
Đan Thành
Thoát Hoan lúng túng ở Thăng Long
Văn Hổ mất lương tại Cửa Lục..
Đan Thành
Thoát Hoan lúng túng ở Thăng Long
Văn Hổ mất lương tại Cửa Lục
Nguyễn Thức nói:
– Chỗ này lòng sông hẹp, nước chảy khá mạnh, dùng cả đại đội thuỷ binh mà đánh chưa chắc đã hay.
Đỗ Nguyên Lương nói:
– Tướng quân dạy rất phải. Chỉ nên để năm mươi thuyền của Võ Quý Bảo ngăn không cho giặc đi quá nhanh. ở đây rất thuận cho việc đặt phi thạch cơ1. Tôi cùng Vương Tấn đem quân sĩ lên cả trên bờ, dùng cung mạnh cùng hồi hồi pháo mà đánh, nhất định quân giặc khó qua được.
Vương Tấn nói:
– Xin tướng quân cho đánh bằng mã phong pháo để đốt thuyền quân giặc.
Nguyễn Thức nói:
– Mã phong pháo thuộc loại thần công hoả khí, chế tạo nó rất là tốn kém, chỉ những trận chủ chốt mới dùng đến, chưa được lệnh không thể đem dùng bừa. Làm theo kế của Đỗ Nguyên Lương hay đấy. Trương Hùng đem số thuyền còn lại lên đợi quân ta ở cửa Lô giang. Còn tất cả y kế thi hành.
Quân Việt mai phục đâu vào đấy, đầu giờ Thìn hôm sau thuyền quân Nguyên tiến đến. Lúc ấy nước đang to, lòng sông đầy ăm ắp nhưng không chảy xiết. Nguyễn Thức sai Võ Quý Bảo đem quân chăng xích sắt ngang sông để cản thuyền quân Nguyên. Quả nhiên đoàn thuyền tiên phong của Lưu Khuê tiến vào, bị xích sắt mắc bánh lái, không sao xoay xở được. Nguyễn Thức phất cờ hiệu, Đỗ Nguyên Lương, Vương Tấn cùng cho quân hai bên bờ bắn hồi hồi pháo xuống lòng sông. Những tảng đá lớn đập gẫy cột buồm, vỡ ván thành thuyền làm quân Nguyên hốt hoảng kêu gào, lăn xuống sông vô số. Võ Quý Bảo đem năm mươi thuyền nhẹ tiến đánh, bắn chết quân Nguyên nhiều lắm. Lưu Khuê hô quân chống trả quyết liệt. Hai bên đang đánh nhau hăng, Phàn Tiếp mang quân đổ lên bờ, đánh vào trận địa quân Việt. Đỗ Nguyên Lương, Vương Tấn chống không lại, chỉ có đội quân thánh dực do Nguyễn Thức trực tiếp chỉ huy cầm cự được một lúc. Quân Nguyên tràn lên đông quá, không thể kéo dài trận đánh, Nguyễn Thức cho toàn quân rút về cửa sông Phú Lương nơi có Trương Hùng đón rồi tất cả lên thuyền xuôi đến Đông Bộ Đầu. Phàn Tiếp thấy quân Việt đã lui mới cho binh thuyền tiến ra sông Phú Lương. Ô Mã Nhi phía sau truyền lệnh không được sang sông. Đào Đại Minh, Trần Trọng Đạt, Bồ Tý Thành đều nói:
– Quân ta nhân đà đang thắng mà đuổi đánh quân Nam, chiếm lấy Đại La có hơn không?
Ô Mã Nhi nói:
– Chiếm Đại La đâu có khó gì. Chỉ sợ chiếm rồi lại không giữ nổi mà thôi. Đánh nhau với bọn người Nam này thấy nó chạy chớ có vội mừng. Tốt nhất cứ đóng bên này sông đợi thái tử cùng bình chương đến định liệu. Phàn Tiếp, Lưu Khuê tuân lệnh, cho đóng thuỷ trại bên tả ngạn sông Phú Lương. Ô Mã Nhi lại sai Trần Trọng Đạt đem năm nghìn quân lên lập sẵn doanh trại trên bến Bồ Đề để đợi đón Thoát Hoan2. Hai hôm sau Thoát Hoan cùng bọn áo Lỗ Xích, Bột La Hợp Đáp Nhi dẫn quân đến. Các tướng đều xin sang sông đánh Đại La. Thoát Hoan nói:
– Đại quân ta đã đến cả đây nhưng binh lương đường bộ chưa đến Nội Bàng, Trương Văn Hổ chưa đến Vạn Kiếp, lại không biết đại binh của quân Nam đóng ở nơi nào, khinh suất tiến sang sông hoặc giả bị chúng vây chẳng khốn lắm sao. Chi bằng hãy đợi vài ngày nữa xem hai đường lương thảo có đến được không rồi sẽ liệu.
áo Lỗ Xích nói:
– Tôi đồ là vua tôi người Nam đã bỏ thành mà đi cả rồi. Dẫu ta mang quân sang sông cũng không có trở ngại gì.
Thoát Hoan nói:
– Ta ngại nhất việc vua tôi chúng bỏ đi, như vậy chẳng khi nào thực hiện đánh lớn thắng nhanh được. Vả lại, năm trước chúng dùng nhiều hoả khí để đánh quân ta nhưng lần này chưa thấy động tĩnh gì, các tướng giỏi của chúng như Trần Nhật Duật, Trần Quang Xưởng, Phạm Ngũ Lão, Trần Quang Khải cũng chưa thấy ra quân, chứng tỏ chúng còn có mưu toan chi đây. Các ngươi chớ coi thường.
áo Lỗ Xích nói:
– Tôi xin cử một đội thám binh sang sông để dò tin quân Nam.
Thoát Hoan nói:
– Không phải là một đội mà là vài bốn đội. Tìm khắp cả các vùng xung quanh xem có quân Nam đồn trú hay không.
áo Lỗ Xích vâng lệnh, gọi Dịch Lợi, Phương Võ Thực, Thụ Đinh Phong đến, dặn:
– Ba các ngươi mỗi người mang theo năm tên quân tân phụ, giả làm người Tống, sang sông dò tình hình quân Nam trong ngoài thành Đại La rồi về báo ngay để thái tử mang quân sang đánh.
Ba tướng vâng lệnh, cải trang, đem quân sang sông, chiều hôm sau về báo:
– Thành Thăng Long vắng lặng không người. Ngay cả tiếng chó cắn, gà kêu cũng tuyệt nhiên chẳng thấy.
Thoát Hoan nói:
– Ta biết mà. Sang sông bây giờ là mắc ngay vào bẫy của quân Nam.
Tham chính là Phàn Tiếp nói:
– Quân ta đã đến đây dẫu không sang sông cũng không ở lâu một nơi trống trải như thế này được. Xin thái tử sớm định liệu.
Đường Tông, Đáp Lạt Xích, Tích Lệ Cơ1 cùng nói:
– Theo chúng tôi chi bằng cứ sang chiếm Đại La lấy chỗ mà ở, quân Nam có kéo đến, ta còn có thành trì chống giữ, chẳng hơn ở lại đây hay sao?
Thoát Hoan nói:
– Các ngươi đã quyết như vậy, phải bắc cầu phao thông hai bên bờ cho quân ta đi lại. Khi tác chiến sẽ thuận lợi.
Bột La Hợp Đáp Nhi can:
– Thái tử dù có sang sông cũng không nên bắc cầu phao.
– Vì sao vậy?
– Lần ra quân này đại binh của ta dùng rất nhiều thuyền chiến để thi thố với quân Nam. Bắc cầu phao ngăn cản đường sông, thuyền chiến còn có ích lợi gì. Quân Nam dùng toàn thuyền nhỏ, bốn năm người có thể khiêng qua cầu được. Thuyền của quân ta to nặng liệu có làm như vậy được không?
Thoát Hoan nói:
– Bột La Hợp Đáp Nhi bàn rất phải. Suýt nữa ta không tính đến việc này.
Các tướng còn đang bàn, có quân vào báo vua An Nam cho sứ đến. áo Lỗ Xích nói:
– Thái tử đã mang quân đến đây, vua Nam còn có gì để nói mà cho sứ đến. Chi bằng chém sứ rồi tiến binh sang sông chiếm lấy Thăng Long là xong.
Bột La Hợp Đáp Nhi nói:
– Chiếm được Thăng Long mà gọi là xong thì nhà Nguyên ta đã xong việc ở đây hai lần rồi. Xin thái tử cứ để cho sứ An Nam vào xem chúng nói làm sao.
Thoát Hoan nghe lời Bột La Hợp Đáp Nhi, cho sứ vào. Sứ Việt mặc áo tước vương vào chào Thoát Hoan, nói rằng:
– Tôi là Minh Hiến vương Trần Uất1 có lời chào thái tử Trấn Nam vương.
Thoát Hoan hỏi:
– Ta đã đến đây cớ sao vua An Nam không chịu diện kiến?
Trần Uất nói:
– Nước tôi là nước nhỏ, không lỗi lầm gì mà nhà Nguyên nhiều lần cất quân sang đánh, khiến cho muôn dân bá tính không được yên ổn. Chúa thượng tôi cũng muốn đến hội diện với thái tử nhưng còn e ngại. Nay thái tử đã đến đây, chúa thượng tôi xin nhường thành trì, mang trăm họ ra nơi thảo dã. Chỉ xin thái tử đừng tàn hại bách tính là chúa thượng tôi biết ơn lắm rồi.
Thoát Hoan được nghe Trần Uất tâng bốc mấy câu, sướng lắm mới bảo lý vấn quan là Sát Hãn dịch lại lời mình rằng:
– Vua tôi các ngươi quả là gan to tày núi, dám phục quân đánh lại thiên binh làm chết hại nhiều lính thiên triều, thuyền bè vỡ vô số. Nếu quả vua ngươi có lòng sợ hãi, hãy mau cung cấp lương thảo cho quân ta rồi đến hội kiến. Bằng không, có tránh trốn ở nơi đồng hoang núi thẳm ta cũng bắt bằng được. Lúc ấy dẫu có hối cũng không kịp nữa. Thôi! Cho về.
áo Lỗ Xích nói:
– Xin thái tử chớ thả sứ Nam. Qua lời nói của nó, chỉ thấy toàn những điều tâng bốc để mê hoặc lòng người chứ chẳng có chút thực tình nào cả.
Bột La Hợp Đáp Nhi cũng nói:
– Lời quan bình chương rất là chí lý. Xin thái tử chớ cho sứ Nam về mà giam lại để sau định liệu.
Tích Lệ Cơ nói:
– Hai nước giao tranh cũng không ai chém sứ bao giờ. Thái tử đã nói cho về thì nên cho về để giữ chữ tín. Có như vậy mới thu phục được lòng người.
Thoát Hoan bảo:
– Lời thân vương nói rất phải. Các ngươi hãy cho sứ về ngay. Kẻ nào ngăn trở sẽ bị quân luật.
Trần Uất đi rồi, áo Lỗ Xích nói:
– Tôi xin cử vài đội thám binh nữa sang sông xem thực tình có gì thay đổi hay không.
Thoát Hoan nói:
– Được! Ngươi cứ lo việc ấy đi.
áo Lỗ Xích gọi:
– A Bát Xích nghe lệnh. Ngươi trực tiếp mang vài đội thám binh sang xem xét tình hình Đại La một lần nữa cho ta.
A Bát Xích tuân lệnh, dẫn bọn Tích Đô Nhi, Dịch Cát cùng mươi tên lính sang sông, vào tìm khắp trong thành ngoài nội không thấy dấu vết gì của quân Việt, cũng chẳng kiếm được hạt gạo củ khoai nào, liền quay lại bến Bồ Đề báo tin. Thoát Hoan họp các tướng, truyền lệnh:
– Sáng sớm ngày mai Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp, tập trung thuyền lớn đưa quân sang sông. Đội một A Bát Xích làm tiên phong, đội hai do Bột La Hợp Đáp Nhi chỉ huy, đại quân đi thứ ba do bình chương áo Lỗ Xích thống lĩnh, đội bốn do A Lý chỉ huy. Đáp Lạt Xích, Đường Tông cùng đội thuyền của Lưu Khuê ở lại bờ bắc giữ trại Bồ Đề. Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp sau khi đưa hết quân sang sông, chiếm lấy Đông Bộ Đầu lập thuỷ trại.
Các tướng đều vâng lệnh. Sáng hôm sau hai mươi chín tháng chạp (02-02-1288), năm đạo quân Nguyên lần lượt sang sông. Chiều hôm ấy áo Lỗ Xích lập tướng doanh trong thành Thăng Long, nói với các tướng rằng:
– Ta nghe nói đường sang An Nam muôn trùng cách trở, ai ngờ lại chiếm được Thăng Long dễ dàng thế này. Mai là ngày tết nguyên đán, các ngươi cho quân ăn tết tưng bừng để mừng thắng lợi.
Trương Quân, A Lý cùng nói:
– Quân ta lương thực đã cạn cả, lấy gì mà ăn tết tưng bừng. Đội của chúng tôi chỉ vài ba ngày nữa là hết sạch không còn tí gì. Xin bình chương hãy cho đánh ngay ra các vùng xung quanh, dẫu có được lúa kẹ, khoai non còn hơn phải nhịn đói.
Các tướng đang bàn, có thám binh về báo:
– Vua An Nam đóng quân rất đông từ ải Cảm Nam1 dọc theo sông Cái đến tận Thiên Trường, ngày đêm cho người rình rập Đại La.
áo Lỗ Xích lập tức cho người đi mời Thoát Hoan về tướng doanh bàn việc. Thoát Hoan vào Thăng Long lại nhớ đến những nơi xưa kia đã sống cùng An Tư và bọn thị nữ nên đang đi thẫn thờ trong cung thất, thấy có tin vua Trần, vội về thẳng tướng doanh nghe áo Lỗ Xích cùng các tướng báo lại mọi chuyện. Bột La Hợp Đáp Nhi thưa rằng:
– Đã biết tin của vua Nam thì nên đánh ngay để trừ đi. Ngày nào chưa bắt được vua Nam, tai hoạ còn treo trên đầu quân ta ngày ấy. Vả lại không đánh ngay, vài ngày nữa hết lương thực, có muốn đánh cũng không được.
Tham chính Phàn Tiếp cũng nói:
– Lời của vạn hộ đại tướng quân nói rất phải. Có ba điều khiến ta nên đánh ngay đi.
Thoát Hoan hỏi:
– Ba điều ấy là gì? Ngươi hãy nói cho các tướng cùng nghe.
Phàn Tiếp nói:
– Ba điều ấy: Một là quân ta đã cạn lương, không đánh ngay để tìm quân lương không được. Hai là ta chỉ mong đối đầu với đại binh của vua Nam để đánh lớn thắng nhanh, điều ấy nay đã đến. Ba là ngày mai tết nguyên đán, quân Nam mải ăn tết, tế lễ ông bà, lơ là phòng bị. Ta ra quân chớp nhoáng đánh nhanh, chúng chống sao nổi.
Thoát Hoan cười lớn, nói:
– Phàn tham chính đã chín chắn lên rất nhiều. Ra quân lần này các tướng đều biết lo toan, ta tin rằng thế nào cũng thành đại sự. Ngày mai ta cùng bình chương quân sư đích thân đem quân đi bắt vua Nam.
Thoát Hoan vừa dứt lời có lính quân hiệu vào báo việc đạo quân của ái Lỗ, A Thai đã đến Bồ Đề. Thoát Hoan nói :
– Tốt tốt.
Nói xong cử người truyền lệnh sang tả ngạn cho Đường Tông cùng ái Lỗ giữ trại Bồ Đề. Đáp Lạt Xích, Lưu Khuê đem quân thuỷ bộ tiến đánh dọc bờ tả sông Cái, xuống qua Thiên mạc đến Hàm Tử quan và Tây Kết. Tích Lệ Cơ cùng các tuỳ tướng là Tốc Khả Lạc Tốc, Lạc Hoa Cáp Nhi ở lại giữ Thăng Long, còn bao nhiêu quân thuỷ bộ đều xuôi xuống ải Cảm Nam.
Bấy giờ thượng hoàng Trần Thánh tông cùng nhà vua Trần Nhân tông đang ở Cảm Nam bàn kế chống giặc, chợt có thám mã về báo quân Nguyên theo ba đường thuỷ bộ tiến xuống. Tá Thiên vương Trần Đức Việp nói:
– Xin thượng hoàng cùng hoàng thượng dời xa giá về Thiên Trường. Thần sẽ cử tướng chặn đánh quân giặc.
Thượng hoàng nói:
– Khanh dặn các tướng chỉ cần làm chậm bước tiến của giặc chứ không cần cố giữ. Để cho quân giặc tiến xuống nhưng không gặp được quân ta. Bị hẫng nhiều lần tất cái khí hăng của chúng sẽ nản dần đi nhưng chớ để chúng lấy được lương thực dù chỉ là một củ khoai, hạt gạo.
Trần Đức Việp nói:
– Thần đã hiểu thánh ý của thượng hoàng rồi. Cắt đặt xong mọi việc, thần sẽ theo ngay.
Thuyền của nhà vua đi rồi, Trần Đức Việp gọi Trung Hiến hầu Trần Dương đến, dặn:
– Ngươi mang quân sang đóng giữ ở Hàm Tử quan chỉ cần chặn giặc cho thuyền của thượng hoàng cùng hoàng thượng về đến Thiên Trường, ngươi cũng rút quân qua cửa Hải Thị mà đến Đằng châu đợi lệnh.
Trần Dương nhận lệnh mang quân đi. Đức Việp hỏi các tướng:
– Ai dám ở lại đây chặn cánh quân lớn của Thoát Hoan, Ô Mã Nhi?
Trung Thành vương, Nhân Đức vương, Trần Quốc Thành, Chiêu Thành vương, Minh Hiến vương đều xin ở lại. Trần Đức Việp nói:
– Không cần nhiều người đến thế. Mặt bộ xin Minh Hiến vương thúc1 đảm nhận cho. Mặt thuỷ ta giao cho Trần Quốc Thành. Hai người chỉ cần giữ đến qua giờ Tuất đêm nay rồi cũng về cả Thiên Trường để hộ giá.
Hai tướng nhận lệnh, dàn quân đợi giặc còn Tá Thiên vương Trần Đức Việp xuôi thuyền theo nhà vua về Thiên Trường trước. Minh Hiến vương Trần Uất bảo Trần Quốc Thành rằng:
– Quân ta ít, quân giặc đông mà trời đã về chiều, nên nghi binh để chúng không biết lực lượng của ta.
Trần Quốc Thành nói:
– Vương công bàn rất phải. Tôi sẽ cho quân cắm nhiều cờ, đuốc trong các bãi lau để lừa chúng. Vương công cứ lo việc trên bờ.
Trần Uất nói:
– Ngươi kìm chân thuỷ quân của giặc cốt sao cho chúng loanh quanh ở đây, khi nào thấy trong doanh của ta lửa cháy bốc cao hãy xuôi thuyền về Thiên Trường.
Trần Quốc Thành cho quân y kế thi hành. Trần Uất lại gọi Trịnh Sửu, Võ Mĩ đến, dặn:
– Hai ngươi mỗi người mang ba nghìn quân lên gò Long Vu, Phượng Cốc đợi lúc trời tối đốt thật nhiêù đuốc để quân Nguyên tưởng đại binh của ta vẫn còn ở đây, khi nào nhìn thấy lửa cháy trong đại luỹ, cứ từ từ mang quân về Thiên Trường. Bọn chúng không dám đuổi đâu.
Hai tướng vâng lệnh mang quân đi. Giữa giờ Thân, tướng tiên phong của quân Nguyên là A Bát Xích dẫn tiền đội đến trước luỹ. Trần Uất gọi Hồ Sĩ Bàng đến, dặn:
– Ngươi mang ba nghìn quân ra luỹ, bày trận đánh với nó, vờ thua chạy, nhử cho quân chúng tiến sát đến chân luỹ. Ta sẽ có phép khu xử.
Hồ Sĩ Bàng nhận lệnh, cầm thương lên ngựa, dẫn quân ra khỏi luỹ. A Bát Xích trông thấy quân Việt kéo ra, bảo với Tích Đô Nhi, Dịch Cát rằng:
– Các ngươi giữ vững góc trận để ta bắt tên tướng Nam này.
Nói xong, thúc ngựa xông lên, quát:
– Tên tướng Nam man mọi kia! Thấy thiên binh đến sao không bảo chúa ra hàng còn muốn chết cả lũ ư?
Hồ Sĩ Bàng cười lớn, nói:
– Quân giặc Hồ không biết ăn lúa, nói chi lạ vậy. Các ngươi dẫn quân đến chỗ chết còn muốn ai hàng đây?
A Bát Xích nóng tiết, nói:
– Thằng này không biết sợ là gì. Để ta cho mày về chầu ông bà ông vải.
Nói xong hoa đao chém tới. Hồ Sĩ Bàng đưa thương đón đánh. Hai bên đánh nhau được hơn mười hiệp, Hồ Sĩ Bàng vờ đâm trượt một nhát rồi quất ngựa, hô quân bỏ chạy vào luỹ. A Bát Xích tưởng địch thủ thua thật, thúc quân đến phá luỹ, không ngờ Trần Uất trên luỹ đã giăng sẵn tên nỏ, bẫy đá giội xuống. Quân Nguyên đang ào ạt xông lên, không kịp ngừng lại, hoá ra người ngựa chìm trong một trận đại hỗn vũ tên đạn, chết hại nhiều lắm. A Bát Xích đang múa đao gạt đỡ. Trần Uất đứng trên lầu thành trông thấy, bảo các tướng:
– Các ngươi xem ta bắn tên tướng này.
Nói xong giương cung đặt tên, bắn một phát. Mũi tên trúng ngay vào tay tả của A Bát Xích. A Bát Xích vốn đã nghe nói nhiều về tên thuốc độc của quân Việt, liền tự rút cây đoản kiếm rạch tay áo, khoét một miếng thịt lớn vứt ra, máu chảy đầm đìa. Lát sau miếng thịt biến thành màu tím lịm. A Bát Xích không đánh nhau được nữa nhưng cũng chính vì việc khoét thịt ấy mà thoát chết. Quân Nguyên thấy chủ tướng bị thương, vội lùi cả lại. Lúc sau Thoát Hoan, áo Lỗ Xích dẫn đại binh đến, thấy trên bờ dưới sông chỗ nào cũng đầy những cờ đuốc của quân Việt. áo Lỗ Xích nói:
– Trời tối rồi mà quân Nam đã có phòng bị trước. A Bát Xích lại bị thương. Ta nên để đến sáng mai hãy tiến đánh.
Bột La Hợp Đáp Nhi nói:
– Đại binh của vua Nam ở đây chính là trời muốn diệt chúng. Ta nên đánh ngay đi mới phải, để đến sáng mai sợ chúng chạy mất.
Các tướng còn đang tranh cãi, lại thấy trên gò Long Vu, Phượng Cốc hai bên trống đồng nổi lên long trời lở đất. Hàng vạn ngọn đuốc bỗng dưng cháy sáng lên. Quân việt reo hò như muốn sẵn sàng tiếp chiến.
Thoát Hoan nói:
– Trên bộ, dưới nước, chỗ nào cũng có quân Nam. Nhất định đây là điểm chúng muốn quyết chiến với ta, cần phải thận trọng mới thắng được. Lời bàn của bình chương quân sư rất phải. Cứ đợi thám binh về xem tình hình quân chúng thế nào. Sớm mai ta tiến đánh cũng chưa muộn.
Bột La Hợp Đáp Nhi nói:
– Tôi sợ đây chỉ là kế nghi binh, còn vua Nam đã đi xa rồi.
áo Lỗ Xích không muốn đánh đêm nên nói:
– Chính A Bát Xích cũng nghĩ như vậy, khinh suất tấn công mới suýt bỏ mạng.
Trong lúc các tướng còn đang tranh cãi, bỗng đâu chiến luỹ quân Việt phát hoả, lửa cháy rực trời, ánh sáng chiếu xa đến mười mấy dặm. Quân Việt trên gò Long Vu, Phượng Cốc kéo một hàng dài từ từ xuôi về hướng đông. Bột La Hợp Đáp Nhi nói:
– Đây chẳng phải là thời cơ tốt cho chúng ta tiến đánh hay sao!
áo Lỗ Xích ngăn lại, nói:
– Không được! Quân ta không tiến đánh, bỗng dưng trại quân kia bốc cháy rồi từ từ lui binh. Hẳn là chúng dùng kế dụ chiến. Nếu tiến vào là mắc bẫy đấy.
Nói xong, truyền lệnh cho các đội dừng binh lập trại, giữ. Bột La Hợp Đáp Nhi ngán ngẩm đi ra, than rằng:
– Đánh đấm thế này ta e mọi sự rồi thành công cốc mất thôi.
Sáng hôm sau Thoát Hoan, áo Lỗ Xích cho quân tiến đánh từ sớm nhưng các tướng về báo chẳng thấy một tên quân Nam nào. Khắp nơi chỉ toàn cuống đuốc cháy rụi trơ lại. Thoát Hoan than:
– Ta lại bị quân Nam lừa nữa rồi. Hoá ra cẩn thận quá cũng có khi hỏng việc.
Bột La Hợp Đáp Nhi càu nhàu:
– Tôi đã đoán ra quân Nam chỉ nghi binh thôi nhưng thái tử cùng bình chương lại không nghe.
Thoát Hoan bảo:
– Hữu thừa Bột La Hợp Đáp Nhi quả đúng là người tinh tường.
Nói xong lệnh cho ba quân tiến thẳng xuống Thiên Trường. Quá trưa hôm ấy đến nơi nhưng Thiên Trường cũng vắng lặng không một bóng người. Bột La Hợp Đáp Nhi nói:
– Chưa biết chừng vua Nam dụ chúng ta xuống đây để cho Trần Quốc Tuấn đánh mặt sau thì quân ta bị kẹp vào giữa, lại hết lương ăn biết làm thế nào!
Thoát Hoan nói:
– Nếu có chuyện ấy, quân ta nguy mất. Phải quay ngay lại Thăng Long.
áo Lỗ Xích nói:
– Thái tử quay lại Thăng Long, nên để tướng ở lại giữ Thiên Trường.
Phàn Tiếp nói:
– Không nên! Đã về thì về hết. Lần trước ta rải quân chốt giữ các nơi, cuối cùng bị quân Nam nó quét cho một trận sạch cả.
Thoát Hoan nghe theo lời ấy, mới lệnh cho các tướng rút cả về Thăng Long. Ngày mồng bốn tháng giêng về đến nơi, Thoát Hoan ra lệnh các tướng cho quân ăn tết nhưng các đội đều báo lên hết sạch cả quân lương, không còn gì để ăn nữa. Thoát Hoan gọi áo Lỗ Xích đến, bảo:
– Ngươi mang ngay quân đánh lên các vùng núi xung quanh mà tìm lương thực của quân Nam. Cố sao được mươi ngày chắc Hạ Chi sẽ tải kịp lương đến Nội Bàng.
áo Lỗ Xích nói:
– Tôi là bình chương tổng chỉ huy quân đội, lẽ đâu thái tử lại bắt đem quân đi cướp lương.
Thoát Hoan nói:
– Bây giờ không thể nói đến đánh đấm gì nữa. Có lương thì sống, không lương thì chết. Ngươi nói ta nghe xem có việc gì lớn hơn đi cướp lương lúc này.
áo Lỗ Xích không dám nói gì nữa. A Bát Xích nói:
– Tôi xin cùng đi giúp quan bình chương một tay.
áo Lỗ Xích nói:
– Nhà ngươi đang bị thương, đánh nhau sao được mà đi.
A Bát Xích nói:
– Tôi tuy bị thương ở tay tả nhưng tay hữu cầm đao còn vững lắm.
Thoát Hoan nghe A Bát Xích nói như vậy, khen là người vũ dũng rồi cho theo cha con áo Lỗ Xích đi cướp lương thực. Việc này tạm dừng ở đây, sau sẽ còn quay lại.
Xin trở lại Vân Đồn, nơi Trần Khánh Dư đang phục binh quyết đánh cướp đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ. Bấy giờ Trương Văn Hổ nhận được tin Ô Mã Nhi đã đánh tan quân của Trần Khánh Dư, liền lệnh cho Tạ Hữu Khuê dẫn đầu đoàn thuyền nhằm phía đảo Vạn Hoa thẳng tiến. Trong khi đó Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng ở phía Nam đảo Vạn Hoa cho quân tuần tiễu biết được mọi chuyện mới gọi các gia tướng là Phùng Văn Đạt, Lê Huân, Trịnh Khai đến, dặn rằng:
– Lê Huân, Phùng Văn Đạt mỗi người lĩnh năm thuyền đi theo nguồn Tam Trĩ lên phía Bắc đảo, thuyền của chúng đến, cứ để đi qua. Khi nào thấy quân ta đổ ra đông, các ngươi chỉ việc đánh trống khua chiêng doạ cho chúng chạy nhanh lên là được. Người của ta đã đón chúng rồi.
Lúc sau thuyền quân Nguyên đến. Năm mươi chiếc đại hải thuyền cùng hàng trăm thuyền nhỏ đi kèm, kéo dài mấy dặm. Trương Vĩnh Thực cầm ngọn giáo đứng gác chân lên trụ lái của chiếc thuyền đi sau cùng, khi vừa qua phía Bắc đảo Vạn Hoa, nghe trong đảo trống đánh vang lừng, thấp thoáng có bóng thuyền quân Việt tiến ra. Trương Vĩnh Thực vội truyền tín hiệu lên cho phía trước biết. Trương Văn Hổ ra lệnh:
– Đấy chỉ là đám tàn binh của quân Nam thôi. Cứ tiến cho nhanh, kịp thuyền phía trước của Ô Mã nguyên soái là không lo gì nữa.
Quân Nguyên nghe lệnh, ra sức chèo, lại căng hết tất cả các buồm lên để đi cho nhanh, Tần Ban dẫn đường, theo lạch nước sâu mà tiến. Cả đoàn thuyền vừa đến ngang phía Nam đảo Vạn Hoa, thấy một đội thuyền chiến quân Việt ba mươi chiếc từ Đồn Sơn tiến ra, trên chiếc thuyền đi đầu phấp phới lá cờ hiệu của Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng. Thuyền Việt đánh tạt ngang vào đội hình thuyền quân Nguyên. Trương Văn Hổ bảo Tạ Hữu Khuê:
– Ngươi cứ dẫn thuyền lương đi cho nhanh, để ta chống với quân Nam.
Nói xong tự mình dẫn quân nhảy sang thuyền nhỏ chống nhau với Trần Quốc Tảng. Quân Nguyên, quân việt đánh nhau kịch liệt. Tên bay như trấu vãi trên mặt sông. Binh sĩ hai bên đều tổn thương nhiều1. Lý Ngao nói:
– Xin tướng quân chớ ham đánh. Phải giữ quân phòng khi quân Nam còn đến nữa.
Vừa khi ấy lại thấy một đội thuyền quân Việt từ phía Bắc đảo Vạn Hoa đuổi đến, chiêng trống vang lừng. Trương Văn Hổ bảo:
– Bỏ mẹ! Lại có quân Việt ở phía sau. Ngươi lệnh cho các thuyền không đánh nữa, cốt sao chạy thật nhanh cho kịp thuyền của Ô Mã nguyên soái.
Các thuyền nhỏ được lệnh, vội vã tháo chạy theo đoàn thuyền lương. Lý Ngao nói với Trương Văn Hổ:
– Thuyền quân Nam phần lớn là thuyền nhỏ, xin tướng quân cho quân sĩ lên cả thuyền lớn, dẫu quân kia có đến gần cũng không làm gì được. Quân ta ở trên thuyền to bắn xuống có lợi thế hơn.
Trương Văn Hổ nói:
– Trên thuyền to bắn xuống tuy là có lợi thế nhưng cồng kềnh, chở nặng, đi chậm, không thể ứng phó kịp với thuyền nhẹ của chúng. Ta cứ đi, khi nào thuyền quân Việt đuổi kịp, xuống thuyền nhỏ đánh lại. Trên dưới cùng đánh mới được.
Đoàn thuyền của Trương Văn Hổ chạy miết, mong thoát khỏi sự truy đuổi của Trần Quốc Tảng, buổi chiều vào đến vịnh Lục Thuỷ1, bỗng nghe trên đỉnh núi đá cao nổ một tiếng phaó. Cơ man là thuyền quân Việt từ cửa Lục2 tiến ra chặn mất lối đi. Chiếc thuyền lớn đi đầu tung bay lá cờ hiệu của Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư. Trương Văn Hổ kêu lên:
– Bỏ Mẹ! Cái thằng cha Ô Mã Nhi phải gió này làm ăn chẳng ra sao. Nó bảo đánh tan quân Trần Khánh Dư rồi mà sao lại có Trần Khánh Dư nữa thế này.
Quân Việt hò reo:
– Đánh! Đánh. Sát Thát! Sát Thát!
Trần Khánh Dư khoác chiến bào, cầm ngọn giáo dài, đứng trên mũi chiếc ưng thuyền lao lên vun vút. Bên tả có Ngô Kế Trung, bên hữu có Khúc Bá Lợi. Theo sau là các đội thuyền của Ninh Cát Đại, Phan Hoành, Phạm Sĩ Thành. Quân Nguyên trông thấy thuyền quân Việt đông quá, thảy đều run sợ. Trương Văn Hổ lệnh cho quân sĩ một nửa xuống thuyền nhỏ để đánh nhau, còn một nửa ở trên thuyền lớn chống giữ. Các thuỷ thủ cứ việc chèo cho mạnh. Trong chốc lát, thuyền quân Việt vây kín lại. Phía sau quân Nguyên, thuyền của Trần Quốc Tảng cũng đuổi tới nơi. Quân Việt sau trước cùng tung quân đánh vào. Quân Nguyên cố chống nhưng không sao lại được, nhiều thuyền chiến đã bị chìm. Quân Việt ùa lên các thuyền lương của quân Nguyên, giết hết bọn thuỷ thủ, cướp lấy lương thảo. Tạ Hữu Khuê sợ hãi, cho các thuyền chạy dạt ra hướng Đông, tưởng là thoát. Ai ngờ Phạm Bình, Văn Thắng, Giang Vân phục sẵn ở các đảo đá, cùng khép chặt vòng vây. Quân Nguyên không có đường nào chạy, chết hại không biết bao nhiêu mà kể. Trương Văn Hổ thấy thuyền lương đã mất gần hết vào tay quân Việt, tình thế không còn cơ cứu vãn, mới lệnh cho số thuyền còn lại vứt bớt lương thảo xuống biển để chạy cho nhanh. Trương Vĩnh Thực đang múa ngọn giáo gạt tên. Giang Vân trông thấy, cầm cây lao phóng tới. Ngọn lao xuyên từ bụng sang lưng. Trương Vĩnh Thực rơi xuống nước chết ngay. Tạ Hữu Khuê bị quân Việt đuổi sát, luống cuống không biết chạy vào đâu, bị Trần Quốc Tảng bắn một phát. Mũi tên trúng vào vai, Tạ Hữu Khuê rơi xuống biển, ngoi lên ngụp xuống kêu cứu nhưng chẳng có ai vớt, lúc sau chìm nghỉm. Lý Ngao nói với Trương Văn Hổ:
– Quân sĩ chết gần hết rồi, xin tướng quân lên chiếc thuyền to kia mà chạy mới có thể thoát được.
Trương Văn Hổ nói:
– Thôi! Ta đành chết ở đây, chứ về mà chịu nhục hình của vua Nguyên dẫu chết cũng khó mà nhắm mắt.
Nói xong rút gươm định tự sát. Lý Ngao giằng vội lấy thanh gươm, nói:
– Xin tướng quân chớ vội phẫn thân, không về với nhà Nguyên mà trở lại Quỳnh châu làm đầu lĩnh thì vua Nguyên làm gì được ngài.
Trương Văn Hổ như bừng tỉnh, nói:
– Phải đấy! Ngươi không nhắc hẳn ta quên mất.
Hai người vội vã lên chiếc thuyền lớn hối thuỷ thủ chèo mải miết về hướng Đông, bỏ lại đằng sau toàn bộ lương thảo cùng bọn tàn quân không có người thống lãnh làm mồi cho những tay nỏ của quân Việt. Trần Khánh Dư, Trần Quốc Tảng đại thắng trận ấy, thu được không biết bao nhiêu lương thảo cùng quân cụ, bắt được rất nhiều tù binh, liền báo tin về cho nhà vua biết. Người đời sau gọi trận dánh này là trận Vân Đồn Cửa Lục. Các sử gia Đại Việt đều đánh giá cao chiến thắng này3.
Đây nói đoàn thuyền của Phí Củng Thần vừa qua được cửa Vạn Ninh một đoạn, thấy vài chiếc thuyền nhỏ của quân Nguyên hớt hải chèo chạy ngược về. Thuyền nào cũng đầy quân lính thương vong, máu me đầy mình. Phí Củng Thần chặn lại hỏi. Những người lính ấy thưa rằng:
– Tướng quân ơi! Mau quay về ngay thôi! Thuyền lương của ta bị Trần Khánh Dư cướp sạch rồi. Ô Mã nguyên soái chẳng biết đi đằng nào. Còn Trương tướng quân đã chạy về Quỳnh châu. Chúng tôi may giữ được mấy chiếc thuyền nát chạy vội mới về được đến đây. Bây giờ đi ngay thì được chứ để chúng đuổi đến khó mà chạy thoát.
Phí Củng Thần nghe nói vậy, bội phần sợ hãi, vội vàng đổi tiền quân thành hậu quân, bắt thuỷ thủ chèo gấp ngược đường mà về. Vừa đến cửa Vạn Ninh, thấy năm sáu chục thuyền chiến của quân Việt tiến ra vây đánh. Trên chiếc ưng thuyền đi đầu có một tướng Việt tay cầm giáo dài, nói to lên rằng:
– Ta là Nhân Đức hầu Trần Toàn trấn giữ nơi này, được Nhân Huệ vương dặn rằng chỉ cho các ngươi vào mà không cho ra. Các ngươi đã cùng đường sao không hàng đi, còn định chạy đằng nào?
Trong đám lính Nguyên vừa chạy về đến đây có người biết, nói:
– Tên tướng Nam này chính là kẻ đã bắt mất đoàn thuyền của Từ Khánh.
Quân Nguyên nghe nói vậy, hồn vía rụng rời. Người người kêu khổ. Phí Củng Thần nói:
– Thế này ta đến ngày tận mạng mất rồi.
Khổng Kỳ Trúc nói:
– Xin tướng quân chớ sợ. Tôi biết một con đường nhỏ men theo đảo Vĩnh Thực về hướng Đông. Quân ta qua được dãy đảo ấy, có thể vượt bể mà về Quỳnh châu.
Phí Củng Thần nói:
– Trăm sự nhờ trời vậy. Ngươi cứ dẫn đường đi.
Trần Toàn thấy thuyền quân Nguyên rẽ ngang theo bờ đảo Vĩnh Thực mà đi, lập tức cho quân truy đuổi. Phí Củng Thần thấy thế nguy, mới hô quân vứt những bó cỏ khô xuống biển, tạo thành chướng ngại vật. Thuyền quân Việt bị những bè cỏ nổi đầy mặt nước ngăn trở, không thể đuổi nhanh vì thế mà đoàn thuyền của Phí Củng Thần thoát được ra khơi về Qùynh châu.
Bấy giờ vua Trần đóng thuỷ trại ở biển Đại Bàng, nhận được tin Trần Khánh Dư đánh tan đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ. Thượng hoàng cả mừng, phán rằng:
– Chỗ trông cậy của quân Nguyên là lương thảo khí giới, nay đã bị ta bắt được, sợ nó chưa biết, có thể còn hung hăng chăng1.
Nội minh tự là Đinh Củng Viên tâu rằng:
– Xin thượng hoàng cho đem những tên lính giặc bị bắt về Vạn Kiếp thả vào doanh trại quân Nguyên, tất quân chúng biết tin phải rối loạn.
Thượng Hoàng y theo lời tấu ấy. Quả nhiên Trình Bằng Phi, A Lý cùng tướng sĩ rối cả lên. Tuỳ tướng của A Lý là Thiết Mộc Kha nói:
– Tốt nhất hai tướng quân nên báo cho thái tử biết để còn định liệu.
Trình Bằng Phi nghe theo lời ấy liền cho ngựa hoả tốc đưa tin đến Thăng Long. ở Thăng Long, bố con áo Lỗ Xích đang cùng A Bát Xích đi cướp lương chưa về. Thoát Hoan cùng các tướng được tin, người nào cũng cuống cả lên. Thoát Hoan cho đòi Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp đến, mắng rằng:
– Các ngươi chỉ có mỗi việc hộ tống đoàn thuyền lương mà không xong. Bây giờ lương thảo mất hết rồi, lấy gì mà nuôi quân lính đây? Tội các ngươi thật chẳng thể tha. Võ sĩ đâu! Mang ngay Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp ra chém cho ta.
Bột La Hợp Đáp Nhi can rằng:
– Việc thuyền lương bị đánh chưa chắc đã là sự thật. Tôi e rằng đây là mưu kế của người Nam làm rối lòng quân ta chăng? Ngày xưa Tào Tháo giết Trương Doãn, Sái Mạo mà Chu Du cười thầm2. Nay thái tử nóng vội một lúc, giết mất hai viên đại thuỷ sư của mình chẳng làm cho Trần Quốc Tuấn sướng rên lên hay sao? Xin thái tử hãy đợi bình chương quân sư về rồi hãy liệu.
Thoát Hoan nghe nói vậy mới đuổi Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp ra ngoài. Chiều hôm ấy áo Lỗ Xích cùng con trai là Thoát Hoàn Bất Hoa và đại tướng hữu thừa A Bát Xích đi cướp lương trở về, Thoát Hoan gọi lên hỏi:
– Có cướp được cái gì cho quân sĩ ăn không?
áo Lỗ Xích nói:
– Chúng tôi đã cho quân tìm khắp các dãy núi quanh đây, tuyệt nhiên không thấy có chút lương thực nào nhưng…
áo Lỗ Xích chưa nói hết câu, Thoát Hoan giãy nảy lên bảo:
– Thế thì chết! Thế này thì chết đói thật rồi. Cái thằng Ô Mã Nhi làm không nên việc. Bay đâu! Bắt ngay Ô Mã Nhi đem chém. Kẻ nào còn can ngăn nữa cũng giết không tha.
Thật là:
Cứ tưởng lập công phò thái tử
Nào ngờ hoá tội chết không đành.
Mời bạn đọc tiếp chương sau xem tính mạng Ô Mã Nhi thế nào. Cảm ơn sự theo dõi của bạn.
1 Phi thạch cơ: Máy bắn đá.
2 Cũng có tài liệu nói rằng Thoát Hoan đi đường thuỷ từ Vạn Kiếp đến Thăng Long cùng với Ô Mã Nhi.
1 Về Tích Lệ Cơ còn có nhiều tài liệu giải thích khác nhau. Có tài liệu gọi là Tích Lệ Cơ Ngọc, có tài Liệu cho rằng nhân vật này chỉ có tên là Tích Lệ Cơ còn chữ ngọc ( ) là do chép nhầm từ chữ vương ( ) mà ra. Cuốn Việt Nam sử Lược (VNsl) của Trần Trọng Kim trang 160 chép: “ Tích Lệ, Cơ Ngọc” như vậy là hai ngươì khác nhau. ở đây xin không bàn về sự đúng sai của những quan điểm trên. Có điều các tài liệu đều thống nhất nhân vật ấy là một vị thân vương.
1 Nguyên sử có chép việc vua Trần cho người chú đến gặp Thoát Hoan ở tả ngạn Nhĩ hà. Minh Hiến vương Trần Uất là con út Trần Thái tông tức là chú út của Trần Nhân tông.
1 Cảm Nam: Địa điểm này có nhiều tài liệu chép là khác nhau. Trong cuốn VNsl của Trần Trọng Kim trang
157 chép là Hám Nam.
1 Tá Thiên vương Trần Đức Việp là em Trần Nhân tông nên cũng gọi Minh Hiến vương Trần Uất bằng chú.
1 Nguyên sử chép: Thuyền lương của Trương Văn Hổ tháng 12 năm ngoái đến Đồn Sơn, gặp 30 thuyền của Giao Chỉ. Văn Hổ đánh, số giết được tương đương nhau.
1 Vịnh Lục Thuỷ: Vịnh Hạ Long ngày nay.
2 Cửa Lục: Khu vực bãi Cháy ngày nay.
3 Trong cuốn Vsta Ngô Thì Sĩ viết rằng: Việc đánh lui được giặc trong thời Trùng Hưng, ai cũng khen nhiều về trận thắng ở sông Bạch Đằng của Hưng Đạo nhưng không bằng trận thắng ở Vân Đồn của Trần Khánh Dư, là trương bản của các trận thắng khác đó. ( bản dịch. trang 232)
1 Nguyên văn ĐVsktt.
2 Tào Tháo đem 83 vạn quân đánh Đông Ngô, cử Sái Mạo, Trương Doãn làm thuỷ sư đô đốc. Tướng Ngô là Chu Du biết tài hai người ấy, dùng kế ly gián làm Tào Tháo giết nhầm tướng tài của mình.