Từ sau năm 1945 đến nay, nền văn chương nước nhà luôn được tô đậm bởi một đội hình nhà văn – chiến sĩ trưởng thành từ trong khói lửa của cách mạng và chiến tranh. Nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị làm nên bản sắc văn chương nước nhà, mới đây Hội Nhà văn Việt Nam cho xuất bản Tuyển tập văn xuôi và Tuyển tập thơ thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước.
Kỳ này vanhaiphong.com xin được giới thiệu cùng bạn đọc truyện ngắn “Đêm trắng” của nhà văn Hoàng Hữu Các in trong Tuyển tập văn xuôi thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước.
Từ sau năm 1945 đến nay, nền văn chương nước nhà luôn được tô đậm bởi một đội hình nhà văn – chiến sĩ trưởng thành từ trong khói lửa của cách mạng và chiến tranh. Nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị làm nên bản sắc văn chương nước nhà, mới đây Hội Nhà văn Việt Nam cho xuất bản Tuyển tập văn xuôi và Tuyển tập thơ thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước.
Kỳ này vanhaiphong.com xin được giới thiệu cùng bạn đọc truyện ngắn “Đêm trắng” của nhà văn Hoàng Hữu Các in trong Tuyển tập văn xuôi thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước.
Nhà văn Hoàng Hữu Các (Ảnh Internet)
HOÀNG HỮU CÁC
HỌ VÀ TÊN KHAI SINH: HOÀNG HỮU CÁC. SINH NGÀY 13 THÁNG 9 NĂM 1946. QUÊ QUÁN: DIỄN LỘC, DIỄN CHÂU, NGHỆ AN. DÂN TỘC: KINH. NHIỀU NĂM THAM GIA TRONG QUÂN NGŨ: QUÂN CHỦNG PHÒNG KHÔNG – KHÔNG QUÂN, TỪNG LÀM TRỢ LÝ CÂU LẠC BỘ SƯ ĐOÀN, TRỢ LÝ VĂN NGHỆ QUÂN CHỦNG PHÒNG KHÔNG- KHÔNG QUÂN. HIỆN LÀ PHÓNG VIÊN BÁO GIA ĐÌNH VÀ XÃ HỘI.
ĐÊM TRẮNG
Ịch, ình, ịch… Tiếng chày gỗ nện vào cối đá vang trong đêm không trăng sao, nghe đâu như từ thủa hồng hoang vọng về. Đằng sau những tiếng ịch, ình ấy, có bóng dáng một người đàn bà, kiên nhẫn đạp bàn chân trần vào cần cối, chúi người về phía trước, dồn hết trọng lực vào đầu cần bên này để buộc đầu cần bên kia phải nổi lên, rồi buông chân ra cho cái chày rơi vào lòng cối.
Thuở bé, tôi đã từng ngồi đếm những tiếng chày của mẹ tôi. Thường thì cứ khoảng hai nghìn tiếng ịch, ình như thế là trắng một cối gạo.
Và hôm nay, tôi đi dọc con đường lổm nhổm đá sỏi, đếm tiếng chày giã gạo đêm của làng. Công việc này, bao giờ người làng tôi cũng làm về đêm, vì ban ngày còn bận việc ngoài đồng.
Đã lâu lắm, đâu như từ trăm năm trước, nghìn năm trước, ở làng tôi, mỗi nhà đều trồng ở góc vườn một cây duối. Mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm, cây duối vẫn không cao quá đầu người, không to hơn cái cột nhà, chỉ mọc thêm vô số cành mấu xương xẩu. Và người ta ngả cây duối ra (đào cả gốc) vạt sạch cành mấu, bóc hết vỏ, để ngoài trời ba tháng cho thật khô, thế mới được một cái chày (gọi là cái mỏ cối) gan ở phía trước cần cối. Cả đời người có khi chỉ cần một cái mỏ cối như thế thôi. Nó không bao giờ bị sứt gãy, nứt nẻ. Nó cứng ngang lim, nhưng dai hơn bất cứ loại gỗ nào trên đất nước ta. Lại nữa nó còn có tính đàn hồi. Cái mỏ cối chạm vào đá thì nảy lên, rồi lại rơi xuống lần nữa và tạo nên cái tiếng “ình” phía sau.
Tôi tạt vào một căn nhà có những tiếng ịch, ình nhà bạn tôi – anh Tuệ hiện là bí thư đảng ủy xã.
Ở nhà dưới, vợ Tuệ đang hối hả đạp cối gạo. Còn ở nhà trên, Tuệ ngồi một mình bên chiếc bàn vuông, thường ngày vừa dùng làm bàn ăn, lại vừa dùng để làm việc. Gói Sa Pa bẹp dúm nằm bên chiếc gạt tàn đã đầy phè tàn thuốc lá và những đầu mẩu ngắn tị. Ấm trà hình như đã nguội ngắt, để cạnh chiếc đèn dầu vặn ngọn to. Tuệ ngồi, nửa người chồm về phía trước, hai khuỷu tay chống mặt bàn, mái đầu đã loáng thoáng vài sợi tóc bạc, cúi gằm, nặng trĩu.
Nghe tiếng chân tôi, Tuệ ngẩng lên. Gương mặt anh, nhìn phát sợ, cặp mắt hõm sâu chứa một nỗi buồn ngột ngạt, hai lưỡng quyền nhô cao như hai cục đá xám, cằm lởm chởm râu.
– Cậu làm sao thế, Tuệ?
Im lặng.
– Ốm phải không?
Mái đầu vẫn cúi gằm bất động, giờ khẽ lắc.
– Vậy thì làm sao? Chuyện gì? Cậu nói đi!
Vẫn im lặng.
Mãi sau Tuệ mới hỏi tôi:
– Cậu đi đâu thế?
– Tớ đi dạo, thấy nhà cậu còn sáng đèn, tớ tạt vào.
– Đêm nay cậu có viết không?
– Không. Chẳng có chuyện gì để viết cả. Đầu óc rỗng không.
– Vậy thì ở đây nhé. Mai về.
Tôi gật đầu. Tuệ mở tủ, lấy ra chiếc hộp sắt nhỏ:
Còn nửa lạng cà phê đây. Nhưng thuốc lá thì hết rồi. Thôi, đành hút thuốc lào vậy.
Tuệ cho cà phê vào phin. Tôi tráng ấm, chén, pha trà uống tạm, trong khi chờ được cà phê và chờ nghe chuyận của Tuệ. Hẳn đêm nay Tuệ sẽ nói với tôi nhiều chuyện quan trọng. Tôi đoán như vậy. Thì kìa, Tuệ đang nhìn tôi dò hỏi, đắn đo. Có lẽ lúc này, anh đang nghĩ xem có nên nói hết với tôi hay không và nói như thế nào.
– Bao giờ cậu ra Hà Nội? – Tuệ hỏi.
– Ngày kia, mình sang mộ mới cho bố mình, xong việc mình mới đi.
– Ông cụ mất thế mà được ba năm rồi đấy nhỉ? Nhanh quá? Mà cũng thật quá. Chỉ cái chết là thật. Còn nữa thì giả, quá nhiều cái giả.
– Cậu điên hay sao mà nói nhăng nói cuội thế?
Tuệ cười gằn, tiếng cười khô khốc:
– Điên hả? Cũng có thể. Tớ nói điều này cậu nghe còn điên hơn nữa cơ: Tớ sẽ mở đầu cuộc chiến đấu một sống một chết với bọn cơ hội mang danh đảng viên ở cái làng này. Chúng nó sẽ chết hết, hoặc là tớ chết.
– Nhưng làm sao? Chuyện thế nào? Hay là chuyện đánh đấm, lật đổ nhau?
– Không có chuyện đó. Hiện giờ tạm thời chưa đứa nào đụng đến tớ cả. Cậu biết rồi đấy, làng ta có ba dòng họ lớn: họ Lê, họ Phan, họ Nguyễn. Thằng nào muốn lật tớ đều phải kéo cả dòng họ nhà nó vào cuộc. Nhưng chúng lần lượt đều bị tớ cho “nốc ao” hết. Bây giờ, tất cả quyền lực vẫn nằm ở tay tớ. Sau lưng tớ, nhiều thằng gọi tớ là Mao của làng Nho. Tớ biết hết. Nhưng tớ mặc kệ. Thì đã sao nào?
Cậu đã bao giờ nghiên cứu vễ cái tính say mê quyền lực của con người chưa? Chưa hả? Vậy thì nên nghiên cứu qua một chút. Cũng đáng công đấy. Đại thể, quyền lực nó như rượu ấy, một thứ rượu êm và ngọt cực kỳ, nhưng rất dễ say, hễ nhắp vào là say, rồi mê. Từ ngày Đảng giành được chính quyền đến nay thì quyền lực nằm hết trong tay đảng viên. Cũng là nông dân cả thôi, nhưng anh nông dân có hai chữ “đảng viên” sướng hơn anh nông dân tộc. Vì chí ít, anh ta cũng là đội trưởng sản xuất, mà đã là đội trưởng thì sướng hơn xã viên. Mỗi anh đội trưởng có trong tay cả một trời điểm. Anh ta có quyền ban phát điểm cho mọi người thì cớ gì anh ta lại không ban phát cho mình. Một mảnh giấy bằng bàn tay, ghi vào đấy mấy con số, ký cái xoẹt, thế là có cả ngàn điểm. Mà từ điểm biến thành thóc, cô kế toán chỉ phải gẩy có một con tính nhân. Đây là cách ăn cắp mau lẹ nhất, êm thấm nhất. Ăn cắp thóc của xã viên hẳn hoi mà không nghe tiếng sột soạt. Chuyện mới đầu năm đây thôi. Cậu biết thằng Giao, con ông Tuấn chứ gì? Hắn là đảng viên thường, làm đội trưởng chăn nuôi. Vừa rồi hắn cân một con lợn gia công cho hợp tác xã mà lấy tới bốn lần thóc, mỗi lần ba tạ rưỡi. Mới chỉ là đảng viên thường thôi đấy nhé! Còn đảng viên có chân trong cấp ủy thì khỏi phải bàn, miệng nói đã có gang, có thép rồi. Vì thế nên chẳng ai muốn mất quyền lực. Không muốn mất thì phải giữ. Quyền nhỏ thì một mình cùng anh em trong nhà cũng có thể giữ được. Quyền lớn hơn chút nữa thì phải kéo cả họ ra mà giữ. Vì thế nên đảng bộ xã lúc nào cũng mắc bệnh bè phái. Một đảng bộ nhưng lúc nào cũng có ba bè phái, ba tập đoàn. Mỗi kỳ đại hội, mỗi lần bầu cử, đến mục nhân sự, cãi nhau như mổ bò, chẳng khác gì việc làng ngày xưa. Rồi chẳng mấy khi trong đảng bộ không có việc vu cáo, bôi nhọ nhau, hạ uy tín của nhau. Nhưng cái ác nhất là phá hại nhau. Trước Đại hội 6 vừa rồi hợp tác xã đổi về được hơn chục tấn thóc cao sản, đấy là nhờ tài tháo vát của chủ nhiệm và phó chủ nhiệm phụ trách kế hoạch. Nhưng đến tay đội kỹ thuật thì thóc giống không mọc mầm. Tay phó chủ nhiệm phụ trách kỹ thuật đã giội thêm nước sôi vào thóc. Thế là hết. Thiệt hại dân chịu, đói dân chịu, miễn là chúng nó phá được nhau, hạ được uy tín của nhau.
Phổ biến hơn, cũng ranh ma hơn, là trò mị dân. Dân mình thủy chung quá. Đảng đã làm được một việc cực kỳ lớn là cởi ách nô lệ eho dân, nên sau này tình hình dù có phức tạp thế nào, dân vẫn nhớ công ơn Đảng. Bất cứ ai mở miệng ra cũng nói câu: “Nhờ ơn Đảng và Chính phủ”.
Trước ngày bầu cử, người ta bán thêm mắm, muối, dầu hỏa ở cửa hàng để mót từng lá phiếu. Có thằng còn làm thơ ca ngợi nhân dân ngay giữa những ngày đại hội đảng bộ để kiếm thêm phiếu bầu. Chuyện say mê quyền lực phong phú lắm. Cậu cứ tìm hiểu nhân dân. Họ sẽ kể cho cậu nghe khối trò.
Nhưng, ít nhất ở làng này cũng có một người không say mê quyền lực.
– Ai vậy?
– Cậu chứ còn ai nữa? Cái giọng kể đầy dè bỉu kia, chứng tỏ cậu không say mê quyền lực.
– Tớ cũng say mê quyền lực, có khi là người say mê nhất ở cái làng Nho này. Có điều tớ không vụ lợi. Cậu xem, mười lăm năm làm bí thư mà nhà cửa còn tuềnh toàng thế này có nghĩa là tớ không vụ lợi. Tớ khác bọn thằng Thọ, thằng Giao, thằng Thành ở chỗ đó. Nhờ thế mà tớ thắng. Bọn chúng thua tớ vì chúng nó tham. Tham quá hoá ngu. Trăm thằng tham là cả trăm thằng ngu. Mà đánh thằng ngu thì nào có khó gì!
Tuệ nhấp một ngụm cà phê, hút liền hai điếu thuốc lào rồi lại ngồi im. Cặp mắt nóng đỏ nhìn đâu đó. Khi người ta không nhìn vào đâu cả tức là đang nhìn vào chính mình. Tôi kiên nhẫn chờ đợi, không góp chuyện, cũng không gợi hỏi. Vả lại, lúc này tôi cũng đã đỡ lo đôi phần. Bạn tôi hiện đang nắm quyền lực, hiểu rõ chữ lợi nằm kề chữ quyền nhưng lại không vụ lợi, có nghĩa là bạn tôi vì một cái gì đó cao hơn cái tầm thường, thế là đáng mừng, hoặc chí ít cũng không đáng lo sợ
Thực ra, ở cái làng Nho này, nếu cần phải giao tất cả quyền lực vào tay một người thì người ấy phải là Tuệ, chỉ một mình Tuệ thôi.
Ba mươi năm trước, chúng tôi là những chàng trai mới lớn; Tuệ mười bảy tuổi, tôi mười sáu. Cuộc sống ngày ấy sao mà đẹp thế, thanh thản thế.
Buổi sáng hai đứa vác cày, lùa trâu ra đồng cày một mạch bốn sào ruộng. Về nhà, mỗi đứa ăn hết một mủng khoai luộc, uống hết nửa ấm tích nước chè xanh rồi rủ nhau đi kẻ khẩu hiệu tuyên truyền cho chính sách hợp tác hóa nông nghiệp. Buổi tối, chúng tôi trèo lên cây đa đại thụ giữa làng, đọc báo Nhân Dân cho cả làng nghe. Cái loa ngày ấy là cái mo cau cuộn hình sâu kèn, nhưng giọng đọc thì nhiệt tình lắm, tin tưởng lắm. Có lần trong khi ngồi chờ đến phiên mình đọc, Tuệ đã ngủ gật, ngã từ ngọn cây xuống, bị gãy mất cánh tay phải. Vậy mà hai tuần sau, người làng tôi đã được nghe giọng của Tuệ sang sảng trên cao, không phải trên ngọn cây đa mà là ở đâu đó cao hơn, như tận trên lưng chừng trời.
Rồi làng thành lập hợp tác xã nông nghiệp. Cái làng Nho cổ truyền được đổi tên thành “Hợp tác xã Tiền Phong”. Ruộng đất tập trung, trâu bò tập trung, đến cái cày, cái cuốc cũng tập trung vào kho hợp tác xã.
Bà mẹ Tuệ lùa con trâu mộng to béo của mình tập trung vào trại trâu của hợp tác xã. Chân trâu bước nặng trịch, chân người bước còn nặng hơn. Và mẹ mếu máo.
Tuệ gắt: “Mẹ bảo thủ và tư hữu lắm. Cần quái gì trâu bò nữa. Nay mai, hợp tác xã sẽ đưa máy móc về, tất cả sẽ làm bằng máy, và xã viên, ngày ba bữa, xách ga men đến nhà ăn tập thể ăn cơm với thịt. Cái sướng sờ sờ trước mặt không thấy còn mếu máo”.
Thế đấy, ấu trĩ, ngộ nhận, buồn cười nữa, nhưng thực lòng. Từ bấy đến nay tấm lòng của Tuệ vẫn trong trẻo thế. Và anh Tuệ trưởng đội tuyên truyền ngày xưa, bây giờ là bí thư đảng ủy một xã trọng điểm lúa. Mười năm làm bí thư, không tham lam, cũng không độc ác, nên mọi buồn vui cũng là nỗi niềm của hàng xóm quê hương. Với anh, bao giờ cũng chỉ có thể thương chứ không thể giận. Vì thế mà anh trụ được chừng ấy năm ở làng tôi.
– Ông Thụy mất rồi. Mất ngày 18 tháng giêng năm nay – Tuệ tiếp. – Sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, ông Thụy được cử làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến xã ta. Ở làng này, ông là người đảng viên đầu tiên được Đảng giao quyền lực. Một tuần trước khi ông mất, tớ có đến thăm ông. Ông cho tớ một cuốn sách, do ông viết tay bằng mực nho, rất công phu, gọi là cuốn “Làng Nho kỷ yếu”. Đọc cuốn sách đó, tớ hiểu thêm được nhiều điều về làng ta.
Đại để, trước làng ta có hơn một nghìn sáu trăm mẫu ruộng, nói chính xác là một nghìn sáu trăm mẫu hai sào chín thước. Số ruộng đó, làng trích ra ba mươi tám mẫu làm công điền, gồm mười tám mẫu chia cho ba dòng họ lớn: Lê, Phan, Nguyễn làm ruộng thờ và hai chục mẫu dành cho việc học. Ai đỗ tiến sĩ, được làng thưởng hẳn một mẫu ruộng, không phải đóng thuế. Những người đậu phó bảng, tam trường thì thưởng năm sào, cũng không phải đóng thuế. Số ruộng học còn lại, làng chia cho các nho sinh trong làng cấy rẽ, mức tô thấp hơn mức đương thời một bậc. Số ruộng học này (trừ số đã thưởng cho những người đỗ đạt) đến đời ông Thụy làm Chủ tịch còn mười bốn mẫu. Ông Thụy vẫn giữ nguyên số ruộng này dùng để xây trường lớp và trả thêm lương cho các thầy giáo, mua phần thưởng hàng năm cho các em học giỏi. Đấy là nói về việc học. Nhờ thế mà thời nào, làng ta cũng có tiến sĩ (chỉ trừ có thời này).
Còn về hành chính thì làng ta chia thành năm khoán và một giáp (khoán là những xóm nằm trong lũy tre làng, còn giáp là xóm nằm ngoài lũy tre). Mọi việc của cả năm khoán và một giáp này đều do một hội đồng hương chức giải quyết. Hội đồng này chỉ có năm người thôi. Một ông lý trưởng giữ triện và bao quát chung, một ông hương bạ lo các loại giấy tờ sổ sách như phó chủ tịch phụ trách nội chính bây giờ, một ông hương kiểm lo về an ninh, một ông hương mục lo việc thủy lợi, đồng áng, ruộng đất, và một ông hương thôn lo các việc hội hè, đình chùa, chỉ thế thôi, năm người. Vậy mà kỷ cương không hề bị vi phạm, làng xóm luôn giữ được nền nếp quy củ. Còn bây giờ cái xã Tiền Phong này có bao nhiêu ông hương chức? Cậu biết không? Hai trăm ông? Làng Nho xưa có năm người làm bộ máy hành chính thì dân cày một ngàn sáu trăm mẫu ruộng. Còn xã Tiền Phong bây giờ có hai trăm ông hương chức chỉ huy, dân cày một ngàn hai trăm tám mươi mẫu ruộng. Ruộng chui dần vào thổ cư, vào các công trình. Cũng hợp lý thôi. Nhưng có điều này không hợp lý: Ruộng giảm dần, bộ máy hành chính tăng dần. Cái bộ máy hành chính, khi đã phình ra, tự nó sẽ nghĩ ra vô khối cách để cướp của dân: Thuế gà vịt, thuế lò gạch, lò vôi, rồi thuế đường. Một chiếc xe tải chạy qua đường làng ta nộp ba trăm đồng tiền thuế, xe con hai trăm đồng, xe bò lốp một trăm. Mỗi bè gỗ xuôi qua bến sông làng ta phải nộp ba nghìn đồng tiền thuế. Mà con sông Sắt này đâu chỉ chạy qua mỗi địa giới làng ta. Nếu làng nào cũng làm ăn theo kiểu này thì tình hình sẽ ra sao? Mỗi làng đẻ ra một thứ luật lệ, một hình thức ăn chặn.
Càng nói, mắt Tuệ càng trợn ngược lên và vằn nổi những tia máu đỏ. Rồi Tuệ khóc hộc lên như tiếng kêu của con thú bị cùng đường.
– Giờ tao cô đơn, mày ạ. Bao năm nay, tao xem việc xây dựng lực lượng, gây bè cánh là một việc hèn hạ, xấu xa, một tội lớn đối với Đảng. Nhưng bọn cơ hội, bọn mọt dân thì ngấm ngầm xây dựng lực lượng.
Tao luôn bị thiểu số trong các cuộc họp. Trong các hội nghị, tao ngồi giữa các người đồng chí của mình mà chỉ nhìn thấy những ánh mắt đố kỵ, hằn học. Mọi ý định của tao đều bị bác hết bằng cách biểu quyết. Còn với các nghị quyết của cấp trên thì chúng không thực hiện.
Tôi xốc Tuệ dậy, kéo anh đi ra ngoài trời một lát cho thần kinh anh dịu lại. Chúng tôi bước cạnh nhau, rất chậm, dọc đường làng.
Bỗng tôi gặp một đốm lửa nhỏ lập lòe trên đỉnh núi Thành Hoàng, giữa cánh đồng làng tôi.
Từ bé đến giờ, đã nhiều lần, tôi trông thấy đốm lửa ấy, nhưng chưa bao giờ tôi dám tin đó là sự thật. Có lẽ chỉ là một ảo ảnh, hoặc một vì sao đột ngột sà xuống đỉnh núi.
Mẹ tôi kể rằng:
“Ngày xưa, hạt thóc ở làng ta ít thôi, nhưng rất to, to hơn cái mõ lớn treo ở đình làng. Nhưng con người cứ đông mãi lên nên không đủ thóc để chia cho mỗi người một hạt. Thế là nổ ra cuộc xâu xé, tranh giành nhau từng hạt thóc. Người ta vác dao, búa ra bổ nát từng hạt thóc để chia phần. Rốt cục cũng chẳng ai được ăn, thóc bị bổ vụn thành cám, lẫn với bùn đất. Ít lâu sau, từ trong cám mọc lên chi chít những cây lúa non và đến mùa lúa chín chỉ thấy những hạt thóc bé xíu như bây giờ. Sau này, làng ta đã lập đền thờ hạt thóc to, quý kia. Trong đền, làng thờ một hạt thóc to bằng hai chiếc thuyền nan úp lại và ông Thành Hoàng của làng.
Ông Thành Hoàng làng ta là người sinh ra giống lúa có hạt thóc quý báu ấy. Ông chơi thân với ông Thành Hoàng làng Trúc bên cạnh. Cả hai làng đều trồng loại lúa kia và đều ấm no sung sướng. Người làng Trúc chịu ơn ông Thành Hoàng làng Nho, nể trọng ông, định sau này chỉ lập đền thờ ông Thành Hoàng làng Nho thôi. Thế là ông Thành Hoàng làng Trúc sinh ra thù ghét bạn. Một hôm, ông bắt được một con rết to trên núi. Ông vác đá chặn cổ con rết định đập chết mang về ngâm rượu. Bỗng con rết nói ra tiếng người:
– Tôi là thần núi đây. Ông đừng giết tôi. Tôi sẽ cho ông ước một điều. Ông ước gì được nấy, nhưng ông được một, bạn ông sẽ được hai vì bạn ông là người rất tốt.
Ông Thành Hoàng làng Trúc ngồi bên con rết nghĩ suốt một ngày. Cuối cùng ông nói:
– Tôi ước được đui một mắt và thế là ông Thành Hoàng làng ta bị đui cả hai mắt.
Về sau, vì thương ông Thành Hoàng làng Nho bị bạn phản, nên đêm đêm, con rết vẫn vào đền nhả một hòn ngọc to dưới chân ông để rọi sáng cho ông. Đốm lửa mà đêm đêm người làng ta nhìn thấy trên đỉnh núi, chính là hòn ngọc ấy. Còn người làng Trúc thì xấu hổ về ông Thành Hoàng làng mình, nên đến giờ vẫn không dám vào ở trong lũy tre và gọi là Giáp Trúc”.
Muộn còn hơn không. Phải bắt đầu cuộc chiến đấu ở khâu cán bộ, từ việc làm trong sạch đội ngũ đảng viên của đảng bộ. Với tớ đây là cuộc chiến đấu sống còn.
Chợt cảm thấy hơi nước đẫm trong gió. Chúng tôi đi ra bờ con sông Sắt lúc nào không ai hay. Phía trước, một cánh buồm đêm đang lướt nhanh về phía đông, dưới chân cột buồm là một ngọn đèn bão, tỏa một khoảng sáng vàng nhạt.
Tôi nhìn theo cánh buồm, cứ ngỡ như ngọn đèn kia đang kéo con sông Sắt ra với biển. Nhưng chẳng phải, chính gió và sóng nước đang đẩy thuyền đi.
Tháng 1 năm 1988
H.H.C