Ngày 10.8.2015 nhóm Tâm Phát đã làm thủ tục trao trả Sắc phong đình làng Tăng Thịnh, xã Lý Học huyện Vĩnh Bảo ( thờ Tịnh mục hiển ứng Yết Kiêu tôn thần), bị kẻ gian đánh cắp hơn một tháng trước đây. Câu chuyện này gợi nhiều điều suy ngẫm.
Ngày 10.8.2015 nhóm Tâm Phát đã làm thủ tục trao trả Sắc phong đình làng Tăng Thịnh, xã Lý Học huyện Vĩnh Bảo ( thờ Tịnh mục hiển ứng Yết Kiêu tôn thần), bị kẻ gian đánh cắp hơn một tháng trước đây. Câu chuyện này gợi nhiều điều suy ngẫm.
Sắc phong thần hay sắc phong cho thành hoàng làng là một loại hình văn bản Hán Nôm quan trọng tiềm ẩn nhiều ý nghĩa văn hoá. Sắc phong mang những đặc trưng thể loại văn bản, mỹ thuật đồ hoạ, in ấn, thư thể (thể chữ), chất liệu giấy, quá trình hính thành văn bản; Địa danh ghi trên sắc phong cũng là những thông tin quan trọng xác định sự thay đổi tên làng xã Việt Nam qua các thời kỳ, góp phần nghiên cứu tên gọi các địa danh cổ. Tuy nhiên, có một thực tế là, vì nhiều nguyên nhân, nguồn di sản văn hoá quý giá này hiện vẫn chưa được quan tâm bảo vệ.
Vào tháng 8/2014, nhóm Tâm Phát đã làm lễ bàn giao Sắc cho Đình Cầu Thượng (An Cầu) thuộc xã Vĩnh An, đó là bản sắc phong thần cho 4 vị Thành hoàng làng, đã bị kẻ gian đánh cắp. Đây cũng là trường hợp xảy ra với Đình Tăng Thịnh xã Lý Học huyện Vĩnh Bảo. Theo ông trưởng ban khánh tiết cho biết, thì khoảng đầu tháng 6/2015, kẻ gian đột nhập cắt khoá và lấy mất đạo sắc phong của đình, đồng thời lấy luôn đạo sắc phong đình Kênh Trang gửi tại đây, khi đình này đang xây dựng. Và ngay đầu tháng 7/2015, nhóm Tâm Phát đã mua lại được bản Sắc này tại TP. Hồ Chí Minh.
Có một điều đáng bàn, ở một số nơi, khi mất nhưng người bảo quản không biết là mất, chỉ khi được nhóm Tâm Phát thông báo thì mọi người mới ngã ngửa ra là sắc đã bị kẻ gian lấy đi. Tại buổi tiếp nhận, qua nghe các ý kiến phát biểu của người dân mới thấy vỡ ra một số điều.
Trước hết là việc đọc hiểu văn bản, hầu hết cũng chỉ biết đây là một đạo sắc phong ghi bằng chữ Nho, tuyệt nhiên không biết nội dung đó ghi gì. Thậm chí có cụ già 80 tuổi ngỡ ngàng cho biết: đến bây giờ tôi mới biết cái sắc là gì! Nói về ý nghĩa thì cũng chỉ biết nó có giá trị công nhận cái đình của làng mình mà thôi. Trong công tác bảo quản, người dân quá chú ý tới các đồ vật: chiếc rương, đôi lộc bình, cái bát hương…mà quên mất ý nghĩa thật sự của đạo sắc phong. Bà Hồ Hải Hà, thành viên của nhóm Tâm Phát nói ”Thờ sắc như thờ thần, sắc như trái tim của một di tích, nó có giá trị công nhận một cách cụ thể thờ vị thần thánh nào với cấp bậc gì ? Ở vị trí nào? Thuộc thời kỳ lịch sử nào và ai là chủ sở hữu…”. Khi đọc đạo sắc đình Tăng Thịnh mới thấy rõ những nội dung căn cốt này. Theo đó, tấm sắc được ban ngày 18/3/1917 ( Niên hiệu Khải Định thứ 2 ), với những chi tiết tường minh: “ Sắc cho xã Tăng Thịnh huyện Vĩnh Bảo tỉnh Hải Dương thờ thần Tịnh Mục hiển ứng Yết Kiêu tôn thần hộ quốc an dân bấy lâu linh ứng đã rõ. Nay tuân theo mệnh trời, xa nhớ đến công lao che chở của thần nên phong là Linh thúy dực bảo trung hưng, Trung đẳng thần và đặc chuẩn cho thần được thờ phụng như trước”.
Chính vì không hiểu giá trị nên người ta đánh đồng Sắc như một cái bình, một bát hương hoặc một thứ đồ cúng tiến nào đó. Thậm chí khi thấy nó hư hỏng thì không cần chỉnh chu lại mà cho tất cả …vào hòm. Sự việc ở Tăng Thịnh cũng giống với nhiều trường hợp khác. Khi thấy mất trộm, người dân chỉ chú ý đến các đồ thờ cúng bóng lộn, còn chiếc hòm cũ kỹ đựng các thứ “tồn kho” thì không ai nhớ nó có gì. Nhà Giáo Hoàng Phan, người chuyên dịch các bản sắc ra tiếng Việt cho hay: Có nhiều ngôi đình như ở Kim Động (Hưng Yên), Đình Nam Vang (Quỳnh Phụ Thái Bình)… đều có hiện tượng mất sắc. Cá biệt có Đình Bồng Châu ở Kim Động Hải Hưng HHải mất tới 69 sắc và hiện mới tìm được 10 chiếc.
Hiện tại ở Việt Nam, nhóm Tâm Phát đặt trụ sở tại TP Hồ Chí Minh đứng ra sưu tầm mua lại các tấm sắc phong và trả tận tay cho nhân dân nơi bị mất mà không đòi hỏi bất cứ khoản chi phí nào. Tuy nhiên, thực tế không phải sắc nào cũng mua được trên quy mô toàn quốc, vả lại để mua cổ vật thì giá trị rất cao. bà Hồ Hải Hà cho biết: những tấm sắc thời Lê sơ, thời Mạc có giá trị tới cả trăm triệu đồng. Chính vì vậy không thể trông chờ vào lòng từ thiện mãi được.
Từ đây có thể thấy ngoài việc tăng cường công tác an ninh như tuần tra canh gác, đến trang bị các thiết bị chống trộm hữu hiệu… thì người dân cần có nhận thức việc bảo quản các đạo sắc phong mà hiện tại không bao giờ có thể cấp lại được. Một kinh nghiệm được trao đổi với nhóm Tâm Phát là ở một số nơi, người ta sao thêm một bản phụ có phần dịch chữ quốc ngữ, nó vừa là vật trang trí trong đình vừa giúp khách hiểu được giá trị của đình thông qua nó. Bản chính có thể nhờ các cơ quan văn hoá lưu giữ, hoặc trao cho 1 người tin tưởng của làng bảo quản, nếu người dân ở đó chưa thật sự yên tâm với khả năng đảm bảo an ninh của ban quản lý di tích.
Đương nhiên không thể bỏ qua sự quan tâm chỉ đạo giúp đỡ của các quận huyện, xã, phường trong hoạt động phát triển thiết chế văn hoá. Xét riêng phạm vi bảo quản các hiện vật quý, các nhà quản lý văn hoá cần vào cuộc và có kế hoạch đảm bảo an ninh cho các hiện vật này một cách hữu hiệu nhất./.
Bài và ảnh: Nguyễn Đình Minh đã đăng trên Báo Hải Phòng ngày 16/8
Chú thích
– Ảnh: Lễ Trao trả sắc phong thàn tại đình Tăng Thịnh (Vĩnh Bảo)
* Nhóm Tâm Phát gồm các nhà từ thiện trẻ: Trần Hiển Anh, Trần Tuấn Anh, Võ Kim Long, Phạm Xuân Thắng, Huỳnh Nhựt Quang, trụ sở ở số 273/30 Nguyễn Văn Đậu, P.11, Q.Bình Thạnh, TP. HCM, Tâm Phát chuyên sưu tầm những sắc phong của các đình đền đã bị mất cắp, trả về cho nơi bị mất. giờ đây nhóm đã kết nạp thêm rất nhiều thành viên ở khắp ba miền đất nước.