Doanh nhân một chút nỗi niềm

Chu Lai

Gần đây có dịp đi nhiều, tiếp xúc nhiều với địa hạt kinh tế, với các con người làm kinh tế, con người doanh nghiệp, tôi mới nghiệm ra một điều: Nếu trước đây trong cuộc chiến đấu sinh tử để bảo vệ  bờ cõi, hình tượng người lính đã trở thành hình tượng trung tâm trong cảm nhận của cuộc đời, trong cảm hứng sáng tạo của thi ca thì giờ dây, trong kiến tạo đất nước, không thể khác, hình tượng người doanh nghiệp lại dần dần chiếm địa vị độc tôn như một động mạch chính của xã hội.

Chỉ khác một điều: Chiến tranh khốc liệt nhưng lại vô cùng rành mạch. Nó chính là giọt dung dịch mạnh nhỏ xuống thân phận con người khiến cho tất cả phẩm chất tốt xấu, đen trắng, thấp hèn hay cao thượng, can tràng hay nhát sợ, trung thực hay giả trá, thẳng ngay hay cơ hội… đều được phát lộ hết màu hết nét, chẳng thể nhập nhằng đánh lận con đen. Còn ở trận địa kinh tế, tất cả lại trở thành mơ hồ, tốt đấy mà xấu đấy, đen đấy mà trắng đấy, công hôm nay nhưng là tội ngày mai, kẻ tham lam và người trong sạch không phân định ranh giới, cái hèn nấp ẩn vào cái trung, cái trung mang hình bóng cái hèn… Do vậy, trận địa kinh tế còn ngàn lần gian truân và khốc liệt hơn trận giặc hôm qua. Và cũng vì thế mà con người doanh nghiệp, nỗi niềm doanh nhân mới thật là thấm đẫm buồn vui, đậm đặc chất hỷ nộ ái ố làm sao!

Số phận con người gắn liền với số phận dân tộc. Doanh nhân mỗi thời mang một diện mạo, một vị thế khác nhau. Thời chiến tranh mù mịt đạn bom, thường chả mấy ai để ý đến họ mà một trong những ví dụ thuyết phục nhất là nếu được trưng hỏi thì chín mươi phần trăm tuổi trẻ sẽ chỉ mơ ước mình sau này là bộ đội, là kỹ sư, là bác sĩ chứ chả có mấy người thích đời mình gắn với việc bán buôn hưu hắt, mờ nhoà. Dù cái mờ nhoà đó đã được ông bà đúc kết trong lời sấm mang giá trị cảnh tỉnh: Phi thương thì bất phú. Đây là thời của những khí phách trượng phu, của những tráng sĩ một đi không trở lại, buôn bán, giàu nghèo, tiền bạc cái gì, vớ vẩn, nhỏ nhặt và tầm thường.

Thời bao cấp ảm đạm chân dung người doanh nghiệp cũng ảm đạm theo, còn ảm đạm hơn bởi lẽ họ đang là đại diện u ám cho một thứ chủ nghĩa quan liêu rất thiếu cái khả năng làm ra của cải vật chất cho xã hội nhưng lại dư năng lực làm cho xã hội méo mặt, nhàu nát vì mình.

Đến thời mở cửa diện mạo doanh nhân cũng mở theo, mở các hướng, mở như lũ như thác, mở nhiều nhánh nhiều luồng. Kinh tế độc quyền đã thành kinh tế đa phương. Doanh nghiệp nhà nước đã có doanh nghiệp tư nhân sát cánh. Kinh tế một thành phần đã chành kinh tế nhiều thành phần. Cuộc trở dạ rớm máu để thoát khỏi cái bàu vú bao cấp tong teo của Mẹ bắt đầu. Cái lô cốt bảo thủ rêu phong, mốc mác bao năm nay đã được nhu cầu cuộc sống đục thông cửa chính cửa phụ cho gió sông gió đồng  được mặc sức thổi vào, tất nhiên trong đó có những ngọn gió trong lành và có cả những ngọn gió độc hại. Nhưng lại không thể không mở. Cái nhục mất nước không chịu nổi, cái nhục đói nghèo chả lẽ lại cúi đầu chấp nhận hay sao? Tinh thần chủ nghĩa quốc tế vô sản vẫn không mất đi nhưng nó lại được bổ sung thêm một ý nghĩa khác, đó là quyền lợi các quốc gia trên hết và trước hết lúc này lại là quyền lợi kinh tế. Con người hôm nay chẳng thể mãi ngủ quên trên những giá trị cũ, chẳng thể cứ kiêu hãnh vươn bộ ngực thiếu chất mà mỉm cười với vầng hào quang trận mạc đã qua.Toàn vẹn bờ cõi, độc lâp tự do được đánh đổi bằng núi xương sông máu phỏng sẽ còn ý nghĩa gì nếu như cứ cam tâm khoác trên thân mình tấm áo vá chằng vá đụp của sự đói nghèo, chậm phát triển?  Câu hỏi nhức nhối và quá chừng giằng xé này đòi hỏi cả nước phải trả lời, lịch sử phải trả lời  và trước hết là các doanh nhân phải can đảm trả lời.

Thế là dù muốn hay không, vị thế doanh nhân mặc nhiên được khẳng định. Chân dung người làm doanh nghiệp dần dần được hiện hình dưới ánh sáng mặt trời, bất chấp những định kiến cổ hủ, những quan niệm sai lầm đã thành men thành nấm trong cảm tác người đời bấy lâu nay.

Nhưng là một sự hiện hình quá đỗi nhọc nhằn và nhiều khi oan uổng. Nếu cơm áo không đùa với khách thơ thì tiền bạc cũng dễ đưa doanh nhân vào một vùng ma trận. Sao thế nhỉ? Ngày hôm nay, cứ mỗi sáng giở báo ra lại có tên một doanh nhân, một doanh nghiệp, thậm chí một quan chức, một ê kíp có máu mặt  bị bắt, bị tù, bị phá sản, bị phát hiện nhảy lầu vì tội trạng này tội trạng kia. Mà là hàng trăm mặt báo chứ có ít đâu, mà lại toàn rút tít in đậm, in nghiêng ở trang đầu, ở chỗ dể đập vào mắt người đọc nhất. Khốn khổ, thế là sự khẳng định đâu chưa thấy, cái méo mó dị hình dị dạng đã lại xầm xập ùn về. Con người doanh nhân bỗng dưng như được đúc ra từ một cái khuôn có sẵn trên các trang sách, trang báo, trên sân khấu, trên màn hình: Béo tốt, đỏ đắn, bụng phệ, rượu ngoại trên kệ, thuốc thơm ló khỏi miệng túi, khịt mũi vô cớ, tiền tiêu không đếm, mắt ráo hoảnh, cười không bao giờ hết cỡ miệng, gặp cấp trên thì như rắn rết, gặp cấp dưới lại như hùm beo, thư ký chân dài vào ra thoải  mái như ra vào phòng ngủ , thời gian ở sân quần vợt, ở nhà hàng nhiều hơn ở phòng làm việc, một lần nhậu bằng cả năm lương của người tử tế, một lần bo đẹp bằng cả tháng lương của người lao động, thủ thuật kiếm bổng lộc tinh xảo hơn thủ thuật điều hành… Chao ôi! Đã méo trên các phương tiện thông tin thì ắt sẽ méo trong cái nhìn của thiên hạ.  Doanh nhân bỗng dưng đồng nghĩa với tội phạm hay cũng gần gần như vậy.  Đau thế. Con sâu bỏ rầu nồi canh, đành nuốt cục đắng vào lòng, hơi sức đâu mà đi cãi với cuộc đời. Và có cãi cũng chả nổi. Tốt nhất là hãy âm thầm trả lời bằng việc làm cụ thể của mình.

Bởi chưng đã có mấy ai  hiểu rằng một khi đã đưa chân vào thương trường  là đã chính thức cá cược cuộc đời mình vào cõi trần ai thống khổ. Đó là một khối mâu thuẫn gắt gao giữa vẻ bề ngoài và cái vật vã đến thảm sầu bên trong. Vâng, sang trọng, bệ vệ, hào nhoáng thật đấy nhưng nào ai  đã thấu mùi thuốc thơm kia đôi khi lại phảng phất mùi lao tù, những bữa tiệc triền miên kia có khác chi cái sự tra tấn nhai rơm nhai trấu khốn cùng  không tránh khỏi, ly rượu đắt tiền uống với đối tác kia sao cứ nồng thủm cái hương vị  bả chuột, những chữ ký ra tiền ra bạc tưởng chừng như chất ngất uy quyền kia cũng có thể chính là chữ ký chôn vùi cuộc đời, chôn vui danh dự gia đình mình. Ngày nào cũng căng thẳng, đêm nào cũng giật mình, mới sáng ra là đã đập mặt ngay vào chuyện lỗ lãi nhiều khi mắc nôn mắc ói. Thì vậy. Mỗi ngày không lo làm ra được trăm triệu, vài trăm triệu, nửa tỷ, một tỷ nuôi công nhân là chết. Doanh nhân công nghiệp còn đỡ. Doanh nhân nông nghiệp mới thật phập phù. Hàng ngàn héc ta cao su, héc ta cà phê ấy chỉ cần trái gió trở trời một cái là công sức của hàng chục ngàn con người tuần này, tháng này bỗng đổ sông đổ bể.

Đó là chưa nói giá cả khu vực, giá cả hoàn cầu, sự đổi thay đỏng đảnh của cơ chế, rồi nghị định trong nước, hiệp định ngoài nước, luật pháp nơi này, văn bản dưới luật nơi kia … cứ  nhỉnh lên rồi lại sìu xuống bất thường như cái ả đàn bà đồng bóng không  cách nào mà chiều cho được. Và đó cũng là chưa kể cái tình đời, cái nghĩa đời ăn ở với nhau nhiều khi ráo hoảnh, nhiều khi đã bị đồng tiền phá vỡ. Đố kỵ, ghen ghét, chơi nhau, hại nhau, bẫy nhau bằng mọi kiểu mọi cách để hạ bệ nhau, thậm chí để đưa nhau vào tù. Vâng, cái này ở đâu cũng có, thời nào cũng có nhưng trong lãnh vực làm ăn, lĩnh vực kinh tế, tóm lại là trong những chuyện có dính đến bả vật chất, đồng tiền ma quỷ, cái sự có đó mới đậm đặc, tàn bạo và tinh xảo làm sao.

Hơn bao giờ hết, hơn ở đâu hết, doanh nhân phải liên tục tồn tại trong bốn bề áp lực mà áp lực nào cũng thẳng căng, áp lực nào cũng như Thập diện mai phục. Ap lực đè nặng lên áp lực, nặng đến nỗi họ phải thốt lên: “ Trong mọi cái khổ thì cái khổ phải ngày ngày sống cạnh những nhân cách phi nhân mà vẫn phải giả nói giả cười là cơ khổ nhất.

Thế là già đi. Thế là sinh bệnh sinh tật. Sức lực xuống nhanh như lũ giật.  Mới năm trước tóc còn xanh, năm sau gặp lại đằng trước đằng sau đã bạc lam nham như vừa qua một cơn bạo bệnh. Cái cười nữa, cái cười hôm qua còn trẻ trung, hào sảng, cái cười hôm nay đã có chiều mệt mỏi, héo hắt thế nào. Mà lại không thể không cười, cố mà cười, mặt mũi bí xị, buồn ro, ai người ta còn thèm tìm đến làm ăn với anh và cả anh nữa, chính cái sĩ diện đông phương một chiều đã khiến cho anh không muốn thú nhận mình là một chiến thương trên thương trường đẫm máu.

Thế là nhiều khi muốn bỏ nghề, muốn trở về với cõi vô vi cho khoẻ. Nghèo thì khổ, nhưng nhiều khi giàu còn khổ hơn. Cuộc đời là phù du, cốt lõi cuộc đời cuối cùng là ăn nhau ở cái chữ nhàn. Song, cũng giống như thi ca, một khi đã thành nghiệp chướng, đã thành cái nợ ba sinh rồi  rồi thì làm sao mà bỏ. Chỉ có thể bỏ được khi bỗng dưng bị ngã ngựa giữa dòng hay đã trở nên sức tàn lực kiệt. Tôi đã có dịp gặp những doanh nhân sức tàn lực kiệt đó. Cả một đời bươn chải, cả một đời gồng mình vật vã, ngang trái tột cùng đã nếm trải, khổ đau, oan ức tột cùng cũng đã đi qua để rồi khi buông gươm hạ giáo, tật bệnh đầy mình, họ mới có được một cái nhìn u hoài nhưng thanh thản, cái nhìn của một con người tử tế đã biết cống hiến tận cùng sức lực của mình cho nghĩa cả.

Đó là những người anh hùng, những nhân cách anh hùng. Anh hùng trong trận mạc chỉ cần một khoảnh khắc, anh hùng trong kinh tế lại phải triền miên day dứt biết bao ngày.Và anh hùng trong tuẫn nạn lại càng đòi hỏi một nghị lực phi thường hơn để không đánh mất mình, không biến mình thành một con thú hận thù. Cuộc tranh đấu để chiến thắng mình là cuộc tranh đấu khó khăn nhất. Hôm nay cuộc đời có thể còn chưa hiểu họ nhưng ngày mai, ngày kia, ngày kia nữa, nhất định cuộc đời sẽ trả lại cho họ sự công bằng.  Và nếu không trả kịp thì đã có sao. Đã mang cái nghiệp vào thân…Đó cũng là một triết lý doanh nhân, một lối hành xử mã thượng, một văn hoá làm nghề.

Và tôi cũng đã lại có dịp gặp gỡ với những người anh hùng như thế. Anh hùng cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen trong cái sự được tuyên dương đàng hoàng. Gặp để thấy rằng, hầu hết những người trong số họ nếu không muốn nói là tất cả đều thường có điểm xuất phát là một tuổi thơ tủi nhục hoặc một tuổi thanh niên quá đỗi nhọc nhằn. Một anh hùng đóng tàu, một anh hùng may mặc, một anh hùng da giày…Người này phải đi nhặt củi thuê nơi bến sông để kiếm tiền trọ học  suốt tuổi học trò, người kia cả nhà gần chục miệng ăn chỉ chui rúc trong có gần sáu thước vuông để mơ về những giấc mơ thịt cá. Và người kia nữa, tình nguyện xung vào quân đội để nhằm rửa lý lịch nhưng rửa kỹ quá, sạch quá bỗng hoá thành anh hùng. Phải chăng khổ đau nhiều thì yêu thương lắm, phẫn chí lắm thì sức bật càng căng. Cái nguyên lý hình thành nhân phẩm dường như nó cũng chỉ sơ giản như thế.

Thế giới nội tâm trong mỗi doanh nhân là một thế giới mở, càng quăng quật lại càng phì nhiêu. Đó cũng là cái vỉa tầng màu mỡ của văn học nghệ thuật khi chạm đến mảng đề tài này. Nhưng không phải ai cũng thích chạm, ai cũng đam mê, ai cũng sẵn sàng xông pha dấn thân vào với nó. Kinh tế thị trường nước ta đang còn quá mới mẻ, doanh nhân nước ta còn đang trên chặng định hình, mọi sự còn đang ở dạng vỡ hoang, doanh nhân và kinh tế là một đề tài khó, một lãnh vực hóc hiểm, xa lạ mà nếu không tường tận, không đi sâu thì không thể dụng bút được. Sân chơi sáng tạo chỉ chấp nhận những sản phẩm đích thực khi anh đã thật hiểu về nó, nhìn thấy nó, sờ và ngửi được cái mùi vị rất riêng của nó.  Vậy thì chả lẽ mình đành lười nhác nhắm mắt bỏ qua vùng đề tài có quá nhiều vỉa quặng đậm chất văn học quý giá này sao?

Thôi thì cứ viết. Yêu mà viết. Viết được đến đâu hay đến đó, cầu toàn trách bị làm gì, cứ liều mạng lao vào, biết đâu… Và tôi, một cây bút chỉ quen tung hoăng trong cảm hứng  trận mạc, cảm hứng tình yêu, cảm hứng đời thường của thôn buồn ngõ vắng cũng  nằm trong số ít những người liều mạng ấy. Khắc đi khắc đến. Cứ viết rồi nó sẽ ra. Và rồi đã ra được cả ngàn trang lúc nào không biết. Nghe đâu như sách cũng bán được, tức là cũng đã có khá khá người tìm đọc. Tốt rồi. Quá tốt! Vậy thì sẽ dồn hơi lấy sức tiến sâu vào hơn nữa, những cái viết đã qua mới chỉ mơn man ở bề vỏ.

Nhưng có một điều mà chắc không mấy ai biết, và tôi cũng tự lấy làm lạ cho cái kẻ bạo gan dám vuốt râu hùm là tôi,  đó là cho đến tận lúc này, sau vài cuốn tiểu thyết viết về doanh nhân về kinh tế bán chạy, tôi vẫn hoàn toàn lơ mơ chưa thật biết chiết khấu khác khấu hao chỗ nào, doanh thu và doanh số có giống nhau không, ngân sách và thuế má có điều gì khác biệt, vốn cố định và vốn cơ động vẫn chỉ là một thứ hay là hai, rồi xuất siêu nhập siêu, lãi ròng lại gộp quái quỷ gì nữa? Chịu! Vậy mà tôi cứ viết, vẫn viết và viết khá say như cái  kẻ điếc không sợ súng, cái kẻ đã may mắn tìm ra được một chân trời xúc cảm lấp lánh.

Bởi, để thay vào những chỗ khiếm khuyết có cố công khắc phục cả đời cũng không được ấy,  có khi còn lạc lối nghiêm trọng, tôi chỉ tập trung vào một thứ mà nếu không có nó thì sẽ không có gì cả, đó là hồn vía con người, là chiều sâu hút hoẳm trong thế giới nội tâm của doanh nhân.Và đó cũng là muôn ngả buồn vui của nỗi niềm doanh nghiệp. Cứ cái đó mà khoét cho sâu vào, khoét cho đến tận cùng chân tơ kẽ tóc của mọi thứ nhân tình thế thái là người đọc sẽ thể tất mà tha cho mình cái tội chẳng biết chiết hao với chiết khấu là gì.

ở đời làm gì có nguyên mẫu văn chương nhưng tôi đã may mắn gặp và đã mượn hình mượn bóng hai doanh nhân để khắc họa dài hơi nên hình tượng hai nhân vật, hai vị tổng giám đốc, một là con chim đầu đàn về xuất nhập khẩu thiết bị vận tải, một là nức tiếng giỏi giang về làm ra giọt mủ cao su. Một nhẹ dạ cả tin đến yếu đuối, một vốn là lính nên mọi tư duy cứ thẳng căng như đường đạn. Để cho tăng vẻ đa đoan thân phận, tăng độ sâu gai góc, tăng một chút triết lý về cái sự  kẻ dậy sớm là kẻ sẽ hứng chịu sương đêm, làm cuộc cách mạng nào chả phải trả giá nhưng biết là trả giá mà vẫn làm mới là người cách mạng, tôi bèn cho cả hai vị đều gặp cảnh tội tù và rồi đều ra tù vì không tìm được bằng chứng kết án. Thế là có hậu và thế là cũng nói lên được cái giá phải trả cho những nhân cách doanh nhân dám làm việc, dám đi tiên phong, dám  sống đúng minh. Ai dè, viết xong, sách ra được mấy tháng, không hiểu sao cả hai vị đều vào tù thật. Một vị bảy tháng, một vị một năm bốn ngày. Rồi cả hai lại ra tù, trắng án. Chỉ khác một người đã có lại được toàn bộ quyền lợi, thậm chí còn được tăng lương, một người ra cả năm nay rồi mà vẫn trôi nổi, bồng bềnh trong cái sự đời chưa biết ngã ngũ ra sao. Nó còn trôi nổi đến đâu nữa, cái đó thuộc về sự công minh của luật pháp chứ chức năng văn chương chỉ đến đó là tắc tịt.

Thì ra giữa văn học và cuộc đời có những mối liên hệ tâm linh, dự báo đáo để thật! Đáo để đến nỗi đã có không ít người chân thành khuyên tôi chẳng nên viết về doanh nhân nữa, viết, rồi để họ đi tù thì bất nhẫn lắm! Nhưng tôi chỉ cười và vẫn viết. Bởi đã nhận chân được điều này: Mọi bi kịch đều nảy sinh từ nội bộ cơm không lành canh chẳng ngọt. Sự toả sáng hôm nay đã manh nha cái  bóng tối ngày mai. Lên đến đỉnh rồi là phải xuống chứ làm sao sáng mãi, lên mãi được, vô lý! Cuộc đời hôm nay nó là như thế, con người hôm nay nó cũng là như thế. Chao ôi là cái thân phận doanh nhân giữa mù sương tối sáng đan xen.

Và những trang viết ấy cũng muốn thành tâm dự báo một điều này nữa: Do va chạm quyền lợi, va chạm tính cách và phẩm cách, thậm chí chỉ do không chịu được ai toả sáng hơn mình, con người hôm nay có thể dùng trăm phương ngàn kế, dùng đủ mọi các biện pháp hành chính, kể cả các biện pháp hình sự để vô hiệu hoá nhau, để hại nhau đều không xong nhưng nếu họ nhẫn tâm biết dùng lá phiếu trong một đại hội chính trị  là ý đồ đó ắt  được thực hiện. Hiện trạng này kêu gọi một sự hoàn thiện ngay trên những giá trị thiêng liêng nhất, những giá trị chủ, những giá trị đang từng nấc bị sói mòn.

Mưa rồi sẽ nắng. Lạnh lẽo rồi sẽ ấm nồng. Nghèo rồi sẽ giàu. Chiến tranh rồi sẽ thái hoà. Dẫu có bể dâu ra sao, dẫu đội ngũ có bị sứt mẻ, rơi rụng thế nào, dẫu người đời có thể nhìn nhận khi đúng khi sai, nhưng có một điều không thể chối cãi được là cùng với năm tháng, cùng với mọi biến thiên của hành tinh, của vũ trụ, chính đội ngũ doanh nhân ngày càng đông đảo đó  đã và đang trở  thành một lực lượng ưu tú, một động mạch chủ để nuôi dưỡng cái cơ thể còn quá đỗi èo uộc của một đất nước đang rất cần những liều kháng sinh cực mạnh. Bền bỉ và kiên trung, nổi nênh và mẫn cán, vật vã và thăng trầm, họ cứ thế khoác tay nhau đi tới làm nên hình tượng trung tâm của xã hội. Hiện tại đã nhìn ra họ, lịch sử đang đánh giá lại họ và tương lai nhất định sẽ tôn vinh họ. Như tôn vinh chính những cái gì họ đã âm thầm và nhẫn nại dâng hiến cho cuộc đời này.

Và lúc đó chắc tôi sẽ hiểu khấu hao và chiết khấu nó giống và khác nhau ở chỗ nào. Cũng như giữa thi nhân và doanh nhân tuy hai nội dung, hai tính chất  công việc nhưng tự đáy sâu tâm hồn nó lại đều chung nhau một mỹ cảm, mỹ cảm vì con người.

Một mỹ cảm văn hóa. Bởi suy đến cùng, văn hóa sẽ giúp cho con người được trở về với cõi tĩnh. Chỉ có cõi tĩnh, con người mới biết mình đang ở đâu, minh đang làm gì và mình sẽ đi về đâu trong dòng đời quá ư  ngổn ngang và soi súi này. Đó chính là lương tri, đạo lý và sự tử tế của đồng tiền./.

CL

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder