Một lần nữa, dư luận lại hết sức quan tâm đến việc dạy và học môn lịch sử trong các trường phổ thông. Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra một đề xuất hết sức mới mẻ và táo bạo, tích hợp môn này với một số môn học khác nhằm “nâng cao tính hấp dẫn cũng như hiệu quả giáo dục”, nhưng vẫn có không ít người như nhà văn Hoàng Quốc Hải, người chuyên viết tiểu thuyết lịch sử và đã gặt hái được nhiều thành công trong giới văn chương hiện đại – Trần Ngọc Kha thực hiện phỏng vấn …
Một lần nữa, dư luận lại hết sức quan tâm đến việc dạy và học môn lịch sử trong các trường phổ thông. Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra một đề xuất hết sức mới mẻ và táo bạo, tích hợp môn này với một số môn học khác nhằm “nâng cao tính hấp dẫn cũng như hiệu quả giáo dục”, nhưng vẫn có không ít người như nhà văn Hoàng Quốc Hải, người chuyên viết tiểu thuyết lịch sử và đã gặt hái được nhiều thành công trong giới văn chương hiện đại. Bạn đọc có thể nhận được chia sẻ của nhà văn trong cuộc phỏng vấn dưới đây do phóng viên báo Đại Đoàn Kết thực hiện:
PV: Thưa nhà văn! Với nhãn quan của người viết tiểu thuyết lịch sử, quan điểm của ông về dạy môn lịch sử trong giáo dục phổ thông?
NV Hoàng Quốc Hải: Dạy môn lịch sử ở cấp học phổ thông nhằm mục đích truyền đạt cho trẻ em về quá khứ của dân tộc mình. Có thể bắt đầu từ truyền thuyết. Như dân tộc ta nguồn gốc Rồng-Tiên. Các dân tộc khác cũng bắt nguồn từ một truyền thuyết khác, như người Pháp tổ tiên họ là con Gà Trống, người Anh là con Sư Tử v.v… Rồi trăn trở qua hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn năm trưởng thành qua đấu tranh với thiên nhiên, thú dữ và cả sự xâm thực, thậm chí xâm lăng của các tộc người khác. Qúa trình hình thành của một dân tộc để trở thành một quốc gia được xây dựng bằng lao động cật lực của cả cộng đồng, và phải đem máu và sinh mệnh của biết bao con người trải nhiều thế hệ để mở mang và bảo vệ từng tấc đất chống lại kẻ thù xâm lược, mới có được giang sơn như ngày nay để con cháu có không gian sinh tồn. Vì vậy, các thế hệ tiếp nối không chỉ tiếp nhận để thụ hưởng mà còn phải có trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ và làm rạng rỡ thêm lên. Đó là ý nghĩa của môn lịch sử. Trong đó dạy và học là trách nhiệm của các thế hệ thày và trò.
Cũng có dân tộc may mắn định cư trên mảnh đất mầu mỡ, quan hệ láng giềng hòa thuận, nên ít xảy ra tranh chấp, và hiếm khi mâu thuẫn dẫn tới chiến tranh. Trái lại, cũng có những dân tộc định cư trên mảnh đất khô cằn như sa mạc và bị bao vây cả bốn mặt, và các lân bang nhất loạt đòi tiêu diệt mình như người Israel (Do Thái). Phải thông minh và kiên cường lắm, người Do Thái mới tồn tại và vươn lên như một nước văn minh thuộc hàng đầu nhân loại, thách thức mọi mưu toan của những nước thù địch. Dân tộc Việt Nam cũng vậy. Chúng ta sống bên cạnh một nước khổng lồ. Tới cả mấy ngàn năm nay, người khổng lồ ấy luôn âm mưu thôn tính dân tộc ta, biến đất nước ta thành quận, huyện của họ, dân ta thành bầy nô lệ của họ. Thậm chí họ còn âm mưu thủ tiêu nền văn hóa của ta, xóa bỏ hết thẩy phong tục, tập quán và cả ngôn ngữ của ta, đồng hóa dân ta cả về mặt huyết thống, nhằm biến dân ta trở thành một chủng tộc Hán lai ngớ ngẩn. Âm mưu đó của giới cầm quyền Trung Hoa xuyên suốt từ cổ đại tới nay, chưa có một mảy may thuyên giảm. Và không một thế kỷ nào đế chế Trung Hoa không áp đặt cho dân tộc ta từ một đến hai ba cuộc chiến tranh xâm lựợc.
Để giữ gìn được bờ cõi, giữ gìn được nòi giống, giữ gìn được nền độc lập và tồn tại như một quốc gia có chủ quyền trải mấy ngàn năm, điều đó quả không dễ dàng một chút nào với dân tộc ta.
Vì sao tổ tiên ta làm được điều đó? Ngoài ý chí kiên cường bất khuất, tổ tiên ta còn phải thông minh và ngoan cường nữa. Đất đai, bờ cõi chỉ mới có dáng dấp của hình hài một dân tộc, còn văn hóa mới là hồn cốt của chính dân tộc ấy. Văn hóa là tiếng nói, là chữ viết, là nếp ăn, nếp ở, nếp lao động, là các phong tục về ma chay, cưới hỏi, là tín ngưỡng, tôn giáo v.v…Tích hợp những cái đó lại chính là lịch sử của dân tộc, và cũng là văn hóa của dân tộc. Văn hóa mới thật sự là tấm khiên vĩ đại nhất để bảo vệ sự sống còn cho toàn thể dân tộc. Vì vậy phải dạy cho trẻ em nhận diện được quá khứ của dân tộc, đó là vai trò không thể thiếu được của môn lịch sử.
Khi người anh hùng Nguyễn Huệ – Vua Quang Trung phát hịch đánh quân xâm lược Mãn Thanh trong đó có đoạn :
Đánh cho để răng đen.
Đánh cho để tóc dài…
Đánh cho chúng chích luân bất phản.
Đánh cho chúng phiến giáp bất hoàn.
Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ…
Nghĩa là đánh cho quân thù không còn một cỗ xe nào có thể quay về được. Đánh cho chúng tả tơi không còn một mảnh giáp. Đánh cho chúng biết nước Nam anh hùng đã có chủ. Nghĩa là đánh giặc không chỉ bảo tồn nền độc lập, toàn vẹn lãnh thổ mà còn bảo tồn nền văn hóa và lịch sử của chúng ta nữa.
Vậy đó chính là vai trò của môn học lịch sử trong nhà trường phổ thông.
PV- Thưa nhà văn,ông có thể nói rõ hơn sự quan trọng của việc giúp các em học sinh phổ thông nhận diện lịch sử qua môn học lịch sử.
NV Hoàng Quốc Hải – Có thể ví như trong một gia đình, cha mẹ không thể không dần dần cho con cái biết một cách có hệ thống về nguồn gốc gia đình, về nhân thân và ông bà, cụ kỵ ít nhất tới 5 đời. Rồi nguồn gốc từ các cụ tổ xa xưa đến các chi phái trong dòng họ, cả những bước thăng trầm… Những chi tiết đó, chính là lịch sử của gia đình, của dòng họ, lẽ nào để con cháu không được biết. Từ đó suy ra lịch sử của dân tộc cũng vậy. Con người không biết quá khứ của chính mình, một dân tộc không nhận biết được quá khứ của chính dân tộc mình thì con người ấy, dân tộc ấy khác gì được sinh ra từ bầy đàn. Nói như nhà văn Nguyễn Huy Tưởng: Một người không biết lịch sử nước mình tựa như một con trâu đi cày ruộng. Nó cày ở thửa ruộng nào với bất cứ ông chủ nào thì cũng thế thôi.
Tóm lại nếu các bậc cha mẹ nào không dạy cho con cái biết nguồn cội của gia đình mình, gia tộc mình thì đó là kẻ vô luân.
Một dân tộc quên nguồn cội, một dân tộc không có quá khứ, khác gì một cái cây bị trốc rễ. Thử hỏi một dân tộc như thế có còn xứng đáng là một dân tộc nữa không? Thử hỏi liệu dân tộc VN có chịu bán mình cho quỉ như vậy không?
PV: Thưa! Nhà văn có quan tâm đến cuộc tranh luận về dạy và học môn lịch sử hiện đang “nổ” ra? Và quan điểm của ông thế nào về chủ trương tích hợp môn lịch sử với các môn giáo dục công dân, giáo dục quốc phòng.
NV Hoàng Quốc Hải: Là một công dân, tất phải quan tâm đến từng thay đổi của đất nước. Nhất những thay đổi đó có quan hệ nhiều ít đến tương lai của dân tộc và sinh mệnh của mỗi người. Là một nhà văn viết về lịch sử đương nhiên tôi không thể thờ ơ.
Theo tôi làm khoa học, tất nhiên giáo dục cũng là một khoa học, thì việc làm thí nghiệm hoặc thí điểm để rút kinh nghiệm là một tất yếu.Tuy nhiên, chưa làm thí điểm đã đưa ra phổ cập thì lại là cách làm không khoa học. Cách làm của Bộ Giáo dục khiến công chúng có cảm giác như Bộ có ý định hoặc có dụng công bức tử môn lịch sử trong cấp học phổ thông, và mọi người cảm thấy như là Bộ Giáo dục lộng quyền, và trong chừng mực nào đó như là sự xúc phạm đến lòng tự tôn dân tộc của mọi người.
Công chúng nghi ngờ Bộ là có cơ sở, vì môn lịch sử bị xem nhẹ một cách trường kỳ và tiệm tiến. Bởi nó thi thoảng mới được có mặt trong các kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Rồi nó là một môn tự chọn. Đến nỗi cả Hội đồng thi chỉ giám sát cho một thí sinh duy nhất thi môn lịch sử. Có kỳ thi tốt nghiệp, số điểm thi môn lịch sử phần lớn là điểm 1, điểm 2 và điểm liệt. Ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục thản nhiên trả lời báo chí rằng điểm kém ở một môn nào đó là chuyện bình thường.
Và học sinh không muốn học môn lịch sử, rồi tích hợp môn lịch sử với các môn học khác, hoặc bỏ quách môn lịch sử, chắc cũng là chuyện bình thường đối với Bộ Giáo dục chăng?
Thật ra thì vấn đề này đã được báo giới cảnh báo từ lâu. Tôi nhớ báo Pháp luật số ra ngày 9 tháng 5 năm 1998 đưa tin:Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn thành phố Hồ Chí Minh có làm một thử nghiệm mang tính điều tra xã hôi học, trong số 1800 sinh viên được hỏi, thì có tới 44% sinh viên trả lời KHÔNG BIẾT CÁC VUA HÙNG LÀ AI, 39% số này trả lời KHÔNG BIẾT TRẦN QUỐC TOẢN LÀ AI. (lác đác có người trả lời đó là nhân vật thời chống Mỹ).
Lại nữa, 468 sinh viên của 9 trường đại học khác không hề biết Chu Văn An đã từng là nhà giáo và là người viết sớ thất trảm.
Các hiện tượng như học sinh chán học môn lịch sử, học sinh không chọn thi môn lịch sử, môn lịch sử điểm thi rất kém. Và báo chí cũng như dư luận xã hội luôn cảnh báo, nhưng Bộ giáo dục cũng cho chuyện đó là bình thường.
PV- Thưa nhà văn, lẽ ra Bộ Giáo dục Đào tạo nên làm thế nào?
NV Hoàng Quốc Hải: Việc các em chán học môn lịch sử trước hết lỗi không thuộc về lịch sử dân tộc, lỗi cũng không thuộc về các học sinh mà trách nhiệm này thuộc về Bộ giáo dục.
Lẽ ra thấy các hiện tượng trên thì Bộ phải kiểm tra ngay phương pháp truyền thụ, tức giảng dạy có khiếm khuyết gì, và việc biên soạn chương trình có khiếm khuyết gì để khắc phục. Nhưng Bộ cứ buông trôi cho sự việc phát triển theo chiều đi xuống. Và rồi đổ lỗi vì các em không thích học nên phải tích hợp để câu cho các em đỡ chán.
Việc tích hợp lẽ ra phải phối hợp với các ngành khác tích hợp vào với bộ môn lịch sử, vừa nhằm giải mã lịch sử vừa tôn vinh lịch sử. Ví dụ như sân khấu, âm nhạc, điện ảnh, hội họa, điêu khắc… Và vẫn phải giữ môn lịch sử như một môn học chính. Tích hợp với các môn như Bộ đề xuất là không có cơ sở khoa học, vì vậy nó không có sức thuyết phục.
Tôi nhớ vào khoảng năm 1986, UNESCO có ra một văn bản đại ý khuyến cáo các dân tộc khi sắp sang một thiên niên kỷ mới: Phải giữ gìn lấy bản sắc văn hóa của dân tộc mình trong một thế giới phẳng.
Và trong những năm đầu của thiên niên kỷ này đã xảy ra sự tranh chấp tên miền giữa Trung Quốc và Hàn Quốc.
Đó là một cái tên rất cổ của nước Cao Cù Ly tức nước Cao Ly.
Cao Ly cũng có một khoảng thời gian đau buồn dưới ách thống trị của người Hán, và cũng có một số vùng đất bị đế quốc Trung Hoa cướp mất. Và họ đã đăng kí một tên miền thuộc vương quốc Cao Ly cổ đại. Người Hàn Quốc khởi kiện lên UNESCO, và để hậu thuẫn cho việc đòi lại tên miền này, các nghệ sĩ Hàn quốc đã làm bộ phim truyền hình nhiều tập, viết và biểu diễn tới trên mười vở kịch nói. Tất cả đều phụ họa cho chủ đề lịch sử, cốt để đòi bằng được cái tên miền. Đó phải chăng cũng là cách tích hợp các bộ môn nghệ thuật khác làm tăng thêm sức mạnh cho lịch sử. Kết quả là người Trung Hoa phải nhả cái tên miền ấy ra.
Lại nữa gần đây khi bọn khủng bố IS đánh bom sát hại dân thường ở Paris (Pháp), bà Bộ trưởng văn hóa Fleur Pellerin nói với các nghệ sĩ và công chúng Pháp:Khi đối mặt với những hành động dã man thì văn hóa là lá chắn lớn nhất và các nghệ sĩ là vũ khí lớn nhất.
Ôi các bạn Hàn quốc và Pháp quốc, các vị làm cho tôi vừa kiêu hãnh vừa hổ thẹn. Liệu dân tộc tôi có buông bỏ tấm khiên văn hóa như kẻ thù của dân tộc tôi hằng khát khao mong đợi?
Láng Thượng, ngày 23 tháng 11 năm 2015
T.N.K. & H.Q.H
(Nguồn Trannhuong.net)