Từ sau năm 1945 đến nay, nền văn chương nước nhà luôn được tô đậm bởi một đội hình nhà văn – chiến sĩ trưởng thành từ trong khói lửa của cách mạng và chiến tranh. Nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị làm nên bản sắc văn chương nước nhà, mới đây Hội Nhà văn Việt Nam cho xuất bản Tuyển tập văn xuôi và Tuyển tập thơ thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước.
Kỳ này vanhaiphong.com xin được giới thiệu cùng bạn đọc truyện ngắn “Đêm ấy vùng than ai thức” của nhà văn Lý Biên Cương in trong Tuyển tập văn xuôi thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước.
Từ sau năm 1945 đến nay, nền văn chương nước nhà luôn được tô đậm bởi một đội hình nhà văn – chiến sĩ trưởng thành từ trong khói lửa của cách mạng và chiến tranh. Nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị làm nên bản sắc văn chương nước nhà, mới đây Hội Nhà văn Việt Nam cho xuất bản Tuyển tập văn xuôi và Tuyển tập thơ thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước.
Kỳ này vanhaiphong.com xin được giới thiệu cùng bạn đọc truyện ngắn “Đêm ấy vùng than ai thức” của nhà văn Lý Biên Cương in trong Tuyển tập văn xuôi thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước.
Nhà văn Lý Biên Cương (1941-2010)
HỌ VÀ TÊN KHAI SINH: NGUYỄN SỸ HỘ. SINH NGÀY 24 THÁNG 1 NĂM 1941. QUÊ QUÁN: NAM SÁCH, HẢI DƯƠNG. DÂN TỘC: KINH. MẤT NGÀY 22 THÁNG 3 NĂM 2010. SAU KHI ĐI THANH NIÊN XUNG PHONG 12B TÂY BẮC VỀ HÀ NỘI, LÀ PHÓNG VIÊN BÁO TIỀN PHONG NĂM 1960. NĂM 1961: TỐT NGHIỆP KHOA BÁO CHÍ ĐẠI HỌC NHÂN DÂN, CHUYỂN VỀ KHU ĐÔNG BẮC, LÀ PHÓNG VIÊN BÁO VÙNG MỎ, SAU ĐỔI TÊN LÀ BÁO QUẢNG NINH (1961-1987). TỪ 1988 CHUYỂN SANG HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT QUẢNG NINH, LÀ PHÓ CHỦ TỊCH HỘI, PHÓ TỔNG BIÊN TẬP BÁO HẠ LONG.
ĐÊM ẤY VÙNG THAN AI THỨC
Bao giờ bầu trời sẽ sáng rực lên như chớp giật? Các ngôi sao đổ ra như tuyết bông trong trận mưa tuyết? Lại thế nữa, tất cả sẽ xảy ra không một tiếng động và không một ngôi sao sa nào rơi xuống đất nữa? Mưa sao, mưa sao? Những nghe tả cũng đủ thích. Bao giờ? Và lúc này là mấy giờ?
Không ai trả lời câu hỏi của Ái. Trận địa có mỗi chiếc đồng hồ báo thức lại đặt ở sở chỉ huy. Ái rùng mình vì lạnh. Cô biết, lúc này cũng khuya lắm. Chân trời phía bắc, tây bắc âm u và đen ảo. Nếu không có gì thay đổi, chỉ một lúc nữa trận địa pháo tự vệ của cô sẽ được xem mưa sao. Nó sẽ lóe lên từ đâu?
Tiếng Vân, vang giữa vùng núi đen thẫm và lắc rắc mưa nhỏ:
– Có ai thức như chúng ta chờ giặc đến và xem mưa sao không?
Ái mỉm cười, nắm lấy cổ tay ướt đầy sương của bạn:
– Có! Giờ này anh Suyền đang đi đo nước đấy!
Anh Suyền đi đo nước, chẳng biết có hay người yêu đang nhắc đến tên mình? Anh trèo lên thang sắt đính bên thành cảng xi măng, đầu sẽ co lại trong chiềc áo bạt dày cộm. Chiếc đèn pin bọc giấy bóng kính xanh lẹt hất ra một mảng sáng vỏng vẻo, khẽ di chuyển trên tay anh. Thành cảng ngổn ngang đá gạch và sắt đổ. Chiếc cần trục than này mới bị bom hất gục lúc chiều, ghế ngồi của người tài xế cẩu văng ra, lủng lẳng bên buồng lái, rõ cả miếng đệm da bị tước vụn như xơ mướp. Chú mèo đen quen thuộc vẫn ngồi im trên buồng lái đổ chờ anh, không nhúc nhích. Ánh đèn pin quét qua mặt nó, đôi mắt trong suốt thủy tinh bắt sáng, long lanh như hai ánh chớp. Nó vẫn chưa đứng lên. Một chú mèo nghĩa tình, Suyền nghĩ. Đêm nào nó cũng theo anh ra cảng như một con chó con theo chủ. Cả khu vực thị xã bị hủy diệt liên miên này, nó muốn bám hẳn vào anh để sống. Nó có sợ bom không, không biết? Chỉ hay lúc nào nó cũng bình tĩnh, nhún từng nhún thản nhiên và ngồi im phăng phắc ở chính chỗ này. Còi báo động thổi rung đêm, anh nhìn nó và nó nhìn anh. Bao giờ anh rút vào hầm, nó mới theo. Nghĩa tình, một con mèo quý!
Ái cho anh con mèo đó. Suyền không lạ gì các cô gái đẩy than ở cảng. Toàn các cô gái đanh đá, nhiều chuyện. Cô nào cũng dễ làm mất vía các chàng trai yếu bóng. Suyền không thuộc loại các chàng trai ấy, nhưng anh cũng không hay nói. Bắt chuyện ít. Chỉ như chiếc đồng hồ đi qua chỗ các cô làm. Mỗi lần thấy bóng anh, các cô lại oang oang:
– Sắp bảy giờ rồi, đồng hồ đã đến!
– “Ốp” mấy? Anh khí tượng ơi, “ốp” mấy?
– Mấy độ mặn hôm nay?
– Ối trời ơi, kìa!
Một cô đi tách ra bắt chước dáng anh, đầu hơi cúi về phía trước. Cô này có đôi mắt khá đẹp, trời phú cho đôi mắt của văn công, chứ không phải của người thợ đẩy và gông than. Một đôi mắt dẹt dài, có hình con cá thu nhỏ, đôi mắt cũng tóe ra như đuôi cá. Lông mi rất cong, cong như một hàng vây. Cô nhìn như chọc tức anh, đôi tay chống nạnh, hất hàm:
– Anh khí tượng, anh đứng lại!
Suyền dừng chân, đưa mắt có ý hỏi.
Cô gái bỗng cười lên thật giòn, ngoa ngoắt quay đi, chạy lại chỗ bạn bè. Cô ngả người vào bạn, cười nắc nẻ thêm. Suyền khó chịu, không biết các cô ấy cười gì mình. Cười chán, cô ta nói đỏng:
– Anh chàng có một miếng áo rách ở vai, các cậu ạ!
Mình cam đoan bị chuột cắn. Rõ là chuột cắn. Chứ ai xé?
Sau đó, một buổi chiều, con mèo đen nọ tới tay anh. Người chủ cho, giấu mặt. Về đến phòng, căn phòng nhỏ lọt thỏm giữa thị xã than bụi, lúc nào cũng bỏ ngỏ, anh thấy có nó. Nó bị buộc vào thành giường, đuôi ngoe nguẩy, mắt non choẹt. Một mảnh giấy nghịch ngợm dắt ở cổ nó: “Anh cố nuôi nó lớn. Nó sẽ bắt chuột rất cừ. Chúc anh đừng để áo rách”. Nhìn chữ, anh nhớ ngay đến cô. Nhớ đến tiếng cười kia. Tiếng cười trớ trêu như vang khắp phòng, vang trong ngực anh. “Meo”… con mèo bỗng kêu lên một tiếng gọn lỏn.
Rồi Suyền biết dần tên các cô. Anh hỏi cô đã cho anh con mèo.
– Chị kia tên là gì?
– Tên là Yêu!
Một tràng cười ré lên từ bãi than.
Suyền đứng đực người, bần thần. Mình hỏi đứng đắn, cô ta lại ỡm ờ “Yêu”, tiếng lần đầu anh được nghe ở chính người con gái nói ra. Những cô gái vùng này vốn có tiếng bạo dạn. Và nghịch. Nghịch như quỷ sứ. Không tha bất cứ ai. Anh lại không muốn trêu họ. Nói thật anh không biết tán. Ở các cô, các lời nói nghịch sao vẫn nghe được. Có thể vì nó chân thành. Còn anh, không biết sao, lắm lúc cũng muốn đùa vài câu, lại thấy lời nói mình ngượng ngập và tẻ nhạt. Nó không phải lời của mình. Như vay mượn của ai.
Anh âm thầm với công việc đo nước quen thuộc. Một ngày bốn “ốp”, anh đến cảng. Bẩy giờ, mười ba giờ, mười chín giờ và một giờ sáng. Đều đặn và không được bỏ qua một “ốp” nào. Những con số liên tục sẽ phát về Tổng cục. Điểm Hạ Long, tốc độ sóng, chu kỳ sóng, thủy triều, tốc độ nước biển… Cái máy ôn biểu nhỏ, thường theo anh ra cảng. Đi tuần tự quanh năm. Mưa gió không được nghỉ. Rét buốt, người ta vùi trong chăn bông, đúng mười hai giờ đêm, anh vẫn phải đi. Anh nói đùa: “Mình không bao giờ được ngủ một đêm trọn”. Đi, đến nỗi thuộc tất cả những gì dọc dường. Vỉa hè có hai nghìn lẻ sáu hòn gạch xi măng kẻ vuông, đúng, mình đã đếm. Nhà ăn số bốn trông thẳng ra khu nhà trụ sở ủy ban thị xã có tới chín mươi hai cửa. Cổng nhà máy than luyện, cái bánh xe đã mòn, đến nỗi nửa bánh xe vẹt hẳn, lê lê trên đất. Mấy cô gái nhà in chúa làm đỏm, tay đen đầy dầu mực, vẫn lượn ra chỗ hành lang cong, cười trêu bạn quen đi dưới đường. Có một cô lúc nào môi cũng đỏ, mình cam đoan cô ta đánh môi. Không ai để ý tới anh. Anh toàn đi vào những giờ không ai để ý và có thể cũng không ai biết. Chỉ có một bà cụ bán nước chè ở cổng sân vận động thỉnh thoảng gọi anh vào, rót cho bát nườc chè đặc sánh, không lấy tiền. Bà cụ ngồi suốt ngày nhìn đường, hẳn mình đi nhiều, cụ để ý. Và một cô, sau này anh biết tên cô là Yến, chạy bàn ăn ở cửa hàng chân Cầu Cao… Anh rẽ vào cửa hàng mua cốc cà – phê. Không may cho anh, cà – phê vừa hết. Chiếc vé sắt tây xoay xoay mãi trên ngón tay, anh không biết nên trả lại hay đút túi. Thì vừa hay, cô ở trong bếp ra. Cô nhìn anh cười: “Anh đợi em một tí, xem còn được cốc nào không?”. Anh mỉm cười, biết ơn. Cô là người thứ mấy biết anh làm nghề khí tượng?
Làm nghề có ít bạn, lắm lúc cũng khổ tâm. Suyền chỉ thật vui, khi bắt đầu trèo các bậc thang sắt thành cảng xuống một trụ đá. Xung quanh trụ, nước trong vắt chảy tròn. Ôi, dòng nước của anh. Nói chính xác, anh đâu có làm nghề khí tượng, mà làm hải văn. Cuộc đời anh là gì, nước và sóng. Nước vịnh Hạ Long này, ai nhìn chả nức nở khen đẹp. Ngoài đẹp, anh còn thấy nó có tâm hồn. Anh cam đoan nước vịnh biết vui buồn, biết hờn giận. Đây, mặt nước đang xanh biếc, bỗng chuyển màu cánh chả, là mưa đến nơi. Hoặc xanh đục mầu rêu rong, nhất định sớm mai trời sẽ trở mù. Anh đếm chu kỳ sóng, tốc độ sóng và biết từ xa tít biển khơi, biển đã hoặc đang bắt đầu nổi giận. Sóng đang bập bềnh dồn vào, mỗi lúc một mạnh. Sắp sóng cấp bẩy ở ngay trong vịnh. Anh cho điện những con số sóng đó về Tổng cục, bụng vẫn thon thót hồi hộp. Sóng cấp bảy, mặt vịnh sế mù mịt ngàu bọt trắng xóa, sẽ không còn mặt vịnh nữa. Chỉ còn sóng giận dữ như trời rũ bông khắp biển. Rồi là bão. Có lẽ cả vùng than này chỉ mỗi mình anh mê nổi những con số của sóng. Cũng chỉ mỗi anh tần ngần trước các ngọn sóng, như một nghệ sĩ, lắng nghe tấm lòng của biển dội về, lắng nghe không khác gì người yêu nhạc. Anh đứng đây, một mình trước vịnh rộng, nghe xôn xao đời con sóng di chuyển. Chao những cặp uyên ương dìu nhau chơi rỡn trên nước. Chúng thật chung thủy, thật thỏa mãn, đón anh cởi mở. Hình như chúng biết anh là người bạn đời của chúng. Chiếc máy thủy kế nhích báo từng con số và vệt nước như đùa nghịch, dập dềnh trên chiếc ôn biểu trong tay anh. Anh có thể kể ra, bốn mùa hạnh phúc của sóng. Như mùa xuân, những cặp sóng rõ ra những cặp vợ chồng mới, du từng lượn nhẹ, tôn trọng nhau khi trời heo heo gió. Có lúc chúng cũng cãi nhau và sau đó lại làm lành. Mùa đông, chúng có con. Bao giờ cặp sóng bố mẹ cũng chạy ép hai bên che chở cho lượn sóng con ở giữa. Còn mùa thu…
Không, bảo anh ít bạn, không đúng. Anh có bạn phong lưu hơn mọi người trên đời. Những bạn thiên nhiên kỳ diệu kia. Chẳng hạn như mặt trời. Chiều nào cũng vậy, mặt trời bao giờ cũng đợi anh ra làm “ốp” tối mới chịu lặn. Mặt trời lặn thật hiếm gặp ở nơi khác, tròn xoe, đỏ lừ, im lặng lùi xuống giữa kẽ hở của hai dãy đảo trước mặt. Như một quả bóng nhuộm phẩm thẫm đỏ, lừ lừ trôi và mặt sóng vàng rợi. Các viền sóng nhấp nhánh sáng như dát trang kim. Và mặt trăng, trăng đầu tháng cong cong như chiếc vảy cá, cong như lông mi của Ái. Mọi người có thể bỏ qua trăng. Chứ anh, anh biết trăng tròn dần từng ngày và khuyết dần từng buổi. Nửa đêm, trong khi vùng mỏ đang ngủ thì anh đi. Trăng hạ tuần thân ái theo bên. Càng về cuối tháng, anh càng thấy trăng giống hình một con cá thu, giống một miệng cười. Đôi mắt Ái hay nụ cười Ái? Tự dưng, anh hay nhớ về cô gái đẩy than. Chà, con mắt đến đung đưa. Và anh làm bạn với sao. Sao sa tới tấp xuống mặt nước loáng trắng lân tinh. Sao sa là gì? Cô Ái có lần hỏi mình. Và mình đã giải thích. Những khối vật chất trong không gian di chuyển với tốc độ rất lớn, đến hàng trăm ki lô mét giây. Cô Ái ạ, chúng gặp khí quyển quả đất, cọ xát nóng lên đột ngột, không khí bị iôn hóa phát sáng. Chính sự phát sáng đó làm cho ta thấy được sao sa. Cô Ái chống tay lên thành va gông than, mắt chấp chới. Cô nói to: “Mẹ em bảo, đây là một linh hồn đã mất, một linh hồn tội lỗi. Mỗi con người đều ứng với một ngôi sao. Anh có biết em ứng với ngôi sao nào không?”. Cô cười bỏ đi “Một ngôi sao khí tượng!”. Sau này anh mới hiểu thâm ý của câu nói. Bây giờ, anh chỉ biết giải thích. Rất nghiêm túc là khác. Anh nhìn trời, bất ngờ tìm ra các luồng sao sa đi, phần lớn có quỹ đạo ê-líp. Anh ngỡ mình như một nhà thiên văn, chân bước xuống trụ đá với niềm vui âm ỉ đó.
“Mẹ em bảo…”, Suyền, ngạc nhiên không phải câu nói kia, mà ở mỗi tiếng “em”. Cô gái tinh nghịch xưng “em” lại hiền. Anh bật cười chợt nghĩ đến câu ví von: “Hiền như một con mèo”. Con mèo cô cho đang lớn. Màu lông từ gio xám chuyển sang đen hung. Nó chưa biết bắt chuột. Suốt ngày lim dim ngủ. Ngủ khoanh tròn trên đống chăn. Ngủ gọn trên chiếc vung dành tích. Và duỗi chân từng nhịp dài, đưa cả thân hình cuộn lên phía trước, mỗi khi đẫy giấc. Anh đem chuyện con mèo ra làm quen với cô gái:
– Cô Ái có con mèo chăm tệ. Suốt ngày chỉ ăn với ngủ.
Ái vênh váo:
– Vậy mời anh đến nhà em xem. Những chú mèo khác đã bắt được chuột rồi. Có anh chiều nó quá thì có.
– Tôi mà chiều?
Anh chống chế vụng về, nhưng cũng đến nhà Ái chơi. Ông bố đi làm mãi lò Hà Lầm, nhà chỉ mỗi bà mẹ. Mẹ Ái còn trẻ, chừng hơn bốn chục tuổi, miệng tươi tỉnh và đỏ như người hay ăn trầu. Bà khoắn khỏa: “Nhà sao về loanh quanh thế này, anh cũng chịu khó đến chơi. Nhiều người nghĩ leo lên đây đã ngại”. Đứng ở đấy, nhìn được khắp thị xã. Con đường nhựa chạy vòng cung từ cảng đến hút chân đồi bệnh viện. Nhà hai tầng nhỏ, nối nhau chạy dài. Tấp nập xe người và có chỗ còn cả ngựa. Có lên đây mới hay thị xã mình rộng, mới hay càng vào sâu càng lắm nhà. Bậc đá lên nhà Ái thấp thoáng chạy vòng, Suyền chợt thấy bóng Ái gánh nước phía dưới, bám từng bậc một leo lên. Đấy, Ái lại khuất, Suyền phải nhảy xuống đón họ. Ái đặt gánh nước, thở và thẹn. Mặt mày đỏ gay, đỏ cả cổ. Vệt nước sánh chảy theo hàng, loáng ướt các bờ đá.
Một bà mẹ quý con – Suyền nghĩ. Bà chạy xuống đón cho Ái gánh nước, nhắc khẽ: “Nồi nước bồ kết tao đặt trên bếp than. Lược bí mẹ đã sắp cả ra chậu thau”. Trong nhà, một cô Ái khác nhoẻn cười giữa khung kính. Cô Ái này tươi trẻ hơn, miệng cười cũng đẹp hơn. Và đôi mắt mở to, đôi mắt dài và thon hình cá thu. Ái vào, mặt vẫn còn đỏ:
– Ảnh em chụp năm ngoái, năm hai mươi tuổi.
Suyền làm quen với bà mẹ hay chuyện. Càng ngày anh càng hiểu thêm cô. “Con bé không phải con tôi đâu. Chúng tôi nhặt được ở bến tàu, năm giặc Pháp xuống tàu cút khỏi mỏ. Không biết ai lại bỏ quên nó, hoặc vứt nó trên bờ. Nó bò lồm ngổm, suýt nữa rơi xuống nước”. Bà bấm mười đầu ngón tay xuống bàn làm lại các động tác đứa trẻ bò trên thành bến. Suyền bật cười. Ái không hề xấu hổ, còn cười to hon. Hình như cô nghe mẹ kể đã quá quen. Cô hất tóc “Con đi gội đầu đây. Mẹ tiếp khách cho con, mẹ nhé!”. “- Như tôi đứt ruột đẻ ra nó, bà mẹ lại kể. Nó cũng là hòn máu của mình. Nó lưu lạc và trở vào nhà mình. Bố nó bảo: “Phải cho con Ái học đại học, cho con nó đỡ tủi”. Nó học hết lớp mười, khăng khăng đòi đi làm. Tôi không nói gì, nhưng bố nó ngồi chỉ dấn nước mắt: “Bố đủ tiền nuôi con ăn học nữa, con đừng nghĩ này nghĩ nọ?”. Nó bẻ: “Con có nghĩ gì đâu. Con chỉ muốn đi làm thôi. Bố xem, con lớn thế này. Cứ cắp sách đến trường, nó thế nào ấy!” Anh nghe nó nói có thủng lỗ tai không? Con với cái!”.
Gần nhà Ái là nhà Yến, cô gái chạy bàn cửa hàng Cầu Cao. Yến cũng hay sang nhà Ái chơi. Lon chon và đen. Thấy người là thấy cười. Chúa hay khoe. Vừa gặp Suyền đã reo: “Anh hải văn đấy chứ gì. Em còn lạ. Anh có nhớ hôm em kiếm cho anh tách cà phê cuối cùng không?”. “- Tôi nhớ!”. “- Chị Ái này, lúc đầu thì em không biết anh Suyền đâu. Nhưng cứ sắp đóng cửa về nghỉ thì em lại thấy một anh đi qua. Đúng vào giờ ấy, một năm bốn mùa. Em lạ, hỏi chị bán hàng. Chị đáp gọn lỏn: “Đo nước!”. Em cứ thắc mắc mãi. Đo nước thì có gì đáng nói, có gì cứ phải đúng giờ ấy mới đi được. Em không tin”. Và cười, đòi anh giải thích, Suyền ngượng, không muốn nói nghề mình cho ai biết. Anh không thích khoe. Một số người có tính xấu, luôn miệng khoe khoang nghề mình. Cứ như chỉ có nghề mình là quan trọng nhất, đáng chú ý nhất trên đời. Anh cười trừ, lảng: “Thế mà tôi lại biết kỹ về cô đấy. Có phải cô sắp có giấy mời chúng tôi không nào? Anh thợ nhà máy cơ khí ấy, đúng chưa?” Cười khanh khách vang nhà. Yến lắc khuôn mặt nhỏ và đen: “Eo ơi, em chịu tài các anh thật. Chúng em chưa hứa hẹn gì cái ngày ấy đâu!”.
Cô Ái vẫn tinh nghịch như thường ngày. Gặp anh ở cảng, vẫn trêu: “Chào anh ốp!” Và lẩn sau đầu tàu kéo than. Suyền biết, ở kẽ hở của hai va-gông có đuôi mắt cá thu đang theo anh đi. Có lần, anh đã thoáng thấy. Anh nhìn thẳng. Đuôi mắt biến mất. Lại hiện ra ngay sau đó. Lại biến. Mới thực thấy nó hiền. Con người ta kỳ vậy. Tưởng đanh đá thì con mắt cũng đanh đá chứ. Đằng này trái lại. Rất trái lại!
Cho đến một đêm bão.
Bão thì bão, đúng nửa đêm, Suyền vẫn phải lần mò ra biển. Đêm đen kịt, chỉ thấy sóng vịnh đổ như thác réo bên thành cảng. Suyền ôm từng gốc cây bên đường, lần đi. Giờ này, đúng là chỉ có mỗi anh đi. Cái nghề của anh thế, không đi không được. Anh ngã dúi dụi, chao đảo. Sóng quất đầy nước lên mặt đường. Xuống! Anh buộc dây an toàn vào người, bám thang sắt leo xuống. Gió dán chặt anh vào thang và sóng dập nước kín đầu. Như chui xuống một vực thẳm đang sục sôi nổi giận. Chân đưa mất đà, bị sóng quăng cả người ra khỏi thang. Nhoài vội túm lấy thang sắt, mặt mũi tối tăm nước. Nhoài mãi mới tới mô đá xây. Giở ôn biểu ra, chỉ sợ sóng cướp mất. Bám và bám. Láng chân mãi mới tìm thấy thủy kế. Đo xong, người nhược ra cổ họng tắc chặt nước mặn. Tay đờ đẫn, bám không nổi thang lên. Nhưng kìa, rõ anh không trèo mà cứ nhấc bổng chân. Dây an toàn căng ra. Anh đã có mặt trên thành cảng xây.
– Suýt nữa thì chết nhá!
– Cô Ái đấy à? Sao biết tôi ở dưới ấy?
Ái vuốt nước ướt, mặt trắng bợt dưới ánh đèn bão:
– Sao lại không biết? Đêm nào mà anh chẳng đi giờ này. Em ngủ không được. Suýt nữa có người chết nhá!
Đôi mắt Ái mở to, nhìn thẳng vào anh. Người Ái ướt như lột, Suyền kéo tay Ái:
– Trong nhà cân lúc này có một bếp than. Ta vào đấy hơ lửa cho ấm.
Từ bấy đến sáng, hai người ngồi bên nhau. Lúng túng, chả ai nói với ai. Tóc Ái xõa ra trước lửa, hai bàn tay nhỏ bóp bóp tóc cho kiệt nước. Bóp mãi, tóc bung ra. Suyền đứng lên, lại ngồi xuống. Anh không thể tin trước mặt anh là cái bếp than đang hồng rực, hồng toàn màu lửa. Có một cô gái đến ngồi đó, nghiêng người hơ tóc. Cả cái dáng nghiêng kia cũng sáng tươi màu lửa. Suyền gọi để mà gọi: “Ái này?”. Một đôi mắt tõe đôi ngước lên. Thăm thẳm một đôi mắt biển. Chờ đợi, không thấy chớp. “Lần nọ, em bảo tên em là gì nhỉ?” Cô gái đứng lên vịn vào thành cân. Cô chớp mắt một cái lắc mạnh đầu đang xõa tóc, nói chắc: “Tên là Yêu, anh quên rồi sao? Con mèo của anh nó biết bắt chuột rồi phải không?”. Mặc anh đứng đấy, cô ra khỏi nhà, vung vẩy đi nhanh. Cô đi đã xa, Suyền vẫn như thấy cô đứng đấy. Hơi ấm cô vẫn còn nguyên bên bếp. Rất trẻ, cái hơi ấm ấy!
*
Chiến tranh phá hoại lần thứ hai đến với vùng mỏ một cách dữ dội và tàn khốc.
Nhưng không một ai bị bất ngờ.
Người ta biết trước âm mưu từng ngày của bọn cướp trời Mỹ. Loa oang oang báo tin hạm đội giặc vào vịnh Bắc Bộ, tàu nào chở máy bay, tàu nào thám thính. “Mẹ Ái bảo Suyền: “Có lẽ mẹ phải đưa em đi sơ tán. Trong Quảng Trị mình đánh hăng thế thì Ních – xơn nhất định trở mặt. Cái Ái có lệnh lên đồi pháo trực chiến rồi. Con dọn về đây mà ở. Nhà ta sát núi đá, đằng sau có hang, cũng đỡ lo. Làm nghề đo nước không thể đi sơ tán được phải không?”.
Suyền chưa muốn dọn nhà đi đâu. Anh vẫn lưu luyến đến căn phòng nhỏ bé của mình. Ở đây mở cửa có thể trông suốt trần than và đôi lúc còn nhìn rõ cả Ái ngồi vắt vẻo đầu tàu xe lửa vào nhà bếp lấy cơm cho tổ. Ái ngồi bệt ngay cửa đầu máy, chân đung đưa ra phía ngoài, đôi giày ba – ta đen nhẻm bụi than tung tẩy dọc đường sắt. Xa chỉ nhìn thấy được dáng, không thấy mặt. Nhưng Suyền biết Ái vẫn nhìn vào cửa sổ phòng anh. Anh liền treo lên khung cửa sổ một giò lan “cầm cù”. Treo để đẹp thêm phòng. Cũng để làm chuẩn. Chả thế Ái lại khen: “Giò lan của anh sắp nở hoa rồi phỏng? Em biết!”.
Cả thị xã than rùng rùng sơ tán. Giặc đã dội bom ác liệt thành phố Hải Phòng rồi. Khắp đường phố, xe ô tô to nhỏ, bò, xe ba gác, xe đạp nữa… chở người và đồ vật đổ vào rừng, Suyền đi làm bụng dạ náo động. Cô Yến vẫn đứng ở cửa hàng ăn chào anh, nhí nhảnh: “Chị Ái em lên trận địa. Có nhớ chị em không?” Không thấy mấy cô gái làm đỏm nhà in đâu, kể cả cô gái hay kẻ môi. Mấy hôm nay xe đã đưa các cô đi xa. Bà bán hàng nước cũng dọn cốc bát. Bà ép anh uống một bát cuối cùng: “Thôi anh ở lại. Tôi già, ở đây không ổn, chỉ quẩn chân các anh. Tôi theo các cháu về quê!”.
Suyền có cảm tưởng cả thị xã ra đi, mỗi anh âm thầm ở lại. Vắng tanh, không một bóng trẻ. Ái lên núi nằm quan sát cho trận địa pháo ba bảy của tự vệ xí nghiệp bến. Cô ở miết, không tạt về nhà. Rất nhớ anh, chịu không thể xuống được. Cứ mỗi lần đảo qua cảng gặp nhau một lần ngắn ngủi. Khuyên một câu: “Anh phải cẩn thận. Nhất định nó sẽ bỏ bom cảng mình”. Nghe mà bật cười, người ở trận địa lo người ở dưới phố. Lại dặn một câu: “Cái Yến sắp cưới, mấy hôm nữa thôi. Anh viết hộ nó mấy cái thiếp mời. Nó bảo chữ anh đẹp mà!”. Và đi, bóng Ái chon von trên sười đồi sim. Cái ống nhòm lắc lư trước ngực. Anh biết, người anh yêu đang tới một chỗ đứng mới, không phải đứng trước bè bạn như khi ở cảng, mà trước kẻ thù. Tự dưng anh thấy Ái có một tầm cao khác, một ý nghĩa khác và một cuộc sống khác. Còn mình? Mình sẽ làm gì những ngày tới? Vâng, nó vẫn đơn giản như ngày thường, vẫn chỉ đo đếm, ghi chép lập biểu gửi về Tổng cục. Vẫn những cột số in sẵn, những dòng chữ vắn tắt. Và đường đi, vẫn từ nhà tới cảng chưa đầy một ki lô mét. Nhưng tất cả nó lại không đơn giản nữa rồi, vào lúc này. Anh có dám ở lại với công việc quá quen ấy không? Công việc sẽ phải hứng bom đạn, sẽ chịu nhiều thử thách. Người ta phải ra đi, nhưng mình phải ở lại. “Ở lại” hai tiếng kiêu hãnh đó vang lên trong ngực anh. Nghe âm hưởng như có một điệu kèn nào đó dội về.
Chỉ trong khoảng khắc, trận bom đầu tiên đã làm một vệt dọc, phá suốt thị xã than. Súng đánh trả trên đồi từng nhịp giòn. Suyền từ nhà Ái lao xuống phố. Từ lưng núi, anh nhìn thấy chiếc cầu Cao bị bom cắt phăng, đống khói ngun ngút bốc lên, đen kịt bụi. Suyền nhảy qua các nhà đổ, băng chạy trên đường cái và thoăn thoắt luồn vào khu vực bom rải dày đặc đã nổ và chưa nổ. Anh lao vào khu cửa hàng ăn. Yến đâu? Trong khói bom mờ chảy nước mắt, các cô gái cửa hàng tới tấp ra vào. Một tiếng hỏi: “Nó là người cuối cùng ra khỏi cửa hàng. Nó còn đóng cửa lại, cài then cẩn thận. Xem dưới gầm sân vận động, nó chui ở đấy?”. Suyền chạy lại phía sân. Những tấm bê tông đổ sụp, chồng chéo lên nhau, đất cát ùn từng đống, sặc khói. Suyền dùng xẻng bới đất. Có phải chỗ này có chiếc hầm không? Cho tôi xin chiếc xà beng nào! Hai ba này, đẩy hộ tấm bê tông này ra một chỗ với! Có người thò đầu ra đây. Một bà cụ. Còn thoi thóp, may quá! Yến đâu? Suyền xục chân vào đống cát thấy cộm. Hất nhẹ mấy xẻng cát, lò ra đuôi tóc. Đây rồi. Bới nhẹ đất quanh người Yến ra. Yến ngồi xổm, hai tay đặt trên đùi, mắt dại đờ. Cứ thế, Suyền xốc Yến lên vai, chạy thẳng ra hang số 6 chân núi đá. Ở đấy, một trạm cấp cứu tiền phương vừa lập ra. Bác sĩ mổ còn trẻ, giương đôi kính cận lên nhìn Suyền. Suyền hỏi gắt: “Thế nào, cô ấy còn cứu được chứ?”. Người bác sĩ bậm môi, khẽ lắc đầu. Anh không tin. Không thể có sự vô lý nọ tồn tại trên đời. Làm sao lại không còn nữa một cô gái trẻ, mới trưa nay cặm cụi xếp lại các thiếp mời, nhờ anh đề địa chỉ từng người? Suyền nhao tới chỗ Yến nằm. Người ta đắp trên người cô một miếng chăn đơn đã bạc. Dưới ánh đèn măng sông. Yến nằm thẳng đơ, khuôn mặt đen sạm khói bom, mí mắt còn dính đầy đất. Yến nằm đó, thảnh thơi như người ngủ say.
Đêm đó, anh ra cảng hai lần. Đưa Yến ra khu ngoài đặt tạm ở một kho hàng cũ, vuốt mắt lại cho bạn và dặn dò tỉ mẩn để chị em cửa hàng chuẩn bị liệm, anh mò mẫm đi. Đường phố thường ngày tràn ngập ánh điện, giờ tắt ngấm. Tối như bưng lấy mắt. Nhà cửa đổ ngổn ngang, không cả thấy đường nữa. Suốt từ đấy ra cảng, không bóng người. Đi đo nước xong, Suyền lại đảo về khu đặt xác, người ta đã đem Yến đi. Đêm tối thế này, không biết họ lo chôn cất như thế nào. Quành về nhà, ngôi nhà cũng đổ, chịu, tối quá không trông thấy gì mà bới. “Meo”. A, con mèo còn sống. Nó rúc rúc cái đầu ấm vào chân anh. Anh cúi xuống, nhấc nó lên tay. Mèo ơi, thằng Mỹ nó đã phá đi tất cả những gì là kỷ niệm của chúng ta. Tội ác cực kỳ ghê tởm này, chỉ sớm mai, không chỉ tối nay thôi, cả nhân loại sẽ biết. Người ta sẽ phỉ nhổ vào mặt quân giết người, người ta sẽ hiểu thêm bộ mặt thật của kẻ thù. Từ nay, chúng mình sẽ sống với nhau. Mình sẽ dọn lại đồ đạc, đưa chú mày lên nhà Ái ở. Chúng mình sẽ không rời đất này đi đâu. Nhất định không đi đâu.
Suyền đi làm “ốp” nửa đêm về, trèo từng bậc đá lên nhà Ái. Anh mở khóa. Lạnh tanh, không hơi người. Không thấy đói, cũng không thấy mệt. Chỉ nhớ Yến. Cái dáng lon chon thấp đen luẩn quẩn đâu đây. Cái miệng nhí nhảnh, chúa hay khoe. Hồn nhiên: “Em bảo mẹ em đừng thách. Thách tức là bán con. Mà con lại yêu anh ấy”. Vòi vĩnh: “Anh phải kẻ cho em hai chữ lồng thật đẹp. Bạn bè anh ấy bên cơ khí đã làm xong cụm đèn ong bun tắt mở, mê lắm!”. Và rối rít: “Anh Suyền, đêm ấy đi ốp bảy giờ xong phải tới chỗ em ngay. Chúng em tổ chức ở hội trường nhà máy cơ khí”. Bây giờ cô ấy nằm đâu? Sống mũi anh bỗng cay xè, rất khó chịu.
Nhớ Yến, đâm càng nhớ Ái. Trận đánh ban chiều, hẳn Ái mệt lắm. Súng giòn nổ tới nửa tiếng. Tiếng đạn phừng phừng chụm lên trời. Ái có kịp thấy máy bay vào để báo cho đơn vị? Đôi mắt ấy, tinh lắm! Một đôi mắt trời cho. Trong veo. Con ngươi đen nức, dấp dính nước. Nhìn người yêu, người yêu chỉ biết quay đi. Và nhìn kẻ thù? Chao, anh có thể cam đoan với cuộc đời rằng đôi mắt kia sẽ không phụ lòng tin của bất cứ ai. Một con người trung thực thì không có hành động lén lút nào có thể lọt qua. Ái có biết tin Yến? Hai chị em quấn nhau. Hỏi mình: “Anh có biết sao-sa-tuần-hoàn khác sao-sà- không quy luật thế nào không?”. Chịu, hỏi nước may còn biết hỏi trời sao biết nổi. Lại nói: “Sao bây giờ mấy truyện ngắn hay nói về đường pa – ra – bôn thế, một kiến thức mới à?” Câu này có thể giải thích được, nó rất đơn giản. Còn tại sao người ta thích viết thế, có trời biết! Hai chị em rất mê xem phim, cấm bỏ qua một phim hay nào. Có phim mới đã ơi ới, có khi cả hai cùng mua vé cho nhau. Rũ ra cười. Đến cái nghịch cũng hợp nhau. Mẹ Ái phàn nàn. “Con gái mà nghịch thế này, ai lấy? Về nhà người ta làm chồng hay làm vợ?”. Đồng thanh hét to: “Làm chồng!”. Đấy, một tội ác mới của bọn cướp trời. Nó cướp đi cả tình cảm con người với nhau.
Những ngày đạn bom tiếp theo, liên miên và dai dẳng.
Thị xã suốt ngày réo còi báo động. Chớp bom nhoa nhóa hết góc này, góc khác. Chúng đánh chẳng theo quy luật giờ giấc gì. Máy bay nào réo qua cũng cắt bom. Người ta không hoảng, quen dần tiếng bom nổ. Chợ và các cửa hàng vẫn mở, dù mở vội. Đã có quán cà phê mọc bên chân núi với những cái bánh pa tê nóng rẫy mỡ. Suyền vẫn ngày bốn lần ra với mặt nước. Nói thật, như đi đến chỗ chết. Cảng bị đánh liên miên, đánh từng đợt, mặt nước không yên lúc nào. Chui qua các thành sắt gẫy, vượt qua các hốc bom toàn than, Suyền vẫn phải đi. Đi, bền bỉ trước bom đạn. Có bận, vừa đo nước lên, đạn hai mươi ly của giặc đã chiu chiu, cắm đúng chỗ vừa đứng. Hoặc vừa vào được hầm thì tiếng bom đã rình rình phía ngoài, nghe đường ray viu viu văng đổ. Lại toàn phải đi vào giờ cao điểm, “ốp” mười ba giờ chẳng hạn. Dạn dĩ vì bom. Anh em cảng đùa: “Bão hòa bom!” Ái nhắn về xem Suyền có việc gì không? Anh gửi mấy dòng chữ lên đồi: “Anh rất nhớ em. Cả con mèo đen tuyền nữa, nó cũng nhớ em. Anh không hề bị xày vảy tí gì. Chỉ có râu rậm ra”.
Ái về với anh bất thần, một đêm.
Cô nhót vào nhà, dựng anh ngủ li bì dậy: “Ô hay, mới tám giờ tối, con trai gì đã ngủ mê thế này?” Suyền rụi mắt, ngơ ngác, reo: “Em về lúc nào thế?”. Lanh lảnh: “Mới thôi. Người em bẩn quá, suốt tuần lễ quần liền với chúng còn gì nữa. Có con Vân vừa học ở quân khu lên thay, em vù về nhà ngay. Em phải tắm một cái mới được”. Và biến mất ra ngoài. Suyền cũng chạy ra, giằng lấy đôi thùng: “Cô tự vệ tạm nghỉ ở nhà. Lối này anh quen, để anh gánh cho!“. Một thoáng, gánh nước đã bay lên. Suyền ngồi trong nhà, nghe tiếng dội nước soàm soạp và tiếng người con gái reo giữa bóng tối: “Sướng quá! Mát quá!”. Rồi cửa bỗng bị đẩy vào. Bóng Ái lừng lững ở giữa cửa, kêu to: “Sao nhà cửa tối om thế này? Không có dầu hay ngại máy bay, không thắp đèn? Anh Suyền ơi, anh biết không, bọn em vừa xơi rụng một F4. Một trận đánh tuyệt! Như phim ấy!”. Suyền ngỡ ngàng nắm lấy cổ tay mát rượi kia. Giọng nói mang trẻ trung đầy khắp nhà, như có mùi thơm của phong lan nở. Suyền choáng ngập trước một hạnh phúc tự đến. Anh lúng túng, không biết phải nói với Ái câu gì. Ái, trái lại, nói không nghỉ. Nói đủ thứ chuyện trải qua mấy tháng trên đồi pháo. Chỉ mỗi Suyền biết, Ái cũng đang lúng túng. Một người không biết nói gì để che đi cái xao xuyến bất chợt. Một người phải nói thật hăng, cũng để che đi cái xao xuyến. Đêm mênh mông, bóng tối kín bưng thị xã tránh giặc. Duy có hai con người lại nhìn rất rõ nhau. Nhìn bằng mối rung cảm thật mạnh bên trong. Nhìn, bằng hơi thở.
Hai người lặng lẽ xuống phố. Đến giờ Suyền ra cảng, cũng đến giờ Ái lên đồi. Tiếng Suyền: “Đây, đưa tay anh dắt, chỗ này mới có lối”. Hoặc: “Khu dốc này nhà cửa đổ lấp hết? Quành ra sau nhà mới có bậc xuống. Anh xếp bậc đấy!”. Ra đường, người con gái lại im lặng. Đến lượt chàng trai nói nhiều. Phải ở nhà, cô là chủ. Còn ra đây? Anh, anh đã thuộc tất cả đoạn đường kỳ lạ này. Một đoạn đường của chiến tranh. “Em có biết các cây và vỉa hè có gì mới không? Sắp kỷ niệm Quốc khánh, các chị ở Công ty thị chính vừa cho kẻ lại một lượt vôi. Có đất nước nào người ta vẫn kẻ đẹp một đường phố suốt ngày bị bom đạn không?” Lại tiếng anh: “Em có ngửi thấy mùi hoa gì đấy? Cây giăng đang nở hoa trước cửa rạp chiếu bóng. Em vẫn đi xem phim mà không nhận ra à!”. Một đồng chí công an tuần qua, reo to: “Phải đồng chí Suyền hả? Chỗ chúng tôi bữa nay có nấu cháo gà, đo nước xong nhớ rẽ vào nhé! Ơ, cả cô Ái nữa, vào một thể càng vui!”. Hai người cùng “vâng”. Đã đi qua cửa Công ty than, cửa nhà cung ứng tàu biển. Đường vào cảng mênh mông màu than lẫn với bóng đêm. Chỉ có hai đường ray trắng lên bất chợt, khi có một ngôi sao nhấp nháy vào. Gió hun hút. Gió mặc cả với người sao mà thông thống vậy? Vịnh phập phồng hơi thở nước mặn. Ái sát bên Suyền. Hát. Một bài hát quen quá. Giọng Ái lẫn vào yên tĩnh của đêm. Ôi biển thân yêu, một cánh chim giăng trên bờ sông nước. Ôi biển của tôi, tôi là cánh buồm trên nước mây trôi. Cùng ca lên… Suyền đứng lại nhìn Ái, Ái vẫn hát, vành môi động đậy trong đêm sao, vành môi khẽ mở đầy lời hát. Trông như hoa động nhẹ trước gió. Tiếng hát bập bùng chạy trên mặt sóng. Sóng lăn tăn nhẹ. Bờ đá khẽ dào dạt từng lưỡi sóng liếm. Và đôi mắt cá thu nhìn anh. Thì ra, lâu nay anh vẫn chưa thật biết hết cái đẹp của đôi mắt kia. Anh chỉ biết nó đẹp ở cái dáng. Đêm nay, giữa một đêm chiến tranh ở vùng đất hủy diệt, anh mới hay thêm sức mạnh thật sự của nó. Nó rất điềm tĩnh. Nó sống động. Nó nói với anh rằng trên đời chỉ có sức mạnh của cuộc sống, không hề có sức mạnh của cái chết.
Đột nhiên, tiếng hát ngừng.
– Anh có biết những ngày qua em nghĩ gì? Em nghĩ đến anh. Cứ lẩm cẩm với mình thế này: Có lẽ ở vùng than mình, anh là một trong những người dũng cảm nhất. Đừng ngắt lời em thế. Chúng em còn có súng, bà con còn có hang núi, hỏi anh có gì? Lại nghĩ, dễ người ta cũng quên nốt có anh trên đời. Các ông nhà báo, các ông tìm đến chỗ chúng em để viết bài. Ai đoái hoài tới anh, chả có lẽ em lại giới thiệu. Ngay em, nếu không biết anh, hẳn cũng không ngờ ở giữa vùng đạn bom lại có con người làm một việc rất im lặng: đo nước và đo sóng. Ấy, đừng ngắt lời em thế?. Thỉnh thoảng em vẫn nhìn thấy bóng anh trên đường, trong ống nhòm. Em muốn nhìn lâu, đâu có được. Thấy mình chưa xứng với công sức của anh. Ơ, em đi đây. Anh có nghe sóng vịnh đang đổ không?
Rồi đi, mất biến trong bóng tối dáng cô. Mênh mông dội lại cảng mấy tiếng: “Anh Suyền!”.
Suyền xấu hồ. Lần đầu anh được khen, những lời chân tình, nhưng có phần hơi quá. Tại sao phải mọi người biết đến việc mình? Hãy tự xem mình làm đến đâu, hãy tự nghiêm khắc với bản thân mình. Thiếu gì những công việc lặng lẽ lúc này. Như mấy cô gái quét đường đêm. Bom thả xong, đường được dọn lại và quét sạch. Lặng lẽ… Các cô gái ấy chắc cũng chẳng cần đòi hỏi cuộc đời biết tới. Như mấy anh công an, đêm đêm tuần tra giữ lại những căn nhà chưa đổ, để yên lòng người sơ tán. Chỉ anh và họ thường gặp nhau. Hoặc như hai cô gái cứ nửa đêm kĩu kịt đòn gánh trên đường vắng. Hỏi đi đâu? Trả lời, chúng em mang hàng ra đầu bến phà, bán cho khách đi đường. Chả trông thấy mặt bao giờ. Nghe tiếng nhiều, đâm quen. Một cô có giọng chua, nói ngọng l thành n. Một cô giọng pha Bắc, hẳn bố mẹ ở Nghệ Tĩnh ra mỏ làm ăn. Quấn quýt với anh: “Có bánh ba tê nóng, anh dùng một chiếc!”.
“Cả em, em cũng đang làm một công việc ít người ngờ tới”. Suyền nghĩ về Ái. Tiếng súng của trận địa Ái nổ từng đợt, rắn đanh và chụm. Nói thực những ngày này, tiếng súng đó làm vang cho cả vùng mỏ. Nó như một tiếng thét, trả lời thẳng vào mặt bọn cướp. Chắc là em cực lắm. Bom đạn dữ đội là thế? Lại nắng nôi, trên đồi sỏi càng nóng hơn. Con trai còn đỡ, con gái cực biết chừng nào. Nói riêng cái nạn thiếu nước cũng đủ làm tội các em rồi. Nghĩ thương em lắm. Và căm thằng giặc. Dưới này nhìn lên, lắm lúc buốt cả ruột. Bọn cướp trời phát hiện ra có trận địa pháo, cứ bu máy bay đến giội bom. Bom hỏa mù kín bưng. Bom phá tung đất rào rào xuống mặt đường. Bom bi tung liệng giữa trời, sau mỗi trận bom, cả thị xã ngước mắt chờ. Chỉ thở phào được, khi có tiếng súng trả lời. Nếu có ba tiếng súng đột ngột bắn, chị em tổ cấp cứu chấn thương, vai vác băng ca, tay cầm bông băng, theo xe lên ngay. Cứ thế, trận địa là niềm tin, niềm gửi gắm của cả vùng. Ai cũng tưởng gửi lên đấy một người thân. Anh, anh chẳng có em trên đó đấy ư?
Vẫn chưa thấy mưa sao. Hay trời mù quá, nhìn không rõ? Bầu trời đang ngả về sáng, phía đông khẽ ửng lên màu trắng mịn, khéo như người đánh phấn. Ống nhòm của Ái lia khắp hướng núi xa, đỉnh ngọn đang mờ mờ sáng. Nếu được nhìn thấy sao thì đứng đây, mình sẽ nhìn rõ nhất. Anh Suyền bảo thế nào? Từ một điểm trên bầu trời sẽ bay tóa ra hàng trăm sao sa trong một phút và cảnh đó dài hàng giờ. Như pháo hoa. Một hiện tượng đẹp và hiếm thấy của bầu trời. Anh, lúc này anh có đứng dưới cảng chờ mưa sao tới?
Bất giác, Ái quay sang bên hỏi bạn:
– Vân, cậu có biết mình ứng với một ngôi sao nào không?
Rồi rất nghiêm trang, Ái tự trả lời bằng giọng hơi run, người ngoài ít nhận thấy:
– Một ngôi sao khí tượng!
1974
L.B.C