Để không làm tổn thương người sáng tác lẫn người đọc – Trần Xuân Tiến

Rõ ràng, không chỉ là sáng tạo, không chỉ là phù hợp, là chiều lòng theo thị hiếu số đông, những cây bút trẻ còn cần xác định cho mình một lối viết có trách nhiệm hơn để người đọc cảm thấy hài lòng khi cầm trên tay một ấn phẩm văn chương mà họ chờ đợi. Sự tôn trọng người đọc thật sự không chỉ đơn thuần là chiều theo số đông mà còn phải nâng tầm đại chúng…

 

 

Rõ ràng, không chỉ là sáng tạo, không chỉ là phù hợp, là chiều lòng theo thị hiếu số đông, những cây bút trẻ còn cần xác định cho mình một lối viết có trách nhiệm hơn để người đọc cảm thấy hài lòng khi cầm trên tay một ấn phẩm văn chương mà họ chờ đợi. Sự tôn trọng người đọc thật sự không chỉ đơn thuần là chiều theo số đông mà còn phải nâng tầm đại chúng.

Phái bi quan thường bày tỏ sự phiền lòng của mình vì những nội dung hời hợt, lối viết non tay của các tác phẩm văn chương mà họ cho là đã và đang được giới truyền thông nâng tầm quá mức; từ đó gây nên nhiều hệ lụy, đặc biệt là sự ảo vọng về nghề viết văn vốn nhiều nhọc nhằn và đầy chông gai cùng con chữ. Còn phái lạc quan thì luôn khẳng định thái độ ủng hộ người trẻ dám viết, dám thể hiện những khúc mắc đời tư, những cảm xúc vui buồn giận hờn của một “thế hệ khác lạ” đang sống trong xã hội công nghiệp luôn biến chuyển không ngừng bởi công nghệ và tri thức. Tất nhiên, đâu đó vẫn có những ý kiến dung hòa giữa hai quan điểm trên. Có thể nói, từ góc nhìn dung hòa đó, cho phép chúng ta gợi ra nhiều giải pháp để không làm tổn thương cả người sáng tác lẫn người người đọc.

Công nhận những cách định nghĩa khác

Việc chúng ta đòi hỏi một tác phẩm văn học của người trẻ phải có nhiều tính văn chương hơn thay vì những câu chữ tản văn vu vơ không đầu không cuối và không ghi đậm dấu ấn cá nhân, từ một góc độ nào đó, cho thấy sự “dán nhãn” từ những mặc định khi chúng ta định nghĩa về văn chương. Cần nhiều tính văn chương hơn nữa, nhưng chính xác như thế nào là “tính văn chương”?

Khi cùng bàn luận một chủ đề nào đó, việc xác định rõ những khái niệm là rất quan trọng. Rất có thể, đối với đội ngũ sáng tác trẻ và độc giả yêu thích họ, tính văn chương được định nghĩa một cách giản đơn là những triết lý tản mạn về cuộc sống, là những cách hiểu, cách cảm, cách ứng xử của thanh niên thời nay trước thế thái nhân tình, nhất là trong tình cảm lứa đôi, hạnh phúc gia đình. Văn chương của người trẻ là phải thấy trong đó hình ảnh của chính người trẻ. Ở đó, văn chương được xem là những trang đời gắn liền với nhịp sống của thanh niên hiện nay, với nhiều tâm tư loay hoay về hành trình khẳng định bản thể, với những ngổn ngang giữa hoài bão tương lai và thực tế trần trụi hiện tại. Như vậy, dù muốn hay không, giới nghiên cứu văn học và những độc giả có phần kén đọc phải chấp nhận về sự tồn tại của một dòng/nhánh văn học đại chúng với những cách định nghĩa mới về văn chương. Tôn trọng sự đa dạng là một thái độ cần và nên có trong trường hợp này không chỉ giúp mở rộng biên độ của cách hiểu về văn chương khiến văn chương hiện diện như một bức tranh đa sắc màu mà còn giúp tránh làm ảnh hưởng đến tâm lý hào hứng sáng tác của những người viết trẻ.

Một lối viết có trách nhiệm

Hiện nay, nhiều bạn trẻ thường xem các sách bán chạy trên thị trường là đích đến của việc đọc. Không khó để thấy cảnh tượng độc giả chen chúc nhau xin chữ ký của tác giả chẳng khác gì “fan cuồng” xin chữ ký của ngôi sao âm nhạc, điện ảnh. Điều đó cho thấy bối cảnh của văn hóa đọc đã và đang thay đổi từng giờ trong sự tác động của văn hóa xã hội đương đại. Một số cây bút trẻ nắm bắt được tâm lý của độc giả trẻ và đã xây dựng hình ảnh người sáng tác như thể một phong cách sống, đại diện của thái độ sống. Đây không khác gì một con dao hai lưỡi đối với người viết lẫn người đọc. Bởi vì, để chịu được sự thử thách của thời gian, để tác phẩm đứng lâu trong lòng độc giả thì còn là câu chuyện dài.

Một cách công bằng, những người viết trẻ cũng cần ý thức hơn nữa về những sản phẩm của mình thông qua những phản hồi của cả độc giả lẫn các nhà nghiên cứu văn học. Không thể cứ mãi dựa dẫm mãi vào hai chữ “giải trí” để tự cho phép mình cái quyền làm nhạt nhòa dần những giá trị cốt lõi của văn chương như giá trị thẫm mỹ, giá trị nhận thức… Nếu cứ giữ mãi “một màu” như hiện tại, các tác phẩm văn chương trẻ sẽ làm hạ thấp dần phông nền của văn hóa đại chúng vốn đã chịu nhiều ý kiến phản hồi từ dư luận. Nhiều biên tập viên các đơn vị xuất bản đã không ngại ngần chia sẻ với nhau trong những lúc trà dư tửu hậu về những khó khăn khi biên tập các tác phẩm của các cây bút trẻ. Tràn lan những lỗi câu từ, những lỗi diễn đạt là chuyện thường ngày ở huyện khi các biên tập viên này được giao biên tập một đầu sách của tác giả trẻ.

Rõ ràng, không chỉ là sáng tạo, không chỉ là phù hợp, là chiều lòng theo thị hiếu số đông, những cây bút trẻ còn cần xác định cho mình một lối viết có trách nhiệm hơn để người đọc cảm thấy hài lòng khi cầm trên tay một ấn phẩm văn chương mà họ chờ đợi. Sự tôn trọng người đọc thật sự không chỉ đơn thuần là chiều theo số đông mà còn phải nâng tầm đại chúng.

T. X. T

(nguồn: Bài viết của tác giả chia sẻ)

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder