Đât Việt trời Nam- tiểu thuyết lịch sử của Đan Thành – chương 51)

ĐẤT VIỆT TRỜI NAM (Chương 51)

ĐanThành

Lưu Uyên đánh trên sông Vạn Kiếp

Nguyễn Thức giữ ở cửa Đại Than…

ĐẤT VIỆT TRỜI NAM (Chương 51)

ĐanThành

Lưu Uyên đánh trên sông Vạn Kiếp

Nguyễn Thức giữ ở cửa Đại Than

Lúc Quốc Tảng lên đường, Hưng Đạo vương dặn:

– Trận thất lợi ở Vân Đồn chỉ là mẹo trá bại của Nhân Huệ vương. Con ra đấy giúp ông ta một tay để đại kế được thành tựu.

Quốc Tảng hỏi lại:

– Sao cha biết là mẹo trá bại?

– Nhân Huệ là kẻ đa tình, ai cũng biết nhưng xưa nay chưa bao giờ vì chuyện ấy mà bỏ bễ việc công. Khi nghe nói Khánh Dư suốt ngày ôm gái, uống rượu, ta đã biết ngay ông ấy muốn làm gì rồi, lại đến lúc nghe báo Khánh Dư chỉ cho năm nghìn lính ra cản giặc, còn mình chạy dài thì ý đồ đã phơi hết cả ra ngoài. Mẹo này có thể bịt mắt được nhiều người nhưng bịt sao được mắt ta.

– Cha đã biết như thế, sao không khuyên giải thượng hoàng.

– Thượng hoàng đang nóng giận, dẫu có khuyên giải cũng khó nghe ra. Vả lại các quan trong triều ai cũng tưởng Khánh Dư thua thật. Ta nói ra chẳng phải làm lộ hết mưu cơ của ông ấy hay sao.

Hôm sau Quốc Tảng ra đến Vân Đồn, đọc chiếu chỉ của nhà vua. Khánh Dư nói:

– Lấy quân pháp mà xử, tôi cam chịu tội nhưng xin khất hai, ba ngày để mưu lập công rồi về chịu tội búa rìu cũng chưa muộn1.

Quốc Tảng làm mặt giận, quát:

– Ngươi đã để mất quân, chết tướng, Ô Mã Nhi lọt vào cửa Bạch Đằng, có mưu gì để lập công đây? Chẳng mau vào cũi tù còn để ta phải ra tay ư?

Khánh Dư nói:

– Xin trung sứ đuổi hết tả hữu, tôi nói rõ mưu cơ.

Quốc Tảng liền cho lính hộ vệ lui ra. Khánh Dư nói tiếp:

– Sở dĩ tôi để cho Ô Mã Nhi vào nhanh sông Bạch Đằng là muốn cho cái kế tách trâu khỏi cỏ của Hưng Đạo vương được thành tựu vậy. Bây giờ tập trung quân đánh chiếm thuyền lương của Trương Văn Hổ thật dễ như chơi. Nếu để cho Ô Mã Nhi hộ tống Trương Văn Hổ vào đến Vạn Kiếp, hỏi kế sách của Hưng Đạo vương còn có nghĩa gì.

Quốc Tảng dịu nét mặt, tươi cười nói:

– Tôi cũng muốn đùa ông một tý thôi. Mưu kế của ông, cha tôi đã biết hết cả rồi nên sai tôi ra đây giúp ông một tay đấy.

Khánh Dư cảm động nói:

– Hưng Đạo vương quả là bậc thánh, ta mưu chuyện gì ông ấy cũng biết. Hưng Nhượng đã có lòng đến giúp, xin mang quân tới Đồn Sơn nhử cho giặc đuổi vào cửa Lục Thuỷ2. Quân ta bố phòng theo trình tự hình tam giác càng gần Cửa Lục lực lượng càng đông. Nhất định Trương Văn Hổ cùng đoàn thuyền của nó phải bị bắt ở đấy.

Quốc Tảng nói:

– Cha tôi nói thật không sai, Nhân Huệ không vì việc riêng mà bỏ bễ việc công bao giờ.

Nói xong từ giã Khánh Dư, mang quân đến Đồn Sơn, khi đi đường, gia tướng là Phùng Văn Đạt nói rằng:

– Trần Khánh Dư vốn có mối hiềm với Hưng Vũ vương nhà ta. Vương công nên nhân việc này mà trả mối hận ấy mới phải.

Quốc Tảng nói:

– Chuyện của Hưng Vũ vương với Nhân Huệ vương có khác gì chuyện của Trung Thành vương với cha ta nhưng mọi người đã vì đại cuộc mà bỏ qua chuyện nhỏ. Ngươi còn nhắc lại làm gì?

Văn Đạt lại nói:

– Việc bắt Trương Văn Hổ bây giờ dễ như trở bàn tay. Vương công cứ trừ Trần Khánh Dư đi, cái công ấy sẽ thuộc về một mình vương công vậy.

Quốc Tảng nói:

– Nhân Huệ lao tâm khổ tứ, quên cả thân mình mới thành đại kế. Ta đâu phải là kẻ hớt công của người khác. Thôi ngươi đừng nói nữa.

Các tướng đi theo thấy Quốc Tảng nói vậy, hết lòng thán phục. Về sau Quốc Tảng ở Vân Đồn, từ quan đến dân ai ai cũng quý mến. Khi ông qua đời, dân chúng bảo nhau xây đền thờ. Đền ấy ngày nay(Thế kỷ XXI) vẫn còn, ngày càng được tu bổ đẹp đẽ hơn.

Đây nói chuyện Thoát Hoan mang quân đến Vạn Kiếp nhưng chưa thấy các cánh quân khác đến, không dám một mình tiến đánh mà đóng trại bên kia sông đợi hội quân. Mấy hôm sau Ô Mã Nhi tới. Thoát Hoan hỏi:

– Thuyền lương của Trương Văn Hổ ở đâu?

Ô Mã Nhi thưa rằng:

– Tôi mang quân đi trước, quét sạch quân Nam. Trương Văn Hổ đang dẫn thuyền lương đi sau, nội trong hai ngày nữa sẽ đến. Chỉ có đoàn thuyền của Từ Khánh bị quân Nam bắt mất.

áo Lỗ Xích hỏi :

– Lực lượng của Trần Khánh Dư ở Vân Đồn rất mạnh. Tướng quân làm thế nào mà phá được chúng nhanh như vậy?

Ô Mã Nhi mới thuật lại từ mẹo mỹ nhân kế của Mã Vi đến trận đánh tan quân của Trần Khánh Dư ở Vân Đồn một lượt. áo Lỗ Xích lại hỏi:

– Có bắt được Trần Khánh Dư không?

Ô Mã Nhi nói:

– Chỉ có Trần Khánh Dư trốn thoát.

áo Lỗ Xích vỗ bụng, than rằng:

– Thôi! Tướng quân bị Trần Khánh Dư lừa rồi. Thế này thuyền lương của chúng ta nhất định mất vào tay quân Nam.

Thoát Hoan bảo Ô Mã Nhi  :

– Ngươi mang binh thuyền quay ngay lại đón Trương Văn Hổ .

áo Lỗ Xích can rằng:

– Bây giờ dẫu có quay lại cũng không kịp nữa mà còn rơi vào nơi mai phục của quân Nam mất cả chì lẫn chài như chơi.

Lưu Khuê nói:

– Xin thái tử cùng bình chương chớ lo. Trần Khánh Dư không còn quân. Y đã chạy trốn vào cửa Bạch Đằng rồi, nếu còn sống cũng bị vua của nó giết. Bao nhiêu đồn trại của Khánh Dư ở Vân Đồn đã bị quân ta phá hết. Dù y có thoát được, thu nhặt tàn binh hòng cướp lương, lực lượng của Trương tướng quân cũng đủ nghiền nát chúng ngoài cửa biển.

Thoát Hoan quay hỏi Phàn Tiếp :

– Lời Lưu Khuê, ngươi thấy thế nào?

Phàn Tiếp thưa:

– Sự việc quả đúng như lời của Lưu tướng quân. Khánh Dư chỉ còn chưa đến mười thuyền nhỏ, bị chúng tôi đuổi đến cửa sông, bỏ thuyền trốn vào rừng nên không bắt được.

áo Lỗ Xích nói:

– Nếu đúng như lời các tướng thì ta không nên đóng quân lâu ở đây mà chuyển đến Thập Tứ nguyên hỗ trợ cho Trương Văn Hổ đến. Vả lại từ đấy tiến lên lui lại thuỷ bộ đều tiện cả. Khi hai đạo quân của Bột La Hợp Đáp Nhi và ái Lỗ đến là tiến đánh Vạn Kiếp ngay.

Thoát Hoan nghe theo kế ấy, ngày mồng ba tháng chạp năm Đinh Hợi (7-1-1288) đem quân tới Thập Tứ nguyên. áo Lỗ Xích nói:

– Quân ta mấy chục vạn đóng ở đây, mỗi ngày tiêu tốn không ít quân lương mà nguồn tiếp tế hai đường đều chưa tới. Xin thái tử cho đánh phá các làng xung quanh để tìm cái ăn cho lính.

Thoát Hoan nghe theo, mới lệnh cho Ô Mã Nhi đem quân đi cướp lương thảo trong các làng xóm. Ô Mã Nhi đang định mang quân đi, vạn hộ đại tướng quân là Lưu Thế Anh kiểm tra quân doanh về trông thấy, nói:

– Tướng quân đừng đi vội, đợi tôi vào thưa lại với thái tử đã.

Nói xong vào ngay tướng doanh thưa với Thoát Hoan rằng:

– Quân ta đã ở đây, trước sau gì cũng đánh Vạn Kiếp. Trong khi chờ hai đạo quân kia, xin thái tử cho đánh những vị trí xung quanh, tạo thành thế bao vây. Trong các thành ấy thế nào mà chả có lương thảo, như vậy chẳng phải nhất công lưỡng sự sao?

Thoát Hoan nói:

– ý ấy rất hay! Nhưng ta nên đánh những điểm nào?

Lưu Thế Anh nói:

– Có ba nơi nên đánh: Một là Lưu thôn, rất thuận tiện cho đường thuỷ bộ nên quân Nam thường dùng để chứa lương thảo. Nay chúng xây một đoạn thành chặn sát với bờ sông nên còn gọi là thành Chữ Nhất. Cướp được thành đó, không lo gì chuyện thiếu lương nhưng không dễ đánh. Lần trước vạn hộ tướng quân Nghê Nhuận đã phải bỏ mình ở đó. Hai nơi nữa là huyện thành Bàng Hà cùng hương ấp Ba Điểm. Hai nơi này đông dân mà ít quân, dễ đánh. Chiếm được hai nơi ấy tất ta sẽ có thêm người thêm của.

Thoát Hoan khen:

– Lần ra quân này Lưu tướng quân già dặn lên nhiều lắm.

Nói xong lệnh cho Ô Mã Nhi hãy dừng lại rồi họp các tướng, nói:

– Nay lương thảo quân ta chưa tới. Thành Chữ Nhất là nơi quân Nam chứa lương. Ai dám đem quân đến đánh?

Đại tướng tiên phong là A Bát Xích bước ra nói:

– Mạt tướng đã lĩnh ấn tiên phong, đương nhiên việc này là của mạt tướng.

Đạt lỗ hoa xích là Tích Đô Nhi bước ra nói:

– Thành Chữ Nhất nhỏ như cái bàn tay sao phải cần đến đại tướng. Tôi tuy tài hèn cũng xin đi lấy thành ấy.

áo Lỗ Xích nói:

– Thành Chữ Nhất nói đánh không phải là đánh ngay được. Muốn sang sông phải dọn hết thuyền quân Nam đi đã. Ai có thể đi đánh quân Nam trên sông Vạn Kiếp?

Vạn hộ tướng quân là Lưu Uyên xin đi. Thoát Hoan liền cấp cho Lưu Uyên hai vạn quân thuỷ bộ, lập tức cùng Tích Đô Nhi lên đường. áo Lỗ Xích dặn:

– Lấy xong thành Chữ Nhất, các ngươi tiến đánh ngay Bàng Hà, Ba Điểm. Lấy được ba nơi ấy, công của các ngươi không nhỏ chút nào.

Trên đường đi, Lưu Uyên bảo Tích Đô Nhi:

– Ngươi cứ việc mang quân đánh thành, ta dùng binh thuyền chặn hai phía sông bảo vệ cho.

Tích Đô Nhi bảo:

– Vạn hộ tướng quân dạy rất phải. Khi nào tôi chiếm được thành thì dựng lên một lá cờ đại màu đen, ngài cho quân đến lấy lương thực.

Nói xong hai người chia quân tiến lên. Lưu Uyên cho quân lùng khắp trên sông nhưng không có một bóng binh thuyền quân Việt, chỉ thấy đó đây phấp phới tinh kỳ, liền cho quân tiến đến những nơi có cắm cờ, hoá ra chỉ là nghi binh. Quân lính lùng suốt mấy canh giờ mới bắt được hai chiếc thuyền nhỏ, có mười sáu lính Việt1 chở cờ đi cắm trong các bãi lau. Lưu Uyên sai Nghiêm Doanh tra hỏi mãi xem quân Việt đem lương thực cất giấu ở đâu nhưng những người lính ấy chỉ trả lời:

 

 

– Chúng tôi được sai đi cắm cờ chỉ biết cắm cờ còn các chuyện khác thực không biết.

Võ Chí hiến kế:

– Bọn lính An Nam này rất là gan góc, nếu không giết chết mấy đứa cho chúng sợ, nhất định chúng không khai ra.

Lưu Uyên nghe theo mới đem số lính Việt lên bờ sông, sai lính đào tám cái hố, chôn tám người xuống chỉ để hở đầu trên mặt đất rồi cho kỵ binh quần ngựa ở trên. Tám cái đầu người bị ngựa giẵm nát, toạc da chảy máu, mắt trợn ngược, trông rất ghê rợn. Nghiêm Doanh hỏi những người lính Việt bị bắt:

– Các ngươi muốn sống hay muốn chết như những đứa này.

Tám người lính Việt còn lại vẫn nhất định không nói lời nào. Lưu Uyên đành cho quân giải về trình Thoát Hoan. Trong khi ấy Tích Đô Nhi mang quân đến Lưu thôn, đánh thành Chữ Nhất một cách thận trọng. Quân Nguyên đã tiến sát chân thành mà quân Việt trong thành không có động tĩnh gì, chỉ thấy trên mặt thành phấp phới cờ bay. Tích Đô Nhi cho quân bắc thang trèo lên mặt thành mới biết thành không có quân canh giữ, liền hô lính tiến cả vào, hoá ra thành Chữ Nhất đã bỏ không từ lâu rồi. Tích Đô Nhi sai thân tướng là Bố A Lạc Tán cắm cây cờ đại màu đen lên chỗ cao nhất trên mặt thành để báo cho Lưu Uyên biết. Lưu Uyên trông thấy hiệu cờ, liền bảo với bọn tuỳ tướng là Nghiêm Doanh, Võ Chí rằng:

– Tích Đô Nhi chiếm được thành này thì thái tử ắt thành đại sự. Các ngươi mau mang quân vào lấy hết lương thảo mang xuống thuyền chở về đại doanh.

Nghiêm Doanh, Võ Chí nghe lệnh mang quân vào thành cùng với Tích Đô Nhi sục tìm đến tối mà không thấy lấy một bát gạo củ khoai nào cả. Lưu Uyên nói với Tích Đô Nhi:

– Đây hẳn là Trần Quốc Tuấn biết thế nào chúng ta cũng đánh nơi này nên y đã sớm cho quân chuyển hết lương thực đi rồi. Cần báo ngay về đại doanh để  thái tử định liệu.

Một thân tướng khác của Tích Đô Nhi là Hình Vô Cực nói:

– Theo tôi, hai tướng quân nên tiến ngay đến Bàng Hà để quân Nam không kịp trở tay may ra mới úp được chúng chứ quay lại đợi lệnh của thái tử sợ chúng có thời gian chuyển hết đi nơi khác, lúc ấy ta có lấy được thành cũng chẳng ích lợi gì.

Võ Chí nói:

– Hình tướng quân nói phải đấy. Đêm nay tiến đến vây chặt Bàng Hà, sớm mai chỉ việc tiến đánh, thế nào cũng thắng.

Lưu Uyên nghe theo lời ấy mới lập tức đem quân vây thành Bàng Hà ngay trong đêm. Bấy giờ quan huyện Bàng Hà là Hà Phương đã bẩy mươi ba tuổi, mới được chuyển từ huyện Trường Tân về vài tháng, nghe tin quân Nguyên tiến đánh, bàn với hai người đô đầu là Vũ Thâm và Nguyễn Hữu Lợi rằng:

– Quân ta ít nếu ở dồn vào một chỗ mà bị quân Nguyên vây tất không thể có lối ra. Thành này không kiên cố nên cũng không giữ lâu với chúng được. Chi bằng để ta cùng Nguyễn Hữu Lợi giữ ở đây, Vũ Thâm mang một nghìn quân về đóng ở hương Ba Điểm làm kế trong ngoài phên giậu mới có thể giữ được.

Vũ Thâm nghe lệnh, mang một nghìn quân đến giữ Ba Điểm. Đến lúc Lưu Uyên đến vây thành, Hà Phương cùng Nguyễn Hữu Lợi lên lầu cao nhìn xem thế giặc, thấy bốn bên đuốc sang rực trời. Hà Phương run sợ, nói:

– Quân ta chỉ có không đầy hai nghìn người mà thế giặc như thác đổ sóng trào, biết chống sao bây giờ.

Hữu Lợi nói:

– Khi trước đại nhân đã cho Vũ Thâm đem  quân ra ngoài là phòng lúc này. Sao đại nhân không cho người ra hẹn Vũ Thâm đánh úp phía sau quân giặc rồi ta mang quân ra đánh giáp lại, giặc Nguyên dẫu đông cũng không phải không phá được.

Hà Phương nói:

– Nhỡ Vũ Thâm mang quân về cũng không phá được giặc thì biết làm thế nào? Vả lại quân Nguyên bao vây trùng điệp thế kia, muốn cho người đi đưa tin đâu có dễ.

Nguyễn Hữu Lợi nói:

– Em tôi là Nguyễn Hữu Phúc võ nghệ cao cường lại tinh khôn nhanh nhẹn, Tôi làm kế nghi binh nó có thể ra ngoài được.

Hà Phương nói:

– Thôi cũng đành thế vậy chứ biết làm sao.

Nguyễn Hữu Lợi mới cho quân reo hò dồn về phía Nam thành, vờ như ra đánh. Quân Nguyên dồn cả về phía ấy ứng chiến. Hữu Lợi bảo Nguyễn Hữu Phúc rằng:

– Em đến nói với Vũ Thâm đúng canh năm đánh vào hậu quân của giặc. Anh sẽ ra thành tiếp ứng.

Nguyễn Hữu Phúc mới mở cổng Tây, cầm đao phóng ngựa xông ra. Quân Nguyên trông thấy, báo với chủ tướng. Tích Đô Nhi liền cho gọi Bố A Lạc Tán đến, bảo:

– Ngươi mang một trăm kỵ sĩ đuổi bắt bằng được kẻ vừa ra thành.

Lưu Uyên ngăn lại, nói:

– Không được! Kẻ vừa ra thành ắt là đi cầu viện binh, cứ để cho nó đi. Ta phục quân đánh tan viện binh tất những kẻ trong thành phải mở cửa ra hàng cả. Đây đi ra chỉ có một con đường, đạt lỗ hoa xích cứ việc đánh thành, để ta bắt viện binh của chúng.

Lưu Uyên nói xong đem một vạn quân đi mai phục. Vũ Thâm nhận được lệnh, liền mang hết quân ở Bà Điểm đi cứu Bàng Hà, không ngờ rơi ngay vào ổ mai phục của Lưu Uyên. Hai bên đánh nhau đến sáng rõ. Quân Việt thương vong gần hết, số còn lại lọt giữa vòng vây, không sao thoát ra được. Vũ Thâm thân mình đầy máu giặc, bảo Nguyễn Hữu Phúc rằng:

– Ông đoạn hậu để tôi mở đường máu đưa quân ra ngoài.

Nói xong, cầm đao đi trước, đánh giết một hồi gần ra được khỏi vòng vây thì hai tướng Nguyên là Nghiêm Doanh, Võ Chí đến kịp hợp lực đánh. Vũ Thâm khi ấy đã quá kiệt sức, bị quân Nguyên xúm lại lôi xuống ngựa trói lại. Nguyễn Hữu Phúc đánh được một lúc, chết trong đám loạn quân. Lưu Uyên bắt được Vũ Thâm, đem ngay đến trước thành Bàng Hà, cho quân gọi rằng:

– Bớ những kẻ ở trong thành hãy trông đây! Viện binh của các ngươi đã bị quân ta đánh tan, chớ có mong chờ chi nữa, hãy mau mở cửa thành ra hàng để hưởng lượng khoan dung, bằng không khi thành bị phá, già trẻ đều giết hết không tha.

Vũ Thâm kêu to lên rằng:

– Quan quân trong thành chớ nghe lời giặc! Hãy gắng kiên thủ đến chết là cùng. Đừng có hàng chúng mà mang tiếng nhục.

Võ Chí rút kiếm chỉ lên thành, nói:

– Kẻ nào không chịu hàng hãy trông gương thằng này.

Nói xong chém một nhát, Vũ Thâm rơi đầu. Hà Phương ở trên thành trông thấy, ngất lặng đi, lát sau mới nói được:

– Thôi! Hàng đi hàng đi.

Nguyễn Hữu Lợi nói:

– Tôi thà chết chứ nhất định không hàng.

Anh em binh lính cũng đều nói:

– Nguyễn đô đầu nói rất đúng. Chúng tôi cũng xin nguyện chết với thành này.

Hà Phương nói:

– Các ngươi không chịu hàng, trăm họ trong thành phải chết oan sẽ nguyền rủa các ngươi.

Nguyễn Hữu Lợi nói:

– Đại nhân nhầm rồi! Chúng ta ăn cơm vua, mặc áo của triều đình mà khi lâm trận lại hàng giặc mới thật đáng hổ thẹn, đáng làm bia miệng cho muôn đời nguyền rủa.

Anh em binh lính đồng thanh:

– Nguyễn đô đầu nói đúng! Nguyễn đô đầu nói đúng.

Hà Phương thấy nói không được, về phủ gọi mấy kẻ thân tín bảo:

– Các ngươi vờ ra thay gác rồi dựng cờ hàng lên, mở cổng thành đón quân Nguyên vào.

Nguyễn Hữu Lợi một mình mang quân lên mặt thành chống giặc, không ngờ Hà Phương dùng độc kế như vậy. Quân Nguyên ào vào thành chém giết. Quân Việt chống không lại. Nguyễn Hữu Lợi nhẩy xuống thành, tự vẫn. Một số quân việt không chịu hàng, khai đường máu chạy vào rừng. Lưu Uyên vào thành đòi Hà Phương đến, hỏi:

– Vì sao quân thiên triều đến đây ngươi không chịu hàng ngay, còn cho quân chống lại?

Hà Phương lập cập thưa:

– Bẩm tướng quân! Tôi đã có ý hàng từ lâu nhưng bọn đô đầu cùng quân lính không chịu hàng nên mới có sự chậm trễ như vậy.

– Bây giờ ta muốn ngươi dẫn quân đến lấy hương Ba Điểm. Ngươi có chịu không?

Hà Phương nói:

– Xin tướng quân tha cho cái mạng già này, tiểu nhân nguyện làm chó ngựa để hầu hạ. Việc lấy hương Ba Điểm, tiểu nhân xin đảm nhận dẫn đường.

Lưu Uyên bảo Tích Đô Nhi:

– Ông ở lại giữ Bàng Hà, kiểm điểm kho lẫm xem có bao nhiêu lương thảo. Tôi đem quân đi lấy Ba Điểm.

Hà Phương xun xoe nói:

– Ba Điểm không có quân giữ. Tướng quân không cần mang nhiều người đến đó. Tiểu nhân xin dụ chúng ra hàng.

Lưu Uyên nghe lời ấy, chỉ mang năm nghìn quân đi lấy Ba Điểm còn bao nhiêu để cả ở Bàng Hà. Tới nơi, Hà Phương gọi chức sắc trong hương đến, nói rằng:

– Nay thái tử Đại Nguyên mang năm mươi vạn quân sang đây, trước sau gì cũng lấy được An Nam. Ta đã theo hàng Lưu tướng quân rồi.

Bọn chức sắc trong hương nghe theo, ép dân chúng hàng cả. Nhiều nhà không chịu đều bị chúng báo cho quân Nguyên bắt giết đi. Trai tráng trong làng bảo nhau trốn vào rừng.

Trịnh Thoa vợ Hà Phương chưa biết con là Hà Vinh đã chết, thấy chồng hàng giặc, nói:

– Ông là mệnh quan của triều đình mà hàng giặc, nhỡ Nhân Huệ vương người bắt tội con mình thì biết làm thế nào.

Hà Phương nói:

– Bà nói chi hay vậy! Năm xưa vì muốn lấy lòng Nhân Huệ, tôi đã để thiếp yêu là Bùi Thị ngủ với ông ấy. Có lẽ nào nhân Huệ lại chẳng nể tình.

– Đã đành Nhân Huệ có thể nể tình nhưng luật của triều đình, tránh sao khỏi tội. Con mình rồi đến chết vì ông mất thôi.

– Bà dốt lắm! Vợ có thể lấy, con có thể đẻ lúc nào cũng được dăm đứa chứ sống làm quan mới là chuyện khó. Tôi chỉ cần nhà Đại Nguyên vẫn cho làm quan thì không thiếu gì vợ con.

Trịnh Thoa thấy chồng nói vậy, khóc ầm lên, bảo:

– Năm xưa tôi lấy ông là vì tưởng những người làm quan phải tử tế lắm. Ai ngờ ông suy nghĩ chẳng khác chi loài cầm thú thế này!

Hà Phương cười mũi, bảo:

– Đúng là ngớ ngẩn! Làm quan mà tử tế thì dân đen nó làm quan sạch.

Lưu Uyên lấy được Bàng Hà, Ba Điểm, sai người báo về cho Thoát Hoan. Võ Chí đi kiểm kho về nói:

– Thành này rất ít lương thảo, lại phải nuôi bọn người theo hàng, hoá ra ta đánh thành mà chẳng được lợi lộc gì. Chi bằng giết quách bọn người Nam vừa hàng đi cho bớt miệng ăn.

Bố A Lạc Tán can rằng:

– Làm như vậy những kẻ khác sẽ không dám theo hàng nữa. Quân Nam làm kế thanh dã, chi bằng bắt Hà Phương đưa đi tìm chỗ giấu lương thảo có hơn không?

Lưu Uyên khen ý ấy rất hay, mới cho gọi Hà Phương đến, đập án doạ, hỏi:

– Vì sao ngươi không có bụng thực hàng?

Hà Phương run lập bập, nói:

– Bẩm tướng quân! Tiểu nhân thật không dám có ý này kia nên đã dụ hàng được Ba Điểm. Thiết nghĩ việc ấy cũng đủ tỏ lòng thành của tiểu nhân.

Lưu Uyên càng làm ra vẻ mặt dữ, nói:

– Ngươi sao lừa được mắt ta? Ngươi biết Ba Điểm không có quân giữ, trước sau gì ta cũng lấy được nên giả vờ dụ hàng chứ có ý hàng thật đã giao nộp lương thảo. Ngươi trá hàng mới cho dân giấu hết lúa gạo đi phải không?

– Dạ dạ! Tiểu nhân đâu dám thế. Chẳng qua có lệnh của nhà Trần bắt giấu lúa gạo đấy thôi.

Lưu Uyên dịu giọng, nói:

– Bây giờ để tỏ cái bụng thực hàng, ngươi hãy dẫn quân lính đi tìm lương thực. Những kẻ thứ dân theo hàng, có cái gì ăn được đều phải giao nộp hết.

Hà Phương theo lệnh, bắt dân giao nộp thức ăn. Cả trâu bò, gà lợn cũng bị quân Nguyên bắt hết. Dân chúng không còn gì để sống, đói khổ cùng cực, kêu khóc chửi rủa Hà Phương không ngớt. Lưu Uyên lại bắt Hà Phương dẫn bọn Nghiêm Doanh, Bố A Lạc Tán đem quân đi tìm thóc lúa trong rừng. Trai tráng vùng ấy biết được, kéo nhau mang nỏ phục, bắn chết nhiều lính Nguyên lắm. Bố A Lạc Tán bảo Hà Phương:

– Ngươi không chịu dẫn chúng ta đi tìm lúa gạo mà lại đưa vào chỗ mai phục của quân Nam, làm tổn hại binh lính thiên triều. Tội ngươi thật đáng chết.

Nói xong rút kiếm chém một nhát. Hà Phương chưa kịp kêu oan, đầu đã rơi xuống rồi.

 

 

Đây nói Thoát Hoan, áo Lỗ Xích ở Tứ Thập nguyên được tin Lưu Uyên, Tích Đô Nhi đã lấy xong Lưu thôn, Bàng Hà, Ba Điểm thì mừng lắm, mới bàn chuyện đánh thành Vạn Kiếp, vừa lúc ấy lại có quân vào báo đại tướng hữu thừa Bột La Hợp Đáp Nhi đã dẫn quân đến hội chiến. Thoát Hoan liền triệu đến. Bột La Hợp Đáp Nhi vào yết kiến, kể lại một lượt các chuyện trên đường đi, lại nói:

– Không hiểu vì sao nữ tướng Nam man ấy tự nhiên rút quân nên chúng tôi mới tới được chứ không còn rắc rối với chúng.

Thoát Hoan nói:

– Con gái phương Nam quả là ghê gớm. Thảo nào ta vẫn nghe người Trung Nguyên có câu: Hoành qua đương hổ dị, đối diện nữ vương nan1. Nay mới tin là thật. Tướng quân là ngươi đã từng đánh Vạn Kiếp lần trước, có kế gì lấy được thành không?

Bột La Hợp Đáp Nhi nói:

– Trần Quốc Tuấn thường đóng quân ở Phù Sơn để cùng Vạn Kiếp làm thế ỷ dốc. Ta đánh Phù Sơn, thế nào quân Vạn Kiếp cũng đến cứu. Khi ấy ta bất ngờ đánh Vạn Kiếp, Trần Quốc Tuấn có ba đầu sáu tay cũng khó thoát.

Thoát Hoan vỗ bụng khen:

– Quả không hổ danh là đại tướng của thiên triều. Trận này ta giao cho tướng quân toàn quyền điều vát tướng sĩ.

Câu nói âý của Thoát Hoan làm áo Lỗ Xích chạnh lòng nhưng lại như một trận mưa rào tưới vào mảnh đất tinh thần của Bột La Hợp Đáp Nhi lâu nay hạn khô vì mặc cảm. Bột La Hợp Đáp Nhi liền vào tướng doanh phân công các tướng như sau:

– A Bát Xích, Đường Tông đem hai vạn quân đánh trại Phù Sơn. Tích Lệ Cơ vương, Đáp Lạt Xích, Trương Quân mỗi ngươi mang hai vạn quân phục làm ba đạo trên con đường từ Vạn kiếp đến Phù Sơn, diệt bằng được đạo viện quân của Trần Quốc Tuấn. Trình Bằng Phi, A Lý, Bất Nhan Lý Hải Nha, Ô Mã Nhi cùng ta đưa hai mươi hai vạn quân sang sông đánh Vạn Kiếp. Tổng số quân đánh trận này là ba mươi vạn nhân mã. Số quân còn lại giao cho Lưu Thế Anh cùng các tướng khác ở lại giữ đại doanh, bảo vệ thái tử cùng quan bình chương quân sư.

Các tướng nhận lệnh tiến quân, hôm ấy là ngày hai mươi tháng chạp năm Đinh Hợi (23-1-1288). A Bát Xích, Đường Tông đem quân đến Phù Sơn nhưng trại này chẳng còn người lính Việt nào, vội cho người một mặt phi báo với Thoát Hoan, mặt khác báo cho Bột La Hợp Đáp Nhi biết. Bột La Hợp Đáp Nhi được tin ấy liền cho quân công thành, hoá ra quân Việt ở Vạn Kiếp đã rút đi từ bao giờ rồi. Các tướng đều nói:

– Trần Quốc Tuấn nghe tin đại quân của ta kéo đến nên sợ quá bỏ chạy tuột cả dép mo2.

Bột La Hợp Đáp Nhi nói với các tướng:

– Lấy được một ngôi thành bỏ không thế này chẳng có gì đáng mừng. Không biết Trần Quốc Tuấn mang quân đi đâu sau này tất gieo họa cho quân ta. Ô Mã Nhi lập tức mang thuỷ binh đuổi về hướng Đông.

Ô Mã Nhi vừa cho binh thuyền đi được một đoạn, thấy có hai kỵ sĩ phi ngựa đến báo:

– Đây là đường đi vòng đến Ba Điểm. Nơi ấy tướng quân Lưu Uyên đã chiêu hàng được rồi.

Ô Mã Nhi liền đem đội thuyền về đóng ở Lục Đầu giang chờ lệnh. Thoát Hoan được tin đã lấy được Vạn Kiếp, liền cho Lưu Thế Anh nhổ trại sang sông, mang quân vào thành. Bột La Hợp Đáp Nhi nói:

– Quân Nam bỏ đi thường có những mưu mô sâu hiểm. Thái Tử nên đóng quân ngoài thành để đề phòng bất trắc.

Thoát Hoan nói:

– Quân ta đông đến hơn bốn mươi vạn, ngoài thành không có doanh trại, đồn trú thế nào?

áo Lỗ Xích nói:

– Tướng quân Bột La Hợp Đáp Nhi bàn rất phải. Hiện nay quân ta đang thiếu lương. Quân Nam biết được điều ấy, không chịu giao chiến thật nguy cho ta lắm. Chi bằng thái tử cho làm trại bằng gỗ ở núi Phả Lại và núi Chí Linh rồi phao tin là kho chứa quân lương nhưng thực ra để quân ta ở rồi tính phương lược tiến đánh Đại La.

Thoát Hoan nghe theo kế ấy, cho Trình Bằng Phi, A Lý đem hai vạn quân vào đóng giữ trong thành Vạn Kiếp, còn bao nhiêu đều ở cả bên ngoài. Ba ngày sau áo Lỗ Xích bàn rằng:

– Quân ta còn rất ít lương thảo mà thuyền lương của Trương Văn Hổ mãi không thấy đến. Xin thái tử cứ cho tiến xuống Đại La để lấy chỗ căn bản.

Thoát Hoan hỏi Bột La Hợp Đáp Nhi:

– Tướng quân thấy lời bàn của bình chương quân sư thế nào?

Bột La Hợp Đáp Nhi nói:

– Trong tình hình hiện nay nên làm như thế.

Thoát Hoan nghe theo liền ra lệnh cho hữu thừa Trình Bằng Phi, tả thừa A Lý  ở lại giữ thành Vạn Kiếp, Bột La Hợp Đáp Nhi chỉ huy bộ binh, lấy hữu thừa A Bát Xích làm tiên phong. Ô Mã Nhi chỉ huy thuỷ quân, lấy Lưu Khuê làm tiên phong, tiến xuống cửa Đại Than để vào sông Thiên Đức. Bọn Lưu Uyên, Tích Đô Nhi cũng được gọi về đi theo bảo vệ Thoát Hoan và áo Lỗ Xích trên đường bộ.

 

 

Đây nói tháng mười một năm Đinh Hợi, Hưng Đạo vương đã tính được thế nào quân Nguyên cũng theo cửa Đại Than vào sông Thiên Đức, mới tâu nhà vua cho tướng ra giữ ở đấy. Ngày mười sáu tháng ấy(19-01-1288) vua Trần xuống chiếu cho minh tự là Nguyễn Thức đem quân thánh dực dũng nghĩa đến chỗ Hưng Đạo vương để giữ cửa Đại Than. Nguyễn Thức vốn là con của Nguyễn Nộn với công chúa Ngoạn Thiềm. Nguyễn Nộn xưa là thầy chùa không có vợ, về sau được nhà Trần gả công chúa Ngoạn Thiềm cho. Khi Nộn chết, công chúa Ngoạn Thiềm đang có thai, không về cung mà ở lại Bắc Giang, sau sinh ra Nguyễn Thức. Triều đình có người khuyên Trần Thủ Độ nên giết đi để trừ hậu hoạ. Thủ Độ nói:

– Nguyễn Nộn là hậu duệ của Nguyễn Bặc thời Đinh. Ta không muốn một trung thần như Nguyễn Bặc phải tuyệt giống. Vả lại Ngoạn Thiềm không phải là người trong tôn thất nhưng hết lòng vì Trần triều. Không thể giết con của một người như vậy được.

Nói xong không cho người đi giết. Vì việc ấy mà nhiều người cảm phục Trần Thủ Độ. Nguyễn Thức lớn lên ở nơi thôn dã, khoẻ mạnh giống cha, ngày ngày luyện tập côn quyền cùng trai làng. Đến khi Cốt Đãi Ngột Lang đánh sang (1257), Nguyễn Thức đã ngoài ba mươi tuổi, tập hợp trai tráng lập đội hương binh đánh giặc. Những thủ hạ của cha Thức cũng cho con cái ra nhập đội hương binh ấy. Trong đó có Võ Quý Bảo là con của Võ Hàn, Trương Hùng là con Trương Thái, Đỗ Nguyên Lương là con Đỗ Nguyên Bá và một người gia tướng là Vương Tấn. Vì Thức đánh giặc có công nên Trần Thái tông triệu về kinh, phong cho làm đô uý rồi thăng dần lên đến tước minh tự.

Bấy giờ Nguyễn Thức nhận lệnh của Hưng Đạo vương, trấn giữ cửa Đại Than làm chậm bước tiến của quân Nguyên để dân thành Thăng Long kịp làm kế thanh dã. Hôm ấy nhằm ngày hai mươi ba tháng chạp (27-01-1288), Nguyễn Thức đang đi duyệt thuỷ trại, có thám thuyền về báo thuỷ binh của quân Nguyên đang tiến đến, liền họp các tướng, nói:

– Quân Nguyên đang từ Lục Đầu giang tiến về đây. Các tướng có kế gì chặn giặc không?

Võ Quý Bảo, Trương Hùng đều nói:

– Ta dàn quân chặn cửa sông mà đánh tất quân Nguyên không thể vào được.

Đỗ Nguyên Lương nói:

– Thuyền quân Nguyên lớn hơn thuyền ta, chúng ỷ thế đông mà tràn tới, ta dễ gì chặn nổi. Tôi hiến một kế tuy không diệt hết được quân Nguyên nhưng có thể làm chúng khốn đốn.

Nguyễn Thức nói:

– Ngươi cứ nói đi.

Nguyên Lương nói:

– Phía đoạn sông trên đây chừng năm dặm, lòng sông rộng mà nông, lại có nhiều bãi cát bồi, lúc nước xuống thấp, thuyền ta nhỏ có thể đi được. Thuyền giặc vào chắc chắn bị khê. Xin tướng quân cho nhử giặc vào đấy mà đánh tất thắng vậy.

Nguyễn Thức cười lớn, nói:

– Kế ấy hay lắm. Các tướng nghe lệnh. Võ Quý Bảo đội một, đem năm mươi thuyền ra đánh trận đầu từ giờ Thìn đến giữa giờ Tỵ, không cho giặc phạm vào cửa sông rồi lui về phục trong bãi lau gần cồn cát ngầm. Vương Tấn đội hai năm mươi thuyền, đánh từ giữa giờ Tỵ đến đầu giờ Mùi cũng lui về bãi phục binh. Trương Hùng đội ba, năm mươi thuyền, đầu giờ Mùi ra đánh,  bấy giờ nước đã cạn, nhử cho giặc tiến vào bãi cát ngầm. Các đội phải dùng thuyền giống nhau, cờ hiệu giống nhau để giặc không phân biệt được. Khi thuyền giặc mắc cạn, tất cả các đội cùng tiến ra, tận lực đánh.

Các tướng tuân lệnh đều đem quân đi. Võ Quý Bảo dàn quân ở cửa Đại Than chờ quân Nguyên. Đầu giờ Thìn thuyền tiên phong của đại tướng Nguyên là Lưu Khuê tiến đến. Lưu Khuê vai đeo cung cứng, tay cầm giáo dài đứng trên chiếc đại hải thuyền dẫn đầu. Hai thân tướng là Chúc Dĩ, Thái Sử Khoáng cũng cầm cung đeo gươm đứng bên cạnh. Mấy trăm quân sĩ đứng phía sau, lăm lăm cung tên, sẵn sàng tác chiến. Võ Quý Bảo nói với quân sĩ:

– Quân giặc cậy thuyền lớn áp tới. Ta thuyền nhỏ nhanh nhẹn dễ xoay chuyển, dùng phên che tên, tiến lên mà đánh.

Lát sau hai bên đối trận. Quân Việt tản ra vây đánh từng thuyền quân Nguyên. Lưu Khuê cho quân bắn trả nhưng thuyền quân Nguyên to nặng, đánh trên sông rất bất lợi. Thuyền Việt cứ tản ra rồi chụm lại thành từng đội theo hiệu lệnh, năm đến mười chiếc đánh một thuyền Nguyên. Lưu Khuê vất vả lắm mới chống đỡ nổi. Khi đoàn thuyền của Ô Mã Nhi đến trợ chiến, thuyền quân Việt rút cả vào cửa sông nhưng một đội thuyền khác giống y như vậy lại tiến ra tiếp chiến. Hai bên đánh nhau suốt từ giờ Thìn đến đầu giờ Mùi, quân Việt lại thay một đội thuyền khác. Lúc này nước sông đã xuống nhiều,  thuyền quân Việt ngược nước chạy. Lưu Khuê không biết là kế, hô quân đuổi gấp. Thuyền Việt cứ giữa dòng mà bơi. Lưu Khuê nói với Chúc Dĩ và Thái Sử Khoáng rằng:

– Bọn này bơi ở giữa dòng thế nào cũng bị ta bắt sống. Các ngươi thúc những thuyền sau chèo gấp lên.

Lưu Khuê có biết đâu chính giữa sông mới là nơi nông nhất. Tốp thuyền quân Nguyên đi đầu chệt cả vào bãi cát không sao xoay xở được. Tốp đi sau đâm ngay vào hông tốp đi trước làm nhiều thuyền bị vỡ. Lính Nguyên lóp ngóp lội dưới lòng sông. Bỗng một hồi trống đồng vang lên. Quân Việt trong các bãi lau xông ra nhiều không biết bao nhiêu mà kể. Tên bay như mưa, pháo nổ vang dội trên mặt sông. Hai bên đánh nhau suốt từ chiều đến đêm. Quân Nguyên chết hại nhiều lắm. Thái Sử Khoáng trúng tên, chết lăn trong lòng thuyền. Lưu Khuê, Chúc Dĩ cố đánh đến lúc nước lên, thuyền Ô Mã Nhi vào được cứu thoát. Nguyễn Thức thấy nước sông lên to, quân Nguyên vào được mới cho quân ngừng đánh, rút về đoạn sông bên rừng Hoa Lâm1. Đỗ Nguyên Lương nói:

– Nơi đây rừng cây rậm rạp, địa thế thuận lợi. Tướng quân nên mai phục ở chỗ này mà đánh.

Thật là:

 

Vừa bày trận lớn trên bãi cạn

Lại muốn phục binh cạnh rừng già

 

Mời bạn đọc tiếp chương sau xem Nguyễn Thức có phục kích quân Nguyên ở cạnh rừng Hoa Lâm hay không.

 


1 Câu thoại này lấy nguyên văn trong ĐVsktt.

2 Cửa Lục Thuỷ: Vịnh Hạ Long ngày nay.

1 Theo Nguyên sử thì Lưu Uyên đánh trên sông Vạn Kiếp bắt được mười sáu lính Việt.

1 Hoành qua đương hổ dị, đối diện nữ vương nan: Cầm ngang ngọn giáo đấu với hổ dữ còn dễ hơn phảiđối mặt với vua bà.  Sở dĩ có câu này là từ việc Triệu ẩu (Triệu Thị Chinh) cùng anh trai là Triệu Quốc Đạt lãnh đạo nhân dân nổi lên chống ách đô hộ phương Bắc. Giặc phương Bắc sợ hãi phải thốt nên như vậy.

2 Ngày xưa người Giao Chỉ thường lấy mo cau làm dép. Đến giữa thế kỷ XX ở đồng bằng Bắc Bộ đôi khi vẫn còn người đi loại dép ấy.

1 Hoa lâm: Sách An Nam chí lược chép là Diệp lâm. Nhà nghiên cứu Nguyễn Lương Bích cho rằng nơi này chính là Hoa lâm, khu vực từ thôn Đông Trù tới đầu cầu Đuống ngày nay. Kết hợp với nhiều tài liệu khác, thấy rằng ý kiến của nhà nghiên cứu Nguyễn Lương Bích là có cơ sở.

Đ.T

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder