Đât Việt trời Nam- tiểu thuyết lịch sử của Đan Thành – chương cuối )

– Làng mình lần này đi mười lăm đứa. Hôm qua thằng Phạm Dũng về nữa mới là bẩy đứa. Còn tám đứa chưa về. Tuy là thắng giặc nhưng người mình thương tổn cũng đâu có ít. Nhiều nơi giặc đi qua, đốt phá chém giết hết cả. Dân mình không biết bao nhiêu năm mới hồi sức được…

– Làng mình lần này đi mười lăm đứa. Hôm qua thằng Phạm Dũng về nữa mới là bẩy đứa. Còn tám đứa chưa về. Tuy là thắng giặc nhưng người mình thương tổn cũng đâu có ít. Nhiều nơi giặc đi qua, đốt phá chém giết hết cả. Dân mình không biết bao nhiêu năm mới hồi sức được.

Đoạn kết

Thoát Hoan về Đại Đô1, bị Hốt Tất Liệt đầy đi Dương châu, cấm suốt đời không được vào triều. áo Lỗ Xích mất chức hành tỉnh Hồ Quảng, chuyển đến Giang Tây. Hốt Tất Liệt điên cuồng chuẩn bị cuộc xâm lược Đại Việt lần thứ tư với khối lượng quân lính và hậu cần cực kỳ lớn nhưng chưa kịp thực hiện thì chết2. Đế quốc Nguyên Mông vĩnh viễn chôn vùi mộng xâm lược Đại Việt. Dân, lính nhà Nguyên ai ai nghe nói đến việc chinh chiến ở Đại Việt cũng đều khiếp sợ.

ở Đại Việt, sau đại chiến Bạch Đằng giang, trời chuyển dần sang Hè, mới buổi sáng ánh nắng đã chan hoà rực rỡ. Dân Đại việt từ kinh đô Thăng Long cho đến những bản làng hẻo lánh đều mở hội ăn mừng chiến thắng. Vua Trần thăng thưởng cho quan, dân, tướng, tốt có công đánh giặc. Bách tính không có ai không hồ hởi nức lòng. Đâu đâu cũng nghe thấy lời hô vạn tuế. Chỗ nào cũng dán tờ cáo thị yên dân.

Người ta đồn nhau công chúa Bảo Hoa đã chọn được một vị tân lang rất là dũng lược ngay trong đám lính con nhà dân thường, sắp làm đám cưới. Nhà vua thấy anh chàng còn trẻ mà giỏi trai, lại lập được nhiều công nên cũng ưng thuận.

Xóm Cây Duối bên hồ Lục Thuỷ trong thành Đại La vui lắm, dựng rạp hát ngay ở ngoài trời, thắp đèn lồng, đốt phaó hoa. Nhà bác cả Thìn vui thật là vui. Anh Long con trai bác đã về tuy bị cụt mất một tay. Các bạn nói là anh bắn chết hàng chục lính Thát. Thế mà ai bảo kể chuyện đánh trận, anh chỉ cười. Nhưng có lẽ người vui sướng nhất là cô Quy, chồng cô về lành lặn, lại được Chiêu Văn vương ban cho một tấm thẻ ghi hàng chữ dũng binh đạt công. Không ai có thể ngờ một anh chàng nhút nhát là thế mà lập được công lớn trong trận Trúc Động. Anh ném mười quả mã phong pháo, có chín quả lọt vào thuyền giặc, quả thứ mười làm gẫy cột buồm của một chiếc thuyền lớn. Vợ chồng bác Thìn chỉ còn buồn một nỗi cô Phượng bỏ nhà đi đã lâu chẳng thấy tin tức gì về. Bác Thìn gái lấy vạt áo chấm vội giọt nước mắt vừa lăn ra, nói:

– Giặc tan rồi, các con về cả, không biết con Phượng sống chết thế nào.

Bác cả Thìn bảo:

– Nó là đứa vô phúc, bất hiếu, chỉ thích ăn chơi đua đòi. Nó muốn đi đâu thì đi, làm sao phải khóc. Bà ra cầm chân con gà cho tôi cắt tiết.

Vừa lúc ấy có tiếng líu ríu của mấy cô gái từ ngoài cổng đi vào. Một người đi đầu mặc quần áo lính, nói:

– Nhà em đây rồi! Các chị vào đi.

Bác Thìn gái chạy vội ra, ngỡ ngàng kêu lên:

– Con Phượng! Con Phượng về. Cả nhà ơi ra mà xem con Phượng về rồi. Sao lại ăn mặc thế này hả con?

Vợ chồng cô Quy, cậu Long cùng chạy ra. Bác Thìn trai tay cầm con gà chưa kịp cắt tiết. Ông đứng như trời trồng, nhìn cô con gái út hư hỏng hôm nào bước những bước rắn rỏi lên thềm. Cô Phượng chào bố rồi nói với hai người bạn:

– Đây là thầy em, đây là bu em, anh Long mà em vẫn nói chuyện với các chị đấy. Còn đây là chị Quy, chị gái em cùng chồng chị ấy-Phượng hỏi Quy- Cháu lớn bằng chừng nào rồi chị?

