Từ sau năm 1945 đến nay, nền văn chương nước nhà luôn được tô đậm bởi một đội hình nhà văn – chiến sĩ trưởng thành từ trong khói lửa của cách mạng và chiến tranh. Nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị làm nên bản sắc văn chương nước nhà, mới đây Hội Nhà văn Việt Nam cho xuất bản Tuyển tập văn xuôi và Tuyển tập thơ thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước.
Kỳ này vanhaiphong.com xin được giới thiệu cùng bạn đọc truyện ngắn “Dì Hậu” của nhà văn Đỗ Kim Cuông in trong Tuyển tập văn xuôi thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước.
Từ sau năm 1945 đến nay, nền văn chương nước nhà luôn được tô đậm bởi một đội hình nhà văn – chiến sĩ trưởng thành từ trong khói lửa của cách mạng và chiến tranh. Nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị làm nên bản sắc văn chương nước nhà, mới đây Hội Nhà văn Việt Nam cho xuất bản Tuyển tập văn xuôi và Tuyển tập thơ thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước.
Kỳ này vanhaiphong.com xin được giới thiệu cùng bạn đọc truyện ngắn Dì Hậu của nhà văn Đỗ Kim Cuông in trong Tuyển tập văn xuôi thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước.
Nhà văn Đỗ Kim Cuông
HỌ VÀ TÊN KHAI SINH: ĐỖ KIM CUÔNG. SINH NGÀY 25 TH ÁNG 4 NĂM 1951. QUÊ QUÁN: TP. THÁI BÌNH. DÂN TỘC: KINH. HIỆN THƯỜNG TRÚ TẠI: 260 ĐỘI CẤN, BA ĐÌNH, HÀ NỘI. NĂM 1968: NHẬP NGŨ, VÀO CHIẾN TRƯỜNG TRỊ – THIÊN HUẾ THAM GIA CHIẾN ĐẤU TRONG CHIẾN DỊCH XUÂN 1968, XUÂN 1972 VÀ CHIẾN DỊCH HỒ CHÍ MINH NĂM 1975. NĂM 1976, CHUYỂN NGÀNH, HỌC ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HUẾ, LÀ CÁN BỘ GIẢNG DẠY KHOA NGỮ VĂN TRƯỜNG CAO ĐẲNG SƯ PHẠM NHA TRANG; NGUYÊN BÍ THƯ ĐẢNG ĐOÀN, PHÓ CHỦ TỊCH HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT KHÁNH HÒA, TỔNG BIÊN TẬP TẠP CHÍ NHA TRANG. VỤ TRƯỞNG VỤ VĂN NGHỆ, BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG. HIỆN LÀ PHÓ CHỦ TỊCH UỶ BAN TOÀN QUỐC LIÊN HIỆP CÁC HỘI VHNT VIỆT NAM
DÌ HẬU
I.
Tin mười ngày nữa Dì Hậu sẽ từ Anh Quốc trở về thăm họ tộc chỉ một buổi chiều đã loang ra cả làng. Khởi đi bắt đầu từ nhà ông Hà, rồi qua nhà ông Tắt, anh Cả Từ… Người nọ rỉ tai người kia, nhà này truyền sang nhà khác. Mẹ tôi đi chợ về, không giấu được niềm vui, bảo với tôi như vậy. Dì Hậu không gửi thư cũng chẳng đánh điện tín báo cho ông Tắt trưởng tộc họ Nguyễn việc dì về thăm quê. Tin ấy được thằng Hàn, con trai út của ông Hà hiện đang ở Mỹ gọi điện về báo trực tiếp cho bố. Chả lẽ sai? Nó còn dặn: “Thầy sang nói với bác Tắt, cô Liễu chuẩn bị chu đáo để đón cô Hậu!”
Ông Hà bỏ cả bữa cơm trưa sang nhà ông Tắt và hỏi: “Bác cả tính sao?” Sau một hơi thuốc lào như bị tắc nghẽn từng chặng, ông Tắt mới thủng thẳng bảo ông em: “Tính gì! Cô ấy đi Nam không nói cho nhà một tiếng. Ngày thống nhất thầy còn sống không nỡ vác mặt về thăm thầy lấy một lần. Bây giờ cô ấy còn về đây làm gì cho nhục”. “Bác cả giận làm gì? Cô Hậu chả đã có thư xin lỗi bác rồi sao?” Ông Hà đỡ lời. “Tôi chả thèm giận. Nhưng tôi nhục. Nhục cho nhà mình. Nhục cho cả họ Nguyễn. Khốn nạn! Thế chú quên cái dạo tôi đang làm thôn đội bị mấy ông cắt chức chỉ vì có đứa em gái theo giặc. Con chú năm lần bẩy lượt xin đi làm nhà nước rốt cuộc đều bị gác lại vì lý lịch đấy thôi. Họ nhà ta có đứa nào vào nổi đại học nào, cao nhất mới qua được anh trung cấp còn không nữa là đi bộ đội. Cũng tại cô Hậu cả! Chú quên nhưng tôi nhớ. Tôi giận cô ấy đến chết”. “Thôi em xin anh chín bỏ làm mười. Chuyện cũ mấy mươi năm. Thầy mẹ cũng đã trở thành người thiên cổ. May mà cô Hậu còn sống, anh em gặp được nhau là qúy”. “Việc này tùy chú bàn với cô Liễu… “. Ông Tắt nói dỗi.
Ông Hà tìm tôi và kể lại đầu đuôi câu chuyện. Tôi sống gần bác Tắt đã lâu, biết ông còn giận dì Hậu lắm. “Cháu là người có học lại quen biết rộng, cháu giúp bác việc đón rước cô Hậu”. Ông Hà bảo tôi. “Vâng ạ”. Tôi đáp vui vẻ. Mẹ tôi vừa quết vôi vào lá trầu, vừa bảo: “Phải đấy, con giúp bác Hà… Mấy mươi năm dì Hậu xa quê, chị em tôi gặp nhau lần này, biết đâu là lần cuối”.
II.
Dì Hậu là con út của bà ngoại tôi, thua mẹ tôi tám tuổi. Dì đẹp có tiếng ở làng Chùa. Trong cuốn anbum cũ kỹ của nhà tôi, đến nay vẫn còn giữ được vài tấm ảnh của dì Hậu. Dì và mẹ tôi ăn mặc theo lối tân thời, áo dài trắng sát gót. Tóc dì chải lật, rẽ ngôi lệch đeo ví đầm, còn mẹ tôi đội khăn nhiễu điều. Có tấm ảnh Dì Hậu mang kính râm chụp chung với mấy người sĩ quan Ngụy đứng trước cửa nhà thờ, trong ngày Noel. Khi tôi ra đời, quân Pháp đã bình định xong vùng đồng bằng Bắc Bộ. Thị xã quê tôi bị giặc chiếm đóng. Mười sáu tuổi, mẹ tôi đã lấy chồng mở cửa hiệu buôn vải trên phố. Trong khi đó, ông bà ngoại tôi cùng những người con trai sống ở làng, thuộc vùng “tự do”. Khoảng cách giữa vùng “tề” và vùng “tự do” chỉ là một con sông đào rộng vài chục sải. Lũ trẻ con chúng tôi ngày bé đã thử sức ném hòn “thia lia” từ bờ bên này sang bờ bên kia. Ở phố có đồn lính Pháp, lính bảo an canh giữ, lùng sục. Bên kia sông đêm đêm du kích, dân quân vác súng đi chốt. Đám thiếu niên khua trống ếch vang lừng. Có đêm bộ đội về dạy múa hát. Sau này, địch thường sang càn và đóng hẳn một bốt ở chùa Tuyền nhưng cán bộ cách mạng vẫn thường về họat động. Họ ngoại tôi sống bằng nghề làm ruộng nấu mạch nha và nuôi lợn sề. Mạch nha làm kẹo bánh. Ngày nhỏ, tôi thường theo bà ngoại sang sông ăn cỗ, bao phen thỏa sức nhai những cây kẹo mạch nha già quấn chặt vào chiếc đũa tre, trẹo cả hàm. Kẹo mạch nha già cứng và dai. Chó đớp phải còn dính răng nữa là…
Mẹ tôi buôn bán có của ăn của để, mấy ông anh cày ruộng có ý không ưa. Nhưng dì Hậu thì lại thích và hợp tính hợp nết với mẹ tôi lắm. Từ năm 17 tuổi, sau khi kiếm được cái bằng Xéc tipiac, dì sang ở hẳn với nhà tôi, giúp mẹ tôi buôn bán. Tôi không nhớ hết những viên quan Pháp, sĩ quan chỉ huy đồn binh, mấy ông “đốc tờ” ở nhà thương từng theo đuổi Dì Hậu. Dĩ nhiên là dì tôi đẹp, lại có học, ăn nói văn hoa. Khi dì tôi trang điểm son phấn khăn áo ra đường mấy cô con nhà giàu trên phố và cả đám hát cô đầu còn ghen tị. Nhưng dì tôi chẳng để mắt tới ai, mặc dầu đã có vài đám đánh tiếng dạm hỏi. Lối sống phóng khoáng, tân tiến của Dì Hậu chẳng khác nào cái gai chọc vào mắt ông ngoại tôi. Thêm những lời đồn đại, mách lẻo của những kẻ hay đưa chuyện. Ông tức. Ông chửi. Ông đánh đập dì đuổi khỏi nhà. Nghe ai mách Dì Hậu đi theo xe của quan đồn binh Pháp hoặc vào nhảy trong bar với đám sĩ quan, chỉ cần thấy bóng dì về dù lúc ấy đang cày ở ngoài đồng, ông tôi cũng thả trâu, vất bừa đấy vác đòn gánh đuổi đánh Dì Hậu. Dì tôi sợ xanh mắt quăng guốc bỏ chạy về bên phố. Đã bao phen dì ôm tôi ngồi khóc. Tôi mới chỉ là một đứa trẻ con ba tuổi, thơm lừng trong mùi son phấn và nước hoa vương trên quần áo, đầu tóc của dì, không hiểu vì sao người lớn lại khóc. “Ê… Ê… Xấu. Dì lớn rồi còn khóc nhè. Em mách mẹ”. Tôi cù vào nách dì. Dì Hậu nước mắt vẫn còn dàn dụa đã nhoẻn miệng cười và cù tôi cười sằng sặc.
Mỗi khi có khách đến chơi thăm dì tại nhà, tôi như bức bình phong, che chắn cho dì. Tôi được dì ôm ngồi lên đùi. Tôi không hiểu người lớn nói chuyện gì thỉnh thoảng dì tôi sổ ra một tràng tiếng Tây. Tôi khoái với những món quà của các vị khách đem tới. Đó là những hộp bích qui được bọc kỹ trong các tờ giấy bóng kính, những hộp đường viên vuông to hơn con xúc xắc, bỏ vào mồm tan biến.
Một buổi chiều, nắng trải vàng trên sân xi măng trước cửa nhà tôi. Tôi ngái ngủ bừng tỉnh và khóc toáng lên khi thấy xung quanh vắng lặng. Dì Hậu xuất hiện. Dì mặc quần trắng, áo dài trắng, tay cắp chiếc nón, như thể dì đang chuẩn bị đi đâu đó. Dì Hậu quăng nón, ôm tôi nựng:
– Cháu của dì ngoan nào, không khóc. Dì ra phố mua bánh cuốn về cho cháu.
Dì ghì đầu tôi vào ngực, hôn chùn chụt lên má, lên tóc tôi. Tôi ngây ngất trong cái mùi nước hoa dịu nhẹ, quyến rũ, nằm im rồi thiếp đi lúc nào không hay. Văng vẳng bên tai tôi lời ru của dì: “Con cò con vạc con nông, ba con cùng nhác vặt lông con nào…”.
Ít năm nữa lớn lên tôi mới biết. Lần ấy, dì Hậu đã “bỏ trốn nhà vào Nam”. Dì “phải lòng” một anh sĩ quan trong quân đội Pháp, quê ở Hải Phòng… Dì tôi đã từng là gái “bán ba” trong câu lạc bộ sĩ quan Pháp. Nói tóm lại, theo lời bác Tắt, bà dì mến yêu của tôi là một người đàn bà chẳng ra gì. Ông ngoại tôi nghe chuyện dì Hậu bỏ nhà trốn đi Nam theo địch, uất quá, tuyên bố từ con. Bác Tắt cay đắng vì tấm lý lịch gia đình cô em có chồng là tay sai thực dân đế quốc. Con trai ông Tắt – anh Cả Từ, người cháu đích tôn nối nghiệp dòng họ Nguyễn ở làng Chùa đau khổ vì không được kết nạp vào Đảng. Mẹ tôi biết dì trốn đi, buồn lắm nhưng chẳng nói gì chỉ trách dì đi không nói với ai một tiếng. Dì Hậu để lại một món quà cho mẹ tôi. Đấy là cái hộp trang sức bằng gỗ trắc hình tròn, chạm xà cừ có hình anh Trương Chi đang chèo đò hát cho Mỵ Nương nghe. Về sau, không bao giờ tôi thấy mẹ tôi dùng cái hộp ấy đựng son phấn. Một thời kỳ khó khăn kéo dài rồi chiến tranh loang ra miền Bắc. Lo chạy sơ tán bom đạn, lo chạy ăn, con người hay xét nét nhau, đàn bà con gái ở vùng quê tôi chẳng mấy ai dùng son phấn trang điểm. Mẹ tôi biến cái hộp thành nơi cất giữ sổ tiết kiệm, giấy tờ tem phiếu. Và năm thóc cao gạo kém, đồng tiền mất giá…, có mấy tay buôn đồ cổ ở Hà Nội về lùng hàng. Họ thích cái hộp khảm trai cổ, mẹ tôi nghe bùi tai đã đem bán cái hộp trang điểm lấy nửa chỉ vàng cứu đói.
III.
Hai mươi mốt năm sau, tôi mới gặp Dì Hậu. Cuộc hội ngộ trùng phùng không phải ở thành phố quê nhà mà ngay giữa Sài Gòn. Lúc ấy, tôi đã là một anh lính giải phóng kỳ cựu ở chiến trường, nếm đủ mùi cay cực. Tôi còn sống, cũng là điều may mắn.
Ngày tôi tới được Sài Gòn, thành phố đã giải phóng ba tháng. Dân chúng như đang lên cơn sốt bởi những đảo lộn đến bất ngờ. Theo thư của mẹ tôi, tôi tìm đến nhà Dì Hậu ở trong một xóm nhỏ ngay dưới chân cầu Sài Gòn.
Rất đỗi ngạc nhiên, tôi đã thấy bác Hà, thằng Hàn và anh Cả Từ ở đấy. Dì Hậu thấy tôi không hào hứng, cũng chẳng ra vui. Bác Hà đã thông báo đầy đủ cho cô em tình hình ở quê nhà, kể chuyện tôi đã đi bộ đội vào miền Nam từ dạo Mậu Thân 68 và hiện còn sống đang đóng quân ở Huế. “Thể nào thằng Công cũng mò vào đây”. Bác Hà nói như đinh đóng cột với Dì Hậu. Ở chơi với dì nửa ngày tôi nhận ra mọi chuyện. Nghe tin Sài Gòn giải phóng, anh Cả Từ nhanh trí đã ra ngay Hải Phòng tìm manh mối và đi theo tàu biển chở hàng vào tìm Dì Hậu. Anh đánh điện cho ông Hà và con trai vào theo. Chỉ có ít ngày, ông Hà, anh Cả Từ đã làm một cuộc “tảo thanh” các thứ ti vi, đài, quạt máy, xe hon da. Cái thì Dì Hậu cho. Cái dì ra chợ bán đồ cũ mua để ông Hà mang về Bắc. Cái tặng ông Tắt, cái của ông Hà, cái của anh Cả Từ, anh Hỉ, chị Miên. Hàng hóa đã được đóng thùng để chuyển bằng đường thủy về Hải Phòng. Mẹ tôi cũng có phần. Đó là 2 xấp vải và một lô áo dài cũ của Dì Hậu không dùng đến nữa. Tôi nhìn những tấm áo dài của dì, nghĩ bụng: “Bao nhiêu năm nay có thấy mẹ mặc áo dài bao giờ?”. Nhưng tôi không dám nói sợ dì buồn. Chẳng rõ ông Hà nói thế nào, Dì Hậu còn thuê người giã cả ký ruốc bông, sấy khô gói kỹ dặn ông Hà đem về biếu mẹ tôi. “Chị em tôi con chấy cắn đôi”. Dì bảo thế. Tôi bật cười căn ngăn. Dì mắng: “Sao bảo ngoài ấy mỗi người một tháng chỉ được 3 lạng thịt – dì nhìn tôi, có ý không vui – Dì chẳng có gì gửi cho mẹ mày”. “Thiếu thì thiếu thật nhưng không có nghĩa là không có thịt để ăn, dì ơi!” Tôi cãi. Trong bữa cơm ông Hà và những người anh họ của tôi thật thà kể lại những năm cơ cực ở quê nhà. Thêm nữa, thằng con rể của Dì Hậu, đi dạy học ở nhà vợ mỗi tối về ngồi nói chuyện lại có ý nửa như châm chọc, nửa như khinh thị nhìn ông bác ruột và các anh họ kể chuyện Sài Gòn như cổ tích. Trong lúc ấy Dì Hậu chỉ cười, độ lượng. Thật thương cho bác Hà! Cả đời ông có bao giờ ra khỏi làng Chùa. Hà Nội ông chửa hay, Hải Phòng chẳng biết. Suốt đời ông chỉ quen với con trâu cái cày, lặn lội trên những cánh đồng úng mặn cùng với tiếng kẻng hợp tác khua vang gọi xã viên ra đồng ngày hai cữ sáng chiều. Chiến tranh ập đến, vợ chồng ông lại vất vả với đám máy bay rít gào bay qua nóc nhà vào ném bom bên thị xã… Buổi tối, ở Sài Gòn đến giờ tivi ông nhìn chong chong vào màn hình xem không sót một mục nào. Phim chiếu trên bãi cỏ, sân đình thì ông chả lạ gì, còn ở tại nhà Dì Hậu ông có thể ngồi trong nhà mặc quần đùi cởi trần nằm ngả mình trên ghế bố, xỉa răng tanh tách coi phim, lâu lâu lại nhắc điếu cày rít lên đành đạch.
Nhà Dì Hậu nằm ở bên sông Sài Gòn hút sâu trong một con hẻm. Một nửa căn nhà dính bám vào bờ đất sát với mặt đường. Nửa nhà còn lại chơi vơi trên những hàng cọc xi măng, rêu mọc xanh, hà ăn lỗ chỗ. Buổi nước ròng trơ ra mặt bùn đen ngòm nhày nhụa, nổi lềnh phềnh bao ni lông, rác rều, gà chết, chuột chết lẫn với từng mảng lục bình bịt kẹt lại giữa những hàng cột. Về đêm nước lên cao chỉ cách mặt sàn nhà nửa mét. Tôi nằm ở gian nhà trong cùng sát sông nghe rõ tiếng cá đớp lốp bốp, tiếng con chão chuộc ngay dưới gầm sàn kêu khan gọi bạn tình phát sốt ruột. Bốn giờ sáng tôi đã thức giấc vì tiếng thuyền máy chạy âm rung mặt sàn nhà. Bác Hà cũng không ngủ được. Tôi nghe tiếng ông dậy pha trà và hút thuốc lào sòng sọc ngoài phòng khách. Tôi không muốn ra ngồi nói chuyện với ông. Tình bác cháu ruột già, nhưng tôi rất ngại việc ông cứ hỏi tôi đã mua được món hàng gì gửi về cho mẹ tôi. Máy khâu, ti vi, hay cát sét? Tôi còn ngài ngại phải nhìn thấy đôi mắt của ông trung tá ngụy chồng Dì Hậu mà tôi phải gọi bằng dượng như thể tôi ngồi ở bất cứ góc nào trong gian phòng khách ông ta cũng để mắt tới. Chồng dì tôi đã chết trận, dạo Mậu Thân. Dì Hậu bảo thế, tôi biết vậy không hỏi thêm. Hai mươi năm xa dì, khoảng thời gian đằng đẵng ấy đủ để đẩy dì và tôi theo những nẻo đường khác nhau, thậm chí đối nghịch nhau. Thực sự dì và những đứa con của dì có một cuộc sống riêng. Tôi cũng vậy. Thế giới của tôi là những người lính. Đứa chết đứa còn sống, sau những ngày giao tranh ở Huế, Đà Nẵng…
Một buổi chiều, Dì Hậu vào phòng tôi. Thấy tôi còn đọc sách, dì hỏi: “Sao cháu của dì có vẻ không vui?”. “Dì ạ! Mai cháu xin phép dì cho cháu về đơn vị. Họ chỉ cho cháu đi ba ngày!” Tôi trốn câu trả lời. Dì Hậu ngồi xuống bàn vuốt tóc tôi, nhìn tôi một hồi lâu. Dì bảo: “Tội nghiệp cháu… Thế mà đã hơn 20 năm rồi”. Tôi im lặng. Nhưng tôi biết dì tôi nhớ tới cái ngày dì lừa ru cho tôi ngủ để trốn đi. “Dì còn nhớ quê hương không?”. “Nhớ! Nhớ lắm cháu ạ… Nhiều đêm dì nằm khóc nhớ ông bà, các bác và mẹ cháu nữa.” “Bây giờ dì có thể về thăm quê. Đất nước thống nhất rồi” – Tôi bảo dì vậy. “Chưa được cháu ạ. Dì còn phải đi xa…”. “Dì đi đâu? Dì Hậu không trả lời tôi, thẫn thờ đứng dậy nhìn ra ngoài mặt sông. Ráng chiều đỏ rực. Nước sông như loang tím, từng mảng lục bình trôi vật vờ chao đảo theo con sóng táp vào bờ. Chợt Dì Hậu quay lại nhìn tôi. “Cháu muốn xin dì cái chi nào?” Tôi khẽ lắc đầu: “Cháu còn đang tại ngũ. Dì có cho cháu cũng không dám nhận. Được gặp lại dì là cháu mừng lắm rồi. Nếu có thể dì cho cháu con chim cu gáy. Cháu mang về Huế treo chơi, đỡ nhớ nhà…”
Con chim cu gáy của Dì Hậu cho ở với tôi vừa được sáu tháng. Tôi giải ngũ chuyển ngành đi học. Ngày nhận tờ quyết định đi học trong tay, tôi đã bóp bẹp cái lồng quả nhót, thả con chim cu gáy về lại với cánh đồng đang mùa gặt.
Kỳ nghỉ tết năm 1976, về quê tôi nghe bác Hà kể: Dì Hậu đã mang theo mấy đứa con và cả thằng Hàn vượt biên trốn ra nước ngoài. Dì Hậu xuống Rạch Giá đi thuyền qua ngả Thái Lan rồi qua Mỹ…
Tôi nghe lòng buồn rười rượi. Chẳng hiểu vì sao dì tôi phải trốn ra nước ngoài? Tôi không hiểu được. Ừ, như mấy đứa con trai con gái, con rể của dì chúng đã quen với lối sống Mỹ, chẳng ưa gì cách mạng, thôi thì đành nhẽ. Còn dì tôi…. Dì bỏ cả nhà cửa, mồ mả chồng con, tổ tông để sống nơi đất khách quê người. Đứng giữa cánh đồng làng Chùa trơ chân rạ, tôi muốn hét to lên rằng: Dì ơi! Hàng vạn những đứa như con đã chết để mong ngày đất nước thống nhất! Sao dì nỡ bỏ đi?
IV.
Ông Hà và anh Cả Từ chủ động bỏ tiền thuê một chiếc Lada bốn chỗ ngồi ra Hải Phòng đón dì Hậu. Tôi chưa có việc. Vả chăng nhiệm vụ của tôi đã được xác định rõ: Tôi có thẻ nhà báo, nếu Dì Hậu về thăm quê, chính quyền địa phương làm khó dễ tôi phải mang uy tín một phóng viên ra để mà dàn xếp. Tôi đọc được trong mắt ông Hà và anh Cả Từ ý định của họ. Người từ Anh Quốc trở về hẳn phải có nhiều tiền. Tôi chỉ là hàng cháu ngoại.
Xe đón Dì Hậu ra đi từ sáng sớm nhưng mới xế trưa đã thấy ông Hà và anh Cả Từ tất tưởi sang nhà tôi. “Dì Hậu đâu, bác?” – Tôi hỏi. “Mất tôi hai trăm ngàn cháu ạ. Cô Hậu về Thủy Nguyên giỗ chồng và thăm quê nội có hai ngày rồi ngược Hà Nội ngay tối hôm qua rồi. Thế có khổ thân tôi không chứ?” Gương mặt bác tôi rầu rĩ. “Sớm muộn gì rồi cũng về, bác ạ” – Tôi an ủi ông Hà và nhịn cười thấy bộ mặt méo xệch của anh Cả Từ.
Mọi người chẳng phải đợi lâu. Dì Hậu về làng vào lúc 6 giờ tối. Chỉ nửa tiếng sau, nhà bác Tắt râm ran có khách đến chơi. Con cháu nội ngoại, các bà các cô xưa kia từng là bạn bè của dì Hậu. Người đến thăm hỏi chia vui với dì, người tò mò muốn xem lại cái “cô Hậu lột giời rơi xuống” chẳng biết sợ ai, nay ra sao. Tất cả đã nên ông nên bà. Trên khoảng sân lát gạch nhà bác Tắt một ngọn điện được thắp sáng. Chiếu hoa rải san sát có sẵn những bộ cốc chén uống trà. Đám trẻ con rồng rắn kéo đến chơi la hét om sòm ngoài ngõ, chạy đuổi nhau rần rật trong sân. Chúng được dì Hậu cho kẹo. Vài đứa lớn rỉ tai nhau không tin đấy là một Việt kiều từ Anh Quốc trở về: “Bà già cổ bỏ xừ, còn thua xa mấy anh chị đi lao động ở Đức”.
Đúng thế thật! Dì tôi đã ở ngoài tuổi 60, về quê dì chỉ mặc tấm áo màu gụ, quần láng đen, không son phấn, tóc búi tó sau lưng ló ra nhiều sợi bạc. Lúc mới về nhà, dì Hậu đã xin phép bác Tắt cẩn trọng thắp tuần nhang lên bàn thờ tổ tiên.
Buổi sáng hôm sau, tôi được bác Hà phân công đưa dì Hậu ra mộ. Tôi chở dì trên chiếc xa Honda cũ kỹ, nhưng máy còn tốt. Khu mộ của dòng họ Nguyễn ở ngoài cánh đồng làng Chùa, ngay trước cửa đình. Con đường đá xưa kia gồ ghề nhiều ổ gà nay được mở rộng, trải nhựa. Lớp lớp những ngôi nhà hai ba tầng mọc lên quay mặt ra đường dựng nên phố mới. Đến gốc cây si già đầu cống dì Hậu bảo tôi dừng lại, xuống xe. Dì muốn đi bộ. Biết tôi nay đã trở thành một nhà báo, dì bảo: “Hôm nào rảnh rỗi, dì sẽ kể chuyện cuộc đời dì để cho cháu viết truyện”. Chẳng hiểu nghĩ sao dì lại nói: “Dì biết cháu là người có học, tự trọng, không phải như anh Từ, anh Chiêu…” Tôi lảng chuyện: “Dì có thấy làng mình khác xưa không?”. “Khác nhiều cháu ạ. Làng ta xưa kia chỉ có hai cái nhà ngói của ông Quản Dư và ông Giáo Kiểm. Tháp canh trại lính đóng ở chùa cao nhất làng… Đêm nào lính cũng đứng trên bốt canh bắn ra ngoài cánh đồng. Có bữa dì ra ngoài chợ Tông họp với mấy anh, lúc lội ruộng về tới đầm sen suýt nữa bị chúng bắn chết…”.
Tôi không tiện hỏi dì “anh nào” và “đi họp” về cái gì, càng không muốn khuấy động những hoài niệm của dì về một miền quê, nên im lặng. Tôi sợ dì Hậu buồn. Dòng sông thơ ấu của dì dưới mắt tôi đã chết. Những ngôi nhà cao tầng chòi lên cao hơn lũy tre làng. Từng núi rác tấp xuống dòng sông Đào cùng với đám bèo tây, bè rau muống quanh năm nước ứ đọng bốc mùi tanh nồng. Không có chỗ cho trẻ con ném đá thia lia trên mặt sông gợn sóng. Từ lâu rồi, dòng họ Nguyễn bỏ nghề nấu mạch nha. Đám thanh niên trai trẻ, không vào được đại học hoặc đi công nhân, đua nhau bỏ nhà, bỏ ruộng kéo nhau ra phố, ra chợ mở cửa hàng buôn bán. Có đứa, thuê cả chuyến xe lên Lạng Sơn, ra Móng Cái buôn hàng lậu. Có đứa giàu lên như mơ ngủ được vàng. Kẻ thì vào tù, nghiện hút… Và chỉ ít năm nữa cánh đồng này rồi cũng mất. Nhà cửa, phố xá đang bùng nổ. Đây đó giữa thảm lúa xanh non trên những mảnh ruộng phần trăm và cả đất hợp tác nữa đã chồi lên những móng nhà như vết sẹo trên mặt người con gái.
Đến bên mộ ông bà ngoại, tôi thắp bó nhang và trao cho dì Hậu. Tôi đứng sau lưng dì một bước, chắp tay. Tôi không tin ở tai mình khi nghe dì Hậu khóc: “Lạy Trời, lạy Phật mớ bái. Con xin cúi đầu lạy vong hồn thầy mẹ sống khôn chết thiêng soi thấu lòng con. Vì việc dân việc nước thân gái dặm trường con phải rời xa quê nhà, để thầy mẹ sớm hôm ưu phiền. Nay con hoàn tất nhiệm vụ trở về thì thầy mẹ đã không còn nữa… Con cúi đầu xin vong linh thầy mẹ tha thứ…”.
Dì Hậu khóc. Và tôi cũng khóc. Bốn mươi tuổi có dư, trước dì tôi vẫn chỉ là một đứa trẻ.
Buổi tối, dì Hậu kêu nhức đầu đi nghỉ sớm. Dì nằm với mẹ tôi một giường. Hệt như thuở xưa vào những dịp bố tôi có công chuyện phải đi buôn bán xa nhà dăm bảy ngày, dì lại vào ngủ chung với mẹ tôi. Lấy cớ sợ ma, nhưng kỳ thực dì vào nằm để nói chuyện hoặc đọc cho mẹ tôi nghe từng đoạn dài “Tây Thi cống Hồ”. Tôi nằm kẹp ở giữa ngủ thiếp đi lúc nào không hay.
Quãng gần sáng, chợt dì Hậu vùng dậy, hét lên một tiếng. Mẹ tôi thức giấc. Người dì đẫm mồ hôi lạnh. “Chị ơi! Hình như em nghe như có tiếng chuông”. “Phải, tiếng chuông nhà thờ gọi người đi lễ dì ạ. Còn sớm, mới bốn giờ, dì ngủ thêm một lúc nữa”. “Ngày ở Sài Gòn, đêm nào em cũng thức giấc vào giờ này chị ơi. Cạnh nhà em cũng có một nhà thờ nhỏ. Mỗi lần nghe chuông nhà thờ gióng lại nhớ đến quê. Chị có nhớ ngày bé, bằng tầm này bu đã khua hai chị em mình trở dậy nổi lửa vắt bún…” “Tôi nhớ dì ạ. Ngày ấy sao mà khổ thế. Trời giêng hai rét như cắt ruột… Ngày bà mất cứ gọi tên dì, bắt thằng Công phải đi tìm dì về cho bà…”.
Một lúc sau, không thấy tiếng hai bà nói chuyện nữa. Trong bóng tối, tôi nghe tiếng dì Hậu thở dài.
Sáu giờ sáng hôm sau, dì Hậu mất. Dì không trối trăn. Không rên la. Dì đi nhẹ nhàng như chìm sâu vào trong một giấc ngủ say. Nét mặt tươi, mãn nguyện.
Đám tang của dì Hậu được cử hành theo nếp cũ của làng tôi. Con cháu trong dòng họ đủ sức thuê cả chục xe ca chở người đi đưa tang dì, nhưng bác trưởng Tắt gạt hết. Ông đi coi thầy xem giờ liệm, rồi cho mời đội kèn, đội trống phường bát âm về tại nhà. Linh cữu của dì Hậu được đặt lên cỗ xe tang bánh gỗ… Người đưa đám ma dì Hậu đi bộ hàng nửa cây số dọc theo con đường đá của làng Chùa. Cờ phướn rợp một quãng dài. Một đoàn xe con từ Hà Nội về, từ Hải Phòng sang. Ông Tắt, ông Hà cứ ngớ ra cuống lên vì khách quý…
Mỗi lần về quê tôi thường ra thắp hương cho dì Hậu. Dì nằm gần kề với mộ bố tôi và bà ngoại. Trong khoảng không bao la của trời đất, giữa một vùng mộ trắng xóa tôi giật mình nghe tiếng cười ròn tan của dì. ấy là dì Hậu vừa lừa được mẹ tôi, bà Giáo Chức trong ván bài tam cúc, kết đôi xe hồng.
Tôi mở bừng mắt, nhìn quanh quất. Đồng làng Chùa vắng ngắt. Trên bờ mương xa xa, chỉ có mỗi ông Tài chùm hụp trong chiếc áo mưa bạt sơn cũ dắt con bò vênh sừng gặm cỏ. Ông là người của làng cử ra trông coi mồ mả.
Đ.K.C