Để bảo vệ môi trường của Vịnh Hạ Long, đã đến lúc các cơ quan chức năng phải tích cực vào cuộc hơn nữa – Trần Nhuận Minh

 

Chúng ta đã quyết không đánh đổi cái cả thế giới không có (vẻ đẹp kì quan Vịnh Hạ Long) để lấy cái cả thế giới đều có và có thừa (tiền). Và nói chung, chúng ta cũng không thiếu tiền đến cái mức phải làm như vậy. Vì thế, Vịnh Hạ Long (và Cửa Lục) là Danh dự của tỉnh Quảng Ninh, là Phẩm chất văn hóa toàn cầu của Việt Nam trước toàn thế giới. Do đó, bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long là nhiệm vụ thiêng liêng của toàn dân.

Vấn đề này rất rộng và rất lớn, tôi chỉ khoanh lại trong vùng tôi đã trực tiếp sống, trực tiếp quan sát nó và đề xuất về nó không ngơi nghỉ liên tục trong vòng 30 năm nay, trong đó có 15 năm tôi làm Đại diện báo Tiền Phong tại tỉnh Quảng Ninh. Ấy là khoảng ven bờ Vịnh Cửa Lục và Vịnh Hạ Long (hai Vịnh thông nhau qua eo biển có cầu Bãi Cháy bắc qua) ở phiá Đông, tức là phía Hồng Gai, khoảng cách chân cầu Bãi Cháy chừng 300 mét về phía Bắc thuộc phường Yết Kiêu và khoảng 1km cách chân cầu Bãi Cháy về phiá Nam, ở phường Hồng Gai và phường Bạch Đằng, thuộc TP Hạ Long bây giờ. Nhưng hiệu quả đã được giải quyết là không cao, và tình hình hiện nay dường như còn xấu hơn. Trong khi về cơ chế tổ chức đã được đẩy lên một bước: Chủ tịch UBND TP Hạ Long đồng thời làm Trưởng Ban Quản lí Vịnh Hạ Long. Như vậy, việc lựa chọn biện pháp tốt nhất, các chế tài cần thiết có hiệu quả cao nhất, đều hoàn toàn và cùng một lúc nằm trong tầm tay chính quyền.
Trước đây, chưa có cầu Bãi Cháy, các loại xe của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước từ Hà Nội về, các vị khách Quốc tế, các quan đầu tỉnh và nhân dân, buộc phải qua lại trên phà Bãi Cháy, vì thế toàn bộ vùng này là ở trong tầm mắt, có điều gì là nhìn thấy ngay, nếu ai có ý kiến gì, là cho kiểm tra và xử kí ngay. Trong một cuộc họp báo, tôi thưa rằng, cần phải có một văn bản qui ước cách ứng xử văn hóa Vịnh Hạ Long, khuyến khích nhân dân loại bỏ một phong tục lạc hậu: để cho “mát mẻ”, cứ có người chết là giường chiếu, chăn màn, giày dép, bàn thờ, bát hương, thậm chí cả các câu đối phúng viếng, cứ đêm đến là tự do thả xuống Vịnh Hạ Long, bây giờ sóng đánh dạt vào bờ nhan nhản một vùng bãi biển. Đồng chí Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì cuộc họp, chọn 4 người có chức phận, lấy xe con đi kiểm tra ngay và yêu cầu về báo cáo càng nhanh càng tốt, có đúng thế không? Thực tình tôi hơi lo, nhỡ bây giờ nước rút, sóng kéo ra ngoài cả rồi thì sao? May quá, khoảng 20 phút sau, đoàn về, trưởng đoàn báo cáo đúng như ông Minh vừa nói. Lãnh đạo tỉnh quyết định ngay một việc mà tôi rất hoan nghênh, là lập ngay một đoàn quét dọn rác, gồm một số thuyền lẻ của dân chài ven bờ, Ban Quản lí Vịnh Hạ Long trả lương tháng cho họ, để họ làm việc đó. Được một thời gian, rồi tôi thường thấy họ buộc thuyền dưới cầu gầm Xi măng rất “hoành tráng” của cảng Vinashin, đánh bài hoặc ngủ đến 3 giờ chiều. Cứ vậy thôi, mở mắt ra là các rác đi đâu hết, biển sạch như vừa được thu dọn.
Lại nữa, các tàu du lịch được chuyển dần sang Cái Dăm, Bãi Cháy rồi lại chuyển xa hơn nữa, sang hẳn Tuần Châu. Khoảng biển của tuyến du lịch này, ta thường thu dọn rác tốt hơn để chào đón khách trong và ngoài nước đến thăm, còn khoảng bờ biển trước kia, không còn mấy ai quan tâm nữa, phó mặc việc thu dọn chủ yếu cho nước thủy triều. Độ chênh của thủy triểu ở đây cao nhất là 4 mét, có lúc chảy xiết đến khủng khiếp, do đó đã phi tang toàn bộ rác rưởi, cành củi khô, các túi ni lông (nhiều vô kể), vỏ lon bia, chai nhựa, đôi khi có cả xác chó chết, lợn chết, mèo chết trương phềnh và nước cống rãnh hôi thối ra ngoài xa. Như vậy, mặt nước ven bờ trong một thời gian nhất định, cảm giác bằng mắt thường là sạch hơn, trong hơn, nhưng môi trường Vịnh Hạ Long, do đó mà ô nhiễm nặng nề hơn rất nhiều. Có điều dòng nước chảy này, từ Vịnh Cửa Lục ra, bị chặn lại, do việc làm đường, làm cầu, đón tàu du lịch lớn neo đậu ở ngoài xa, cách bờ đến hơn 1 km, do đó, nó chảy theo một dòng riêng “dòng nhân tạo” ra biển, cách rất xa tuyến biển du lịch từ Tuần Châu, do đó đi trên tuyến biển du lịch này, các đồng chí lãnh đạo sẽ yên tâm hơn và các du khách sẽ hài lòng hơn. Chính vì thế, mà việc quan tâm đến môi trường vùng lấn biển ven bở phía Hồng Gai mà tôi nói trên, không còn được quan tâm đúng mức nữa.
Tôi rất cảm ơn Thủ tướng Chính phủ đã đọc bài báo của tôi, đăng trên báo giấy và các báo điện tử, tháng 7 năm 2019: “Đề nghị Thủ tướng Chính phủ đình chỉ ngay việc xây khách sạn 5 sao ngay bên mép biển, ngoài đường bao biển Vịnh Hạ Long, cao hơn 150 mét, cao gần ngang với đỉnh cao của cột cáp treo và bên cạnh cáp treo phía bến phà Hồng Gai”. Ngày động thổ, bị bãi bỏ và phần lớn đất dự định cho khách sạn cỡ quốc tế hùng vĩ đó, dành cho một nhà ăn 2 tầng, thiết kế đẹp, phong cách quí phái, có thể làm các cuộc đình đám cho khoảng hàng trăm người. Buổi sáng nhà hàng khai trương, vợ chồng tôi đã mời bạn mình, mua ăn những bát bún phở đầu tiên. Nghĩa là tôi ủng hộ việc đó. Chỉ có điều rất không hài lòng là 2 cái ống nhựa xả phân gio và nước thải to bằng hai bắp đùi đã cho chảy thẳng xuống cái cống tải nước mưa chảy thẳng xuống Vịnh Hạ Long. Từ nhà hàng đến mép biển chỉ khoảng hơn 20 mét. Có lần cống tắc, nước cống đen xì dềnh lên sân, chủ đầu tư phải thuê máy xúc cậy nắp cống lên, thông nó thoát nước ra biển, rồi đổ bê tông liền trên mặt cống, sẽ khó kiểm tra hơn. Tôi rất hoan nghênh chủ tịch UBND phường Hồng Gai và khu trưởng khu phố 1 nơi tôi ở, đã 4 lần đến gặp chủ đầu tư, yêu cầu phải có hố ga, rồi đặt ống nhựa từ hố đó chảy vào đường cống chung của thành phố, chả ai biết nước trong cống chung đó chảy về đâu, có được xử lí trước khi đổ xuống Vịnh Hạ Long hay không, nhưng dẫu sao cũng yên lòng hơn. Sau 4 lần lập biên bản, nữ chủ nhà hàng vẫn cười tươi và làm ráo riết hơn, cuối cùng chính quyền đến phạt 400 ngàn đồng, bằng số tiền bán 8 bát bún cho khách phổ thông (mức giá thấp nhất). Một bà khách quen bảo tôi rằng, thế là xong rồi đấy, cái giá 8 bát bún phở có lẽ vẫn còn “đắt” ông ạ.
Thực ra đây là “truyền thống” của cả giải ven biển này, chỉ khoảng hơn 300 mét ven biển có đến 7 cửa hàng ăn, không kể các nhà điều hành và các cửa hàng dịch vụ không bán đồ ăn uống. Hầu hết (tôi không nói tất cả vì chưa biết đích xác) các nhà hàng doanh nghiệp tư nhân hay nhà nước đều ở sát biển, xả thẳng phân gio và nước thải xuống Vịnh Hạ Long, phát lộ công khai từ trên bờ hoặc cho chìm xuống dưới nước. Một nhà hàng bên phà Bãi Cháy cũ, khi nước cạn, chỉ có khoảng 15 mét chiều dài mà có đến 12 cái lỗ thoát nước, lúc tôi có mặt ở đó, 3 cái phía trên cùng, nước đen xì chảy xuống nước Vịnh, mà cả 2 tầng nhà hàng, do dịch Covid, đều không có khách. Rồi các khu đô thị mọc lên ngay trên biển khi lấp đầy nhiều hec-ta rừng xú vẹt, làm cho bộ mặt thành phố khang trang hiện đại hơn, nhưng các cái cống của các khu đô thị này, xả nước xuống Vịnh Hạ Long, không biết có xử lí gì không, mà có cái rất hôi thối. Riêng cái cống từ phường Yết Kiêu cao và rộng, phía Bắc chân cầu Bãi Cháy, nước đổ thẳng ra đầu Vịnh Cửa Lục rồi ra Vịnh Hạ Long thì thối khủng khiếp, khi nước xuống, tôi bơi trên biển phía hạ lưu, cách cửa cống khoảng 1 km, vẫn còn ngửi thấy mùi thối trong nước. Tôi đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc tích cực hơn, buộc các cửa hàng này phải có ống xả thải vào cống chung của thành phố, không được trực tiếp xả xuống biển. Còn riêng cống Yết Kiêu phải có cách xử lí nước, càng sớm càng tốt, trước khi cho nước thoát ra cửa Vịnh.
Tất cả những điều trên, tôi đều báo cáo nhiều lần với lãnh đạo từ khu phố đến UBND tỉnh. Có lần, trong cuộc Bí thư Tỉnh ủy gặp mặt các văn nghệ sĩ, tôi thưa rằng, tôi rất hoan nghênh và lạc quan về bước phát triển qui hoạch đô thị TP Hạ Long tầm nhìn đến nhiều năm sau, mà Vịnh Cửa Lục sẽ là trung tâm kết nối, cùng Vịnh Hạ Long với các khu vực. Tôi nói vấn đề hàng đầu là phải bảo vệ môi trường. Chúng ta đã quyết không đánh đổi cái cả thế giới không có (vẻ đẹp kì quan Vịnh Hạ Long) để lấy cái cả thế giới đều có và có thừa (tiền). Và nói chung, chúng ta cũng không thiếu tiền đến cái mức phải làm như vậy. Vì thế, Vịnh Hạ Long (và Cửa Lục) là Danh dự của tỉnh Quảng Ninh, là Phẩm chất văn hóa toàn cầu của Việt Nam trước toàn thế giới. Do đó, bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long là nhiệm vụ thiêng liêng của toàn dân. Tôi đề nghị lãnh đạo tỉnh yêu cầu các cơ quan chức năng phải vào cuộc một cách tích cực và hiệu quả hơn nữa. Bất cứ ai vì bất cứ lí do gì mà xả thải hoặc cho xả thải trực tiếp xuống Vịnh Hạ Long, phải bị xử lí theo pháp luật và nên coi đó như một hành vi của tội ác.

T.N.M

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder