
Cảm giác đầu tiên khi tôi nhìn thấy hắn thật là hãi hùng.
Một đôi mắt lờ đờ, trắng dã khuất sau đám tóc lã chã phủ xuống cái mặt vô hồn. Chiếc quần cộc thùng thình lộ hai bắp đùi teo quắt, nhưng đôi ống chân lại sưng to, đầy vết lở loét lâu ngày không khỏi nên tím ngắt như hai bắp chuối hột. Và một lưỡi dao dài bọc trong giấy báo hắn cầm trong tay cứ rung lên bần bật.
Trong khi tôi suýt đánh rơi chiếc máy ảnh thì Thắng, anh bạn cùng đi, một chiến sĩ đặc công giải nghệ đã đứng phắt dậy: “Thằng Tú! Mày đến đây làm gì”? Đến lượt tên gian hoảng hốt. Nó không nghờ lại bị gọi đúng tên cúng cơm. Miệng nó nhệch lên, rớt rãi chực sều ra theo giọng nói: “Em đi xem các anh làm gì thôi.” Thắng lại dằn giọng: “Chúng tao theo dõi bọn buôn bán ma tuý dưới kia, hiểu chưa? Hé răng ra là mày vào kho, đừng trách tao xử ác!”.
Đến đây thì nó hoảng thật sự và thậm thượt lê từng bước lên đỉnh dốc. Trên ấy hình như có một cái hang trổ vào vách núi.
Chờ tôi thu dọn máy móc, Thắng vắn tắt: “Thằng này tôi biết từ mười năm trước, khi cai nghiện và tăng mười hai cân. Bây giờ thì đời nó tàn rồi. Tái nghiện, si đa, chỉ còn chờ chết”.
Trèo lên những bậc đất khoét vào núi, chúng tôi tới cửa hang. Bên kia dòng sông Hồng đỏ ngầu là thị xã Lào Cai lấp lánh trong nắng thu. Không gian hoang vắng xung quanh gợi cảm giác yên bình. Song chỉ cách có một đường tàu là đến chỗ bọn buôn bán ma túy mà họ gọi là “trắng”, “sen”, đang chí choé tranh khách dưới mấy gốc cây bên đầu cầu Cốc Lếu. Đó mới là mục tiêu trong cuộc phục kích của chúng tôi chiều hôm ấy.
…Bên cửa hang, kẻ nghiện ngập kể về mảnh đời khốn khổ của mình theo cách của người bị hỏi cung: tên khai sinh là Trịnh Quang Tú, 36 tuổi, con thứ hai của một gia đình công nhân hưu trí ở tổ 5A phường Pom Hán, thị xã Cam Đường, nay nhập vào Lào Cai. Vào bộ đội thông tin năm 1986, đóng quân ở Phong Thổ, Lai Châu. Lai Châu là đất thuốc phiện, và “nay thử, mai thử, lúc ra quân thì nghiện nặng quá rồi”.
Cuối năm 1995 Tú lãnh án 11 năm tù giam vì tội buôn bán phụ nữ. “Em chỉ môi giới thôi, được triệu mốt bạc mà đi tù. Nhưng đời em hận nhất là ở ngoài không sao vào tù lại dính si đa. Trong ấy mang được cái ống tiêm vào khó lắm. Đi lao động tự giác về, kim cắm vào bó rau muống, cái ống thì cắt ngắn tý lại, có khi gói kín bằng ni lông, xin lỗi hai anh, ấn vào đít. Mười lăm mười sáu thằng chích chung một cái ống tiêm, làm gì chả dính. Năm 1999, cán bộ trại thông báo em đã gần đến giai đoạn cuối. Ba năm nữa mới hết án, nhưng em có bệnh, mẹ em cũng chạy chọt thêm một tý, nên em đã ra được một năm”.
Chuyện đang dở, Tú bỗng lẩy bẩy tay chân: “Em vã đấy, cho em làm một tý thì mới tỉnh táo mà nói được”. Thắng nghiêm mặt nhưng gật đầu. Chiếc ống tiêm bên trong chứa thứ nước màu vàng đục đã để sẵn ở một góc hang, Tú đưa tay trái ra, gan bàn tay sưng phù và trắng đục như nặn bằng nến, ở đấy may ra mới tìm được ven.
Người ta bảo người nghiện chích còn giỏi hơn những y tá lành nghề nhất có lẽ chẳng sai. Không hề thấy một mạch máu nào nhưng Tú vẫn chích xong ống thuốc trong vài chục giây. Cây kim run run khi cắm vào. Một giọt máu ứa khi nó rút ra. Xung quanh lỗ kim đang rỉ máu, lấm tấm những vết chích khác đang mưng mủ trắng nhờ. Tôi rùng mình. Tú cũng rùng mình, nhưng hắn tỉnh táo trở lại trong nháy mắt khi thuốc ngấm.
Một chiếc xe máy FX Trung Quốc chở hai thanh niên từ phía ga Lào Cai bỗng phóng lên và phanh hự sau một gò đất. Kẻ ngồi sau rút trong người ra và bỏ lên yên xe một thanh kiếm bọc trong vỏ, rồi cả hai ngồi thụp xuống, mắt nhớn nhác. Không gian yên tĩnh của khu đồi núi hoang vắng đã bị phá vỡ. “Đến giờ bọn nó lên chích đấy”, Tú nói.
Chúng tôi tạm lui quân sau khi cho Tú tờ 20 nghìn vì dù sao đó cũng là một con người đáng thương. Thật không ngờ, hai hàng lệ tức khắc tuôn ra trên khuôn mặt tàn tạ. “Đội ơn anh, em xin”. Cái miệng của Tú lại nhệch ra trong lời mếu máo.
Tôi trở lại vào sáng ngày hôm sau, khi ánh nắng phía đông sộc thẳng vào “căn nhà” của Tú. Chiếc hang vuông như căn hầm dã chiến nguyên là kho chứa thuốc nổ để phá núi làm đường. Cửa hang có thêm tấm bình phong làm bằng bao dứa rách căng trên cái sào tre. Chân núi phía dưới đầy vỏ ống tiêm.
Từ trong hang vẳng ra tiếng người ngột ngạt, nghẹn ngào: “Mày về đi, mày bảo với bà là thế nào đi nữa cậu cũng không về đâu, cậu chết ở đây thôi, đời cậu thế là hết rồi. Cậu thương bà lắm nhưng bà đừng đi tìm cậu làm gì”.
Đó là giọng của Tú và nó làm tôi nhớ lại câu chuyện hắn kể chiều hôm trước: “Thỉnh thoảng em mới lướt qua nhà một tý. Mẹ em thương lắm, bận nào cũng cho mấy chục. Mẹ muốn em về, bảo em là có chết cũng chết ở nhà với mẹ, đừng đi đâu nữa. Nhưng bố em nghiêm, em sợ…”. “Nếu ông cụ đồng ý thì mày có về không”, tôi hỏi. Tú rưng rưng nước mắt, chẳng nói gì nhưng khẽ gật đầu…
…Trong hang có ba người. Một đứa con gái và một thằng con trai đớ ra khi chúng tôi ập vào như một vụ bắt quả tang. Tú run lên như gà phải cáo: “Đây là con Tuyết cháu em, đây là thằng Cường bồ nó. Mẹ em sai nó lên đây tìm em về thôi, chúng nó chỉ nghiện thôi chứ không tụ tập buôn bán gì đâu”.
Hai đứa nem nép đi ra khi tôi bật cho chúng xem màn hình máy ảnh: đó là những khuôn hình tôi đã chụp cả hai đang lăng xăng môi giới ma tuý dưới đường từ chiều hôm trước. Hẳn chúng nghĩ tôi và Thắng là công an.
Tú mời chúng tôi vào trong. Cái hang đất mỗi bề rộng chừng hai mét vừa đủ trải một cái chiếu tre, vách hang cũng ốp nilon. “Mưa thì sao”. Tôi hỏi. “Không việc gì anh ạ, chỉ hắt một tí”.
“Mày lấy đâu ra tiền mà ăn tiêu, chích hút? Lại đi vặt vạnh linh tinh chứ gì”. “Em sức lực thế này, đi còn không vững, làm sao ăn cắp được cái gì nữa. Em xuống dưới kia, ăn bám vào chúng nó thôi”. “Ăn bám bọn nào”. “Bọn thằng Hùng xích lô, thằng Tuấn mùi, con Mai lòng lợn, thằng Dũng sơn. Chúng nó bán hàng trắng ở dưới đường mà các anh đang theo dõi ấy.
Em chỉ trỏ cò mồi. Người mua cho một hai nghìn, chúng nó bán được cũng cho em một hai nghìn. Ngày khá thì được một hai chục, hôm lại không được hào nào. Có khi ba ngày không có hột cơm vào bụng, kiếm được đồng nào thì chỉ cóp lại mua tý thuốc. Hôm qua các anh cho tiền mới dám sang chợ ăn bữa cơm năm nghìn, mua bao thuốc lá hai nghìn rưỡi, còn lại để dành mua thuốc”.
“Mày dùng thuốc gì, mỗi ngày mấy bữa”? “Nghiện thì bao nhiêu cho nó vừa hả anh. Có tiền hay bạn bè nó mời thì đến sáu bẩy phát. Nhưng em làm gì có tiền chích hàng tốt, gặp gì chơi nấy. Chỉ dám sáng một bữa, chiều tối một bữa để nó khỏi vật mà đi ngủ thôi”.
Chỉ vào những đám lở loét ở tay chân, Tú nói: “Ngày nào em cũng bôi nước ô xy già nhưng sức đề kháng mất rồi, nó cứ phá thêm ra, vài ngày lại thêm một vết. Ban ngày em còn nhúc nhắc đi lại, nhưng đến đêm thì người sốt, chân tay buốt không ngủ được”.
Thân thể xanh mét của Tú chắc chỉ nặng chừng bốn mươi cân. Trong sự xúc động và chân thành, kẻ nghiện ngập khốn cùng vạch phía bụng trái cho tôi xem vết sẹo dài như bàn tay sâu hoắm chạy xuống bẹn. Đó là dấu tích của lần đứt ven năm 1992, bố mẹ Tú phải đem con về Hà Nội, vào bệnh viện Việt Đức nối lại.
Khi bài báo này đến tay bạn đọc thì cũng có thể con người khốn khổ ấy lại đã lang thang đâu đó, cũng có thể đã không còn trên đời này nữa. Anh bạn Thắng người bản địa của tôi nói rằng những người nhiễm HIV giai đoạn cuối như Tú dễ “đi” lắm, chỉ cần thiếu thuốc một hai ngày, hoặc gặp một cơn gió thôi.
Kết cục bi thảm ấy Tú đã biết: “Đời em còn gì nữa đâu, sống được ngày nào hay ngày ấy, may chẳng có vợ con, chỉ thương bố mẹ”…
Lào Cai – Hà Nội, tháng 10.2003.
(Bài đã đăng trên báo Lao Động, tháng 10.2003).
Chú thích ảnh:
1, Chân dung Trịnh Quang Tú
2, Hang núi của Tú