– Cháu đang ngủ trong phòng. Chốc nữa nó dậy, dì tha hồ mà bế.

Mọi người cùng cười vui. Phượng lại chỉ các bạn, nói với người nhà:

– Đây là chị Tuyết, chị ấy có một cháu trai gần ba tuổi, xinh lắm thày bu ạ. ở doanh trại chúng con gọi chị ấy là Da Trắng. Còn đây là chị Na, chưa có chồng, chúng con thường gọi là Mắt Tròn. Các chị ấy cũng đều là lính cả, nhà ở Hồng Mai. Giặc sang lần trước các chị ấy đi dân phu nhưng lần này đều vào lính. Các chị ấy gặp con rồi rủ đi đấy.

Bác Thìn gái mắng yêu con:

– Tiên nhân cô! Thế mà đi biệt gần hai năm chẳng tin tức gì về. Bu lại cứ tưởng…- bỏ lửng câu nói, giục bác trai – Nào! Tôi cầm con gà cho mà cắt tiết, thịt cả hai con kia nữa cho anh chị em nó ăn.

Làng Cao Duệ có bốn cổng xây rất chắc quay ra bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Đê bao quanh làng đắp rộng, cao, bên trên trồng tre gai dày làm chiến luỹ. Đình làng quay về hướng Tây, nhìn thẳng ra cổng Đá. Sân đình có mấy cây bàng to lắm, là nơi trú ngụ của không biết bao nhiêu con ve sầu. Chúng kêu ra rả suốt cả mùa hè, không để ý gì đến hai ông lão ngày nào cũng ngồi dưới gốc nhìn về phía cổng làng nói chuyện với nhau. Một ông là Nguyễn Bằng trán hói đến đỉnh đầu, còn ông kia là Phạm Hữu râu tóc bạc phơ nhưng da dẻ hồng hào như một ông tiên. Ông Bằng nói:

– Làng mình lần này đi mười lăm đứa. Hôm qua thằng Phạm Dũng về nữa mới là bẩy đứa. Còn tám đứa chưa về. Tuy là thắng giặc nhưng người mình thương tổn cũng đâu có ít. Nhiều nơi giặc đi qua, đốt phá chém giết hết cả. Dân mình không biết bao nhiêu năm mới hồi sức được. Mấy thời loạn lo đánh giặc, đến lúc thiên hạ thái bình lại khổ với các quan trong làng trong huyện. Cứ suy đời mình thì biết.

Ông cụ Hữu phe phẩy chiếc quạt mo cau, bảo:

– Ông lo gì cơ chứ? Dần dần rồi chúng nó về. Dù chúng nó không về nữa thì còn đất cỏ còn mọc. Còn giang sơn xã tắc, còn sống được. Trời tối có lúc phải sáng. Ông nhìn lên mà xem, trong leo lẻo. Dù sao cũng còn nguyên đất Việt trời Nam!

Ông Bằng cười, nói:

– Ông nói phải! Ông nói phải. Thật đáng mừng! Thật đáng mừng, vẫn còn nguyên đất Việt trời Nam !

Mùa xuân năm Quý Mùi – 2003

ĐT


1 Tháp Xuất: Người này Nguyên sử ghi là Tháp Xuất, có tài liệu khác ghi là Đạt Mộc hoặc Đạt Truật. Có lẽ là do cách phiên âm khác nhau mà thôi.

2 Triều đình nhà Trần biết được mối mâu thuẫn giữa Hốt Tất Liệt với Tích Lệ Cơ nên sau chiến tranh đã thả Tích Lệ Cơ về.

1 Bãi Con Hà: Là bãi đá ngầm chắn ngang sông Bạch Đằng, cách phà Rừng ngày nay chừng 2km. Dân địa phương còn gọi là ghềnh Cốc.

1 Dương Nham: Theo chú thích trang 244 cuốn Quân thuỷ trong lịch sử chống ngoại xâm của các soạn giả Nguyễn Việt, Vũ Minh Giang, Nguyễn Mạnh Hùng thì chính là núi Kính Chủ, nay thuộc xã Phạm Mệnh, huyện Kinh Môn, Hải Dương. Hiện nay ở đấy còn có thôn Dương Nham

2 Có tài liệu cho rằng đội kỵ binh của Trình Bằng Phi đi theo đường 18. Điều này chưa chắc đã chính xác vì thời Trần không biết đã có con đường ấy chưa. Có khả năng Trình Bằng Phi đi theo ven sông đến ngã ba đò Cậy ngày nay thì quay về- Đò Cậy ở chỗ sông Cầm gặp sông Thái Bình, cách thị trấn Đông Triều hơn 2km, ngăn cách đất Đông Triều, Quảng Ninh với khu đảo Lỗ Sơn của huyện Kinh Môn, Hải Dương ngày nay.

1 Nguyên sử nói là Ô Mã Nhi kéo đoàn thuyền lương về nhưng thực ra làm gì còn lương mà kéo. Các nhà nghiên cứu đã xác định đó là đoàn thuyền chở của cải quân Nguyên cướp được ở Thăng Long và những nơi khác trên đất Đại Việt.

2 Đoàn thuyền của Ô Mã Nhi đi xuôi dòng từ Vạn Kiếp tới ngã ba Đụn chỉ khoảng 50 km mà mất đúng mười ngaỳ vì bị quân Đại Việt chặn đánh liên tục trên dọc đường. Nguyên sử chép: “ Đã liên tục nghênh chiến, đại chiến suốt ngày này đến ngày khác”.

1 Trần Quốc Bảo: Có ý kiến cho rằng Trần Quốc Bảo  là con Hưng Ninh vương Trần Tung, cháu gọi HưngĐạo vương Trần Quốc Tuấn băng chú ruột.

2 Theo cuốn VNsl của Trần Trọng Kim thì Trương Ngọc cùng A Bát Xích đi đường bộ, bị tên bắn chết ở sườn núi. Nguyên văn như sau: “ A Bát Xích, Trương Ngọc gặp phải quan quân chặn đường phục ở hai bên sườn núi bắn tên thuốc độc xuống như mưa. Hai tướng đều tử trận và quân sĩ chết nằm ngổn ngang từng đống”. Nguyên sử chỉ chép là Trương Ngọc chết Trận. Một số tài liệu của các nhà nghiên cứu  cho rằng Trương Ngọc chết trận ở Bạch Đằng. Trong cuốn Tóm tắt niên biểu lịch sử Việt Nam của hai soạn giả Hà Văn Thư, Trần Hồng Đức, trang 89 viết về tướng quân Nguyễn Chế Nghĩa như sau: “ Ông đã giết được hai tướng giặc là Trương Ngọc và A Bát Xích”.

1 Nguyên văn câu này phiên âm chữ Hán như sau:

Bạch Đằng nhất trận hoả công

Tặc binh đại phá, huyết hồng mãn giang.

1 Câu đố này sưu tầm của nhân dân vùng Hải Dương, Hưng Yên.

2 Nay địa phương ấy có thôn Cao Duệ và Thị Đức thuộc xã Nhật Tân, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. ở thế kỷ XX xã này có nhiều thành tích chống Pháp và chống Mỹ, đã được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Đây cũng là nơi có tiếng là đất học, khoa thi năm Cảnh Hưng thứ tư đời Lê, có ông Phạm Sĩ Thuyên đỗ tiến sĩ, hiện còn tên ghi ở bia Văn miếu quốc tử Giám-Hà Nội.

1 Các chữ nghiêng lấy trong Nguyên sử (Tích Đô Nhi truyện).

2 Đơn Ba: Có tài liêu chép là Đơn Kỳ, Đan Kỹ (có lẽ chỉ khác nhau về cách phát âm mà thôi).

1 VNsl của Trần Trọng Kim, trang 160 chép: Trương Quân dẫn 3 000 quân đi đoạn hậu, cố sức đánh lấy đường chạy, bị Phạm Ngũ Lão chém chết.

2 Theo ĐVsktt.

3 Hai câu thơ trên là của Nguyễn Trung Ngạn, trong bài thơ làm khi đi sứ sang Nguyên, mô tả tâm trạng những người lính Nguyên đã từng sang tham chiến ở Đại Việt. Xin tạm dịch như sau:

Những người lính cũ từng chinh chiến

Nghe đánh phương Nam thảy ghê hồn.

1 Đại Đô: Bắc Kinh, Trung Quốc ngày nay.

2 Cuối năm 1293 Hốt Tất Liệt hấp hối còn ra lệnh cho triều đình nhà Nguyên chuẩn bị xâm lược Đại Việt lần thứ tư với 1000 chiến thuyền, 35 vạn thạch lương, 2 vạn thạch cỏ ngựa, 21vạn cân muối (gấp đôi lần xâm lược thứ ba), có cả Trương Văn Hổ  làm tướng – Theo tư liệu trong cuốn Quân thuỷ trong lịch sử chống ngoại xâm của các soạn giả Nguyễn Việt, Vũ Minh Giang, Nguyễn Mạnh Hùng, Nhà xuất bản quân đôi nhân dân 1983 tr 260.

Ban biên Tập hết sức cám ơn nhà văn Đan Thành đã gửi truyện đến cộng tác, cũng xin cám ơn bạn đọc đã theo dõi cuốn truyện lịch sử rất hay này

Tiếp theo mời độc giả đọc truyện HANG MA của nhà văn Ngọc Châu (nhà XB Kim Đồng in năm 2012)

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder