Đoán biết sẽ có ngày Phong Hóa bị chết, Nhất Linh đã xin phép ra một tờ báo dự trữ thứ hai, đó là tờ báo Ngày Nay chỉ chuyên về mỹ thuật, văn chương…
Đoán biết sẽ có ngày Phong Hóa bị chết, Nhất Linh đã xin phép ra một tờ báo dự trữ thứ hai, đó là tờ báo Ngày Nay chỉ chuyên về mỹ thuật, văn chương.
Phong Hóa là một tờ tuần báo của thế kỷ trước, số 1 ra ngày 16-6-1932, do ông Phạm Hữu Ninh làm quản lý và Nguyễn Xuân Mai giám đốc chính trị.
Nhưng ra đến số 13 thì ban quản trị sang lại cho nhà văn Nhất Linh, nên tờ Phong Hóa từ số 14 trở đi, Nhất Linh chính thức đứng tên chủ bút dưới tên thật là Nguyễn Tường Tam cùng với sự hợp tác của nhiều nhà văn, nhà báo, họa sĩ mà sau này trở thành đoàn viên của Tự Lực Văn Đoàn như Nhất Linh, Hoàng Ðạo, Thạch Lam, Khái Hưng, Tú Mỡ, Thế Lữ, Xuân Diệu, hoặc có những ngòi bút tên tuổi hợp tác – tuy không phải thành viên của Tự Lực Văn Đoàn nhưng đoạt giải văn chương do Văn Đoàn tổ chức – như Ðỗ Ðức Thu, Phan Văn Dật, Vi Huyền Ðắc, Nguyên Hồng, Anh Thơ, Tế Hanh…
Ngoài ra, có những chi tiết mà sau này ít ai được đọc lại như mục đích, chủ trương thành lập của Tự Lực Văn Đoàn với văn phong nguyên thủy thuở ban đầu cũng đã được phổ biến trên báo Phong Hóa, số 87 ra ngày 02 tháng 3-1934. Rồi thể lệ cuộc thi sáng tác gọi là “Giải Thưởng Tự Lực Văn Đoàn” được công bố 3 tháng sau ngày Văn Đoàn thành lập, cũng đã được phổ biến trên Phong Hóa số 101 ra ngày 08 tháng 6-1934.
Đoán biết sẽ có ngày Phong Hóa bị chết, Nhất Linh đã xin phép ra một tờ báo dự trữ thứ hai, đó là tờ báo Ngày Nay chỉ chuyên về mỹ thuật, văn chương.
Báo Ngày Nay số 1 ra vào ngày 30-01-1935 và tới ngày 07-9-1944, ra số 224 thì bị chính quyền thực dân rút giấy phép, đóng cửa hẳn.
Tờ Phong Hóa ra tới số 190, ngày 05-6-1936 thì đổi tên thành Ngày Nay nhưng cũng vẫn do nhóm Tự Lực Văn Đoàn đảm trách.
Tất cả những chi tiết quý báu nêu trên, gần đây đã được nhắc lại trên trang nhà của Đại Học Hoa Sen (http://tintuc.hoasen.edu.vn) trong một thông báo về sự “số hóa” các số báo Phong Hóa và Ngày Nay của Tự Lực Văn Đoàn, tức là các trang báo đã được scan lại thành digital (số hóa) và nay sẽ xuất hiện dưới dạng PDF để ai vào Net cũng có thể đọc được. Đây thực sự là một tin vui lớn lao cho những ai đã từng quan tâm tới vấn đề sách, báo “thời tiền chiến”, tức là những năm 30 của thế kỷ 20, trước Đệ nhị Thế chiến 1939-1945.
Công trình đồ sộ, công phu, tốn rất nhiều công sức này là của một nhóm nhân vật đầy thiện chí với công cuộc gìn giữ và bảo tồn văn hóa, bao gồm các vị như Phạm Thảo Nguyên, Martina Nguyễn Thục Nhi, Nguyễn Tường Thiết, Vu Gia… hợp tác với Nhóm Kỹ Thuật gồm các vị Nguyễn Trọng Hiền, Lê Thành Tôn với sự giúp sức của Đỗ Thị Kim Dung, Lê Huyền Thanh.
Là một độc giả vốn hâm mộ Phong Hóa, Ngày Nay từ thuở thiếu thời, nay được nhìn lại trên màn hình tờ báo gần như còn nguyên vẹn như ngày xưa, tôi vô cùng cảm kích và rất biết ơn các vị đã đóng góp công sức vào công cuộc bảo tồn văn hóa lớn lao này, cũng như các tạp chí Nam Phong, Thanh Nghị, Tri Tân cũng đã được nhiều nhóm thiện chí khác số hóa, để cho mọi người còn được dịp thưởng ngoạn lại những công trình tim óc của nhiều thế hệ đi trước.
***
Nhân dịp đầu Xuân, mở đọc số báo Xuân Phong Hóa năm Giáp Tuất (tức Phong Hóa số 85 ra ngày 11 tháng 02-1934), tôi xin làm một cuộc tường trình sơ lược về số báo này để chia sẻ với bạn đọc về một tờ báo Xuân đã phát hành cách nay cũng đã tròn 80 năm. Vì trang báo có hạn, tôi chỉ xin lược qua vài nét chính, muốn đọc đầy đủ chi tiết bài vở hơn, xin quý vị vào trang web:
http://tintuc.hoasen.edu.vn/vi/1437/tin-chuyen-de/so-81-den-100-bao-phong-hoa rồi click vào khung: PH 085 (11-2-1934)
Phong Hóa số Mùa Xuân Quý Dậu, 1934 dầy 36 trang khổ lớn, giá bán 20 xu. Bìa in 4 mầu do họa sĩ Le Mûr tức Cát Tường vẽ, nội dung diễn tả cảnh Cụ Lý Toét đi du xuân (xin coi hình ở trên).
Trong hình, ta thấy Cụ Lý choàng khăn đỏ che lấp cái khăn xếp mầu đen cố hữu, vai vẫn vác ô nhưng lại là cái ô “lục soạn” mầu xanh lá cây chứ không phải ô cũ rích mầu đen thường ngày. Lục soạn là một thứ lụa trơn, mỏng người Hà Nội thời đó ưa dùng, cũng để làm ô che, dù che. Một tay Cụ Lý cầm phong pháo đang đốt, tay kia nâng cái ô trên vai, ở cán ô thấy treo lủng lẳng đôi dép Gia Định buộc chung với vài túm, gói không biết bên trong đựng những gì. Tuy Cụ Lý treo đôi dép trên cán ô, nhưng chân cụ lại đi dép có quai ngang chứ không giẫm đất (tết nhất ai lại đi chân đất!). Ở ngang thắt lưng, Cụ giắt một cây quạt giấy (trời Xuân mát mẻ đâu cần quạt nhỉ?). Còn ở ngang ngực, Cụ đeo một cái bao kính mà theo nhà thơ Tú Mỡ thì cái bao này có bọc vải thêu bên ngoài cẩn tó (xin coi bài thơ họa bức tranh Bìa của Tú Mỡ ở dưới).
Năm ấy, Dậu vừa qua, Tuất đang tới nên họa sĩ vẽ thêm ở dưới chân cụ Lý có một cái bu gà trong nhốt một anh gà sống thiến đang thò đầu ra khỏi bu kêu quang quác. Bên cạnh bu gà, không hiểu sao lại không có một anh Chó cho đúng năm Tuất mà lại có một Cụ Rùa đang kéo theo nào chai rượu Văn Điển, nào bầu rượu. Lại có cả cuốn sách Niên Lịch cùng nhiều thứ linh tinh khác, đặc biệt là cái bánh chưng, chẳng hiểu sao lại bọc ngoài nhãn hiệu là “Lang Băm” (không theo dõi thường xuyên báo Phong Hóa chắc ít ai hiểu thâm ý của họa sĩ).
Riêng nhà thơ Tú Mỡ thì nơi trang 7 đã có bài thơ “Lý Toét Chơi Xuân” diễn tả nguyên trang bìa. Xin trích lại ít câu để độc giả thưởng lãm:
LÝ TOÉT CHƠI XUÂN
(tả bức tranh ngoài bìa của họa sĩ LE MÛR)
Đầu năm Lý Toét chơi xuân
Phất phơ bộ cánh, áo quần bảnh bao
Khăn nhiễu đỏ quấn đầu, quấn cổ
Áo láng thâm lót lụa mầu vàng
Quần hồng súng sính, xênh xang
Chân đi giép Nhật quai ngang điếm đời
Ô-lục-soạn vắt vai, ra dáng !
Đầu cán ô giầy láng buộc treo
Trước ngực đeo bao kính thêu
Quạt tầu chổng gọng giắt ngoèo thắt lưng
Trông dáng bộ tưng bừng phớn phở
Mắt gấp gãy nhăn nhở miệng cười
Cụ mừng tết đã tới nơi
Trời cho thăng chức lên ngôi lão làng…
…
(bài thơ còn dài, xin ngưng trích)
TÚ MỠ
Vì là Số Tết nên nội dung tờ báo tràn ngập không khí Tết.
Như nơi trang 6, tòa soạn dành nguyên cả trang cho mục Thơ có tên gọi là “Hoa Đầu Xuân”. Trong mục này ta thấy có 3 bài thơ của Thế Lữ (Hái Hoa, Tiếng Sáo Thiên Thai, Cây Đàn Muôn Điệu), và 1 bài ký tên Tường Bách chắc là của Nguyễn Tường Bách, bào đệ của Nhất Linh.
Tưởng cũng nên nhắc lại bài hát Tiếng Sáo Thiên Thai là do Phạm Duy phổ nhạc bài thơ cùng tên của Thế Lữ. Nó đã rất được ưa chuộng, ngay cả cho tới tận ngày nay. Thì ra bài thơ này đã xuất hiện lần đầu ở đây, số Xuân Phong Hóa năm Giáp Tuất 1934:
Tiếng sáo Thiên Thai
Ánh xuân lướt cỏ xuân tươi,
Bên rừng thổi sáo một hai Kim Đồng.
Tiếng đưa hiu hắt bên lòng,
Buồn ơi! Xa vắng, mênh mông là buồn…
Tiên Nga tóc xõa bên nguồn.
Hàng tùng rủ rỉ trên cồn đìu hiu;
Mây hồng ngừng lại sau đèo,
Mình cây nắng nhuộm, bóng chiều không đi.
Trời cao, xanh ngắt. – Ô kìa
Hai con hạc trắng bay về Bồng Lai.
Theo chim, tiếng sáo lên khơi,
Lại theo giòng suối bên người Tiên Nga.
Khi cao, vút tận mây mờ,
Khi gần, vắt vẻo bên bờ cây xanh,
Êm như lọt tiếng tơ tình,
Đẹp như Ngọc Nữ uốn mình trong không,
– Thiên Thai thoảng gió mơ mòng,
Ngọc Trân buồn tưởng tiếng lòng xa bay…
Thế Lữ
Cũng ở nơi trang 6 này, ta thấy có một khung quảng cáo cho tập thơ nổi tiếng “MẤY VẦN THƠ ” của Thế Lữ. Xin sao lại nguyên văn cái quảng cáo này vì nó cũng là một hình ảnh đáng ghi của quá khứ:
TỰ LỰC VĂN ĐOÀN
MẤY VẦN THƠ của Thế Lữ
(góp những bài thơ hay của Thế Lữ in thành sách).
In có hạn và in thật có vẻ mỹ thuật
In trên giấy lệnh Annam thứ trắng và dầy, chữ mực đen đè lên nét vẽ mầu xanh nhạt. Họa sĩ Trần bình Lộc trông nom về mặt mỹ thuật, ông Đỗ Văn trông nom về mặt in.
Mỗi cuốn giá 1$00, cước gửi 0$20. Trả tiền trước bằng ngân phiếu 1$20, gửi về cho người nhận thay ông Thế Lữ: Nguyễn Tường Tam, 1 Bd Carnot – Hanoi.
Bao nhiêu người gửi tiền mua thì in bấy nhiêu. Ngoài ra không bán.
Thật là một cuốn sách quý để dành riêng cho bạn yêu thơ Thế Lữ. (hết quảng cáo)
Như ở trên ta thấy, ngay trong số xuân này, tức số 85 ra ngày 11-2-1934, đã xuất hiện hàng chữ Tự Lực Văn Đoàn đặt ở trên cái tựa đề “Mấy Vần Thơ” của Thế Lữ, nhưng mãi tới số 87, ra ngày 2-3-1934 mới thấy công bố mục đích, tôn chỉ của Văn Đoàn này. Vậy nhân đây, tưởng cũng nên nhắc lại tôn chỉ của Tự Lực Văn Đoàn đã công bố trên Phong Hóa số 87, nguyên văn như sau:
Tự Lực Văn Đoàn
Tự Lực Văn Đoàn họp những người đồng chí trong văn giới; người trong đoàn đối với nhau cốt có liên lạc về tinh thần, cùng nhau theo đuổi một tôn chỉ, hết sức giúp nhau để đạt được mục đích chung, hết sức che chở nhau trong những công cuộc có tính cách văn chương.
Người trong Văn Đoàn có quyền để dưới tên mình chữ Tự Lực Văn Đoàn và bao nhiêu tác phẩm của mình đều được Văn Đoàn nhận và đặt dấu hiệu.
Những sách của người ngoài, hoặc đã xuất bản, hoặc còn là bản thảo gửi đến để Văn Đoàn xét, nếu hai phần ba người trong Văn Đoàn có mặt ở Hội-đồng xét là có giá trị và hợp với tôn chỉ thì sẽ nhận đặt dấu hiệu của Văn Đoàn và sẽ tùy sức cổ động giúp. Tự Lực Văn Đoàn không phải là một hội buôn xuất bản sách.
Sau này nếu có thể được, Văn Đoàn sẽ đặt giải thưởng gọi là Giải thưởng Tự Lực Văn Đoàn để thưởng những tác phẩm có giá trị và hợp với tôn chỉ của đoàn.
Tôn chỉ của Tự Lực Văn Đoàn:
- Tự sức mình làm ra những sách có giá trị về văn chương chứ không phiên dịch sách nước ngoài, nếu những sách này chỉ có tính cách văn chương thôi: mục đích để làm giầu thêm văn sản trong nước.
- Soạn hay dịch những cuốn sách có tư tưởng xã hội chủ ý làm cho Người và cho Xã hội ngày một hay hơn lên.
- Theo chủ nghĩa bình dân, soạn những cuốn sách có tính cách bình dân và cổ động cho người khác yêu chủ nghĩa bình dân.
- Dùng một lối văn giản dị, dễ hiểu, ít chữ nho, một lối văn thật có tính cách Annam.
- Lúc nào cũng mới, trẻ, yêu đời, có trí phấn đấu và tin ở sự tiến bộ.
- Ca tụng những nết hay vẻ đẹp của nước mà có tính cách bình dân, khiến cho người khác đem lòng yêu nước một cách bình dân. Không có tính cách trưởng giả quý phái.
- Trọng tự do cá nhân.
- Làm cho người ta biết rằng đạo Khổng không hợp thời nữa.
- Đem phương pháp khoa học thái tây ứng dụng vào văn chương Annam.
- Theo một điều trong chín điều này cũng được, miễn là đừng trái ngược với những điều khác.