Đình Kính như tôi biết – Nguyễn Long Khánh

Nhà văn Đình Kính được mọi người biết đến không chỉ vì anh là người có công đối với sự phát triển của văn chương Hải Phòng; mà còn là tác giả có nhiều tác phẩm gây ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng và còn có những điều đáng yêu khác…

VHP trân trọng giới thiệu bài viết “Đình Kính như tôi đã biết” của nhà văn Nguyễn Long Khánh.

Nhà văn Đình Kính được mọi người biết đến không chỉ vì anh là người có công đối với sự phát triển của văn chương Hải Phòng; mà còn là tác giả có nhiều tác phẩm gây ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng và còn có những điều đáng yêu khác…

VHP trân trọng giới thiệu bài viết “Đình Kính như tôi đã biết” của nhà văn Nguyễn Long Khánh.


Nhà văn Đình Kính

Tôi biết Đình kính đã lâu, nhưng buổi tâm sự đầu tiên là lần tôi và anh đi dự trại sáng tác kịch bản điện ảnh ở Nha Trang do Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức năm 2005… Tôi và Kính ngồi uống bia ở nhà ăn, anh ngồi nhâm nhi mấy miếng khoai tây, đĩa lạc nhìn tôi uống bia ngon lành mà nể:

– Trông lão uống bia ngon thật cứ như rồng hút nước ấy, tôi thì không bia, không rượu, chỉ nước lọc hay chè xanh là khoái nhất. Tôi tròn mắt:

– Nam vô tửu như cờ vô phong, ông là nhà văn tiếng tăm mà không biết uống rượu bia thì còn ra thể thống gì?

Kính cười, ngồi trò chuyện với nhau, tôi mới hiểu vài ba nét về cuộc đời Kính. Anh sinh ở Đức Thọ, Hà Tĩnh, tuổi thơ ra Hải Phòng, học tại Trường Ngô Quyền, Thái Phiên. Hết cấp 3 vào bộ đội. Sau khi tốt nghiệp Trường Sỹ quan thông tin thì về công tác tại Quân chủng Hải quân. Năm 1968 đi học nâng cao nghề nghiệp ở Liên Xô 2 năm. Về nước công tác tại đơn vị Thông tin Hải quân. Rồi đi học Trường viết văn Nguyễn Du (khoá I), làm tuyên huấn, công tác tại Nhà văn hoá Hải quân, đến năm 1993 về hưu với quân hàm trung tá và theo đuổi nghiệp viết cho đến bây giờ. Tóm lại đời Kính chỉ có hai nghề: làm lính hải quân và nhà văn chuyên nghiệp, chất lính biển thấm vào kính mặn chát như muối từ trong ra ngoài không dứt ra được. Có thể gọi Đình Kính là nhà văn lính biển vì suốt cuộc đời cầm bút, anh viết về những cuộc chiến đấu anh hùng của Hải quân Việt Nam qua hai cuộc kháng chiến và công cuộc bảo vệ, xây dựng kinh tế biển… Một bản sơ yếu lý lịch trong sáng của một nhà văn đích thực lấy việc cầm bút làm sự nghiệp suốt đời. Đình kính trắng trẻo, dáng thư sinh, nói năng nhẹ nhàng, cư xử khéo léo không mất lòng ai, đọc nhiều, biết rộng, quan hệ khắp nơi bạn bè đâu cũng có, được nhiều người quý mến, tin tưởng… Chính vì thế mà kính có thể sống bằng nghề viết thực sự. Anh viết đủ các thể loại: tiểu thuyết, truyện ngắn, kí, kịch bản điện ảnh, kịch bản sân khấu, phóng sự, tản văn, chân dung văn học… kể cả làm báo, ra tạp chí v.v… Anh viết theo đơn đặt hàng của mọi đối tượng: các nhà xuất bản, các toà báo, các bộ, các ngành cho đến các công ty, xí nghiệp, hợp tác xã nếu có yêu cầu… Những năm 80 của thế kỷ trước, anh đã viết cho các nông trường, trạm, trại phía Nam, sáng tác một kịch bản phim cho một nông trường ở Đồng Nai. Kính đi khắp đất nước, chẳng còn nơi nào không in dấu chân anh. Ngay việc viết lịch sử, truyền thống các đảng bộ, các địa phương, các cơ quan 40 năm, 50 năm… anh đều sẵn sàng đáp ứng bằng ngòi bút đa năng, sắc sảo, mạnh mẽ của mình. Chả thế mà vừa xuất ngũ về có chút tiền chế độ quân đội trả, Kính dám vay tiền của bạn bè, họ hàng xây một ngôi nhà ba tầng trong khi vợ công việc chưa ổn định, con gái còn nhỏ… Và chỉ sau 2 năm với sức viết không biết mệt mỏi của mình anh đã trả được hết nợ và còn sắm được đồ đạc khá tươm tất trong ngôi nhà mới của mình. Đó là điều đặc biệt đáng hãnh diện của một nhà văn sống được với nghề của mình một cách đàng hoàng. Tạo được một vị thế đáng nể trong giới cầm bút như Đình Kính hiếm lắm thay!

Đình Kính là người thông minh, có duyên ăn nói rủ rỉ, trông dáng người trẻ lâu, đi lại thanh thoát, ăn mặc tinh tế, làm ít người đoán được tuổi thật của anh. Hai, ba lần đi trại sáng tác kịch bản với nhau, mình thì ục ịch, ăn mặc lè phè, nói năng bừa phứa, cười rung nhà, uống rượu xả dàn… nên được các bạn nữ 30, 40 tuổi đều gọi bằng chú, các bạn U60 trở lên gọi bằng anh một cách nghiêm túc; nhưng với Đình Kính, họ đều gọi bằng anh, có bạn nữ tên Thu Hiền ở Hãng phim tài liệu Trung ương (U60) thì gọi Kính bằng “em”:

– Kính ơi, ra chụp hộ chị tấm ảnh!

Thế mới tài! Chị em đều muốn chuyện trò với Kính, bởi có gì đó rất tình cảm mà lại an toàn. Lúc nào Kính cũng đội mũ, đeo kính đen với nụ cười bí hiểm. Chả thế mà có nhiều giai thoại, nhiều chuyện thầm thì về số đào hoa của Kính. Nhưng ở chung phòng với Kính mấy đợt đi thực tế, mình thấy yêu vợ như Kính chả có mấy người. Một ngày vợ chồng Kính gọi điện cho nhau ít nhất cũng 4,5 cuộc. Họ kể cho nhau đủ mọi chuyện một cách tình cảm, vui vẻ lắm. Cho nên ít cặp vợ chồng nào đã trên 65 mà chiều nào rỗi đều lai nhau đến vũ trường tham gia nhảy với bạn bè. Họ là một đôi nhảy đẹp có tiếng của Câu lạc bộ Quốc tế vũ văn hoá doanh nhân thuộc Hội Văn hoá Doanh nhân mà Đình Kính làm Chủ tịch.

Phải nói thêm là Đình Kính nhiều chức tước: có lần anh nói với tôi hình như 14 chức thì phải, mà toàn làm chủ tịch, chủ nhiệm, hội trưởng, chi hội trưởng.v.v. Những chức quan trọng làm mất nhiều thời gian của anh như: Chủ tịch Hội Văn hoá Doanh nhân Hải Phòng, Uỷ viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Hải Phòng, Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Hải Phòng…; là người sáng lập và chịu trách nhiệm quản lý, điều hành, biên tập website vanhaiphong.com 3 năm nay.v.v…

Những chức vụ làm lịch họp hành, sinh hoạt của anh kín mít từ sáng đến chiều, suốt cả tuần. Vậy mà Đình Kính vẫn bố trí được thời gian sáng tác, viết đều, viết khoẻ với chất lượng cao, ấn tượng đến mức khó tin. Trong 5 năm (từ 2010 đến 2015) anh xuất bản 3 cuốn tiểu thuyết: Sóng chìm, Vòng quay tăng gô, Biển trổ hoa vàng, một tập ký dày 400 trang Huyền thoại tàu không số, hai kịch bản phim truyện truyền hình dài tập: Chủ tịch tỉnh 1 (38 tập), Chủ tịch tỉnh 2 (40 tập), kịch bản phim tài liệu 10 tập Huyền thoại tàu không số. Trong đó tiểu thuyết Sóng chìm và tập ký Huyền thoại tàu không số đạt giải thưởng chính thức của Hội Nhà văn Việt Nam. Phim Chủ tịch tỉnh 1 khi công chiếu trên truyền hình gây một cơn bão ấn tượng với khán giả màn ảnh nhỏ trong và ngoài nước. Bộ phim tài liệu 10 tập về các chiến sĩ hải quân trên các con tàu không số chở vũ khí vào Nam làm xúc động hàng triệu trái tim quân dân cả nước. Đặc biệt là cuốn tiểu thuyết Sóng chìm đã tái hiện thành công những người lính hải quân anh hùng, những người dân hy sinh thầm lặng ở làng Cát (Phú Yên) với chiến công vận chuyển hàng nghìn tấn vũ khí từ miền Bắc vào Phú Yên tiếp viện cho chiến trường miền Nam đánh thắng kẻ thù. Đình Kính đã xây dựng thành công các nhân vật sử thi anh hùng trong cuộc chiến tranh thầm lặng như bí thư tỉnh uỷ Sáu Sinh, thuyền trưởng Thanh, thuyền phó Tư Lăng, các chiến sĩ tình báo như Tư Nhâm, Sáu Quyên… Những hy sinh của họ trong cuộc kháng chiến ác liệt làm người đọc xúc động. Đình Kính cũng đi sâu phân tích những kẻ chống phá cách mạng đến cùng, tàn bạo mất tính người như bố con Trần Nhưỡng, Ba Hoàng, thiếu tá Hai Rang… Nhiều trang viết hay, hấp dẫn, xúc động như kể về mối tình của thầy giáo Sáu Sinh với Ba Hương; kỷ niệm ngày chia tay ra Bắc của vợ chồng Tư Lăng, Tư Nhâm; những trận càn, đụng độ dữ dội, một mất một còn của du kích làng Cát với tiểu đoàn Rồng biển ở điểm tập kết vũ khí Vũng Rô… Rồi những trang mô tả tâm trạng, hành động đầy nhục dục của Năm Hồng, Mười Bàng; những hy sinh của bí thư Sáu Sinh, Tư Lăng là những trang xuất sắc, ấn tượng của cuốn tiểu thuyết viết về chiến tranh khoảng chục năm gần đây. Phần kết bất ngờ của tiểu thuyết về số phận của nhân vật Tư Nhâm, Ba Đô thật “giỏi”. Phải chăng ở đâu đó vẫn còn những điều phi lý, đau đớn ấy. Họ là những con “sóng chìm” của xã hội hôm nay ư?

Tiểu thuyết Sóng chìm chứng tỏ tài năng và vốn sống phong phú của Đình Kính. Tiểu thuyết xứng đáng với giải thưởng cao của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2009.

Tập kí Huyền thoại tàu không số, Đình Kính tìm hiểu, ghi chép theo dõi số phận các nhân vật có đến mấy chục năm nên khi anh viết với những cảm xúc dồn nén, xúc động về những người anh hùng bình dị, thầm lặng trên những con tàu không số vượt đại dương dưới bom đạn kẻ thù chuyển vũ khí vào chi viện cho chiến trường miền Nam. Họ sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình, phá huỷ tàu vũ khí để khỏi rơi vào tay giặc khi bị lộ. Những câu chuyện anh kể sống động làm người đọc khâm phục. Tập kí là một bản hùng ca lịch sử về những người lính hải quân. Họ sẽ sống mãi với non sông, đất nước và trong trái tim người dân Việt Nam. Những kịch bản phim của Đình Kính phản ảnh hiện thực cuộc đời đau đớn, bức xúc biết bao số phận. Từ ông chủ tịch tỉnh, những tổng giám đốc, đại gia cho đến  cuộc đời những người lao động dưới đáy xã hội, cái nhìn của anh sắc nhọn, phanh phui từ trong ra ngoài, làm rơi những mặt nạ người, những âm mưu, thủ đoạn của những kẻ có chức, có quyền, mất hết lương tâm. Với cái nhìn tỉnh táo, anh chỉ tận mặt, vạch rõ tội trạng những kẻ tham nhũng làm nức lòng người xem phim cả nước… nhưng cũng gây cho anh không ít phiền hà!

Đình Kính là người có công với sự phát triển của văn chương Hải Phòng. Anh làm chủ tịch, chi hội trưởng Hội Nhà văn 2 khoá liền đã phát hiện, bồi dưỡng các nhà văn, nhà thơ trưởng thành trong làng văn Việt Nam… Mà làm chủ tịch, chi hội trưởng Hội Nhà văn Hải Phòng hơn trăm nhà văn  đâu có dễ dàng? Nhưng hơn 10 năm làm chủ tịch, Hội Nhà văn luôn đoàn kết, phát triển; không có chuyện gì lớn đáng tiếc xảy ra. Có đôi vụ xì-căng-đan, Đình Kính thu xếp yên lành, vui vẻ cả. Anh còn được Hội văn hoá Doanh nhân Hải Phòng chọn là người đàn ông của năm ở tuổi 70 mới đặc biệt làm sao.

Là người sáng lập, chịu trách nhiệm chính về trang web của Hội Nhà văn Hải Phòng, anh cũng ban biên tập đưa trang web của Hội trở thành một trong những trang báo điện tử hấp dẫn với sự mới mẻ, đa dạmg, phong phú, được hàng vạn lượt bạn đọc truy cấp mỗi ngày. Mà trang web đó ra đời từ hai bàn tay trắng, chỉ có sự nhiệt tình khéo léo, lòng đam mê đích thực, đã giúp Đình Kính thành công. Nhưng đôi khi Đình Kính cũng làm nhiều người giật mình bởi những ý kiến thẳng thắn, sắc sảo, mạnh mẽ của anh ở các hội nghị hay trên FB cá nhân về các vấn đề thời sự nóng như chuyện các vị lãnh đạo đi máy bay thăm hỏi, hội họp, rồi chuyện làm sân bay ở Quảng Ninh, Tiên Lãng, chuyện xây tượng đài, mở lễ hội tràn lan, những công trình giải trí lãng phí tiền của dân.v.v… Những ý kiến của anh rất đáng suy ngẫm và chắc hẳn làm không ít người phật lòng. Những tác phẩm của anh cũng vậy, luôn có tính tư tưởng, có gửi gắm suy tư của anh về thời cuộc, con người trong xã hội hôm nay. Khi được tin anh: “trượt” giải thưởng Nhà nước năm 2014, tôi không tin, điện hỏi, anh trả lời: “… Tại vì cái phim Chủ tịch tỉnh ông ạ, người ta bảo tác giả kịch bản phim ấy có vấn đề???. Tôi chả tin điều đó, nhưng sau đó 2 năm đến lượt tôi bị loại giải thưởng Nhà nước ngay từ vòng đầu, hỏi ra là mới biết có ý kiến “ông này toàn viết kịch bản chống tham nhũng không có giải thưởng quốc gia thì duyệt làm sao được”? Có ông bảo tôi: sao không viết lấy 1,2 kịch bản về các vị lãnh tụ, hay theo chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh có phải hơn không? “Họ” quan niệm viết chống tham nhũng là bôi bác ai đó… Thì ra điều Đình Kính nói là thật! Nhưng có sao đâu, không có giải thưởng nào đấy thì Đình Kính vẫn là nhà văn áo lính xuất sắc với những tác phẩm ấn tượng của anh tặng nhân dân, đất nước, đó mới là phần thưởng vô giá của cuộc đời một nhà văn chân chính như anh.

Một điều nữa phải nói về Đình Kính là thái độ nghiêm khắc, chân tình của anh đối với văn chương, tôi thấy anh khen, chê thẳng thắn các tác phẩm văn chương của các nhà văn, nhà thơ mà anh biết. Anh nói với tôi; văn tay này chưa được còn thô thiển quá, thơ của nhà thơ kia còn nghiệp dư, nghèo ý tưởng, việc làm này, phát ngôn nọ của tác giả ấy chưa xứng đáng với nhà văn… Có lẽ vì thế mà một số ít nhà văn, nhà thơ chưa hiểu anh; họ nói anh khó gần, kiêu ngầm và khó hiểu??? Chuyện ấy thật bình thường vì làm ông chủ tịch có hơn 100 hội viên có cá tính mà hài lòng chắc chỉ có ông Phật trên chùa!

Sang năm 2016, sức khoẻ của Đình Kính có vấn đề, anh bị bệnh khớp, rồi tim mạch, phổi hành hạ phải cấp cứu, nằm viện luôn… Nhưng sức khoẻ vừa ổn định, khá lên một chút là anh lại lao vào hoạt động vì cái tính năng nổ, xông xoá đã trở thành bản chất của nhà văn lính biển. Có lần thăm anh, tôi bảo:

– Ông phải thương bản thân mình, hãy nghỉ ngơi thực sự, bỏ hết các chức tước đi, vào Vũng Tàu nghỉ dưỡng bệnh mà viết cuốn tiểu thuyết của đời mình…

Vợ con anh cũng nài nỉ thế… Nhưng anh chỉ mỉm cười, cố trì hoãn không chịu về Vũng Tàu nơi có căn phòng rất đẹp ở chung cư đang chờ anh. Vì nhà văn lính biển không thể rời xa tiếng sóng lúc dữ dôi khi dịu êm  như bản nhạc tình yêu theo anh suốt cuộc đời…

Hải Phòng, tháng 6.2016

N.L.K

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder