất lợi nên nhiều người nhảy xuống biển chết đuối. Các ngươi hãy cho thuyền dừng lại, thu gọn đội hình. Tần Ban mang hai tên lính, mặc giả ngư dân, bơi thuyền nhỏ đi thám thính phía trước rồi quay về báo ngay.

Các tướng nghe lệnh, liền dừng thuyền. Trong khi đó đoàn binh thuyền của Ô Mã Nhi mải đuổi theo mấy chiếc thuyền của Trần Da nên bỏ xa thuyền lương đến cả ngày đường.

Đây xin nói về  Từ Vân tiên cô ở Phong Hải đạo quán trên Vạn Hoa1 sơn cứ ngóng chờ xem Trần Khánh Dư có đến hỏi xin Yến Nhi về làm thiếp hay không nhưng đã mười ngày mà chẳng thấy gì, mới nghĩ: “Ta nên đem chuyện này nói trong quân doanh, một khi sự đã vỡ lở, thế nào Nhân Huệ cũng phải có lời, liền gọi một đạo đồng đến dặn dò mưu kế, cho đi. Đạo đồng ấy xuống thẳng dưới núi, đến cửa quân doanh tìm mấy chú lính gác kể hết mọi chuyện của Trần Khánh Dư. Quả nhiên lúc sau chuyện đã vào đến soái doanh. Liên Nhi nghe được, máu ghen nổi lên tím cả mặt mày, tưởng muốn chết, tức tốc đòi lên núi tìm Trần Khánh Dư. Giang Phong nói:

– Xin dì bớt giận. Tôi xem trong chuyện này nhất định có uẩn khúc chi đây. Nhân Huệ vương đã nhận lời cha tôi trước khi lâm chung, đối đãi với dì rất là tử tế. Dì không nên vì một lúc nóng nảy làm điều thất thố mà phụ mất tấm lòng của vương gia.

Liên Nhi khóc mếu, nói:

– Cha anh chết đi, ta muốn đi theo cho trọn tình. Cũng chỉ vì lời dặn của ông ấy mà không ngại chốn biên cương xa xôi, đi theo hầu hạ vương gia. Không ngờ đến nay vương gia không còn cần ta nữa. Ta chỉ muốn gặp vương gia, nói vài lời cho có đầu đuôi rồi đi theo cha anh thôi.

Giang Phong nói:

– Thực ra chuyện của dì cũng không phải là chuyện lớn. Nay quân giặc đã đến ngoài cõi mà vương gia lại mê đắm thế này, lấy ai lo cho ba quân tướng sĩ chứ. Để tôi lên vọng hải đài tìm vương gia về bàn việc với tướng sĩ.

Giang Phong nói xong, lập tức lên Phong Hải đạo quán tìm Khánh Dư. Khi ấy đã gần sang chiều, Khánh Dư vẫn còn ôm Yến Nhi trong phòng, chưa dậy, thân binh vào báo có đô uý Giang Phong xin cầu kiến. Khánh Dư bảo:

– Bảo ông ấy lên vọng hải đài chờ ta.

Lát sau Khánh Dư đến vọng hải đài hỏi Giang Phong:

– Ngươi đến đây có việc gì?

Giang Phong nói:

– Quân giặc đã đánh đến nơi. Xin vương gia về trại lo việc chống giặc. Tôi e rằng Yến Nhi chẳng phải người tốt gì.

Khánh Dư đưa ngón tay trỏ lên miệng suỵt một tiếng, ra hiệu nói nhỏ thôi, rồi bảo:

– Còn e gì nữa! Nó chính là thám binh của giặc Nguyên đấy. Đồng đảng của nó còn hai tên nữa. Các ngươi kệ cho nó đi lại truyền tin với nhau, chớ có bắt.

– Vương gia biết như thế, sao không đề phòng.

– Ta đề phòng hay không, ngươi biết được ư? Nó định thả mồi nhử, ta phải vờ như trúng kế mới lừa được nó. Vả lại nhà Nguyên có lòng mang thứ mỡ màng đến biếu, tội gì ta không dùng cho đỡ buồn. – Nói xong câu ấy, Khánh Dư cười, đuôi mắt nheo lại kéo dài, trông rất là trai lơ, tiếp – Có điều muốn cho thành đại kế, cần một người dám xả thân. Mấy hôm nay ta nghĩ mãi, chưa biết chọn ai.

Giang Phong hăng hái nói:

– Nếu vì việc đánh giặc Nguyên, tôi dù tài hèn cũng xin được liều thân báo quốc.

Khánh Dư đặt tay lên vai Giang Phong, nói:

– Cha ngươi đã vì nước quên thân nên ta không muốn ngươi cũng như vậy.

Giang Phong nói:

– Tôi biết câu “ Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi 1 vậy mà vẫn ra trận, nghĩa là không nghĩ gì đến sự sống chết nữa rồi. Vả lại được đánh giặc trả thù cho cha, dẫu có chết cũng không dám ân hận gì cả. Xin vương công cứ giao việc khó ấy cho tôi. Vạn nhất tôi không còn nữa chỉ nhờ vương công sau khi thắng giặc, che chở cho em tôi là Giang Vân, tôi cùng cha tôi ở dưới suối vàng cũng mát lòng.

– Ngươi nói chi những lời đau lòng như vậy. Cha con ngươi đều là chỗ tâm phúc của ta. Nhận việc này, mười phần chắc chết cả mười. Ngươi chịu để ta lạy ngươi một lạy thì ta giao việc ấy cho.

– Tôi chỉ là một người lính dưới trướng, đâu dám nhận lạy của vương công.

– Không phải cá nhân ta lạy ngươi mà ta thay mặt nhà vua cùng toàn dân Đại Việt lạy một người dám đi vào chỗ chết để bảo toàn non sông xã tắc vậy. Ngươi có ưng lòng không?

– Vì giang sơn xã tắc, vì muôn dân trăm họ, tiểu tướng xin ưng lòng.

Khánh Dư quỳ bái Giang Phong một bái. Giang Phong đỡ vương đứng dậy, nói:

– Tiểu tướng đã nhận lạy rồi, xin vương công giao việc.

Khánh Dư nói chậm, nhấn từng lời cho Giang Phong thấy hết được tầm quan trọng của công việc:

– Hưng Đạo vương bày ra mẹo “tách trâu khỏi cỏ” là một kế sách tuyệt hay, nhưng nếu thuyền lương của giặc vào được Vạn Kiếp tất kế ấy hỏng mất. Ta nhất định phải đánh tan đoàn thuyền tải lương của chúng. Ô Mã Nhi đem năm vạn quân áp tải cho Trương Văn Hổ. Để chúng đi với nhau, việc ta khó thành, cần phải tách đoàn thuyền của Ô Mã Nhi ra xa thuyền tải lương. Muốn như vậy, ngươi đem năm nghìn quân ra khiêu chiến rồi giả thua tan nát, phải cho chúng bắt sống hoặc giết chết để khích cái lòng kiêu của nó. Khi ấy Ô Mã Nhi kiêu hãnh tiến quân, bỏ xa thuyền lương. Ta nhân cơ chặn phía sau cướp lấy, quân Nguyên dẫu không đánh cũng tan. Chúng không còn cơ hội tàn hại dân ta như năm trước nữa. Đấy chính là mưu kế của ta dự tính bấy nay.

Giang Phong nói:

– Tôi nhất định không phụ lòng vương gia.

Nói xong, lập tức xuống núi. Trần Khánh Dư giao việc cho Giang Phong xong, lại cử người đến Nam Triệu báo với Khúc Bá Lợi, Ninh Cát Đại đem quân về ém ở Cửa Lục đợi lệnh, việc đâu vào đấy liền quay lại phòng Yến Nhi. Yến Nhi thấy Khánh Dư đi một lúc rất lâu, sinh ra nghi ngờ hỏi:

– Vương gia có việc gì quan trọng mà đi lâu thế, làm em sốt cả ruột.

Khánh Dư cười mủm mỉm, vuốt râu, nói:

– Ta còn việc gì quan trong hơn là ở bên nàng đây.

– Thiếp nghe nói mấy vạn quân Nguyên đang tiến vào biển Đại Việt, chẳng lẽ vương gia không lo chống giặc sao.

Khánh Dư nghĩ: “ Mẹ cái con ôn láo toét này gớm thật, lại còn giở trò moi tin của ông, rồi ông cho quân tướng chúng mày khóc dở mêú dở ”. Mới bảo Yến Nhi rằng:

– Việc ấy đâu cần ta lo. Đoàn thuyền của Từ Khánh đã bị quân ta bắt sạch, đang giữ ở Cửa Lục, ngày mai ta cho kéo về Vạn Kiếp. Còn Ô Mã Nhi chỉ cần một mình Giang Phong cũng đủ làm cho nó chạy không kịp thở rồi.

Yến Nhi nắm được ý ấy, liền mật báo về hải doanh cho Ô Mã Nhi.

Bấy giờ đã sang đầu tháng chạp, gió đông bắc mạnh lắm. Ô Mã Nhi cho quân căng buồm đuổi theo Trần Da nhưng đi được mấy chục dặm, thuyền quân Việt lẩn hết vào các đảo đá, không biết đâu mà tìm. Đến gần tối thấy xa xa có một chiếc thuyền nhỏ chở ba lính Nguyên, Ô Mã Nhi  cho quân đến gọi hoá ra là thuyền của Tần Ban đi thám thính. Ô Mã Nhi hỏi:

– Ngươi đi theo đoàn của Trương đại thuỷ sư, sao lại đến đây?

Tần Ban nói:

– Trương tướng quân đang tiến vào, thấy trên biển có nhiều xác chết của quân ta nên ngài dừng lại, cử chúng tôi đi thám thính.

Ô Mã Nhi hỏi:

– Thế dọc đường các ngươi có gặp đoàn thuyền của Từ tướng quân không?

Tần Ban thưa:

– Tôi không gặp Từ tướng quân, cũng chẳng thấy tên quân Nam nào nhưng xác chết của quân ta nhiều lắm.

Đại tướng Lưu Khuê nói:

– Thế này nhất định đoàn thuyền của Từ Khánh bị quân Nam đánh chặn bắt mất rồi.

Phó tướng là Phàn Tiếp cũng nói:

– Lưu tướng quân nói có lý lắm. Nếu đi tiếp, có thể bị quân Nam chặn đánh hậu quân hoặc tiền hậu giáp công thì quân ta khó đương nổi.

Ô Mã Nhi gắt:

– Các ông sợ quân Nam như sợ cọp ấy, làm sao nên việc. Bọn chúng chỉ có mấy cái thuyền chẳng ra thuyền, thúng không ra thúng, giáp công giáp quạ cái khỉ gì. Để ta tìm diệt hết nó đi.- Quay lại phía Phàn Tiếp – Các ông dừng lại ở đây đợi ta đi tìm Từ Khánh.

Nói xong, gọi bọn Trần Trọng Đạt, Bồ Tý Thành, Đào Đại Minh đem năm mươi thuyền nhẹ cùng quay lại. Ô Mã Nhi được bọn Tần Ban dẫn đường, tìm khắp mọi nơi đến sát ven bờ, loanh quanh đến nửa đêm, đành quay thuyền về hải doanh, nói với bọn Phàn Tiếp:

– Ta tìm vào dọc ven bờ mà không hề thấy một tên quân Nam nào. Từ Khánh cũng mất tăm, thỉnh thoảng thấy vài xác lính ta nổi phập phềnh trên mặt sóng.

Trương Ngọc nói:

– Tôi không tin quân Nam có thể bắt được hết cả đoàn thuyền của Từ tướng quân. Có thể đã có giao tranh, Từ tướng quân theo một đường khác tiến lên, biết đâu đã ở phía trước rồi.

Phàn Tiếp nói:

– Từ Khánh không có người hướng đạo, nếu để đi trước chẳng phải nguy hiểm lắm hay sao?

Ô Mã Nhi bảo Tần Ban:

– Ngươi quay lại nói với Trương tướng quân cứ tiến lên. – Quay sang bảo các tướng – Các ông cho quân nghỉ ngơi, sáng mai tiếp tục đi.

Sáng hôm sau đoàn thuyền của Ô Mã Nhi vừa nhổ neo, có người của Yến Nhi đến báo:

– Quân của Khánh Dư đã cướp mất đoàn thuyền của Từ Khánh, hiện đang giữ ở Cửa Lục, sắp kéo về Vạn Kiếp. Khánh Dư đang khoái chí, suốt ngày uống rượu với Yến Nhi, chẳng hề nghĩ đến việc quân tình. Quân Việt ở Vân Đồn hiện nay thực ra là do tên tiểu tướng Giang Phong thống lĩnh.

Ô Mã Nhi vểnh râu, cười ha hả, nói:

– Đại kế của ta tất thành. Khánh Dư ơi Khánh Dư! Ngày tận số của ngươi chẳng còn bao xa nữa.- Quay sang phía các tướng – Ta tiến gấp lên, đánh tan bọn Giang Phong, bắt sống Trần Khánh Dư, đuổi theo quân Việt đến Vạn Kiếp, cướp lại đoàn thuyền của Từ Khánh.

Các tướng vâng lệnh, kéo căng hết buồm. Mấy trăm chiến thuyền lao vun vút về hướng Vân Đồn.

Bấy giờ Giang Phong nhận lệnh của Trần Khánh Dư, cùng với Vương Thanh, Hà Vinh mang năm nghìn quân ra chặn giặc. Tướng tiên phong của quân Nguyên là Trương Ngọc cho hải đội giăng thành hàng ngang tiến vào vây lấy thuyền quân Việt. Hai bên đánh nhau hồi lâu. Thuyền quân Nguyên không tiến lên được nữa. Phàn Tiếp đứng trên lâu thuyền, nói:

– Cần tung đội thuyền của Lưu tướng quân vào trận mới thắng được.

Ô Mã Nhi nghe theo, lệnh cho Lưu Khuê tiến lên. Đại tướng Lưu Khuê hùng hổ lao vào trận. Ô Mã Nhi lại lệnh cho Đào Đại Minh, Bồ Tý Thành đánh vào hai cánh tả, hữu quân Việt. Thuyền Nguyên tràn lên như triều dâng sóng vỗ, quân lính reo to:

– Giết chết Giang Phong, bắt sống Khánh Dư! Giết chết Giang Phong, bắt sống Khánh Dư!

Quân Việt cố sức chống cự nhưng đánh không lại, đã có nhiều thuyền chìm, binh sĩ bị thương quá nửa. Vương Thanh trúng tên, rơi xuống biển chết. Giang Phong đánh đến chiều, người mệt lả lại trúng mấy mũi tên, máu ra nhiều, kiệt sức chết trên thuyền. Quân Việt tan nát cả. Tuần giang trưởng giáp Hà Vinh mang bọn Nguyễn Vĩ Dương, Vũ Hàm, con Đại Ngao cùng mấy chục tàn tốt chạy lên một hòn đảo nhỏ. Lát sau Bồ Tý Thành mang quân đến vây chặt đảo ấy, cho quân đổ bộ lên lùng bắt. Nguyễn Vĩ Dương nói:

– Tình thế đã đến nước này, trưởng giáp hàng đi là xong.

Vũ Hàm cũng bảo:

– Quân Nguyên mạnh lắm, không hàng, thế nào cũng bị chúng giết hết.

Hà Vinh nghĩ: “ Cha mình tốn không ít tiền của lo lót với Trần Khánh Dư mà y chẳng nể mặt chút nào, đã thế ta hàng quách quân Nguyên may ra còn được trọng dụng”. Mới quyết dẫn đám tàn tốt ra hàng. Con Đại Ngao đi đầu, vừa trông thấy đám lính Nguyên tràn lên bờ, nó đứng khựng lại, nhe nanh, từ sâu trong cổ họng nó phát ra những tiếng gừ gừ ghê rợn. Bất thần, con chó xông thẳng vào đám lính Nguyên, cắn xé. Sau giây bàng hoàng, Hà Vinh nói:

– Đại Ngao còn không muốn hàng quân Nguyên, chẳng lẽ ta không bằng con chó hay sao?

Nói xong, tuốt kiếm, dẫn mấy chục chiến binh lao vào giữa đám giặc Nguyên, miệng hô: “Sát Thát”!

Có những người như khối thiên thạch nhỏ nhoi, không ai biết đến, chỉ tới khi loé sáng thành ngôi sao băng mới thấy được sự rực rỡ của nó. Sự rực rỡ ấy tuy là ngắn ngủi nhưng người nào đã chứng kiến ắt sẽ ngưỡng mộ suốt cả cuộc đời. Hà Vinh đã không hàng giặc Thát, chàng cùng mấy chục chiến binh Đại Việt hoá thân thành những vệt băng tinh bay ngang qua bầu trời trong khoảng khắc cuối cùng của cuộc đời.

Bấy giờ Đoàn Hoa đang có thai, nghe tin chồng chết, liền lên thuyền, đem quân ra đánh giặc. Trương Ngọc trông thấy tướng Việt là một cô gái, cho quân vây bốn mặt, ép sát lại. Đoàn Hoa nhảy sang thuyền Trương Ngọc, múa cây đao loang loáng chém ngã liền bốn, năm lính Nguyên. Trương Ngọc hô lính vây chặt, rồi tung lưới chụp lấy, bắt được. Đoàn Hoa bị bắt, không còn đội thuyền Việt nào chống với quân Nguyên. Ô Mã Nhi hô các tướng cho quân vây đảo Vạn Hoa, tìm bắt Trần Khánh Dư.

Khánh Dư sau khi lừa được Yến Nhi đưa tin vịt đến hải doanh cho Ô Mã Nhi liền về quân doanh gọi Ngô Kế Trung đến, dặn:

– Ngày mai thế nào Ô Mã Nhi cũng vây đảo. Ngươi đem đội thuyền trương cờ của ta, chạy về Cửa Lục, lựa nơi kín đáo giấu quân, Ô Mã Nhi đuổi vào cửa Bạch Đằng, cứ kệ cho nó đi, chớ có đánh. Chỉ ba bốn hôm nữa đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ tới, khi ấy ta mới tóm gọn lấy nó. Đấy chính là kế “Tránh đầu tóm đuôi vậy” vậy.

Ngô Kế Trung nhận lệnh sẵn sàng. Trần Khánh Dư mang Phạm Bình, Văn Thắng, Giang Vân cùng các tướng khác với bọn Liên Nhi, Yến Nhi, về Tam Trĩ nguyên là nơi Phan Hoành giữ kho lương thảo rồi chuẩn bị đón đánh Trương Văn Hổ. Khi ấy Ô Mã Nhi cho lính lùng khắp đảo mà không thấy Trần Khánh Dư cùng Yến Nhi đâu. Bỗng có lính vào báo:

– Khánh Dư căng buồm chạy về phía biển Cửa Lục.

Ô Mã Nhi cho quân lập tức đuổi theo, không nghĩ gì đến việc bảo vệ đoàn thuyền của Trương Văn Hổ ở phía sau nữa. Phàn Tiếp nói:

– Quân ta thuyền nhẹ, thuận gió, đi nhanh, bỏ thuyền lương quá xa. Nhỡ quân Nam cướp lương, một mình Trương Văn Hổ chống sao nổi.

Ô Mã Nhi nói:

– Không phải lo chuyện ấy. Trần Khánh Dư đại bại, đang chạy không kịp thở còn ai ở phía sau mà cướp lương đây. Ta cứ đuổi dấn lên, bắt được nó, lấy lại được đoàn thuyền của Từ Khánh coi như nước An Nam ra ma cả.

Các tướng nghe nói vậy, hăng hái đuổi tiếp, đến biển Cửa Lục chẳng thấy thuyền Trần Khánh Dư đâu nữa, ngơ ngác nhìn nhau. Bồ Tý Thành nói:

– Cứ lôi con nữ man đầu ra mà tra hỏi tất biết ngay Khánh Dư đi đâu.

Ô Mã Nhi cười sằng sặc, bảo:

– Phải phải! Đưa con nữ man đầu ra đây.

Bọn lính Nguyên dẫn Đoàn Hoa đến. Hướng đạo sinh Tôn Khiêm làm lý vấn quan1 cho cuộc tra hỏi, nói với Đoàn Hoa:

– Con giặc An Nam này! Đến trước nguyên soái sao không quỳ.

Đoàn Hoa nói:

– Người Việt ta không quỳ trước loài lang sói.

Tôn Khiêm dịch lại cho bọn Ô Mã Nhi nghe. Bọn lính Nguyên định giơ côn đánh Đoàn Hoa. Phàn Tiếp ngăn lại, nói cho Tôn Khiêm dịch:

– Ngươi đã là bại tướng bị bắt, cớ sao không hàng để được nhận ân điển của thiên tử Đại Nguyên?

Đoàn Hoa nói:

– Người Nam có vua nước Nam, việc chi phải cần ân điển của vua các ngươi. Chiến trận được thua là lẽ thường tình. Ta đã bị bắt, coi cái chết như là bạn rồi. Các ngươi cứ giết ta đi.

Phàn Tiếp vẫn ôn tồn nói:

– Ngươi đang có thai, chẳng lẽ không thương đứa trẻ trong trứng sao?

Đoàn Hoa cười khẩy, nói:

– Đứa trẻ trong trứng đã bị giết sao chẳng đáng thương, nhưng đứa trẻ trong trứng đã phải làm tôi đòi cho lũ ngoại bang há chẳng đáng thương hơn sao? Mẹ con ta đã chọn cái chết, các ngươi chớ có nhiều lời.

Phàn Tiếp cùng các tướng người Tống cũ nghe Đoàn Hoa nói câu này, có ý hổ thẹn, không ai nói thêm gì. Ô Mã Nhi mắt trợn trừng, gầm lên:

– Trần Khánh Dư chạy đằng nào? Nói mau!

Đoàn Hoa không trả lời, chỉ khinh bỉ quay đi nhổ một bãi nước bọt. Ô Mã Nhi quay lại phía các tướng người Tống, nói:

– Người Trung Nguyên thường ngâm rượu bằng thai dê, thai hổ uống cho bổ. Hôm nay ta ngâm rượu thai người xem có bổ hơn không. Bay đâu! Lột quần áo con này, trói vào cái cột kia cho ta.

Mặc Đoàn Hoa giãy giụa, bọn lính Nguyên lột phăng áo quân của cô, trói đứng vào cột buồm. Ô Mã Nhi một tay cầm cây đao sáng loáng, tay kia nâng cằm Đoàn Hoa lên, cười gằn hỏi:

– Thế nào? Có hàng không?

Đoàn Hoa thét lên:

– Đồ lang sói thú vật. Không bao giờ ta chịu đầu hàng!

Ô Mã Nhi vung cây đao lên. Các tướng đứng xung quanh kinh hãi nhắm mắt lại. Một đường đao chém dọc bụng cô gái. Bọc thai non cùng dòng máu trôi xuống. Ô Mã Nhi cười rú lên:

– Mang hũ rượu ra đây cho ta! Mang hũ rượu lại đây cho ta!

Đoàn chiến thuyền quân Nguyên tiến vào cửa Bạch Đằng cùng với tiếng rít ghê người của những cơn gió lạnh. Nước triều dâng ào ạt, Bạch Đằng giang réo gào giận dữ. Phàn Tiếp nói:

– Tôi  e Trần Khánh Dư chưa chạy về Vạn Kiếp. Nếu y vòng trở lại chặn đánh thuyền lương của ta thì nguy lắm.

Lưu Khuê cũng nói:

– Lẽ nào phòng thủ một cửa biền lớn như thế này mà Khánh Dư lại chỉ có bấy nhiêu quân.

Ô Mã Nhi nói:

– Trần Khánh Dư là kẻ kiêu căng, cậy mình tài giỏi nên không dùng nhiều quân. Vừa rồi lại bị Yến Nhi mê hoặc nên chưa đánh đã tan cũng không có gì là lạ. Dẫu y có trốn lại phía sau cũng chẳng lấy đâu ra quân lính mà đánh nhau với Trương Văn Hổ. Ta cứ tiến nhanh lên để cướp lại đoàn thuyền Từ Khánh.

Các tướng nghe Ô Mã Nhi nói vậy mới không nghĩ gì đến phía sau nữa, chỉ muốn tiến cho nhanh để cứu Từ Khánh.

Tin Nhân Huệ vương bại trận về đến triều đình Đại Việt, thượng hoàng Trần Thánh tông thiết triều, nói:

– Trần Khánh Dư thật phụ lòng trẫm. Nay trẫm muốn bắt Khánh Dư về trị tội. Việc ở Vân Đồn cần có tướng khác ra thay. Ai có thể vì trẫm mà giữ Vân Đồn?

Trong võ ban có thần xạ Nguyễn Chế Nghĩa xin đi. Bấy giờ Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng cũng dự buổi triều, bước ra nói:

– Thần đã từng ở lâu trên đất Vân Đồn, xin được ra chống giặc.

Hưng Đạo vương nói:

– Vân Đồn nên giao cho Quốc Tảng. Nguyễn Chế Nghĩa bảo vệ nhà vua, không đi được.

Thánh tông chuẩn theo lời tấu ấy, mới phong Trần Quốc Tảng làm trung sứ, lĩnh kim bài ra Vân Đồn bắt Trần Khánh Dư và nhận việc bố phòng cửa bể. Hưng Đạo vương lại tâu rằng:

– Nay Ô Mã Nhi đã đến được Vạn Kiếp hội quân với Thoát Hoan. Trước sau gì chúng cũng đánh xuống Thăng Long. Xin hoàng thượng triệu Trần Quán và công chúa Bảo Hoa về triều.

Thượng hoàng hỏi:

– Không giữ hai nơi ấy, để cho ái Lỗ, Bột La Hợp Đáp Nhi đến được Vạn Kiếp nữa, Thoát Hoan khác chi hổ mọc thêm cánh.

Hưng Đạo vương nói:

– Thoát Hoan càng hội đông quân ở Vạn Kiếp mà không có lương, chúng càng chóng vỡ. Xin thượng hoàng chớ lo chi, thần đã dự liệu mọi việc đâu vào đấy cả rồi.

Thượng hoàng nghe theo lời tấu ấy, mới cho hai đoàn sứ đi triệu Trần Quán và công chúa Bảo Hoa về triều. Đỗ Khắc Trung vốn thân thiết với Nhân Huệ vương, bảo Hưng Đạo rằng:

– Nhân Huệ vương lần này về triều, chắc không tránh khỏi tội chết. Sao ông không nói đỡ với thượng hoàng cho ông ta một câu?

Hưng Đạo vương nói:

– Luật nhà Trần ta xưa nay tướng bại trận phải chịu tội. Nếu nói đỡ được, sao ông không nói đi? Vả lại Khánh Dư thân mang trọng nhiệm, không lo làm tròn phận sự lại ham mê tửu sắc, đến nỗi hao binh tổn tướng, cứ theo quân luật mà xét, chết chẳng đáng lắm hay sao?

Thật là:

Muốn đặt kế sâu lừa giặc mạnh

Lại mắc tội oan mạng khó toàn.

Mời bạn đọc tiếp chương sau xem Trần Khánh Dư bị xử tội thế nào.

 

 

 

 

1 Có tài liệu nói giao chiến 17 trận.

1 Sách An Nam chí lược chép Nhân Đức hầu Trần Da. ĐVsktt chép là Nhân Đức hầu Trần Toàn. Lại có những tài liệu khác cho rằng Trần Toàn và Trần Da chỉ là một người. Tất cả những điều trên chưa có cứliệu nào khẳng định đúng sai.

2 Quân: Một quân vào khoảng 2500 chiến binh, ứng với30 thuyền chiến.

1 ĐVsktt chép: Ngày 28 Phán thủ thượng vị Nhân Đức hầu Trần Toàn đem thuỷ quân đánh ở vụng Đa Mỗ. Giặc chết đuối rất nhiều. Ta bắt sống 40 tên và thu được thuyền ngựa, khí giới đem dâng.

1 Đảo Vạn Hoa: Nay là đảo Cái Bầu. Tên Vạn Hoa nay đặt cho  một hòn đảo nhỏ khác ở sát phía Tây đảo Cái Bầu.

1 Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi: Xưa nay ra trận mấy ai về.

1 Lý vấn quan: Người coi việc phiên dịch.

Đ.T

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder