Đọc tập truyện ngắn “Nắng ngoài ô cửa sổ” của Trần Ngọc Mỹ: Bài viết của Hoài Khánh

Một chuỗi không gian đầy ắp của sắc màu tình yêu về cuộc sống, tình cảm lứa đôi, tình mẫu tử thiêng liêng, những xúc cảm vô bờ bến giữa các thành viên trong gia đình, nét sinh hoạt dung dị nơi vùng quê, sự kiên nhịn của công cuộc mưu sinh, hay thậm chí đôi lúc là thực tế hờ hững vốn không khó để bắt gặp sau những cuộc chia ly tình ái, được Trần Ngọc Mỹ kể lại qua 18 câu chuyện trong tập truyện ngắn “Nắng ngoài ô cửa sổ” (Nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ – 2019).

Trần Ngọc Mỹ hiện là Thạc sỹ Y tế công cộng – Phụ trách Kiểm soát nhiễm khuẩn của Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng. Cuộc sống người dân đô thị ngày hôm nay tuy có nhiều cải thiện song vẫn bộc lộ những điều nhức nhối ở đây đó. Tác giả đã tiếp cận và phản ánh khá chân thực, dưới một cách nhìn gần gũi, đồng cảm với nhân vật và diễn giải câu chuyện đậm tính nhân văn. Trong truyện ngắn “Ký sinh thành phố” mở đầu tập truyện này, Trần Ngọc Mỹ đã khéo léo khắc họa nhân vật Trầm – một cô gái tỉnh lẻ lên ở trọ và làm ăn nơi thị thành, rồi một ngày phải khổ đau do dang dở mối tình đầu vì sự cản ngăn từ gia đình chàng trai kia. Trầm và cô bạn Lan cùng trọ một phòng đã phải dời chỗ trọ, không biết bao nhiêu lần, vì nhiều lý do, nhưng dường như, Trầm đang chốn chạy khỏi tình yêu, khỏi vết thương chưa thể lành trong một sớm một chiều của bộn bề công việc và bao mối quan hệ bè bạn đang dang tay với cô. Trầm tự nhủ “Yêu một người đã khó, quên một người càng khó hơn”. Cũng chính Trầm, lại quyết định “bỏ để mà thương” một chàng trai tên Khương lúc cô bị tuyệt vọng nhất do mắc bệnh ung thư tuyến giáp. Đến với Trầm, Khương chỉ mong muốn xoa dịu nỗi đau cho cô.

Tình yêu, chính là sự hy sinh, và tác phẩm đã dẫn lối người đọc, đến cuối câu chuyện, mới nhận ra được tình yêu cao cả mà một người phụ nữ dành cho ai đó.Thế mạnh của Trần Ngọc Mỹ là có nhiều vốn sống về hiện trạng đời sống của đối tượng người lao động xuất thân nông thôn ra thành thị lập nghiệp, kiếm sống, về ngành y, về phụ nữ yêu đương hay lập gia đình nơi xa nhà. Những hối hả, tất tả theo cuộc mưu sinh của bà mẹ hai con được Trần Ngọc Mỹ phản ánh khá dày công trong truyện ngắn “Ngày bình thường”. Tác giả phân tích tâm lý nhân vật người phụ nữ bước sang tuổi trung niên mải vật lộn kiếm sống mà “bỏ quên trái tim mình”. Trong phút giây, dòng máu đàn bà âm ỉ trỗi dậy” và thèm được mơ mộng, chiều chuộng, yêu thương. Phụ nữ cận kề tuổi bốn mươi giống bông hồng qua thời bung sắc rực rỡ, nhưng lại mang trái tim khao khát mãnh liệt hơn cả thời con gái. Chị ấm ức như ghen tị với gia cảnh hạnh phúc của chị Thương bên hàng xóm. Thương cho rằng, được sinh ra đã là một hạnh phúc, gặp được người mình thương là hạnh phúc, và hài lòng với những gì mình có cũng là hạnh phúc.Thực ra, Thương gắng gỏi chèo chống cuộc sống gia đình khi người chồng bị bệnh suy thận khá nặng. Khi biết rõ hoàn cảnh và chia sẻ, giúp đỡ nhau, hai người phụ nữ ấy thêm cảm thông và ngộ ra rằng: được sống một ngày bình thường đã là hạnh phúc vô bờ bến.

Bạn đọc có thể sẽ nhận ra chính hình ảnh của mình, hay ai đó thân thuộc ngay ở những câu chuyện đời thường mà Trần Ngọc Mỹ viết thành truyện ngắn “Con trai, con gái” hay trong truyện ngắn “Ngôi nhà không sổ đỏ”. Còn truyện ngắn “Bao giờ mới lớn” kể về mối tình nhàn nhạt, không đi tới đâu của Du và Huy. Bên cạnh đó là chuyện thầm kín của vợ chồng chị Hà. Người vợ trẻ cố chịu đựng cuộc sống với người chồng ham việc chăn gối quá mức. Nhưng khi đã sinh được hai con gái, Hà không thể chịu sự lãnh đạm, vô tâm của người một thời đã bạo hành bằng tình dục. Hà quyết định ly hôn. Hai cảnh ngộ của Du và Hà là cái cớ để tác giả muốn luận bàn cùng bạn đọc về triết lý tình yêu và hạnh phúc gia đình: “Cuộc sống này quý giá lắm từng giây phút khỏe mạnh, an yên. Có lẽ cái gì không còn phù hợp với mình nữa hay làm cho mình đau khổ quá thì phải dứt lòng bỏ thôi, nhùng nhằng mãi trong ảo mộng có thể kiếm tìm hạnh phúc với người không muốn vun đắp hạnh phúc cùng mình chỉ làm lãng phí cuộc đời ngắn ngủi, quý giá”.

Cuộc sống và con người ở nông thôn được Trần Ngọc Mỹ phản ánh khá sinh động qua nhiều trang viết. Truyện ngắn “Nhà có ba con gái” tuy không cầu kỳ cốt truyện, nhưng đủ để bạn đọc suy ngẫm và đả phá thói trọng nam khinh nữ cổ hủ còn rơi rớt lại trong cuộc sống hiện đại. Bằng lối trần thuật dung dị và sử dụng nhiều chi tiết chân thực, qua truyện ngắn “Người điên”, tác giả kể về một gia đình có người không may bị tai nạn rồi mắc bệnh tâm thần. Bên cạnh một bức tranh mô tả về đời sống nơi làng quê, truyện ngắn “Ngày không ám khói” là câu chuyện tình cảm giữa cậu con trai Lân và cô bé Hiên chỉ vừa học xong lớp 12 là nghỉ ở nhà làm vườn, hai đứa trẻ xóm giềng cùng tuổi, chơi với nhau từ bé. Chuyện tình nào cũng bị ngăn cách, không vì lý do này, thì cũng vì lý do nọ. Nhưng, tác giả đã khéo léo giải quyết nút thắt, bằng một nhân vật, bằng những chi tiết tinh tế, đó là bà Phẳng – mẹ của Lân, của khát khao lập nghiệp trồng rau sạch từ Lân, và cả của Hiên.

Những truyện ngắn “Người bán hoa mặt trời”, “Nắng vụn” phản ánh các lát cắt của đời sống thành thị mà ở đó vượt lên cái xô bồ, nhốn nháo, vẫn ánh lên nét đẹp của tình người, tình đời. Trần Ngọc Mỹ thường mượn câu chuyện đời thường có đôi phần đơn giản về cốt truyện và không bị cầu kỳ chữ nghĩa, để từ đó chuyển tải những vấn đề cần bàn luận, lý giải và nêu bật triết lý nhân sinh.

Mấy năm gần đây, Trần Ngọc Mỹ dần quen thuộc với bạn đọc gần xa bởi chị là một nhà thơ trẻ của Hải Phòng. Trước khi cho ra mắt tập truyện ngắn đầu tay này, chị đã là tác giả của 4 tập thơ in riêng: Khát những mùa yêu, Ban mai của bé (2015), Bài thơ vỗ cánh, Cho những mùa hoa dấu yêu (2017).

Trong thực tiễn văn chương Việt Nam hiện đại, trường hợp nhà thơ có tham gia viết văn xuôi như Trần Ngọc Mỹ không còn là hiếm. Sự chuyển đổi loại thể sáng tác hay đồng thời sáng tác cả thơ và truyện dễ bị giao thoa hoặc đan xen thủ pháp biểu đạt. Điều đó không khó nhận ra trong tập truyện ngắn này. Biết đâu đấy lại thêm một thế mạnh của tác giả khi xây dựng cốt truyện, miêu tả tâm lý nhân vật hoặc cách thức hành văn một số đoạn cần mang đậm chất thơ.

Đọc tập truyện ngắn “Nắng ngoài ô cửa sổ” có thể khẳng định Trần Ngọc Mỹ vừa làm thơ và cũng vừa thử sức viết văn; Đó là cách tìm tòi hướng viết của không ít tác giả trẻ nhằm bước đầu thỏa mãn sở thích sáng tác văn chương. Hiện số người viết văn xuôi ở Hải Phòng ngày càng thiếu vắng, có một tác giả Trần Ngọc Mỹ và có một tập truyện ngắn như thế này thật đáng trân trọng.

H.K.

 

 

 

 

 

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder