Dấu chấm tròn trĩnh – truyện ngắn của Lê Thị Tố Uyên

Sống mũi tôi cay cay. Vậy là người bác mà chúng tôi hằng yêu mến đã ra đi. Mới hồi tháng sáu, nghỉ hè, tôi ghé thăm bác. Bác vẫn còn khỏe mà. Hôm đó, bác vẫn mang đàn ra, đàn và hát say sưa, giọng già nhưng còn vang lắm. ” Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi…” Bác mê nhạc Trịnh, tôi cũng thế…

Sống mũi tôi cay cay. Vậy là người bác mà chúng tôi hằng yêu mến đã ra đi. Mới hồi tháng sáu, nghỉ hè, tôi ghé thăm bác. Bác vẫn còn khỏe mà. Hôm đó, bác vẫn mang đàn ra, đàn và hát say sưa, giọng già nhưng còn vang lắm. ” Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi…” Bác mê nhạc Trịnh, tôi cũng thế.

“Cơn bão số bảy… Đến 16h ngày mai ( 19/10), vị trí tâm bão số bảy trên vùng biển Quảng Ninh, Hải Phòng. Sức gió mạnh nhất gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 11-12. Từ chiều tối và đêm nay sẽ xuất hiện mưa to trên các tỉnh phía Đông Bắc Bộ…”

Đang lắng nghe thông tin về cơn bão, chuông điện thoại chợt reo vang. Tôi nhấc máy.

– Chị ơi! Bác Tú mất rồi! – giọng em gái tôi nghẹn lại – Bác mất lúc năm giờ sáng nay.

Sống mũi tôi cay cay. Vậy là người bác mà chúng tôi hằng yêu mến đã ra đi. Mới hồi tháng sáu, nghỉ hè, tôi ghé thăm bác. Bác vẫn còn khỏe mà. Hôm đó, bác vẫn mang đàn ra, đàn và hát say sưa, giọng già nhưng còn vang lắm. ” Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi…” Bác mê nhạc Trịnh, tôi cũng thế. Mỗi lần tôi về thăm bác, bác cháu tôi cùng hát nhạc Trịnh, những ca khúc làm say lòng người, những “Diễm xưa”, “Biển nhớ”, “Bên đời hưu quạnh”… tôi đều thuộc từ bác.

Bác là người họ xa nhưng với gia đình tôi bác thân thiết hơn cả người ruột thịt. Mẹ tôi dạy học cùng vợ bác, các con của bác đều đồng tuổi với ba chị em tôi. Hai bà mẹ thân quen, các con lại gắn bó, chúng tôi trở nên thân thiết trong tình ruột thịt. Năm lên tám tuổi, lần đầu tiên tôi gặp bác. Đất nước thống nhất, người lính trở về. Bác mặc bộ quân phục còn mới, vai khoác ba lô, tay cầm cây đàn ac-coóc-đi-ông, trông rất oách. Mẹ già ôm bác khóc, vợ con thì cười, khóc cười tíu tít. Lúc đầu, bọn tôi còn e dè, sợ sệt trước vẻ oai nghiêm của bác. Sau thấy bác chân tình, cởi mở, bọn tôi rụt rè đến gần cây đàn. Lần đầu được tận mục sở thị, đứa nào cũng háo hức, có đứa lấy tay sờ vẻ thích thú, rồi chúng tôi đề nghị bác đánh đàn cho nghe. Bác kéo đàn rất say sưa, những bài ca cách mạng hào hùng sôi động. Chúng tôi nhịp chân theo tiếng đàn, rồi cả lũ hát theo vang vang. Từ hôm đấy, những lúc rảnh rỗi chúng tôi lại sang nhà bác, yêu cầu bác biểu diễn, vui lắm.

Trở về làm người lính giữa đời thường, bác tham gia hoạt động văn hóa ở xã, rồi ban đội, hợp tác xã. Bác hăng hái, nhiệt tình, làm việc gì cũng tốt, rất có uy tín, bà con xã viên tin cẩn lắm. Bác rất quý chúng tôi. Hồi đó, nhà tôi nghèo lắm, cảnh mẹ góa con côi. Mẹ tôi là giáo viên nhưng nghề giáo lúc bấy giờ đói khổ quá người nông dân. Cơm gạo kho bữa đực, bữa cái, rồi mỳ mạch, mỳ sợi, sắn tầu thay cơm, chúng tôi luôn thèm những bữa cơm gạo trắng. Bác biết vậy nên mỗi khi chúng tôi sang chơi, bác thường tìm cách giữ chúng tôi ở lại ăn cơm. Biết người nghèo thường hay tự ái nên bác thường tìm những lý do hợp lý nhất để chúng tôi vui vẻ nhận khi rổ khoai, khi thúng gạo, khi con cá… Không chỉ giúp đỡ chúng tôi mà bác còn giúp đỡ bà con lối xóm, bàn tay tài hoa của bác có thể làm được mọi việc, từ lợp nhà, đan rổ rá, thúng mủng đến sửa chữa đồ dùng gia dụng.

Tôi rất thích ngắm nhìn đôi bàn tay bác. Bàn tay thô ráp, sần sùi mà sao khéo léo. Một lần, thấy bác giúp một người qua đường sửa xe đạp. Chiếc xe bị tuột xích liên tục. Chỉ với chiếc búa, cái đinh, bác làm một loáng. Bác bảo:

– Giờ có bảo xích tuột, nó cũng không tuột nữa.

Rồi thấy bánh xe láng, bác lại về lấy kìm, cờ-lê ra sửa giúp.

Ồ, sao việc gì bác cũng làm được thế nhỉ? Tôi liền hỏi:

– Bác ơi! Bác có mấy hoa tay ạ?

Bác nhìn tôi ngạc nhiên, rồi như chợt hiểu, bác cười khà khà.

– Cháu thử đoán xem nào.

– Cháu chắc chắn bác có mười hoa tay – tôi bảo – bà nội cháu bảo có nhiều hoa tay thì làm việc gì cũng khéo.

Bác giơ bàn tay lấm lem dầu mỡ ra bảo tôi:

– Bác chẳng có hoa tay nào cả. Cứ làm nhiều thành quen thôi cháu ạ. Nào cháu muốn làm thử không?

Bác đưa tôi cái kìm, dạy tôi cách sử dụng. Khi người qua đường đi rồi, tôi hỏi bác:

– Bác đâu có quen họ, sao bác sửa xe giúp mà không nhận tiền ạ?

Bác nhìn tôi:

– Cuộc sống vô thường, giúp được ai cái gì thì giúp. Con người ta giàu nhất là cái đức. Giúp người khác là tự đem đến niềm vui nho nhỏ cho mình, mà nhiều niềm vui nhỏ sẽ thành một niềm vui lớn. Bác mong các con, các cháu biết tự tạo cho mình những niềm vui nho nhỏ.

Tôi cũng bắt chước bác, tự sửa đồ cho gia đình. Tôi cũng tập tự vá xăm xe, tự vặn lại các ốc. Việc gì làm không được, tôi lại qua hỏi bác. Dần dần tôi cũng thành thạo khá nhiều việc. Những năm tháng tuổi thơ, chúng tôi học được rất nhiều điều từ bác.

Cuộc đời bác cũng trải qua rất nhiều thăng trầm. Nghe người trong làng kể lại thì mẹ bác là người con gái thông minh có nhan sắc, mồ côi cha phải đi ở đợ cho nhà phú ông để trả nợ. Năm mười sáu tuổi, bà bị chủ làm nhục. Bà bỏ trốn rồi tham gia cách mạng và trở thành cán bộ cốt cán của làng. Sau cách mạng tháng tám, một chàng trai nghèo – cũng là một chiến sỹ cách mạng, đã yêu thương bà. Tổ chức đã đứng ra giúp họ thành đôi lứa. Rồi ông lên đường tham gia chiến dịch  biên giới và hy sinh ở đường số 4. Hai bố con chưa một lần gặp mặt nhau.

Theo chính sách của nhà nước, bác không phải ra chiến trường, nhưng nhiệt huyết tuổi trẻ và muốn góp phần mình giải phóng Miền Nam, bác đã từ biệt mẹ, tạm xa vợ, xa con, lên đường Nam tiến. Những lúc trò chuyện với tôi, bác bảo: “Kỷ niệm những ngày trong quân ngũ là ký ức đẹp nhất, ý nghĩa nhất trong cuộc đời bác.”

Vào quân ngũ, bác đi khắp chiến trường Tây Nguyên, bác thường nhắc đến trung đoàn 24, sư đoàn 10 với tất cả niềm tự hào. Bác kể chúng tôi nghe về những tháng ngày gian khổ nhưng vinh quang. Có lần, tôi hỏi bác:

– Bác có bắn tên giặc nào không ạ?

– Bắn chứ – rồi bác cười bảo – vào chiến trường nhưng bác là cán bộ văn hóa không trực tiếp cầm súng. Đây, vũ khí của bác đây – bác chỉ cây đàn ác- coóc-đi-ông.

– Cây đàn đồ sộ thế, ôm có mệt không ba? – thằng Nam, con út bác hỏi.

– Mệt chớ, vai đeo ba lô, tay ôm đàn, rồi lại bi-đông nước, rồi dao để phát cây rừng… Nhưng, cứ nghĩ đến các chiến sỹ ánh mắt say sưa, tinh thần phấn chấn, chí khí hừng hực khi nghe lời ca tiếng đàn là quên hết mệt mỏi, gian khổ.

Bác trầm ngâm, ánh mắt nhìn xa xăm như đang nhớ về thời khói lửa. Rồi bác kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng chống Mỹ ác liệt. Qua lời kể của bác, chúng tôi biết nhiều đồng đội của bác là nhà văn, nhà báo, ca sỹ, nhạc công đã ngã xuống. Bom đạn kẻ thù đâu có chừa ai. Bác cũng bị một mảnh bom xé ngang sườn, ngất đi, may nhờ đồng đội cầm máu kịp thời rồi đưa về trạm xá trung đoàn.

Bác chỉ cho chúng tôi dấu tích thời chiến tranh: Một vết sẹo dài như con rết bò ngang sườn bác, trông gớm chết.

– Ôi! Chắc là đau lắm… Bây giờ, bác còn… đau không ạ? – cái Lan, em gái tôi, lo lắng hỏi.

Bác cười hiền hậu:

– Lúc đó, bác ngất đi, có biết đau gì đâu. Khi tỉnh dậy đã thấy ở trạm xá trung đoàn rồi. Giờ thỉnh thoảng trái gió trở trời vẫn đau nhức nhối.

Tôi biết, bác không chỉ nhức nhối vì vết thương mà bác còn nhức nhối trong trái tim, có một vết thương lòng mà bác luôn giữ kín. Một người bạn của mẹ tôi là bác sỹ quân y đã từng điều trị vết thương cho bác có kể cho mẹ tôi nghe. Có một cô y tá, thường chăm sóc bác những ngày bị thương ở trạm xá trung đoàn, đã đem lòng yêu đơn phương bác. Ngày bác chuẩn bị ra viện, cô gái đã nói hết nỗi lòng mình với bác, cô xin bác cho cô được toại nguyện trở thành người đàn bà của bác dù chỉ một lần, nhưng bác từ chối. Bác khuyên cô hãy nghĩ đến tương lai, bác chỉ coi cô như em gái. Rồi hai người kết nghĩa anh em, hẹn ngày chiến thắng sẽ về quê nhận mẹ. Nhưng người con gái ấy đã hy sinh trên đường vận chuyển thương binh ra tuyến sau. Bác buồn lắm. Ngày ra quân, giữ đúng lời hứa, bác đã về Hải Dương – quê cô, tìm gặp, nhận mẹ cô gái làm mẹ nuôi. Năm nào bác cũng cùng vợ đi thăm bà, chăm sóc lo lắng như mẹ đẻ.

Năm tháng trôi qua, chúng tôi lớn dần lên. Bác vẫn là người thày dạy chúng tôi hát, dạy chúng tôi chơi đàn. Những lúc rảnh rỗi bác tập thêm đàn bầu, kéo nhị, bác dạy đàn cho những người cựu chiến binh. Ngày nghỉ hưu, bác cùng các cựu chiến binh trong xã thành lập ban nhạc phục vụ đám hiếu. Tùy theo từng hoàn cảnh, từng công việc của người nằm xuống, những bài kèn, những tiếng nhạc, những âm điệu khác nhau lại được cất lên: Khi ai oán, khi réo rắt sầu bi, khi rộn rã nhịp bước quân hành. Những ngày hội chùa, lễ đền, bác cùng ban nhạc của mình lại đệm đàn cho hát chầu văn, cho các đoàn tế lễ. Tuổi già của bác luôn bận bịu trong đàn ca tiếng hát làm phúc…

– Sao bác lại ra đi vào đúng lúc bão gió này nhỉ – tôi vừa chuẩn bị về đám tang bác vừa nghĩ – một người nhân từ, hiền lành như bác chả lẽ đến lúc chết vẫn khổ sao?

Về đến nơi, lễ phúng viếng bác đang tiến hành. Con trai bác bảo tôi: Em ạ, đám tang sớm hơn dự kiến, để tránh bão…

Hỡi ơi! Con người, trăm đường chẳng tránh được cái số sao? Ngày mẹ bác mất, trời cũng mưa như trút nước.

– “…Ông sống khôn thác thiêng, ông đuổi cơn bão về hướng Đông bắc, để bà con quê ta gặt hái xong xuôi, mùa màng thu hoạch, yên ổn làm ăn…” – một cụ già đang đọc lời viếng (lễ viếng của hội người cao tuổi xã). Mấy người trẻ tuổi bất giác mỉm cười. Một chị phụ nữ đứng bên tôi bảo:

– Đúng là các cụ quê mình thật thà, chất phác, nghĩ sao nói vậy. Ông Tú chết rồi vẫn được các cụ giao nhiệm vụ…

Tôi chưa kịp trả lời thì đoàn cựu chiến binh xã nghiêm trang tiến vào trong lời thơ tha thiết của người hội trưởng:

Đất nước không còn tiếng súng

Trở về tóc đã pha sương

Hết chuyện trên bom, dưới đạn

Chuyển sang cày cuốc, ruộng vườn

Ta vẫn tự hào người lính

Đồng đội sống chết có nhau…

Hay thật! Ý nghĩa thật! – tôi tự nhủ – người lính thời nào cũng thế, không chỉ anh dũng kiên cường mà sống có tình có nghĩa, giàu tình cảm, biết yêu thương…

Tiếng kèn đồng tấu lên giai điệu khúc quân hành. Những người lính tóc đã hai màu vĩnh biệt người đồng đội của mình về nơi chín suối.

Tiếng nhạc lại vang lên: ”Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi…” Ngày còn sống bác rất thích bài hát này, bác đã đưa tiễn bao người bằng tiếng đàn tha thiết. Hôm nay, bác được nghe khúc nhạc tiễn đưa mình. Cuộc sống vô thường, ai rồi cũng sẽ trở về cùng cát bụi và hóa thành cát bụi phải không bác? Tiếng đàn vẫn du dương: “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi. Đi đâu lang thang cho đời mỏi mệt, trên đôi vai ta đôi vòng nhật nguyệt…”

– Bác Tú ơi! Con chúc bác lên đường thanh thản, an giấc ngàn thu – tôi cúi đầu nức nở.

Đám tang bác không ngờ thời tiết thật đẹp. Trời râm mát, gió vi vu, bão không về đất liền, cũng không mưa. Những người đưa tang ai cũng gật gù: Ông Tú tốt số, cứ tưởng bão gió to… Một cụ già tóc bạc phơ bảo: “Ông Tú sống ngay thẳng, không sợ trời, không sợ đất, khi chết còn linh thiêng đuổi cả bão gió. Vậy là giao nhiệm vụ ông đã hoàn thành. Bây giờ ông an tâm về cõi vĩnh hằng rồi.”

Tôi cầm nắm đất rắc lên mộ bác: “Sinh lão bệnh tử là quy luật ở đời, không chống lại được. Sống ngày nào vui tươi an lạc ngày đó. Khi thần chết gọi thì thanh thản ra đi.” – lời của bác lại văng vẳng trong tai tôi. Tôi thầm nói:” Bác Tú ơi! Bác đã đặt cho mình một dấu chấm hết thật tròn.”

L.T.T.U

 

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder